Nữ Hộ
Chương 29: Thể dụng*

Hiện tại đã thay đổi tài khoản ACB, anh em vui lòng không ck vào tk cũ nữa để tránh mất tiền oan nha!!

[*Cái căn bản và cái phát sinh.]

PHẢI CHUYỂN ĐẾN MỘT CĂN NHÀ MỚI THÔI

Sau khi ông Trình được chôn cất, Trình gia không thể cứ đóng cửa mà sống được. Sắp đến cuối năm, tuy Trình Khiêm đã lo chuyện làm ăn của nhà họ Trình từ lâu, nhưng lúc này ông Trình vừa mất, vẫn phải ra giao thiệp một phen. Cả nhà toàn nữ quyến, Tú Anh không rời giường nổi, Trình Khiêm phải đi gặp chủ quản các nơi, mời cỗ, trấn an từng chút, không thể để xảy ra lục đục. Xong chuyện đã đến tháng mười một, tá điền dưới quê cũng đến lúc phải giao tô thuế, cũng phải do Trình Khiêm đi lo liệu.

Những điều này lại không phải chuyện lớn, chỉ có một chuyện: Khi Trình lão thái công còn sống, ông là chủ hộ, nay ông đã mất, trong nhà không ai làm chủ, phải lập một chủ hộ khác —– Chuyện này mới đáng lo.

Bà Lâm sai người đưa thư về nhà mẹ đẻ, bảo họ đến bàn bạc. Bà là con gái út, anh trai đã mất từ lâu, nhưng vẫn còn cháu, cháu cũng có công danh. Lâm tú tài đến nhà cô, nghe bà Lâm nói: “Dượng cháu đã mất, làm đám xong, phải lập chủ hộ mới rồi.” Bèn hỏi: “Lúc lâm chung, dượng có dặn dò gì không ạ?”

Bà Lâm đáp: “Dượng cháu cũng do dự, tính ra thì hẳn phải giao cho Tố Tỷ. Nhưng cháu cũng biết mà, Tố Tỷ là bột nhão, chẳng chống đỡ nổi thứ gì. Tú Anh thì ổn, đảm đương nổi mọi chuyện, ai ngờ nó lại có khuyết điểm lớn —– quá cứng rắn. Vả lại nếu lập Tú Anh, chẳng bao lâu nữa nó sẽ phải làm vợ nhà họ Hồng, đến lúc ấy dù có một cháu trai cố theo họ nhà ta thì cũng chưa trưởng thành, vẫn phải lập một chủ hộ khác, chẳng lại phiền phức hơn?”

Lâm tú tài ướm hỏi: “Thành ra dượng không căn vặn gì?”

Bà Lâm không kìm nổi, rơi nước mắt đáp: “Ông ấy bảo cô thế đấy, dặn cô xem tình hình mà làm. Còn bảo, như nhau cả thôi, chung quy cũng chỉ trông vào cháu rể.”

Lâm tú tài nói: “Dượng là người sáng suốt, dù phụ nữ có cứng rắn đến mấy, cuối cùng cũng phải sống dựa vào đàn ông.”

Bà Lâm đáp: “Đúng thế đúng thế, cháu rể cũng không phải người tầm thường, lời nói có sức nặng trước mặt công tử huyện lệnh tri phủ, lại có khả năng, lật tay một cái đã đem một đống bạc to về nhà.”

Ý của Lâm tú tài vốn là, thu xếp trên dưới cho nhà cô, làm xong việc, nhắc khéo vài câu, mình cũng thu được chút lợi lộc. Nhà họ Lâm đông người, cuộc sống quả thực không sung túc như trước, mà những người có công danh như tú tài cử nhân, mỗi lúc giúp người ta làm chứng, bảo đảm hay nói giúp thường sẽ nhận tiền công cán, ấy là chuyện thường. Giờ nghe bà Lâm nói thế, Lâm tú tài bèn chuyển câu hỏi: “Cháu cũng nghe bảo dạo mới đây, cháu rể quen biết công tử huyện lệnh tri phủ, lại có chút xích mích với Dư đại lang vừa chuyển đi kia, giờ Dư gia đã đi mất, nó vẫn qua lại với công tử hai nhà quan sao?”

Bà Lâm than thở: “Cháu không biết rồi, nó có bản lĩnh mà.”

Lâm tú tài thấy cô mình không muốn nói nữa, trong lòng lẩm bẩm thầm bảo, nhà cô trước nay biết làm ăn, sống cũng dư dả, mình cứ nói thẳng vậy, chắc cô không để đứa cháu này thua thiệt đâu? Tội gì phải làm tiểu nhân vơ vét tài sản người thân? Thôi thôi, cứ nói thật vậy, bèn hắng giọng một tiếng: “Theo lẽ thường, Tố Tỷ phải làm chủ hộ thì mới hợp lễ pháp. Tố Tỷ đúng là không trông cậy được, chi bằng để Tú Anh làm chủ hộ, tuy mấy năm sau con bé về nhà họ Hồng, nhưng chẳng nhẽ giờ lại không sống tiếp nữa?”

Bà Lâm vỗ đùi: “Đúng đúng! Đúng là như thế, dượng nhà lúc chết cũng không bảo một câu rõ ràng cho cô. Nhưng ông ấy có nói, mình còn vài người bạn già, cũng đã đánh tiếng, lại thêm mấy người hàng xóm như Kỷ chủ bộ đồng ý vun vào, chỉ có điều —– Cô không con không cháu, e sẽ mất gia nghiệp.”

Lâm tú tài nghe thế thì cười đáp: “Chuyện này có gì phải lo? Triều đình xưa nay thông cảm cho nữ hộ, mà Khiêm lang cũng ở rể nhà cô sáu bảy năm rồi, căn cứ theo luật, ở rể ba năm đã có thể thừa kế sản nghiệp của vợ rồi,” Thấy bà Lâm vẫn buồn rầu, bèn hỏi, “Chẳng lẽ cô lo cháu rể lanh quá?”

Bà Lâm đáp: “Chứ còn gì? Lúc ông già còn sống, nó hẳn nể mặt, ta nói cháu nghe, cháu đừng đồn ra đấy —– Mọi khi ta cũng thấy nó thật thà dễ hiếp đáp, khụ, lại không ngờ người như nó lúc nổi cơn tàn nhẫn, lòng dạ tỉ mỉ, thủ đoạn đen tối, Tú Anh nhà ta, nhìn thì có vẻ như bá vương, ta sợ nó chĩ là kiểu Sở bá vương thôi —– ngoài mặt thì cứng, trong dạ lại là túi rơm!”

Lâm tú tài nói: “Tú Anh cũng đáng thương! Cháu cũng nghe một ít tin đồn, sao tự dưng lại nổi giận rồi trượt chân ngã? Đấy không phải là tác phong của phụ nữ đảm, chỉ mong nó tỉnh ngộ sớm một chút mới tốt, có đàn ông nào lại không thích giai nhân như nước mà yêu mấy bà trợn mắt kim cương đâu?”

Bà Lâm đáp: “Mấy ngày nay ta cũng khuyên răn nó rồi, giờ mất con trai, mắt cũng ngay, mặt cũng tái rồi, ta cũng không nỡ rầy nhiều nữa.”

Lâm tú tài nói: “Không nỡ cũng phải nói rõ cho nó biết! Lần sửa khế ước nọ, cháu cũng có mặt, khế ước mười năm, còn lại là bao? Ngọc Tỷ năm sau cũng lên sáu, cô tính đi. Tú Anh còn phải thủ hiếu, thủ hiếu xong, chăm sóc cơ thể, dù sinh con được ngay cũng chưa chắc đứa trẻ ấy mang họ gì! Làm vợ người, có thể nào sáng đánh tối mắng chồng như khi ngồi nhà làm vợ không? Có người vợ như thế, cô có thích không? Khuyên được cũng phải khuyên, khuyên không được thì đánh nó, rèn nó hiền lại! Tự mình đánh, dù sao cũng hơn để người ta đánh!”

Bà Lâm nắm chặt tay Lâm tú tài: “Chỉ có cháu là chuẩn! Cũng do nó lỗ mãng, gặp chuyện không thèm bàn bạc với chúng ta, cháu rể thấy nó bệnh liệt giường, ngoài mặt thì không so đo gì, nhưng trong lòng chưa hẳn đã thế. Trên dưới cái nhà này, chẳng qua cũng chỉ dựa vào ông già đối xử tử tế với cháu rể để sai khiến người ta. Sau này đều phải trông theo tâm tình nó mà sống rồi.”

Lâm tú tài nói: “Cháu thấy mấy năm nay, Khiêm lang cũng không phải không có lương tâm, dù có thể bỏ qua chuyện Tú Anh thì cũng không thể để nó thiệt thòi nữa, không được mắc sai lầm ngu xuẩn nào nữa. Vả lại, chẳng phải còn Ngọc Tỷ ư? Tạm thời đừng giao cả nhà họ Trình vào tay cháu rể, bất kể thế nào cũng phải coi sóc, nếu không có cháu trai, Ngọc Tỷ mà cũng quy tông, đấy mới là tai họa.”

Lâm tú tài lại dặn bà Lâm vài điều, chẳng gì ngoài chuyện coi sóc Ngọc Tỷ dòng độc đinh của Trình gia, sau nữa phải quản chặt Tú Anh, bảo nàng nghỉ ngơi cho khỏe: “Có muốn cứng cũng phải lựa lúc, mà ai lại cứng với chồng mình. Tính của nó, không giống phụ nữ mà y như đàn ông. Cô thử nghĩ mà xem, có thằng đàn ông nào cưới vợ không phải đàn bà mà là đàn ông không! Chưa kể Khiêm lang không phải cưới vợ, mà là nghênh một ông chồng!”

Bà Lâm liên tục đáp phải, lúc tiễn Lâm tú tài về đã sai kẻ hầu chuẩn bị quà, lại gọi Trình Khiêm đến: “Phải lập hộ rồi, lúc ông cháu còn sống đã lo lót được vài người, đây là phần cho nhà cậu, cháu đích thân mang sang biếu nhé. Người bên huyện lệnh tri phủ cháu cũng quen, chỗ chủ bộ và lý chính cũng đừng quên, cũng biếu người ta chút quà, đừng tiếc tiền, không đủ thì tới chỗ ta lấy. Mẹ vợ cháu không trông cậy được, Tú Anh lại bệnh, khỏi hỏi ý chúng nó, ta giao cháu làm. Tú Anh là do chúng ta dạy hư, mẹ nó không được việc, chỉ có thể tự mình kiên cường, nếu nó có làm gì không phải với cháu, cũng mong cháu nể mặt bà già này.”

Trình Khiêm đáp: “An nhân đừng nói thế, cứ thế này, cháu xấu hổ vô cùng. Năm xưa cũng do thái công thu nhận cháu, nếu không cũng chẳng biết đã lưu lạc đến đâu.”

Bà Lâm nói: “Vợ cháu cũng nên dạy dỗ mới tốt, đừng nể mặt ta, nếu nó sai thì cháu cứ bảo, bảo không nghe thì để ta. Yêu người là giết người, chỉ hận ta nhận ra quá muộn mới xảy ra chuyện thế này. Nếu nó vẫn không thay đổi, ta sẽ bảo với thầy Tô mỗi ngày nhín chút thời gian, ta đích thân dạy Ngọc Tỷ việc nhà, không để cháu nặng lòng.”

Trình Khiêm đáp: “Cháu cũng có con gái, cũng hiểu lòng an nhân, chỉ sợ con bé thiệt thòi. Vừa lo nó ngoài mặt quá cứng, trong lòng cũng cứng, vừa e nó mềm quá không biết từ chối người ta, rước buồn phiền.” Vì thấy Ngọc Tỷ, Tú Anh như thế, chàng sợ bà lâm dạy Ngọc Tỷ không khéo, nhưng mình lại là đàn ông, con gái thì nên để mẹ, bà dạy mới tốt, tự dưng càng âu sầu.

Bà Lâm nói: “Đứa trẻ ngoan, ta cũng hiểu, cháu cũng rõ ràng, thôi đừng nói lời khách sáo nữa, chuyện giao cháu làm. Ngọc Tỷ ở nhà, khắc sẽ có chúng ta chăm sóc, sẽ không để nó giống bà ngoại và mẹ vô dụng của mình đâu.”

•••••

Trình Khiêm nhận lệnh bà Lâm, ra ngoài lo lót quà, lại đi tiếp khách. Vừa ra khỏi phòng đã thấy Ngọc Tỷ dẫn Đóa Nhi, mợ Lý đứng đợi bên ngoài, đến gặp bà Lâm. Ngọc Tỷ mặc đồ tang, đầu buộc chão trắng, vì là cháu cố nên trên chão đơm một đoạn bố xanh thẫm ba tấc, lại có vẻ đáng yêu như tạc bằng ngọc.

Thấy Trình Khiêm, Ngọc Tỷ bước nhanh đến, chào: “Cha.”

Trình Khiêm cúi người bế bé lên: “Con làm xong bài rồi à?”

Ngọc Tỷ đỏ mặt: “Xong rồi ạ, thầy xem qua rồi, bảo con rảnh thì đến chỗ bà cố và mẹ chơi nhiều hơn.” Từ lúc bị thầy Tô quở, Ngọc Tỷ xấu hổ vì mình xốc nổi, mỗi khi nhắc đến lại ngượng.

Trình Khiêm cười cười, bẹo má bé: “Thăm mẹ con chưa?”

“Thím Hà nhà họ Kỷ đến trò chuyện với mẹ rồi, con thấy hai người dường như có chuyện riêng muốn nói, bèn thưa mình tới chỗ bà cố,” Vừa nói vừa bẹo má Trình Khiêm ra hai bên, “Cha, cha gầy đi rồi.”

Trình Khiêm thầm thấy an ủi lắm thay, kể ra thì cả nhà toàn phụ nữ này, chỉ có con gái ruột là đáng tin cậy nhất. Trong lòng Trình Khiêm, bà Lâm có vẻ thích bợ đít, nhưng ở bên ông Trình đã lâu, cũng thấu suốt hơn, chỉ có chuyện dạy con cháu là hơi thiếu sót. Tố Tỷ thì khỏi phải bàn, ai nhìn cũng biết người này vô dụng, tuy Trình Khiêm là bề dưới, miệng không nói nhưng lòng vẫn bảo: Chỉ có thể làm một con dao, cần người thông minh sử dụng, như hồi để Tố Tỷ khóc thi với Lục thị ấy. Tú Anh thì đương nhiên không cần nói, Trình Khiêm biết Tú Anh xưa nay mạnh mẽ vì có lý do, nhưng cũng không thể khẳng định tất cả những chuyện nàng làm đều đúng.

Giờ thấy con gái thế này, bèn cười thật dạ: “Bẹo cha đau rồi đau rồi, bà cố trong phòng, con đừng nghịch nhé, cha vẫn còn việc phải làm, con vào đi.” Lại liếc nhìn mợ Lý và Đóa Nhi đang đứng trước mặt, thầm đắn đo, đây người lớn thì lớn quá bé thì bé quá, sao có thể hầu Ngọc Tỷ chu đáo được? Phải mua thêm hai nha hoàn nữa mới ổn. Nghĩ đến nha hoàn, không khỏi nhớ đến Mai Hương, đúng là mời tai vạ đến mà! May mà được Du gia đánh chết, nếu không…

Ngọc Tỷ bứt rứt bảo: “Cha, méo mặt rồi.”

Trình Khiêm áy náy nói: “Ngọc Tỷ nghe lời, đến chỗ bà cố nhé, tối cha về làm bài cùng con.”

Ngọc Tỷ cười trộm: “Được ạ, mỗi lần nộp bài cùng cha, thầy lúc nào cũng khen thêm con hai câu.”

Trình Khiêm im lặng đặt Ngọc Tỷ xuống đất, phét hai cái vào mông bé: “Đi đi.” Chàng nhìn Ngọc Tỷ đi một bước ngoái lại ba lần vào chỗ bà Lâm rồi mới ra ngoài biếu quà, giap thiệp với các nhà.

Ngọc Tỷ đến chỗ bà Lâm, thuật lại lời thầy Tô, bà Lâm không khỏi dặn: “Cháu nhất quyết không được noi theo mẹ và bà ngoại, hai người này đều vô dụng!” Lúc Tú Anh còn nhỏ, bà cũng từng răn dạy như thế, nhưng chỉ bảo đừng bắt chước mỗi Tố Tỷ, đến nay Tú Anh cũng trở thành một người “không nên học theo”.

Ngọc Tỷ lẳng lặng nghe, không cãi lại nhưng lòng thầm nghĩ, bà ngoại khi khóc lại khóc đến nỗi người người đau đầu, lúc cùng khóc thi với mẹ Niệm Lang, cũng có tác dụng đấy chứ. Lần này mẹ xảy ra chuyện, tôi tớ trong nhà, hàng xóm láng giềng, có ai không sợ mẹ đâu? Hữu dụng cả. Thầy từng bảo, phải rõ thể dụng, cách hành xử của bà ngoại và mẹ, chính là “dụng”; ổn định nhà cửa, không để người khinh lại được tôn trọng, là “thể”. Vừa hợp đạo đức luân lý, lại được lợi ích thiết thực, làm xong việc, lợi mọi đường, mới là đạt được cả thể và dụng.

Bà Lâm dông dài một hồi, nhìn mợ Lý và Đóa Nhi, không khỏi ưu sầu: Lớn thì lớn quá, bé thì bé quá, sao được việc đây? Vẫn nên mua người về hầu hạ, nhưng mụ Vương này làm việc không đáng tin, lần này không nhờ mụ ta nữa, chi bằng bảo bà Tiết một chuyến.

•••••

Trình Khiêm tuy thân ở rể nhưng lại rất có năng lực, mọi người đều biết, cả nhà họ Trình này toàn là đàn bà, sau này người làm chủ chắc chắn là chàng. Những người quen đều biết trước khi ông Trình mất đã sửa khế ước cho chàng, vài năm nữa sẽ quy tông, bèn không làm khó chàng mấy. Lại có một số người nhanh tin hay chuyện, biết chàng vừa ôm được một mớ tiền, vừa mỉa mai chàng không làm việc đàng hoàng, lừa tiền Dư gia, vừa xuýt xoa năng lực của chàng, sợ chàng sinh sự, cũng rất khách sáo.

Trình Khiêm chẳng mất bao lâu đã đến thăm được vài nhà, mọi người kẻ thì nhận lời gửi gắm của ông Trình khi trước, kẻ thì là người quen cũ của bà Lâm, kẻ thì là hàng xóm thân thiết, kẻ thì qua lại gần gũi với Trình Khiêm, lại nhận quà biếu của chàng, đương nhiên dốc sức nhận lời: “Chỗ khó nhà cậu ta biết cả, nếu có chuyện gì, ta sẽ giúp cho.”

Trình Khiêm đi một bận, thầm bảo việc đã ổn thỏa, về thưa với bà Lâm: “Đều đã nhận lời rồi ạ, chỉ chờ hai ngày sau lý chính đệ đơn lên huyện, chủ bộ đối chiếu rồi giao cho huyện lệnh đóng dấu, lưu vào hồ sơ là xong.”

Bà Lâm niệm Phật một tiếng: “Tổ tông phù hộ rồi. Ta đi thắp nhang cho lão nhà đây, cháu đến bảo với Tú Anh nhé, khuyên nó đừng lo nữa. Ngọc Tỷ ngày càng lớn, chỉ có hai người mợ Lý và Đóa Nhi theo hầu thì không ra thể thống gì, năm nay bận rộn thì thôi, sang năm thì tra cho cẩn thận, tìm mua hai nha hoàn tốt về hầu hạ con bé.”

Trình Khiêm vâng lời.

Bà Lâm nói tiếp: “Năm nay không tiện di chuyển, sang năm gọi vài thợ ngõa đến sửa lại phòng cho mẹ vợ cháu đi, để hai bà góa chúng ta ở cùng nhau, cũng sửa lại nhà giữa này luôn, cháu và Tú Anh chuyển đến ở, phòng của bọn cháu để cho Ngọc Tỷ.”

Trình Khiêm đáp: “Hài cốt thái công còn chưa lạnh, sao có thể khinh suất? Vả lại Tú Anh vẫn đang dưỡng bệnh mà.”

“Ta chuyển chỗ trước, đến xuân trời ấm, Tú Anh cũng khỏe rồi, bọn cháu hẵng chuyển. Ngọc Tỷ đã lớn, không tiện ở cùng bọn cháu nữa. Hai người bọn cháu là chủ hộ, nào có chuyện chủ hộ không ở nhà chính? Người ta trông vào cười cho.”

Trình Khiêm đáp: “Cháu sẽ bảo lại với Tú Anh, chỉ e nàng ấy cũng không muốn chuyển chỗ, bà cứ an lòng ở lại. Hai ngày sau, đến nha môn xử lý chuyện kia đã, việc khác để sau hẵng nói.”

Bà Lâm lòng nghĩ, ta chỉ muốn các cháu chuyển chỗ thôi, trước khi mất lão nhà cũng dặn ta thức thời một chút, quả nhiên không sai. Lại nhủ, mình già rồi, Tố Tỷ lại không được việc, chi bằng sớm ngày giao một mớ của hồi môn, tiền riêng cho Ngọc Tỷ, sắp tới tuy Tú Anh làm dâu nhà họ Hồng, Ngọc Tỷ vẫn là cháu gái Trình gia. Ngày mai Trình Khiêm vẫn phải ra ngoài làm việc, đúng lúc tâm sự với Tú Anh.

Bà Lâm cân nhắc đắn đo mãi, cả đêm không yên giấc, hôm sau Trình Khiêm hẹn nhóm lý chính đến nha môn, bà Lâm đến chỗ Tú Anh nói chuyện, vừa mở màn đã nói: “Giờ cháu thiệt cũng thiệt rồi, khổ cũng khổ rồi, cháu rể là người thế nào cháu cũng rõ rồi, chắc không dám quậy nữa nhỉ! Đấy là chồng cháu, chuyện gì cũng làm được, cháu cứ thế này, cẩn thận nó chạy theo người ta thật đấy!”

Trong một hai tháng này Tú Anh liên tục gặp việc thay đổi xoành xoạch, nhiều người ai ủi, cũng nhiều người khuyên nhủ, càng thân thiết với nàng thì càng thẳng thắn. Nàng cũng không phải người thích làm bừa, dù gì cũng là người nắm quyền kha khá năm, thỉnh thoảng cũng sẽ nghĩ lại chuyện cũ, trước mắt mọi việc không cần nàng lo, nàng chỉ lo nghĩ mấy chuyện lớn đã xảy ra trong một hai tháng nay. Trăn trở mãi, chỉ nghĩ: Khi ấy mà không xảy ra chuyện kia, con trai giờ đã ra đời rồi. Mà nếu con vẫn còn, ông ngoại cũng sẽ không mất.

Không khỏi tự trách mình, cũng không cứng đầu được, chỉ giận mình quá xúc động. Nghe bà Lâm bảo thế, càng thêm hối hận: “Trước sau gì đều là lỗi của cháu, nếu không ông cũng…”

Bà Lâm khóc: “Cháu giờ hiểu rồi, đừng lại phạm lỗi nữa…”

Hai người đang ôm nhau khóc đến đau lòng, ngoài cửa bỗng có tiếng của Bổng Nghiên: “Lão an nhân, nương tử, không ổn rồi, chỗ cô gia đưa tin đến, huyện lệnh không cho nương tử làm chủ hộ, buộc… buộc… buộc phải tuân theo luật, để an nhân nhà ta làm chủ hộ.”

Bà Lâm và Tú Anh ngừng khóc, lo lắng nhìn nhau, cái gì? Để Tố Tỷ làm chủ hộ? Bà Lâm hoảng hốt: “Đây lại là thế nào nữa? Nó là bùn nhão không trát nổi tường, nó làm chủ hộ, nhỡ sểnh ra thì cả nhà bị bán mà chẳng ai hay mất!”

Hiện tại đã thay đổi tài khoản ACB, anh em vui lòng không ck vào tk cũ nữa để tránh mất tiền oan nha!!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương