Nếu Như Yêu
Chương 7-2

Di động của tôi kêu liên tục nhưng không phải là bố gọi đến.

Dì Hồng hỏi tôi: "Bố cháu về chưa?"

"Chưa ạ."

"Đừng sốt ruột, có lẽ có việc nên ông ấy mới về muộn thôi. Ông ấy là người chu đáo, cẩn thận, không xảy ra chuyện gì đâu." 

Lời an ủi này đương nhiên không làm cho tôi cảm thấy nhẹ nhõm chút nào.

Anh Triệu Thủ Khác cũng gọi điện đến, nói hôm nay anh chưa gặp bố tôi. Tôi cũng biết, bố tôi không thể nào đến gặp một sinh viên như anh để hỏi mượn tiền.

Chu Nhuệ nói cậu ta muốn đến chỗ tôi, tôi từ chối. "Đây là bệnh viện, trong phòng bệnh có thêm một người là thêm chật chội, cậu đừng có đến làm loạn nữa."

Theo lý mà nói, tính cách tôi khá độc lập. Từ nhỏ, bố tôi thường xuyên ra ngoài làm việc, có lúc còn đến những thôn ở rất xa, mấy ngày không về, nhưng trước khi đi, bố thường nói cho tôi biết ông sẽ làm gì, bao giờ quay lại, sau đó nhờ dì Hồng giúp chăm sóc tôi, thế nên tôi chẳng phải lo lắng gì.

Đây là lần đầu tiên tôi hoàn toàn không biết bố đi đâu, không liên lạc được với ông, tôi thấy lo lắng không yên, cố gắng thuyết phục bản thân trấn tĩnh lại, không nên nghĩ ngợi lung tung nhưng càng nghĩ càng cảm thấy sợ hãi, đồng thời hối hận vùa nãy không nên bốc đồng mà bói toán. Nếu tôi không làm sai các bước thì quẻ bói ấy cũng chẳng may mắn gì. Tôi chỉ biết tự an ủi: Tay nghề nửa vời như mày, bói chuẩn được mới lạ!

Lại hơn một tiếng trôi qua, bố tôi vẫn chưa trở về. Nằm cùng phòng bệnh với ông Trương còn có năm bệnh nhân khác, ngay cả người thân của các bệnh nhân cũng đã ngủ rồi, tiếng ngáy lúc to lúc nhỏ của họ đều đều vang lên, lúc này chỉ có ánh đèn ngoài hành lang hắt vào phòng mờ mờ.

Không hiểu vì sao, tôi bỗng cảm thấy cô đơn đến đáng sợ, tôi chỉ biết bước ra ngoài, ngồi đờ đẫn ở hành lang.

Không biết ngồi đó bao lâu, Hứa Tử Đông cùng chị Hứa Khả bước đến. Chị Hứa Khả nói: "Từ Hàng, đi theo chị."

"Đi đâu ạ?"

"Tử Đông nói với chị, bố em đến bây giờ vẫn chưa quay lại bệnh viện. Chị đã gọi điện cho dì Mai, người ngày trước đã cùng ông tham gia đội sản xuất ở địa phương. Người nhà của dì ấy nói với chị, chiều nay dì Mai cũng trở về nhà mẹ đẻ ở thành phố này, chị hẹn xin được số điện thoại gọi lại cho dì. Hai người họ trước kia là bạn học, hàng xóm, bố mẹ của họ là đồng nghiệp của nhau, đều sống ở khu tập thể cũ kỹ trong nhà máy hóa chất. Bây giờ anh trai của bố em đang sống ở căn phòng đó, bọn chị đoán, bố em có khả năng đi tìm anh trai để vay tiền."

Tôi ngẩn người. Đương nhiên, tôi đã biết trước bố không phải là gốc ở thôn Lý Tập, giọng nói, cử chỉ của bố hoàn toàn khác với mọi người xung quanh, cả con người bố toát lên khí chất của một người ở nơi khác đến nhưng chưa bao giờ bố nhắc đến quê hương hay người thân mình, càng không thấy họ hàng thân thích đến thăm. Trước đó, tôi càng không biết quê của bố lại chính là ở thành phố này, và ông còn có một người anh trai. Tôi yêu bố như vậy, dựa dẫm vào bố như vậy, luôn cho rằng mình cũng là người mà bố yêu nhất, vậy mà tôi lại chẳng biết gì về cuộc sống của bố, cảm giác thất bại thảm hại khiến tôi không thể thốt nên lời.

Hứa Tử Đông nói: "Để em đưa hai người đi."

"Em còn phải trực ban mà."

Để em nói với chủ nhiệm, nhờ đồng nghiệp giúp một chút, muộn quá rồi, chị lại đang bầu bí, em không yên tâm."

Hứa Tử Đông lái xe chở chúng tôi đến một khu tập thể cũ kỹ, tên con đường ở đây lại ghi là Nhà máy hóa chất, sau đó chia ra làm hai đường, đường Nam Nhất và đường Đông Nhị, trên bức tường sát đường đều có những mảng sơn rất to che chỗ nứt nẻ, nhưng trong đêm tối lại nhìn rất rõ. Một người phụ nữ khoác áo len đang đứng một mình ở đầu đường. Chị Hứa Khả vội vàng bảo Hứa Tử Đông dừng xe, chúng tôi bước xuống.

"Dì Mai, cô bé này chính là Hà Từ Hàng mà cháu nói với dì, cháu xin lỗi vì muộn như thế này còn đến làm phiền dì."

Dì Mai mỉm cười. "Không sao, để dì dẫn các cháu đến nhà họ Hà."

Đèn đường màu vàng nhạt, các căn nhà xây cao thấp rất lộn xộn và cũng chẳng theo hướng nào, đã thế đường đi giữa các tòa nhà rất hẹp, nếu không có người quen dẫn đường, đúng là rất khó tìm thấy nơi cần đến.

Hứa Tử Đông chần chừ. "Muộn thế này rồi mà còn đến gõ cửa nhà người ta, thế thì không được tiện lắm.”

Dì Mai nói: "Các cháu đứng ở phía dưới, một mình dì lên là được rồi."

Nhưng tôi và chị Hứa Khả vẫn quyết định đi theo lên. Đến tầng thứ ba, tôi gõ cửa, một lúc lâu sau, cánh cửa từ bên trong mở ra, một bà già mặc áo ngủ hoa nhàu nhĩ đứng cách lớp cửa sắt nghi ngờ nhìn chúng tôi, nói với vẻ không vui: "Mấy người là ai, muộn thế này rồi còn đến tìm ai?”

Dì Mai lễ phép nói: "Chào bà, tôi tên là Mai Tuyết Bình, sống ở đơn nguyên phía trước, là bạn học với Hà Nguyên Bình, tôi muốn hỏi bà có ông Hà Kiến Quốc ở nhà không?

Bà ấy không đáp mà hỏi ngược lại: "Mấy người có chuyện gi không?" "Cô bé này là Hà Từ Hàng, con gái của Hà Nguyên Bình, chúng tôi muốn hỏi, ông Hà Nguyên Bình hôm nay có đến đây không?

"Tôi không quen người đó."

Cánh cửa bị đóng lại rất mạnh, dì Mai ngạc nhiên nói: "Số nhà 16 tầng 302, đúng mà, trước đây dì đã từng đến rồi mà."

Tôi bực quá, cứ thế đập cửa rất mạnh, đến nỗi những nhà hàng xóm cạnh đây cũng phải mở cửa he hé nhìn ra ngoài, lúc đó cánh cửa mới lại một lần nữa được mở ra. Một ông già mặc áo ba lỗ, quần soóc, đi dép lê đứng đó, dưới ánh đèn hắt từ phòng ra, tôi nhìn mà ngẩn người mất một lúc. Lưng ông ta khòng xuống, cái bụng to chẳng cân đối với chân tay gầy nhom, đầu bị hói một nửa, nhưng gương mặt ông ta, ngoài nét giống bố tôi, còn giống hệt bức ảnh người ông được treo trên tường nhà tôi, người ông mà tôi chưa bao giờ gặp mặt.

Dì Mai liền chào ông ta: "Anh Hà, em là Mai Tuyết Bình đây, trước đây em đã đến nhà anh rồi mà."

Ông ta lạnh nhạt nói: "Hà Nguyên Bình có đến nhưng lại đi rồi." 

"Ông ấy đi lúc nào?"

Khoảng bảy giờ đến, nó mượn tiền tôi, tôi bảo không có tiền cho nó mượn, đừng bao giờ đến tìm tôi nữa. Nó lập tức đi luôn."

Tôi thực sự không thể tin vào tai mình. "Ông ấy là em trai của ông, ngay cả lý do tại sao phải vay tiền ông cũng không hỏi mà đã đuổi ông ấy đi?"

"Vì nó phạm tội lưu manh phải ngồi tù làm liên lụy đến bố mẹ và tôi, khiến chúng tôi không thể ngẩng đầu lên với bà con làng xóm. Chúng tôi đã cắt đứt quan hệ hoàn toàn với nó rồi."

"Tội lưu manh", tôi bị những từ ngữ này làm kinh ngạc đến sững sờ. Chị Hứa Khả nói xen vào: "Ông ấy bị oan."

Ông già cười lạnh lùng. "Bị oan à? Ai bị bắt mà chẳng nói thế"

Tôi định thần lại, cũng cười lạnh. "Ông ấy là em ruột của ông, ông nói năng đừng nên khắc nghiệt như vậy, phải tích chút phúc đức cho bản thân chứ!"

"Tôi đã nói rồi, tôi không có một đứa em trai như nó. Đang lúc chỗ này sắp dỡ bỏ thì chạy đến đây vay tiền, đừng có mơ. Tôi bảo với nó, một xu cũng đừng hòng lấy được."

"Thật nực cười, căn hộ này là tài sản của bố mẹ hai người, bố tôi cũng có phần, ông ấy không đến tranh giành gì mà chỉ muốn mượn ít tiền, nhưng ông lại một mực từ chối, như thế có quá đáng không?"

Bà già đột nhiên từ phía sau lưng ông già nhảy ra. "Phụng dưỡng ông bà cụ và đưa họ về nơi suối vàng đều là do chúng tôi phụ trách, nó có tư cách gì đến đây tranh tài sản. Các người mau cút đi, nếu không tôi báo cảnh sát đấy!"

Tôi tức đến run người, đang định nói tiếp thì chị Hứa Khả ngăn lại. "Xin hai vị bớt nóng, ông Hà Nguyên Bình và chúng tôi không phải đến vì việc phân chia tài sản. Sư phụ của ông ấy đang phải nằm ở bệnh viện thành phố. Ông ấy chỉ muốn mượn một ít tiền lúc cấp bách, sau đó chắc chắn sẽ trả lại. Hai vị không cho mượn cũng được, nhung xin cho chúng tôi biết, sau khi rời đi, ông ấy đi đâu."

"Chúng tôi không biết, nó chỉ nói nó sẽ không bao giờ quay lại nữa. Tôi bảo là cảm tạ trời đất, nói lời phải giữ lời đấy. Hừ, dù sao thì chúng tôi cũng sắp chuyển đi rồi, các người có muốn đến làm phiền cũng chẳng được."

Cánh cửa một lần nữa bị đóng sầm lại.

Chúng tôi ủ rũ bước xuống lầu. chị Hứa Khả nói: "Từ Hàng, về cái tội gọi là lưu manh đó của bố em...'

Tôi nhìn chị, chị dường như nhất thời không biết nói tiếp như thế nào. Tôi lắc đầu. "Được rồi, chị không phải giải thích, bố là người thế nào, em rất rõ.”

"Không Từ Hàng, chị cần nói rõ cho em hiểu.” Chị cắn răng, nói nhanh: "Chính vì tội này mà bố em đã phải đi cải tạo ba năm, nhưng ông ấy là người vô tội, mẹ chị... đã gián tiếp tạo ra tất cả những điều này. Xin lỗi em."

Đầu óc tôi bây giờ như đờ ra, còn vẻ mặt Hứa Tử Đông cũng biểu lộ sự kinh ngạc như vừa mới biết chuyện này. Tôi thẫn thờ hồi lâu, đột nhiên lắc đầu. "Chị nói xin lỗi em có tác dụng gì chứ. Bây giờ em chỉ muốn tìm thấy bố thôi."

Dì Mai thở dài. "Ôi, không ngờ anh trai của Hà Nguyên Bình lại tuyệt tình như vậy."

Chị Hứa Khả cũng bối rối. "Dì Mai, dì hãy về nghỉ ngơi trước đi. Chúng cháu về bệnh viện đợi vậy, cho dù có đi tìm, cũng phải đợi ngày mai trời sáng đã."

Sau khi lên xe, Hứa Tử Đông đưa chị Hứa Khả về nhà trước. "Bây giờ chị cần chăm sóc tốt cho bản thân, chịu khó về nhà ngủ một giấc đi, có tin gì em sẽ báo cho chị ngay."

Hứa Tử Đông lái xe đưa tôi trở lại bệnh viện thì đã nửa đêm. Ánh đèn bệnh viện chiếu ở hành lang mờ tối. Anh ta nói: "Cô đến phòng trực ban của chúng tôi nghỉ một lát đi."

Tôi lắc đầu. "Cảm ơn anh, không cần đâu, dù sao tôi cũng không ngủ nổi, ở phòng bệnh cũng được rồi."

Con người không thể chống đỡ được sự mệt mỏi.

Tôi không thể ngủ nổi, nhưng cứ ngồi yên lặng nên cũng cảm thấy buồn ngủ, liền gục xuống cạnh giường ông Trương ngáp dài. Trong lúc mơ màng, tôi dường như đang trở về nhà mình ở thôn Lý Tập. Đẩy cánh cửa cổng, tôi thấy cây dâu vẫn xanh tốt, hoa trà vẫn nở rất đẹp, con Lai Phúc vẫn nằm dưới mái hiên, tất cả đều giống như trước, nhưng nhà lại chẳng có ai. Tôi ngó qua từng phòng vẫn không tìm thấy bố và ông Trương đâu, đến lúc tôi đi ra thì cũng chẳng nhìn thấy con Lai Phúc đâu nữa...

Tôi bỗng bừng tỉnh, sợ đến nỗi mổ hôi vã ra như tắm, nói một cách nghiêm túc thì đây không thể coi là một cơn ác mộng, nhưng ở nơi đó chẳng còn gì nữa chính là cảnh tượng mà tôi sợ hãi nhất. Tôi nắm chặt lấy cánh tay gầy guộc của ông Trương đang để bên ngoài chiếc chăn đơn, nước mắt cứ thế rơi lã chã.

Lúc này, Hứa Tử Đông bước vào, cúi xuống nói khẽ với tôi: "Tôi tìm thấy bố cô rồi, ông ấy không có gì đáng ngại."

Tôi sững sờ nhìn anh ta, nhất thời không nói được câu nào.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương