Sơn Quỷ
Chương 7: Thiếu Thất đương đại nhiệm - Nguyệt Quý lạc cuồng phong

Sáng ngày hai mươi ba, Thiên Cơ hồi tỉnh, nhận ra mình đang nằm trong một tòa trúc xá thanh nhã, không khí thoang thoảng mùi trầm và trên những cây đào già ngoài song cửa ríu rít tiếng chim. Chàng thử vận khí kiểm tra cơ thể, thấy kinh mạch thông suốt, chân khí sung mãn và vết thương nơi hậu tâm không còn đau đớn nữa.

Thiên Cơ mừng rỡ ngồi lên, chợt nghe tiếng già nua, hòa ái :

- Thiện tai! Thiện tai! Lão nạp mừng thí chủ tai qua nạn khỏi!

Từ ngoài cửa, một lão hòa thượng tuổi gần chín chục, râu bạc như cước, sắc mặt trang nghiêm, từ bi, bước vào.

Thiên Cơ biết đấy là ân nhân của mình, liền rời giường tre, phục xuống lạy tạ :

- Đệ tử đội ơn thiền sư ra tay tế độ!

Lão hòa thương mỉm cười, chỉ vào chiếc bồ đoàn trên sàn gạch, ý mời ngồi đàm đạo. An vị xong, ông nghiêm trang nói :

- Lão nạp là Pháp Hiển, có đôi điều muốn hỏi thí chủ!

Thiên Cơ mừng rỡ, không ngờ lại gặp được bằng hữu của sư phụ, nhưng chàng chẳng thể tự ý nói ra mối quan hệ, đành lẳng lặng ngồi nghe.

Pháp Hiển thiền sư nhìn chàng chăm chú và vuốt râu tư lự :

- Lão nạp nghe Vân Thông sư đệ kể rằng thí chủ sở đắc công phu Long Hổ thần thức của Long Hổ Tử. Nay thí chủ lại mang cả Phi hoàn của Thiết Hoàn Ma Quân Thân Cát trong người. Vậy sự thực thế nào?

Thiên Cơ cung kính đáp :

- Bẩm thiền sư. Đệ tử may mắn học được cả hai loại công phu ấy.

Pháp Hiển lộ vẻ hiếu kỳ, cười nói :

- Chúng ta hãy ra vườn. Lão nạp muốn được chiêm ngưỡng sở học của thí chủ.

Thiên Cơ ngượng ngùng tuân mệnh, theo lão thiền sư ra ngoài. Chung quanh tòa tăng xá biệt lập này, đào liễu xanh um, râm mát và u tĩnh. Thiên Cơ hít mạnh mùi cây cỏ, nghe lòng khoan khoái như được trở lại rừng xưa. Chàng nhìn quanh, thấp thoáng thấy những tháp gạch, đá cao thấp không đều ẩn hiện xa xa, lòng tự hỏi đây là chỗ nào trên núi Thiếu Thất.

Dường như vị hòa thượng đoán được thắc mắc ấy nên mở lời giải thích :

- Khu vực này được gọi là rừng tháp, nằm phía tây chùa Thiếu Lâm, gồm hơn hai trăm tòa tháp. Những tháp này cất giữ di cốt của các tổ sư cao tăng phái Thiếu Lâm.

Lão nạp phụ trách việc canh giữ tháp lâm.

Thiên Cơ tự nhủ :

- Té ra đây là nghĩa địa.

Tuy không hiểu thâm ý của vị hòa thượng, nhưng do bản tính trung hậu, chàng vẫn đem hết sở học ra biểu diễn. Pháp Hiển thiền sư thở dài hỏi :

- Tiểu thí chủ tự luyện hay thụ giáo của cao nhân nào?

Thiên Cơ mỉm cười :

- Gia sư chính là Vô Tích Thần Y Lý Dĩ!

Dù định lực trầm ổn như núi Thái mà thiền sư vẫn thoáng giật mình. Ông cau mày bảo :

- Thí chủ đừng đùa! Lý Dĩ đã tử nạn cùng toàn gia Trầm Thiên Toàn cách nay gần hai chục năm!

Thiên Cơ chỉnh sắc, chậm rãi kể sơ lược lai lịch của mình. Pháp Hiển thiền sư buồn rầu than thở :

- Ba mươi năm trước trong một lần vân du, lão nạp bị độc xà cắn ở Vu Sơn, may được Lý thần y cứu mạng, hai bên kết nghĩa kim lan, xem nhau như bằng hữu. Không ngờ Lý Dĩ lại nặng nghiệp báo, cuối đời chịu cảnh trầm luân như vậy!

Ông nghiêm nghị bảo Thiên Cơ :

- Lão nạp cùng với lệnh tôn cũng là chỗ giao tình, biết rõ ông là người quân tử, là bậc nhân tâm hiệp cốt. Nay thí chủ là hậu duệ của họ Trầm, lão nạp yên tâm phó thác trọng trách chống đỡ võ lâm, xin mời vào trong đàm đạo!

Hai người trở lại ngồi trên bồ đoàn, và Pháp Hiển thiền sư bắt đầu nói :

- Hai mươi bảy năm trước, Huyết Ấn Thần Quân Khang Nhẫn giết người không chớp mắt, bị võ lâm trừng trị ở Khuyết Sơn. Giờ đây lão tái xuất, dựng cờ Huyết Ấn bang, công khai bành trướng, ức hiếp đồng đạo, cụ thể là Bát Quái môn ở Hứa Xương.

Xét về qui củ thì các phái bạch đạo phải liên kết để ngăn chặn hành vi của Thần quân, vãn hồi thanh bình cho Trung Nguyên. Nhưng việc này không thực hiện được.

Thiền sư dừng lời, nhấc chén trà nhấp một hớp rồi kể tiếp :

- Nguyên do là cách nay một năm, năm phái bạch đạo: Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, Hoa Sơn, Cái bang đều gặp tai nạn. Trong vòng tháng tư, lệnh phù tối thượng của các phái trên đều biến mất, chỉ còn lại một phong thư đe dọa. Hung thủ thực danh là Mẫu Đơn cốc chủ Thẩm Sĩ Doanh. Lão ta thẳng thắn báo trước sự ra đời của Huyết Ấn bang, yêu cầu năm phái án binh bất động, không được cản trở việc xưng bá của Khang thần quân.

Thiên Cơ buột miệng hỏi :

- Chẳng lẽ năm phái lại chịu thua một cách dễ dàng như vậy sao?

Pháp Hiển mỉm cười chua chát :

- Tất nhiên là bổn tự cùng bốn phái kiên nhẫn dốc sức truy lùng hạ lạc của Mẫu Đơn cốc. Nhờ lực lượng đông đảo, tinh minh của Cái bang nên bọn lão nạp đã phát hiện ra vị trí của Mẫu Đơn cốc ở rìa Bắc của khu rừng Thần Y Giá, giáp với sông Hán Thủy. Nhưng tiếc rằng xung quanh Mẫu Đơn cốc đầy dẫy ác thú và chất độc, khiến mấy chục cao thủ hạng nhất bạch đạo phải bỏ mình!

Thiên Cơ cười nhạt :

- Đệ tử vốn không sợ chất độc và thú dữ!

Thiền sư gật đầu :

- Thiện tai! Thiện tai! Ý của lão nạp là muốn nhờ tiểu thí chủ xâm nhập Mẫu Đơn cốc, thu hồi lệnh phù của năm phái!

Thiên Cơ khẳng khái đáp :

- Đệ tử xin tận lực!

Pháp Hiển hài lòng bảo :

- Thí chủ quả xứng danh hậu nhân của họ Trầm, thấy việc nghĩa là lăn xả vào, chẳng tính toán lợi hại!

Thiên Cơ mỉm cười :

- Đệ tử đã từng đến Mẫu Đơn cốc, thông thuộc địa hình, nay phải đi ăn trộm một chuyến thì có gì phải suy nghĩ thiệt hơn?

Pháp Hiển mừng rỡ hỏi lại :

- Có thực là tiểu thí chủ đã từng đến chốn ấy hay không?

Thiên Cơ gật đầu :

- Năm mười tám tuổi, đệ tử cùng Lý sư phụ đi hái thuốc, đến tận rìa Bắc của Thần Y Giá. Nơi ấy có ngọn núi Thiên Hương sơn, và dưới chân là một thung lũng đầy hoa Mẫu Đơn. Ngoài tòa cung điện đồ sộ bằng đá ở giữa, trong cốc còn hơn chục căn trúc xá, đệ tử và tiên sư nhìn thấy khá nhiều nữ nhân!

Lão thiền sư phấn khởi nói :

- Tạ ơn Phật tổ phù trì! Đã có Trầm thí chủ đây, có gì mà không vãn hồi được kiếp nạn võ lâm?

Ông nghiêm giọng nói tiếp :

- Trầm thí chủ! Mẫu Đơn cốc chủ là hậu thuẫn của Huyết Ấn Thần Quân, tất bản lãnh phải hơn hẳn Khang Nhẫn. Lão nạp vì đại cuộc mà truyền cho thí chủ tâm pháp vô thượng của Phật môn để đủ sức giáng ma vệ đạo, với công phu này, thí chủ dễ dàng phá được tuyệt học Huyết Ấn chưởng của Khang thần quân!

Thiên Cơ bị Khang Nhẫn đánh cho gần chết, lòng không khỏi khiếp sợ lão, nay sắp được học kỳ chiêu, chàng vô cùng hoan hỉ. Thiền sư hắng giọng bảo :

- Lão nạp phải mất sáu mươi năm mới hiểu thấu nổi đoạn kinh công phu Vô Tướng Hàng Ma này, khi thí chủ lâm trận, chân khí ở song thủ sẽ tạo nên một lực xoáy khiến chưởng kình của đối phương bị đẩy lệch sang hướng khác.

Nói xong, ông chậm rãi đọc khẩu quyết để Thiên Cơ học thuộc. Tổng cộng chỉ hơn trăm chữ, dạy cách lưu chuyển chân khí từ đan điền qua các chính kinh.

Tâm pháp này khác hẳn với phép luyện nội công của phái Không Động mà Thiên Cơ khổ luyện từ nhỏ.

Chàng nhắm mắt thử đưa chân khí theo đường mới, đến giữa trưa đã thuần thục, khi mở mắt ra, trước mình là một mâm cơm chay và cạnh mâm có tờ hoa tiêu còn thơm mùi mực. Thiên Cơ mở ra xem :

“Trầm thí chủ nhã giám.

Ăn xong thí chủ có thể xuống núi, trở về Nghi Xương. Con Sơn Quỷ đang đợi ở cánh rừng ngoài cửa Tam Quan. Việc thu hồi lệnh phù các phái, mong thí chủ tiến hành càng sớm càng tốt. Huyết Ấn bang sắp bắt đầu cuộc chinh phục các môn phái võ lâm. Lúc ấy Bắc Đẩu môn chính là lực lượng quan trọng để chống đỡ cho chính khí giang hồ, xin thí chủ hãy vì đại cục mà tạm gác mối gia thù lại!

Pháp Hiển thiền sư cẩn bút!”.

Thiên Cơ ngẩn người suy nghĩ, quyết định tuân theo lời lão hòa thượng. Chàng nuốt vội bữa cơm chay rồi rời túc xá, nhắm hướng trọng tâm chùa Thiếu Lâm mà đi.

Chàng lần lượt vượt qua am Sư tổ Đạt Ma, am Nhị tổ, tháp Pháp Như, Đồng Quang, Pháp Hoa, Duyên Công... các kiến trúc này không lớn nhưng tinh xảo, kỳ tú. Thiên Cơ bỗng chạnh lòng, cảm thấy cuộc đời mong manh, hư ảo như đóa phù vân, cuối cùng chỉ còn lại nắm xương khô mục nát.

Lát sau, những công trình kiến trúc đồ sộ của quần thể Thiếu Lâm tự hiện ra: Đại Hùng bảo điện, đình Đạt Ma, điện Bạch Y, điện Địa Tạng, điện Thiên Phật... tất cả đều nằm dưới bóng mát của rừng cây xanh um, càng tăng phần trang nghiêm, tĩnh lặng.

Cái tên Thiếu Lâm tự có nghĩa là ngôi chùa trong rừng cây trên núi Thiếu Thất. Ba chữ này được dát vàng, nằm uy nghi trên bảng gỗ ở cổng chùa.

Đang là giờ thọ trai nên chẳng có bóng tăng lữ nào ở ngoài. Thiên Cơ hướng vào chính điện vái ba vái rồi hạ sơn.

Cuối tháng sáu, một cỗ xe song mã dừng cương trong đại trấn ở phía Bắc sông Lưỡng Giang. Người đánh xe là một chàng trai dong dỏng cao, võ phục vải màu đen.

Chàng ta xuống xe, vào Bình An tửu quán gọi hai mươi cân thịt trâu luộc và một bình rượu nhỏ. Cả chủ lẫn khách trong quán đều giật mình. Nhưng khi chàng trai mang ra xe đút vào thùng phủ bạt kín mít, họ liền đoán rằng trong xe còn có vài người nữa.

Sau đó, chàng áo đen trở vào quán chọn một bàn trong góc, gọi phần cơm, rượu của mình. Chiếc nón tre rộng vành được lột ra, để lộ gương mặt anh tuấn và hấp dẫn một cách lạ thường. Thấy người xung quanh cứ dán mắt vào mình, hắc y nhân liền đội nón lên. Chàng chính là Thiên Cơ, đang trên đường trở lại Nghi Xương, và người trong xe đích thị Sơn Quỷ Tiểu Mao.

Chỉ có nó mới xơi được hết hai mươi cân thịt luộc. Đoạn đường Thiên Cơ mới đi qua chỉ toàn ruộng lúa nước, thiếu bóng rừng cây nên hai thầy trò không thể bắt thú lót dạ. Họ đều đói meo.

Trong lúc Tiểu Ma hùng hục nhét đầy dạ dầy thì Thiên Cơ chậm rãi ăn uống. Mới được hơn chén cơm thì phía trước quán có tiếng ngựa hí thảm thiết và cả tiếng ngã vật xuống đất của con vật xấu số.

Thiên Cơ nhìn ra, thấy chủ nhân của con ngựa ấy là một phụ nữ tuổi gần ba mươi, tóc xõa dài xuống mông. Nàng ta nhìn xác tuấn mã với vẻ tiếc nuối, rồi bước vào quán.

Mọi người đều giật mình khi nhìn rõ gương mặt của nàng, làn da trắng mịn kia nổi bật lên những vết sẹo nhỏ và đỏ rực, dấu tích của một chiêu kiếm pháp, kẻ hạ thủ đã rạch hơn ba mươi vết trên trán và hai má mỹ nhân kia, kiếm pháp ấy làm lòng người phải kinh hãi.

Tuy dung nhan bị tàn phá, nhưng đôi mắt nhung huyền, sống mũi dọc dừa, cùng đôi bờ môi thanh tú đã nói lên nhan sắc trước đây của mỹ nhân.

Vật đáng chú ý nhất là bọc vải khoác ngang ngực thiếu phụ. Thiên Cơ tinh mắt nhận ra rằng có một vật sống trong ấy. Tiếng oa oa cất lên xác nhận suy đoán của chàng.

Nữ nhân ngập ngừng nhìn quanh tìm bàn trống, nhưng chẳng may mọi chỗ đều có người. Ngoài Thiên Cơ còn có nhiều bàn độc ẩm, vậy mà không ai mở miệng mời nữ nhân bất hạnh ấy cả. Đám hào khách đưa ánh mắt nhìn bâng quơ, giả như chẳng hề thấy nàng ta. Thiên Cơ đánh hơi được mùi của sự sợ hãi đang bao trùm trong quán và không hiểu tại sao.

Chàng bất nhẫn đứng lên vòng tay nói :

- Mời đại tẩu ngồi tạm! Tiểu đệ cũng sắp ăn xong!

Đôi mắt thê lương nặng trĩu của nữ nhân thoáng lên vẻ biết ơn, nàng ngồi xuống ghế đối diện, thận trọng mở bọc vải, để lộ một đứa bé đỏ hỏn, chỉ chừng bốn tháng tuổi.

Nàng vụng về thay tã cho con thơ, nhờ vậy Thiên Cơ mới biết nó là nam hài.

Đứa bé khóc ré vì đói bụng, nữ nhân bảo tiểu nhị :

- Ta còn đúng ba lượng bạc, phiền ngươi lấy cho chén sữa dê, còn lại thì dọn mâm cơm.

Thiên Cơ biết nàng đã cạn túi, nên ôn tồn nói :

- Đại tẩu đang định đi về đâu?

Thiếu phụ rầu rĩ đáp :

- Nhà thiếp ở phía nam sông Hán Thủy, còn độ bốn trăm dặm nữa.

Thiên Cơ mỉm cười, lấy ra năm đĩnh vàng mười lượng :

- Đại tẩu có trẻ thơ, chẳng thể bôn tẩu bằng đôi chân được. Số vàng này tiểu đệ xin tặng đại tẩu mua ngựa khác và làm lộ phí.

Nhờ sự chu đáo của Lan Quỳnh nên trong người Thiên Cơ lúc nào cũng bọc kín tờ ngân phiếu ngàn lượng. Do vậy, sau khi rời Thiếu Lâm tự, chàng mới có ngân lượng mua xe song mã và không rơi vào cảnh đói rét.

Nữ nhân tròn mắt kinh ngạc, không ngờ chàng trai trẻ này lại nhân hậu và hào phóng như vậy. Trong bước đường cùng, số vàng năm mươi lượng là cứu tinh của mẹ con nàng.

Nhưng mỹ nhân lại lưỡng lự, cau đôi mày liễu nói :

- Chắc thiếu hiệp mới xuất đạo giang hồ nên không nhận ra tiêu chí trên mặt thiếp. Kẻ bạc mệnh hiện đang là trọng phạm đang bị truy sát của Nguyệt Quý thánh cung, chẳng ai dám thân cận và giúp đỡ. Thiếp không nỡ hại thiếu hiệp, nên đành từ chối thịnh tình này.

Giờ thì Thiên Cơ đã hiểu vì sao các hào khách trong quán chẳng ai dám chung bàn với thiếu phụ. Chàng cười mát hỏi :

- Sự tình thế nào mong đại tẩu kể rõ.

Gã tiểu nhị đã mang sữa dê và cơm canh ra. Nữ nhân dùng thìa đút sữa cho con.

Đứa bé no bụng lại ngủ khì. Thiếu phụ cũng ăn vội hai chén rồi kể :

- Thiếp tên Thẩm Tường Vy, học nghệ ở Nguyệt Quý thánh cung từ năm mười tuổi, là tì nữ thân tín của Cung chủ. Theo luật lệ của Thánh cung thì thiếp phải suốt đời ở vậy để hầu hạ Cung chủ. Nhưng năm ngoái thiếp tình cờ gặp một nho sinh ở chân núi Nguyệt Sơn. Chàng thất chí vì công danh thất bại nên về đấy vui thú lâm tuyền.

Hai bên có tình ý với nhau, và kết quả là đứa bé này. Cung chủ phát hiện thiếp mang thai nên giết chết tiên phu và hủy dung của thiếp. Bà giam cầm thiếp trong ngục, chờ sanh nở xong là giết luôn tiểu hài. Thiếp thương con nên vừa sanh xong là đào tẩu ngay, vì vậy Nguyệt Quý thánh cung đã phát lệnh truy lùng ra khắp võ lâm và cử người truy sát. Nhưng nếu thiếp về được đến nhà gia thúc thì không còn phải sợ nữa.

Thiên Cơ nghe xong cười nhạt, quơ năm nén vàng bỏ vào bọc rồi nói :

- Thế thì tiểu đệ sẽ bảo vệ đại tẩu và cậu bé về đến nơi an toàn.

Tường Vy thở dài :

- Võ công của bọn sứ giả Thánh cung rất lợi hại, thiếu hiệp rước họa vào thân làm gì?

Thiên Cơ cười xòa :

- Làm thân võ sĩ mà không bảo vệ nổi cô nhi quả phụ thì còn mặt mũi nào xưng là trượng phu nữa.

Đám hào khách trong quán nghe câu này cúi đầu hổ thẹn. Tường Vy chợt cảm thấy từ chàng trai này toát ra vẻ oai vũ, mạnh mẽ khiến lòng nàng yên ổn. Chàng như gốc sồi già to lớn để nàng nương tựa.

Thiên Cơ gọi quán tính tiền rồi đưa mẹ con Tường Vy ra xe. Chàng bảo nàng ngồi cạnh mình, ra roi khởi hành.

Tường Vy thắc mắc :

- Sao thiếu hiệp không để mẹ con thiếp ẩn vào thùng xe hầu tránh mặt Nguyệt Quý thánh cung?

Chàng cười đáp :

- Trong đó có một con dã nhân lớn. Để đến chỗ vắng vẻ, tiểu đệ giới thiệu hai bên rồi mới ngồi chung được.

Đi thêm vài dặm, đến một khoảnh rừng nhỏ, Thiên Cơ ghé xe vào, mở bạt gọi Tiểu Mao. Tường Vy kinh hãi lùi lại, nắm chặt tay chàng.

Thiên Cơ liền trấn an :

- Đại tẩu chớ sợ. Tiểu Mao là bạn của tiểu đệ từ thời thơ ấu, tính tình thông linh, hiền lành.

Chàng bảo Sơn Quỷ :

- Tiểu Mao, đây là Thẩm đại tẩu, người sẽ đồng hành với chúng ta, ngươi mau ra mắt xem nào!

Tiểu Mao vụng về vòng tay cúi đầu chào, miệng khọt khẹt liên hồi, ánh mắt hiền hòa, vui vẻ. Tường Vy yên tâm, trèo vào thùng xe ngồi đối diện với Tiểu Mao. Để nàng đỡ sợ, Thiên Cơ vén rộng vải bạt phía trước. Tường Vy vô tình nhích tới, ngồi gần sau lưng chàng.

Xe song mã tiếp tục đăng trình, và giòng nước Lưỡng Giang thấp thoáng ở xa xa.

Chàng bỗng nghe Tường Vy thủ thỉ hỏi :

- Thiếp chưa được biết đại danh của thiếu hiệp?

Chàng vội đáp :

- Tiểu đệ là Mục Thiên Cơ, quê ở Nghi Xương.

Và chàng hỏi lại :

- Đại tẩu! Chẳng hay lai lịch Nguyệt Quý thánh cung thế nào?

Tường Vy bâng khuâng kể :

- Thánh cung nằm trên sườn núi Nguyệt Sơn, cách ngọn Cực Nam của Ngũ Đài sơn chừng vài chục dặm. Nó được thành lập cách nay gần trăm năm, ít can dự vào chuyện giang hồ, chỉ chuyên tâm luyện đan, tu tiên. Nhưng thực ra, Thánh cung âm thầm khống chế một nửa giới hắc đạo võ lâm, từ Bắc Trường Giang lên quan tái. Tuyệt học trấn sơn của họ là pho Vô Tình kiếm pháp thiên hạ vô song và khinh công Phiêu Phiêu Thần Bộ quỷ dị tuyệt luân.

Thiên Cơ nhíu mày :

- Sao tiểu đệ nghe nói pho Đại Hùng kiếm pháp của Bắc Đẩu môn mới là tuyệt học quán thế?

Tường Vy lắc đầu :

- Bốn mươi năm trước, Bắc Đẩu thư sinh Trầm Thiên Khu đã từng so tài với tiền nhiệm Cung chủ Thánh cung, sau hơn ngàn chiêu, họ Trầm đâm rách áo đối thủ.

Nguyệt Quý thánh cung chủ nhận thua. Nhưng thật ra năm ấy ông nhỏ hơn Thiên Khu đến mười tuổi. Nếu công lực ngang nhau chưa chắc ai đã thua ai.

Thiên Cơ thầm công nhận nàng có lý, thấm thía câu “Núi cao còn có núi cao hơn”.

Chàng đến gần bờ sông, địa hình càng thấp xuống, lúc còn cách hơn dặm thì Thiên Cơ nghe phía sau vọng đến tiếng vó ngựa dồn dập.

Tường Vy lần ra sau vén bạt nhìn thử. Nàng tái mặt nói với Thiên Cơ :

- Mục thiếu hiệp. Người của Nguyệt Quý thánh cung đã đuổi đến!

Thiên Cơ bình thản đáp :

- Đại tẩu cứ ở yên trong xe, để tiểu đệ và Tiểu Mao đối phó.

Chàng nhanh tay thả bạt che kín phía trước thùng xe. Toán kỵ sĩ vượt qua, dừng cương quay đầu chặn đường.

Thiên Cơ cũng dừng xe, cau mày quan sát. Phe đối phương chỉ có sáu người, gồm một nữ năm nam. Nữ áo vàng, nam áo trắng, tuổi trạc ngũ tuần.

Tường Vy ở phía sau thì thầm :

- Phụ nhân áo vàng chính là Điện chủ Hình điện Sử Vân Anh, còn năm lão áo trắng là Hộ pháp!

Thiên Cơ trầm giọng hỏi bọn Nguyệt Quý thánh cung :

- Vì cớ gì mà chư vị chặn đường tại hạ?

Sử Vân Anh cười nhạt :

- Bổn cung đã ghé qua Bình An tửu quán, biết rõ ngươi đang chứa chấp con tiện tì Thẩm Tường Vy trong xe, muốn sống sót thì hãy giao ra.

Thiên Cơ lẳng lặng nhảy xuống chìa tay :

- Mời chư vị lục soát!

Thấy chàng đứng cạnh đôi ngựa, một lão Hộ pháp thúc ngựa vòng ra phía sau xe, lão rút kiếm chặt dây buộc, vén bạt lên xem.

Bất ngờ Tiểu Mao từ trong lao ra, vung gậy sắt tấn công. Lão Bạch Y đã đề phòng, cử gươm đỡ đòn. Nhưng cú đập của Tiểu Mao nặng tựa ngàn cân, bẻ gãy đôi trường kiếm và giáng xuống vai đối phương.

Lão ta rú lên thảm thiết, rơi khỏi mình ngựa. Bọn Nguyệt Quý thánh cung thấy con dã nhân to lớn, hung hãn, lòng không khỏi khiếp vía. Đám thực khách và tiểu nhị ở quán rượu không hề nhắc đến con vật nguy hiểm này. Và Thiên Cơ đã không cho đối phương có thời gian thắc mắc, chàng tung mình lên tấn công tên Hộ pháp gần nhất.

Thấy chàng tay không vũ khí, lão ta nhếch mép khinh thường, rút kiếm điểm nhanh, tưởng chừng dễ dàng đắc thủ.

Chỉ riêng động tác rút kiếm nhanh như chớp cũng đủ biểu hiện một trình độ kiếm thuật cao cường. Còn chiêu kiếm thì uy hiếp đến chín vị trí từ mặt đến bụng Thiên Cơ, kiếm kình vút lên vo vo, kiếm ảnh loang loáng dưới ánh nắng mùa hạ.

Lão đắc ý khi thấy chàng trai áo đen kia liều lĩnh thò tay vào lưới kiếm. Nào ngờ bàn tay tả Thiên Cơ vẽ một thức trảo kỳ lạ, chụp trúng lưỡi kiếm và kéo mạnh.

Nỗi khiếp sợ trước thủ pháp ma quái đã khiến lão Bạch Y choáng váng, không kịp tay buông vũ khí, thân hình lão bị lôi về phía trước, lãnh nguyên một quyền vào ngực, văng xuống đất.

Thiên Cơ điểm chân vào lưng ngựa, tung mình lên không, nhảy bổ xuống đầu Điện chủ Hình đường Sử Vân Anh. Cùng lúc ấy Tiểu Mao vung thiết trượng phang mục tiêu thứ hai của nó.

Kiếm ngắn, trượng dài nên đối phương ở thế thất bại, vội nhảy xuống đất giao chiến. Chỉ tội cho con ngựa ô xấu số lãnh nguyên một gậy gãy xương sống, hí lên ai oán.

Bên này, Sử điện chủ cũng vung kiếm đón chiêu quyền của Thiên Cơ. Bà ta đã chứng kiến thủ pháp Thiết Trảo của chàng nên thận trọng đề phòng, dùng phép khoái kiếm điểm liền mười tám thức.

Vô Tình kiếm pháp ác độc, xảo quyệt phi thường, khiến Thiên Cơ chột dạ. Đôi bàn tay thép của chàng đánh bạt những đường kiếm nhưng không sao đoạt nổi vũ khí của đối phương. Chàng biến hóa, đá nhẹ vào đầu ngựa, con vật đau đớn lồng lên, cất vó hất tung Sử điện chủ xuống.

Bà ta vừa hạ thân xuống đã bị Thiên Cơ tấn công tới tấp. Trong bốn lão còn sống thì đã có ba người đang vây đánh Tiểu Mao. Dù họ có kiếm thuật thượng thừa cũng nhất thời bất lực trước thần lực khủng khiếp của con dã nhân. Nó hung hãn xông vào như cơn lốc, bất kể tử sinh, khiến đối thủ phải thoái lui.

Lão thứ tư vung gươm đánh vào phía sau Thiên Cơ, cùng Điện chủ tạo thế tấn công. Trước sự liên thủ của hai tay kiếm lợi hại, Thiên Cơ bắt đầu lúng túng. Chàng phải liên tục di chuyển để tránh đòn hiệp bích.

Nhưng phe đối phương đã thi triển Phiêu Ảnh thần bộ, chập chờn như ma trơi, chẳng phân biệt thực hư. Sau hơn khắc cầm cự, Thiên Cơ đã trúng hai kiếm vào vai và lưng, chàng động nộ, bất ngờ rút Thiết hoàn, nghiến răng xông về phía Sử Vân Anh, xuất chiêu “Thiên Lý Yên Ba” (ngàn dặm khói sóng).

Thiết hoàn tạo nên màn sương khói mịt mù quanh Thiên Cơ, và như cơn sóng dữ chụp lấy mục tiêu. Tiếng thép chạm nhau ngân vang, vòng sắt tròng vào thân kiếm, khóa chặt lại. Đồng thời, hữu thủ của Thiên Cơ chụp vào ngực kẻ địch, chàng liều mạng đem pho Phi Hoàn thất thập nhị thủ ra sử dụng, nào ngờ lại đắc thủ dễ dàng.

Có lẽ tuyệt học này là khắc tinh của Vô Tình kiếm pháp.

Sử Vân Anh hồn phi phách tán, buông kiếm tháo lui, bảo toàn được mạng sống, nhưng ngực áo rách toang và nhũ hoa bên tả bị cào bốn đường tóe máu.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương