Sống Lại Từ Tro Tàn
C23: Gặp lại cố nhân

Quảng trường vào một buổi chiều đầy tuyết hiện lên như một bức tranh huyền ảo và đầy mê hoặc. Tuyết trắng phủ khắp nơi, tạo nên một tấm màn lấp lánh dưới ánh đèn. Những bông tuyết rơi nhẹ nhàng từ bầu trời xám tro, mang theo cái lạnh tê buốt nhưng cũng đầy thi vị.

Nhà thờ Thánh Basil với những mái vòm nhiều màu sắc nổi bật trên nền tuyết trắng, trông như những chiếc kẹo ngọt khổng lồ. Tòa tháp Spasskaya với đồng hồ lớn điểm thời gian, đứng sừng sững giữa quảng trường, nhấn mạnh vẻ uy nghiêm của kiến trúc cổ kính.

Mặt đất được phủ một lớp tuyết dày, khiến mỗi bước chân của du khách đều để lại những dấu vết in hằn trên tuyết. Âm thanh của bước chân hòa cùng tiếng gió rít qua các tòa nhà, tạo nên một bản hòa tấu tự nhiên nhưng đầy trầm lắng.

Các cửa hàng và quán cà phê xung quanh quảng trường ánh lên những ánh đèn ấm áp, mời gọi du khách vào nghỉ chân và thưởng thức một tách cà phê nóng. Cây thông Noel khổng lồ được trang trí lộng lẫy, lung linh trong ánh đèn màu, càng làm tăng thêm không khí lễ hội.

Văn Thành đang dạo bước trên những viên đá lát cổ kính của Quảng trường Đỏ tại Moscow. Thành phố này, với vẻ đẹp lộng lẫy và lịch sử lâu đời, đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của anh trong những năm qua. Hôm nay, dưới bầu trời mờ ảo, Văn Thành cảm thấy mọi thứ thật yên bình. Bước chân đang thênh thang, bỗng anh nghe phía sau có tiếng “bịch”.

“Извини,” (xin lỗi,) một cậu thanh niên tầm hai mươi tuổi, mặc chiếc áo khoác dạ màu đen với lớp lót lông cừu, vội vàng đỡ người đàn ông đang ngã sõng soài dưới đất lên.

“Как вы, ребята, ходите?” (Các anh đi đứng kiểu gì vậy?) người đàn ông đứng dậy, mặt cau có hỏi.

“Извини,” (xin lỗi,) cậu thanh niên đi cùng cúi đầu xin lỗi, vẻ mặt bối rối.

Văn Thành quan sát và nhận ra hai cậu thanh niên kia có vẻ rất quen. Anh nhẹ nhàng tiến lại gần và phát hiện ra họ chính là Minh và Hoàng. Lòng anh vừa hồi hộp vừa lo lắng, nhưng cố gắng giữ bình tĩnh. “Giờ mình đã thay đổi, chắc họ sẽ không nhận ra mình đâu,” anh tự nhủ.

Văn Thành tiến đến gần và hỏi: “Hai bạn gặp chuyện gì khó khăn sao?”

Nghe thấy tiếng Việt Nam, Minh như vớ được vàng: “Ôi anh là người Việt hả? Anh biết tiếng Nga không? Giúp em với.”


Văn Thành thấy vẻ lúng túng của Minh thì buồn cười. “Có chứ, các em gặp chuyện gì vậy?”

“Trời tuyết dày đặc, đi đôi giày da này nó hơi trơn, nên bọn em không cẩn thận va vào anh ấy. Giờ muốn xin lỗi mà không biết nói tiếng Nga thế nào,” Minh vừa nói vừa chỉ xuống đôi giày của mình.

Văn Thành nghe vậy, quay sang người đàn ông đang cau mày nói: “Оба человека здесь говорят, что они не сделали это намеренно, просто их обувь была слишком скользкой, поэтому они не смогли удержаться.” (Hai người này nói họ không cố ý, chỉ là giày của họ hơi trơn nên không kiểm soát được.)

“Это вы, Ван Тхань, не так ли?” (Có phải anh là Văn Thành không?) người đàn ông nhìn Văn Thành một lúc rồi hỏi.

Văn Thành nhìn kỹ người đàn ông từ trên xuống dưới rồi nhận ra: “А, это Дмитрий, да? Давно не виделись, как ты? Ты здоров?” (À, là Dmitry phải không? Lâu rồi không gặp, anh khỏe chứ?)

“Я в порядке, спасибо,” (Tôi khỏe, cảm ơn,) Dmitry cười nói.

Văn Thành nhìn hai người bạn rồi lại quay sang Dmitry: “Эти два друга сказали, что очень извиняются за недавний инцидент, так как они не очень хорошо владеют русским языком и немного растерялись.” (Hai người bạn này nói họ rất xin lỗi về sự việc vừa rồi. Vì họ không giỏi tiếng Nga nên hơi bối rối.)

“О, ничего страшного, Ван Тхань. Желаю тебе хорошего дня, и надеюсь, что однажды мы сможем пойти выпить кофе вместе,” (Ồ, không sao đâu Văn Thành. Chúc cậu có một ngày tốt lành, mong rằng chúng ta có thể đi uống cà phê cùng nhau một ngày nào đó,) Dmitry vừa nói vừa nhìn đồng hồ, ra hiệu là có chút việc bận. Anh chào tạm biệt Văn Thành rồi rời đi.

Minh và Hoàng nãy giờ nghe họ nói chuyện cũng không hiểu gì nhiều, giờ thấy người đàn ông kia vui vẻ bỏ đi thì cũng yên tâm. “Cảm ơn anh.”

Văn Thành quay sang nhìn hai người họ. “Không có chi, anh là Văn Thành, rất vui được làm quen với các em,” anh nói và đưa tay ra bắt tay với họ.


“Không biết anh qua đây lâu chưa?” Ngọc Hoàng hỏi.

Văn Thành mỉm cười nói: “Anh đang học năm thứ năm khoa Kinh tế tại Đại học Tổng hợp Moscow. Năm nay anh sẽ tốt nghiệp.”

Minh lên tiếng trước: “Ơ anh cũng học đại học tổng hợp giống bọn em sao?”

Văn Thành gật gù: “À, vậy là các em cũng học tại Đại học Tổng hợp Moscow như anh rồi. Moscow mùa đông lạnh lắm, các em có quen chưa?”

Hoàng đáp. “Năm nay là năm đầu tiên chúng em qua đây du học. Chúng em đang học khoa Luật tại Đại học Tổng hợp Moscow.”

Minh cười gượng gạo: “Thật sự là chưa quen lắm anh ạ. Chúng em mới sang đây nên mọi thứ còn lạ lẫm, đặc biệt là thời tiết khắc nghiệt thế này. Nhưng cũng may có anh giúp đỡ chúng em vụ vừa rồi, không thì bối rối quá!”

Văn Thành cười đáp: “Không có gì đâu, mới sang thì chưa quen là bình thường. Thời gian đầu anh cũng vậy. Nhưng ở đây có nhiều người Việt mình, nếu cần gì các em cứ nói, anh sẽ giúp trong khả năng của mình.”

Minh phấn khởi: “Cảm ơn anh nhiều! Anh có kinh nghiệm ở đây rồi, chắc anh biết nhiều thứ. Em nghe nói Moscow có rất nhiều chỗ đẹp để thăm quan và vui chơi, chắc chúng em sẽ cần hỏi anh nhiều.”

Văn Thành gật đầu: “Đúng rồi, Moscow có nhiều chỗ đẹp lắm, các em sẽ có nhiều cơ hội khám phá. Bên cạnh việc học, nhớ dành thời gian để trải nghiệm cuộc sống ở đây, nó sẽ là kỷ niệm đáng nhớ đấy.”

Hoàng tiếp lời: “À anh Thành ơi, nếu hôm nay anh không bận thì có thể giới thiệu cho chúng em vài quán ăn ngon ở đây được không? Chúng em cũng muốn thử đồ ăn Nga, nhưng lại không biết chỗ nào ngon và hợp khẩu vị.”


Văn Thành cười: “Chắc chắn rồi. Anh sẽ dẫn các em đến vài chỗ hay ho. Món ăn Nga rất đặc biệt, các em thử qua vài món rồi sẽ thích cho mà xem. Nếu các em không ngại thì tốt nay anh sẽ mời một bữa.”

Minh và Hoàng vui vẻ đồng ý: “Dạ, quí hóa quá, bọn em rất vui! Cảm ơn anh đã mời.”

Văn Thành gật đầu: “Không có gì đâu, chúng ta đều là con Lạc cháu Hồng, giúp đỡ đồng hương là chuyện nên làm mà.”

Ba người cùng bước tiếp trên những viên đá lát cổ kính của Quảng trường Đỏ, trò chuyện rôm rả, tạo nên một bức tranh đầy màu sắc giữa lòng Moscow. Những câu chuyện của họ như làm ấm lên cả không gian lạnh lẽo của mùa đông nước Nga.

Như đã hẹn buổi tối Văn Thành dẫn Minh và Hoàng đến một nhà hàng Nga truyền thống nằm trên một con phố nhỏ yên tĩnh ở Moscow. Nhà hàng này nổi tiếng với các món ăn Nga đậm đà hương vị và không gian ấm cúng, được trang trí bằng những chiếc đèn lồng nhỏ và những bức tranh vẽ cảnh đồng quê Nga.

Khi bước vào nhà hàng, Minh và Hoàng không khỏi trầm trồ trước không gian ấm áp và lãng mạn. Họ ngồi xuống một chiếc bàn gỗ cạnh cửa sổ, từ đó có thể nhìn ra khung cảnh tuyết rơi bên ngoài. Người phục vụ mang đến thực đơn và Văn Thành bắt đầu giới thiệu các món ăn.

“Ở đây món ăn Nga rất đa dạng và phong phú. Hôm nay anh muốn các em thử một vài món đặc trưng nhé,” Văn Thành nói, rồi với vẻ mặt tinh nghịch, anh đùa: “Nhưng ở đây không có món rau muống xào tỏi đâu nhé.”

Minh và Hoàng cười phá lên. Minh tiếp lời: “Vâng, em biết rồi anh ạ. Nhưng em cũng rất muốn thử những món ăn đặc trưng của Nga.”

Văn Thành cười đáp: “Được thôi, anh sẽ gọi món ‘borscht’ – súp củ cải đỏ, một món rất nổi tiếng của Nga. Tiếp theo là ‘pelmeni’ – bánh bao nhân thịt, và cuối cùng là ‘blini’ – bánh xèo kiểu Nga.”

Hoàng háo hức: “Nghe hấp dẫn quá anh ạ! Em chưa bao giờ thử các món này.”

Chẳng mấy chốc, các món ăn đã được mang ra. Bát súp borscht nóng hổi với màu đỏ tươi của củ cải, bên trên là một chút kem chua trắng mịn. Minh và Hoàng đều hào hứng nếm thử và cảm nhận được vị ngọt thanh của rau củ kết hợp với vị béo ngậy của kem chua.

Minh khen: “Súp này ngon quá anh ạ, vị ngọt tự nhiên và kem chua tạo ra sự hòa quyện tuyệt vời.”


Văn Thành mỉm cười: “Anh cũng thích món này, vừa ngon lại vừa ấm bụng, rất hợp cho mùa đông lạnh giá.”

Sau đó, các món pelmeni và blini lần lượt được mang ra. Minh và Hoàng lần đầu tiên nếm thử bánh bao pelmeni, với nhân thịt thơm lừng và vỏ bánh mềm mịn. Họ cũng rất thích bánh blini, được ăn kèm với một chút mật ong và quả mâm xôi, tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa vị ngọt và chua.

Trong lúc thưởng thức, Minh và Hoàng chia sẻ về quê quán của mình. Minh hào hứng nói: “Bọn em đều đến từ Hà Nội, thủ đô Việt Nam. Mùa này ở Hà Nội cũng lạnh nhưng chắc chắn không lạnh bằng Moscow đâu anh ạ.”

Hoàng thêm vào: “Đúng rồi, chúng em còn nhiều điều mới lạ để khám phá. Em nghĩ việc học tập và trải nghiệm văn hóa ở đây sẽ rất thú vị.”

Văn Thành gật gù rồi đùa: “À, thế các em có biết anh từ đâu đến không?”

Minh hỏi lại: “Anh Văn Thành, anh quê ở đâu vậy?”

Văn Thành, cố gắng giấu diếm quê thật của mình ở Hà Nội, bỗng nhớ đến cô bạn Lan Phương người Nghệ An mà anh quen biết, quyết định giả giọng Nghệ An: “Anh quê Nghệ An đó, các chú. Quê anh xa lắm, nhưng mà ấm áp, thân thiện. Mà các chú thấy anh nói giọng Nghệ An nghe có được không?” Văn Thành vừa nói vừa cười, cố gắng nhái giọng đặc trưng mà anh đã học được từ Lan Phương.

Minh và Hoàng ngạc nhiên nhưng cũng cười theo. Hoàng nói: “Giọng Nghệ An của anh cũng không khó nghe lắm, mà anh ở đâu Nghệ An?”

Văn Thành có chút bối rối, giọng ấp úng cố gắng nhớ lại lúc mà Lan Phương giận anh, cô thường dùng giọng Nghệ An để nói chuyện với anh. “Anh…ở Nghi Lộc.”

Hoàng gật đầu: “Vâng, em biết rồi. Dù ở đâu thì gặp được anh ở đây chúng em cũng rất vui.”

Văn Thành chuyển lại giọng động viên: “Moscow tuy lạnh nhưng là một thành phố rất đẹp và đáng sống. Các em sẽ có nhiều kỷ niệm đẹp ở đây.”

Trên đường về, họ thêm liên lạc với nhau Minh và Hoàng cảm thấy như đã có thêm một người anh lớn nơi xứ người. Riêng Văn Thành gặp lại cố nhân cũng có chút vui, nhưng pha lẫn trong đó là những nỗi buồn sâu thẳm.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương