Nếu Đời Anh Vắng Em
-
Chương 1: Mùa hè năm ấy
Tình đầu luôn là tình cuối.
Tahar BEN JELLOUN
San Francisco, California
Mùa hè năm 1995
Gabrielle 20 tuổi.
Cô là người Mỹ, sinh viên năm thứ ba trường Đại học Tổng hợp Berkeley.
Mùa hè năm ấy, cô thường mặc chiếc quần jean màu sáng, áo sơ mi trắng và áo khoác da ôm sát. Mái tóc dài mượt và đôi mắt màu xanh lấp lánh sắc vàng làm cô trông giống Françoise Hardy trong những bức ảnh do Jean-Marie Périer chụp vào những năm 1960.
Mùa hè năm ấy, cô thường đến thư viện, hoặc say sưa với công việc tình nguyện viên tại trạm cứu hỏa trên đường California.
Mùa hè năm ấy, cô sẽ sống trọn vẹn cho mối tình lớn đầu tiên trong đời.
Martin 21 tuổi.
Anh là người Pháp, vừa tốt nghiệp cử nhân Luật tại trường Sorbonne.
Mùa hè năm ấy, anh tới Mỹ một mình để trau dồi tiếng Anh và khám phá đất nước này thật cặn kẽ. Không một xu dính túi, anh làm đủ mọi việc vặt, lao động hơn mười sáu tiếng một ngày: chạy bàn, bán kem dạo, làm vườn...
Mùa hè năm ấy, mái tóc đen dài ngang vai khiến anh trông giống Al Pacino hồi mới khởi nghiệp.
Mùa hè năm ấy, anh sẽ sống trọn vẹn cho tình yêu lớn cuối cùng của đời mình.
Quán cà phê sinh viên tại trường Đại học Tổng hợp Berkeley
- Này Gabrielle, có thư cho em đấy!
Ngồi bên một chiếc bàn, cô gái rời mắt khỏi cuốn sách.
- Thế là sao?
- Một lá thư gửi cho em, người đẹp ạ! Carlito, người quản lý quán nhắc lại và đặt cạnh tách trà của cô một phong bì màu kem.
- Thư của ai nhỉ?
- Của Martin, anh chàng người Pháp ấy. Cậu ta đã hết hợp đồng rồi, nhưng sáng nay cậu ta vẫn qua đây để gửi lại lá thư này.
Gabrielle ngỡ ngàng nhìn chiếc phong bì rồi thả nó vào túi áo trước khi rời khỏi quán cà phê.
Nhìn từ trên tòa tháp, ký túc xá rộng mênh mông với những rặng cây xanh rờn đang đắm mình trong bầu không khí mùa hè. Gabrielle đi dọc theo những lối đi và những ngã rẽ của khuôn viên cho tới khi tìm thấy một chiếc ghế đá còn trống nằm dưới bóng những cây cổ thụ hàng trăm tuổi.
Ở đó, chỉ có một mình, cô mở phong thư trong tâm trạng ngờ vực pha lẫn tò mò.
° ° °
Ngày 26 tháng Tám năm 1995
Gabrielle thân mến,
Anh chỉ muốn báo để em biết ngày mai anh sẽ quay về Pháp.
Chỉ để nói với em rằng đối với anh, trong suốt quãng thời gian ở California, không có gì quý giá hơn những lần được ngồi cùng em trong quán cà phê ký túc xá, tán gẫu về một vài cuốn sách, những bộ phim, những điệu nhạc và quan điểm sống.
Chỉ để nói với em rằng, rất nhiều lần anh ước mình được là một nhân vật viễn tưởng. Bởi trong tiểu thuyết hay trong phim, nhân vật nam chính thường bớt vụng về hơn anh trong việc bày tỏ với nhân vật nữ chính rằng anh rất thích cô, thích được trò chuyện với cô và thực sự có cảm xúc rất đặc biệt mỗi khi nhìn cô. Đó làcảm giác vừa dịu êm, vừa đau đớn, vừa mãnh liệt. Một mối đồng cảm lạ kỳ, thân thiết đến bàng hoàng. Một điều gì đó vô cùng hiếm gặp, trước đây anh chưa từng cảm nhận. Một điều vô cùng lạ lẫm, anh không hề nghĩ nó có tồn tại trên đời.
Chỉ để nói với em rằng có một chiều, khi chúng ta bất ngờ gặp mưa trong khuôn viên và cùng trú dưới mái hiên thư viện, anh đã cảm thấy, và anh đoán dường như em cũng vậy, giây phút ấy toàn thân anh choáng váng như bị hút hồn, và trong một thoáng cả hai chúng ta đều ngây ngất. Ngày hôm đó, anh biết chắc rằng chỉ chút nữa thôi chúng ta đã hôn nhau. Anh đã chẳng thể tiến lên bởi em đã kể cho anh nghe về người bạn trai của em, và cũng bởi anh không muốn trong mắt em anh sẽ lại "như những anh chàng khác", chỉ tán tỉnh em mà không mảy may nghiêm túc.
Thế nhưng anh cũng biết nếu lúc đó chúng ta hôn nhau, anh sẽ ra đi với trái tim mãn nguyện, bất chấp trời mưa hay nắng, bởi như thế anh cũng là chút gì đó đối với em. Anh biết nụ hôn đó sẽ theo anh rất lâu khắp bốn phương trời, đó sẽ là một kỷ niệm rực rỡ để anh nương vào trong những lúc cô đơn. Nhưng người ta cũng nói rằng những chuyện tình đẹp nhất là những cuộc tình họ chưa trải qua. Vậy thì có lẽ nụ hôn chưa trao sẽ là nụ hôn nồng nàn nhất...
Chỉ để nói với em rằng mỗi khi nhìn em, anh nghĩ tới 24 hình ảnh chạy liên tục mỗi giây đồng hồ trong một cuốn phim. Ở em, 23 hình ảnh đầu thật sáng tươi và rực rỡ, song hình ảnh thứ 24 lại toát lên nét buồn hoàn toàn tương phản với vẻ tươi sáng của em. Giống như một hình ảnh mong manh, một vết rạn dưới mảnh vỡ: một chi tiết nhỏ không hoàn hảo song lại phác họa nên con người em chân thật hơn mọi phẩm chất hay mọi thành công của em. Rất nhiều lần, anh tự hỏi điều gì có thể khiến em buồn đến vậy, rất nhiều lần anh thầm mong em sẽ nói với anh, song em chưa bao giờ nói.
Chỉ để nhắn em hãy tự chăm sóc mình thật tốt và đừng để cho nỗi buồn xâm nhiễm. Chỉ để nhắn em đừng để hình ảnh thứ 24 kia giành chiến thắng. Đừng để ác quỷ áp đảo thiên thần quá thường xuyên.
Chỉ để nói với em, anh cũng thấy em thật tuyệt vời và rực rỡ. Song, người ta nói điều này với em đến năm chục lần mỗi ngày, thành ra nói điều đó cũng chỉ khiến anh trở nên giống những anh chàng khác...
Cuối cùng, chỉ để nói với em rằng anh sẽ không bao giờ quên em.
Martin.
° ° °
Gabrielle ngẩng đầu lên. Trái tim cô nặng trĩu, vì cô hoàn toàn không chờ đợi điều này.
Ngay từ những dòng đầu tiên cô đã hiểu lá thư này thật đặc biệt. Tất nhiên, cô biết câu chuyện viết trong thư, nhưng không hoàn toàn dưới góc độ như vậy. Cô nhìn xung quanh, sợ rằng cảm xúc đã lộ rõ trên mặt mình. Khi cảm thấy mắt mình nhòa nước, cô rời khỏi ký túc xá và lên tàu điệu ngầm đi vào trung tâm San Francisco. Cô đã định ở lại thư viện học muộn hơn nhưng giờ cô biết mình không thể làm được điều đó.
Ngồi xuống ghế, tâm trí cô lơ lửng giữa cảm giác ngạc nhiên khi nhận được lá thư của Martin và nỗi sung sướng nhưng đau đớn khi đọc thư. Chẳng phải ngày nào cũng có người dành cho cô sự quan tâm như vậy. Cũng chẳng phải ngày nào cũng có người để ý nhiều tới tâm tính của cô hơn mọi điều khác.
Tất cả mọi người đều tưởng cô là người mạnh mẽ, hòa đồng trong khi cô lại rất yếu đuối và hơi mất phương hướng trước những mâu thuẫn rất con gái. Những người đã biết cô từ nhiều năm nay không hề biết có những chuyện khiến cô dằn vặt, vậy mà anh có thể đọc được nội tâm của cô và hiểu rõ tất cả chỉ trong vài tuần lễ.
Mùa hè năm ấy, cái nóng cháy bỏng đổ xuống bờ biển California, không loại trừ San Francisco cho dù thành phố này thuộc một vùng vi khí hậu. Trong toa tàu, hành khách dường như lả đi, giống như đang bị cơn nóng mùa hè nuốt chửng. Song Gabrielle lại không như họ. Cô đột nhiên trở thành nữ anh hùng trong văn chương trung cổ, đắm chìm trong thời đại của những hiệp sĩ. Thời đó, những mối tình cao quý mới bắt đầu xuất hiện. Chrétien de Troyes 1 vừa gửi cho cô một bức thông điệp và cô quyết định sẽ biến tình bạn mà cô dành cho chàng thành...
Cô đọc đi đọc lại bức thư, nó khiến cô thấy nhẹ lòng nhưng cũng làm cô đau.
Không, Martin Beaumont, anh không giống như những anh chàng khác...
Cô đọc đi đọc lại bức thư khiến cô vừa hạnh phúc, vừa tuyệt vọng, vừa phân vân.
Phân vân đến mức cô quên cả xuống tàu khi đến ga gần cuối. Thế là phải đi thêm một bến nữa, rồi cuốc bộ dưới tiết trời nóng nực để về được đến nhà.
Hoan hô nữ anh hùng, well done!
° ° °
Ngày hôm sau
9 giờ sáng
Sân bay San Francisco SFO
Trời mưa.
Vẫn còn chưa tỉnh táo hẳn, Martin cố nén cái ngáp và bấu chặt lấy thanh ngang cũkỹ chỉ chực long ra mỗi khi xe rẽ ngoặt. Anh mặc trên người chiếc áo bành tô bằng dạ dày, quần jean thủng lỗ chỗ, đôi giày basket đã cũ và chiếc áo phông có in hình một nhóm nhạc rock.
Mùa hè năm ấy, tất cả thanh niên đều có một thứ gì đó in hình Kurt Cobain.
Trong đầu anh, những kỷ niệm về hai tháng vừa qua ở Mỹ cứ xáo trộn. Anh đã được ngắm nhìn đầy con mắt và trái tim anh cũng đã đầy. California đã đưa anh đi quá xa Évry và vùng ngoại ô Paris. Hồi đầu hè, anh định thi vào trường cảnh sát nhưng kỳ nghỉ ngắn ngủi ở nơi này đã làm thay đổi mọi thứ. Chàng trai trẻ dân ngoại ô đã có được niềm tin vào bản thân, nhờ một đất nước mà cuộc sống ở đó cũng khó khăn như bất kỳ nơi nào khác, nhưng lại là nơi con người luôn biết hy vọng và khát khao thực hiện ước mơ của mình.
Và giấc mơ của anh là viết truyện. Những câu chuyện đi vào lòng người, những câu chuyện về những con người bình thường gặp những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Bởi vì chỉ thực tại thôi đối với anh không đủ và viễn tưởng là thứ vẫn luôn tồn tại trong cuộc đời anh. Từ khi còn rất nhỏ, những nhân vật yêu thích thường giúp anh thoát khỏi những đớn đau, an ủi anh những khi thất vọng hay đau buồn. Những nhân vật ấy nuôi dưỡng trí tưởng tượng trong anh, giúp anh kìm nén những cảm xúc bồng bột để có thể nhìn cuộc đời bằng con mắt bao dung hơn.
Chiếc xe buýt chạy từ đường Power tới thả hành khách xuống sân bay quốc tế. Bị xô đẩy, Martin cố túm lấy cây đàn ghi ta để trên giá hành lý. Đồ đạc lỉnh kỉnh, anh là người cuối cùng ra khỏi xe buýt, lục tay vào túi áo tìm vé và nghếch mũi lên trời, anh cố định vị mình giữa đám đông nháo nhác.
Anh chưa nhìn thấy cô ngay.
Cô đậu xe hàng đôi và cứ để máy nổ.
Gabrielle.
Người cô đẫm nước mưa. Cô đang lạnh. Cô hơi run rẩy.
Anh, Cô nhận ra nhau. Anh, Cô chạy lại với nhau.
Họ ôm siết lấy nhau, tim đập rộn ràng, giống như lần đầu tiên, như họ tin là như thế.
Rồi cô nhoẻn miệng cười và khiêu khích anh:
- Thế nào, Martin Beaumont, anh có thực sự nghĩ rằng những nụ hôn chưa trao là những nụ hôn nồng thắm nhất không?
Rồi họ hôn nhau.
Họ tìm môi nhau, hơi thở quện vào nhau, những sợi tóc ướt lướt thướt quấn lấy nhau. Anh đặt tay lên gáy cô, cô đỡ hai má anh. Họ cuống quýt trao nhau những lời yêu vụng về.
Cô đề nghị: "Anh ở lại thêm đi!"
Anh ở lại thêm đi!
Lúc đó anh không hề biết cả đời mình sẽ chẳng còn có điều gì hơn thế nữa. Không có gì trong sáng hơn, rực rỡ hơn và mãnh liệt hơn đôi mắt màu xanh lá của Gabrielle lấp lánh dưới làn mưa, trong buổi sáng mùa hè ấy.
Và giọng van vỉ của cô: Anh ở lại thêm đi!
° ° °
San Francisco
28 tháng Tám - 7 tháng Chín năm 1995
Martin trả thêm 100 đô la để lùi ngày bay. Món tiền sẽ giúp anh được sống mười ngày quan trọng nhất trong đời.
Họ yêu nhau.
Trong những hiệu sách trên các con phố ở Berkeley nơi mùi hương du mục vẫn còn phảng phất.
Trong rạp chiếu phim ở đường Reid nơi họ chẳng xem được mấy đoạn trong bộ phim Leaving Las Vegas vì còn đắm chìm trong những nụ hôn và những cái vuốt ve.
Trong một nhà hàng nhỏ, trước mặt là một chiếc bánh hamburger kiểu Hawai to tướng nhân dứa và một chai Sonoma.
Họ yêu nhau.
Họ nghịch ngợm, đùa giỡn như lũ trẻ, siết chặt tay nhau và chạy dọc bãi biển.
Họ yêu nhau.
Trong căn phòng ký túc xá trường đại học, nơi anh bất ngờ đàn tặng cô bản La Valse à mille temps 2 của Jacques Brel bằng đàn ghi ta. Cô nhảy cho anh xem, thoạt đầu chậm rãi, rồi càng lúc càng nhanh hơn, xoay tròn, hai tay dang rộng, bàn tay ngửa lên trời trông giống như một con quay.
Anh buông cây đàn và cùng cô hòa vào vũ điệu mê say. Họ làm thành một con quay, xoay mãi, cho đến khi đổ ập xuống nền nhà...
... họ yêu nhau.
Họ lơ lửng, bay bổng.
Họ là Chúa, là thiên thần, là duy nhất trên trái đất này.
Xung quanh, cả thế giới mờ đi và chỉ còn là bức phông sân khấu, họ là hai diễn viên duy nhất trong đêm diễn đó.
Họ yêu nhau.
Bằng thứ tình yêu đã ngấm vào máu.
Bằng cơn say triền miên.
Trong khoảnh khắc này và mãi mãi về sau.
Nhưng đồng thời, nỗi lo sợ cũng bao trùm khắp nơi.
Sợ sẽ không đủ.
Sợ sẽ ngạt thở vì thiếu không khí.
Vừa rõ ràng vừa mập mờ.
Vừa là trừng phạt vừa là triệt hạ.
Là mùa xuân tươi đẹp nhất, là cơn bão mãnh liệt nhất.
Bất chấp mọi thứ, họ yêu nhau.
° ° °
Cô yêu anh.
Vào giữa buổi đêm.
Trong ô tô của cô, cô đậu nó trên bãi Tenderloin, khu phố nhạy cảm nhất thành phố. Radio trên xe rung lên theo nhịp gansta rap và bài Smells Like Teen Spirit.
Đó là đỉnh điểm của hiểm nguy, khi cơ thể người yêu nhòa đi trong những làn đèn pha lia qua lia lại, khi mối đe dọa bị một nhómxã hội đen tấn công hay bị cảnh sát tóm luôn rình rập.
Lần này thì không phải là tình yêu với "một bó hoa hồng", tình yêu với "những lời âu yếm dịu dàng". Đó là một tình yêu "như sắt nung lửa" khi người ta giằng giật nhiều hơn là cho đi. Đêm đó, giữa họ là cơn thèm thuốc, là mũi kim cắm vào cơ thể, là cơn mê đắm của một con nghiện. Cô muốn cho anh thấy cả khía cạnh đó của cô, là vết gợn phía sau hình ảnh lãng mạn: chính là thiếu khuyết, là hình ảnh thứ 24. Cô muốn thử xem liệu anh có thể theo cô tới cả vùng đất ấy hay sẽ bỏ rơi cô dọc đường.
Đêm đó, cô không còn là người yêu của anh nữa, cô đã trở thành người tình của anh.
bởi màn đêm là của những người yêu nhau
bởi màn đêm đã thuộc về chúng ta
° ° °
Anh yêu cô.
Vô cùng dịu dàng.
Trên bãi biển, khi trời vừa hửng sáng.
Cô ngủ quên trên chiếc áo khoác dạ của anh. Anh gối đầu lên bụng cô.
Hai tình nhân trẻ, gói mình trong làn gió ấm, dưới ánh hồng dương của bầu trời California.
Hai cơ thể thư giãn, hai trái tim đã được vá lành, họ nép vào nhau, trong khi chiếc đài bán dẫn đặt trên cát đang phát ra một bản nhạc du dương quen thuộc.
° ° °
Ngày 8 tháng Chín năm 1995
9 giờ sáng
Sân bay San Francisco SFO
Đoạn kết của giấc mơ.
Họ đang đứng tại sảnh sân bay, giữa đám đông và tiếng ồn ào.
Cuối cùng thực tế cũng chiến thắng viễn cảnh về một tình yêu vượt thời gian.
Thật phũ phàng. Thật đau đớn.
Martin tìm kiếm ánh mắt của Gabrielle. Sáng nay, những tia nắng vàng đã biến mất trong đôi mắt cô. Họ chẳng biết nói thêm gì với nhau. Và thế là họ ghì nhau vào lòng, bấu chặt lấy nhau, người này cố tìm thấy ở người kia nguồn sinh lực đang thiếu trong mình. Trong cuộc chơi này, Gabrielle tỏ ra mạnh mẽ hơn anh. Những ngày hạnh phúc vừa qua, cô biết đó là những ngày cô đánh cắp từ cuộc đời, trong khi anh lại tưởng quãng thời gian đó sẽ kéo dài mãi mãi.
Thế nhưng chính cô lại đang cảm thấy lạn. Anh liền cởi chiếc áo khoác dạ ra và choàng lên vai cô. Thoạt đầu cô từ chối, ra vẻ em là người mạnh mẽ, kiểu không sao cả đâu, song anh vẫn cố thuyết phục bởi anh thấy rõ cô đang run rẩy. Đến lượt mình, cô tháo sợi dây chuyền bạc có cây Nam Thập Tự đang đeo trên cổ xuống. Cô nhét sợi dây chuyền vào tay anh.
Tiếng gọi hành khách lần cuối. Họ buộc phải rời nhau.
Không biết lần thứ bao nhiêu anh hỏi cô:
- Em có yêu người đang đi du lịch ở châu Âu không?
Và như mọi lần, cô đặt một ngón tay lên môi anh rồi cụp mắt nhìn xuống.
Thế là hai cơ thể tách nhau ra, anh đi về phía phòng chờ ra máy bay, mắt vẫn không rời khỏi cô.
° ° °
Ngày 9 tháng Chín
Paris
Sân bay Charles-de-Gaulle
Sau hai chặng dừng chuyến máy bay và nhiều lần trễ giờ, chuyến bay Aer Lingus cũng hạ cánh xuống Roissy vào cuối buổi chiều. Ở San Francisco vẫn đang là mùa hè. Còn ở Paris, trời đã sang thu. Bầu trời xám xịt, u ám.
Hơi ngơ ngác, đôi mắt đỏ quạch vì thiếu ngủ, Martin đứng chờ để lấy hành lý. Trên màn hình ti vi, một cô gái tóc vàng với bộ ngực căng phồng silicon đang hét lên "Chúa đã cho tôi niềm tin". Sáng nay, anh đã rời khỏi nước Mỹ của Clinton, tối nay, anh đã ở trong nước Pháp của Chirac. Và anh ghét cay ghét đắng đất nước mình vì đó chẳng phải là nơi có Gabrielle.
Anh lấy va li của mình cùng cây đàn ghi ta rồi bắt đầu hành trình về nhà: đi tàu RER B tới Châtelet-Les Halles, sau đó là tàu RER D hướng Corbeil-Essonnes, xuống ở ga Évry rồi bắt xe buýt về khu Pyramides. Anh muốn mượn âm nhạc để rời xa thế giới, song pin trong chiế máy walkman của anh đã cạn kiệt từ đời nào. Vô vọng, vô phương, cứ như có ai đó đã tiêm nọc rắn vào tim anh. Rồi anh chợt nhận ra nước mắt đang chảy dài trên má mình và lũ thanh niên ngu xuẩn trong khu đang nhìn mình với vẻ nhạo báng. Anh cố tìm lại chút sĩ diện: ở Évry không ai được tỏ ra yếu đuối, nhất là trên xe buýt đi về Pyramides. Thế nên anh ngoảnh mặt đi và lần đầu tiên anh ý thức được rằng đêm nay anh sẽ không ngủ cùng cô.
Và những giọt nước mắt lại lăn dài.
° ° °
Nửa đêm.
Martin ra khỏi căn phòng nhỏ, anh đang ở nhờ ông bà anh trong một căn hộ chung cư dành cho người có thu nhập thấp.
Thang máy hỏng. Cuốc bộ chín tầng gác. Hộp thư báo bị giật tung, tiếng xô xát từ gầm cầu thang vọng ra. Ở đây vẫn chẳng có gì thay đổi.
Phải mất nửa tiếng tìm kiếm anh mới thấy một buồng điện thoại còn chưa bị phá hỏng. Anh nhét vào khe một thẻ điện thoại 50 đơn vị và bấm số máy bên kia bờ Đại Tây Dương.
° ° °
Cách đó 12 000 cây số, ở San Francisco lúc này là 12 rưỡi trưa. Điện thoại reo vang trong quán cà phê sinh viên ở ký túc xá Berkeley...
° ° °
49, 48, 47...
Bụng quặn lại, anh nhắm mắt và nói đơn giản:
- Anh đây, Gabrielle. Trung thành vớilời hẹn buổi trưa của chúng mình.
Thoạt đầu, cô cười vì ngạc nhiên và vì hạnh phúc, rồi cô bật khó vì quá đau buồn khi họ không còn được bên nhau nữa.
... 38, 37, 36...
Anh nói với cô rằng anh rất nhớ cô, anh yêu cô say đắm, anh không biết làm thế nào sống được nếu không có...
... cô nói với anh cô khao khát được ở bên anh đến chừng nào, được thực sự ở bên anh, được ngủ cùng với anh, được hôn anh và vuốt ve anh, được cắn xé và giết chết anh trong cơn yêu.
... 25, 24, 23...
Anh nghe cô nói và mọi ký ức lại trào lên: làn da mịn màng của cô, mùi cát và gió trong tóc cô, những lời cô nói "em hôn anh"...
... những lời anh nói "anh hôn em", bàn tay cô bám lấy cổ anh, đôi mắt cô tìm kiếm ánh mắt anh, sự mãnh liệt và êm ái khi họ ôm siết nhau.
... 20, 19, 18...
Anh hoảng sợ nhìn màn hình tinh thể lỏng trong buồng điện thoại và đau đớn tuyệt vọng khi nhìn thấy những đơn vị điện thoại cứ hết dần nhanh như vậy.
... 11, 10, 9...
Rồi họ chẳng nói gì nữa cả, bởi giọng cứ nghẹn đi.
Họ chỉ còn nghe thấy tiếng hai trái tim đập thình thịch như hòa nhịp cùng hơi thở đau đớn đang quện vào nhau, cứ như chiếc điện thoại đáng nguyền rủa này không hề tồn tại.
... 3, 2, 1, 0...
° ° °
Hồi đó, người ta vẫn còn chưa nhắc gì đến Internet, thư điện tử, Skype hay những tin nhắn điện thoại.
Hồi đó, bức thư tình gửi từ Pháp phải mất mười ngày mới đến được California.
Hồi đó, mỗi khi bạn viết "anh yêu em", phải chờ ba tuần mới nhận được hồi âm.
Và chờ đến ba tuần mới được một câu "em yêu anh", điều đó quả là quá sức chịu đựng khi người ta hai mươi tuổi.
° ° °
Thế rồi, những bức thư của Gabrielle cứ thưa thớt dần cho tới khi hoàn toàn mất dạng.
Rồi cô hầu như không trả lời điện thoại nữa, cả trong quán cà phê, cả trong phòng ký túc xá, cô thường để mặc cho cô bạn trong phòng ghi lại những lời nhắn.
Một đêm, không thể chịu được nữa, Martin giật tung điện thoại và dùng nó đập tan bức vách kính của cabin công cộng. Cơn giận dữ khiến anh hành động theo kiểu từ trước tới giờ anh vẫn thường lên án. Anh trở nên giống những kẻ mà anh vẫn căm ghét: những kẻ phá hoại tài sản công cộng, những kẻ luôn phải nốc một lon bia mới có thể ngủ được, những kẻ suốt ngày phì phèo thuốc cỏ thơm và xem thường mọi thứ: cuộc sống, hạnh phúc, khổ đau, quá khứ và tương lai.
Trong cơn khủng hoảng, anh hối hận vì đã yêu bởi giờ đây anh chẳng còn biết phải tiếp tục sống như thế nào. Mỗi ngày, anh tự thuyết phục mình rằng ngày mai sẽ tươi đẹp hơn, thời gian sẽ chữa lành tất cả, song ngày hôm sau anh lại thấy mình càng lún sâu thêm vào tuyệt vọng.
° ° °
Thế rồi một ngày, Martin tự nhủ chỉ có thể chinh phục lại Gabrielle bằng cả trái tim mình. Nhờ đó, anh lấy lại được sức mạnh để đứng dậy. Anh quay lại trường đại học, xin làm bốc vác trong siêu thị Carrefour Évry 2. Ban đêm, anh làm bảo vệ trong một bãi đậu xe và bắt đầu tiết kiệm từng xu.
Lẽ ra lúc đó phải có một người anh, một người cha, một người mẹ, một người bạn thân hay bất kỳ ai khuyên anh đừng bao giờ làm việc gì "bằng cả trái tim". Bởi nếu đã yêu bằng cả trái tim, có thể sau này, anh sẽ chẳng bao giờ còn yêu được nữa.
Song Martin chẳng có ai để nghe theo, ngoài "trái tim nhiệt thành của chàng trai ngốc nghếch".
° ° °
Ngày 10 tháng Mười hai năm 1995
Gabrielle, tình yêu của anh,
Hãy cứ để anh được gọi em như vậy, cho dù có thể lần này là lần cuối.
Anh không còn ảo tưởng quá nhiều nữa, anh cảm thấy mình đang dần vuột mất em.
Với anh, sự xa cách chỉ làm tình cảm thêm mãnh liệt và anh hy vọng rằng trong em vẫn còn có chút gì đó nhớ anh.
Anh đang ở đó, Gabrielle, cùng với em.
Gần hơn bao giờ hết.
Lúc này đây, chúng ta như hai kẻ đang vẫy gọi nhau qua một dòng sông. Đôi lúc, chúng ta gặp nhau ở giữa cầu, ở bên nhau chớp nhoáng, để tránh những đợt cuồng phong, rồi mỗi người lại trở về vị trí của mình, chờ đợi đến lần sau, để được bên nhau lâu hơn. Vì mỗi lần nhắm mắt lại và mường tượng hình ảnh đôi ta trong mười năm nữa, anh vẫn thấy hiện lên hình ảnh hạnh phúc, một hạnh phúc dường như rất thật: ánh nắng mặt trời, tiếng cười con trẻ, ánh mắt đồng điệu của một cặp vợ chồng yêu nhau say đắm.
Và anh không muốn bỏ qua cơ may ấy.
Anh đang ở đó, Gabrielle, ở bờ sông bên kia.
Đang chờ em.
Chiếc cầu ngăn cách chúng ta có vẻ cũ kỹ, song chiếc cầu đó vẫn còn vững chắc, nó được làm nên từ những thân cây cổ thụ đã đương đầu với nhiều bão tố.
Anh hiểu em sợ không muốn bước qua cầu.
Và anh biết có thể em sẽ không bao giờ bước qua.
Nhưng hãy để anh được hy vọng.
Anh không yêu cầu ở em một lời hứa, một hồi âmhay một cam kết gì hết.
Anh chỉ muốn có một tín hiệu từ phía em.
Và tín hiệu ấy, có một cách rất đơn giản để em gửi nó tới cho anh. Em sẽ thấy một món quà Noel đặc biệt kèm với thư anh: tấm vé máy bay đi New York vào ngày 24 tháng Mười hai. Anh sẽ ở Manhattan ngày hôm đó và anh sẽ chờ em cả ngày ở quán cà phê DeLalo, dưới chân tòa nhà Empire State. Hãy tới gặp anh nếu em tin chúng ta vẫn có thể ở bên nhau trong tương lai...
Hôn em,
Martin.
° ° °
24 tháng Mười hai năm 1995
New York
9 giờ sáng
Những bước chân của Martin nghiền sào sạo lên lớp tuyết mới. Trời rét như ở Bắc cực, song bầu trời xanh trong suốt, chỉ gợn nhẹ khi một làn gió thổi qua làm vẩn lên vài bông tuyết.
Người dân New York dọn tuyết trên vỉa hè trong tâm trạng phấn khởi bởi không khí trang hoàng và tiếng nhạc Christmas Carrols vọng ra từ tất cả các cửa hiệu.
Martin đẩy cánh cửa quán cà phê DeLalo. Anh tháo găng tay, bỏ mũ len và khăn quàng cổ ra rồi xoa hai tay vào nhau cho ấm lên. Hai ngày nay, anh không ngủ được, giờ anh cảm thấy hồi hộp và rạo rực giống như đang được truyền chất cafeine.
Nơi này thật ấm áp và ngập tràn không khí Noel, lấp lánh dưới ánh đèn màu nhấp nháy là những thiên thần bằng đường, những chú lùn bằng bánh mì tẩm ngũ vị hương thả xuống từ trần nhà. Trong không khí phảng phất mùi hương pha trộn giữa quế, thảo quả và bánh chuối. Trên đài, những bài hát Noel truyền thống được phát xen kẽ với những bản nhạc pop trẻ trung. Mùa đông năm đó, nhóm nhạc Oasis đang nổi như cồn và bài Wonderwall được phát liên tục, mỗi tiếng một lần.
Martin gọi một cốc sô cô la nóng tưới rượu marshmallows rồi ngồi xuống chiếc bàn bên cạnh cửa sổ.
Gabrielle sẽ đến, anh tin chắc như vậy.
Đến 10 giờ, anh đã xem lại không biết bao nhiêu lần giờ bay trên chiếc vé anh đã gửi đi.
Khởi hành - 23 tháng Mười hai: 22 giờ 55 phút - San Francisco SFO.
Giờ đến - 24 tháng Mười hai: 07 giờ 15 phút - New York JFK
Anh không lo lắng: tuyết rơi thế này, chắc chắn chuyến bay sẽ phải chậm mất vài giờ. Bên ngoài cửa kính, dòng người đổ ra vỉa hè giống như một đoàn quân gìn giữ hòa bình đã vứt bỏ súng ống để đối lấy những chiếc cốc nhựa có nắp đậy.
Lúc 11 giờ, Martin đọc lướt tờ USA Today mà một vị khách đã bỏ lại trên bàn. Trong tờ báo, người ta vẫn còn mải mê tranh cãi về việc tha bổng O.J. Simpson 3, sự bùng nổ của thị trường chứng khoán và về chùm phim truyền hình Cấp cứu đang khiến dân Mỹ say mê. Mùa đông năm đó, Bill Clinton vẫn chưa gặp Monica và đang dũng cảm đương đầu với Quốc hội để bảo vệ các chính sách xã hội của mình.
Gabrielle sẽ đến.
Đến giữa trưa, Martin đeo tai nghe máy walkman lên. Đôi mắt mơ màng, anh dạo bước cùng Bruce Springsteen trên những con phố ở Philadelphia.
Cô ấy sẽ đến.
13 giờ, anh mua một cái bánh kẹp xúc xích nóng từ một xe hàng lưu động, mắt vẫn không hề rời cửa ra vào, nhỡ chẳng may...
Chắc cô ấy sắp đến.
14 giờ, anh bắt đầu đọc Cạm bẫy tình, cuốn tiểu thuyết anh đã mua tại sân bay.
Một tiếng sau, anh mới đọc được bốn trang...
Chắc chắn cô ấy sẽ đến.
16 giờ, anh lôi trò chơi điện tử Game Boy cầm tay ra, thua năm bàn xếp hình Tetris chỉ trong vòng chưa đầy mười phút.
Có lẽ cô ấy sẽ đến...
17 giờ, nhân viên phục vụ quán cà phê bắt đầu nhìn anh với vẻ ngạc nhiên.
Còn một nửa cơ may cô sẽ đến.
Đến 18 giờ, quán đóng cửa. Anh là người khách cuối cùng rời khỏi quán.
Và cho đến khi ra ngoài, anh vẫn còn hy vọng.
Vậy mà...
° ° °
San Francisco
15 giờ
Tim thắt lại, Gabrielle bước trên cát về phía đại dương. Thời tiết cũng giống y như tâm trạng của cô: cây cầu Cổng Vàng chìm trong sương mù, những đám mây nặng trĩu vây quanh đảo Alcatraz và gió nổi lên. Để đỡ lạnh, cô vùi mình trong chiếc áo khoác dạ của Martin.
Cô ngồi xuống cát và lôi từ trong túi ra một tập thư anh đã viết cho cô. Cô đọc lại một vài đoạn. Cứ nghĩ tới em là tim anh đập rộn ràng. Anh ước em đang ở đây, vào lúc giữa đêm này. Anh muốn nhắm mắt lại để khi mở mắt ra đã thấy em ở đây... Cô lấy từ trong một phong bì ra những món quà xinh xắn anh đã gửi: một nhành cỏ may mắn có bốn lá, một bông hoa nhung tuyết, một tấm ảnh đen trắng cũ của Jean Seberg và Belmondo trong bộ phim Tận cùng nỗi đau...
Cô biết giữa mình và Martin có một tình cảm đặc biệt hiếm thấy. Một kết nối mãnh liệt mà cô không dám chắc một ngày nào đó sẽ còn có thể tìm lại được. Cô hình dung anh đang ngồi chờ cô ở New York, trong quán cà phê nơi anh đã hẹn cô. Cô tưởng tượng ra anh và khóc.
° ° °
Ở New York, quán phải đã đóng cửa được nửa tiếng nhưng Martin vẫn đợi, bất động và lạnh cóng. Đến giờ, anh chẳng hiểu gì về tình cảm thật củaGabrielle. Anh không hề biết tình yêu của họ đã khiến cô hạnh phúc đến chừng nào, không hề biết cô cảm thấy lạc lõng và mỏng manh thế nào trước khi gặp anh. Anh không biết anh đã giúp cô khỏi gục ngã trong một thời điểm vô cùng nhạy cảm của đời cô...
° ° °
Mưa bắt đầu rơi trên cát ở San Francisco. Xa xa, tiếng nhạc thiết tha từ chiếc dương cầm biển khổng lồ 4 réo rắt theo từng sóng vỗ vào các ống dẫn thanh bằng đá. Gabrielle đứng lên để theo kịp chuyến xe điện đang leo dọc đoạn đường dốc ngược lên phố Fillmore. Cô thẫn thờ đi hết quãng đường qua hai dãy nhà sau Nhà thờ Grace, dẫn tới Trung tâm Y tế Lenox.
Cuộn mình trong chiếc áo khoác dạ của Martin, cô lần lượt đi qua từng cánh cửa tự động. Cho dù cũng được trang hoàng trong ngày lễ song sảnh bệnh viện vẫn có vẻ ảm đảm và buồn tẻ.
Đứng gần chiếc máy bán nước tự động, bác sĩ Elliott Cooper nhận ra cô và đoán được cô vừa khóc.
- Chào Gabrielle, ông vừa nói vừa nở một nụ cười trấn an cô.
- Chào bác sĩ.
° ° °
Martin chờ cô đến tận 23 giờ, một mình trong cái rét cắt da cắt thịt của buổi đêm. Đến giờ thì trái tim anh hoàn toàn trống rỗng và anh cảm thấy tủi hổ. Hổ thẹn vì đã xông lên tiền tuyến mà không hề phòng vệ, với một trái tim nông nổi, lòng nhiệt tình và sự quả cảm thơ trẻ.
Anh đặc cược tất cả và đã mất sạch.
Anh đi lang thang trên các con phố: đường số 42, các quán bar, các bến tàu, rượu, những cuộc gặp rõ ràng không tốt đẹp. Mùa đông năm ấy, New York vẫn còn là New York. Chẳng phải là thành phố của Warhol hay của Velvet Underground, cũng chẳng phải là thành phố đã được dọn dẹp sạch sẽ về sau này. Đó là một New York vẫn đầy rẫy đe dọa và ngoài vòng pháp luật dành cho những kẻ sẵn sàng mở cửa đón quỷ dữ.
Đêm đó, lần đầu tiên trong mắt Martin chỉ toàn bóng tối và gian nan.
Anh sẽ không bao giờ trở thành nhà văn. Anh sẽ làm cảnh sát, anh sẽ là kẻ đi săn.
Đêm đó, anh không chỉ mất đi tình yêu.
Anh còn mất cả hy vọng.
° ° °
Thế đấy.
Câu chuyện này chỉ kể lại những gì xảy ra trong cuộc sống.
Chuyện về một người đàn ông và một người đàn bà chạy về phía nhau.
Tất cả đã bắt đầu từ một nụ hôn, vào một buổi sáng mùa hè, dưới bầu trời San Francisco.
Câu chuyện gần như đã kết thúc vào một đêm Noel, trong một quán bar New York và một bệnh viện ở California.
Rồi nhiều năm trôi qua...
--- ------ ------ ------ -------
1. (1135-1185) Nhà thơ, nhà văn trung cổ người Pháp, được xem là một trong những người mở đầu trào lưu tiểu thuyết hiệp sĩ. (Mọi chú thích không có lưu ý gì thêm đều là của người dịch).
2. Điệu Valse vĩnh cửu.
3. Orenthal James Simpson, cựu ngôi sao bóng bầu dục Mỹ, bị cáo buộc sát hại vợ cũ và người tình của cô, đã được tuyên trắng án trong phiên tòa ngày 3/10/1995.
4. Organe Wave, công trình điêu khắc hoành tráng ở Vịnh San Francisco, được thiết kế như một chiếc dương cầm.
Tahar BEN JELLOUN
San Francisco, California
Mùa hè năm 1995
Gabrielle 20 tuổi.
Cô là người Mỹ, sinh viên năm thứ ba trường Đại học Tổng hợp Berkeley.
Mùa hè năm ấy, cô thường mặc chiếc quần jean màu sáng, áo sơ mi trắng và áo khoác da ôm sát. Mái tóc dài mượt và đôi mắt màu xanh lấp lánh sắc vàng làm cô trông giống Françoise Hardy trong những bức ảnh do Jean-Marie Périer chụp vào những năm 1960.
Mùa hè năm ấy, cô thường đến thư viện, hoặc say sưa với công việc tình nguyện viên tại trạm cứu hỏa trên đường California.
Mùa hè năm ấy, cô sẽ sống trọn vẹn cho mối tình lớn đầu tiên trong đời.
Martin 21 tuổi.
Anh là người Pháp, vừa tốt nghiệp cử nhân Luật tại trường Sorbonne.
Mùa hè năm ấy, anh tới Mỹ một mình để trau dồi tiếng Anh và khám phá đất nước này thật cặn kẽ. Không một xu dính túi, anh làm đủ mọi việc vặt, lao động hơn mười sáu tiếng một ngày: chạy bàn, bán kem dạo, làm vườn...
Mùa hè năm ấy, mái tóc đen dài ngang vai khiến anh trông giống Al Pacino hồi mới khởi nghiệp.
Mùa hè năm ấy, anh sẽ sống trọn vẹn cho tình yêu lớn cuối cùng của đời mình.
Quán cà phê sinh viên tại trường Đại học Tổng hợp Berkeley
- Này Gabrielle, có thư cho em đấy!
Ngồi bên một chiếc bàn, cô gái rời mắt khỏi cuốn sách.
- Thế là sao?
- Một lá thư gửi cho em, người đẹp ạ! Carlito, người quản lý quán nhắc lại và đặt cạnh tách trà của cô một phong bì màu kem.
- Thư của ai nhỉ?
- Của Martin, anh chàng người Pháp ấy. Cậu ta đã hết hợp đồng rồi, nhưng sáng nay cậu ta vẫn qua đây để gửi lại lá thư này.
Gabrielle ngỡ ngàng nhìn chiếc phong bì rồi thả nó vào túi áo trước khi rời khỏi quán cà phê.
Nhìn từ trên tòa tháp, ký túc xá rộng mênh mông với những rặng cây xanh rờn đang đắm mình trong bầu không khí mùa hè. Gabrielle đi dọc theo những lối đi và những ngã rẽ của khuôn viên cho tới khi tìm thấy một chiếc ghế đá còn trống nằm dưới bóng những cây cổ thụ hàng trăm tuổi.
Ở đó, chỉ có một mình, cô mở phong thư trong tâm trạng ngờ vực pha lẫn tò mò.
° ° °
Ngày 26 tháng Tám năm 1995
Gabrielle thân mến,
Anh chỉ muốn báo để em biết ngày mai anh sẽ quay về Pháp.
Chỉ để nói với em rằng đối với anh, trong suốt quãng thời gian ở California, không có gì quý giá hơn những lần được ngồi cùng em trong quán cà phê ký túc xá, tán gẫu về một vài cuốn sách, những bộ phim, những điệu nhạc và quan điểm sống.
Chỉ để nói với em rằng, rất nhiều lần anh ước mình được là một nhân vật viễn tưởng. Bởi trong tiểu thuyết hay trong phim, nhân vật nam chính thường bớt vụng về hơn anh trong việc bày tỏ với nhân vật nữ chính rằng anh rất thích cô, thích được trò chuyện với cô và thực sự có cảm xúc rất đặc biệt mỗi khi nhìn cô. Đó làcảm giác vừa dịu êm, vừa đau đớn, vừa mãnh liệt. Một mối đồng cảm lạ kỳ, thân thiết đến bàng hoàng. Một điều gì đó vô cùng hiếm gặp, trước đây anh chưa từng cảm nhận. Một điều vô cùng lạ lẫm, anh không hề nghĩ nó có tồn tại trên đời.
Chỉ để nói với em rằng có một chiều, khi chúng ta bất ngờ gặp mưa trong khuôn viên và cùng trú dưới mái hiên thư viện, anh đã cảm thấy, và anh đoán dường như em cũng vậy, giây phút ấy toàn thân anh choáng váng như bị hút hồn, và trong một thoáng cả hai chúng ta đều ngây ngất. Ngày hôm đó, anh biết chắc rằng chỉ chút nữa thôi chúng ta đã hôn nhau. Anh đã chẳng thể tiến lên bởi em đã kể cho anh nghe về người bạn trai của em, và cũng bởi anh không muốn trong mắt em anh sẽ lại "như những anh chàng khác", chỉ tán tỉnh em mà không mảy may nghiêm túc.
Thế nhưng anh cũng biết nếu lúc đó chúng ta hôn nhau, anh sẽ ra đi với trái tim mãn nguyện, bất chấp trời mưa hay nắng, bởi như thế anh cũng là chút gì đó đối với em. Anh biết nụ hôn đó sẽ theo anh rất lâu khắp bốn phương trời, đó sẽ là một kỷ niệm rực rỡ để anh nương vào trong những lúc cô đơn. Nhưng người ta cũng nói rằng những chuyện tình đẹp nhất là những cuộc tình họ chưa trải qua. Vậy thì có lẽ nụ hôn chưa trao sẽ là nụ hôn nồng nàn nhất...
Chỉ để nói với em rằng mỗi khi nhìn em, anh nghĩ tới 24 hình ảnh chạy liên tục mỗi giây đồng hồ trong một cuốn phim. Ở em, 23 hình ảnh đầu thật sáng tươi và rực rỡ, song hình ảnh thứ 24 lại toát lên nét buồn hoàn toàn tương phản với vẻ tươi sáng của em. Giống như một hình ảnh mong manh, một vết rạn dưới mảnh vỡ: một chi tiết nhỏ không hoàn hảo song lại phác họa nên con người em chân thật hơn mọi phẩm chất hay mọi thành công của em. Rất nhiều lần, anh tự hỏi điều gì có thể khiến em buồn đến vậy, rất nhiều lần anh thầm mong em sẽ nói với anh, song em chưa bao giờ nói.
Chỉ để nhắn em hãy tự chăm sóc mình thật tốt và đừng để cho nỗi buồn xâm nhiễm. Chỉ để nhắn em đừng để hình ảnh thứ 24 kia giành chiến thắng. Đừng để ác quỷ áp đảo thiên thần quá thường xuyên.
Chỉ để nói với em, anh cũng thấy em thật tuyệt vời và rực rỡ. Song, người ta nói điều này với em đến năm chục lần mỗi ngày, thành ra nói điều đó cũng chỉ khiến anh trở nên giống những anh chàng khác...
Cuối cùng, chỉ để nói với em rằng anh sẽ không bao giờ quên em.
Martin.
° ° °
Gabrielle ngẩng đầu lên. Trái tim cô nặng trĩu, vì cô hoàn toàn không chờ đợi điều này.
Ngay từ những dòng đầu tiên cô đã hiểu lá thư này thật đặc biệt. Tất nhiên, cô biết câu chuyện viết trong thư, nhưng không hoàn toàn dưới góc độ như vậy. Cô nhìn xung quanh, sợ rằng cảm xúc đã lộ rõ trên mặt mình. Khi cảm thấy mắt mình nhòa nước, cô rời khỏi ký túc xá và lên tàu điệu ngầm đi vào trung tâm San Francisco. Cô đã định ở lại thư viện học muộn hơn nhưng giờ cô biết mình không thể làm được điều đó.
Ngồi xuống ghế, tâm trí cô lơ lửng giữa cảm giác ngạc nhiên khi nhận được lá thư của Martin và nỗi sung sướng nhưng đau đớn khi đọc thư. Chẳng phải ngày nào cũng có người dành cho cô sự quan tâm như vậy. Cũng chẳng phải ngày nào cũng có người để ý nhiều tới tâm tính của cô hơn mọi điều khác.
Tất cả mọi người đều tưởng cô là người mạnh mẽ, hòa đồng trong khi cô lại rất yếu đuối và hơi mất phương hướng trước những mâu thuẫn rất con gái. Những người đã biết cô từ nhiều năm nay không hề biết có những chuyện khiến cô dằn vặt, vậy mà anh có thể đọc được nội tâm của cô và hiểu rõ tất cả chỉ trong vài tuần lễ.
Mùa hè năm ấy, cái nóng cháy bỏng đổ xuống bờ biển California, không loại trừ San Francisco cho dù thành phố này thuộc một vùng vi khí hậu. Trong toa tàu, hành khách dường như lả đi, giống như đang bị cơn nóng mùa hè nuốt chửng. Song Gabrielle lại không như họ. Cô đột nhiên trở thành nữ anh hùng trong văn chương trung cổ, đắm chìm trong thời đại của những hiệp sĩ. Thời đó, những mối tình cao quý mới bắt đầu xuất hiện. Chrétien de Troyes 1 vừa gửi cho cô một bức thông điệp và cô quyết định sẽ biến tình bạn mà cô dành cho chàng thành...
Cô đọc đi đọc lại bức thư, nó khiến cô thấy nhẹ lòng nhưng cũng làm cô đau.
Không, Martin Beaumont, anh không giống như những anh chàng khác...
Cô đọc đi đọc lại bức thư khiến cô vừa hạnh phúc, vừa tuyệt vọng, vừa phân vân.
Phân vân đến mức cô quên cả xuống tàu khi đến ga gần cuối. Thế là phải đi thêm một bến nữa, rồi cuốc bộ dưới tiết trời nóng nực để về được đến nhà.
Hoan hô nữ anh hùng, well done!
° ° °
Ngày hôm sau
9 giờ sáng
Sân bay San Francisco SFO
Trời mưa.
Vẫn còn chưa tỉnh táo hẳn, Martin cố nén cái ngáp và bấu chặt lấy thanh ngang cũkỹ chỉ chực long ra mỗi khi xe rẽ ngoặt. Anh mặc trên người chiếc áo bành tô bằng dạ dày, quần jean thủng lỗ chỗ, đôi giày basket đã cũ và chiếc áo phông có in hình một nhóm nhạc rock.
Mùa hè năm ấy, tất cả thanh niên đều có một thứ gì đó in hình Kurt Cobain.
Trong đầu anh, những kỷ niệm về hai tháng vừa qua ở Mỹ cứ xáo trộn. Anh đã được ngắm nhìn đầy con mắt và trái tim anh cũng đã đầy. California đã đưa anh đi quá xa Évry và vùng ngoại ô Paris. Hồi đầu hè, anh định thi vào trường cảnh sát nhưng kỳ nghỉ ngắn ngủi ở nơi này đã làm thay đổi mọi thứ. Chàng trai trẻ dân ngoại ô đã có được niềm tin vào bản thân, nhờ một đất nước mà cuộc sống ở đó cũng khó khăn như bất kỳ nơi nào khác, nhưng lại là nơi con người luôn biết hy vọng và khát khao thực hiện ước mơ của mình.
Và giấc mơ của anh là viết truyện. Những câu chuyện đi vào lòng người, những câu chuyện về những con người bình thường gặp những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Bởi vì chỉ thực tại thôi đối với anh không đủ và viễn tưởng là thứ vẫn luôn tồn tại trong cuộc đời anh. Từ khi còn rất nhỏ, những nhân vật yêu thích thường giúp anh thoát khỏi những đớn đau, an ủi anh những khi thất vọng hay đau buồn. Những nhân vật ấy nuôi dưỡng trí tưởng tượng trong anh, giúp anh kìm nén những cảm xúc bồng bột để có thể nhìn cuộc đời bằng con mắt bao dung hơn.
Chiếc xe buýt chạy từ đường Power tới thả hành khách xuống sân bay quốc tế. Bị xô đẩy, Martin cố túm lấy cây đàn ghi ta để trên giá hành lý. Đồ đạc lỉnh kỉnh, anh là người cuối cùng ra khỏi xe buýt, lục tay vào túi áo tìm vé và nghếch mũi lên trời, anh cố định vị mình giữa đám đông nháo nhác.
Anh chưa nhìn thấy cô ngay.
Cô đậu xe hàng đôi và cứ để máy nổ.
Gabrielle.
Người cô đẫm nước mưa. Cô đang lạnh. Cô hơi run rẩy.
Anh, Cô nhận ra nhau. Anh, Cô chạy lại với nhau.
Họ ôm siết lấy nhau, tim đập rộn ràng, giống như lần đầu tiên, như họ tin là như thế.
Rồi cô nhoẻn miệng cười và khiêu khích anh:
- Thế nào, Martin Beaumont, anh có thực sự nghĩ rằng những nụ hôn chưa trao là những nụ hôn nồng thắm nhất không?
Rồi họ hôn nhau.
Họ tìm môi nhau, hơi thở quện vào nhau, những sợi tóc ướt lướt thướt quấn lấy nhau. Anh đặt tay lên gáy cô, cô đỡ hai má anh. Họ cuống quýt trao nhau những lời yêu vụng về.
Cô đề nghị: "Anh ở lại thêm đi!"
Anh ở lại thêm đi!
Lúc đó anh không hề biết cả đời mình sẽ chẳng còn có điều gì hơn thế nữa. Không có gì trong sáng hơn, rực rỡ hơn và mãnh liệt hơn đôi mắt màu xanh lá của Gabrielle lấp lánh dưới làn mưa, trong buổi sáng mùa hè ấy.
Và giọng van vỉ của cô: Anh ở lại thêm đi!
° ° °
San Francisco
28 tháng Tám - 7 tháng Chín năm 1995
Martin trả thêm 100 đô la để lùi ngày bay. Món tiền sẽ giúp anh được sống mười ngày quan trọng nhất trong đời.
Họ yêu nhau.
Trong những hiệu sách trên các con phố ở Berkeley nơi mùi hương du mục vẫn còn phảng phất.
Trong rạp chiếu phim ở đường Reid nơi họ chẳng xem được mấy đoạn trong bộ phim Leaving Las Vegas vì còn đắm chìm trong những nụ hôn và những cái vuốt ve.
Trong một nhà hàng nhỏ, trước mặt là một chiếc bánh hamburger kiểu Hawai to tướng nhân dứa và một chai Sonoma.
Họ yêu nhau.
Họ nghịch ngợm, đùa giỡn như lũ trẻ, siết chặt tay nhau và chạy dọc bãi biển.
Họ yêu nhau.
Trong căn phòng ký túc xá trường đại học, nơi anh bất ngờ đàn tặng cô bản La Valse à mille temps 2 của Jacques Brel bằng đàn ghi ta. Cô nhảy cho anh xem, thoạt đầu chậm rãi, rồi càng lúc càng nhanh hơn, xoay tròn, hai tay dang rộng, bàn tay ngửa lên trời trông giống như một con quay.
Anh buông cây đàn và cùng cô hòa vào vũ điệu mê say. Họ làm thành một con quay, xoay mãi, cho đến khi đổ ập xuống nền nhà...
... họ yêu nhau.
Họ lơ lửng, bay bổng.
Họ là Chúa, là thiên thần, là duy nhất trên trái đất này.
Xung quanh, cả thế giới mờ đi và chỉ còn là bức phông sân khấu, họ là hai diễn viên duy nhất trong đêm diễn đó.
Họ yêu nhau.
Bằng thứ tình yêu đã ngấm vào máu.
Bằng cơn say triền miên.
Trong khoảnh khắc này và mãi mãi về sau.
Nhưng đồng thời, nỗi lo sợ cũng bao trùm khắp nơi.
Sợ sẽ không đủ.
Sợ sẽ ngạt thở vì thiếu không khí.
Vừa rõ ràng vừa mập mờ.
Vừa là trừng phạt vừa là triệt hạ.
Là mùa xuân tươi đẹp nhất, là cơn bão mãnh liệt nhất.
Bất chấp mọi thứ, họ yêu nhau.
° ° °
Cô yêu anh.
Vào giữa buổi đêm.
Trong ô tô của cô, cô đậu nó trên bãi Tenderloin, khu phố nhạy cảm nhất thành phố. Radio trên xe rung lên theo nhịp gansta rap và bài Smells Like Teen Spirit.
Đó là đỉnh điểm của hiểm nguy, khi cơ thể người yêu nhòa đi trong những làn đèn pha lia qua lia lại, khi mối đe dọa bị một nhómxã hội đen tấn công hay bị cảnh sát tóm luôn rình rập.
Lần này thì không phải là tình yêu với "một bó hoa hồng", tình yêu với "những lời âu yếm dịu dàng". Đó là một tình yêu "như sắt nung lửa" khi người ta giằng giật nhiều hơn là cho đi. Đêm đó, giữa họ là cơn thèm thuốc, là mũi kim cắm vào cơ thể, là cơn mê đắm của một con nghiện. Cô muốn cho anh thấy cả khía cạnh đó của cô, là vết gợn phía sau hình ảnh lãng mạn: chính là thiếu khuyết, là hình ảnh thứ 24. Cô muốn thử xem liệu anh có thể theo cô tới cả vùng đất ấy hay sẽ bỏ rơi cô dọc đường.
Đêm đó, cô không còn là người yêu của anh nữa, cô đã trở thành người tình của anh.
bởi màn đêm là của những người yêu nhau
bởi màn đêm đã thuộc về chúng ta
° ° °
Anh yêu cô.
Vô cùng dịu dàng.
Trên bãi biển, khi trời vừa hửng sáng.
Cô ngủ quên trên chiếc áo khoác dạ của anh. Anh gối đầu lên bụng cô.
Hai tình nhân trẻ, gói mình trong làn gió ấm, dưới ánh hồng dương của bầu trời California.
Hai cơ thể thư giãn, hai trái tim đã được vá lành, họ nép vào nhau, trong khi chiếc đài bán dẫn đặt trên cát đang phát ra một bản nhạc du dương quen thuộc.
° ° °
Ngày 8 tháng Chín năm 1995
9 giờ sáng
Sân bay San Francisco SFO
Đoạn kết của giấc mơ.
Họ đang đứng tại sảnh sân bay, giữa đám đông và tiếng ồn ào.
Cuối cùng thực tế cũng chiến thắng viễn cảnh về một tình yêu vượt thời gian.
Thật phũ phàng. Thật đau đớn.
Martin tìm kiếm ánh mắt của Gabrielle. Sáng nay, những tia nắng vàng đã biến mất trong đôi mắt cô. Họ chẳng biết nói thêm gì với nhau. Và thế là họ ghì nhau vào lòng, bấu chặt lấy nhau, người này cố tìm thấy ở người kia nguồn sinh lực đang thiếu trong mình. Trong cuộc chơi này, Gabrielle tỏ ra mạnh mẽ hơn anh. Những ngày hạnh phúc vừa qua, cô biết đó là những ngày cô đánh cắp từ cuộc đời, trong khi anh lại tưởng quãng thời gian đó sẽ kéo dài mãi mãi.
Thế nhưng chính cô lại đang cảm thấy lạn. Anh liền cởi chiếc áo khoác dạ ra và choàng lên vai cô. Thoạt đầu cô từ chối, ra vẻ em là người mạnh mẽ, kiểu không sao cả đâu, song anh vẫn cố thuyết phục bởi anh thấy rõ cô đang run rẩy. Đến lượt mình, cô tháo sợi dây chuyền bạc có cây Nam Thập Tự đang đeo trên cổ xuống. Cô nhét sợi dây chuyền vào tay anh.
Tiếng gọi hành khách lần cuối. Họ buộc phải rời nhau.
Không biết lần thứ bao nhiêu anh hỏi cô:
- Em có yêu người đang đi du lịch ở châu Âu không?
Và như mọi lần, cô đặt một ngón tay lên môi anh rồi cụp mắt nhìn xuống.
Thế là hai cơ thể tách nhau ra, anh đi về phía phòng chờ ra máy bay, mắt vẫn không rời khỏi cô.
° ° °
Ngày 9 tháng Chín
Paris
Sân bay Charles-de-Gaulle
Sau hai chặng dừng chuyến máy bay và nhiều lần trễ giờ, chuyến bay Aer Lingus cũng hạ cánh xuống Roissy vào cuối buổi chiều. Ở San Francisco vẫn đang là mùa hè. Còn ở Paris, trời đã sang thu. Bầu trời xám xịt, u ám.
Hơi ngơ ngác, đôi mắt đỏ quạch vì thiếu ngủ, Martin đứng chờ để lấy hành lý. Trên màn hình ti vi, một cô gái tóc vàng với bộ ngực căng phồng silicon đang hét lên "Chúa đã cho tôi niềm tin". Sáng nay, anh đã rời khỏi nước Mỹ của Clinton, tối nay, anh đã ở trong nước Pháp của Chirac. Và anh ghét cay ghét đắng đất nước mình vì đó chẳng phải là nơi có Gabrielle.
Anh lấy va li của mình cùng cây đàn ghi ta rồi bắt đầu hành trình về nhà: đi tàu RER B tới Châtelet-Les Halles, sau đó là tàu RER D hướng Corbeil-Essonnes, xuống ở ga Évry rồi bắt xe buýt về khu Pyramides. Anh muốn mượn âm nhạc để rời xa thế giới, song pin trong chiế máy walkman của anh đã cạn kiệt từ đời nào. Vô vọng, vô phương, cứ như có ai đó đã tiêm nọc rắn vào tim anh. Rồi anh chợt nhận ra nước mắt đang chảy dài trên má mình và lũ thanh niên ngu xuẩn trong khu đang nhìn mình với vẻ nhạo báng. Anh cố tìm lại chút sĩ diện: ở Évry không ai được tỏ ra yếu đuối, nhất là trên xe buýt đi về Pyramides. Thế nên anh ngoảnh mặt đi và lần đầu tiên anh ý thức được rằng đêm nay anh sẽ không ngủ cùng cô.
Và những giọt nước mắt lại lăn dài.
° ° °
Nửa đêm.
Martin ra khỏi căn phòng nhỏ, anh đang ở nhờ ông bà anh trong một căn hộ chung cư dành cho người có thu nhập thấp.
Thang máy hỏng. Cuốc bộ chín tầng gác. Hộp thư báo bị giật tung, tiếng xô xát từ gầm cầu thang vọng ra. Ở đây vẫn chẳng có gì thay đổi.
Phải mất nửa tiếng tìm kiếm anh mới thấy một buồng điện thoại còn chưa bị phá hỏng. Anh nhét vào khe một thẻ điện thoại 50 đơn vị và bấm số máy bên kia bờ Đại Tây Dương.
° ° °
Cách đó 12 000 cây số, ở San Francisco lúc này là 12 rưỡi trưa. Điện thoại reo vang trong quán cà phê sinh viên ở ký túc xá Berkeley...
° ° °
49, 48, 47...
Bụng quặn lại, anh nhắm mắt và nói đơn giản:
- Anh đây, Gabrielle. Trung thành vớilời hẹn buổi trưa của chúng mình.
Thoạt đầu, cô cười vì ngạc nhiên và vì hạnh phúc, rồi cô bật khó vì quá đau buồn khi họ không còn được bên nhau nữa.
... 38, 37, 36...
Anh nói với cô rằng anh rất nhớ cô, anh yêu cô say đắm, anh không biết làm thế nào sống được nếu không có...
... cô nói với anh cô khao khát được ở bên anh đến chừng nào, được thực sự ở bên anh, được ngủ cùng với anh, được hôn anh và vuốt ve anh, được cắn xé và giết chết anh trong cơn yêu.
... 25, 24, 23...
Anh nghe cô nói và mọi ký ức lại trào lên: làn da mịn màng của cô, mùi cát và gió trong tóc cô, những lời cô nói "em hôn anh"...
... những lời anh nói "anh hôn em", bàn tay cô bám lấy cổ anh, đôi mắt cô tìm kiếm ánh mắt anh, sự mãnh liệt và êm ái khi họ ôm siết nhau.
... 20, 19, 18...
Anh hoảng sợ nhìn màn hình tinh thể lỏng trong buồng điện thoại và đau đớn tuyệt vọng khi nhìn thấy những đơn vị điện thoại cứ hết dần nhanh như vậy.
... 11, 10, 9...
Rồi họ chẳng nói gì nữa cả, bởi giọng cứ nghẹn đi.
Họ chỉ còn nghe thấy tiếng hai trái tim đập thình thịch như hòa nhịp cùng hơi thở đau đớn đang quện vào nhau, cứ như chiếc điện thoại đáng nguyền rủa này không hề tồn tại.
... 3, 2, 1, 0...
° ° °
Hồi đó, người ta vẫn còn chưa nhắc gì đến Internet, thư điện tử, Skype hay những tin nhắn điện thoại.
Hồi đó, bức thư tình gửi từ Pháp phải mất mười ngày mới đến được California.
Hồi đó, mỗi khi bạn viết "anh yêu em", phải chờ ba tuần mới nhận được hồi âm.
Và chờ đến ba tuần mới được một câu "em yêu anh", điều đó quả là quá sức chịu đựng khi người ta hai mươi tuổi.
° ° °
Thế rồi, những bức thư của Gabrielle cứ thưa thớt dần cho tới khi hoàn toàn mất dạng.
Rồi cô hầu như không trả lời điện thoại nữa, cả trong quán cà phê, cả trong phòng ký túc xá, cô thường để mặc cho cô bạn trong phòng ghi lại những lời nhắn.
Một đêm, không thể chịu được nữa, Martin giật tung điện thoại và dùng nó đập tan bức vách kính của cabin công cộng. Cơn giận dữ khiến anh hành động theo kiểu từ trước tới giờ anh vẫn thường lên án. Anh trở nên giống những kẻ mà anh vẫn căm ghét: những kẻ phá hoại tài sản công cộng, những kẻ luôn phải nốc một lon bia mới có thể ngủ được, những kẻ suốt ngày phì phèo thuốc cỏ thơm và xem thường mọi thứ: cuộc sống, hạnh phúc, khổ đau, quá khứ và tương lai.
Trong cơn khủng hoảng, anh hối hận vì đã yêu bởi giờ đây anh chẳng còn biết phải tiếp tục sống như thế nào. Mỗi ngày, anh tự thuyết phục mình rằng ngày mai sẽ tươi đẹp hơn, thời gian sẽ chữa lành tất cả, song ngày hôm sau anh lại thấy mình càng lún sâu thêm vào tuyệt vọng.
° ° °
Thế rồi một ngày, Martin tự nhủ chỉ có thể chinh phục lại Gabrielle bằng cả trái tim mình. Nhờ đó, anh lấy lại được sức mạnh để đứng dậy. Anh quay lại trường đại học, xin làm bốc vác trong siêu thị Carrefour Évry 2. Ban đêm, anh làm bảo vệ trong một bãi đậu xe và bắt đầu tiết kiệm từng xu.
Lẽ ra lúc đó phải có một người anh, một người cha, một người mẹ, một người bạn thân hay bất kỳ ai khuyên anh đừng bao giờ làm việc gì "bằng cả trái tim". Bởi nếu đã yêu bằng cả trái tim, có thể sau này, anh sẽ chẳng bao giờ còn yêu được nữa.
Song Martin chẳng có ai để nghe theo, ngoài "trái tim nhiệt thành của chàng trai ngốc nghếch".
° ° °
Ngày 10 tháng Mười hai năm 1995
Gabrielle, tình yêu của anh,
Hãy cứ để anh được gọi em như vậy, cho dù có thể lần này là lần cuối.
Anh không còn ảo tưởng quá nhiều nữa, anh cảm thấy mình đang dần vuột mất em.
Với anh, sự xa cách chỉ làm tình cảm thêm mãnh liệt và anh hy vọng rằng trong em vẫn còn có chút gì đó nhớ anh.
Anh đang ở đó, Gabrielle, cùng với em.
Gần hơn bao giờ hết.
Lúc này đây, chúng ta như hai kẻ đang vẫy gọi nhau qua một dòng sông. Đôi lúc, chúng ta gặp nhau ở giữa cầu, ở bên nhau chớp nhoáng, để tránh những đợt cuồng phong, rồi mỗi người lại trở về vị trí của mình, chờ đợi đến lần sau, để được bên nhau lâu hơn. Vì mỗi lần nhắm mắt lại và mường tượng hình ảnh đôi ta trong mười năm nữa, anh vẫn thấy hiện lên hình ảnh hạnh phúc, một hạnh phúc dường như rất thật: ánh nắng mặt trời, tiếng cười con trẻ, ánh mắt đồng điệu của một cặp vợ chồng yêu nhau say đắm.
Và anh không muốn bỏ qua cơ may ấy.
Anh đang ở đó, Gabrielle, ở bờ sông bên kia.
Đang chờ em.
Chiếc cầu ngăn cách chúng ta có vẻ cũ kỹ, song chiếc cầu đó vẫn còn vững chắc, nó được làm nên từ những thân cây cổ thụ đã đương đầu với nhiều bão tố.
Anh hiểu em sợ không muốn bước qua cầu.
Và anh biết có thể em sẽ không bao giờ bước qua.
Nhưng hãy để anh được hy vọng.
Anh không yêu cầu ở em một lời hứa, một hồi âmhay một cam kết gì hết.
Anh chỉ muốn có một tín hiệu từ phía em.
Và tín hiệu ấy, có một cách rất đơn giản để em gửi nó tới cho anh. Em sẽ thấy một món quà Noel đặc biệt kèm với thư anh: tấm vé máy bay đi New York vào ngày 24 tháng Mười hai. Anh sẽ ở Manhattan ngày hôm đó và anh sẽ chờ em cả ngày ở quán cà phê DeLalo, dưới chân tòa nhà Empire State. Hãy tới gặp anh nếu em tin chúng ta vẫn có thể ở bên nhau trong tương lai...
Hôn em,
Martin.
° ° °
24 tháng Mười hai năm 1995
New York
9 giờ sáng
Những bước chân của Martin nghiền sào sạo lên lớp tuyết mới. Trời rét như ở Bắc cực, song bầu trời xanh trong suốt, chỉ gợn nhẹ khi một làn gió thổi qua làm vẩn lên vài bông tuyết.
Người dân New York dọn tuyết trên vỉa hè trong tâm trạng phấn khởi bởi không khí trang hoàng và tiếng nhạc Christmas Carrols vọng ra từ tất cả các cửa hiệu.
Martin đẩy cánh cửa quán cà phê DeLalo. Anh tháo găng tay, bỏ mũ len và khăn quàng cổ ra rồi xoa hai tay vào nhau cho ấm lên. Hai ngày nay, anh không ngủ được, giờ anh cảm thấy hồi hộp và rạo rực giống như đang được truyền chất cafeine.
Nơi này thật ấm áp và ngập tràn không khí Noel, lấp lánh dưới ánh đèn màu nhấp nháy là những thiên thần bằng đường, những chú lùn bằng bánh mì tẩm ngũ vị hương thả xuống từ trần nhà. Trong không khí phảng phất mùi hương pha trộn giữa quế, thảo quả và bánh chuối. Trên đài, những bài hát Noel truyền thống được phát xen kẽ với những bản nhạc pop trẻ trung. Mùa đông năm đó, nhóm nhạc Oasis đang nổi như cồn và bài Wonderwall được phát liên tục, mỗi tiếng một lần.
Martin gọi một cốc sô cô la nóng tưới rượu marshmallows rồi ngồi xuống chiếc bàn bên cạnh cửa sổ.
Gabrielle sẽ đến, anh tin chắc như vậy.
Đến 10 giờ, anh đã xem lại không biết bao nhiêu lần giờ bay trên chiếc vé anh đã gửi đi.
Khởi hành - 23 tháng Mười hai: 22 giờ 55 phút - San Francisco SFO.
Giờ đến - 24 tháng Mười hai: 07 giờ 15 phút - New York JFK
Anh không lo lắng: tuyết rơi thế này, chắc chắn chuyến bay sẽ phải chậm mất vài giờ. Bên ngoài cửa kính, dòng người đổ ra vỉa hè giống như một đoàn quân gìn giữ hòa bình đã vứt bỏ súng ống để đối lấy những chiếc cốc nhựa có nắp đậy.
Lúc 11 giờ, Martin đọc lướt tờ USA Today mà một vị khách đã bỏ lại trên bàn. Trong tờ báo, người ta vẫn còn mải mê tranh cãi về việc tha bổng O.J. Simpson 3, sự bùng nổ của thị trường chứng khoán và về chùm phim truyền hình Cấp cứu đang khiến dân Mỹ say mê. Mùa đông năm đó, Bill Clinton vẫn chưa gặp Monica và đang dũng cảm đương đầu với Quốc hội để bảo vệ các chính sách xã hội của mình.
Gabrielle sẽ đến.
Đến giữa trưa, Martin đeo tai nghe máy walkman lên. Đôi mắt mơ màng, anh dạo bước cùng Bruce Springsteen trên những con phố ở Philadelphia.
Cô ấy sẽ đến.
13 giờ, anh mua một cái bánh kẹp xúc xích nóng từ một xe hàng lưu động, mắt vẫn không hề rời cửa ra vào, nhỡ chẳng may...
Chắc cô ấy sắp đến.
14 giờ, anh bắt đầu đọc Cạm bẫy tình, cuốn tiểu thuyết anh đã mua tại sân bay.
Một tiếng sau, anh mới đọc được bốn trang...
Chắc chắn cô ấy sẽ đến.
16 giờ, anh lôi trò chơi điện tử Game Boy cầm tay ra, thua năm bàn xếp hình Tetris chỉ trong vòng chưa đầy mười phút.
Có lẽ cô ấy sẽ đến...
17 giờ, nhân viên phục vụ quán cà phê bắt đầu nhìn anh với vẻ ngạc nhiên.
Còn một nửa cơ may cô sẽ đến.
Đến 18 giờ, quán đóng cửa. Anh là người khách cuối cùng rời khỏi quán.
Và cho đến khi ra ngoài, anh vẫn còn hy vọng.
Vậy mà...
° ° °
San Francisco
15 giờ
Tim thắt lại, Gabrielle bước trên cát về phía đại dương. Thời tiết cũng giống y như tâm trạng của cô: cây cầu Cổng Vàng chìm trong sương mù, những đám mây nặng trĩu vây quanh đảo Alcatraz và gió nổi lên. Để đỡ lạnh, cô vùi mình trong chiếc áo khoác dạ của Martin.
Cô ngồi xuống cát và lôi từ trong túi ra một tập thư anh đã viết cho cô. Cô đọc lại một vài đoạn. Cứ nghĩ tới em là tim anh đập rộn ràng. Anh ước em đang ở đây, vào lúc giữa đêm này. Anh muốn nhắm mắt lại để khi mở mắt ra đã thấy em ở đây... Cô lấy từ trong một phong bì ra những món quà xinh xắn anh đã gửi: một nhành cỏ may mắn có bốn lá, một bông hoa nhung tuyết, một tấm ảnh đen trắng cũ của Jean Seberg và Belmondo trong bộ phim Tận cùng nỗi đau...
Cô biết giữa mình và Martin có một tình cảm đặc biệt hiếm thấy. Một kết nối mãnh liệt mà cô không dám chắc một ngày nào đó sẽ còn có thể tìm lại được. Cô hình dung anh đang ngồi chờ cô ở New York, trong quán cà phê nơi anh đã hẹn cô. Cô tưởng tượng ra anh và khóc.
° ° °
Ở New York, quán phải đã đóng cửa được nửa tiếng nhưng Martin vẫn đợi, bất động và lạnh cóng. Đến giờ, anh chẳng hiểu gì về tình cảm thật củaGabrielle. Anh không hề biết tình yêu của họ đã khiến cô hạnh phúc đến chừng nào, không hề biết cô cảm thấy lạc lõng và mỏng manh thế nào trước khi gặp anh. Anh không biết anh đã giúp cô khỏi gục ngã trong một thời điểm vô cùng nhạy cảm của đời cô...
° ° °
Mưa bắt đầu rơi trên cát ở San Francisco. Xa xa, tiếng nhạc thiết tha từ chiếc dương cầm biển khổng lồ 4 réo rắt theo từng sóng vỗ vào các ống dẫn thanh bằng đá. Gabrielle đứng lên để theo kịp chuyến xe điện đang leo dọc đoạn đường dốc ngược lên phố Fillmore. Cô thẫn thờ đi hết quãng đường qua hai dãy nhà sau Nhà thờ Grace, dẫn tới Trung tâm Y tế Lenox.
Cuộn mình trong chiếc áo khoác dạ của Martin, cô lần lượt đi qua từng cánh cửa tự động. Cho dù cũng được trang hoàng trong ngày lễ song sảnh bệnh viện vẫn có vẻ ảm đảm và buồn tẻ.
Đứng gần chiếc máy bán nước tự động, bác sĩ Elliott Cooper nhận ra cô và đoán được cô vừa khóc.
- Chào Gabrielle, ông vừa nói vừa nở một nụ cười trấn an cô.
- Chào bác sĩ.
° ° °
Martin chờ cô đến tận 23 giờ, một mình trong cái rét cắt da cắt thịt của buổi đêm. Đến giờ thì trái tim anh hoàn toàn trống rỗng và anh cảm thấy tủi hổ. Hổ thẹn vì đã xông lên tiền tuyến mà không hề phòng vệ, với một trái tim nông nổi, lòng nhiệt tình và sự quả cảm thơ trẻ.
Anh đặc cược tất cả và đã mất sạch.
Anh đi lang thang trên các con phố: đường số 42, các quán bar, các bến tàu, rượu, những cuộc gặp rõ ràng không tốt đẹp. Mùa đông năm ấy, New York vẫn còn là New York. Chẳng phải là thành phố của Warhol hay của Velvet Underground, cũng chẳng phải là thành phố đã được dọn dẹp sạch sẽ về sau này. Đó là một New York vẫn đầy rẫy đe dọa và ngoài vòng pháp luật dành cho những kẻ sẵn sàng mở cửa đón quỷ dữ.
Đêm đó, lần đầu tiên trong mắt Martin chỉ toàn bóng tối và gian nan.
Anh sẽ không bao giờ trở thành nhà văn. Anh sẽ làm cảnh sát, anh sẽ là kẻ đi săn.
Đêm đó, anh không chỉ mất đi tình yêu.
Anh còn mất cả hy vọng.
° ° °
Thế đấy.
Câu chuyện này chỉ kể lại những gì xảy ra trong cuộc sống.
Chuyện về một người đàn ông và một người đàn bà chạy về phía nhau.
Tất cả đã bắt đầu từ một nụ hôn, vào một buổi sáng mùa hè, dưới bầu trời San Francisco.
Câu chuyện gần như đã kết thúc vào một đêm Noel, trong một quán bar New York và một bệnh viện ở California.
Rồi nhiều năm trôi qua...
--- ------ ------ ------ -------
1. (1135-1185) Nhà thơ, nhà văn trung cổ người Pháp, được xem là một trong những người mở đầu trào lưu tiểu thuyết hiệp sĩ. (Mọi chú thích không có lưu ý gì thêm đều là của người dịch).
2. Điệu Valse vĩnh cửu.
3. Orenthal James Simpson, cựu ngôi sao bóng bầu dục Mỹ, bị cáo buộc sát hại vợ cũ và người tình của cô, đã được tuyên trắng án trong phiên tòa ngày 3/10/1995.
4. Organe Wave, công trình điêu khắc hoành tráng ở Vịnh San Francisco, được thiết kế như một chiếc dương cầm.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook