Nam Quốc Sơn Hà
Chương 43: Cái tình là cái chi chi

Quách Quỳ trải qua một lần suýt chết, nhưng là người gan dạ, y trở lại bình tĩnh như thường. Cơm trưa xong, y triệu tập chư tướng lại nghị sự.

Yên Đạt từng sang Đại-Việt lâu ngày, rất thông thạo đường xá, cùng phong tục tập quán dân Việt. Y hiến kế:

– Kể ra muốn đánh Quyết-lý thực không khó. Nhưng khổ nột điều, người trấn thủ ải này là Trần Thanh-Nguyên, em út của Kinh-Nam vương. Võ công thị cực kỳ cao thâm, thị lại là người có tài dùng binh bậc nhất, bậc nhì Đại-Việt. Ải Quyết-lý lập ra chỉ với mục đích cản đường ta, nên họ chứa rất nhiều cung tên ở trong. Ải được bao quanh bởi mười lớp hào, mười hàng rào. Giữa các hàng rào đều có cửa lưu thông với nhau. Hôm qua ta đánh suốt ngày, với quân số gấp năm lần, mà chỉ lấp được ba hào, chiếm được ba hàng rào. Khi ta rút về nghỉ đêm, chúng lại củng cố rào, hào như cũ. Tôi nghĩ, ta nên để lại vài vạn quân bao vây là đủ. Giỏi lắm hai tháng sau hết lương, thị phải ra hàng.

Sau trận đột kích hôm trước của quân Việt, ba con trai Hoàng Kim-Mãn đều bị giết thê thảm. Y nghiến răng, đứng lên nói trong nước mắt:

– Thưa nguyên-soái, giữa Bắc-biên với đồng bằng Đại-Việt, chỉ có con đường duy nhất, thì Thân Cảnh-Long đã cho đóng hai ải Quyết-lý, Chi-lăng. Quyết-lý còn có thể đánh được, vì quân thủ là hiệu Kinh-bắc; chứ Chi-lăng do hiệu Quảng-vũ, một hiệu thiện chiến nhất Đại-Việt, ta muốn qua, thì thực là thiên nan vạn nan.

Triệu Tiết cau mày hỏi:

– Không lẽ với một vạn binh thủ, mà ta có tới trăm vạn lại chịu thua sao?

Kim-Mãn chỉ lên bản đồ:

– Thưa phó nguyên soái, cái phòng tuyến Chi-lăng này quá đặc-biệt. Xin phó nguyên-soái thử nhìn xem: Đây, nó nằm giữa hai ngọn núi khép lại, thác nước trên núi đổ xuống tạo thành khu đồng lầy, chỉ có con đường độc đạo xuyên qua. Ta tuy có trăm vạn quân, nhưng hiện đóng dồn cục lại, tại cái kẹt núi này. Nếu ta muốn qua, thì chỉ có thể đưa những toán năm, ba người một, xếp thành hàng dài mà qua, như thế không khác gì bưng tính mệnh dâng cho chúng. Chính vì vậy, mà biết bao lần các danh tướng Thiên-triều đều thất bại tại đây.

Kim-Mãn nhấn mạnh:

– Tên Thường-Kiệt đã sai hai tướng vừa mưu-trí, trung-thành lại có tài dùng binh bậc nhất trong 12 tướng chỉ huy Thiên-tử binh là vợ chồng Đinh Hoàng-Nghi trấn thủ Chi-lăng. Hai đứa này đã lập tới ba mươi vị trí phòng thủ, các vị trí thông với nhau bằng những con lộ xuyên rừng khúc khủy quanh co. Ví dù ta có thí quân chiếm được hết các phòng tuyến này, thì chúng rút lên núi ẩn thân, chờ tiền quân ta đi qua, rồi đổ phục binh đánh cướp lương thảo, thì nguy lắm.

Tư lệnh đạo quân hữu đệ nhất là Miêu Lý hỏi:

– Hầu hết tất cả tướng soái Bắc-cương đều theo gió đầu Thiên-triều. Vậy ta cũng nên chiêu dụ vợ chồng Thân Cảnh-Long, Tôn Mạnh, Đinh Hoàng-Nghi, hơn là đánh.

Yên Đạt lắc đầu:

– Đối với ba cặp vợ chồng này, thì dù ta có phong vương cho chúng cũng vô ích mà thôi. Thứ nhất là Thân Cảnh-Long, họ Thân nhà y đã ba đời làm phò mã Lý triều; vợ y, công-chúa Thiên-Thành, là chị ruột vua Giao-chỉ. Còn Tôn Mạnh, thì vợ y là em gái Kinh-Nam vương tên Trần Thanh-Nguyên... mà nguyên soái đã biế rõ.

Quách Quỳ bèn tường thuật lại chi tiết truyện xưa:

« Hồi thơ ấu, y theo sư-phụ với Yên-vương Triệu Nguyên-Nghiễm sang Đại-Việt, khi qua Thanh-hóa đã gặp Thanh-Mai nay là Quốc-mẫu Đại-Việt; Tự-Mai nay là Kinh-Nam vương; Thanh-Nguyên với Tân-quy thất quỷ, sau là Tôn Đản, Tôn Mạnh, Tôn Trọng, Tôn Quý, Trần Anh, Hà Thiện-Lãm, Lê Thuận-Tông »...(xin đọc Anh-hùng Tiêu-sơn của Yên-tử cư-sĩ, do Xuân-thu Hoa-kỳ xuất bản 1990).

Yên Đạt tiếp:

– Còn Đinh Hoàng-Nghi, y là con Đinh Nho-Quan triều Đại-Nam của Nùng Trí-Cao, vợ y là cháu nội của Trần Phụ-Quốc. Y là em nuôi của Linh-Nhân hoàng thái hậu. Vì vậy, chiêu dụ ba người này e còn khó hơn bắc thang lên trời.

Triệu Tiết chỉ Tu Kỷ:

– Hiện Tu tướng quân đã tìm được một đường khác có thể xuống đồng bằng, nhưng phải đánh mạo hiểm mới có thể thành công. Xin Tu tướng quân trình bầy.

Tu Kỷ đem ra một mảnh lụa, vẽ bản đồ Bắc-cương, rồi chỉ về phía Tây Chi-lăng:

– Đây, ngoài con đường chính Chi-lăng ra, còn có con đường thượng-đạo, đi vòng qua phía Tây. Con đường này chỉ bọn thợ săn mới biết. Ta cho quân từ Vĩnh-bình tiến về phía Tây, rồi từ Môn-châu vượt qua hai khe suối, ba cái đèo thì tới châu Vạn-nhai; rời Vạn-nhai tới xã Bình-gia, rồi Vạn-linh. Vạn-linh nằm trên bờ sông Phú-lương, tức thượng lưu phòng tuyến Như-nguyệt. Trên đường đi đó, chỉ ải Đâu-đỉnh là có quân trấn đóng. Ta đánh úp ải này, thì có thể đưa đại quân xuống đồng bằng Phú-lương, rồi tiến về phía Đông, uy hiếp Như-nguyệt, Vạn-xuân.

Miêu Lý hỏi:

– Tại sao cái con sông kia, mà khi thì Tu huynh gọi là sông Phú-lương, khi thì gọi là sông Như-nguyệt, khi thì gọi là sông Nham-biền?

Tu Kỷ giảng giải:

– Con sông chạy dài từ dẫy núi Đông-triều đến Vạn-xuân này có tên là sông Cầu. Nhưng mỗi khúc lại có một tên khác. Như khúc thượng lưu này tên là Phú-lương vì có bến đò Phú-lương cắt con đường Vạn-nhai đi Tam-đảo. Khúc giữa mang tên Như-nguyệt, vì có bến đò Như-nguyệt cắt đôi con đường Chi-lăng đi Thăng-long. Khúc cuối mang tên Nham-biền hay Vạn-xuân, vì con sông này cắt đường Nham-biền đi Vạn-xuân bằng bến đò Vạn-xuân.

Quách Quỳ tính vốn cẩn thận, y phân vân:

– Đường đi ngả đó cheo leo, bộ binh qua thì được, chứ xe, ngựa thì không thể nào đi nổi. Giả như ta đánh úp được Đâu-đỉnh, đưa được đại quân qua, nhưng lấy lương thảo đâu cho quân dùng?

Hoàng Kim-Mãn đáp ngay:

– Vì Thường-Kiệt cho rằng Tống không biết con đường thượng đạo, mà dù có biết cũng không dám mạo hiểm vượt hẻm núi đánh Vạn-nhai, nên Bà-chúa-kho Thiên-Ninh đồn trú tại đây một kho lương đủ nuôi cho hơn vạn quân trong sáu tháng. Thường-Kiệt tin rằng Chi-lăng có thể cầm cự trong sáu tháng, nên phía Nam Chi-lăng, Thiên-Ninh cũng chứa một kho lương đủ nuôi quân trong sáu tháng nữa. Nếu như ta vượt thượng đạo thành công, thì với hai kho lương này, ta đủ nuôi hai vạn quân trong sáu tháng.

Quách Quỳ cau mày:

– Quân ta đổ xuống đâu phải hai vạn, mà ít ra là ba mươi vạn! Chỉ với số lương ít đó thì thấm thía gi?

Triệu Tiết tự chửi thầm: « Con mẹ nó, vì ta nói lỡ một câu, mà nhà vua để tên ngu như lợn này làm nguyên-soái. Không biết ta có toàn thây về tới Trung-nguyên không? Đã vậy ta lên mặt dạy dỗ y trước chư tướng cho bõ ghét ». Nghĩ vậy y nói với Quỳ như nói với thuộc-hạ:

– Khi đại quân qua được, lập tức ta men theo sông Cầu, tiến về Như-nguyệt, Vạn-xuân. Lúc ấy vợ chồng Đinh Hoàng-Nghi đang bị ta đánh ở phia Bắc, chúng quay lưng về Nam chống trả. Bây giờ phiá Nam bị ta chiếm, thì chúng đưa lưng ra cho ta tha hồ mà đâm, mà bắn vào lưng chúng; chỉ một ngày là quân tan vỡ Chi-lăng thất thủ. Lấy Chi-lăng rồi, lập tức ta dùng đường này vận lương chứ khó gì!

Quách Quỳ tức ứa gan, nhưng đành đồng ý để cho Triệu Tiết trách nhiệm mặt trận phía Tây. Trong tâm, Quỳ nghĩ: Nếu Tiết thành công, thì ta là chúa tướng, công lao vẫn thuộc về ta. Nếu Tiết bại, ta có cớ loại Tiết dễ dàng, mà y không than gì được.

Quỳ ban lệnh:

– Phó nguyên soái Triệu Tiết làm chánh tướng, kiểm điểm binh mã, tiến đánh Đâu-đỉnh. Sau khi chiếm Đâu-đỉnh, thì tràn xuống chiếm Bắc-ngạn sông Phú-lương, rồi nhanh chóng tiến về phía Đông, đánh phía sau Chi-lăng. Binh tướng trực thuộc, có đạo tả đệ nhất của tướng Miêu Lý.

Miêu Lý hỏi:

– Thưa nguyên soái, đạo tả đệ nhất có bốn đạo, đó là đạo đệ 7, 8, 9, 10. Vậy mang những đạo nào theo?

– Mang đạo binh đệ thất của Vương Tiến, đạo đệ bát của Bình Viễn, đạo đệ cửu của Lưu Mân. Còn đạo đệ thập thì đặt trực thuộc tướng Yên Đạt công ải Chi-lăng.

Quỳ lại ban lệnh:

– Còn lại, thì tướng Khúc Chẩn chỉ huy các tướng Đào Bật, Diêu Tự công ải Quyết-lý. Yên Đạt chỉ huy các tướng Vương Mân, Lý Hiếu-Tông công Chi-lăng.

Ngày Quý-Mão, tháng Chạp, niên hiệu Thái-Ninh thứ năm, đời vua Nhân-tông nước Đại-Việt (21-12, Bính-Thìn, DL. 18-1-1077), nhằm niên hiệu Hy-Ninh thứ chín đời vua Thần-tông nhà Tống.

Khí hậu mấy ngày cuối Đông sang Xuân tự nhiên ấm áp lạ lùng. Nắng mới êm nhẹ tỏa xuống khắp rừng núi Bắc-biên. Những nụ hoa căng thẳng, đang muốn nứt ra thì gặp nắng, lập tức nở tung, toả ra muôn mầu nghìn sắc, hương thơm ngào ngạt.

Sau trận phục kích đêm, làm cho Quách Quỳ, Khúc Chẩn (11-12 tháng Chạp)phờ phạc, Đinh Hoàng-Nghi vội viết biểu sai chim ưng tâu về triều, và bản doanh nguyên soái Thường-Kiệt. Hầu cũng gửi một bản cho phò mã Thân Cảnh-Long với công chúa Trần Thanh-Nguyên. Ngay ngày hôm sau (13 tháng Chạp), một nữ sứ giả cùng với năm nữ binh phi ngựa đem chỉ dụ của Linh-Nhân hoàng thái hậu tới phòng-tuyến Chi-lăng, cùng với một hộp đựng bảo vật ban cho Đinh Hoàng-Nghi. Nữ sứ giả nói:

– Thưa thượng tướng quân, Thái-hậu ban dụ rằng tướng quân không phải quỳ gối lĩnh chỉ, mà nhận chỉ như em nhận thư của chị.

Hầu cảm động tiếp thư mở ra, đó là tời giấy hoa tiên mầu hồng, in mờ mờ hình Quan-thế-âm đứng trên lưng con rồng. Hương ngọc lan của nước hoa mà Thái– hậu quen dùng bốc lên mũi, hầu nghĩ thầm:

– Bà chị Yến-Loan ban thưởng gì cho mình đây?

Hầu vẫy phu nhân lại cùng đọc:

« Tiếp được biểu của Nghi, chị không ngạc nhiên về chiến thắng Nghi đạt được. Tài của Nghi đâu chỉ có vậy? Mưu trí của Nghi đâu có giản dị như thế? Này Nghi! Hồi ở chùa Từ-quang, chị đã từng làm bếp cho Nghi ăn, giặt quần áo cho Nghi mặc; bẹo tai khi Nghi không gội đầu, rồi phải điệu Nghi ra ao gội đầu... Nếu Nghi nhớ những kỷ niệm ấy, thì hãy nghe chị dặn đây »

Dù đã là thượng tướng quân, xung sát có dư trăm trận, nhưng khi đọc những giòng ấy, nước mắt hầu chảy xuống hai gò má xạm nắng gió:

– Em nguyện tuân theo lời dạy dỗ của chị.

« Một là, quân của Nghi quá ít, so với quân Tống. Nhờ tướng Tống khinh địch, quân Tống lạ địa thế, Nghi ra quân bất thần mà thành công; chứ thực lực tướng Tống toàn những kẻ tài trí siêu việt, võ công cao cường, thuật dùng binh bỏ xa Nghi. Vậy từ nay, tuyệt đối Nghi không ra khỏi ải Chi-lăng, dù chỉ để bắt một tên tế tác giặc.

Hai là, nếu như Chi-lăng bị tràn ngập, thì lập tức Nghi rút quân về hướng Đông, ẩn trong rừng, chờ dịp đánh tập hậu, chứ không nên tử chiến vô ích.

Ba là ta gửi theo một nữ tướng, đệ tử của tiên nương Thiếu-Mai tên Bùi Phương-Lan. Như vậy Lan ngang vai với chúng ta. Nàng dẫn theo năm nữ võ sĩ để trợ chiến với Nghi đệ. Vậy Nghi đệ hãy đối xử với họ bằng tình sư huynh sư muội. Lỡ ra, sau này họ có làm điều gì không như ý Nghi đệ, thì ta chịu lỗi với Nghi đệ.

Ta ban cho Nghi đệ một bảo vật, nhưng chỉ mình Nghi đệ mới được mở ra mà thôi ».

Hoàng-Nghi nhăn mặt hỏi phu nhân:

– Bà chị tuyên chỉ bắt chúng ta bỏ Chi-lăng, em nghĩ xem có nên tuân không? Còn anh ấy à, thà anh chết chứ anh không rút đâu.

Phương-Quỳnh nghĩ thầm:

– Từ trước đến giờ bề ngoài thì Long-biên ngũ hùng với Thái-hậu chị chị em em, chứ thực sự ra Thái-hậu coi ngũ-hùng như con; ngược lại ngũ hùng coi hậu như mẹ. Giữa mẹ con, chắc có truyện gì riêng tư, ta chả nên xen vào.

Nghĩ vậy, Phương-Quỳnh vẫy vợ chồng Lý Tam, năm nữ võ sĩ cùng mình ra ngoài. Bấy giờ Phương-Lan mới trao cái hộp cho Hoàng-Nghi. Hầu trịnh trọng mở hộp ra. Bất giác mặt hầu đỏ rực lên, rồi biến sang tái ngắt, chân tay hầu run lẩy bẩy.

Nguyên trong thư đựng một chiếc khăn lụa mầu vàng lợt, một chiếc áo choàng mầu tím, một cái xiêm mầu đen. Đây là bộ xiêm áo Nang Chang Lan mặc hôm vào triều kiến vua Thánh-tông, sau đó nàng sang cung Ỷ-Lan để dự tiệc, rồi xẩy ra vụ hiểu lầm, khiến nàng bỏ đi mất tích.

Không tự chủ được, hầu ôm bộ xiêm y của Chang-Lan vào người, ngồi lặng đi một lúc. Bao nhiêu kỷ niệm với Chang-Lan trở về: Lúc từ biệt nhau, để dự trận Nhật-lệ; lần chia tay đầy nước mắt ở cung Ỷ-Lan; lần Chang-Lan giả làm nữ tỳ theo hầu từ Trường-yên ra Thăng-long; rồi Chang-Lan theo hầu như bóng với hình. Cho đến khi hầu đem quân về Thăng-long dẹp loạn Dương gia, bấy giờ Chang-Lan mới bị Linh-Nhân hoàng thái hậu khám phá ra. Hậu giữ nàng ở trong cung, tới khi Hoàng-Nghi cưới vợ, nàng mới bỏ đi mất tích.

Trong hộp có mẩu giấy, thủ bút chủa Chang-Lan, hầu nở ra đọc:

« Nghi ơi! Khi rời cung Ỷ-Lan để về Chiêm, thì em gặp hai hòa thượng Mộc-tồn, Viên-Chiếu. Hai ngài thấy em quá thương tâm, bèn thu làm đệ tử. Sau này, em theo Nghi về Thăng-long, hai vị sư phụ vẫn đêm đêm truyền thụ võ công cho em. Hiện em vẫn hầu hạ cạnh Thái-hậu.

Em biết rằng bấy lâu trốn tránh Nghi, để cho Nghi mòn mỏi chờ mong, em có muôn vàn lỗi, nhưng em tin rằng Nghi sẽ tha thứ cho em.

Ở ngoài biên cương, Nghi hãy bảo trọng thân thể, để khi hết giặc, Nghi về Thăng-long, em sẽ đón Nghi, và chúng ta lại đoàn tụ sau bẩy năm xa cách ».

Hoàng-Nghi đem bộ xiêm y của Chang-Lan nhét vào cái túi vải nhỏ mà hầu vẫn cột ngang lưng để đựng bút, mực, với mấy bộ binh thư. Bất giác hầu ngửng lên nói với Bùi Phương-Lan đang tần ngần quan sát hành vi của hầu:

– Sư muội là đệ tử của tiên nương Thiếu-Mai, thì hẳn y thuật cao minh lắm nhỉ?

– Rất tiếc muội chưa học được một phần mười thủ thuật của sư phụ.

– Thế muội có trị được bệnh tương tư không?

Phương-Lan mỉm cười:

– Tương tư không phải là bệnh. Thế đại ca tương tư ai? Có phải là chị Chang-Lan không? Muội nghe Linh-Nhân hoàng thái hậu nói thế, chả biết có đúng không? Hay tương tư cô khác, đàn ông năm bẩy lá gan. Lá để cho vợ, lá toan cùng người. Anh cũng là đàn ông, thì chắc cũng vậy.

Hoàng-Nghi thấy Phương-Lan không gọi mình là đại ca nữa, mà lại gọi là anh, hầu chỉ lên trời thề:

– Trọn đời anh chỉ biết có nàng. Nếu anh nói sai, thì trời vật chết!

– Anh nói! Anh chỉ biết có nàng, tại sao anh lại cưới chị Phương-Quỳnh?

– Anh cưới Phương-Quỳnh vì tuân chỉ của chị Ỷ-Lan, à quên Thái-hậu.

– Này anh Nghi! So sánh ba người đàn bà mà anh yêu thương là Thái-hậu, Phương-Quỳnh, Chang-Lan. Anh yêu ai nhất?

– Tình là cái chi chi, khó mà định nghĩa. Trong ba người, anh yêu mỗi người một khác. Phương-Quỳnh với anh tuy có nghĩa phu thê, nhưng chị ấy chỉ là người bạn cùng chung lo quốc sự. Chị ấy đã hứa rằng sau này anh tìm thấy Chang-Lan, thì chị ấy nhất định không ghen. Còn Thái-hậu! Em nên nhớ, đối với anh, Thái– hậu vừa là bà mẹ dịu dàng nhất thiên hạ, vừa là bà chị ôn nhu nhất thiên hạ. Anh vừa yêu, vừa kính chị ấy đến độ bất cứ lúc nào, cần chết thay cho hậu, anh cũng vui lòng. Còn Chang-Lan ư?

Hầu nói bằng giọng ôn nhu:

– Nếu em đếm hết lá trên rừng, hết cát trên biển, đếm hết sao trên trời, được bao nhiêu, anh yêu nàng còn hơn thế nữa.

Đến đó Hoàng-Nghi chợt để ý: Mặt Phương-Lan khi tái xanh, khi hồng, hai tay nàng run run.

Trong khi đó hầu nghĩ thầm:

– Ta định chết với Chi-lăng, nhưng nếu ta chết, thì sao còn tái ngộ với Chang-Lan được? Ừ, nếu không giữ nổi Chi-lăng, thì ta rút về phía Đông. Sau này bọn Long-biên, Tây-hồ có cật vấn, ta sẽ nói rằng việc này ta không làm chủ được, vì đó là chỉ dụ của Thái-hậu. Như vậy chúng không trách ta đã bỏ ải trốn đi.

Cho hay sức mạnh của ái tình thực vô biên, Linh-Nhân hoàng thái hậu đã biết xử dụng nó. Chỉ mấy giòng thư của Chang-Lan, mà làm cho Hoàng-Nghi thay đổi hẳn thái độ cứng ngắt: Chết sống với Chi-lăng. Trong khi trước đây, uy đức như công chúa Bảo-Hòa, Bình-Dương, Kin-Thành, Trường-Ninh, và cả tiên nương Thiếu-Mai cũng không lay chuyển nổi.

Chợt để ý đến trên lưng bàn tay Phương-Lan có mụn nốt ruồi đỏ, hầu giật bắn người lên:

– Mình đáng chết thực! Thì ra bà chị gửi Chang-Lan cho mình, mà mình ngu muội nhận không được. Nàng hóa trang khéo quá, mình nhận không ra. Được!

Hầu nói với Phương-Lan:

– Em này!

– Gì vậy Nghi?

– Em thử chẩn mạch xem anh có bị bênh gì không? Tự nhiên tim đập mau, lồng ngực đau chịu không nổi. Chắc anh nhớ Chang-Lan quá, nên tim vỡ ra thì phải.

Hầu làm bộ run lấy bẩy.

Phương-Lan không nghi ngờ:

– Anh vào phòng ngủ nằm thẳng, rồi đưa bàn tay trái cho em.

Hoàng-Nghi dẫn Phương-Lan vào phòng ngủ. Thuận tay hầu đóng cửa lại rồi nằm dài ra. Phương-Lan cầm lấy bàn tay Hoàng-Nghi, thì nhanh như chớp, hầu bật tay dậy điểm huyệt Nội-quan của nàng. Chân tay Phương-Lan cứng đơ. Nàng hỏi:

– Nghi ơi! Nghi làm gì vậy? Tại sao Nghi lại điểm huyệt em?

Trong lúc hoảng hốt, Chang-Lan quên mất mình là cô sư muội Phương-Lan, mà thốt ra câu thân ái thường nói với Hoàng-Nghi trước đây.

Hoàng-Nghi ôm chặt lấy nàng, nói trong hơi thở:

– Chang-Lan! Anh nhớ em đến điên đảo thần hồn, mà em cứ ẩn thân, trốn tránh anh hoài là tại sao?

Ghi chú,

Viết đến đây, tôi không dám thuật gì hơn. Bởi sau khi tra kết các thư tịch Tống, Việt; kể cả bia đá, mộ chí, gia phả của chư tướng tôi cũng không tìm ra đoạn văn nào chép rõ sau khi nói câu này, tình trạng Quán-quân thượng tướng quân Chính-Tâm hầu của triều Lý với Chang-Lan ra sao? Tôi vốn kém thông minh, nên không tưởng tượng nổi hôm ấy anh hùng Đinh Hoàng-Nghi với giai nhân Câu-thi Lị-ha Bài-ma-la Nangchanglan làm những gì, nói những gì với nhau? Ví dù tôi có tưởng tượng ra được, thì cũng chẳng dám viết. Vì sau này Đinh Hoàng-Nghi tuẫn quốc, được phong Hiển-uy, Trung-nghĩa, Duệ-mưu đại vương, rất linh thiêng; nếu tôi chép sai, e bị ngài phạt thì khổ to. Nhược bằng ngài có đại xá cho, thì con cháu ngài hiện sống cạnh tôi như Đinh Vĩnh-Phúc, Đinh Hà-Thanh (tức ca sĩ Julia Thanh), Đinh Giao-Linh (tức ca sĩ Mỹ-Linh), Đinh Nho-Tiêu cũng bẹo tai tôi. Độc giả Nam-quốc sơn-hà vốn thông minh, xin đoán dùm. Đa tạ.

Từ hôm 14 đến nay, trong suốt tám ngày liền, ngày nào Yên Đạt cũng cùng hai tướng Vương Mân, Lý Hiếu-Tông đem quân tấn công ải Chi-Lăng suốt từ sáng đến tối. Mấy ngày đầu, sau khi tấn công, quân Tống lại rút về hậu cứ qua đêm, sáng hôm sau mới trở lại tấn công tiếp. Nhưng sau khi tấn công đến ngày thứ bẩy, thì quân Tống lại đóng ngay trên con đường dẫn đến ải, và ven núi gần ải để qua đêm.

Trong bẩy ngày đó, Hoàng-Nghi cũng nhận được tin tức do chim ưng đem lại: Công chúa Thiên-Thành với phò-mã Thân Cảnh-Long vẫn âm thầm di chuyển từ trang này, sang động khác, khuyên các trang động chủ không gây chiến để bảo toàn chủ lực. Nên chiến trường không có gì xẩy ra.

Còn tin của công chúa Côi-sơn cho biết: Khúc Chẩn cùng hai tướng Diêu Tự, Đào-Bật, hàng ngày đem quân tấn công ải Quyết-lý rất gấp. Hai bên đều tổn thất khá trầm trọng.

Hoàng-Nghi bàn với chư tướng:

– Các vị thử nghĩ xem, Yên Đạt là một đại tướng giỏi nhất của Tống, mà lại hành sự ngơ ngẩn, cho đóng quân ngay ngoài ải của ta. Vậy ý định y là gì?

Chang-Lan vẫn hóa trang, đóng vai Phương-Lan. Nàng bàn:

– Theo muội nghĩ, thì Tống triều muốn Quách Quỳ phải đánh ta thực nhanh, để còn về giữ Tây-thùy, Bắc-thùy. Thế mà bẩy ngày qua, quân Tống chỉ đánh cầm chừng, e chúng có âm mưu chứ chẳng không đâu?

Phương-Quỳnh gạt ngang:

– Tôi cho rằng chúng chả có âm mưu gì cả. Chẳng qua, chúng khinh thường mình mà thôi. Tôi nghĩ đêm nay, mình bắn Lôi-tiễn lên đầu chúng cho bõ ghét.

Hoàng-Nghi thấy rõ Chang-Lan nghị luận rất đúng, mà vợ lại gạt đi, thì trung gian do cái ghen mà ra. Hầu không đồng ý với phu nhân, đưa mắt hỏi vợ chồng Lý Tam:

– Sư huynh, sư tỷ nghĩ sao?

– Phương-Quỳnh luận đúng, đêm nay mình bắn Lôi-tiễn cho chúng phải rời xa đồn của ta.

Mai Tam góp ý: Thử dùng chim ưng dò thám thực xa xem sao. Một mặt gửi thư đến phò mã Hoàng Kiện, Trung-Thành vương, Tín-Nghĩa vương, với nguyên soái Thường-Kiệt để hỏi thăm tin tức xem có gì lạ không?

Đến đây, quân báo: Có hai cột khói bốc lên tận mây. Một cột ở phía Nam, một cột ở phía Tây.

Hoàng-Nghi vội lên đài cao quan sát. Chang-Lan theo bén gót. Nàng định hướng rồi nói:

– Chỗ khói bốc lên là nơi công chúa Thiên-Ninh chứa lương thảo tiếp tế cho Đâu-đỉnh và cho ta với Quyết-lý. Như vậy hai kho lương này lành ít, dữ nhiều rồi.

Hoàng-Nghi sai chim ưng mang thư đi các nơi hỏi tin tức. Thư gửi hơn hai giờ sau thì có thư của Trung-Thành vương, Tín-Nghĩa vương khuyên « nên cẩn thận, giữ vững ải, chớ có xuất ải đánh giặc ». Không thấy thư trả lời của nguyên soái Thường-Kiệt với phò mã Hoàng Kiện. Mặt khác, tế tác cho biết: Phía Tây Chi-lăng đang có cuộc giao tranh.

Lòng Hoàng-Nghi rồi như tơ vò. Tuy nhiên, đề nghị dùng Lôi-tiễn bắn quân Tống của Phương-Quỳnh cũng hợp lý. Lập tức hầu ra lệnh:

– Đúng giờ Dậu thì khai hỏa.

Giờ Dậu, Phương-Quỳnh mặc cho Hoàng-Nghi ngồi trong trướng nói truyện với vợ chồng Lý Tam, chư tướng, với Chang-Lan. Bà cho tập trung tất cả hai mươi đại nỏ, cùng nhắm vị trí đóng quân của Tống khai hỏa. Cho hay cái giận, cái hờn, cái ghen của đàn bà xưa nay đều giống nhau: Giận cá chém thớt. Phương-Quỳnh cho bắn tối đa, bắn liên tiếp. Những tiếng rú, tiếng nổ kinh hồn ở trên không, ở dưới đất làm rung động không gian. Rừng núi Chi-lăng như chìm trong biển lửa. Quân Tống bị Lôi-tiễn bắn, cùng hò hét, rồi chạy ra xa ngoài tầm đại nỏ hơn dặm, đứng nhìn vào ải.

Tuy ngồi đàm đạo với các tướng, nhưng Đinh Hoàng-Nghi vẫn chú ý theo dõi cuộc nã Lôi-tiễn. Khi hầu thấy Lôi-tiễn nã nhiều quá thành vô ích, vội ra lệnh cho nỏ binh ngưng lại, rồi hỏi phu nhân:

– Sao em cho nã nhiều quá vậy? Địch đã rút ra xa rồi mà?

Phu nhân quẳng cây cờ lệnh xuống đất, ôm đầu chạy vào trong nhà. Cho rằng vợ mình khó ở, hầu định vào hỏi thăm bệnh tình của phu nhân, thì ưng binh trình hầu một bản tin của phò mã Hoàng Kiện:

« Trưa nay một toán hơn trăm binh thuộc hiệu Đại-hoàng bị quân Tống đuổi chạy tới xã Vạn-linh, tràn đến Bắc-ngạn Phú-lương. Qui-đức đại tướng quân Trần Di đem quân vượt sông sang đánh lùi quân Tống, cứu được hơn trăm binh sĩ đó. Theo đám quân này cho biết, quân Tống vượt rừng từ Vĩnh-bình, xuống Môn-châu, rồi đi theo thượng đạo đánh úp ải Đâu-đỉnh. Dường như Đâu-đỉnh thất thủ, Vũ-đực đại tướng quân, Nam-sơn hầu Dư-Phi tuẫn quốc. Có tin gì ta sẽ báo cho ngay. Bà-chúa-kho Thiên-Ninh sợ lương thảo lọt vào tay giặc, đã cho đốt kho lương Vạn-nhai ».

Kinh-hoàng, Hoàng-Nghi vội triệu tập chư tướng báo hung tin, một mặt hầu sai ưng binh đem tin này cho phò mã Thân Cảnh-Long và công chúa Trần Thanh-Nguyên. Hầu nói với chư tướng:

– Nếu sự thực Đâu-đỉnh thất thủ, tất Tống đi theo Bắc-ngạn Phú-lương, tiến về Đông đánh sau lưng ta. Chiến lũy Chi-lăng của ta, có tới ba mươi lớp, đều quay lưng về Nam. Nếu nay quân Tống từ Nam đánh lên, thì ta nguy mất.

Phương-Quỳnh nói ngang:

– Tống đánh từ trước, chống đã khốn khổ rồi, nay lưng hở mà chúng đánh vào lưng, thì chỉ có một đường là chết mà thôi. Tôi đang muốn chết đây!

Từ hôm Chang-Lan hiện diện ở Chi-Lăng, thì Phương-Quỳnh không lấy làm vui lòng. Chang-Lan ít nói, lại luôn luôn tránh gặp mặt bà. Mỗi khi Chang-Lan nói với Hoàng-Nghi, thì nàng thỏ thẻ êm đềm, tha thiết. Tuy Phương-Quỳnh biết rằng ghen tương là điều xấu, cần phải gạt bỏ. Nhưng biết là một truyện, mà gạt bỏ ra ngoài lại là một truyện khác.

Cái tình là cái chi chi, thực khó mà giảng giải nổi. Cũng vì vậy mà Phương-Quỳnh luôn nói ngang, hay cáu gắt vô lý với hầu. Nhưng một là trong lòng hầu chỉ để hết tâm tư đến Chang-Lan, hai là hầu lo chống giặc, nên không ngờ đến việc phu nhân ghen với Chang-Lan.

Ngay trưa hôm đó, có sứ giả của nguyên soái Thường-Kiệt phi ngựa tới yết kiến hầu. Hầu cho mời vào. Sứ giả nói:

– Nguyên soái Thường-Kiệt có lệnh: Đâu-đỉnh thất thủ hôm qua. Hiện đại quân Tống như nước vỡ bờ tràn xuống Phú-lương, đang tập họp để tiến đánh sau lưng Chi-lăng. Vì chuyên chở không kịp, sợ kho lương phía Nam Chi-lăng lọt vào tay giặc, Bà-chúa-kho Thiên-Ninh đã thiêu hủy kho này rồi. Vậy quân hầu hãy rút lui về phía Đông, ẩn trong vùng Tô-mậu. Công chúa Côi-sơn Trần Thanh-Nguyên rút vào rừng Quảng-nguyên, Môn-châu, còn công chúa Thiên-Thành với phò mã Thân Cảnh-Long ẩn ở rừng Lạng-châu.

Nói rồi sứ giả trao cho hầu một cái bản đồ, trên ghi vị trí các hầm mà công chúa Thiên-Ninh cất dấu lương thảo trong rừng:

– Công chúa Thiên-Ninh truyền trao bản đồ này cho quân hầu. Quân hầu hãy tìm, đào lên lấy lương nuôi quân. Còn ải Quyết-lý bị vây, công chúa đã sai chim ưng mang đến cho quốc công Tôn Mạnh rồi.

Hầu hỏi:

– Vụ Đâu-đỉnh thất thủ ra sao?

– Thưa, tên gian tặc Hoàng Kim-Mãn chỉ con đường thượng đạo cho quân Tống. Y dẫn Triệu Tiết đem Miêu Lý, Vương Tiến, Bình Viễn, Lưu Mân điều ba đạo quân đệ 7, 8, 9, âm thầm đi đường thượng đạo qua Vạn-nhai, rồi đợi trời tối thình lình đánh úp ải Đâu-đỉnh.

Phương-Quỳnh quên cả ghen, quên cả giận dỗi, bà hỏi:

– Vô lý, thế chim ưng tuần thám đâu? Chó sói canh gác đâu?

– Thưa phu nhân, chim ưng tuần thám bị đội ưng-binh của Hoàng Kim-Mãn phất cờ gọi xuống rồi giữ luôn không cho bay về. Còn Thần-ngao canh phòng, tuần tiễu ngoài ải, cũng bị ngao binh của Kim-Mãn ra hiệu, chúng tưởng binh nhà, nên không báo động. Quân Tống thình lình tràn vào ải giữa lúc quân Việt đang ăn cơm sáng. Tuy vậy, Dư tướng quân cũng phản ứng kịp. Trận chiến kinh hồn động phách diễn ra trong ải suốt từ sáng tới giờ Thân mới dứt. Quân Việt tử chiến tới người cuồi cùng. Dư tướng quân đấu với tướng Tống là Lưu Mẫn, đến hai trăm hiệp thì Mẫn bị bại. Sau Tu Kỷ nhảy vào vòng chiến, Dư tướng quân đấu được hơn trăm hiệp, phải lùi lại, dẫn quân rút vào rừng, vì quân Tống đã chiếm được hết ba đồn của Đâu-đỉnh. Tu Kỷ xua quân đuổi theo. Dư tướng quân cùng hơn hai trăm quân cuối cùng chiến đấu đến kiệt lực, rồi tự tử.

Chang-Lan hỏi:

– Thế tại sao lại có hơn trăm quân sĩ chạy thoát về Phú-lương?

– Thưa đó là quân đi tuần tiễu, qua đêm ở xã Vạn-linh. Khi được tin Đâu-đỉnh có giặc, họ vội về ải chiến đấu. Khi họ đi được nửa đường thì gặp quân Tống đang tràn xuống Nam. Họ vừa đánh, vừa chạy về bờ sông Phú-lương, được phò mã Hoàng Kiện cứu qua sông.

Hoàng-Nghi cho tập trung binh sĩ, giảng giải cho họ biết, hiện Chi-lăng bị hở phía sau, phía trước bị tấn công. Bây giờ nhiệm vụ hiệu Quảng-vũ nặng nề hơn: Ẩn thân vào vùng Tô-mậu, chờ đợi, bất cứ lúc nào lệnh ban ra, là đánh tràn sang Tống, để đốt phá lương thảo, cùng cắt đường tiếp vận của chúng.

Đêm hôm đó, khi chập choạng tối, ngày 22 tháng Chạp năm Bính-Thìn, toàn bộ hiệu Thiên-tử binh Quảng-vũ âm thầm rút vào rừng. Chang-Lan lĩnh nhiệm vụ rút sau cùng. Nàng cho chất tất cả gỗ, củi, cỏ vào các căn trại, rồi sai bện một cái bùi nhùi cỏ dài, châm lửa, rồi từ từ rời khỏi ải Chi-lăng.

Như thường lệ, giờ Mão ngày 23 tháng Chạp, Yên Đạt, Vương Mãn, Lý Hiếu-Tông dẫn quân công ải Chi-lăng. Mọi khi quân vừa tới tới hoàng rào, là bị quân Việt dùng nỏ bắn ra. Nhưng lần này, sau ba lần xung phong vào sát hàng rào, quân Việt vẫn không phản ứng. Lý Hiếu-Tông nghi ngờ, vội cho quân rút ra xa, để xin lệnh Yên Đạt.

Yên Đạt cũng kinh ngạc không ít. Y thân tới hàng rào nhìn vào trong: Không một bóng người, không một bóng thú. Trầm ngâm một lúc, y sai quân dùng búa phá rào. Không khó nhọc, sau khi phá được hai lớp, thì quân theo các ngả lách lọt qua tuyến phòng thủ thứ nhất. Vẫn không thấy một bóng người nào. Y cho phá rào, tiến vào phòng tuyến thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư, cũng vẫn không một bòng người.

Yên Đạt tỉnh ngộ, y hét lên:

– Bọn Hoàng-Nghi trốn hết rồi.

Vừa lúc đó, sứ giả của Khúc Chẩn tới báo:

– Đêm qua, quân trong ải Quyết-lý đã rút vào rừng, không biết đi đâu.

Lập tức Yên Đạt hô quân đồng loạt phá rào, tràn vào ải Chi-lăng. Tuy vậy y vẫn cẩn thận cho quân vượt từng tuyến phòng thủ một. Sau khi vượt hết ba mươi tuyến, thì tới khu chứa lương thảo. Yên tâm không còn quân Việt, Đạt sai quân lục soát kho lương thảo. Đúng lúc đó, con bùi nhùi bén tới chỗ chứa hoàng-thạch, mã-não, nhựa cháy. Một tiếng nổ long trời lở đất phát ra, rồi tất cả các căn nhà đều bốc cháy ngùn ngụt. Quân Tống kinh hoàng cùng bỏ chạy tán loạn. Chạy được mấy chục trượng, thấy không có gì khác lạ, chúng đều đứng lại nhìn những căn nhà ngút lửa.

Yên Đạt quan sát một lúc, y đoán ra ngay: Quân Việt đã âm thầm rút đi từ đêm qua. Y liền sai quân về hành doanh báo cho Quách Quỳ biết. Y lên tháp nhìn về phía Nam Chi-lăng: Một đoàn quân mang cờ Tống, do Triệu Tiết, Tu Kỷ đi đầu, đang tiến tới.

Triệu Tiết hỏi:

– Đạt! Bọn Đinh Hoàng-Nghi đâu?

Yên Đạt đáp cụt ngủn:

– Cút từ lâu rồi. Sao? Tốt đẹp cả chứ?

– Hà! Quách Quỳ cho rằng ta mạo hiểm, mà không thể thành công. Bây giờ đại công cáo thành, ta phải gặp y, để y ngượng mặt một bữa cho bõ ghét.

Triệu Tiết cùng mấy võ sĩ cận vệ phi mgược đường về Lạng-châu, tới hành doanh của Quách Quỳ, thì cũng là lúc Quỳ đang cùng các tham-tướng như Ôn Cảo, Quản Vi, Đặng Trung... bắt đầu di chuyển qua Chi-lăng. Bất đắc dĩ Quách Quỳ phải ngợi khen Tiết:

– Mừng Triệu huynh đã thành công. Này Triệu huynh, tôi nghe trước đây Triệu huynh có nói rằng: Một ngày nào đó, ngọn cờ chỉ xuống Nam, Triệu huynh hứa sẽ làm cỏ động Giáp để trả cái thù trước đây bị nhục ở đỉnh Tản-lĩnh. Bây giờ Triệu huynh hãy tự trả hận đi thôi.

– Nguyên-soái không nhắc, suýt nữa tôi quên mất.

Quách Quỳ chỉ một tên Việt theo trong quân:

– Người này biết rõ mồ chôn của họ Thân, từ Thân Thiệu-Anh, Thân Thừa-Quý, công-chúa Lĩnh-Nam Bảo-Hòa, Thân Thừa-Phú, Thân Thiệu-Cực, cho đến Lâm Thanh-Trúc. Y sẽ chỉ cho Triệu huynh.

Ghi chú,

Hồi niên thiếu, Triệu Tiết, Khúc Chẩn theo sư phụ, sư thúc trong phái Hoa-sơn như Bắc-sơn, Tây-sơn, Nam-sơn lão nhân v.v. sang Đại-Việt định chiếm núi Tản-lĩnh. Trong trận đánh này, không những các vị sư bá, sư phụ, sư thúc đại bại nhục nhã; mà Triệu Tiết, Khúc Chẩn, cũng bị Tự Mai, Tôn Đản, Lê Văn đánh bại, rồi bị Thân Thiệu-Cực làm nhục. Tiết thề sau này có dịp sẽ làm cỏ động Giáp để trả thù. Xin xem Anh-hùng Bắc-cương của Yên-tử cư-sĩ, do Xuân-thu Hoa-kỳ xuất bản 1992.

Tiết cho ruổi ngựa song song với Quách Quỳ, đi được khoảng mười dặm, thì tên hướng dẫn chỉ vào một trang động rất thanh nhã, nhưng hàng rào phòng thủ cực kỳ kiên cố:

– Đây là động Giáp, nơi vua bà Bắc-biên đóng đô. Bên trong có mồ mả ba chục đời nhà họ Thân.

Triệu Tiết ra lệnh cho quân gọi cổng. Cổng vẫn đóng kín mít. Tiết truyền quân tấn công. Lập tức hoàng nam canh cổng nhô đầu lên khỏi ụ phòng thủ nói:

– Hôm trước Quách nguyên soái có lệnh: Nếu chúng tôi không đánh quân Thiên-triều, thì quân Thiên-triều sẽ để cho được yên. Thế sao bây giờ các vị lại đánh chúng tôi?

– Các người nghe đây.

Triệu Tiết nói:

– Chúng ta có việc cần vào trong, mi mau mở cửa. Bằng không ta cho quân san bằng động này.

Hoàng nam mở rộng cửa động ra. Lập tức Tiết phất tay cho đội thiết đột xông vào. Một tiếng pháo nổ vang, rồi bốn dàn Thần-nỏ cùng bắn ra một lúc. Quách Quỳ, Triệu Tiết kinh hãi, vội tung mình nhảy lên cao, tay rút kiếm gạt tên. Khi cả hai rơi xuống đất, lại tung mình nhảy về sau liến mười bước, ra khỏi tầm sát hại của Thần-nỏ mới dám đứng lại.

Bấy giờ Triệu Tiết mới nhìn lại: Cổng trang đã đóng, bên trong trấn một con bùi nhùi bằng rơm trát bùn. Đội thiết đột hơn hai mươi người chỉ thoát ra được ba người, còn lại không biết chết sống ra sao?

Khúc Chẩn đã tới, y hỏi Triệu Tiết:

– Sư huynh! Cái gì đã xẩy ra?

Tiết tường thuật chi tiết. Quách Quỳ truyền lệnh:

– Ta hãy chiêu dụ chúng xem sao, đừng vội nóng nảy.

Khúc Chẩn tiến lên cầm loa gọi vào trong:

– Quân tướng trấn thủ động Giáp nghe đây! Chúng ta là tướng Thiên-triều đem quân sang trừng phạt bọn trộm cướp từng xâm phạm Thiên-quốc. Các người vô tội. Vậy các người mở cổng cho chúng ta vào, chúng ta hứa không đụng đến cây kim, sợi chỉ của các người. Bằng không ta sẽ san bằng động Giáp.

Một lão già quắc thước leo lên tháp phòng thủ. Lão cung tay hướng ra ngoài vái ba vái, lão nói bằng tiếng Biện-kinh:

– Tôn Tử nói « Quân trung bất hí ngôn ». Hôm rồi vua bà Bắc-biên cùng Thân phò-mã đem triều đình rút về Thăng-long có di chiếu rằng: Từ nay động Giáp không còn là thủ-đô của Bắc-biên nữa, các người muốn hàng Tống, hay chống Tống, thì tùy ý. Sau hôm ấy, chúng tôi cương quyết trung-thành với Đại-Việt. Nhưng mới đây, nguyên-soái Quách Quỳ có gửi tới cho chúng tôi bài lộ-bố, hứa rằng: Trang nào, động nào không chống quân Thiên-triều thì sẽ để cho yên. Chính vì vậy, mà chúng tôi nguyện trở thành ngoan dân. Hơn tháng nay, biết bao lần quan quân đi qua, chúng tôi không chống lại. Thế sao bây giờ các vị lại cho quân thiết-đột xông vào chém giết chúng tôi?

Nghe lão nói, Quách Quỳ nhủ thầm:

– Thì ra vợ chồng Thân Cảnh-Long bỏ trốn về Thăng-long, rồi sai người phao rằng ẩn ở trong rừng. Lão già này vô tình tiết lộ cho ta. Ta phải nói truyện với lão để khai thác thêm tin tức.

– Thế còn Tôn Mạnh với Đinh Hoàng-Nghi hiện ở đâu?

– Sau khi quân Thiên-triều đổ xuống Phú-lương, thì hai ải Quyết-lý, Chi-lăng bị đánh phía sau, nên đã xuyên rừng tiến về Tây, qua sông để về trấn Thăng-long rồi.

Quách Qùy nói với chư tướng:

– Thì ra thế. Chúng rút đi mà lại phao rằng ẩn trong rừng, làm ta phải chia quân ở lại giữ Bắc-cương. Ta bị chúng lừa mà không biết. Vậy ta dốc toàn lực đổ xuống đồng bằng, không cần để quân ở đây nữa.

Lão già chỉ vào Quách Qùy, Triệu Tiết, Khúc Chẩn:

– Các vị có biết rằng khi các vị đánh chúng tôi là phạm vào lệnh cấm của Quách nguyên-soái không? Nay chúng tôi tạm bắt giữ mười bẩy quân thiết đột này làm bằng chứng, rồi sẽ đến cửa Quách nguyên-soái để kiện.

Ôn Cảo chỉ vào Quách Quỳ:

– Quách nguyên-soái chính là vị này.

Quách Quỳ thúc ngựa tiến lên:

– Ta chính là Quách nguyên soái đây.

Lão già chắp tay vái:

– Người xưa nói: Không biết là không có tội. Vừa rồi tiểu nhân có đôi chút lầm lỡ, mong nguyên-soái đại xá. Xin nguyên soái chờ một lát, tiểu nhân gọi bô-lão ra đón nguyên-soái.

Nói rồi lão xuống đài. Lát sau, con bùi nhùi được vần sang bên cạnh, cánh cổng mở rộng. Bên trong bô-lão quần áo chỉnh tề đứng làm hai hàng, mỗi người cầm một bó hương, khói lên nghi ngút. Tiếp theo là đội hoàng-nam, hoàng-nữ gươm đao sáng ngời. Lui vào trong hơn mười trượng, là đàn hổ, báo, sói, voi ngồi nghểnh cổ lên, lưỡi thè ra đỏ lòm.

Bô lão ban nãy cung tay hướng Quách Quỳ:

– Ngoan dân Thân Thiệu-Minh, động trưởng động Giáp cùng dân toàn động kính ra mắt Quách nguyên-soái.

Lão phất tay một cái, đội âm nhạc hơn trăm người, xử dụng đủ thứ nhạc-cụ, đồng tấu lên bản nhạc êm dịu, hòa-nhã. Quách Quỳ nhận ra đó là bản nhạc đời nhà Chu khi xưa đã tấu để tế Khương Thái-công.

Từ ngày vượt biên vào đại Việt, chư tướng Tống hết bị Lôi-tiễn, lại bị thú-binh, Thần-nỏ cứ nhè không đề phòng là tấn công. Đây là lần đầu tiên Quỳ được dân chúng tiếp đón với đầy đủ lễ nghi. Quỳ cùng mấy võ tướng cận vệ xuống ngựa vào trong trang. Triệu Tiết la lớn:

– Nguyên soái đừng vào. Bọn Nam man gài bẫy đấy. Người mà vào trong là trúng phục binh của chúng.

Quách Quỳ nghĩ rất nhanh:

– Tên Triệu Tiết này thực nhát gan, với bản lĩnh của ta, với đội võ sĩ này, thì dù tất cả đám thú binh, hoàng-nam, hoàng-nữ có tấn-công ta há sợ sao?

Quỳ vẫy tay cho năm trăm thiết đột đi trước, còn y khoan thai cùng các tướng vào trong. Thân Thiệu-Minh đi trước dẫn đường. Triệu Tiết, Khúc Chẩn lững thững theo sau. Tới điện Kinh-Dương lão rước Quỳ ngồi vào cái ghế khổng lồ bọc da hổ. Hai bên còn mấy ghế nhỏ hơn, thấp hơn, cũng bọc da hổ được dành cho Triệu Tiết, Khúc Chẩn, Ôn Cảo v.v. Chư tướng còn lại đứng hầu làm hai hàng. Đám thiết-đột bị bắt đã được tha ra, dàn ngoài sân.

Thiệu-Minh chắp tay:

– Đây là nơi thiết triều của vua bà Bắc-biên. Bọn tiểu-nhân rất mong nguyên-soái hứa cho một lời, để dân trong động không phải lo âu cái nạn diệt chủng.

Quỳ hài lòng, y bảo Ôn Cảo:

– Ôn huynh hãy cho làm một tấm bảng lớn, viết lệnh của ta, rồi dán lên, đem treo ngoài cổng trang:

« Bất cứ quân, tướng nào xâm phạm động này sẽ bị xử tử ».

Thiệu-Minh dẫn Quỳ cùng chư tướng dạo chơi một vòng trong động. Y trình bầy: Dân trong động ước khoảng năm nghìn nóc gia, dân số hai vạn người. Hoàng-nam, hoàng-nữ khoảng ba nghìn.

Đi khắp động, Quỳ nhận thấy hầu như nhà đều bằng gạch hay gỗ, lợp ngói xanh. Các lối đi đều lát đá bằng phẳng. Phía sau động có nhiều cánh đồng nuôi trâu, nuôi bò; nhiều vườn nuôi lợn, nuôi gà; nhiều ao nuôi cá, nuôi vịt, ngan, ngỗng. Ôn Cảo nói với Quách Quỳ:

– Giao-chỉ biết khuyến khích dân canh-tác, Giáp chỉ là một động ở sơn cước, mà cũng giầu có thế này. Như vậy thì dân vùng đồng bằng sẽ giầu đến đâu? Hèn chi chúng dám đem quân phạm cảnh.

Triệu Tiết nói với Thiệu-Minh:

– Nguyên-soái hứa rằng: Không phạm đến cây kim, sợi chỉ của dân. Đó là truyện ngày nay. Nhưng trước đây, bọn Thân Thiệu-Anh, Thân Thừa-Quý, Thân Thừa-Phú, Lĩnh-Nam Bảo-Hòa, Thân Thiệu-Cực, Lâm Thanh-Trúc đã tàn hại dân Nam thùy Thiên-quốc, lại chém giết quan quân rất nhiều. Nay tuy chúng chết rồi, nhưng cũng phải đền tội. Ta sẽ quật mồ chúng lên, lấy xương bỏ vào cối dã ra để làm gương cho kẻ ác sau này.

Nói rồi y gọi tên hướng đạo:

– Người dẫn ta đến chỗ chôn bọn tội đồ.

Tên hướng đạo chỉ về phía chân núi:

– Kia! Mộ bọn tội đồ chôn ở chỗ kia. Tiểu nhân xin đi trước dẫn đường.

Triệu Tiết gọi hơn trăm thiết-đột theo tên hướng đạo đi trước. Y với Quạch Quỳ, Chúc Chẩn theo sau. Tới gần chân núi, xa xa hiện ra những nấm mồ xây bằng đá lớn như những căn nhà. Càng gần chân núi, con đường càng hẹp, quân thiết-đột chỉ đi được hàng hai mà thôi. Hai bên là lau sậy.

Bỗng từ sườn núi có bốn người cỡi trâu lững thững đổ đồi, rồi đi theo con lộ, ngược chiều với đội thiết đột. Trong bốn người, thì hai người ngồi ngang trên lưng trâu, còn hai người lại ngồi xếp bằng tròn. Họ đều mặc áo tơi, đội nón lá che mất đầu. Một người ngồi xếp bằng tròn tay cầm ống tiêu, tấu nhạc rất nhu hòa êm ái. Một người ngồi ngang, để cây đàn bầu trên đùi, tay bật những âm thanh huyền ảo. Tiếng tiêu, tiếng đàn hợp với nhau thành một âm thanh êm đềm, dìu dặt như muôn ngàn chim hót trong buổi sáng mùa Xuân.

Viên đội trưởng thiết đột hô lớn:

– Chúng ta là binh Thiên-triều. Bọn nhà quê mau tránh ra!

Nhưng bốn người dường như không biết tiếng Việt, trâu vẫn thủng thẳng tiến tới. Tiếng tiêu, tiếng đàn vẫn hoà nhịp. Tên hướng đạo quát bằng tiếng Việt:

– Bọn nhà quê, tránh ra mau!

Nói rồi y vung côn đập vào đầu trâu của người thổi tiêu. Ai cũng tưởng chiêu đó trúng đầu trâu, ắt con trâu sẽ lồng lên, hắt tên mục đồng xuống. Không ngờ, chát một tiếng, cây côn gẫy làm đôi, một nửa bay ngược lên xuyên qua ngực tên hướng đạo. Y ngã lộn về sau, nằm thẳng cẳng, mắt mở trừng trừng, trong khi máu trong miệng, trong mũi ứa ra.

Cả đội thiết đột không hiểu tại sao cây côn lai gẫy, rồi một nửa bay trở lại, xuyên qua ngực tên hướng đạo; nhưng ở phía sau, bọn Quách Quỳ lại nhìn rất rõ: Gã mục đồng phát một chỉ đánh gẫy côn, rồi phất tay một cái, đẩy khúc côn gẫy về sau. Có điều gã ra tay nhanh quá, nên bọn thiết đột không nhìn thấy.

Quách Quỳ chưa kịp ra lệnh, thì tên đội trưởng thiết-đột vọt lên trước, y vung đao chặt đầu trâu. Gã mục đồng lại phát chỉ, ánh thép lấp loáng một cái, thanh đao bay ngược trở lại tiện đứt đầu viên đội trưởng. Cái đầu rơi xuống đất, trong khi cổ phun máu lên cao, rồi thân ngã úp sấp xuống. Kỳ diệu ở chỗ tên mục đồng ra tay, mà khúc tiêu vẫn không bị đứt đoạn. Đám thiết đột hô lên một tiếng, bao vây bốn mục-đồng vào giữa.

Khúc Chẩn tung mình lên cao, nhấp nhô mấy cái, y đã lên trước hàng quân thiết đột quan sát bốn tên mục đồng, nhưng cả bốn người đều đội nón, nón che mất mặt. Khúc Chẩn biết đây là những đại cao nhân, y cung tay:

– Hoa-sơn Khúc Chẩn xin ra mắt bốn vị. Xin bốn vị cho biết cao danh quý tính?

Bốn người vẫn im lặng, ngồi im trên mình trâu. Hai người vẫn tấu nhạc. Khúc nhạc dứt, hai người ngồi xếp bằng tròn vung tay một cái, bốn tên thiết-đột bay tung lên cao, rơi xuống bãi lau cách đó đến bốn trượng. Vòng vây hở một khoảng trống. Bốn con trâu lại thủng thẳng đi.

Khúc Chẩn không đừng được, y quát lên một tiếng, rồi phát chưởng. Chưởng của y mạnh đến nghiêng trời lệch đất, hướng mục đồng thổi tiêu. Gã mục đồng cầm ống tiêu điểm vào giữa chưởng của Khúc. Bộp một tiếng, Khúc cảm thấy đau nhói ở ngực. Y vội hít một hơi phát chưởng nữa tấn công vào hạ hàn con trâu của gã mục-đồng. Gã mục đồng không đỡ chưởng của Khúc, mà dùng một chỉ tấn công vào ngực y. Khúc kinh hoảng, vội thu chiêu, rồi nhảy lên cao tránh chiêu chỉ. Véo một tiếng, chỉ trúng vào thanh kiếm của Khúc đeo bên hông, dây đeo kiếm bị đứt, khiến thanh kiếm rơi xuống. Gã mục đồng ra chiêu ưng-trảo, thanh kiếm bay vọt tới trước mặt gã; gã bắt lấy.

Qua mấy chiêu, Khúc đã nhận ra hai mục đồng ngồi ngang trên mình trâu là đàn bà, một người mặc quần áo tím, một người mặc quần áo vàng. Hai người cùng đi hài mầu đen, trên hài có thêu kim cương óng ánh. Còn hai người ngồi xếp bằng tròn là đàn ông, thì người thổi tiêu mặc quần áo xanh, người còn lại mặc quần áo nâu. Trong khi Khúc Chẩn chiết chiêu với người quần áo xanh, thì tùy tùng đã đi gọi quân tới. Hơn năm trăm võ sĩ Tống dàn ra, vây lấy bốn người mục đồng vào giữa. Gươm đao, cung tên chĩa ra tua tủa. Chỉ cần một mệnh lệnh là chúng buông tên, rồi xông vào băm vằm bốn người ra như băm chả.

Triệu Tiết tiến lên cung tay:

– Triệu Tiết phái Hoa-sơn xin tham kiến tứ vị. Xin tứ vị cho biết cao danh quý tính? Tại sao tứ vị lại cản trở, rồi giết binh của Thiên-triều?

Người đàn bà quần áo xanh nói với Tiết như chủ nói với đầy tớ:

– Người không cần xưng danh, ta cũng biết người là Triệu Tiết. Ta còn biết rõ người đến chân núi này để đào mả giòng họ Thân hầu trả cái thù trước ây người bị Thân Thiệu-Cực làm nhục ở đỉnh Tản-lĩnh. Này Triệu Tiết, người đường đường là đệ tử phái Hoa-sơn, một danh môn bậc nhất Trung-nguyên. Người từng đậu tiến-sĩ, hiện tước tới Hầu. Người lại đang lĩnh trọng trách đánh Đại-Việt, nắm trong tay trăm vạn mạng tướng sĩ. Thế nhưng người là một gã đốn mạt, hèn hạ.

Nói đến đây bà ta chỉ tay và mặt Tiết:

– Hèn hạ, vì xưa kia mi bị Thiệu-Cực làm nhục, mi không chống nổi. Bây giờ Thiệu-Cực chết rồi, mi lại đi đào mả trả thù. Đốn mạt, vì hiện có bao nhiêu việc cần làm, thế mà dân động Giáp theo gió đầu Thiên-triều; đáng lẽ mi phải phủ dụ, rồi làm những việc cần thiết ngay... thế mà mi lại đi vào cái hẻm núi này để quật mồ trả thù. Mi không xứng đáng làm con người chứ đừng nói là làm tướng.

Triệu Tiết quát lớn:

– Con mụ kia, mi là ai? Mi hãy mở nón ra cho ta xem mặt đã. Bằng không mi đừng có trách ta.

Thấp thoáng một cái, gã mục đồng quần áo nâu từ lưng trâu tung mình xuống, tát vào mặt Triệu Tiết. Tiết đang mải nói, không đề phòng, mà người áo nâu lại ra tay quá thần tốc, nên y chỉ biết lộn người về sau tránh đòn. Người áo nâu di chuyển thân mình theo như bóng với hình. Tiết kinh hoảng, y lộn liền bốn vòng về sau, nhưng người kia cũng di chuyển theo. Đám cung thủ Tống thấy vậy hướng người áo nâu buông tên. Người áo nâu như không để ý, y vẫn di chuyển theo Tiết. Bốp, bốp hai tiếng, Tiết bị tát hai cái nảy đom đóm mắt. Còn người kia tát Tiết xong, mới vòng tay ra sau lưng quơ một cái, y đã bắt được tất cả đám tên bắn y. Y nhảy gật lùi ba bước, lại trở về mình trâu.

Nói thì chậm, chứ kẻ tát, người tránh đều nhanh như điện chớp.

Người đàn bà quần áo xanh lại chỉ tay vào mặt Quách Quỳ:

– Còn người! Người là nguyên-soái. Người không ngăn cấm tên Triệu Tiết, đã không xứng đáng làm nguyên-nhung rồi; đây người lại nhắc nhở y trả thù, rồi theo y đi đào mả. Ôi! Thực là nhục nhã thay.

Người đàn bà đó chỉ tay vào đám võ sĩ Tống:

– Người đường đường là đệ nhất cao thủ, đi theo người còn có Triệu Tết, Khúc Chẩn, Ôn Cảo... đều là cao thủ bậc nhất bậc nhì, mà đối phó với mấy mục đồng không xong! Đẹp mặt ông Tuyên-huy Nam-viện sự, An-Nam đạo hành doanh mã bộ đô tổng quản, chiêu-thảo sứ, kiệm tuyên phủ sứ chư lộ Kinh, Hồ, Quảng-Nam phải đem năm trăm võ-sĩ để đối phó với bốn mục đồng!

Ôn Cảo quát lên, y chỉ tay vào người đàn ông áo nâu:

– Vừa rồi gã kia đánh trộm mà đắc thế. Bây giờ gã có gan thì đường đường đối chiêu với chúng ta xem nào?

Người đàn ông áo nâu không trả lời, y tung mình khỏi mình trâu, tay phóng chưởng tấn công Ôn Cảo. Chưởng của y chưa ra hết, mà Ôn Cảo muốn nghẹt thở. Ôn quát lên một tiếng phát chưởng đỡ. Ầm một tiếng, người y bật lui về sau ba bước liền, miệng ri rỉ ứa máu ra. Trong khi y chưa đứng vững thì người kia đã phát chiêu thứ hai. Biết rằng nếu Cảo đỡ chiêu đó ắt nát thây ra, Quách Quỳ vội phát chiêu đỡ. Rầm một tiếng, y phải lùi liền ba bước mới đứng vững. Tai y phát ra tiếng vo vo không ngừng.

Người kia cười nhạt, phát chiêu thứ ba. Quỳ vận đủ mười thành công lực đỡ. Binh một tiếng, người áo nâu cười nhạt đánh tiếp chiêu thứ tư. Cứ thế, khi người áo nâu đánh đến chiêu thứ mười tám, thì Quách Quỳ lảo đảo đứng không vững.

Người đàn ông áo xanh hô lên:

– Ngừng tay!

Người áo nâu cười nhạt, rồi nhảy lùi lại ba bước, y tung mình cỡi lên mình trâu. Người đàn bà áo tím nói với Quách Quỳ:

– Không ngờ công lực người lại cao thâm đến như thế. Khắp Tây-Hạ, Bắc-Liêu không ai đỡ nổi của anh sáu nhà ta quá mười lăm chiêu, mà mi đỡ được mười tám chiêu, kể cũng đáng mặt anh hùng. Hôm nay chúng ta tha cho bọn mi sống, nhưng tự hậu mi phải nhớ ba điều. Một là không được để cho binh-sĩ cướp của, hãm hiếp giết người vô tội. Hai là không được trả thù cá nhân. Ba là, hễ để cho chúng ta thấy mặt, thì chúng ta sẽ giết ngay tức thời.

Quách Quỳ hỏi:

– Nếu ta không tuân ba điều đó thì sao?

Nói rồi y đưa mắt cho Khúc Chẩn.

Khúc Chẩn hô võ sĩ xông vào vây bắt bốn người. Cả bốn người tung nón, tung áo áo tơi ra. Bất giác đám binh Tống cùng bật lên tiếng kinh ngạc, rồi vứt vũ khí quỳ mọp xuống đất khấu đầu:

– Bọn hạ thần xin khấu đầu trước đại-vương và công-chúa điện hạ.

Bọn Quách Quỳ, Triệu Tiết, Khúc Chẩn thấy bốn người đó thì bở vía, chúng cùng chắp tay vái ba vái rồi tung mình chạy về động Giáp.

Nguyên người mặc quần áo nâu là Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai, người mặc quần áo xanh là U-bon vương Lê Văn, người đàn bà mặc quần áo xanh là công chúa Huệ-Nhu, người đàn bà mặc quần áo tím là công chúa Nong-Nụt.

Công chúa Huệ-Nhu vẫy tay ra hiệu cho đám võ sĩ Tống:

– Miễn lễ! Các người trở về đi thôi.

Nói dứt bà mở cái túi trên lưng ra, luồn tay vào, rồi vung lên như gieo mạ. Mỗi cái vung, trên không có những thỏi bạc óng ánh hướng đám binh sĩ Tống, rồi chui tọt vào cái túi trước ngực chúng, mỗi người được một nén bạc.

Chúng cùng hướng công-chúa chắp tay, miệng hô::

– Đạ ta điện hạ ban thưởng.

Bốn vị lên mình trâu thủng thẳng đi về phía chân núi. Tiếng tiêu, tiếng đàn lại vang lên trong cảnh rừng Xuân đây hoa thơm, cỏ biếc.

Hình chụp cửa ải Chi-lăng, và bia kỷ niệm (8-2001) nơi mà năm 1076, anh hùng Đinh Hoàng Nghi cùng phu nhân trấn ngự.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương