Những Tháng Năm Hổ Phách
Quyển 1 - Chương 2

Phòng ốc của khu tập thể nhà máy Trường Cơ phần lớn được xây dựng từ những năm 60, chủ yếu là nhà cấp bốn, nhưng giữa một loạt những căn nhà thấp lè tè vẫn có vài tòa nhà bốn tầng mới xây nhô lên lẻ loi như hạc giữa bầy gà. Căn nhà hai phòng ngủ, một phòng khách diện tích không lớn lắm nhưng “chim sẻ nhỏ vẫn đủ ngũ tạng, nhà nhỏ vẫn đủ tiện nghi”, nó vẫn có phòng bếp và nhà vệ sinh khép kín, so với điều kiện ngày đó thì đúng là kiểu nhà đẹp hiếm gặp. Những căn nhà mới xây thế này thường chỉ dành cho cán bộ cao cấp của nhà máy, vài căn được phân cho nhân viên lão thành cống hiến lâu năm hoặc những công nhân nhận được danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp thành phố”. Viên chức bình thường bụng đầy tức tối nhưng chẳng biết làm gì, đành nửa đùa nửa thật gọi đó là khu “Trung Nam Hải[1]”.

[1] Quần thể các tòa nhà ở phía tây thành phố Bắc Kinh, nằm trong Tử Cấm Thành, là trụ sở của đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thuật ngữ “Trung Nam Hải” đồng nghĩa với sự lãnh đạo và chính quyền của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng giống như thuật ngữ “Phố Downing” thường dùng khi đề cập chính quyền của Thủ tướng Anh.

Khu tập thể của nhà máy xây men theo một triền núi nhỏ, khu “Trung Nam Hải” nằm ở lưng chừng núi, còn căn nhà cấp bốn của Tần Chiêu Chiêu ở trên đỉnh núi. Vì địa thế cao lại nằm ở khu tận cùng bên trái nên nhà cô cách khá xa những ngôi nhà còn lại trong dãy nhưng tương đối gần khu “Trung Nam Hải”, nếu không muốn nói là gần như láng giềng. Có điều, vẫn còn một bức tường gạch đỏ chắn ngang giữa hai khu nhà, giống như ngân hà chia cách nhân gian và thiên đường. Bên kia bức tường là “thiên đường” nơi lãnh đạo nhà máy cư ngụ, bên này là “nhân gian” của những người lao động phổ thông.

Cũng không nhớ rõ từ khi nào mà Tần Chiêu Chiêu bắt đầu thấy từng đợt những tiếng nhạc tuyệt diệu thoát khỏi khu “Trung Nam Hải” tìm tới bên kia tường. Tần Chiêu Chiêu thấy tiếng đàn thật êm tai, mới tò mò hỏi mẹ đây là tiếng gì, mẹ nói với cô bé đó là tiếng đàn organ, Phó giám đốc Kiều mới mua một cây organ cho con trai luyện đàn.

Tần Chiêu Chiêu hết sức thèm muốn. “Mẹ à, con cũng muốn được học đàn organ.”

Mẹ cô bé cười khổ, lắc đầu. Nửa sau thập niên 80 của thế kỷ XX, đàn organ hiện đại vượt ngàn dặm xa xôi du nhập vào Trung Quốc, trở thành thứ đồ chơi được ưa chuộng hàng đầu lúc bấy giờ. Chỉ có điều, giá đàn organ rất đắt, học phí cũng không rẻ, những gia đình công nhân ăn lương nhà nước thu nhập chỉ tầm tầm lại phải phụng dưỡng hai bên cha mẹ già cả ở quê như vợ chồng họ Tần không thể chiều theo sở thích học đàn của con gái được. Thế nên bất kể Tần Chiêu Chiêu có ngang ngạnh, khóc lóc vòi vĩnh đến đâu thì cũng không thể nào đạt được ước muốn. Cuối cùng, vì cô bé làm ầm ĩ quá nên ba nổi giận, lôi cô bé qua một bên, quất cho vài cái thật đau. “Ba mày còn chưa chết đâu, khóc cái gì mà khóc?”

Nhận mấy roi từ đôi tay rắn chắc như khối thép của ba, Tần Chiêu Chiêu đau đớn khóc ré lên. Nghe tiếng con khóc, Tần mẹ xót ruột ngăn lại: “Mình làm cái gì vậy? Con nó muốn học đàn, mình không thỏa nguyện được cho con thì thôi, sao còn nhẫn tâm đánh đập nó như thế?”

Ba cô tức giận, thở hổn hển: “Phải rồi, là tôi không thỏa nguyện được cho con gái. Ai bảo tôi không phải là giám đốc chứ! Nó cứ việc đi tìm Phó giám đốc Kiều xin ông ấy nhận làm con, thế là được học đàn rồi đấy!”

Tần Chiêu Chiêu còn nhỏ không hiểu chuyện, cứ ngỡ những lời ba nói trong lúc tức giận là thật, rằng có thể tùy tâm nguyện mà chọn ba. Cô bé không khỏi ôm trong lòng uất ức với mấy roi của ba, nước mắt nước mũi giàn giụa, ôm mặt thút thít, một mình chạy thẳng tới nhà Phó giám đốc Kiều.

Trước đó cô bé chưa từng tới nhà Phó giám đốc Kiều, nhưng khi lách mình qua hàng rào gạch đỏ quanh khu “Trung Nam Hải”, men theo tiếng đàn organ du dương, cuối cùng cô bé cũng tìm được căn nhà cần tìm, giơ tay gõ nhẹ.

Người mở cửa chính là Phó giám đốc Kiều Vĩ Hùng trẻ trung, khỏe mạnh. Năm nay ông mới được thăng chức phó giám đốc, quả là hoạn lộ vô cùng rộng mở, tiền đồ xán lạn. Gương mặt ông thoáng lộ chút kinh ngạc khi thấy vị khách bé nhỏ đứng trước cửa. Tuy lâu nay vẫn có rất nhiều khách khứa viếng thăm nhà ông nhưng đây là lần đầu tiên có một cô bé nhỏ thế này. Cô bé nhỏ xíu, gương mặt ửng hồng như táo chín, ngẩng đầu giương hàng mi dài ngấn nước, sợ sệt cất tiếng hỏi: “Bác à, bác có phải Phó giám đốc Kiều không ạ?”

Phó giám đốc Kiều càng ngạc nhiên: “Phải rồi, là bác đây. Cô bé, cháu tìm bác có chuyện gì sao?”

“Phó giám đốc Kiều, bác làm ba cháu được không ạ?”

Một câu này của Tần Chiêu Chiêu đã kéo phu nhân của Phó giám đốc Kiều chạy ra xem. Phu nhân hiện tại của Phó giám đốc Kiều kém ông chừng mười tuổi, bà không phải vợ cả mà lấy ông sau khi người vợ kết tóc của ông mất. Lúc ấy, cô con gái của Kiều Vĩ Hùng và người vợ trước là Kiều Diệp đã mười lăm tuổi, bà cũng sinh được cho ông một cậu con trai mập mạp. Kiều Diệp không hợp tính mẹ kế, sau khi tốt nghiệp trường kỹ thuật, vào làm trong nhà máy đã mau chóng tìm đối tượng rồi kết hôn và dọn ra ở riêng, vì vậy căn nhà rộng lớn này chỉ còn lại ba người. Thoáng nghe có cô bé xa lạ tìm tới cửa “xin nhận ba”, Phó giám đốc phu nhân không khỏi sửng sốt vạn phần, nhất định phải chạy ra xem rõ ngọn ngành. Thấy một cô bé nước mắt nước mũi giàn giụa, bà dịu dàng hỏi: “Cháu là con nhà ai vậy? Sao lại đột nhiên chạy tới tìm chúng ta thế này? Sao cháu lại muốn làm con Phó giám đốc Kiều? Ba cháu đâu?”

©STE.NT

“Ba cháu không cho cháu học đàn organ, ông ấy còn bảo muốn học thì tới xin Phó giám đốc Kiều nhận làm con. Phó giám đốc Kiều ơi, cho cháu làm con gái bác được không? Cháu rất muốn được học đàn.”

Vợ chồng Phó giám đốc Kiều sợ run, liếc nhìn nhau, không nói được lời nào. Tần Chiêu Chiêu giương ánh mắt mong đợi nhìn họ, trên gương mặt nhỏ nhắn tràn đầy nét đáng thương.

Tiếng đàn trong nhà chợt ngừng. Một cậu nhóc xem chừng không lớn hơn Tần Chiêu Chiêu là bao đi tới, tò mò nhìn cô bé. Tần Chiêu Chiêu còn dùng ánh mắt hiếu kì gấp chục lần trông lại cậu nhóc. Bởi vì cậu nhóc này hoàn toàn khác biệt đám con trai Tần Chiêu Chiêu vẫn gặp trước giờ. Cậu ta sạch bong, từ đầu đến chân không nhuốm hạt bụi nào. Trên người, áo sơ mi trắng muốt tựa mây, quần yếm thuần một sắc lam tựa trời xanh, nhìn thế nào cũng thấy thuận mắt.

Đám con trai lớn lên ở những chốn nửa phố nửa quê như khu Trường Cơ phần lớn đều chạy nhảy khắp nơi như bầy khỉ con. Đứa nào đứa nấy trông thật bẩn thỉu, bùn đất bê bết đầy mặt, đầy đầu. Quần áo trên người cứ bẩn em giặt rồi lại bẩn, cuối cùng giặt tới bạc phếch, không còn nhận ra màu sắc gì nữa. Còn như cậu nhóc sạch sẽ, chỉn chu trước mặt, đây là lần đầu Tần Chiêu Chiêu được thấy, vì thế cô bé không khỏi mở to cặp mắt loang loáng nước, ngơ ngẩn nhìn.

Phó giám đốc phu nhân lập tức xoay người đi tới. “Kiều Mục, con ra ngoài làm gì? Mau về luyện đàn tiếp đi!”

Cậu bé tên Kiều Mục ngoan ngoãn nghe lời, quay người về phòng. Cậu ta vừa mới lộ mặt một chút đã lại đi vào trong. Nhiều năm sau, Tần Chiêu Chiêu đọc được một câu “kinh hồng nhất miết”, ý nói “vừa nhìn thoáng qua đã để lại ấn tượng sâu sắc” trong sách giáo khoa Ngữ Văn, lòng không khỏi nhớ tới cái lần thoáng gặp Kiều Mục năm đó.

Hôm đó, phu nhân của Phó giám đốc Kiều dắt Tần Chiêu Chiêu về nhà. Biết cô bé đến nhà Phó giám đốc Kiều gây ra chuyện xấu hổ, mẹ cô khe khẽ thở dài còn ba mặt đỏ phừng phừng. Cô bé vô cùng sợ hãi, thầm nghĩ lần này nhất định sẽ được một trận no đòn. Nhưng cuối cùng ba không những không đánh cô mà còn lục tung cả nhà tìm cây kèn harmonica từ ngày ông còn tại ngũ thổi cho cô nghe.

“Chiêu Chiêu à, kèn harmonica nghe cũng hay lắm. Hay là mình không học đàn organ, ba dạy con thổi harmonica được không?”

Tần Chiêu Chiêu không được học đàn organ, đành cùng ba học thổi kèn harmonica. Cô bé cảm thấy tiếng harmonica không hay bằng tiếng đàn organ điện tử nhưng đã không thể học organ được thì harmonica cũng là một loại nhạc cụ, ít nhiều cũng có cảm giác được an ủi.

Sau hôm viếng thăm nhà Kiều Mục, lúc đi nhà trẻ Tần Chiêu Chiêu cứ nghĩ mãi một chuyện, không sao hiểu được: “Mẹ à, Kiều Mục không đi nhà trẻ sao?”

Trong nhà trẻ của nhà máy toàn là những cô bé cậu bé trạc tuổi Chiêu Chiêu. Hôm đó nhìn thấy Kiều Mục, cô thấy cậu ấy chắc cũng chẳng lớn hơn mình bao nhiêu, thế tại sao cậu ấy không đến nhà trẻ nhỉ?

Tần mẹ liền cho cô bé biết: “Kiều Mục không học ở nhà trẻ trong nhà máy mà học ở trường mẫu giáo thực nghiệm trong thành phố.”

“Trường mẫu giáo thực nghiệm là cái gì hả mẹ?”

Ngày ấy, trường mẫu giáo thực nghiệm là trường mầm non tốt nhất trong thành phố. Một là học phí rất đắt, hai là đường sá xa xôi lại chẳng có xe cộ đưa đón nên những công nhân bình thường chẳng muốn hao phí thời gian, tiền bạc đưa con cái tới học ở đó, hầu hết chỉ chọn gửi con ở trường mẫu giáo của nhà máy. Tần mẹ chẳng biết phải giải thích với con thế nào, đành qua quýt: “Trường mẫu giáo thực nghiệm là trường lớn hơn nhà trẻ của chúng ta một chút.”

“Mẹ à, con cũng muốn được học ở trường mẫu giáo thực nghiệm.”

Tần mẹ thở dài. “Chiêu Chiêu, con có thể đừng cái gì cũng muốn được không? Con không thể học đàn, cũng không thể học ở trường mẫu giáo thực nghiệm được.”

“Tại sao ạ?”

Tần mẹ không giải thích rõ ràng, chỉ xoa đầu con gái thở dài.

Sau này lớn lên, Tần Chiêu Chiêu mới dần hiểu được lý do. Con người có thể không phân chia tầng lớp nhưng vẫn có sự khác biệt thứ bậc, biểu hiện rõ ràng nhất của sự phân chia thứ bậc này là thân phận, địa vị và điều kiện kinh tế. Kiều Mục và cô chính là là hai con người nằm ở hai cấp bậc hoàn toàn khác nhau, cho nên cậu mới có thể được học đàn, còn cô chỉ có thể thổi kèn harmonica; cậu có thể học ở trường mẫu giáo thực nghiệm, còn cô chỉ có thể đến nhà trẻ của nhà máy.

Nhưng lúc bấy giờ, Tần Chiêu Chiêu chưa thể lý giải sâu xa được như vậy, cô chỉ có cảm giác rằng Kiều Mục hoàn toàn không giống cô và đám con nít vẫn thường thân thiết chơi đùa cùng cô.

Cô bé chưa từng thấy cậu ngoài chơi đùa, chưa bao giờ thấy bóng dáng cậu lẫn trong đám con trai vẫn thường túm năm tụm ba lê la chơi đập ảnh, bắn bi, lăn vòng sắt, thả chuồn chuồn tre… bên đường cái. Các trò như leo cây, moi tổ chim hayội sông mò cá càng không cần phải đề cập tới. Cô cảm thấy thật kỳ lạ, chẳng lẽ cậu không bao giờ ra ngoài chơi sao?

Kiều Mục là cậu bé không thích ra ngoài chơi đầu tiên mà Tần Chiêu Chiêu gặp. Tới giờ cô đã hiểu tại sao trước kia mình chưa từng gặp qua cậu, vì cậu sống trong một căn nhà lầu vừa đóng cửa lại là thành một nơi kín mít, lại rất ít khi ra ngoài chơi. Cả ngày đều ở trong nhà như vậy làm sao người ta biết cậu được chứ?

Sau này Tần Chiêu Chiêu mới biết, mỗi sáng Kiều Mục được mẹ đưa tới trường mẫu giáo thực nghiệm, chiều được mẹ đón về rồi còn phải đi học đàn, chỉ đến tối mới về nhà; ăn uống, tắm rửa xong, luyện đàn thêm một lúc là đã buồn ngủ rồi. Cậu căn bản không có thời gian mà chơi đùa, hơn nữa mẹ cũng không cho phép cậu ra ngoài chơi cùng đám trẻ hàng xóm. Nếu không luyện đàn, cậu chỉ ở trong nhà học từ mới hay đọc cổ thi.

Mẹ của Kiều Mục là Mục Lan, bà vốn không phải người gốc ở đây mà là thanh niên trí thức Thượng Hải được đưa tới đây tham gia đội ngũ sản xuất vào những năm 70. Ông nội của bà vốn là thương nhân giàu có ở Thượng Hải thời trước Giải phóng. Sau Giải phóng, ông bị quy chụp vào thành phần tư bản nên phải chịu đủ loại phong trào, vận động khiến cả nhà phải chịu khổ theo. Tỷ như trong thời gian thực hiện phong trào lên rừng núi, về nông thôn, lẽ ra theo chính sách một trong hai con nhà họ Mục có thể ở lại thành phố với gia đình nhưng cũng chẳng xong. Người của tổ dân phố ngày ngày tìm tới, nói dễ nghe là động viên, còn khó nghe là muốn đuổi người về nông thôn. Lý do là con cháu của thành phần tư bản càng cần phải tiếp nhận sự tái giáo dục và rèn luyện của giai cấp nông dân. Thế là cha mẹ nhà họ Mục đành rớt nước mắt tiễn hai con lên đường, con gái Mục Lan tới Giang Tây còn em trai Mục Tùng về Vân Nam.

Sau ba năm ở đội sản xuất nông thôn, Mục Lan được tuyển vào nhà máy cơ khí Trường Thành, không phải ăn đời ở kiếp ở nông thôn. Đối với việc được may mắn vào làm trong nhà máy ở thành phố của bà, nhiều người ác miệng đồn đoán sau lưng là do bà đã ngủ với cán bộ thôn nên mới được vậy. Rốt cục phải hay không phải thì cũng chẳng ai có chứng cứ rõ ràng. Hơn nữa, trên người bà còn ẩn chứa một phong thái kín đáo không thể diễn tả bằng lời, thứ phong thái này khiến người khác không dám đứng trước mặt bà khua môi múa mép. Dung mạo của bà cũng không thể nói là quá xinh đẹp nhưng đặt cạnh một nhóm công nhân trong nhà máy, người ta liếc mắt cũng có thể nhận ra bà. Đối với việc này, người trong nhà máy Trường Cơ chỉ có thể kết luận: “Suy cho cùng, người ta vẫn là con gái thành phố lớn nên hẳn là không giống với đám người ở thành phố nhỏ chúng ta.”

Nhưng giữa làn sóng thanh niên trí thức trở lại thành phố những năm 70 thì niềm may mắn được làm việc ở nhà máy của Mục Lan lại trở thành bất hạnh. Trung ương có chính sách cho phép thanh niên tri thức được trở lại thành phố nhưng có hai điều hạn chế: một là những thanh niên trí thức đã kết hôn ở nông thôn không được phép về thành phố, hai là những người đã được nhà nước bố trí công tác cũng không thể trở về. Mục Lan đã là nhân viên ăn lương tại nhà máy Trường Cơ, vì thế bà không thể trở về Thượng Hải được nữa. Nếu đã không thể quay về, chỉ còn cách an cư ở thành phố nhỏ này mà thôi. Sau khi phí hoài những năm tháng như hoa, cuối cùng năm hai mươi bảy tuổi, Mục Lan kết hôn với một cán bộ góa vợ làm cùng nhà máy là Kiều Vĩ Hùng, năm sau sinh được cậu con trai Kiều Mục. Từ đó, Kiều Mục là tất cả đối với bà.

Lớn lên ở thành phố nên Mục Lan có kế hoạch nuôi dạy con trai vô cùng nghiêm khắc. Kế hoạch của bà so với chốn nửa tỉnh nửa quê như khu Trường Cơ này là cực kỳ tiến bộ. Các bậc cha mẹ ở vùng này vốn không có ý thức “bồi dưỡng con cái”. Mặc dù nhà nước đã ban hành chính sách kế hoạch hóa gia đình nhưng những năm đầu thập niên 80, số nhà con một không nhiều, hầu như nhà nào cũng có hai, ba con, thậm chí có nhà còn có tận năm, sáu đứa; lấy đâu ra đủ thời gian, tiền bạc, tinh lực mà chăm chút cho chừng đó con. Sinh con rồi chỉ cần đảm bảo không để chúng phải ăn đói mặc rét đã mừng lắm rồi. Trước khi đi học, hầu như đám trẻ đều lớn lên hoang dại như bầy dê thả giữa đồng, muốn chơi sao thì chơi, chỉ cần không khóc lóc, không đánh lộn thì cha mẹ cũng chẳng buồn quản chúng. Đến khi bọn trẻ đi học rồi mới bắt đầu quan tâm xem chúng học hành sao, thỉnh thoảng cũng trông chừng đám trẻ làm bài tập, nếu điểm thi không ra sao thì quất cho vài roi vào tay, như vậy gọi là dạy dỗ con cái.

Dốc lòng bồi dưỡng con cái như Mục Lan: mới đi mẫu giáo đã cho học đàn, ngày ngày phải luyện chơi đàn, còn dạy con học từ vựng, cổ thi, ở khu Trường Cơ này chẳng có người thứ hai.

Mục Lan cũng không phải người chỉ biết ép con cái học hành, không được chơi bời, ở nhà vẫn có rất nhiều đồ chơi để cậu nhóc chơi một mình, bà chỉ không cho con trai xuống nhà chơi với đám trẻ con trong khu tập thể. Bà sợ đám trẻ kia quá lỗ mãng, sợ con mình đi theo chúng sẽ nhiễm thói xấu vào người. Hơn nữa, bọn chúng mở miệng là nói giọng đặc sệt tiếng địa phương, trong khi con bà từ nhỏ đã được dạy nói tiếng phổ thông chuẩn, để cậu đi chơi với đám trẻ kia khó tránh pha tạp ít nhiều phương ngữ, điều đó khiến bà không vui.

Chính nhờ sự tận tâm của Mục Lan nên đã bồi dưỡng ra một Kiều Mục đặc biệt trong mắt Tần Chiêu Chiêu. Cô bé cảm thấy cậu khác xa tất cả những đứa trẻ trong khu tập thể nhà máy.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương