Tàn Dương Kiếm - Lãnh Nguyệt Đao
-
2: Thu Hồ Bắc Triệu Mẫn Hạ Độc Võ Đang
Nếu có một từ để nói về mùa thu ở Hồ Bắc, có lẽ chỉ có thể dùng một chữ "vàng".
Nắng thu hanh vàng như mật, xuyên qua tầng mây thành từng dải vàng mảnh mai như rót xuống tán lá vàng che kín cả Lâm Khu Thần Nông.
Mỗi lúc gió qua, lá rụng như bụi vàng rơi lác đác.
Hoàng Hạc Lâu khoác lên mình tấm áo choàng bằng cụm mây vàng đầy trang nghiêm nhưng cũng có nét gì đó gợn cô đơn.
Những thửa ruộng vào vụ lúa chin vàng như những bậc thang dành cho nàng thu lướt chân dạo chơi qua đây.
Cảnh đẹp nao lòng như vậy, nhưng không thể làm cho Triệu Mẫn nhẹ lòng chút nào.
Từng bước chân nặng chịch đưa nàng dần đến đỉnh Võ Đang.
Vẫn con đường khi xưa mà nàng và Vô Kỵ đã dắt tay nhau lên bái kiến Trương Chân Nhân, biết bao tình ý, nay mỗi bước chân lại thêm chênh vênh, cô đơn, lại có chút liêu xiêu cô quạnh.
Nàng không mặc bộ váy lụa trắng khi xưa gặp chàng nơi Cổ Liễu Sơn Trang, không phải nam trang gấm đoạn đỏ ngày thấy nhau nơi rừng thưa, nhất kiến chung tình, cũng không phải bộ áo gấm đen vân vàng ngày "cướp rể".
Nàng mặc một bộ váy đen tuyền, tôn lên làn da trắng sứ có chút hơi xanh xao.
Mái tóc búi cao gọn gàng để lộ gáy thon gọn, mịn màng.
Đôi môi không dùng chút son nào, chỉ thoáng phớt hồng như tự nhiên vốn có.
Nàng cố bước thật chậm, những mong con đường này có thể dài ra vô tận để nàng đừng đến được Võ Đang.
Con người đôi khi thật lạ, có những việc về lý không thể không làm, nhưng về tình lại nhất quyết không muốn làm, khiến người ta cũng như Triệu Mẫn bây giờ vậy.
Những bước chân nửa muốn dứt khoát tiến lên lại bị trái tim níu lại.
Chỉ là đường dài đi lâu cũng đến, cửa vào Võ Đang đã ngay trước mắt.
Cũng đã nhiều năm nàng không quay lại đây, luyện võ trường vẫn như mọi khi, các đệ tử vẫn chuyên cần tu luyện.
Chỗ luyện kiếm, khu luyện quyền, nơi lại đang tĩnh tâm rèn nội lực.
Du Liên Châu bây giờ đã giữ chức trưởng môn, đứng trên bậc bao quát tình hình luyện tập của các đệ tử.
Dù đã lớn tuổi nhưng đôi mắt ông vẫn rất tinh tường.
Bóng Triệu Mẫn vừa đến thạch môn ông đã nhận ra, vội sai đệ tử thông báo cho sư phụ và các sư huynh đệ đồng môn.
Bản thân lại vui mừng vội đi xuống chào đón cháu dâu.
Đã từ lâu lắm rồi, ngày Vô Kỵ và Triệu Mẫn quy ẩn giang hồ có ghé thăm hỏi thì hôm nay mới thấy nàng lại chơi.
Du Liên Châu tươi cười, từ xa đã gọi lớn:
- Điệt nữ đi đường vất vả quá.
Mau vào đây, sư bá đã bày sẵn trà bánh tẩy trần rồi.
Triệu Mẫn cười gượng, đi nhanh lại.
Du Liên Châu thấy nàng đi một mình, bèn nhìn ra phía sau tìm Vô Kỵ và các đồ nhi nhưng lại chẳng thấy ai.
Du Liên Châu bèn hỏi:
- Hôm nay điệt nhi không đi cùng sao? Hai đứa nhỏ Tuệ Phong, Vĩnh Tình giờ cũng đã lớn lắm rồi nhỉ?
Triệu Mẫn nghe nhắc đến chồng con, lòng đau như cắt, biển nước mắt chỉ chực trào ra nhưng nghĩ đến an nguy của con còn trong tay địch nhân lại đành nuốt lại vào trong, nở nụ cười gượng gạo, quỳ xuống thi lễ:
- Du nhị sư bá vẫn an khang chứ ạ? Hôm nay điệt nữ đi vội có chút việc ở tỉnh An Huy, đi qua Hồ Bắc mới nhớ đã lâu lắm rồi không lại vấn an thái sư phụ và các sư bá, sư thúc.
Mong thái sư phụ, sư bá, sư thúc bỏ qua cho tội xao nhãng.
Du Liên Châu vội đỡ nàng đứng lên, nở nụ cười độ lượng:
- Con và điệt nhi giờ đã quy ẩn giang hồ nơi đại mạc, đường xá xa xôi, không thể trách phạt lỗi xao nhãng được.
Mau đứng lên, theo ta vào chính điện bái kiến sư phụ.
Hai người cùng đi vào Tam Thanh Điện đã thấy Trương Tam Phong và Võ Đang Ngũ Hiệp đợi sẵn.
Triệu Mẫn thấy dáng thái sư phụ bèn vội quỳ xuống:
- Điệt nữ bái kiến thái sư phụ cùng các vị sư bá, sư thúc.
Chúc thái sư phụ, sư bá, sư thúc luôn khang kiện, an bình.
Trương Tam Phong lúc này đã quá bách niên nhưng nội công vẫn cực kỳ hùng hậu, da dẻ hồng hào, bước chân chắc chắn, cất lời trầm ấm, ánh mặt rạng ngời như cười:
- Tốt quá rồi.
Thật tốt quá rồi.
Mau đứng dậy đi.
Hôm nay đồ tôn và các đồ tằng tôn không về cùng con sao?
Triệu Mẫn cười, nói:
- Bẩm thái sư phụ, hôm nay tiểu nữ có công việc nên xuất trình một mình.
Vô Kỵ và các hài tử không đi cùng ạ.
Thấy thái sư phụ vẫn mạnh khỏe thế này, chúng con cũng yên tâm, thật đáng mừng.
Trương Tam Phong vuốt râu cười:
- Mừng là mừng cho đồ tôn, đồ tằng tôn của ta được bình an, mạnh khỏe chứ ta giờ là một ông lão rồi, truyện trong thiên địa coi như cũng trải đủ, không mong gì thọ thêm nữa.
Chỉ mong lúc nhắm mắt xuôi tay được an tịnh, không còn gì đáng tiếc.
Triệu Mẫn nghe đến đây quả không cầm được nước mắt, một giọt lệ lặng lẽ trào ra, lăn dài trên má nàng.
Trương Tam Phong thấy vậy, vô cùng kinh ngạc nhưng nàng đã kiên quyết khẽ lắc đầu.
Ông biết có chuyện gì uẩn khúc nên không hỏi nữa, bèn bảo:
- Tùng Khê, hôm nay đồ nữ tế về thăm, ta đã có bày một bữa tiệc nhẹ tẩy trần.
Nhưng đồ nữ tế đi đường xa xôi, tinh thần có chút mỏi mệt, không nên gặp đông người.
Con cho các đệ tử lui xuống thanh phòng tự tu luyện.
Viễn Kiều, con dẫn các sư đệ và đồ nữ tế ra bàn tiệc trước.
Ta có chút việc sẽ vào sau.
Tống Viễn Kiều sau khi tự tay thanh lý môn hộ con trai mình, trong lòng tuy rất đau đớn, nhưng qua nhiều năm tâm cũng đã dần an tịnh lại.
Giỡ đã lấy lại khí độ của vị trưởng bối, điềm đạm, nho nhã, vẹn phần lễ nghĩa.
Dù không còn là chưởng môn nhân nhưng ông vẫn luôn giữ vai trò tiếp đãi những vị khách quý quan trọng đến Võ Đang cũng như giao hảo với võ lâm.
Buổi tiệc được bày tại Phong Thanh Đình, gió lồng lộng nhưng tan được mây dày trắng xóa.
Những chậu cúc đại đóa Ân Lê Đình dày công vun trồng nở hoa trắng vàng ẩn hiện bên cạnh những chậu cúc mâm xôi hoa vàng ruộm.
Đạo gia ăn uống thanh đạm, trên bàn bày mấy món điểm tâm đơn giản.
Chút bánh quế, dăm ba sư tử đắp đường, cháo kê mát lành, nước mơ thanh dịu, đôi đĩa ô mai chua ngọt các loại và một bình Mai Hoa Lộ đưa chuyện thêm phần hào hứng.
Chủ khách hàng đã an tọa, Tống Viễn Kiều mở lời:
- Tuy sư bá biết cháu dâu đã đi nhiều nơi, nếm qua nhiều đặc sản các vùng nhưng cũng biết tính cháu không cầu kỳ chuyện lễ nghĩa.
Sư bá nay tưởng có Vô Kỵ và các đồ tôn đến nên chuẩn bị chủ yếu mấy món điểm tâm đơn giản, trẻ nhỏ sẽ rất thích.
Cháu dâu nếu thấy khó dùng thì để ta báo chuẩn bị thức khác nhé.
Triệu Mẫn quả thấy các vị sư bá, sư thúc rất mực quan tâm, lại chu đáo như vậy, trong tim dâng lên một nỗi bất nhẫn, quả thực lòng đau như cắt.
Mọi người thấy nàng bần thần, hẳn có chuyện khó nói bèn nói lảng đi đôi ba câu chuyện vô thưởng vô phạt.
Lát sau Trương Tam Phong đi vào, trên tay là mấy quyển tranh, đưa cho Triệu Mẫn xem:
- Đồ nữ tế, con thấy thư pháp trên bức tranh này thế nào?
Bức tranh thủy mạc vẽ cảnh núi Võ Đang rất thần diệu.
Núi xa thoáng mờ mây phủ, con suối uốn lượn nhẹ nhàng, xa xa có cầu kiều bắc ngang qua.
Con đường đá thư thả dẫn đến mái đình cạnh thạch động nhỏ.
Bức tranh này tuy hoàn chỉnh, nhưng xem ra được nhiều người chắp bút.
Trên tranh đề một bài từ ngắn:
Hữu tình phù vân tỏa
Chính ý mãn thiên không
Sơn thu túc thanh động
Viễn kiều nãi lộ khê
Triệu Mẫn đọc một lượt thấy đây là một bài thơ ca ngợi cảnh đẹp Võ Đang, liếc mắt sang lại thấy thái sư phụ đang cười nhẹ, hẳn trong tranh, trong thơ có hàm ý.
Nàng nhíu mày, nghĩ bụng:
- "Hữu – Ý – Túc – Lộ"..
Có ý gì cứ nói.
Phải chăng thái sư phụ biết mình có uẩn khúc trong lòng chăng?
Nàng động tâm cơ, bèn vờ cảm thán:
- Quả nhiên bức tranh này thực kỳ diệt, tiểu nữ thấy bút pháp trong tranh này rất phong phú nhưng lại vô cùng hòa hợp.
Xem ra chính là các sư bá, sư thúc đây chung tay vẽ nên.
Bài từ này bút lực mạnh mẽ, chính trực, quang minh lại dứt khoát không vương bụi trần, nếu không phải thái sư phụ đích thân chắp bút, chắc hẳn chẳng ai viết được.
Trương Tam Phong cười lớn:
- Tốt lắm! Con quả nhiên kiến văn phong phú, đồ tôn cũng thực là có phúc lắm mới lấy được con.
Triệu Mẫn khiêm tốn đáp:
- Tiểu nữ tài hèn trí mọn, nãy đã dám ban môn lộng phủ, thực là đắc tội.
Chỉ là bốn câu thơ này quả thực tuyệt diệu.
Tiểu nữ tức cảnh sinh tình, xin có đôi dòng thô thiển, mong được thái sư phụ, sư bá, sư thúc chỉ điểm cho.
Nói rồi nàng ngâm:
Gia đạo nghiêm manh, hành thiện ý
Môn hộ cẩn mật, đạo nêu cao
Lâm khu đại mễ túc hoàng bào
Nan phong hồng diệp nghinh tân khách
Pháp đăng nhất trản tỏ minh tâm
Môn quy nhất ý ngời chính đạo
Quy lộ khứ nhân vĩnh tưởng hoài
Tức ý viễn nhân lưu chính tâm
Bài thơ rõ là ca ngợi Võ Đang luôn nêu cao chính đạo, giữ gìn môn quy, cảnh đẹp nơi Hồ Bắc trù phú, nên thơ, dù có đi xa vẫn luôn nhớ về.
Nhưng nghe xong, mấy người ai nấy đều biến sắc mặc.
Triệu Mẫn nói thêm:
- Thái sư phụ, sư bá, sư thúc..
Triệu Mẫn từ khi làm dâu họ Hàn, cũng chính là đã coi các tiền bối, huynh đệ Võ Đang là người nhà.
Tiểu nữ tự biết thân phận người Mông, xung quanh có rất nhiều tị hiềm nhưng mọi người vẫn đối với tiểu nữ một lòng trong như nước.
Tấm chân tình này quả thực vô cùng cảm kích.
Mọi người đối với tiểu nữ được như vậy, chính là vì mọi người tin tiểu nữ, đã và luôn là vậy.
Nói đoạn, nàng quỳ xuống, tay dâng lên sáu gói bột nhỏ.
Du Liên Châu nhận lấy, nhíu mày nhìn nghi ngại.
Triệu Mẫn thưa:
- Không giấu gì thái sư phụ, sư bá, sư thúc.
Gia đình Triệu Mẫn đã nhiều năm lâm nạn, con cái ly tán.
Phu quân cũng không biết lưu lạc nơi nào.
An nguy của gia đình hiện vẫn đang trong tay địch nhân.
Tiểu nữ hôm nay lên đây, chính là mong đổi mạng mọi người lấy mạng gia đình.
Tiểu nữ biết nói điều này là phi nghĩa, phi nhân, phi lý nhưng đối với tiểu nữ thì ngoài Vô Kỵ ca ra, chỉ còn Vĩnh Tình và Tuệ Phong là động lực để tiếp tục sống.
Gia đình sau khi đã bình an, tiểu nữ xin theo chân hầu hạ thái sư phụ, sư bá, sư thúc nơi Cửu Tuyền.
Tiểu nữ mong được thành toán..
Nói đến đây, nàng quỳ dập đầu chính lạy đến đổ máu.
Võ Đang Ngũ Hiệp nhìn nhau bối rối.
Quả thực việc này quá đường đột.
Đã một thời gian dài không nghe tin tức, không ngờ gia đình sư điệt đã gặp thảm cảnh.
Thuốc này trong tay chính là độc dược, họa có kẻ điên mới uống.
Nhưng lời Triệu Mẫn vừa nói, xem ra nếu không uống thì nhất định có một trường huyết vũ.
Du Liên Châu còn chưa quyết thì Trương Tam Phong đã mở lời:
- Con đưa cho ta một gói thuốc.
Du Liên Châu chưa dám đưa thì một luồng kình phong đã nhẹ nhàng đoạt lấy gói thuốc vào tay lão đạo.
Mở ra thấy bột thuốc nửa đen nửa trắng.
Trương Tam Phong nhìn sâu vào mắt Triệu Mẫn một hồi rồi không nói gì thêm, đổ nguyên gói bột vào miệng nuốt trọn.
Mọi việc diễn ra quá nhanh, Ngũ Hiệp không ai kịp cản lại.
Nhưng thấy sư phụ đã uống, mọi người không ai bảo ai đều mở gói thuốc uống liền.
Duy chỉ có Du Liên Châu chưa uống.
Ông lấy bút, viết một phong thư, đề rõ vị trí chưởng môn sẽ do Tống Quý Bình, nhị đệ tử của Tống Viễn Kiều đảm nhận.
Đồng thời ghi thêm một số quyết sách xứ trí công việc trong phái.
Niêm phong cẩn mật, ông gọi Tống Quý Bình đến, dặn dò đôi lời rồi cho lui ra.
Lúc bấy giờ ông mới thuốc gói thuốc độc trên bàn.
Triệu Mẫn thấy từng người, từng người uống độc dược mà lòng đau như cắt, chỉ biết quỳ dập đầu, không dám ngẩng lên nữa.
Trương Tam Phong bước lại, đỡ nàng ngồi lên ghế rồi bình thản nói:
- Chúng ta tin đồ tôn bao nhiêu thì cũng tin con bấy nhiêu.
Mạng của chúng ta, con hãy dùng thật hữu ích.
Nói rồi ông thong thả bước ra ngoài, các đệ tử cũng theo chân ông về chính phòng.
Triệu Mẫn nước mắt vẫn lăn dài, lời nghẹn lại, chỉ có thể quỳ tạ một lần trước khi rời đi.
Ba ngày sau, Võ Đang phát tang, giang hồ khắp nơi đều rúng động.
* * *
Động Đình Hồ rộng bát ngát vậy mafk hông chứa nổi tâm sự của một kẻ mất cả gia đình.
Vô Kỵ nằm dài trên con thuyền tre, mặc cho song đưa đến đâu thì đến.
Mái tóc chàng từ lâu chẳng ai chải, ai búi giờ rối nùi, khô lại như đội rễ cây, lòa xòa che đi đôi mắt rực đỏ màu máu.
Da xạm lại vì nắng gió, bụi đường khắp nơi trong thiên hạ.
Áo cũng chỉ là tấm vải bố rách nát thoáng che đi tấm thân gầy guộc.
Còn đâu vẻ anh tuấn của anh hùng kháng Nguyên một thời, giờ chỉ còn là một kẻ điên cuồng vì gia đình ly tán.
Ngày đó..
ngày đó nếu chàng không đưa gia đình về Trung Thổ, thăm lại cố hương, du ngoạn Ngũ Hồ, nếu không phải vì nhân dịp gặp lại hảo hữu huynh đệ mà rời đi gặp mặt, nếu không vì mừng cho Dương tả sứ đã lên chức ngoại công mà quá chén thì gia đình chàng đâu đến nỗi.
Nhớ lại sáng hôm đó, khi quay lại Ô Quy khách điếm lớn nhất nhì vùng Ngũ Hồ thì chỉ còn thấy cảnh tang thương.
Cả khách điếm lớn như vậy mà giờ chỉ còn là đống tro tàn.
Chưởng quỹ, khách trọ bị sát hại đến không còn nhận ra nhân dạng.
Vợ con chàng thì bặt vô âm tín, sống không thấy người mà mất cũng không thấy xác.
Chàng hoảng loạn tìm kiếm trong đống tro tàn, lại hỏi khắp mọi người quanh đó.
Duy nhất chỉ có một đầu mối là đám người Cự Kình Bang kéo đến quán trọ ăn uống, rồi sự việc tang thương xảy ra.
Bao năm qua, chàng đi lại tìm kiếm trên giang hồ mà tuyệt không thấy bóng người.
Nỗi đau mất gia quyến, sự hối hận một chốc lơ là, nỗi tuyệt vọng mỗi lúc một dày theo tháng năm khắc nghiệt trôi qua đã bào mòn cả thể xác và tinh thần của Trương giáo chủ năm đó.
Xuôi theo dòng chảy Động Đình Hồ đã lâu, xung quanh bao nhiêu cảnh đẹp mà chàng thấy như đang trêu ngươi mình.
Nội lực chàng phát ra không kiểm soát, kình phong đánh loạn bốn phương làm mặt hồ rung động như trong cơn bão.
Mỗi chưởng đánh ra làm nước hồ vọt lên từng cơn sóng nhỏ, cây cối đổ rạp như bị cuồng phong quét qua.
Vô Kỵ lẩm bẩm:
- Chưa đủ..
chưa đủ!
Bỗng trong cơn cuồng loạn, chàng nghe một tiếng đàn tranh vang đến.
Tiếng đàn lúc trầm lúc bổng.
Lúc nhanh như mưa đổ rừng trúc, lúc chậm lại như suối nhỏ róc rách chảy.
Tuy mỗi lúc giai điệu khác nhau, nhưng tực chung thì khí thế bức người, làm nội lực trong người chàng lúc bấy giờ đang vô cùng xung mãn lại bị tiếng đàn đưa nội kình tác động, phát tiết càng mạnh.
Vô Kỵ điên cuồng khinh công khắp nơi hòng tìm ra kẻ dám dùng tiếng đàn trêu ngươi chàng.
Chẳng phải tìm lâu, ánh mắt chàng đã gặp một lão hán, thân mặc áo ngư phủ, tóc đã hoa râm, ánh mắt nửa cười bỡn cợt nhưng lại đầy vẻ uy nghiêm, trên đùi còn gác chiếc đàn tranh.
Một chân đạp cành dương liễu mỏng mảnh mà đứng giữa cuồng kình, một chân khoanh lại tựa như bàn trà, thả hồn theo tiếng đàn tranh, quả thật công phu khinh công và nội lực đã cao đến không tả nổi.
Vô Kỵ thấy người này lập tức phát chương đánh tới ngay.
Càn Khôn Đại Na Di, lại thêm Cửu Dương Thần Công đánh ra không chút kiếm chế, kình lực như bài sơn đảo hải.
Nhưng lão hán kia thân hình khẽ lay động như lá trúc trong gió, nhẹ nhàng tránh khỏi chiêu thức của Vô Kỵ.
Đoạn lại đeo đàn ra sau lưng, rút ở dưới đáy đàn ra một thanh liễu kiếm mỏng như lá liễu, xuất chiêu thật tinh kỳ.
Kiếm đưa đến đâu, kình phong vang tiếng u u đến đó, bao vây lấy đối phương từ bốn phương, tám hướng.
Vô Kỵ là tuyệt thế cao thủ, đâu có ngại gì mấy thứ hư chiêu.
Dù ý loạn nhưng võ ý trong người đã thành bản năng, trong khi giao đấu vẫn tự hoàn toàn vô thức thi triển.
Tay vờn vòng lớn vòng nhỏ theo chiêu Mã Bộ Ban Lan Truy của Thái Cực Quyền, hòng vây kiếm của lão hán kia vào tâm rồi từ từ ép chặt, không hở một đường thoát.
Lão hán kia cũng chẳng phải tầm thường, kiếm đi ra cũng dựa theo đủ tám cung Kinh Dịch mà xuất chiêu.
Hai chiêu thức cùng gốc, muốn triệt nhau không được mà muốn tách ra cũng không dễ.
Thoáng chốc hai người đã qua lại đến hơn trăm chiêu.
Lão hán thấy xem chừng thời gian cũng lâu, chân đi theo quy cách từ Hỏa Ly sang Phong Tốn rồi về Sơn Cấn, thoắt cái đã rời khỏi phạm vi tấn công của Vô Kỵ.
Chàng thấy địch nhân đã né ra, lại biết khinh công người này ảo diệu vô cùng, đuổi theo cũng e là không đơn giản, bèn hỏi lớn:
- Lão hán đến nơi này dùng tiếng đàn quấy ta nghỉ ngơi chăng? Có bản lĩnh hãy lại đây đấu tiếp với ta thêm trăm hiệp.
Nếu thắng thì cứ một chiêu cho ta hồn du địa phủ.
Còn nếu lão chỉ một chiêu sơ suất thì ta cũng tiễn lão sang tận Tây Thiên.
Lão hán mỉm cười, tay thu kiếm vào đàn.
Nói:
- Ta thấy ngươi võ công rất cao, lại phong phú.
Nội lực là theo tâm pháp của Cửu Dương, chiêu thức lại theo Thái Cực Quyền của Võ Đang, lúc lại là Càn Khôn Đại Na Di đã thất truyền của Tây Vực.
Người trong thiên hạ như vậy chắc chỉ có Trương giáo chủ đó sao?
Vô Kỵ hằm hằm, mất lộ hung quang, gằn giọng:
- Trương Vô Kỵ đã chết lâu rồi.
Trước mặt lão là quỷ hồn từ diêm phủ đến nhân gian báo thù kẻ làm gia đình ta tan nát.
Lão chớ lắm lời, lại đây!
Lão hán vẫn khoan thai, nói:
- Trương Vô Kỵ, ngươi để hỏa tâm che mờ minh nhân rồi.
Ta hỏi ngươi, bọn người Cự Kình Bang có tội gì mà ngươi tàn sát không trừ một ai?
Vô Kỵ nghe nhắc đến Cự Kình Bang, dường như xúc động lắm, cười lên man dại:
- Thì ra lão là người bọn Cự Kinh Bang mời đến truy sát ta.
Tốt lắm! Tốt lắm! Cự Kình Bang là ta đồ sát đấy.
Bọn chúng phóng hỏa, giết người, lại cướp mất vợ con ta.
Ngươi nói xem ta giết là phải đạo không? Không nhiều lời, xem chiêu!
Dứt lời chiêu thức lại ào ạt đánh tới.
Lão hán vẫn khoan thai khẽ nhún mình khinh công lùi lại ba trượng, rồi bất ngời lao thẳng đến, một tay xuất chiêu Thiên Sơn Chiết Thủ, một tay sử Cẩm Nã Long Trảo Công, khóa chặt chiêu thức của Vô Kỵ.
Lão hán cười:
- Ngươi quả thực mù mắt rồi.
Vốn Thái Cực Quyền của Võ Đang biến hóa không có điểm dừng, nhưng ngươi để hỏa tâm thiêu đốt, vận dụng thô thiển.
Năm đó ngươi quy ẩn giang hồ đã cùng một tuyệt đại cao thủ thời đó khảo cứu võ công, viết ra bộ Âm Dương Hợp Công, nguyện chỉ truyền cho người có tâm lương thiện, có trí thiên tư.
Nào ngờ còn chưa kịp truyền cho ai thì ngươi đã lâm vào cảnh loạn ý.
Thử hỏi còn ra thể thống gì!
Chưởng của lão hán uyển chuyển hạ xuống, đẩy Vô Kỵ ngã dúi dụi.
Nhưng phản chấn từ Cửu Dương Chân Khí cũng làm lão hán bị loạng choạng lùi lại.
Lão hán nghĩ bụng: "Tên tiểu tử này nếu không phải do loạn ý thì với nội công và võ công kia có mấy ai là đối thủ chứ.
Nếu không tìm được cách giải hỏa tâm, e rằng võ lâm sẽ còn chịu một cơn nguy biến không nhẹ."
Vô Kỵ bị một chưởng đánh không nhẹ, nhưng cơn cuồng chiến đã lên, định lao vào đấu tiếp nhưng đã không thấy dấu tích lão hán kia đâu.
Tuy vẫn điên cuồng vì không trút được cơn giận nhưng lời lão hán kia không phải là không nghe vào.
Từ từ chàng tĩnh tọa lại, thu tâm yên ổn lại một chút.
Trời cũng đã chập tối, cánh chim đã bay về tổ, chỉ còn người là không có nơi để về..
* * *
Thành Lạc Dương khi thường đã là một nơi phồn hoa đô hội, tấp nập người qua lại, nhộn nhịp quanh năm.
Nhưng vào Trung Thu, Lạc Dương mới thực khoe hết cái vẻ đẹp rực rỡ của nó.
Đèn lồng đỏ, vàng, xanh chăng kín bầu trời khắp thành.
Những chậu hoa mẫu đơn khi nụ e ấp, lúc lại rực rỡ như một người con gái đúng tuổi xuân thì đầy sức sống, được treo dọc các trà quán, tửu lầu.
Dưới đường, những quầy bán hàng thủ công, trà bách đặc sản cũng thi nhau mở lời chào khách làm không khí trong thành lại càng thêm náo nhiệt.
Hòa trong dòng người sôi động đó, Dương Bất Hối và Ân Ly sánh bước đi bên nhau, tò mò ngắm những món đồ lạ từ các vùng đem về, lại xuýt xoa khi chạm vào lụa Tô Châu mát lạnh cả tay.
Đi theo hai nàng là một nam tử tuổi còn khá trẻ, chỉ trạc ngoài hai mươi, lững thững hộ tống phía sau.
Người này mặt mũi thanh tú, da dẻ trắng trẻo, khí chất đường đường một đấng anh hào khiến bao cô nương trẻ đi ngang không cầm được cũng phải liếc mắt nhìn một cái.
Áo ngoài thiên thanh, nội phục trắng xám, hông đeo Đoạn Thủy Kiếm, hẳn người trong võ lâm nhìn qua cũng biết là đệ tử Võ Đang.
Xem ra chàng ta không hứng thú với cảnh phố phường đông đúc lắm, chỉ lững thững đi theo sau Bất Hối và Ân Ly.
Bất ngời ánh mắt chàng bắt gặp một cô nương trẻ tuổi đang cùng cha mẹ mở gánh mãi võ.
Cây kiếm trong tay nàng vung lên loang loáng tựa như nước chảy mây trôi, kiếm quang mờ ảo tựa như áng trăng rằm ẩn hiện dưới màn mây mỏng.
Chàng sững người, không phải vì kiếm háp của nàng mà vì đôi môi đỏ mọng của nàng, vì đôi mắt như hồ thu, to tròn diễm lệ, vì làn da ửng hồng vì nắng gió bôn ba.
Và nhất là vì mái tóc dài thả tung theo đường kiếm, hòa vào với ánh đỏ của ngoại trang khiến nàng toát lên vẻ đẹp vừa hư vừa thực, vừa có chút ma mị, nhưng lại cũng vô cùng thuần khiết.
Bất giác hai người ánh mắt gặp nhau, khiến nàng bối rỗi ngoảnh mặt đi, dùng kiếm vũ khỏa lấp cơn ngại ngùng.
Chàng cũng nhận ra mình có chút sỗ sàng, đang không biết làm thế nào thì tiếng Bất Hối đã gọi:
- Thương Tùng, con làm gì mà đi chậm thế?
Thương Tùng giật mình, vội rảo bước đi nhanh đến gặp mẹ nói:
- Con mải ngắm đường phố quá nên có chút chậm trễ thôi.
Ân Ly nhìn về phía gánh mãi võ, tủm tỉm cười, nói:
- Tẩu tẩu thấy, xem ra cháu đang lưu luyến hồng y nữ nhân kia thì đúng hơn.
Cũng phải, nàng đạp đến vậy kia mà.
Chỉ tiếc là..
xem ra số phận nàng ấy sẽ phải khổ.
Thương Tùng nhân mặt, nói:
- Tẩu tẩu chưa gặp người ta bao giờ mà nói gì chuyện xui rủi vậy.
Ân Ly nhéo tay chàng, nói:
- Thằng nhóc này ghê chưa.
Chưa quen biết gì người ta đã bênh chằm chặp rồi.
Rồi mai sau có thành người nhà chắc nó hốt tẩu tẩu này ra đường mất.
Thương Tùng ôm tay Ân Ly cười xí xóa:
- Tẩu tẩu nói gì lạ vậy.
Tẩu biết con thương người nhất mà.
Ân Ly không lập gia thất.
Nàng cùng anh trai giờ đã thành hộ pháp của Minh Giáo.
Vì không có con nên nàng rất thương yêu Ân Thương Tùng, con của Bất Hối và Lê Đình, coi như con ruột, rất mực cưng chiều.
Hôm nay nàng đến Lạc Dương xem tình hình chi phái Minh Giáo nơi đây bị triều đình o ép ra sao, tình cờ lại gặp hai mẹ con Bất Hối đến đây chơi nên cùng nhập bọn ngao du dạo phố phường.
Trời cũng đã muộn lại bỗng đổ cơn mưa lớn.
Ba người vội che ô chạy về khách điếm, bỗng bắt gặp ba người trong gánh mãi võ đang nép mình đứng dưới hiên chuồng ngựa trú mưa.
Nhưng mưa to, gió lớn tạt ướt cả bai người làm họ chỉ biết đứng sát vào nhau cho đỡ lạnh.
Không đành lòng, Ân Lý bảo:
- Ba người kia! Mau vào khách điếm tránh mưa.
Đứng đó thì chút nữa là chết rét đấy.
Ba người nhìn nhau ngập ngừng rồi cũng gánh đồ đi vào khách điếm.
Họ rón rén đứng ở gần cửa, đồ đạc vẫn để bên ngoài cho khỏi ướt thảm trải bên trong.
Ân Ly nói với chưởng quỹ khách điếm:
- Ta thuê thêm một phòng lớn nữa cho ba người kia.
Họ ăn uống gì cứ tính vào ta cả.
Người đàn ông trong gánh mãi võ đến, ôm quyền nói:
- Đa tạ nữ hiệp có lòng hảo sảng.
Nhưng chuyện tốt này quả không dám nhận.
Được đứng vào đây trú mưa cho khỏi ướt đã là tốt lắm rồi.
Trời ngớt mưa, chúng tôi sẽ đi ngay, không phiền chưởng quỹ phải chuẩn bị.
Ân Ly bực minh, đập bàn nói:
- Ân Ly ta trước nay hành tẩu giang hồ, nói là làm, làm là được.
Nay ta muốn giúp các ngươi, các ngươi muốn chối cũng không được.
Người đàn ông khó xử, qua lại nhìn vợ và con gái thấy cũng đã ướt rượt, lạnh công cả, đành thở dài nói:
- Ân cô nương hôm nay có lòng giúp đỡ, Kim Doãn Phật tôi nhất định ghi ơn.
Sau này có cơ hội sẽ báo đáp.
Thế rồi ba người gánh theo đồ đạc mãi võ, theo tiểu nhị lên phòng.
Ân Ly và hai mẹ con Thương Tùng chưa muốn đi nghỉ ngay bèn gọi lấy một ấm trà, đôi món ăn nhẹ cùng nhau hàn huyên tâm sự.
Lát sau, bỗng thấy cô nương mặc áo đỏ trong gánh hát kia đi xuống, tay mang theo một hộp mơ ngâm, nói:
- Gia đình tiểu nữ quanh năm rong ruổi mãi võ, không có gì quý giá.
Trong đây là chút mơ ngâm gia truyền, đặc sản của quê gia mẫu.
Mời mọi người thưởng thức cùng với trà sẽ rất hợp.
Bất Hối giờ mới nhìn kỹ cô gái trẻ này, quả thực dung mạo rất diễm lệ, lại dịu dàng thế này, chẳng trách con trai mình động lòng.
Nàng cười, nói:
- Cảm tạ tấm lòng của gia phụ, gia mẫu.
Cô nương nếu không ngại, có thể ngồi cùng chúng ta đôi lát, hàn huyên đôi câu chuyện chăng?
Cô gái này nhìn sang Thương Tùng rồi cúi gằm mặt, thưa:
- Hôm nay gia phụ, gia mẫu cũng đã mệt, tiểu nữ xin phép về phòng hầu hạ hai người.
Xin cáo lỗi.
Nói đoạn, nàng quay người đi ngay.
Thương Tùng cầm lòng không đặng, gọi với theo:
- Cô nương, xin hỏi quý tính khuê danh là gì?
Cô gái khẽ quay người lại, cúi đầu nói:
- Tiểu nữ tên Kim Doãn Phụng..
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook