Này Chiến Trận, Này Cuồng Si
Chương 5: Gian maria

Vào một buổi sáng, đúng một tuần sau cuộc gặp gỡ với cháu gái của Guidobaldo, Bá tước Aquila – vết thương đã hoàn toàn bình phục – cưỡi ngựa qua mái vòm lớn, cổng chính thành Babbiano. Viên sĩ quan giữ cửa cung kính chào khi chàng ngang qua, đồng thời cũng cho phép mình tự hỏi chuyện gì đã khiến mặt quý ông Bá tước đột nhiên tái hẳn đi. Thực ra nguyên nhân cũng chỉ ngay gần đó. Nó đang nằm trên ngọn của bốn cây giáo chĩa lên trời được cắm ngay trên cổng chính của thành – được đặt tên là cổng Thánh Bacolo – giữa một bầy quạ vừa bay lượn vừa kêu ỏm tỏi, dưới dạng bốn cái thủ cấp.

Cảnh tượng ghê rợn méo mó của những khuôn mặt người chết với mớ tóc dài rũ rượi bết lại như giẻ rách lay động trong làn gió nhẹ tháng Tư ấy đập ngay vào mắt Francesco, chàng bèn lại gần nhìn cho rõ. Nhưng chỉ một khoảnh khắc sau, khi đã đến gần hơn và quan sát thật kĩ, chàng chợt rùng mình, điều vừa phát hiện ra khiến chàng không khỏi rợn người, khuôn mặt tái nhợt đi. Chàng nhận ra đầu tiên trong số đó là thủ cấp của ngài Ferrabraccio can đảm chính trực; bên cạnh là của Amerino Amerini; còn lại là thủ cấp của hai người bạn đồng hành với chàng bị bắt đêm hôm đó ở Sant’ Angelo.

Vậy là chừng như Gian Maria đã không ngơi tay lấy một giây trong tuần vừa qua, và những gì đang nằm thối rữa trên kia, trên tường thành Babbiano, có lẽ là thành quả duy nhất mà vụ mưu phản xấu số đem lại.

Trong một giây, ý nghĩ tháo lui chợt ập đến trong tâm trí chàng. Nhưng bản tính cứng cỏi bất khuất thúc giục chàng tiếp tục dấn bước, cho dù lúc này chàng chỉ còn đơn thương độc mã, và bất chấp những tấm gương tày liếp chàng vừa tận mắt chứng kiến. Chàng tự hỏi liệu Gian Maria đã biết chuyện chàng cũng dính dáng vào cuộc gặp trên núi đêm nọ hay chưa, và chuyện gì sẽ đến với chàng nếu ông anh họ biết rằng chàng đã được thỉnh cầu thế chỗ ông ta?

Tuy nhiên, chẳng mấy chốc chàng phát hiện ra rằng chẳng có cớ gì để lo ngại như chàng tưởng. Gian Maria đón chào chàng thậm chí còn niềm nở hơn thường lệ, vì ông ta luôn đánh giá cao ý kiến của Francesco và đang cần đến chàng hơn lúc nào hết.

Francesco bắt gặp Công tước đang ngồi sau bàn, giữa cả một kho báu về nghệ thuật và kiến thức vốn là niềm tự hào của thư viện Hoàng gia. Gian Maria ưa thích gian phòng vì sự tiện nghi của nó, vì vậy ông ta không ngần ngại sử dụng vào đủ những mục đích tầm thường, ngoại trừ mục đích ban đầu của những người đã tạo nên căn phòng, bởi quý ông Công tước, vốn là kẻ thất học, luôn dửng dưng với tất cả những gì dính dáng đến chữ nghĩa.

Lúc Francesco bước vào thì ông anh họ của chàng đang ngất ngưởng trong chiếc ghế bành bọc da màu đỏ, trước mặt là chiếc bàn rộng bày la liệt đủ loại sơn hào hải vị, lấp lánh những bình pha lê rồi li tách đĩa bát tráng vàng, bầu không khí vốn đượm mùi hàn lâm tỏa ra từ những trang giấy da và những tập sách cũ kĩ giờ đây ngào ngạt mùi đồ ăn.

Kể về dáng người thì Gian Maria vừa lùn tịt vừa béo phệ dù hãy còn trẻ. Công tước có khuôn mặt tròn vành vạnh, nhợt nhạt, bèo nhèo; đôi mắt xanh ti hí và khuôn miệng phóng đãng, tàn nhẫn. Đức ông mặc một chiếc áo khoác nhung trắng có viền lông linh miêu, hai vạt áo mở rộng theo kiểu Tây Ban Nha để lộ chiếc áo sơ mi bằng loại vải lanh Rheims mịn nhất. Một sợi dây chuyền vàng có gắn thánh tích lấy từ Cây Thánh giá Thiêng đeo quanh cổ Công tước – vì đức ông vốn ngoan đạo có tiếng.

Công tước đón chào Francesco với vẻ vồn vã hiếm thấy. Ngài lập tức quát lệnh cho hai gã hầu dọn thêm một bộ đồ ăn cho người em họ, và khi Bá tước Aquila lịch sự từ chối, viện cớ rằng chàng đã dùng bữa, đức ông vẫn nhiệt tình nài chàng ít nhất cũng phải cạn một li Malvasia. Khi một người hầu đã rót đầy li cho chàng Bá tước từ chiếc bình vàng, đức ông liền ra lệnh cho đám người hầu lui, rồi nằm ườn ra thư giãn – nếu quả thực có thể gọi thái độ này như vậy ở một người chẳng bao giờ biết thế nào là nghiêm trang – ngay trước mặt khách.

“Tôi có nghe kể,” Bá tước Aquila lên tiếng, khi màn chào hỏi đã dứt, “câu chuyện lạ lùng về một vụ mưu phản trong Công quốc, và trên cổng Thánh Bacolo tôi đã trông thấy thủ cấp của bốn người, toàn những người tôi biết và kính trọng.”

“Và những kẻ đó đã tự làm hoen ố danh dự mình trước khi thủ cấp của chúng trở thành tiệc cho quạ. Mà chú Francesco này!” Đức ông rùng mình làm dấu thánh. “Nói đến người chết ở bàn ăn sẽ mang lại xúi quẩy đấy.”

“Vậy thì chúng ta chỉ nói đến tội trạng của họ thôi vậy,” Francesco vẫn kiên trì. “Họ đã mắc tội gì vậy thưa Công tước?”

“Tội gì ư?” Công tước đáp với vẻ khoái trá. Giọng ông ta mờ đục và nghe the thé. “Cái đó thì ta cũng chịu. Masuccio biết đấy. Nhưng con chó săn ấy không chịu hé miệng về những bí mật của hắn, cũng như tên những kẻ mưu phản cho đến khi tóm gọn được cả đám khi bọn này họp mặt bàn việc nổi loạn. Thế mà,” Công tước tiếp tục, mân mê một quả ô liu giữa ngón tay cái và ngón trỏ, “có vẻ đám loạn đảng này cũng không dễ bị tóm cổ như hắn nghĩ. Hắn đã bẩm với ta rằng cả bọn có sáu tên, và chúng đã hẹn gặp tên thứ bảy ở đó. Những kẻ sống sót trở về sau cuộc vây bắt còn không biết hổ thẹn mà kể với ta rằng chỉ có không quá sáu hay bảy gã nhảy xổ vào bọn chúng. Thế nhưng đám này lại khiến bọn lính Thụy Sĩ phải một phen vất vả, chúng giết chết chín tên lính chưa kể sáu gã nữa bị thương không nặng thì nhẹ, trong khi phía chúng chỉ có hai gã bị giết và hai bị bắt. Chính là bốn cái thủ cấp chú đã thấy trên cổng Thánh Bacolo đấy.”

“Thế Masuccio?” Francesco hỏi. “Chẳng lẽ sau đó hắn không bẩm lại cho đức ông biết tên những kẻ đã đào thoát sao?”

Đức ông ngừng nhai mấy quả ỏ liu.

“Phiền phức là ở chỗ đó đấy,” Công tước đáp. “Tên khốn kiếp ấy cũng toi mạng rồi. Hắn bị giết trong trận đánh nhau. Cầu cho hắn bị rục xương dưới địa ngục vì sự lì lợm cứng đầu của hắn đi.

Mà không, không cần!” đức ông vội vàng đính chính. “Dù sao hắn cũng đã chết, và bí mật về vụ mưu phản, cũng như tên của những kẻ phản nghịch, đều đã theo hắn xuống mồ. Dù sao ta cũng là người nhân từ, Francesco ạ, nên cho dù con chó săn đó đã phản bội ta bằng sự im lặng chết tiệt của hắn, ta vẫn cầu xin Đức Chúa – mong Người hãy giúp linh hồn gớm guốc của hắn được an nghỉ!” Chàng Bá tước buông mình xuống ghế, một phần để cố che giấu vẻ vui mừng nhẹ nhõm hiện lên trên khuôn mặt, một phần cũng vì chàng không muốn đứng lâu hơn nữa.

“Nhưng chắc Masuccio cũng phải để lại vài manh mối nào đó cho ngài chứ!” chàng than.

“Hoàn toàn mơ hồ,” Gian Maria trả lời, giọng chán nản. “Đồ bần tiện ấy lúc nào cũng thích giấu giấu giếm giếm. Quỷ bắt hắn đi! Hắn dám nói toẹt rằng nếu hắn cho ta biết thì ta sẽ không giữ mồm giữ miệng được. Có ông hoàng nào chịu được sự láo toét như vậy chứ? Tất cả những gì hắn cho ta biết là có một âm mưu đang hình thành nhằm lật đổ ta, và rằng hắn sẽ tóm gọn tất cả những kẻ dự mưu, cùng với kẻ bọn chúng muốn đưa lên tiếm vị ta. Thử nghĩ xem, chú Francesco! Đám dân chúng yêu quý của ta dám mưu mô những chuyện sát nhân như thế để ám hại ta – một ông hoàng luôn đem đến cho chúng thái bình thịnh vượng, ông hoàng nhân từ nhất, công minh nhất, rộng lượng nhất trên toàn cõi Italia. Chúa ơi! Liệu chú có còn ngạc nhiên hay không khi ta mất hết kiên nhẫn và cho bêu đầu chúng lên những ngọn giáo?”

“Nhưng đức ông đã chẳng kể rằng hai tên trong bọn chúng đã bị bắt sống sao?”

Công tước gật đầu, mồm đầy đồ ăn.

“Vậy thì chẳng lẽ ở phiên tòa chúng không hé ra điều gì sao?”

“Tòa ư? Chẳng có phiên tòa nào cả.” Giờ thì Gian Maria nhai thật lực. “Thú thực với chú, lúc đó quá nóng giận vì sự vô ơn hèn hạ của chúng nên ta còn chẳng kịp nghĩ đến chuyện tra tấn bắt chúng khai ra tên hai kẻ đồng bọn. Chỉ nửa tiếng sau khi bị điệu về Babbiano, đầu của những kẻ mà Chúa đã giúp ta bắt được đã yên vị ở chỗ chú nhìn thấy hôm nay.”

“Công tước đã ra lệnh chém đầu họ?” Francesco kêu lên bất bình, đứng bật dậy nhìn ông anh họ với ánh mắt kinh ngạc pha lẫn giận dữ. “Công tước ra lệnh hành hình những người có xuất thân cao quý như vậy mà không xét xử sao? Tôi nghĩ, Gian Maria ạ, nếu tùy tiện chém giết những người có danh vọng như thế thì anh thật sự điên mất rồi.”

Công tước ngả người về phía sau, há hốc mồm nhìn ông em họ xấc xược. Sau đó đức ông giận dữ gằn giọng: “Chú ăn nói như thế với ai đấy hả?”

“Với người tự cho mình là ông hoàng nhân từ nhất, công minh nhất, rộng lượng nhất Italia, nhưng lại không đủ khôn ngoan để nhận ra rằng ông ta đang tự làm lung lay thêm ngai vàng vốn chẳng lấy gì làm vững chãi của mình bằng những việc làm bạo ngược. Chẳng lẽ anh không sợ một cuộc nổi dậy sao? Việc anh đã làm là sát nhân, và cho dù trên đất Italia này các ngài Công tước tự cho mình quyền làm chuyện này khá tự do đi nữa, nhưng những hành động như thế cũng không thể làm công khai trước bàn dân thiên hạ được.”

Cơn giận đã bùng lên trong đầu Công tước, nhưng nỗi sợ hãi còn lớn hơn bắt nó phải im tiếng.

“Ta đã phòng bị sẵn sàng chống lại cuộc nổi loạn,” đức ông tuyên bố, cố gắng một cách vô ích để làm ra vẻ thản nhiên. “Ta đã giao chức chỉ huy cận vệ cho Martino Armstadt, và hắn đã mộ cho ta năm trăm lính Thụy Sĩ vừa hết hợp đồng với nhà Baglioni ở Perugia.”

“Và anh cho rằng như thế là an toàn rồi chăng?” Francesco vặn lại với nụ cười mỉa mai. “Củng cố ngai vàng của anh bằng những tay giáo ngoại bang dưới sự chỉ huy cũng của một kẻ ngoại bang?”

“Lực lượng đó và cả sự che chở của Chúa nữa,” Công tước trả lời rất ngoan đạo.

“Thôi đi!” Francesco đáp, sốt ruột vì màn kịch đạo đức giả của Công tước. “Hãy giành lấy trái tim của dân chúng. Hãy biến dân chúng thành lá chắn che chở cho anh.”

“Hừm!” Gian Maria thì thầm. “Chú đang báng bổ đấy. Chẳng nhẽ tất cả những gì ta làm trong suốt cuộc đời chỉ biết hi sinh vì người khác không phải vì mục đích đó sao? Ta sống chỉ vì dân chúng. Nhưng, thề có sự cứu rỗi linh hồn, muốn ta phải chết vì chúng thì đúng là đòi hỏi quá nhiều rồi. Nếu ta trừng trị những kẻ mưu toan ám hại ta như đã trừng phạt những kẻ chú vừa nói đến, ai dám lên án ta? Ta nói để chú biết, Francesco, ta ước gì có thể bắt được những kẻ đã trốn thoát để trừng phạt chúng như ta đã làm với những tên đồng bọn. Thề có Đức Chúa phục sinh, ta sẽ làm! Còn với kẻ muốn trèo lên ngai của ta...” Đức ông dừng lại, nụ cười chết chóc trên cặp môi tàn nhẫn hoàn tất câu nói với độ chính xác mà không ngôn từ nào diễn tả được. “Mà hắn là ai mới được chứ?” Công tước trầm ngâm. “Ta thề rằng nếu Chúa cho ta phát hiện ra hắn, ta sẽ thắp một ngọn nến tại Santa Fosca vào mỗi thứ Bảy trong suốt một năm và nhịn ăn trước Lễ Cầu kinh Người Chết. Ai? Hắn có thể là ai hả Franceschino?”

“Làm sao tôi biết được?” Francesco đáp, lẩn tránh câu hỏi.

“Chú biết nhiều hơn những gì chú nói, em họ yêu quý ạ. Đầu óc chú quá thông minh nhạy cảm để có thể bỏ qua những chuyện như thế. Xem nào, chú có cho rằng đó là Công tước Valentinois không?”

Francesco lắc đầu.

“Khi Cesare Borgia tới hắn sẽ chẳng cần phải dùng cách hạ tiện như thế. Hắn sẽ khuất phục anh bằng sức mạnh.”

“Chúa và các vị Thánh phò trợ cho ta!” Công tước thở hắt ra. “Chú nói cứ như thể hắn đã trên đường hành quân đến đây rồi vậy.”

“Vậy thì anh có thể coi đó như một lời khuyên. Cuộc tấn công cũng không còn xa như anh tưởng đâu. Hãy nghe tôi, Gian Maria! Tôi không cất công cưỡi ngựa từ Aquila đến đây chỉ để tán chuyện với anh. Fabrizio da Lodi và Fanfulla degli Arcipreti mới đến gặp tôi.”

“Gặp chú ư?” Công tước kêu lên, đôi mắt chuột nhắt nheo lại nhìn về phía người em họ. “Gặp chú... ấy hả?” Đức ông nhún vai, hai tay dang ra. “Khỉ thật! Đôi khi cả những người sáng suốt như ta cũng nhầm lẫn tệ hại. Chú biết không, Francesco, sự vắng mặt gần đây của hai người ấy kể từ sau khi vụ mưu phản vỡ lở đã làm ta thậm chí bán tín bán nghi rằng họ có dính vào đó.” Nói rồi đức ông chuyển sự chú ý vào một hũ mật ong.

“Trên cả công quốc này anh cũng không tìm đâu được hai người trung thành với Babbiano hơn họ đâu,” chàng Bá tước trả lời nghiêm nghị. “Họ đến gặp tôi vì lo lắng nguy cơ chết người đang treo lơ lửng trên đầu anh đấy."

“A!” Khuôn mặt trắng nhờn nhợt của Gian Maria lộ vẻ quan râm.

Và Bá tước Aquila bắt đầu nói với Công tước Babbiano tất cả những gì Fabrizio da Lodi đã nói với chàng vào cái đêm tại Sant’ Angelo. Chàng nói về mối đe dọa từ gia đình Borgia, việc thiếu chuẩn bị của Babbiano, cũng như sự dửng dưng của Gian Maria trước những lời khuyên can. Chàng cũng nói đến nỗi bất bình đang dâng lên trong lòng dân chúng trước tình hình hiện tại, cùng sự cần thiết phải sửa chữa sai lầm trước khi quá muộn. Khi chàng đã nói hết, Công tước ngồi lặng im một hồi, đôi mắt nghĩ ngợi cúi xuống nhìn chằm chằm vào chiếc bàn đầy thức ăn.

“Chú Francesco ạ, bảo người khác rằng cái này không đúng, cái kia không đúng thì dễ rồi. Nhưng làm ơn nói thử xem, ai ở đây sẽ giúp ta sửa chữa?”

“Chỉ cần Công tước ra lệnh, tôi sẽ hết sức cố gắng.”

“Chú?” Công tước kêu lên, nhưng thay vì biểu thị nỗi vui mừng khi có người ngỏ ý giúp chia sẻ gánh nặng, trên khuôn mặt của Gian Maria chỉ có sự giận dữ pha lẫn khinh miệt. “Và để làm được điều đó, chú em họ thiên tài, chú định dùng cách nào đây?” đức ông hỏi, giọng điệu hàm chứa sự dè bỉu.

“Nếu là tôi, tôi sẽ giao chuyện thu thuế cho ngài Despuglio, và bằng cách cắt giảm các khoản chi tiêu xa xỉ của Công tước, tôi sẽ dồn tiền vào chuyện chiêu mộ và trang bị thỏa đáng cho quân đội. Tôi cũng có ít nhiều kinh nghiệm chỉ huy – chuyện này thì ít nhất cũng có vài ông hoàng ngoại quốc phải thừa nhận. Tôi sẽ chỉ huy quân đội của Công tước sau khi đã hoàn thành việc tuyển mộ, đồng thời giúp ngài tìm cách liên minh với các nước láng giềng, một khi chúng ta đã được vũ trang đầy đủ, họ sẽ thấy chúng ta là một đồng minh đáng giá. Tất cả những gì sức người có thể làm được, tôi sẽ làm để bảo vệ công quốc. Hãy phong cho tôi làm tư lệnh quân đội, và sau một tháng tôi sẽ cho Công tước thấy liệu tôi có khả năng giúp bảo vệ công quốc thực hay không.”

Cặp mắt của Gian Maria nheo dần lại khi Francesco nói, và rồi một cái nhìn nghi ngờ, hiểm độc hiện dần lên trên khuôn mặt tròn vành vạnh của ông ta. Khi chàng Bá tước dừng lời, đức ông phá lên cười giễu cợt.

“Bổ nhiệm quý ngài làm tư lệnh?” Công tước lẩm bẩm với vẻ thú vị. “Không biết Babbiano đã biến thành nước cộng hòa từ bao giờ thế – hay là quý ngài định biến nó thành nước cộng hòa và chiếm lấy ghế Tổng giám đốc?”

“Nếu Công tước hiểu lầm tôi như vậy...” Francesco lên tiếng, nhưng anh họ chàng đã cắt ngang với giọng điệu mỉa mai ngày càng cay độc.

“Hiểu lầm chú ư, quý ngài Franceschino? Không, không đâu. Ta hiểu chú quá rõ mà.” Công tước đứng vụt dậy, dứt ra khỏi bữa ăn đang dở chừng và bước lại gần người em họ. “Ta đã nghe những lời đồn về lòng ái mộ ngày càng tăng của đám dân đen dành cho ngài Bá tước Aquila, và ta đã không thèm đếm xỉa đến. Trước khi chết, Masuccio đã cảnh cáo ta, nhưng ta đã quất vào mặt hắn. Nhưng bây giờ thì ta khó mà chắc được ta có khôn ngoan không khi làm như vậy. Đêm hôm kia ta đã mơ thấy... Nhưng mặc chuyện đó! Trong một lãnh địa mà lại có kẻ được lòng dân chúng hơn ông hoàng đang trị vì, và kẻ đó lại có địa vị cao, xuất thân quyền quý như chú, hắn sẽ trở thành mối họa cho người ngồi trên ngai vàng. Ta chẳng cần phải nói lại cho chú,” Công tước nói tiếp với giọng đe dọa, “gia đình Borgia xử trí những kẻ như vậy ra sao, cũng không cần thêm rằng một người của nhà Sforza cũng có thể thấy những biện pháp phòng xa mạnh tay như thế là cần thiết. Trong gia đình Sforza chưa bao giờ có một thằng ngốc, mà ta cũng không định phá đi tiền lệ tốt đẹp này bằng việc đặt quyền lực vào tay kẻ khác để trở thành bù nhìn cho hắn. Chú thấy đấy, em họ tốt bụng, ta đã đi guốc trong bụng chú rồi. Ta cũng tinh mắt lắm, Franceschino yêu quý ạ, rất tinh mắt!” Đức ông khẽ lấy tay quệt mũi rồi cười gằn tự tán thưởng cho khám phá sắc bén của mình.

Francesco quan sát đức ông bằng con mắt khinh bỉ lạnh lùng. Chàng có thể trả lời rằng nếu chàng có ý nhòm ngó, Công quốc Babbiano đã thuộc về chàng bất cứ lúc nào chàng có hứng ra tay đoạt lấy. Chàng có thể đã nói thẳng vào mặt Công tước điều đó và thách thức ông ta. Nhưng chàng không giảo ngôn được bằng quý ông xuất thân từ gia đình chưa bao giờ sản sinh ra một gã ngốc nào.

“Chẳng lẽ anh lại hiểu tôi kém đến thế hả Gian Maria,” chàng cất lời, giọng nói không tránh khỏi cay đắng, “để nghĩ rằng tôi thèm khát một thứ trống rỗng như cái ngai khập khiễng mà anh luôn giữ khư khư này sao? Nói cho anh hay, ông anh ạ, tôi quý trọng tự do của tôi còn hơn ngai vàng. Nhưng nói với anh chỉ hoài hơi thôi. Có điều, đến ngày đó, khi móng vuốt của Borgia tước đoạt vương miện và quyền lực khỏi tay anh, hãy nhớ lấy đề nghị của tôi, đề nghị rất có thể đã giúp cứu vãn ngai vàng của chính anh, nhưng đã bị anh gạt đi trong nhục mạ, cũng như trước đây anh đã bỏ ngoài tai lời khuyên của những triều thần lão thành.”

Gian Maria khẽ nhún đôi vai núc ních.

“Nếu chú định ám chỉ đến lời khuyên ta cưới cháu gái Guidobaldo làm vợ, thì tâm hồn ái quốc của chú có thể yên tâm. Ta đã đồng ý với cuộc hôn nhân này rồi. Còn bây giờ,” Công tước kết thúc với tiếng cười gằn quái dị, “chú thấy rõ là ta chẳng còn lí do gì để sợ gã con hoang của giáo hoàng Alexander. Một khi đã liên minh với Urbino và các đồng minh của họ, ta có thể thách thức sức mạnh của Cesare Borgia. Hằng đêm ta sẽ ngủ ngon lành trong vòng tay cô vợ mới cưới xinh đẹp, hoàn toàn yên tâm dưới sự bảo hộ của ông chú vợ yêu quý, và không bao giờ cần đến chú em họ dũng mãnh phải vất vả đi làm tư lệnh quân đội cho ta.”

Bá tước Aquila không khỏi biến sắc mặt, và đôi mắt nghi kị của Công tước đã nhanh chóng nhận ra sự thay đổi thái độ của người em họ cũng như đầu óc đa nghi của đức ông cũng nhanh chóng không kém hiểu lầm hoàn toàn nguyên nhân của nó. Công tước nhủ thầm sẽ giám sát chặt chẽ hơn ông em họ rỗi hơi khi không lại đề nghị chỉ huy quân đội giúp ngài sốt sắng đến thế.

“Xin chúc mừng Công tước, ít nhất vì nước cờ khôn ngoan đó,” Francesco nghiêm nghị đáp. “Nếu biết trước thì tôi đã không quấy rầy anh với lời đề nghị vừa rồi. Nhưng, tôi có thể hỏi thực, Gian Maria, chuyện gì đã khiến anh chấp nhận giải pháp mà từ trước tới giờ anh vẫn khăng khăng phản đối thế?”

Công tước nhún vai.

“Họ cứ bám riết lấy ta mà quấy nhiễu,” đức ông nhăn mặt than vãn, “thế nên cuối cùng ta đành chấp nhận. Ta có thể chịu được Lodi và tất cả bọn họ, nhưng đến khi cả mẹ ta cũng gia nhập ban đồng ca để nài nỉ ta – ý ta muốn nói là bà ra lệnh cho ta – và cũng lại lôi mối họa chết người ra dọa thì ta cũng đành chịu thua. Suy cho cùng thì trước sau gì một người đàn ông cũng phải cưới vợ. Và vì ở địa vị của ta cưới xin cũng chỉ là chuyện nghĩa vụ, thôi thì ta cưới vợ vì hòa bình và an ninh vậy.”

Biết được Gian Maria đã quyết định chuyện cưới xin vì sự tồn vong của Babbiano, lẽ ra chàng Bá tước phải cảm thấy vui mừng về quyết định khôn ngoan của Công tước, và đáng lí ra không ý nghĩ nào khác có thể len lỏi vào tâm trí chàng để che khuất nỗi vui mừng đò. Ấy vậy mà, sau khi cáo từ ông anh họ ra về, chàng chỉ thấy trong tim nặng trĩu, có phần oán giận số mệnh đã an bài trớ trêu như thế, nỗi oán giận chen lẫn cảm giác chua xót cho cô gái sắp phải làm vợ anh họ chàng cùng sự căm ghét gã đã khiến chàng phải thương hại nàng như vậy.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương