Nắng Tròn Sau Mưa
23: Ai Chẳng Thích Cái Đẹp


Ngọc My vừa ôm đệm vừa lăng xăng bước thật nhanh đi theo anh gặng hỏi, Hoàng Vũ không muốn trả lời, ừ hữ bước thật nhanh, bỏ xa con bé.
Nhìn thấy đệm mới, bọn trẻ con thấy lạ lắm, cứ mon men sờ sờ, lại nhấn ngón tay một cái, thấy mềm mềm lún lún thì thích thú rì rầm với nhau.
Ngọc My tươi cười, xoa đầu Tuệ Minh:
“Mềm không? Biết cái gì đây không?”
“Cái đệm ạ?”
“Ừ, đúng rồi.

Tuệ Minh biết hay thế?”
“Ở lớp nội trú có mà.

Em được nằm rồi.

Êm lắm không cứng với lạnh giống như ở chùa đâu chị ơi.”
“Ừ đúng rồi.

Đệm chú Vũ mua cho các em đấy.

Từ bây giờ không phải nằm giường cứng nữa nhé! Cảm ơn chú Vũ đi.”
Ba đứa trẻ hấp háy nhìn sang Hoàng Vũ, tự nhiên bị nhìn vào khiến anh phát ngại, cứ đực mặt đứng trông vào bọn chúng.

Tuệ Nhi bẽn lẽn cười, nhìn nhìn Hoàng Vũ.

Mấy đứa còn lại nghe lời thì đồng thanh nói cảm ơn anh.
Hoàng Vũ nhếch nhếch khóe miệng đáp lại Tuệ Nhi, con bé liền nhoẻn miệng cười, có vẻ từ hôm qua đến giờ đã quen hơn với anh, không còn sợ khi bị Hoàng Vũ phát hiện là nó đang nhìn nữa.
Thấy bọn trẻ ồn ào, sư bác cũng đi vào xem.

Nhìn thấy đệm mới lại xuýt xoa khen đẹp.

Hoàng Vũ bảo với Ngọc My, hai cái nhỏ để tặng cho thầy với sư bác.

Lòng tốt của anh khiến cô có chút ngại nhận.

Ngọc My quay sang bảo với sư bác trước:
“Đệm chú Vũ mua cho bọn trẻ, với cả sư thầy và sư bác.

Xong con mang sang trải cho bác nhé!”
“Ôi phúc đức quá! Cảm ơn chú! Mô phật!”
Sư bác cúi đầu, Hoàng Vũ sợ tổn thọ cũng cúi đầu theo, anh không giỏi thể hiện cảm xúc theo cách mùi mẫn như thế này, nên chỉ biết cười trừ cho xong chuyện.

Được người ta cảm ơn long trọng thế này khiến Hoàng Vũ cũng có chút ngại ngùng.
Hai người đứng nhìn sư bác và đám trẻ đang háo hức chạm vào tấm nệm mới trải trên giường mà nét mặt ai cũng ánh lên sự vui vẻ.

Ngọc My chợt thu khóe miệng, nghiêng đầu thì thầm:
“Chú cho cháu số tài khoản, cháu gửi tiền.”
“Tiền gì?”
Hoàng Vũ đang cười, nghe Ngọc My nói, đầu mày đã nhíu lại.

Cô không đáp mà hất mặt về phía giường.

Anh hiểu ý, mặt càng tối đen, liền vòng tay qua vai Ngọc My, ghì đầu cô ép vào ngực mình, tay còn lại đưa lên xoa đầu cô thật mạnh mà nghiến răng, gằn giọng:
“Con nhóc này luyên thuyên.

Đồ tặng lại đòi trả tiền.”
“Chú biến thái này bị điên à? Bỏ cháu ra đi, rối hết tóc người ta rồi.

Đầu cháu là cái cây lau nhà à mà chú cứ xoa cho bù xù lên vậy hả?”
Mặc kệ cô kêu la oai oái, Hoàng Vũ nhất định không buông tay.

Ngược lại càng xoa thật lực làm mái tóc Ngọc My rũ rượi bù xù hết cả lên.
Hành động của anh và tiếng la hét của Ngọc My gây sự chú ý của sư bác và bọn trẻ.

Mấy cặp mắt cứ thế đổ dồn lên hai người.


Ngọc My kêu la là thế, mà lọt vào mắt họ lại giống như hai đứa trẻ to xác đang chơi đùa với nhau, làm sư bác và bọn trẻ tự nhiên bật cười khúc khích.
Bị cười, cả hai lúc này mới chịu im, cùng tròng trọc nhìn về phía họ.

Ngọc My phát ngại đến mặt đỏ bừng bừng, Hoàng Vũ cũng từ từ buông tay cô ra, không trêu đùa nữa.
Sắp xếp xong xuôi, Ngọc My xuống nhà dưới giúp sư bác chuẩn bị cơm nước.

Hoàng Vũ lên phòng chào sư thầy.

Thầy vừa thấy anh liền mỉm cười mời vào ngồi uống nước.

Trà thầy mới pha.
Hoàng Vũ lễ phép nhận trà, nhấp một ngụm cho ấm người rồi nghiêm túc hỏi thầy:
“Thưa thầy, con có chuyện muốn hỏi.”
“Con nói đi.”
“Ngọc My nói mười mấy năm trước, nhà chùa có cứu một người cảnh sát bị thương ạ?”
Sư thầy trầm ngâm ngẫm nghĩ, rồi khẽ à lên:
“Đúng rồi.

Người đó bị thương ở bả vai, một vết chém, còn vết nhỏ hơn miệng se lại giống như bị đạn sượt qua.

Đêm hôm ấy Tuệ Ngọc giúp thầy trông người đó suốt.”
Lời thầy nói khiến tâm tư Hoàng Vũ bỗng bị chấn động mạnh, ngón tay đặt trên chén trà đã nguội lạnh chợt siết chặt hơn.
Năm đó được người ta cứu sống, Hoàng Vũ đã hôn mê suốt mấy ngày.

Lúc tỉnh dậy còn phải đối mặt với sự phẫn nộ của mẹ mình.

Bà Hồng vốn không thích anh theo nghiệp bố, giờ lại thương tích đầy người, trong tình trạng thập tử nhất sinh, thì sinh ra bất mãn.

Từ lãnh đạo cơ quan, đến em chồng là ông Chiến cũng bị bà ấy mắng không kịp vuốt mặt.

Sau khi mẹ nguôi giận, Hoàng Vũ mới dám nhờ bà tìm đến người đã cứu mình để cảm ơn, hậu tạ.
Về sau lại liên tiếp xảy ra biến cố với Hoàng Vũ, nên chuyện được thầy chùa cứu mạng năm ấy cũng cứ vậy dần bị lãng quên đi.

Nếu không phải vừa rồi tới nhà Ngọc My vạ vật một đêm, được cô kể cho nghe thì thật sự Hoàng Vũ cũng không tự nhiên mà nhớ tới.

Ngọc My ngồi bên bể nước, lúi húi thái su hào làm nộm, Hoàng Vũ đứng trên bậc thềm chăm chú nhìn theo, bàn tay cô dính nước lạnh đã đỏ ửng hết cả lên.

Mùa đông ở vùng giáp biên lãnh lẽo âm u, chùa lại một mình một cõi, tách biệt hẳn với khu dân cư nên càng hoang vu, hiu hắt khiến lòng người cũng buồn theo man mác.
Tuệ Minh xồng xộc chạy tới, bám vai cô xin xỏ:
“Chị Ngọc cho em ăn chíp chíp nhớ.”
“Sắp tới giờ ăn cơm rồi.”
“Ư, mà em muốn ăn.

Cho em ăn một cái thôi.”
Cô lau tay vào gối quần, nhéo mũi nó một cái, Tuệ Minh rụt cổ lè lưỡi:
“Tay chị lạnh ế!”
“Lên bảo Tuệ Nhi lấy cho ăn nhé! Nhớ là một cái thôi đấy.”
“Vâng!”
Con bé thích chí gật đầu rồi chạy biến đi.

Ngọc My rạng rỡ, mắt long lanh, lấp lánh ý cười nhìn theo.

Lúc quay lại vừa gặp đôi mắt tối thui đang chăm chú nhìn mình thì cánh môi đã thu lại, khiến nụ cười tươi rói bỗng trở nên gượng gạo.
“Chú lại nhìn cái gì vậy?”
“Vướng vào mắt thì nhìn.”
“Sao chú bảo trên người cháu không có cái gì mắc được vào con ngươi chú cơ mà?”
“Chắc nhóc là con vi khuẩn?”
“Hừ!”
Cô không thèm cãi anh thì nguýt dài một cái rồi phớt lờ quay đi, tập trung thái su hào.

Gió lạnh ào qua, lùa vào cổ chân, với cánh tay đang bị vén cao tay áo rét buốt.


Ngọc My rùng mình rên khe khẽ:
“Ui, lạnh tê tái.”
Cô sụt sịt mũi, mới ngồi lạnh một tí mà đã muốn chảy nước mũi đến nơi.

Phía sau lưng tự nhiên được cái gì đó đắp lên nặng nặng lại mang hơi ấm khiến Ngọc My giật mình ngoảnh lại, lưỡi dao thái trượt ra khỏi củ su hào, bập thẳng xuống thớt gỗ.
“Chú làm gì thế?”
“Rét sun vào rồi còn mặc phong phanh.

Kéo thấp cái tay áo xuống.

Vén lên làm cái gì?”
Dù rất cảm kích với lòng tốt của Hoàng Vũ, vì anh đã cởi áo khoác cho cô, nhưng Ngọc My nhất định phải cãi trả lại một câu mới chịu được:
“Không kéo lên để cho nó dính nước ướt hết à? À lát đầu giờ chiều cháu đi bẻ ngô, chú đi không?”
“Ở đâu?”
“Trên nương, gần thôi, phía sau chùa có đường đi lên ấy.”
“Cũng được.”
Sau khi nghỉ tiêu cơm, Ngọc My cắp rổ mây, dẫn theo Hoàng Vũ lên nương bẻ ngô về luộc.

Khu vực trồng rau màu mà sư thầy khai hoang canh tác, được bao quanh bởi hàng rào làm bằng những ống vầu dài thẳng tắp, to bằng bắp chân bổ làm đôi, với mục đích ngăn chặn trâu bò mà người dân chăn thả tự nhiên lạc vào quấy phá.
Cả khoảng đất rộng gần một mẫu, vừa trồng ngô, rau su hào và sắn, có ít rau cải canh thì xem ra không hợp đất nên còi cọc lưa thưa, cũng lác đác lên ngồng, bung ra chỏm hoa vàng ruộm.
Ở giữa khu canh tác có một cái hố đất được lót túi nilon xung quanh bốn góc rồi chét đất sét lên để dùng chứa nước tưới rau, nhưng mùa này cũng đã cạn đến đáy.

Lúc sáng tưới rau, phải gánh nước từ dưới chùa lên mới đủ tưới.
Bẻ xong ngô, Ngọc My mới e dè quay sang hỏi Hoàng Vũ:
“Chú, chú mang tiền mặt không?”
“Bao nhiêu?”
“Ba, hoặc bốn triệu cũng được.”
Anh lặng lẽ mở ví ra xem, lúc nãy trả cho người bán chăn đệm mất một ít, nên giờ cộng cả tiền lẻ cũng chỉ vừa đủ ba triệu tiền mặt, còn dư ra hai ngàn tiền lẻ.

Anh rút ra đếm trước mặt Ngọc My:
“Tròn ba triệu.”
“Cho cháu vay, rồi đưa QR đây, cháu chuyển khoản trả chú.”
“Ừm.”
Ngọc My chìa tay, Hoàng Vũ đặt tiền lên ấy, cô ngước mắt nhìn anh, lắc lắc đầu:
“Mã cơ mà.”
Chuyển xong tiền cho Hoàng Vũ, Ngọc My vui vẻ nhận tiền, nét mặt hài hòa, không giấu được sự vui tươi.

Lúc về cô cũng không nghĩ ra sẽ bán ngô với su hào giúp nhà chùa nên không mang theo nhiều tiền mặt trong người, may mà có người đàn ông, lúc nào cũng dư giả này đi cùng.

Cũng chỉ là đổi tiền thôi, mà Hoàng Vũ không hiểu sao, con nhóc này lại có thể vui đến như vậy.
Ngọc My ôm theo rổ ngô đi trước, không cần nhờ Hoàng Vũ cầm giúp.

Anh thả bộ đi phía sau, lúc ngang qua một cây sở, thấy nở hoa đẹp thì vít cành, hái xuống một bông trắng muốt, cầm lấy ở trong tay.

Cánh hoa mỏng manh, mềm mại hệt cánh phù dung nhưng không sớm nở tối tàn, mà mang vẻ đẹp tinh khôi mộc mạc, mạnh mẽ vươn mình bung nở giữa núi rừng miền biên viễn hoang sơ lạnh lẽo.

Hệt như cô gái ở trước mặt anh, nhỏ bé nhưng không hề yếu đuối, mỏng manh nhưng không dễ vỡ tan mà mạnh mẽ, kiên cường, vươn lên trong nghịch cảnh.
Người đi trước cứ lẩm bẩm một mình, lại chẳng mảy may hay biết, người theo sau đã dừng lại tự lúc nào.

Đi tới gần bậc đất do sư thầy tự tạo để làm lối lên, xuống giữa nương ngô và chùa, Ngọc My mới ngoảnh mặt nhìn lại, phát hiện người kia còn đang ở cách xa mình thì đưa tay che miệng, gọi thật to:
“Chú!”
Hoàng Vũ giật mình, ngước mắt trông theo, Ngọc My cắp rổ ngô bên hông, tay không vẫy vẫy anh:
“Chú không xuống à? Đi lạc là cháu không tìm đâu đấy.”
Hoàng Vũ bước rất nhanh, chân anh dài nên chẳng mấy chốc đã ở trước mặt cô.

Ngọc My nhìn vào bông sở trong tay anh, cười cười trêu chọc:
“Chú cũng thích hoa à?”
Tầm mắt Hoàng Vũ rơi xuống bông hoa trắng tinh, lại ngước lên nhìn Ngọc My một cái, anh nghiêng nghiêng đầu, chăm chú nhìn cô.

Lại đưa tay lên ướm ướm, những ngón dài chắc chắn, đưa lên vén tóc bị gió thổi lòa xòa bên má Ngọc My qua mang tai, rồi gài bông hoa lên, thay kẹp ghim cố định lại.

“Ai chẳng thích cái đẹp.”
"Bảo làm sao..."
Ngọc My không hiểu hết được ý nghĩa trong câu đáp trả của anh, nhưng bị hành động và ánh mắt nhu hòa, bình lặng của Hoàng Vũ nhìn vào khiến cô nhất thời lúng túng.
Không phải do động lòng với người đàn ông biến thái ở trước mặt.

Chỉ là thứ cảm xúc gì đó khó gọi tên, nó cứ nôn nao bồn chồn khó tả, mỗi lúc một trào dâng, làm máu huyết trong cơ thể như muốn trào ngược hết về não bộ, đi qua mặt, khiến gò má đỏ bừng bừng như người vừa phát sốt.
Ngọc My quay ngoắt đi, cố đè xuống sự ngượng ngùng đã khoe hết ra trên gương mặt.

Nuốt khan nhấp giọng nói với Hoàng Vũ:
“Sang tháng mười hai mới đúng mùa hoa sở nở rộ, đứng từ trên này nhìn xuống thung lũng chỉ thấy một màu trắng bạt ngàn, quanh đường liên thôn cũng nhiều lắm.

Mà mùi hoa này nhẹ, dịu dàng man mác thôi, không ngạt ngào như hoa sữa đâu chú.”
“Vậy à? Vậy sang tháng lại về.”
“Hử?”
“Không muốn à?”
“Không phải, cháu nhiều việc.

Sợ phải tết, hoặc ra tết mới về được.”
“Muốn trực tết nữa hay sao?”
Ngọc My không ngoảnh mặt lại, chỉ lặng lẽ gật đầu rồi mang theo rổ ngô đi thẳng xuống chùa.

Cặp mắt tinh tường, thâm sâu vẫn dán lên bóng lưng nhỏ bé lọt thỏm dưới lớp áo khoác phao to sụ.

Trước đây Hoàng Vũ còn hay thắc mắc, một đứa trẻ không gia đình người thân hà tất phải tham công tiếc việc như vậy làm gì cho cực thân? Nhưng từ hôm qua đến giờ chứng kiến cuộc sống cơ cực ở chùa và mối lo lắng của Ngọc My dành cho bọn trẻ thì anh tự biết được lý do rồi.
Bước chân đến nơi này, chứng kiến cuộc sống của những người trong ngôi chùa này.

Được nghe lời sư thầy nói, Hoàng Vũ như hiểu ra được một vài chuyện, một vài đạo lý mà trước đây chính anh cũng chưa từng bóc tách rạch ròi để hiểu hết được.
Ở đời con người ta cứ luôn muốn kiếm một chốn bình yên thanh tịnh để lánh đời.
Nhưng không phải chỗ bình yên nào cũng là chốn bồng lai tiên cảnh, khi mà gánh nặng mưu sinh, gánh nợ hồng trần còn đè nặng lên vai, chưa thể nào buông xuống được.

Sau bữa cơm tối, Hoàng Vũ ngồi chơi cùng đám trẻ ở trước hiên phòng ngủ.

Ngọc My rửa bát xong đi lên, thấy mình anh ngồi giữa bốn đứa trẻ, vui vẻ chơi đùa thì ác cảm với Hoàng Vũ tự nhiên giảm xuống một nửa.

Cô nghe mọi người nói anh không thích trẻ con lắm, nên mới chần chừ đến tuổi này chưa lấy vợ, nhưng xem ra không hẳn là như vậy.

Trừ Tuệ Nhi khép mình, thì Tuệ Minh và Tuệ An lại nghịch ngợm, đứa ngồi lên đùi, đứa ôm cổ đeo đu trên lưng anh.
Ngọc My không tham gia cùng, lách qua chỗ bọn họ ngồi rồi đi vào phòng.

Một lát sau cô mới trở ra, đi thẳng tới trai phòng của sư thầy.

Sư bác cũng đang ở bên đó, hai người ngồi đối diện nhau, trước mặt là chén trà vừa rót còn đang lâng lâng gợn khỏi mỏng hòa vào cùng hương trầm lan tỏa khắp không gian.
Cửa phòng khép hờ, Ngọc My lễ phép thưa:
“Bạch thầy!”
“Tuệ Ngọc đấy à? Vào trong cho ấm.”
Cô đẩy cửa bước vào, thấy cả sư bác thì cúi đầu chào hỏi.

Sư thầy vừa rót thêm chén mới cho Ngọc My, vừa hỏi han:
“Bên phòng đã đốt trầm cho ấm chưa con?”
“Bạch thầy con đốt rồi ạ! Bọn trẻ đang chơi ngoài hiên với chú Vũ.

Bảo là lạnh với muỗi mà không đứa nào chịu vào phòng.”
“Ừ, con ngồi xuống.

Uống miếng trà, sư bác vừa mới pha xong.”
“Dạ thầy.”
Cô ngồi ngồi xuống bên cạnh sư bác, tay đưa lên đón lấy chén trà đang tỏa khói mà sư thầy đưa cho.

Ngọc My nâng chén, ghé mũi hít hà hương trà thơm ấm nồng và cảm nhận sự ấm áp từ chén sứ lan tỏa trong lòng bàn tay vừa mới động nước còn đang lạnh băng đến ửng đỏ.
Nhấp xuống một ngụm trà ấm, cô vừa xoa tay vừa thưa chuyện:
“Bạch thầy, đây là tiền con bán su hào, sắn với ngô và thuốc lá tắm được ạ!”
Sư thầy gật đầu, đưa tay hướng về phía sư bác.

Sư bác nhận thay, còn lẩm nhẩm đếm, xong thì ngước mắt thốt lên:
“Nhiều thế này cơ à con? Đang vào mùa nên su hào dưới thị trấn người ta cất rẻ lắm, có mấy nghìn một cân thôi.

Thế này có mà bán cả mấy luống của thầy mới đủ.

Liệu có chở được hết không con?”
Ngọc My hốt hoảng xua tay:
“Ơ không đến mấy luống đâu ạ! Chục cân su hào với chục cân sắn, chục cân ngô thôi chứ mấy bác.”
Bác nhìn sư thầy, vẻ mặt đầy ái ngại.


Ngọc My như nhìn ra được tâm ý của hai người thì liền giải thích:
“Được giá là ở chỗ thuốc lá tắm ấy thầy.

Mọi người chuyển khoản hết cho con rồi.

Đầu giờ chiều mai con đi, thầy sắp cho con ạ!”
“Ừ, rau, ngô bẻ xuống phải ăn ngay mới ngon.

Lúc nào chuẩn bị đi thì thầy với bác sắp cho con.

Nhưng mà nhiều quá rồi con.

Của nhà chùa làm ra, chỉ mất công không mất của.

Lấy nhiều của người ta thế, phải tội ra con ạ! Nam mô a di đà phật!”
Thầy chỉ nói vậy rồi lấy thêm nước đổ vào ấm trà.

Ngọc My đưa mắt nhìn sang sư bác.

Người phụ nữ với nét mặt hiền hòa, gò má hơi cao chăm chú nhìn lại, sư bác nở nụ cười hiền hậu, lại nắm lấy tay cô, ngón cái nhẹ nhàng xoa trên mu bàn tay đầy sẹo mờ.

Trong mắt sư bác đứa bé này thực sự rất giỏi giang, nhưng lại kém nhất khoản nói dối.

Dù là bác hay sư thầy cũng đều dễ dàng nhìn ra được.
Lúc hai người rời khỏi phòng thầy, cô níu tay sư bác lại:
“Bác!”
“Nam mô a di đà phật! Con để tiền mà dùng.

Ở trên này các em, bác với thầy lo được.”
“Bác, bác cầm cho con đi.

Không thầy mắng con đấy.”
“Bác cầm, thầy mắng bác.

Con nhìn con xem, hôm qua con về thầy nhìn con mà đỏ mắt.

Sao không biết chăm lo cho mình để gầy trơ xương thế này.

Rồi đàn ông người ta nhìn vào, ai mà dám lấy.”
“Hì, con mà cần.

Gầy mà con khỏe á bác.

Bác nhìn xem.”
Cô cười híp mắt, vén tay áo, gồng cơ lên cho bác xem, khiến sư bác cũng bật cười theo.
“Bác cầm cho con.

Con còn tiền người ta cho nữa mà.

Bác xem bọn trẻ lại sắp tới kỳ đóng tiền học phí rồi.” Ngọc My ỉ ôi, nhét tiền vào túi áo khoác của sư bác, tay còn giữ không cho bác nhúc nhích lấy ra.
Sư bác bất lực, trân trối nhìn cô:
“Con…”
“Bác không cầm là con buồn, con tủi thân, là con ốm đấy.

Rồi hàng tháng con nhờ bác nhang khói, hoa quả cho mẹ với ông bà ngoại con được chưa ạ?”
“Ừ, bác biết rồi.

Tội con.

Ở dưới ấy làm gì thì làm cũng phải biết chăm sóc bản thân, đừng để bị ốm.

Không có ai chăm sóc.

Mệt mỏi quá thì về với bác, với thầy.

Đừng một mình chịu đựng biết chưa?”
Bác vừa dặn dò, vừa xoa đầu cô.

Ngọc My nghẹn ngào không nói lên lời, chỉ biết ôm cánh tay bác, rồi ngả đầu tựa vào như đứa con bé nhỏ vừa được mẹ an ủi, mà hai mắt đã nhòa hết cả đi.

.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương