Nhất Kiến Hoạ Thiên Duyên
15: Bán Vào Lầu Xanh


Cẩm Y Vệ đúng là cấm quân của triều đình, rất mượt mà, Oanh Thời dễ dàng được trà trộn vào trong đám người nô lệ mà chả ai hay, quỷ thần không ai biết.
Tiếng xe ngực gỗ lọc cọc vang vọng bên tai, hơi người đông đúc nóng nực liên tục phả vào người Oanh Thời.

Không có một tiếng nói nào phát ra, không ỉ ôi khóc lóc.

Chỉ có tiếng vút ngựa của tay gia nô cùng tiếng móng ngựa cào vào nền đất đá gồ ghề.
Oanh Thời cựa quậy một cách khó nhọc.

Gông, xích kềnh càng khóa chặt cổ, tay và chân nàng, những sợi dây thừng , sợi đay trói đoàn người nối với nhau, nó chặt đến mức, siết đến hằn sâu vào thớ thịt khiến Oanh Thời đầy bức bối, cổ tay ung lên tê dại.
Đám người này, chúng rất cẩn thận.

Thậm chí là bài bản.
Nàng cùng một toán nô lệ được nhốt trong một chiếc lồng gỗ đã được phủ kín bằng vải đen, được vận chuyển như lương thực vào một địa phận trời đất chẳng hay.

Đến nơi còn bị bịt mắt cho đến khi xuống một tầm hầm tăm tối, tù túng ẩm ướt đến rợn ngợp mới được tháo ra.

Chúng giam lỏng nô lệ hệt như một loài cầm thú.
Tay chân trói chặt, ăn uống, vệ sinh các thứ đều kém chất lượng đến tệ hại.

Người người ở đây ai nấy cũng giữ vẻ u ám, lúc nào cũng thấy cúi gằm mặt, đôi mắt xám đen không có lấy một tia sống nào.

Có người trong số họ đã mất tất cả vì chiến tranh, có người vì nước mất nhà tan mới phải bán mình cho giặc.
Dưới đây ẩm thấp, một chiếc đuốc cắm ở cửa vào không đủ để soi tỏ cho các phòng giam nơi đây.

Nó tối đen như mực.

Mùi ôi và mốc bốc lên khiến Oanh Thời chỉ mong có cách nào đấy phong bế khứu giác của nàng trong những quãng ngày giam mình ở chỗ này.
Ánh sáng không luồn lách được vào kẽ hở của buồng giam khiến nàng dần mất đi nhận định về thời gian, về ngày và đêm.


Nàng chỉ biết dựa vào cơm chúng đưa tới mà đoán bữa, đoán ngày.

Áng chừng hai hôm sau, có hai kẻ ăn mặc luộm thuộm đến tầng hầm, đi sau là một tên ăn mặc chỉnh tề, y phục áo gấm trang trọng, giống như cai ngục cùng bước tới.
Oanh Thời khẽ lén nhìn đánh giá.

Trông mặt của tên cai ngục gian manh, cái đôi mắt xếch một mí kéo lên thành vòng cung và nhọn hoắt ở khóe mắt khiến hắn trông như lúc nào cũng nhắm tịt, nhìn người khác bằng thái độ khinh khỉnh dửng dưng.

Khóe miệng cong lên như đang toan tính được điều gì có lợi cho hắn.

E là nhắm được con mồi, xuýt xoa dán đôi mắt xếch vào xấp tiền trong túi hai kẻ đằng trước.
Chúng đến từng buồng giam xem xét với ánh mắt đầy khinh bỉ, nụ cười khểnh táo tợn in trên gương mặt bỉ ổi của chúng, nhếch mép như đang nhìn một món hàng biết thở xin xỏ trực chờ cứu vớt.
Tai Oanh Thời rất thính, loáng thoáng nghe thấy hai chữ “hoàng cung” thì đoán là đám người này tính bán nô lệ vào cung làm nô tì phẩm thấp.

Hình như trước kia Oanh Thời cũng loáng thoáng nghe được đâu đó có mấy người trong Sở Thanh Lâu từng là tì nữ vào cung làm ở khố phòng, sau khi quá hai lăm tuổi thì rời cung, bán mình vào thanh lâu kiếm cơm sống qua ngày.
Chúng dừng ở buồng cuối chỗ nàng, trên tay cầm một đống giấy tờ, chỉ chỉ chỏ chỏ vài người, đến nàng, thì tên mập bên cạnh cong cong đôi mắt, khinh thường:
"Nhỏ này gầy còm thế thì ai mà thèm mua, chả biết được việc không hay lại ăn hại không biết! Ông chọn người kiểu này mà làm ăn buôn bán có mà lỗ chết!"
Tên mập phỉ báng nàng xong thì cười hô hố ôm cái bụng phệ rời đi, tay cầm đống giấy tờ gán thân.
Mẹ kiếp.

Nếu nàng có thanh đoản đao ở đây, nàng thề sẽ khiến tên mập này phải quỳ xuống lạy nàng là bà cố nội.
Nàng ôm cục tức đấy hai ngày.
Hai ngày sau, một người phụ nữ trạc tứ tuần tới, nhìn y phục Oanh Thời liền nhận ra bà ta là người của phố đèn đỏ.

Y phục thêu hoa hòe lòe loẹt, màu sắc trông như đang đấm đá nhau không hề ăn khớp, quanh người sực nước hoa nức mũi...!Bỗng sao nàng thấy lão bà bà nhà nàng cũng dễ thương, không phô trương như lão tú bà này.

Dù có chút "cuồng" tiền thì ít ra cũng không khiến người ta phải nhăn mày đánh giá ngược xuôi kiểu này.
Giọng nói bà ta lanh lảnh, cái nốt chu sa ở khóe miệng khiến bà ta trông rất xéo xắt.


Bà ta đi qua từng buồng, thi thoảng lại cong cong cơ miệng, cười khinh một cái như thể đang nói đối phương trông chẳng vừa mắt bà ta.
Bà ta dừng lại ở chỗ nàng.

Nàng ngẩng lên đối mắt nhìn.

Mục tiêu đây rồi.

Nàng dấy lên một sự căng thẳng hiếm hoi.

Bà ta kĩ tính như thế, nàng cũng lo nàng không được chọn.

Nàng ngán cái cảnh ở đây lắm rồi.

Cứ mãi chôn chân ở đây thì chả được tích sự gì.
Tên cai ngục sốt ruột:
"Đại nương à! Bà đi một vòng từ đầu tới cuối rồi đấy! Thế có định chọn không?"
Bà ta cười, giọng chua lảnh lót:
"Ngươi vội gì chứ."
Bà ta chỉ vào nàng:
"Nha đầu này tư sắc rất được, ta mua."
Oanh Thời thở phào nhẹ nhõm...!vì được mua vào lầu xanh.
Tên cai ngục điều người đến kéo nàng đi, chúng ép nàng ấn vân tay vào một tờ giấy.

Chúng nói đó là hợp đồng lao động nhưng Oanh Thời biết chữ, “khế ước bán thân” viết to lù lù thế kia, lừa ai chứ? Chữ nước Hoành khác với các tiểu quốc láng giềng, xem ra là có chuẩn bị để lùa người ta bán mình một cách táo tợn.
Tú bà nói ngon nói ngọt rằng nàng sẽ được ăn uống, gấm vóc trang sức được lo lắng chu toàn, không thiếu thứ gì.


Còn nói nếu nàng làm tốt, sẽ kiếm tấm phu quân cho nàng.

Đó chỉ là một cách nói hoa mỹ cho việc nếu nàng tiếp khách, nàng sẽ có cơm ăn, nếu nàng may mắn nàng sẽ được chuộc mà thôi.
Không biết đã có bao người bị bán đi như một món đồ như vậy, chỉ vì một tờ giấy mà trên đó ghi gì họ cũng không biết.

Phận nữ nhân lại không có gia thế mấy ai biết chữ đâu.

Thật đáng thương!
Lúc được bán về thanh lâu, nàng cũng bị bịt mắt cho tới khi đặt chân về con phố đèn đỏ.

Phượng Vân lâu.

Kì phùng địch thủ của Sở Thanh lâu.
Đúng là nghiệt duyên.
Ngày đầu tiên, nàng được đem đi tắm táp trang điểm rất cẩn thận.

Ăn mặc hở hang khiến Oanh Thời khó chịu nhưng chẳng dám bưng ra mặt.

Tú bà cười đắc chí:
"Lần này ta được món hời rồi."
Nàng ngước nhìn mình trong gương đồng.

Không thể phủ nhận tay trang điểm của Phượng Vân lâu rất khá.

Không giống lão tú bà, tay nghề của các kĩ nữ dường như đang theo sát với xu hướng của kinh đô.

Không quá khoa trương, dặm phấn đậm đà...!ấy thế mà nàng dường như biến thành một người khác.
Trước kia nàng chưa từng tô son điểm phấn, cũng không ngờ dặm chút phấn son lên đã khác biệt nhường này.

Nàng không tự chủ được mà đưa tay lên gò má mình, khẽ chạm.

Đôi mắt long lanh rung động trước "tư sắc" chưa từng được bung nở của bản thân.


Gương mặt hồng hào tươi tắn này là nàng sao? Tú bà nói nếu cơ thể nàng đẫy đà chút nữa thì chắc chắn đã có thể trở thành hồng bài của quán.

Song cũng luôn miệng khéo khen tư dung nàng trời phú, nói sẽ bồi dưỡng nàng về sau sẽ theo các hồng bài đi hầu các khách lớn.
Oanh Thời ngoan ngoãn học kĩ nghệ để làm bà ta mất đi cảnh giác.

Nàng cũng rất sởi lởi giao tiếp với mọi người.

Nàng xuất thân từ phố đèn đỏ, làm thân với kĩ nữ là tài nghệ hiếm có của nàng.

Bọn họ đều nói được tú bà mua về.

Số xu giả cũng là do Phượng Vân quán làm trung gian.
Tối đến, nàng đều âm thầm lẻn theo sau tú bà quan sát xem cái khế ước bán thân khốn nạn kia bà ta giấu ở đâu.

Âm thầm sao chép một bản sao.

Bảo sao thì nàng giấu giả lại bà ta.

Bản thật thì nàng cất vào cái túi nhỏ ở áo yếm một cách cẩn thận.
Chữ Oanh Thời rất đẹp, nhưng nét bút không cố định, không có nét chữ riêng, dễ loạn.

Trước kia nàng toàn nhìn án thư mà chép.

Án thư thì không phải lúc nào chữ cũng giống nhau vì thế mà nàng cũng rất giỏi khoản giả chữ người khác.

Tú bà cũng vì thế mà không nhận ra.
Nàng ngoan ngoãn được mấy ngày thì ăn không ngồi rỗi, tú bà sớm ngày cũng ngứa mắt nàng.

Khen đẹp dứt mồm được dăm ba hôm, bà ta liền bắt nàng đi tiếp khách.
Vị khách lần này, thật đúng là khiến người ta bất ngờ....

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương