Nữ Hộ
Chương 42: Tang sự

LÒNG SÔNG CÓ QUỶ, MẸ KHÔNG BAO GIỜ TRẦM MÌNH XUỐNG ĐÓ NỮA ĐÂU.

Bên này mẹ Lâm thị khóc lóc van nài cụ Lâm, khiến cụ tức muốn chết, bên nhà họ Hồng đã có người tới báo cho Hồng Khiêm, Tú Anh. Tú Anh mắng: “Khốn nạn thế này!” Hồng Khiêm hỏi nguyên do: “Sao lại thế?” Tú Anh run giọng đáp: “Đầu tiên là đến chỗ ta đòi gả Ngọc Tỷ cho thằng con của cái thứ chết giẫm kia, ta không đồng ý, liền chạy đến nhà bà làm ầm lên…”

Hồng Khiêm nghiêm mặt, sải bước đến, hỏi: “Có chuyện gì mà phải khóc lóc trước cổng? Sao không vào nhà?” Vừa đưa mắt ra hiệu, Bỗng Nghiên đã dựng bà ta lên, đưa vào nhà họ Triệu, Hồng Khiêm đi vào theo, bà già này chưa kịp la lên, đã bị bắt vào cửa.

Hồng Khiêm đi thẳng vào tìm Triệu đại lang, nói thế này: “Cậu có phải đàn ông không vậy, không dám tự mình nói với ta à? Bảo đám vợ cậu dẹp ý định đi, con gái ta ấy lại hèn tới mức gả xung hỉ cho người à? Là hàng xóm với nhau, đừng tuyệt tình quá, ta có thủ đoạn độc ác đến đâu, cũng chỉ dành cho hạng người tuyệt tình này thôi. Đám các bà các cô ta chẳng qua không tin tưởng nổi cậu, muốn con trai mình có tương lai tốt nên tìm kẻ hứa hôn, để khi cậu có vợ mới thì cũng có người chống lưng cho Văn Lang, khá khen là lại nhắm đến ta làm đệm, có phải muốn chết không? Cậu đàn ông đàn ang, lại khiến nhà cha mẹ vợ nghi ngờ đến vậy cơ đấy!” Nói xong cười lạnh, nhìn khắp lượt cả nhà họ Triệu.

Triệu đại lang nghe mà thấy sai sai, cuống quýt phân bua: “Tôi quả thực không biết chuyện này!” Thực ra thì hắn rõ cả, tự suy tính cũng thấy khiên cưỡng, bèn không muốn ra mặt, để tùy vợ ra tay. Thành thì thành, mình được lợi, không thành cũng không phải chuyện của hắn. Giờ đây thấy Hồng Khiêm trở mặt, vội bảo không hay biết gì. Lại nghe Hồng Khiêm giễu mình bất lực, khiến cả gia đình vợ nghi ngờ thì mặt mày sưng xỉa cả. Hồng Khiêm thấy hắn như thế, thở dài nói: “Chuyện này đến ta và cậu là chấm dứt, ta không nhắc nữa, nhà cậu cũng yên việc đi. Nói ra chẳng ai đẹp mặt cả.” Rồi lại làm người tốt, bắt đầu dàn xếp.

Triệu đại lang về trách mắng Lâm thị một trận: “Người ta đã không muốn, cô tội gì cưỡng cầu? Xé mặt xé mày, người thiệt là cô. Cô canh cánh chuyện Văn Lang, giờ ta thề với cô, sẽ không bao giờ để người khác khi dễ nó, được chưa? Của hồi môn của cô, giao cho nhà cậu nó trông nom, ta không giữ lại. Chuyện mai mối, ta cũng giao tất cho nhà cậu nó, được chưa?”

Lâm thị hỏi: “Sao chàng không quản?”

Triệu đại lang cười lạnh, đáp: “Giờ còn cần ta quản ư?”

Lâm thị vừa hoảng vừa ngượng, ban đầu thị chỉ muốn lén tự mình quyết định, không ngờ Tú Anh không đồng ý. Bèn muốn bảo Triệu đại lang lên tiếng hộ, Triệu đại lang không nhận lời thì xin mẹ mình, ai ngờ Triệu đại lang lại muốn truy cứu. Vội đưa thư cho mẹ mình: “Cha Văn Lang phật ý rồi, trách con tự quyết định mà không tin chàng. Văn Lang dẫu sao cũng mang họ Triệu, thôi đành bỏ ngõ chuyện kia.” Đoạn thuật lại lời Triệu đại lang đã nói.

Mẹ già nhà họ Lâm hoảng hốt tỉnh người: “Hỏng rồi hỏng rồi, sao lại để nó biết chuyện thế kia?” Lâm thị đáp: “Chuyện Văn Lang, chàng ta sao lại không biết được?” Mẹ già Lâm gia lo lắng cho con gái, bèn bỏ ngõ chuyện kia, chỉ hỏi: “Vậy Văn Lang phải thế nào mới ổn?” Lâm thị nói: “Ban đầu là do con mơ mòng, cha Văn Lang trong lòng không vui, Hồng tú tài bên kia cũng vậy, khiến Văn Lang đắc tội cả hai bên rồi, sau này sao thằng bé có thể sống tốt được đây? Không được, con phải bồi tội với cha nó.”

Mới đầu bà mẹ còn lo cho con gái, giờ nghe thị nói thế, cũng sáng suốt hơn: “Mẹ cũng sang xin lỗi nhà họ Trình sát vách hộ con đây, bà con xa không bằng láng giềng gần, dễ chăm nom nhau hơn.” Lâm thị đáp: “Đã đắc tội lâu rồi, giờ sao người ta chịu làm lành? Mẹ đừng đến chặn đường chắn cửa nhà người nữa.” Bà ta nói: “Mẹ tự có cách mà.” Đoạn chuẩn bị quà tứ sắc, tới nhà nhận lỗi. Cụ Lâm đang đánh đòn Tố Tỷ: “Cái đồ yêu bằng tai nhà cô, suýt nữa là làm lỡ cả đời Ngọc Tỷ của tôi rồi! Tôi sinh cô ra làm gì nhỉ? Cái ngữ quỷ đòi nợ! Trên trêu ngươi cha mẹ, dưới làm lỡ con cháu! Từ nay về sau, không cho cô gặp khách nữa!”

Lại thêm: “Đó là ai của cô? Vì một lúc “mềm lòng” mà cô muốn đền cho họ cả cháu ngoại ruột của mình? Cô có lương tâm không vậy? Con bé họ Hồng, cô khác họ còn đòi già mồm chen chân?” Tức giận đến nỗi không quật thước vào lưng mà vào thẳng miệng Tố Tỷ. Vừa khéo ngay lúc này, bên kia đến xin lỗi.

Cụ Lâm giận dữ nói: “Không gặp hạng người ấy, ta còn muốn thọ thêm hai năm! Đuổi cả ra ngoài!” Chốc lát đã giận nổ đom đóm, nghẹn đờm trong họng, ngất mất. Lúc tỉnh lại cảm thấy không khỏe, Tố Tỷ chả làm được gì, mụ Ngô vội vã chạy đến nhà họ Hồng báo tin, sau đó mời thầy bốc thuốc.

Tú Anh thù Lâm thị cùng cực, đích thân đến nhà họ Triệu sát vách tìm mẹ chồng Lâm thị, thông báo: “Khiến bà ngoại ta tức đến ngã bệnh nằm giường, sui nhà bà khéo thật!”

Vì chuyện liên quan đến Ngọc Tỷ nên Hồng Khiêm còn căm hơn, lại đến tìm Triệu đại lang: “Là chuyện tốt mà ả vô lương nhà cậu gây ra đấy! Ta đã bảo sao? Chuyện đến đó chấm dứt, sui gia đáng kính của quý phủ lại sinh sự, là ai xúi bẩy?” Triệu đại lang thấy chuyện sắp dính líu tới mạng người, không dám tranh cãi, cộng thêm sợ Hồng Khiêm, về mắng Lâm thị, Lâm thị bị chồng mắng, tâm sự càng chồng chất, cứ thế mà chết. Hai nhà Trình, Hồng chỉ cho một ít tiền lễ, không đích thân đến viếng, bảo phải ở nhà săn sóc cụ Lâm.

Bên kia, Hồng Khiêm không muốn ngừng tay, khích Triệu đại lang trả của hồi môn lại cho nhà họ Lâm. Lại nói với chòm xóm: “Chẳng hay thị bệnh rồi lại hồ đồ thế nào, con trai lại không giao cho cha ruột nuôi, bắt phải đem cho sui gia chăm sóc. Vì bà ngoại vợ ta cùng họ mà thị đòi kết nghĩa, khóc lóc kéo đến trước cổng đòi chúng ta ra mặt hộ nhà họ, sợ chồng mình bỏ rơi con trai ruột. Làm hàng xóm bao năm, chưa cần thị lên tiếng, bọn ta há lại để mặc con nít chịu khổ? Há lại để những chuyện trái lễ kia xảy ra? Bà ngoại bị nhà họ trêu ngươi đến ngã bệnh, giờ vẫn còn nằm trên giường. Lão an nhân gần như đã trở thành bà nội ruột của ta rồi, khiến bà trở bệnh, ta cho chút tiền viếng là đã nể mặt, đừng hòng bảo ta đích thân đến!”

Hồng Khiêm lại sai đám ăn mày thuộc hạ của đội trưởng Hầu Tứ tung tin đầy thành, bảo rằng nhà họ Lâm muốn ép Triệu đại lang ở góa, còn muốn đón cháu ngoại về chăm, không muốn để của hồi môn lại. Trong màn mưa gió khắp thành, Lâm đại nương tử là người hờn nhất, thị có một đứa con gái mười ba tuổi đang mối mai, gặp chuyện này, còn mấy ai muốn rước con gái thị về làm dâu nữa?

Lâm gia bắt đầu luống cuống chân tay, lại có cháu trai cụ Lâm là Lâm tú tài cùng chị dâu là vợ lão cữ nhân đến thăm cụ, đều bảo Lâm gia kia không đúng, lại đến khích đằng Triệu gia một hồi. Quậy tới nỗi sui gia hai nhà Triệu Lâm không nhìn mặt nhau. Triệu đại lang bị bức bách đến đường cùng, bèn gom cả của hồi môn Lâm thị để lại, gióng trống khua chiên gửi về nhà mẹ thị, còn nói: “Tiền tài trả các người, Văn Lang là con trai ta! Từ đây hai nhà không liên quan gì đến nhau nữa.”

[*Nhà mẹ đẻ Lâm thị chỉ là gia đình ngẫu nhiên cùng họ Lâm với nhà cụ Lâm thôi, không thân thích ruột rà gì.]

Cuối cùng thành cảnh thông gia không nhìn mặt nhau. Nhà họ Lâm đuối lí, muốn sinh sự vặt lại, ngặt nỗi cả thành chả ai không biết chuyện, đều trách móc gia đình họ. Người đời đều biết mẹ kế chẳng nhờ được, nhưng chuyện quấy quả, ép con rể không được tục huyền quả là hiếm thấy, Triệu đại lang lại gửi của hồi môn về, chỉ đòi con trai, tuy nhà họ Lâm vẫn có chỗ đáng thương, nhưng cũng có phần vô lễ ngang ngược. Lâm gia hụt cả hai đầu, con dâu oán thầm mẹ chồng, lại muốn vỗ về con gái, không tránh khỏi than phiền với chồng đôi câu, khiến chồng bực mình giở đòn bạo lực, Lâm đại nương tử giận dữ dắt hai đứa con một trai một gái về nhà mẹ đẻ. Lâm đại thúc đành bấm bụng trăm cầu ngàn xin đón về.

Vì không biết Hồng Khiêm là người cầm trịch, nhà họ Lâm lại oán nhà họ Triệu. Chẳng ngờ một trận ồn ào này lại khiến lão an nhân Triệu gia muốn mà chưa chết, cầm cự mấy năm nay tức chết luôn. Người nhà sợ bà giận dữ, chưa từng kể đầu đuôi câu chuyện cho nghe. Triệu đại lang thấy chuyện ầm ĩ to, sao dám bảo là do Lâm thị cưỡng cầu con gái người ta? Nhưng dè đâu thị nữ trong nhà lắm chuyện, kể bà Triệu nghe, bảo nhà mẹ cháu dâu ép cháu trai mình ở góa, cơn giận này đâu thể nuốt trôi?

Triệu đại lang tuy nghi là Hồng Khiêm ra tay, nhưng những lời Hồng Khiêm nói với chòm xóm lại khác hoàn toàn với lời đồn, Hồng Khiêm lại là tú tài, hắn chỉ là dân đen, tranh chấp chỉ e mình thua thiệt, với cả kẻ hỏng danh tiếng là nhà họ Lâm, chẳng hại gì đến mình, hắn trả của nả rồi giữ con trai, trái lại có người bảo hắn có khí phách, bèn nén chuyện này xuống. Thực ra hắn cũng bực mình nhà họ Lâm làm việc không đến nơi đến chốn, kết thành thù với người như Hồng Khiêm, đúng là hối hận không thôi. Nhưng khi nghĩ lại, cũng là do nhà vợ không tin cha ruột là hắn, lời đồn vào tai quá nhiều nên ngay cả Văn Lang cũng bắt đầu bị hắn lạnh nhạt.

Lâm, Triệu hai nhà bèn thành tử thù.

Trái lại, cụ Lâm uống khoảng hai thang thuốc, đã cảm thấy khỏe hơn. Lúc tỉnh lại, thấy Tổ Tỷ ngồi trước giường, khóc đến độ mắt mũi đỏ cả, không khỏi lên cơn giận dữ tiếp: “Cô hận tôi không chết, muốn khóc trù tôi chứ gì?” Làm Tố Tỷ sợ đến độ không dám khóc nữa, Tú Anh đã hỏi được tình hình thực tế từ chỗ mụ Ngô và Phần Hương từ sớm, cũng chả biết phải đối đãi với mẹ ruột mình như thế nào. Vẫn do Hồng Khiêm lên tiếng: “Trong thành nóng nực, tạm về quê nghỉ mát thôi.” Dắt cả nhà, cùng mẹ con cụ Lâm về quê. Một là nghỉ mát, hai là tránh người.

Thầy Tô tuy cũng nghe nói, nhưng không biết chuyện có liên quan đến Ngọc Tỷ, nghe bảo sắp về quê, bèn nói: “Cũng tốt. Quê nhà thanh tĩnh, tiện việc nghỉ ngơi.” Lại đích thân bắt mạch cho cụ Lâm, bảo là bệnh già cộng thêm tức giận, nên chăm sóc cẩn thận, không thể để tức giận thêm.

•••••

Tháng năm, hai nhà Hồng, Trình thu xếp hành trang, sáng sớm thuê kiệu xe ngựa về quê, ngụ cả tại nhà họ Trình dưới ấy.

Tú Anh mặt lạnh không muốn nói chuyện với Tố Tỷ, Hồng Khiêm cũng chẳng thèm để ý tới vị nhạc mẫu này, cụ Lâm càng không muốn thấy bà, ra lệnh cấm, không cho bà nói chuyện. Tố Tỷ cũng biết mình đuối lý, không ai quan tâm đến bà, ngày tháng dưới quê kham khổ, lại không dám chạy đến khóc than trước mặt cụ Lâm. Nhịn đến nước cuối, bèn muốn thắt cổ.

Tìm khắp cả phòng không có lụa trắng, bèn tháo đai lưng, nhưng lại tung không đến xà nhà. Bụng bảo dạ gần đây có sông, chi bằng trầm sông vậy. Đoạn ăn mặc chỉnh tề, lấy cớ mình buổi trưa muốn ngủ, đuổi cả Phần Hương đi ngủ. Rồi lén mở cửa, ngày hè yếu sức, nhiều người ngủ mê mệt lúc chính ngọ, ấy vậy mà để bà chuồn ra khỏi nhà được, xăm xăm từng bước xuống lòng sông.

Nước sông chưa ngập quá gối, bà đã sợ hãi, nhưng ngoái đầu trông lại, đằng sau chẳng ai ra tìm, cặp giò run lẩy bẩy, dấn thêm đôi bước, nước đến bắp đùi. Bấy giờ chả biết bị vật gì mổ trúng chân, Tố Tỷ hoảng hốt, cổ họng nghẹn ngào, xoay người định chạy. Bà xưa nay nhát gan, trầm sông tự vẫn chỉ vì buồn phiền nhất thời, đã sợ hãi từ lâu, giờ lại lo trong nước có yêu quái gì đó muốn ăn thịt mình. Nhưng bà vốn nhát gan, hành động không được nhanh nhẹn, giờ quần áo ướt rượt lại dính vào người, càng khó cử động. Tố Tỷ sợ hơn, bụng bảo dạ chẳng nhẽ lại do yêu quái sử dụng yêu pháp chôn chân mình?

Lòng sông lại trơn, dạ hốt hoảng thì chân sẽ không vững, vốn từ chỗ ngập nửa người, bà lại sẩy chân trợt đến nước lút đầu, phải vùng vẫy loạn xạ. May mắn làm sao, số bà chưa tận, được người đi đường nhìn thấy, nhảy xuống đứng tựa sau lưng, vớt bà ra khỏi sông, Tố Tỷ vẫn vung tay loạn xạ, người cứu mạng chẳng biết làm sao đành quát một tiếng. Hỏi cái gì bà cũng không đáp, chỉ trợn tròn hai mắt, hoảng sợ đến độ ngất đi.

Ngọc Tỷ thích nhất là nghe trộm chuyện người khác, cũng chả biết tại sao mà lại hiếu kỳ đến mức ấy, lại có hai nhân viên đắc lực là Đóa Nhi và Tiểu Trà, ấy thế mà bé ngóng được chuyện kia. Trong dạ đã thầm giẫm đạp không biết bao nhiêu lần, chỉ không tận miệng bảo: “Bà ngoại đúng là đồ ngốc!” thôi, chẳng biết đã thầm nhủ mấy bận, chỉ muốn lấp kín miệng Tố Tỷ lại.

Nhưng khi nghe chuyện Tố Tỷ rơi xuống nước, rốt cuộc cũng là máu mủ, hoảng hốt đến độ tim đập loạn xạ, vội vã dắt Tiểu Trà và Đóa Nhi đến thăm. Lại thấy Tố Tỷ được một thiếu niên choai choai dìu sang. Hóa ra thiếu niên này cứu được mạng Tố Tỷ, nhưng bà lại ngất đi, cậu đành phải hô hoán to lên, đánh động đến tá điền Trình gia cách đấy không xa, vừa trông thấy đã bảo: “Phụ nữ nông thôn không ăn mặc thế này, chúng tôi cũng chưa từng gặp bà ấy, dạo gần đây chỉ có nhà họ Trình từ trong thành đến đây, không biết có phải người nhà họ không, thôi thì gọi đến nhận mặt thử xem.” Lại đến Trình gia báo tin.

Vì không biết thân phận Tố Tỷ, và giúp người thì giúp đến cùng, thiếu niên vẫn chờ ở chỗ cũ. Người đi báo tin kia đến nhà họ Trình, thấy cửa lớn không đóng, vừa gõ cửa đã khiến gác cổng hốt hoảng tỉnh giấc. Hai bên trao đổi một lúc, người gác cổng biết mình có khóa cửa, cũng cảm thấy không ổn, bèn chạy vào trong thưa. Cả nhà kiểm tra một phen, không thấy Tố Tỷ. Hồng Khiêm vội đi xem thử, mọi người trong nhà đều hay tin.

Hồng Khiêm dắt Trình Phúc đến, hai người đều kiêng kỵ nam nữ khác biệt, thấy thiếu niên kia còn nhỏ, bèn phiền cậu dìu Tố Tỷ về nhà.

Thiếu niên này lại là chỗ quen biết cũ của Hồng Khiêm, là Thịnh Khải mười ba tuổi đã đỗ tú tài, tên mụ Chiết Quế. Cậu vốn ở Giang Châu, vì tập tục hậu táng mà phải làm đám thật to cho ông nội, sau đó gia đình cạn tiền, đành phải bán nhà trong thành, về quê cũ thủ hiếu đọc sách. Tòa nhà cậu ở lấy danh đất lành mà bán với giá cao, chẳng những sửa xong nhà lớn ba dãy dưới quê, còn dư ra trăm mẫu ruộng, từ bấy chịu tang học hành.

Vì Khổng thánh nhân không thích người ngủ ngày, Thịnh Khải ban trưa mệt mỏi bèn ra ngoài tản bộ, để khỏi thiếp đi. Bên sông râm mát, chẳng ngờ lại gặp Tố Tỷ, cứu bà một mạng.

Lúc Ngọc Tỷ chạy đến, thấy vẻ ngoài của thiếu niên mười hai mười ba tuổi này, mặc nguyên bộ đồ tang, cả người tong tỏng nước hệt thủy quỷ, trông còn giống kẻ muốn trầm sông tự vẫn hơn Tố Tỷ, Tiểu Trà cũng sợ thót tim.

Hồng Khiêm bảo: “Thịnh thế huynh thay y phục rồi ra trò chuyện với ta.” Thịnh Khải đáp: “Tôi đang chịu tang, không dám thay đồ. Nếu tôn thân quý phủ đã vô sự, tôi xin trở về.” Hồng Khiêm không tiện giữ cậu lại, đích thân tiễn ra, vừa khéo Ngọc Tỷ chạy đến cửa, Thịnh Khải cúi đầu nhìn bé, trắng trong nõn nà, Ngọc Tỷ ngẩng đầu nhìn Thịnh Khải, mặt mày cũng xinh đẹp lắm thay.

Ngọc Tỷ nhường bước, chỉnh trang quần áo hành lễ: “Ngoại tổ mẫu ngủ trưa bị bóng đè, đã phiền thúc viện thủ.”

Thịnh Khải đáp: “Ngang đường gặp phải, lẽ nào lại không lo.”

Ngọc Tỷ thấy cha đang ở đấy, chỉ nói đúng một câu trên, rồi bảo Hồng Khiêm: “Con đi thăm bà ngoại.”

Ra đến sau nhà, Tố Tỷ đã tỉnh, đang ôm Tú Anh khóc to: “Lòng sông có quỷ, mẹ không bao giờ trầm mình xuống đó nữa đâu.” Rốt cuộc cũng tỉnh ra.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương