Sáp Huyết
Quyển 3 - Chương 383: Xuất đao (3)

Phạm Trọng Yêm nói:

- Theo như ta đoán thì lần này Tiêu thái hậu có ý muốn hưng binh nguyên nhân chỉ bởi vì bại trong tay của Nguyên Hạo, nên nóng lóng muốn dùng Đại Tống của chúng ta để bù đắp tổn thất. Thật sự muốn xuất binh, chỉ sợ không có khả năng. Đối với ngươi lúc này lo lắng nhất không phải chuyện này.

Địch Thanh hỏi:

- Phạm Công có chuyện gì lo lắng, có cần ta giúp đỡ gì không?

Phạm Trọng Yêm nhìn Địch Thanh, nếp nhắn khóe miệng tràn đầy ý cười. Địch Thanh đột nhiên phát hiện, Phạm Trọng Yêm già hơn rất nhiều. Mưa gió ở vùng tây bắc đã mài dũa Phạm Trọng Yêm trở nên khí khái hơn, nhưng đồng thời cũng làm cho ông già nua hơn. Nghĩ như vậy, nên trong lòng cảm thấy phiền muộn.

Phạm Trọng Yêm nói:

- Chuyện này thoạt nhìn tuy rất nhỏ, nhưng lại rất phiền phức. Hạ Tủng bị giáng sức, Thạch Giới thì viết ra quyển “Khánh Lịch Thánh đức tụng”.

Địch Thanh cũng biết việc này. Thạch Giới là người dạy học của Quốc Tử Giám, cũng là người kiên định đi theo Phạm Trọng Yêm. Quốc Tử Giám là một trong Cửu Tự Ngũ Giám của Đại Tống, chủ yếu phụ trách giảng dạy truyền đạo, kinh thuật, có uy vọng rất cao trong hàn sĩ khắp thiên hạ.

Hạ Tủng sau khi bị giáng chức khỏi kinh thành, Thạch Giới đã viết quyển “Khánh Lịch Thánh Đức Tụng”, ca ngợi việc Triệu Trinh dùng đám người Phạm Trọng Yêm là “Chúng hiền chi tiến”, còn Hạ Tủng thì bị Xu Mật Viện nói là “Đại gian chi khứ”.

Bài văn có thể nói là kinh thiên động địa, bách tính thay nhau truyền tụng. Điều này Địch Thanh có biết. Nhìn Phạm Trọng Yêm lo lắng như vậy, Địch Thanh lại nói:

- Thạch đại nhân nói ra tình hình thực tế, dường như cũng không có gì?

Phạm Trọng Yêm thở dài:

- Tiểu nhân giống như đống than chưa đốt hết. Nếu ngươi không động vào không đẩy y, thì y chỉ đốt xong rồi tắt. Nhưng nếu ngươi có động vào, chỉ sợ y sẽ càng đốt mạnh hơn. Thậm chí càng không thể cứu vãn được. Ta sớm biết tân pháp mới lập, nhất định sẽ có khó khăn chồng chất. Có một số người tạm thời tỏ ra hòa thuận mặc dù trong lòng không muốn, nhưng vì ích nước lợi dân, nên cũng là vô phương. Lúc này Âu Dương Tu, Thái Tương, Thạch Giới bọn họ mặc dù có ý tốt, nhưng trò đời hiểm ác, kẻ địch lại mạnh, chỉ sợ không bao lâu sau sẽ lọt vào sự phản kích của đối thủ. Vốn là việc có thể dự liệu, nhưng nếu vì vậy mà làm lỡ việc cải cách pháp luật thì ta thật sự không muốn.

Nói đến đây, Phạm Trọng Yêm cười nói:

- Nhưng việc này ta có thể xử lý tốt. Địch Thanh, đường đi sứ xa xôi, phong sương hiểm ác, ngươi hãy bảo trọng.

Dứt lời thì quay người rời đi, thầm nghĩ: “Mặc dù Lã Di Giản không còn nắm quyền hành trong tay, nhưng để ứng phó một đám tiểu nhân này có lẽ cần thuyết phục Lữ Di Giản một lần nữa vào triều làm quan, việc cải cách tân pháp sẽ thành.” Nghĩ tới đây, y liền lập tức bước đến Lã phủ.

Địch Thanh đợi thêm mấy ngày nữa. Triều đình hạ chỉ lệnh Phú Bật và Địch Thanh đi sứ Khiết Đan.

Phú Bật và Địch Thanh sớm có hợp tác qua, không nhiều lời, lập tức quần áo giản dị, rời khỏi Biện Kinh, băng qua Hoàng Hà, thẳng đến Khiết Đan.

Lần đi sứ này khác với lần đi sứ đất Tạng trước. Lần đi sứ đất Tạng là bí mật hành sự. Còn lần đi Khiết Đan này cũng cần thận trọng. Bởi vậy, ngoại trừ Phú Bật và Địch Thanh thì còn có thêm mười cấm quân đi theo. Dọc đường có người truyền tống công văn, tự có quan phủ địa phương tiếp đãi.

Đám cấm quân kia biết là theo Địch Thanh đi sứ nên đều cao hứng bừng bừng, không còn cảm thấy đi sứ là khổ cực mà ngược lại còn rất vinh quang. Địch Thanh chỉ là một binh lính bình thường, có thể đạt được địa vị như ngày hôm nay, trong mắt cấm quân mang một sắc thái truyền kỳ. Có thể cùng Địch Thanh đi sứ một lần, đời này cho đến lúc chết cũng rất đáng giá.

Dọc theo đường đi, mọi người theo sự phân phó của Địch Thanh, cùng khoái mã chạy nhanh, cũng không dừng lại một ngày.

Một ngày qua đi, từ phía xa đã nhìn thấy núi non trùng điệp, cây cỏ xanh um. Cơn gió thổi qua, từng ngọn cỏ tươi mát lay động trên mặt đất. Mọi người ai nấy cũng mệt mỏi, nhìn thấy cảnh tượng như vậy, tinh thần có phần linh hoạt hơn.

Địch Thanh biết qua dãy núi dài kia là đến Khiết Đan. Trước đây đi sứ chưa hề có phong cảnh ven đường tuyệt đẹp như vậy.

Lúc này Hàn Tiếu bước tới, thì thầm bên tai Địch Thanh vài câu. Địch Thanh gật đầu rồi quay sang nói với Phú Bật:

- Phú đại nhân, có tin tức, bởi vì gần vào thu, nên quốc chủ Khiết Đan theo lệ thường sẽ đi Nại Bát. Bởi vậy hẳn là sẽ đi đến vùng Phục Hổ Lâm gần Thượng Kinh. Dựa theo lệ cũ, Tiêu thái hậu cũng đi theo. Nếu như theo lẽ thường chúng ta phải đến Trung Kinh trước, chỉ sợ phải chờ bọn họ thu hoạch ở Nại Bát xong thì mới quay về Trung Kinh để gặp mặt được. Chi bằng trực tiếp đến Nại Bát xin gặp bọn họ để nói chuyện, không biết ý của ngài như thế nào?

Tuy có cấm quân đi theo, nhưng Địch Thanh vẫn phái Hàn Tiếu âm thầm thu thập tin tức. Mà tin tức của Hàn Tiếu so với quan gia thì chính xác, mau lẹ hơn.

Địch Thanh chỉ sợ trên đường đi làm phí thời gian, nên bảo Hàn Tiếu sớm chuẩn bị.

Phú Bật trầm ngâm không nói, không lúc nhất thời có chút do dự.

Khiết Đan chia làm năm đạo, phân biệt là Thượng Kinh Lâm Hoàng Phủ, Đông Kinh Liêu Dương Phủ, Tây Kinh Đại Đồng Phủ, Nam Kinh U Châu Phủ cùng với Trung Kinh Đại Định Phủ.

Nam Kinh Khiết Đan chính là U Châu trước đây. Mà Tây Kinh Khiết Đan là vùng lân cận Đại đồng Sơn Tây ngày nay.

Vô luận Nam Kinh, Tây Kinh đều thuộc về Đại Tống trước đây. Người Khiết Đan khi đánh chiếm Trung Nguyên đã chiếm lấy, nhưng Tống triều vẫn không đoạt lại. Tây Kinh và Nam Kinh đều là yếu đạo quân sự của người Khiết Đan. Năm xưa khi ký hòa ước Thiền Uyên, người Khiết Đan đã thông qua hai con đường này tiến thẳng vào Trung Nguyên.

Mà Trung Kinh tại phía Nam, Tây Kinh tại phía bắc, nguyên nhân vì Tây Kinh giáp giới với Nam Kinh nên phát triển có chút phồn hoa. Sứ thần của Đại Tống, Cao Ly hay nước Hạ đều ở Trung Kinh chờ đợi gặp mặt quốc chủ Khiết Đan. Địch Thanh cùng Phú Bật đến Thượng Kinh để trực tiếp gặp mặt quốc chủ Khiết Đan là không hợp lệ.

Nhưng Phú Bật cũng biết, Địch Thanh là có lòng tốt.

Bởi vì tuy nói Thượng Kinh Lâm Hoàng Phủ lúc này là quyền lợi trung tâm của Khiết Đan, nhưng trên thực tế, người Khiết Đan cho tới nay vẫn bảo tồn phong tục du mục, lấy xe ngựa làm nhà. Bởi vậy Hoàng đế Khiết Đan sẽ không giống như Đại Tống, suốt ngày ở lại Biện Kinh, mà làm quanh năm lưu lạc.

Quốc chủ Khiết Đan vẫn như cũ chọn bốn mùa săn bắn. Xuân hạ thu đông sẽ tìm địa điểm khác nhau để ở lại săn bắn. Phương thức này gọi là Nại Bát.

Mùa xuân thì quốc chủ Khiết Đan sẽ ở lại vùng lân cận Đông Kinh. Còn mùa thu thì đến Thượng Kinh. Quy củ này cho đến nay vẫn không thay đổi. Mà quốc chủ Khiết Đan di cư bất định, làm cho các sứ thần quốc gia khác phải chờ mòn mỏi mấy tháng, thậm chí lâu hơn.

Địch Thanh muốn tốc chiến tốc thắng. Bởi vậy đã đề nghị Phú Bật trực tiếp đến Thượng Kinh cầu kiến. Phú Bật biết phương pháp này trực tiếp phá huy quy củ của người Khiết Đan, ngược lại bất lợi cho việc đàm phán.

Do dự một lúc, Phú Bật mở miệng nói:

- Dù sao thì đến Thượng Kinh cũng phải qua Trung Kinh, chi bằng đến Trung Kinh trước rồi tính toán sau?

Địch Thanh cũng biết Phú Bật lo lắng, lập tức tán thành.

Mọi người băng qua ngọn núi trùng điệp, thẳng đến cuối Nam Kinh, tiến nhập vào địa giới Trung Kinh.

Nam Kinh, Trung Kinh Khiết Đan bởi vì gần Đại Tống nên ảnh hưởng phong thổ Trung Nguyên, nên bách tính phần đông cũng là người Trung Nguyên. Phố xá phồn hoa, tuy không thể so với Biện Kinh, nhưng mọi người ở đây cũng không khác gì ở Trung Nguyên.

Phú Bật, Địch Thanh sai người đến Đại Định Phủ, vào quan nha trình công văn, theo lễ tiết sứ giả cầu kiến quốc chủ Khiết Đan cùng Thái hậu, thương nghị chuyện đóng quân ngoài biên cảnh. Lúc này, tuy là Tiêu thái hậu nắm quyền, nhưng dù sao Gia Luật Tông Chân cũng đã đăng cơ, chính vụ cũng sẽ tham dự vào.

Công văn trình lên được nửa tháng, cuối cùng Xu Mật Viện của nam viện Khiết Đan đến phúc đáp, nói Tiêu thái hậu có chỉ, sai người mời sứ giả Đại Tống đến Thượng Kinh, cùng đi săn ở Phục Hổ Lâm.

Phú Bật sau khi biết được tin tức này thì chỉ biết cười khổ, thầm nghĩ nếu sớm nghe Địch Thanh nói thì cũng không ở đây chờ lâu như vậy. Địch Thanh ngược lại an ủi Phú Bật. Nếu Tiêu thái hậu muốn bọn họ đi săn cùng thì có thể nói rõ trong nhất thời sẽ không nam hạ. Phú Bật vừa nghe cũng thấy có lý. Tuy nói rằng ở Trung Kinh làm mất thời gian, nhưng nếu có thể khiến Khiết Đan không phát binh thì coi như việc ông ta đi sứ cũng có chút hiệu quả. Nhưng Tiêu thái hậu nói cái gì cùng đi săn, lẽ nào muốn lập uy trước mặt sứ giả Đại Tống? Phú Bật vốn chút lo lắng, nhưng thấy Địch Thanh dường như không có việc gì thì cũng bình tĩnh trở lại.

Địch Thanh chờ đến ngày thứ hai mới khởi hành ra khỏi Trung Kinh, đi vòng qua tây bắc, thẳng đến Phục Hổ Lâm ở Thượng Kinh. Đường xá rất xấu, mọi người rất nhanh đã đến thảo nguyên mênh mông.

Bầu trời trong xanh, cánh đồng bao la, gió thổi cây cỏ, thấp thoáng bóng dê bò.

Thảo nguyên mênh mông giống như một bờ biển rộng. Người đi trong đó tựa như một con thuyền cô độc, tự nhiên cảm giác mình nhỏ bé, hèn mọn. Mọi người không quen với địa hình thảo nguyên. May mà còn có Hàn Tiếu, dọc đường đi còn có người Khiết Đan do Xu Mật Viện Khiết Đan cử đến dẫn đường, nên mọi người mới không bị lạc trong đó.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương