Sát Sở
Chương 10: Thất phát đoạn mi

Hồi Bách Hưởng đáp:

– Thất Phát Thiền Sư .

Nói đến cái tên này, ngữ khí của Hồi Bách Hưởng chợt trầm xuống.

Hồi Bách Ứng cũng động dung lần thứ hai:

– Âu Dương Thất Phát?

Hồi Bách Hưởng gật gật đầu đáp:

– Chính là Bách Đại Hồng Bào, Âu Dương Thất Phát!

(Lời chú: “Đại” ở đây là cái túi).

Hồi Bách Ứng "ồ" lên một tiếng nói:

– Vậy tưởng tất là Du Ngọc Già mới có thể mời được người này.

Hồi Bách Hưởng đáp:

– Kỳ thực, Thất Phát Thiền Sư cũng chỉ cần tiền. Ai có tiền đều có thể mời được lão.

Hồi Bách Ứng nói:

– Chỉ bất quá là rất nhiều tiền thôi phải không?

Hồi Bách Hưởng thốt:

– Năm xưa lão đã từng lập chí xây chín mươi chín ngôi chùa trên Nga Mi Sơn, nghe nói giờ lão đã đủ tiền để xây dựng ba mươi sáu tòa đại miếu tiểu miếu rồi.

Hồi Bách Ứng nói:

– Với người xuất gia mà nói thì vị Thất Phát Đại Sư này có thể coi là phú hào rồi.

Hồi Bách Hưởng nói:

– Vì thế lão mới mặc một chiếc áo cà sa có tới mười mấy chiếc túi lớn để ra ngoài hóa duyên. Nghe nói mỗi lần trở về đều đầy ắp vàng bạc trong đó.

Hồi Bách Ứng nghĩ ngợi giây lát, thở dài một hơi thốt:

– Trợ thủ mạnh như Thất Phát Thiền Sư chúng ta đang rất cần. Nhiều thì ta không có, nhưng nếu chỉ xây một hai chục ngôi chùa thì ta vẫn có thể bỏ ra được.

Hồi Bách Hưởng kính cẩn nói:

– Vâng.

Tuy vậy trong lòng hắn lại nghĩ:

– Nếu như mời vị dị tăng này trợ lực, e rằng cái giá mà Diệu Thủ Đường phải bỏ ra sẽ là một khoản xưa nay chưa từng thấy rồi.

Ngoại trừ dùng để liên lạc với triều đình, cấu kết quan phủ, trước giờ Diệu Thủ Đường chỉ thu về nhiều chứ rất ít khi bỏ ra. Hồi Tuyệt vừa mới chết, Hồi Bách Ứng lập tức thay đổi. Xem ra không phải vì đau lòng mà phát cuồng, mà như đang chuẩn bị trùng tân chấn hưng vậy.

Chỉ là Thất Phát Thiền Sư có đáng với cái giá bỏ ra đó không?

Hồi Bách Hưởng rất hoài nghi.

Hắn đang tiếc khoản tiền lớn đó.

Hồi Bách Ứng không thèm liếc mắt cũng nhìn thấu được tâm sự của bào đệ:

– Muốn làm đại sự thì phải tốn công sức. Muốn thành đại sự thì phải bỏ ra nhiều vốn. Tiểu Bích Hồ Du Gia quật khởi nhanh như vậy chính là vì bọn chúng nhìn xa, nhìn chuẩn, hơn nữa vung tay cũng rất mạnh, lại biết dùng người nữa.

Y ngừng lại giây lát rồi lại nói tiếp:

– Ưu điểm của địch nhân chúng ta nhất định phải lưu tâm, nhất định phải nhớ kỹ.

Chúng ta cần phải nắm bắt được nhược điểm của địch nhân, nhưng điều quan trọng hơn đó là phải học tập sở trường của địch, đối địch như vậy thì mới không hao tổn mà ngược lại còn có lợi cho bản thân.

Hồi Bách Hưởng chỉ thấy ngoại trừ sợ hãi ra, trong lòng hắn còn sinh ra một cảm giác kính phục với vị huynh trưởng này.

– Vâng.

Hồi Bách Ứng giờ mới vừa ý, hỏi tiếp:

– Vậy người mà Cát Linh Linh gọi đến là ai?

Hồi Bách Hưởng đáp:

– Không biết.

Hồi Bách Ứng ngạc nhiên:

– Không biết?

Hồi Bách Hưởng nói:

– Chúng ta chỉ biết y là một thanh niên nhân, trên má có một nốt ruồi, tên gọi là Sái Tuyền Chung. Người ta hoài nghi, y còn có tên khác nữa vì trên giang hồ có tới bảy tám cao thủ thanh niên có nhiều điểm tương đồng với y, nhưng vẫn chưa thể chứng thực có phải là y hay không.

– Sái Tuyền Chung?

– Sái Tuyền Chung!

– Y dùng binh khí gì?

– Người của chúng ta chưa từng thấy y động binh khí, chỉ biết là trên tay y có cầm một thanh kiếm.

Hồi Bách Ứng hừ lạnh:

– Kiếm là thứ binh khí phổ biến nhất.

Hồi Bách Hưởng nói:

– Nhưng đó là một thanh kiếm đặc biệt.

Hồi Bách Ứng hỏi:

– Đặc biệt thế nào?

Hồi Bách Hưởng nói:

– Thanh kiếm đó của y ít nhất cũng phải dài tới chín thước.

Kiếm thông thường chỉ dài ba thước bảy thốn, nếu dài đến bốn thước đã có thể coi là trường kiếm, vậy mà thanh kiếm này lại dài tới chín thước. Chuyện khác không nói, chỉ riêng chuyện sử dụng đã không phải chuyện dễ rồi.

Đó là loại kiếm pháp gì mà lại dùng một thanh kiếm dài như vậy?

Hồi Bách Ứng trầm ngâm hồi lâu mới nói:

– Nói như vậy thì đại khái là ngày mai cả ba kẻ đó sẽ cùng đến Lạc Dương phải không, hơn nữa còn có thể đụng đầu với Truy Mệnh.

Hồi Bách Hưởng nói:

– Truy Mệnh trước giờ luôn truy tung ba kẻ này.

Hồi Bách Ứng nói:

– Một mình y truy tung ba kẻ đó?

Hồi Bách Hưởng đáp:

– Vâng.

Hồi Bách Ứng thốt:

– Với võ công của Truy Mệnh, một chọi một tuyệt đối không thành vấn đề.

Hồi Bách Hưởng tiếp lời nói:

– Nhưng lấy một địch ba thì rất khó nói.

“Nói như vậy, ngày mai Lạc Dương nhất định có kịch hay xem rồi”. Hồi Bách Ứng khẽ thở dài nói, định đưa tay vuốt vuốt khuôn mặt của Hồi Tuyệt, nhưng lại thu tay về túi áo, trong giọng nói vẫn lộ ra vẻ bi thống vô hạn:

“Nếu tiểu Tuyệt còn sống, có chuyện náo nhiệt như vậy, nhất định nó sẽ đòi đi xem ...”.

Đột nhiên thanh âm của y nghiêm lại, biến thành lạnh lùng, ổn định, thấp trầm tới mức khàn đi, tràn đầy quyền uy và phong sương:

– Diệu Thủ Đường phải dùng tên Phương Tà Chân đó. Nếu không thể dùng thì mới trừ đi. Ngoài ra cũng phải toàn lực tranh đoạt Thất Phát Thiền Sư với Du Ngọc Già. Còn tên Đoạn Mi Lão Yêu đó, xem ra y sẽ đến tìm ta trước. Đồng thời cũng phải hết sức để ý đến Sái Tuyền Chung.

Y nói đến đây thì đưa tay đặt lên ngực thi thể, phảng phất như muốn thử xem tim có còn đập hay không:

– Ngươi đi phân phó thuộc hạ làm việc đi!

Hồi Bách Hưởng nói:

– Vâng.

Đoạn quay cúi người lùi bước.

Hắn biết vị "lão nhân" này đang cần thời gian ở cùng "hài tử" của y.

Hắn rời khỏi nội sảnh, liền đi đến một căn nghị sự đường.

Tất cả nhân viên quan trọng trong Diệu Thủ Đường đều tập trung ở đây đợi hắn.

Bọn họ đang đợi, có thể căn bản không phải là Hồi Bách Hưởng, mà là đợi mệnh lệnh của vị lão nhân vừa mất đi đứa con duy nhất kia.

Rất nhiều người đều cho rằng một trận chiến lớn mang tính quyết định sẽ xảy ra, thời cơ Diệu Thủ Đường tiêu trừ thế lực của đối thủ đã tới ... đại đa số đều đang ma quyền sát chưởng, chuẩn bị quyết chiến.

Bọn họ đều là những nhân viên tinh minh mẫn cán, trung thành tuyệt đối của Diệu Thủ Đường. Hồi Tuyệt vong mệnh chưa được một thời thần, tất cả đã bỏ hết mọi việc quan trọng của mình sang một bên, đến đây tụ tập chỉ để đợi một câu nói của Hồi Bách Ứng. Một mệnh lệnh.

Loại mệnh lệnh này thông thường đều do Hồi Bách Hưởng truyền đạt.

Vì thế khi Hồi Bách Hưởng truyền đạt quyết sách của Hồi Bách Ứng:

"Không được báo cừu, thu phục Phương Tà Chân, lôi kéo Thất Phát Đại Sư, trọng dụng Đoạn Mi Lão Yêu, phát triển Diệu Thủ Đường", rất nhiều người cảm thấy thất vọng, thậm chí là bất mãn.

– Nhân tâm khả dụng!

– Ai binh tất thắng!

– Tại sao không nhân lúc này đại phản kích Lan Đình Trì Gia một trận, ít nhất cũng phải giết chết tên Phương Tà Chân đó rồi băm thây thành vạn mảnh!

– Nói đến nhân tài, trong đường chẳng lẽ không có nhân vật xuất sắc hay sao mà đường chủ phải cầu ở bên ngoài?

Rất nhiều người cảm thấy có chút phẫn nộ bất bình.

Kỳ thực truyền đạt lời nói của một người, tuyệt đối là một học vấn cực cao.

Mình muốn một người đi làm chuyện gì đó, vốn là có tâm muốn bồi dưỡng y, cho y cơ hội, nhưng nếu như người truyền đạt không nắm được nguyên ý, rất có khả năng sẽ làm đối phương cho rằng mình đang đem y làm trò tiêu khiển, làm khó y, thậm chí cho rằng mình đang làm phiền y, chọc phá y. Cũng như giống như vậy, nếu như là một chuyện tốt, một chuyện có hứng thú, hoặc có ý nghĩa, nhưng lại bị một người không có thành ý, hoặc hoàn toàn không có hứng thú truyền đạt lại, rất có thể sẽ biến thành một chuyện hết sức vô vị, buồn chán.

Vì vậy, phàm là những lãnh tụ thành công đều phải có những "người truyền đạt" giỏi bên mình. "Người truyền đạt" giỏi có thể biến chuyện tốt lại càng tốt hơn, thay thế, bổ cứu những từ ngữ, lời nói vượt quá khuôn khổ, hóa giải những bộ phận mang tính phá hoại, biến chúng thành kiến thiết. Vì thế công lao của một "người truyền đạt" thành công, tuyệt đối không dưới những "công thần" khác.

Một người truyền đạt tồi, nhỏ có thể phá hại quan hệ hài hòa giữa chủ và tớ, lớn có thể hủy quốc diệt bang.

Hồi Bách Hưởng chỉ truyền đạt mà không giải thích.

Một số việc nếu không được giải thích, sẽ có rất nhiều người vì trí lực và góc độ lý giải sẽ sản sinh hiểu lầm, hiểu lầm nghiêm trọng.

Hồi Bách Hưởng không quản những chuyện này.

Y chỉ đi tìm một mình Hồi Vạn Lôi.

Hồi Vạn Lôi là người chủ trì mọi hành động võ lực trong Diệu Thủ Đường. Nếu như ra khỏi Diệu Thủ Đường, thân phận y tuyệt đối không dưới so với chưởng môn của thập nhất đại môn phái trong võ lâm đương kim, võ công của y chỉ sợ cũng xấp xỉ với thủ lãnh, chưởng môn của Thiếu Lâm, Võ Đang, Phi Ngư Đường, Kim Phong Tế Vũ Lâu, Lục Phân Bán Đường, Thiên Dục Cung ...

Hồi Vạn Lôi giống như một cây cổ thụ.

Lão thụ bàn căn.

Nghiêm khắc mà nói, y giống như một cây thần mộc.

Một cây thần mộc từng bị sét đánh.

Ấn tượng đầu tiên của Hồi Vạn Lôi gây cho người khác chính là ấn tượng về một kẻ sét đánh không chết, hơn nữa sau khi bị sét đánh còn có thể trùng sinh, sức sống còn mạnh mẽ hơn trước.

Trên thực tế, Hồi Vạn Lôi đúng thực từng bị sét đánh hai lần. Lần thứ nhất y bị một luồng sét đánh trúng mà không chết. Lần thứ hai, là do y tranh đoạt địa bàn ở thành Bắc Kinh cho Hồi Bách Ứng, kết quả bị đệ nhất hảo thủ của Lục Phân Bán Đường Lôi Động Thiên dùng Ngũ Lôi Thiên Tâm đánh trúng đỉnh đầu, ngay cả Hồi Bách Ứng cũng cho rằng y chết chắc, vậy mà y vẫn không chết.

Vì thế trong võ lâm, Hồi Vạn Lôi được gọi là Bất Tử Chi Nhân.

Y không chết, nhưng người chết trong tay y đã quá nhiều, quá nhiều rồi.

Khi Diệu Thủ Đường mới quật khởi, chính Hồi Vạn Lôi cũng cảm thấy mình giết người quá nhiều, cần phải hạn chế bản thân, một ngày chỉ được phép giết ba người mà thôi, nhưng về sau này, chính bản thân y cũng không dám tính toán nữa.

Nếu tính toán nữa, chính y cũng cảm thấy khó chịu.

Bởi vì cả y cũng không nhớ rõ, có lúc trong một ngày y đã giết hết cả chỉ tiêu một tháng.

Hồi Bách Hưởng hỏi y:

– Thưa cậu, cậu cảm thấy quyết định của đường chủ thế nào?

Hồi Vạn Lôi nắm chặt tay đáp:

– Y nhất định đã điên rồi.

Vì ở trong Diệu Thủ Đường y có địa vị cực kỳ tôn quý, lại có công lao vô cùng hiển hách và quan hệ thân tộc với Hồi Bách Ứng nên Hồi Vạn Lôi nói chuyện tương đối tùy tiện, thậm chí là phê bình cũng rất tùy tiện.

Từ ngàn xưa đến nay, những người tự cho rằng mình "có thể nói mấy câu", "nên nói mấy câu" mà gặp phải tai ương không biết đã có bao nhiêu rồi? Người người đều cho rằng nói mấy câu thì cũng "chẳng có quan hệ gì cả", nhưng trên thực tế, có lúc chỉ nói mấy câu cũng nghiêm trọng như là đâm người khác mấy đao, hoặc giả đâm chính mình mấy đao vậy.

Hồi Bách Hưởng biết rõ tính nghiêm trọng của vấn đề này.

Hắn biết thay người khác nói tốt là một chuyện rất đáng tiền, vì thế hắn rất kiệm lời, không bao giờ nói lời tốt cho người khác mà bản thân không được lợi.

Cho dù Hồi Bách Ứng rất tín nhiệm hắn, thậm chí có thể nói tuyệt đối tín nhiệm hắn, song chỉ riêng một chữ "tiền" thì lại tuyệt đối không tín nhiệm hắn.

Về mặt tiền bạc, Hồi Bách Ứng chỉ tín nhiệm một mình phu nhân của y.

Hồi phu nhân lại không tín nhiệm Hồi Bách Hưởng.

Chuyện này cũng khó trách, bởi thông thường, trong những cuộc đấu tranh tranh giành quyền lực, giữa chị dâu và em chồng rất dễ hình thành những xung đột.

Thứ Hồi Bách Hưởng cần nhất lại chính là ngân lượng.

Điểm này hắn không thể nào có được sự mãn ý ở Hồi gia, đành phải chìa tay ra cầu ngoại nhân. Về sau, y phát hiện ra duy nhất chỉ có Lan Đình Trì Gia mới có thể khiến hắn vung tay rộng rãi được.

Đến khi hắn phát hiện ra điều này, thì đã không thể quay đầu được rồi.

Nếu như Hồi Bách Ứng phát hiện hắn đã nhận của Trì gia nhiều tiền như vậy mà chỉ chặt đầu hắn xuống ném cho chó ăn thì đã là may mắn lắm rồi.

Biện pháp duy nhất của hắn là khiến Trì gia không đòi tiền của hắn nữa.

Vì điều này, hắn khó tránh khỏi phải "làm một số chuyện nhỏ" cho Trì gia, có lúc "nói bớt một hai câu", có lúc "nói thêm một hai câu".

Đương nhiên, mục tiêu cuối cùng, hoặc lớn nhất của hắn có lẽ là một ngày nào đó, hắn có thể trực tiếp chưởng quản tài chính của Hồi gia, thậm chí là khống chế quyền lực của Diệu Thủ Đường. Đối với hắn mà nói, chỉ cần Hồi Bách Ứng còn sống thì điều này là một chuyện tuyệt đối không thể.

Trừ phi là Trì Nhật Mộ hiệp trợ hắn.

Dưới đây là những lời "nói thêm" của Hồi Bách Hưởng với Hồi Vạn Lôi:

– Cậu cảm thấy Phương Tà Chân có đáng chết không?

– Đáng chết.

– Tiểu Tuyệt chết rồi, cậu có đau lòng không?

– Không đau lòng. Ta chỉ thống hận.

– Ngay cả cậu cũng thống hận, lẽ nào đường chủ lại không thương tâm?

– Đường chủ thương tiểu Tuyệt nhất, làm sao lại không thương tâm?

– Thì đó ...

– Ý của ngươi là ...

– Đường chủ nhất định thống hận Phương Tà Chân hơn chúng ta gấp bội.

– Chỉ là y không tiện nói ra mà thôi.

– Võ công của Phương Tà Chân tưởng tất rất cao.

– Cao thì đã sao?

– Đường chủ đương nhiên không hy vọng có người phải hy sinh nữa.

– Nói đùa! Để ta đi chặt đầu gã về cho đường chủ!

– Cậu không sợ à?

– Sợ? Sợ cái gì?

– Được lắm! Có dũng khí!

– Đường chủ đối với chúng ta ân trọng như núi, vì y mà chết là trách nhiệm của chúng ta.

– Nhưng mà ...

– Nhưng mà chuyện gì?

– Đường chủ không có hạ lệnh giết Phương Tà Chân, vạn nhất ...

– Là tự ta muốn giết gã, vạn nhất xảy ra chuyện gì một mình ta sẽ gánh chịu.

– Đại cữu cữu quả không hổ là đệ nhất hảo hán của Diệu Thủ Đường.

– Ta chỉ là làm chuyện cần phải làm, giết kẻ cần phải giết mà thôi!

– Cậu yên tâm, Phương Tà Chân nhất định phải chết. Cậu giết gã chính là làm chuyện cần phải làm, vạn nhất không giết nổi gã ...

Hồi Bách Hưởng cười cười nói:

– ... Cháu sẽ thay cậu làm một số chuyện cần phải làm.

Khi hắn chuẩn bị tang sự cho Hồi Tuyệt, tiện tay đã mua thêm một cỗ quan tài.

Khi ông chủ tiệm quan tài hỏi hắn phải viết chữ gì trên linh bài, Hồi Bách Hưởng nghĩ ngợi một hồi, sau đó mỉm cười hỏi ngược lại:

– Ngươi thử đoán xem? Họ Phương hay họ Hồi?

oo Có người đang gõ cửa.

Nhẹ nhàng.

Nhẹ nhàng ... hết sức nhẹ nhàng.

Phương Tà Chân đi mở cửa.

Một thương nhân hòa nhã, phúc thái, hữu lễ nhưng ánh mắt sắc bén tới mức có thể đả thương người khác.

Đa phần thương nhân đều rất hòa khí.

Cũng có thể bọn họ hiểu rõ sự xảo diệu của câu nói "hòa khí sinh tài". "Hòa" là một chữ đã bị bỏ quên hơn hai nghìn năm nay, vì thế mà trong lịch sử đã xảy ra không biết bao nhiêu cuộc nội chiến, nội bộ tranh đấu, giết hại lẫn nhau ... mà không thể đoàn kết lại được ...

Thương nhân đều hiểu được. Muốn làm việc, khiến người có lợi, khiến mình có lợi nếu không hòa hòa khí khí, hoà bình cộng sở thì không thể được.

Người thương nhân rất hòa nhã này, chính là người được võ lâm tôn xưng là "Hoành Đao Lập Mã, Túy Ngọa Sơn Cương" Cổ Phán Thần Phong Cố Phật Ảnh.

Y đến đây làm gì?

Cố Phật Ảnh hỏi:

– Ta đến thế này có làm phiền hai vị không?

Phương Tà Chân hỏi:

– Cố tiên sinh có gì chỉ giáo?

Cố Phật Ảnh nói:

– Không dám. Ta chỉ là quên mất chưa nói cho Phương thiếu hiệp một chuyện.

Phương Tà Chân hỏi:

– Không biết là chuyện gì?

Cố Phật Ảnh nói:

– Phương thiếu hiệp đã nghe đến cái tên Hồng Bào Bách Đại, Thất Phát Thiền Sư bao giờ chưa?

Đồng tử Phương Tà Chân thu nhỏ lại:

– Âu Dương Thất Phát?

Cố Phật Ảnh nói:

– Có rất nhiều người nói nếu như Thiên Dục Cung không có sự trợ giúp của của Thất Phát Thiền Sư thì tuyệt đối không thể có sự phát triển mang tính đột phát như vậy được, Trường Không Bang nếu không tiếp nạp ý kiến của Âu Dương Thất Phát thì tuyệt đối không thể chuyển từ thua lỗ thành kinh doanh có lãi như hiện nay, Đao Bính Hội, nếu không thu nạp Bách Đại Thất Phát, tuyệt đối không thể nhận được cả sự cổ vũ của cả nhân sĩ chính đạo lẫn giới hào kiệt lục lâm như bây giờ ...

Phương Tà Chân lạnh nhạt thốt:

– Bất quá cả Thiên Dục Cung, Trường Không Bang, Đao Bính Hội sau này đều biến chất, làm ngược lại với tôn chỉ tốt đẹp ban đầu của họ.

Cố Phật Ảnh cười cười nói:

– Bất kỳ sự vật nào nếu tiếp tục tồn tại, đều phải biến chất, người cũng như vậy.

Phương Tà Chân nói:

– Là ai mời lão đến đây?

Cố Phật Ảnh nói:

– Nghe nói là do Du Công Tử mời đến.

Phương Tà Chân hỏi:

– Thực ra không phải?

Cố Phật Ảnh đáp:

– Không phải.

Phương Tà Chân hỏi:

– Vậy là ai đã mời nhân vật hết sức khó mời này đến Lạc Dương vậy?

Cố Phật Ảnh nheo mắt cười:

– Nhân vật này Phương thiếu hiệp có lẽ rất quen thuộc.

Phương Tà Chân nói:

– Trì Nhật Mộ?

Cố Phật Ảnh gật đầu.

Phương Tà Chân nói:

– Vậy thì tốt rồi.

Cố Phật Ảnh nói:

– Ồ!

Phương Tà Chân thốt:

– Người này đến rồi, Trì gia sẽ không đến làm phiền tại hạ nữa.

Cố Phật Ảnh lắc đầu nói:

– Ta thấy rất khó.

Phương Tà Chân hỏi:

– Thỉnh giáo?

Cố Phật Ảnh cố làm ra vẻ thần bí:

– Bởi vì một kẻ khác cũng đã đến đây.

Phương Tà Chân hỏi:

– Ai?

– Đoạn Mi.

Lần này Cố Phật Ảnh chỉ nói có vỏn vẹn hai chữ.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương