Cả núi câu hỏi tắc lại trong cổ họng, giống như bị nút kín, không thể thốt thành lời.

Khóa cửa bảo tàng xong, bước trên nền đá hoa cương chằng chịt vết rạn, tiếng bước chân của Quân Tụ Hàn vang vọng trong phòng triển lãm không một bóng người.

Đóng cửa văn phòng, cô bắt đầu bận rộn với vài việc vặt.

Dòng nước nóng từ phích giữ nhiệt cẩn thận chảy rí rách vào trong bát, mùi thơm của mỳ ăn liền lan tỏa theo làn hơi nghi ngút.

Xé một gói nhỏ, lắc khe khẽ, nước sốt chìm vào trong nước, loang thành một mảng nâu sậm. Những mảnh rau sấy khô xanh trắng đan xen nổi lên trên, chầm chậm xoáy tròn.

Bữa tối hôm nay cũng là do ông Tần cung cấp. Trong tủ của ông còn cất trữ nửa thùng mì gói hiệu Đầu Bếp Khang, đều tặng lại cho Quân Tụ Hàn. Cô vốn định từ chối, nhưng ông nói ông sắp đi rồi, mấy gói mì ăn liền này chẳng thể nào mang đi được, không ăn cũng lãng phí, huống hồ cũng chẳng phải là thứ đáng giá gì cho cam.

Vài phút sau, mở nắp bát ra, khuấy đảo những sợi mỳ mềm mại, Quân Tụ Hàn lật giở kẹp hồ sơ cũ kỹ màu xanh lam trước mặt.

Trong kẹp hồ sơ là những đoạn giới thiệu sơ lược về toàn bộ những vật trưng bày lưu trữ trong bảo tàng và những bài viết có liên quan đăng trên báo chí. Nghe nói, toàn bộ những tư liệu này đều do một tay ông Tần chỉnh lý. Hôm qua ông giao chúng cho Quân Tụ Hàn, nói rằng tuy chẳng giúp ích gì nhiều nhưng lúc rảnh rỗi giở ra xem cũng hay.

Quân Tụ Hàn xóc một gắp mỳ đưa vào miệng, vừa nhai vừa thảnh thơi lật xem tựa như đọc truyện.

Đồ vật có giá trị trong bảo tàng không có mấy, thi thoảng có một hai món đồ được xếp loại cổ vật cấp 1, theo ghi chép trong tài liệu, chúng cũng đã kịp thời được các đơn vị cấp trên “tiếp quản” từ lâu. Nói một cách đơn giản, những vật trưng bày trong viện bảo tàng Vong Xuyên đều là những thứ không đáng tiền. Quân Tụ Hàn nghĩ tới hệ thống bảo vệ mỏng yếu và thái độ hờ hững của vị giám đốc bảo tàng, thì đoán rằng hẳn mấy kẻ chuyên ăn trộm đồ cổ cũng chê bai nơi này nghèo nàn mà chẳng thèm ghé thăm.

Lai lịch của mọi đồ vật lưu giữ tại đây đều được ông Tần ghi chép tường tận. Dưới mỗi bức ảnh là những hàng chữ viết tay thanh thoát đều đặn, trông rất đẹp mắt.

Khi trong bát chỉ còn sót lại nửa bát nước, ngón tay của Quân Tụ Hàn chợt dừng lại những trang cuối cùng.

Là tư liệu về bộ áo cưới. Khác với những nội dung trước đó, nó không có ảnh kèm theo, chỉ có một bức vẽ nhỏ được bọc kín trong một tờ giấy bóng kính. Trên nền giấy Tuyên[2] cũ kỹ ngả vàng là những nét vẽ màu điêu luyện. Bộ áo cưới trong bức tranh giống y hệt với bộ áo cưới bày trong tủ kính, điềm đạm “đứng” trên một tảng đá xanh lớn, vô số ngọn cỏ mơn mởn đâm ra qua kẽ đá, giống như những đứa trẻ tinh nghịch đang quan sát thế giới bên ngoài.

[2] Một loại giấy cao cấp sản xuất tại Tuyên Châu tỉnh An Huy. (Nd)

Chỉ là một bộ váy áo, nhưng tuyệt đẹp đến mức tựa như mang trong mình sự sống; một niềm kỳ vọng tha thiết trong tư thế ngóng về nơi xa, tỏa ra từ bức vẽ, thấm vào trong lòng Quân Tụ Hàn.

Là do ông Tần vẽ ư? Nếu đúng là như vậy, cô thật kinh ngạc trước tài hoa của ông.

Lời giới thiệu về bộ áo cưới gần như giống hệt với lời giới thiệu trên tấm biển. Ông Tần không viết thêm chi tiết gì hơn. Lật giở trang tiếp theo, một bài viết được cắt từ báo ra với tựa đề “Áo cưới ngàn tuổi, một sớm thành tro. Thợ may khéo léo, phục chế như xưa” đã thu hút sự chú ý của cô.

Đặt đũa xuống, đang định đọc kỹ, cánh cửa văn phòng thình lình bị đẩy tung.

- Điện thoại, điện thoại! Có phải tớ quên điện thoại ở đây không?

Tạ Phi vội vã chạy xộc vào, giật mạnh ngăn kéo bàn làm việc của cô ta, sau đó thở phào nhẹ nhõm.

- May mà vứt ở văn phòng! - Cô ta vỗ vỗ ngực, nhìn chiếc điện thoại đời mới nhất phải tích cóp mấy tháng trời mới mua được, nói với Quân Tụ Hàn - Vừa rồi tớ còn tưởng bị trộm nẫng mất rồi chứ, sợ thót cả tim, báo hại tớ giữa đường phải xuống xe quay lại.

- Lần sau chú ý vào nhé! - Quân Tụ Hàn rút một tờ khăn giấy đưa cho cô ta đang đổ mồ hôi lút mặt - Lau mặt đi!

Đón lấy tờ khăn giấy chấm lên trán, ánh mắt Tạ Phi dừng lại trên bài báo Quân Tụ Hàn đang đọc, bất giác nổi hứng, hỏi:

- Cậu đang đọc cái này à?

- Trước đây cậu đọc rồi à? - Quân Tụ Hàn không nghĩ rằng một đứa làm việc qua loa đại khái như Tạ Phi lại có hứng thú đọc những tài liệu cũ kỹ kiểu này.

Tạ Phi nhảy lên ngồi trên bàn làm việc của Quân Tụ Hàn, ra vẻ đàn chị:

- Cái này còn cần phải đọc à? Cậu vào sau, rất nhiều chuyện chị Hứa đã kể với tớ, cậu không biết được đâu.

Chị Hứa là một phụ nữ trung niên với mái tóc cắt ngắn ngang mang tai. Ngày đầu tiên Quân Tụ Hàn tới nhận việc, cũng chính là ngày chị Hứa xin nghỉ hưu vì lý do sức khỏe. Vị trí của cô hiện tại chính là chỗ trước đây chị Hứa từng ngồi.

- Chị ấy có kể chuyện gì về bộ áo cưới này không? - Quân Tụ Hàn hỏi.

- Đương nhiên là có! - Tạ Phi gật đầu, rồi lập tức trừng mắt nhìn cô với vẻ hoài nghi - Sao, không phải cậu định nối gót cái ông Tần khùng đấy chứ, muốn trở thành kẻ mắc chứng cuồng váy áo thế hệ thứ hai của bảo tàng Vong Xuyên chắc?

- Nghiêm túc đi! - Quân Tụ Hàn xị mặt - Đúng là tớ rất tò mò.

- Được rồi, được rồi, không đùa nữa. - Tạ Phi nhảy xuống khỏi mặt bàn, kéo một chiếc ghế ngồi xuống, chỉ vào bức vẽ - Cái này á, nghe nói năm xưa do đích thân ông Tần vẽ đấy!

Hóa ra, đúng là tác phẩm của ông Tần.

- Bộ áo cưới này, vốn đáng lẽ cũng có đồ thật. - Tạ Phi lại tiết lộ một tin tức cũ kỹ rất giá trị, bộ dạng nôn nóng của Quân Tụ Hàn khiến cô ta dương dương một cảm giác tự hào như giáo sư giảng bài cho sinh viên, giọng kể bất giác cũng trở nên sôi nổi - Năm xưa, tại công trường số 2 phía bắc ngoại ô thành phố Vong Xuyên đã phát hiện được một quần thể mộ cổ. Từ một ngôi mộ trong số đó, đã khai quật được một cỗ quan tài bằng gỗ khảm hoa văn vàng. Sau đó, cỗ quan tài được chuyển tới viện nghiên cứu khi đó trực thuộc viện bảo tàng. Sau khi nhân viên nghiên cứu bật ván quan tài, phát hiện ra bên trong có một bộ áo cưới lộng lẫy như mới, khiến mọi người kinh ngạc xuýt xoa, cứ ngỡ rằng đã tìm ra được món đồ cổ thuộc hàng báu vật quốc gia. Thế nhưng, khi họ thận trọng nhấc bộ áo cưới ra khỏi cỗ quan tài, thì một sự việc cực kỳ quái dị khiến bọn họ phải hối hận tột cùng đã xảy ra.

- Đã xảy ra chuyện gì? - Quân Tụ Hàn vô thức dịch sát chiếc ghế lại, mắt nhìn không chớp.

- Hề hề! - Tạ Phi làm ra cái vẻ của một nghệ nhân kể chuyện hàng đầu, tự cười một mình, nói - Không ai ngờ được rằng, khi bộ áo cưới vừa mới nhô ra khỏi mép quan tài, trong chớp mắt đã biến thành tàn tro màu đen ngay trên tay họ, bay tán loạn khắp xung quanh. Tất cả những người có mặt đều chết lặng, sau đó bắt đầu cảm thấy lo sợ cho sự nghiệp tương lai của mình. Sự kiện phát hiện ra báu vật ở công trường số 2 trước đó đã được lưu truyền rộng rãi, cấp trên cũng rất quan tâm. Bây giờ, không những chưa nghiên cứu được một mảy may, mà còn giương mắt để cho báu vật quốc gia hóa thành tro bụi một cách khó hiểu ngay trong tay mình, làm gì còn ai ăn ngon ngủ yên cho được? Ngày hôm sau, sự việc đã đến tai cấp trên. Cổ vật vô duyên vô cớ bị hủy hoại, người chịu tội đương nhiên là những nhân viên công tác đã tham gia vào vụ việc, người thì bị đuổi việc, người thì bị cảnh cáo. Ngay cả báo chí cũng đăng tin về vụ việc chẳng mấy hay ho này. Tuy những người đó quả tình là oan uổng, nhưng họ cũng không có cách nào giải thích được nguyên nhân khiến bộ áo cưới ra tro. Cuối cùng, chỉ đưa ra một lý do khiên cưỡng “niên đại lâu năm, chất liệu vải bị ôxi hóa nghiêm trọng” để giải thích cho sự việc này.

- Cổ vật thật đã bị hủy hoại, một báu vật hiếm có nhường này… Chắc vì thế nên bảo tàng mới tiến hành phục chế để làm kỷ niệm… - Quân Tụ Hàn gật đầu, vẻ như có điều nghĩ ngợi.

Tạ Phi xua tay rối rít, nói:

- Hiện vật phục chế này là do ông Tần làm đấy!

Tim Quân Tụ Hàn giật nảy lên một nhịp.

- Ông Tần tới bảo tàng làm việc một ngày sau hôm bộ áo cưới được khai quật. Tuy ông ấy chỉ là một nhân viên bình thường, không tham gia vào “sự kiện áo cưới”, nhưng đầu đuôi sự việc, ông ấy cũng biết không ít. Một hôm, ông ấy chủ động đề xuất với bảo tàng rằng, ông muốn làm một vật phục chế giống y hệt như đồ thật. Một bộ áo cưới cổ xưa hiếm có đến vậy, để làm kỷ niệm cho người đời sau cũng tốt. Bảo tàng đã đồng ý. Thế là, có người nhìn thấy ông Tần ôm một đống vải màu đỏ thạch lựu dày cộm, chui vào trong phòng bảo quản tàn tro của bộ áo cưới thật, không ăn không uống, suốt ba ngày trời không ra khỏi cửa. Trong thời gian đó, có người đến kiểm tra, đứng yên bên ngoài cánh cửa khóa trái, chỉ nghe thấy tiếng kéo lách cách, và một thứ mùi cháy khét lẹt. Ba ngày sau, ông Tần ôm bộ quần áo cưới hoàn toàn giống y chang đồ thật đi ra… Như vậy, mới có được hiện vật phục chế mà chúng ta nhìn thấy bây giờ!

Nghe xong, đám mây nghi hoặc trong lòng Quân Tụ Hàn đã có chút sáng tỏ.

Tình yêu của ông Tần đối với bộ áo cưới, có lẽ giống như tình yêu của người họa sĩ đối với tác phẩm hội họa, thậm chí là tình yêu của người mẹ với đứa con…

Thứ tình cảm riêng có của con người đối với những thứ có liên quan tới bản thân, đôi lúc mãnh liệt đến mức người khác không thể nào hiểu nổi, bản thân cũng không thể nào hiểu nổi.

- Cậu đã biết những chuyện này, sao lại lúc nào cũng châm chọc bác Tần sau lưng thế? - Quân Tụ Hàn nửa đùa nửa thật trách móc Tạ Phi - Đó là tác phẩm mà tự tay bác ấy vất vả làm ra kia mà.

- Thế thì cũng chẳng phải đến mức cả ngày trò chuyện với một bộ quần áo như một kẻ cuồng si như thế, trông mà chết khiếp lên được ấy! - Tạ Phi tưng tửng đứng dậy, liếc nhìn đồng hồ, sau đó vẫy tay chào Quân Tụ Hàn - Muộn rồi, nếu không đi ngay, sẽ chẳng còn xe về thành phố nữa. Hôm nay kể cho cậu bao nhiêu chuyện như thế, hôm nào cậu phải mời tớ ăn cơm trả công đấy nhé! Bye!

Tạ Phi vội vội vàng vàng cất điện thoại đi, xoạc cẳng chạy ào ra khỏi cửa.

- Đừng chạy nhanh thế, sàn nhà trơn đấy!

Nhìn cái đứa kém mình hai tháng tuổi, làm việc nói năng lúc nào cũng hấp tấp vội vàng, Quân Tụ Hàn lắc đầu.

Tạ Phi vừa chạy vừa thần tốc bấm phím điện thoại, gửi tin nhắn vẫn luôn là một sở thích lớn của cô ta.

Ra tới cổng, cô thình lình đâm thẳng cánh vào một người.

Tạ Phi đứng vững lại, ngẩng đầu nhìn lên:

- Bác Tần?

- Ồ, là cô Tạ à? - Ông Tần rũ rũ chiếc ô còn chưa xếp gọn - Về muộn thế? Bên ngoài có mưa rồi đấy!

- Không sao, cháu có mang theo ô! - Tạ Phi rút chiếc ô gấp từ trong cái túi xách to tướng ra, vừa kéo khóa túi vừa hỏi - Bác Tần, sao bác lại quay lại thế?

Ông Tần khẽ đẩy gọng kính lên, ánh đèn từ trên cổng hắt xuống, vừa vặn chiếu lên đôi mắt kính.

- Có chút việc vẫn chưa làm xong.

Khóe miệng ông hiện lên một nụ cười hiếm hoi, giống như hạt mưa rơi lên mặt kính, không màu, lạnh ngắt, chớp mắt đã chảy loang mất hình thù.

Đã sửa bởi tử đinh hương lúc 20.02.2015, 12:36, lần sửa thứ 3.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương