Nam Quốc Sơn Hà
-
Chương 15: Dân giầu, nước mạnh
Ỷ-Lan về Thăng-long đã hơn năm rồi. Trong suốt một năm liền nàng làm việc cạnh nhà vua như một đại-học-sĩ. Mỗi tấu chương, nàng đọc cho nhà vua nghe, bàn luận với ngài. Sau khi nhà vua quyết định, thì chính nàng cầm bút son phê lên, rồi trình cho nhà vua ký. Các đại thần, từ tể-tướng Lý-đạo-Thành cho tới những vị trấn nhậm ở biên cương, khi thấy nét chữ châu-phê như rồng bay, như phượng múa, lời văn uyển chuyển thì biết ngay là của Ỷ-Lan phu-nhân. Trí nhớ của Ỷ-Lan rất tốt, mỗi tấu chương tới, nàng nhắc lại chuyện cũ như thế nào, nhà vua đã ban chỉ dụ ra sao, nay kết quả các nơi tấu về như thế đó. Nàng sai làm riêng một cái tráp, chia làm mười tám ngăn, mỗi ngăn cất một cuốn sổ ghi chú, tóm lược những diễn biến quan trọng. Trong mười tám ngăn, thì một ngăn cho phủ tể-tướng, một ngăn cho hậu cung, một ngăn cho Khu-mật-viện, sáu ngăn cho sáu bộ... lại có những ngăn cho Thị-vệ, cho Bắc-biên v.v. Cho nên chư sự trong cung, lục bộ, ngoài biên, nhất nhất mỗi sự nhà vua hỏi đến, nàng tâu trình rành mạch.
Tuy được nhà vua sủng-ái, tuy tài ba, tuy phụ tá nhà vua, nhưng Ỷ-Lan nghĩ rằng: lấy chồng vua hay lấy chồng dân, hạnh phúc hay không thì do mình tạo ra. Điều đó không khó. Nhưng đối với nàng, mình lấy chồng vua thì sao phải được lòng chồng, được lòng người xung quanh, rồi có thể nhân địa vị mình, mà mưu hạnh phúc cho dân. Cho nên nàng hết sức nhũn nhặn, yêu thương mọi người, luôn nhắc nhở nhà vua lấy lòng từ-bi của nhà Phật mà xử sự với cung nga, thái giám.
Hơn năm trước, trên đường từ Thổ-lội về Thăng-long, Ỷ-Lan nhớ đến năm đứa trẻ cùng sống ở chùa Từ-quang với nàng và bẩy đứa trẻ nghèo khó ăn xin ở Thăng-long. Nhớ nhung chồng chất, nàng định khi tới nơi, sẽ triệu hồi hai hoàng tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn đem chúng vào hoàng thành tương kiến. Nhưng khi nhập cung, nàng bị ràng buộc bởi luật lệ, lễ nghi; phải chờ cho tới khi được phong làm Ỷ-Lan phu nhân, mới có quyền triệu hồi, tương kiến với hoàng-tử. Lại nữa, từ triều đình, đến nội cung, nơi nào cũng có những lời xì xầm chống đối nàng về cái xuất thân dân dã, nếu nay nàng lại đem mười hai đứa em xuất thân ăn xin vào cung, thì những cái lưỡi dài như mãng xã lại được dịp nhả độc. Nàng đành nín nhịn.
Bây giờ, một năm qua, uy tín, tư cách của nàng lên cao, không còn ai dám xì xầm chống đối nữa, nàng mới nghĩ đến tương hội với bọn trẻ. Nàng hỏi cung nữ phụ trách lễ nghi:
– Này chị, ví thử tôi muốn mời hai hoàng-đệ Hoằng-Chân với Chiêu-Văn vào cung, thì thủ tục ra sao?
– Thưa phu-nhân, có hai cách. Một là phu nhân có thể thỉnh quốc-mẫu Thanh-Mai cùng hai hoàng-tử vào cung dự yến, rồi nhân đó, triệu hồi cả mười hai trẻ cùng theo. Hai là phu-nhân có thể ban chỉ tuyên triệu hai hoàng-tử đem đám trẻ vào, để phu-nhân xét xem việc dạy dỗ chúng đến đâu rồi.
– Có thể nào chỉ mời hai hoàng-tử vào dự yến, mà không có Quốc-mẫu chăng? Tôi thấy chỉ vì mấy đứa trẻ, mà phải thỉnh đại giá Quốc-mẫu thì thực không nên.
– Như vậy thì chỉ hoàng thượng mới có quyền. Vì dù sao phu-nhân cũng chỉ là chị dâu hai hoàng-tử, chứ chưa phải là bề trên, mà có thể ban yến.
Ỷ-Lan đem ý ấy tâu với nhà vua. Nhà vua vui vẻ:
– Được, trẫm chuẩn tấu.
Ngài gọi một thái giám:
– Người sang phủ Quốc-phụ tuyên triệu hai hoàng tử Hoằng-Chân với năm trẻ ở Thổ-lội, hoàng-tử Chiêu-Văn với bẩy trẻ mồ côi ở Thăng– long... ngay chiều nay vào dự yến.
Buổi chiều đến, hai hoàng-tử cùng đám trẻ nhập Hoàng-thành bằng hai xe, mỗi xe có bốn ngựa kéo. Thị-vệ đã chờ đợi sẵn, họ tiếp cương ngựa, rồi cúi rạp người xuống:
– Hoàng-thượng với phu-nhân đang chờ hai hoàng tử.
Viên thái-giám lễ nghi cung tay hành lễ, rồi dẫn đường đi trước. Đây là lần đầu tiên trong đời, đám trẻ được vào hoàng thành. Thằng Dật chỉ cung Ỷ-Lan nói:
– Này, anh em coi kìa, cung Ỷ-Lan sao lại giống căn nhà của ông bà Thiết trong làng mình quá nhỉ?
Thằng Đoan cũng nhận ra cái quen thuộc:
– Còn chín cây ngâu này thì cắt tỉa giống những cây ngâu ở chùa Từ-quang.
Bỗng thằng Ninh reo lên:
– Kìa, con trâu mộng của chị Minh-Đệ kìa.
Năm trẻ ở Thổ-lội quên mất đây là hoàng cung, chốn cực kỳ tôn nghiêm. Chúng reo lên chạy lại phía con trâu. Nguyên con trâu này, hồi mấy năm trước học trò trường Trung-nghĩa định giết để mừng thượng thọ Trịnh Quang-Thạch, nó chạy vào chùa Từ-quang lánh nạn. Ỷ-Lan đã mua lại. Sau khi nàng nhập cung, lý-trưởng sai người đem nó lên Thăng-long cho nàng. Ỷ-Lan đích thân chăm nuôi nó trong cung, để cho nông dân nghèo không có trâu cầy... mượn.
Dù thời gian đã mấy năm qua, đám trẻ lớn lên, nhưng con trâu cũng đã nhận ra chúng. Năm trẻ vuốt ve, vỗ lưng, xoa đầu, đứng xung quanh trâu.
Đến đó viên thái giám kính sự hô:
– Hoàng-thượng tuyên chỉ mời hai hoàng tử cùng các thiếu niên.
Đám trẻ vội bỏ trâu, theo hoàng tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn vào cung Ỷ-Lan. Hai người vừa bước vào, thì nhà vua cùng Ỷ-Lan đã đứng đón ngay ở cửa:
– Miễn lễ cho hai ngự-đệ cùng đám trẻ. Mời nhị vị ngự đệ ngồi.
Đám trẻ khoanh tay đứng sau lưng hai hoàng tử. Theo đúng lễ nghi, chúng phải cúi đầu không được nhìn nhà vua với Ỷ-Lan.
Lễ tất.
Nhà vua mỉm cười:
– Chắc ngự đệ không hiểu nguyên do nào trẫm lại mời hai vị vào đây cùng ăn yến phải không? Việc như thế này: Ỷ-Lan trước đây từng biết hai ngự đệ, hằng nghe danh hai ngự đệ, lại từng được hai ngự đệ giúp đỡ mấy năm qua. Nhưng hai ngự đệ lại chưa biết Ỷ-Lan, nên ý Ỷ-Lan muốn thỉnh hai ngự đệ vào để chị em gặp nhau.
Hai hoàng tử liếc mắt nhìn Ỷ-Lan. Hai ông tuyệt chưa từng thấy nàng bao giờ. Trước mặt hai ông, nàng chỉ là một thiếu nữ, trang phục như gái quê, nhưng đẹp huyền ảo. Mặc dù là hoàng tử, có nhiều dịp gặp gỡ người đẹp, nhưng hai ông chưa từng thấy ai đẹp mộc mạc như vậy.
Ỷ-Lan lên tiếng:
– Chị dâu em chồng tương kiến. Thiếp xin bệ hạ cho được nói với nhau bằng ngôn từ bình dân.
Nhà vua cười:
– Được chứ, em cứ tự nhiên.
Ỷ-Lan hướng năm đứa trẻ ở Thổ-lội:
– Dật, ngửng mặt lên nhìn xem Ỷ-Lan phu nhân là ai nào?
Phạm Dật ngửa mặt lên, nó thấy Ỷ-Lan thì reo:
– Chị Minh-Đệ! Sao chị lại ở đây? Bọn em nhớ chị muốn chết.
Đám trẻ nghe Phạm Dật reo, chúng quên mất rằng chưa có phép, chúng không được ngước mắt nhìn lên, chúng cùng mở to mắt nhìn nàng:
– Chị Minh-Đệ. Ối sao chị đẹp thế này?
– Ối chị Yến-Loan. Sao chị lại ở đây?
Nguyên, sau khi được hoàng tử Hoằng-Chân cứu nạn ở Thăng-long, năm trẻ làng Thổ-lội, được ông mang chúng về dinh nuôi nấng, dạy văn, luyện võ. Chúng có kể chuyện Minh-Đệ cho ông nghe. Ông cùng năm đứa đi khắp Thăng-long tìm nàng, nhưng không thấy. Ít lâu sau hoàng-tử Chiêu-Văn nhận lời Khất hoà thượng nuôi bẩy trẻ ở Yên-phụ. Nhân dịp hai đám trẻ gặp nhau, chúng đem « đời tư » của nhau ra kể, thế là chúng biết chúng có chung một bà chị. Thời gian hơn năm qua, chuyện bà chị dần dần đi vào lãng quên, thì hôm nay chúng gặp lại nàng trong khung cảnh uy nghiêm này.
Ỷ-Lan truyền cho chúng ngồi. Trong mười hai đứa, thì Lý Đoan có học nhất. Nó nói:
– Bọn em mất tin chị. Gần đây em có nghe đồn đức vua về làng mình tìm Hằng-Nga, đem Hằng-Nga làm vợ. Bọn em đâu ngờ lại là chị.
Nhà vua nói với hai hoàng tử:
– Anh em mình sang bên này. Anh có nhiều chuyện muốn nói với hai em. Để cho chị em Ỷ-Lan ôn chuyện cũ.
Nhà vua với hai hoàng tử đi rồi, Ỷ-Lan tóm lược mọi biến chuyển kể cho đám trẻ nghe. Chúng cũng đem những gì chúng học được nói với nàng.
Lý Đoan đề nghị:
– Từ hồi ấy đến giờ chúng em cũng không có tin nhà. Vậy bây giờ chị dẫn chúng em về quê, chị cứ nhận bọn em là con nuôi chị, để bọn học trò Trung-nghĩa phải lạy sứt trán ra cho bõ ghét.
– Không, chị không lớn hơn các em nhiều tuổi, thì nhận các em làm con sao được? Chị nhận các em làm em nuôi đủ rồi. Còn trường Trung-nghĩa ư? Trường đó không còn nữa.
Nàng kể biến cố Ưng-sơn giết cả nhà Trịnh Quang-Thạch cho chúng nghe, rồi nói:
– Bây giờ chị cho phép, cứ mỗi tháng các em được vào cung thăm chị một lần.
Bọn trẻ reo hò vui mừng. Kể từ ngày nhập cung, đây là lần đầu tiên Ỷ-Lan gặp người thân cũ, nàng mừng chi siết kể. Từ đấy, mười hai trẻ được tự do ra vào cung Ỷ-Lan. Nàng có thêm một số chân tay thông minh, lanh lẹ, và trung thành.
Theo luật triều Lý, thì mỗi tháng hai lần, nhà vua cùng Hoàng-hậu, phi tần phải đến cung Thiên-Cảm chầu Thái-hậu. Tuy nhà vua đã tuyên chỉ rằng đẳng trật phu-nhân của Ỷ-Lan dưới đẳng trật phi. Nhưng khi chầu hầu thái-hậu, Ỷ-Lan cứ đứng sau hết các bà phi đã đành, mà còn sau các mỹ-nhân.
Nhà vua chưa có hoàng-tử, nhưng đã có ba công chúa. Một là công chúa Thiên-Thành, nhũ danh An-Dân do Trần giai phi sinh ra. Công chúa là đệ tử của vua bà Bình-Dương đã hạ giá với thế-tử Thân Cảnh-Long con trai của vua bà Bình-Dương với phò-mã Thân Thiệu-Thái. Hiện công chúa ở Bắc-cương. Công chúa thứ nhì là Động-Thiên, nhũ danh An-Hải do Lý tuyên phi sinh ra. Công chúa là đệ tử của quốc-mẫu Thanh-Mai, đã hạ giá với đô đốc Hoàng Kiện đệ tử của Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản, hiện ở với chồng tại bến Tiềm-long bên bờ sông Hồng. Công chúa thứ ba là Thiên-Ninh nhũ danh An-Quốc, do Mai quý phi sinh ra, học trò của tiên nương Bảo-Hòa. Công chúa tuy đến tuổi trưởng thành, nhà vua định cho hạ giá nhiều lần, nhưng ỷ được sư phụ Bảo-Hòa cưng chiều, công chúa xin đi tu. Dĩ nhiên nhà vua không chuẩn tấu. Công chúa ở trong Hoàng-thành. Ngay từ khi Ỷ-Lan tiến cung gặp công chúa là thân với nhau ngay như bóng với hình.
Lệ triều Lý định từ thời vua Thái-tổ rằng có ba loại thiết triều. Một là đại triều vào mồng một, nếu cuộc đình nghị chưa xong thì có thể kéo dài đến vô hạn định. Thứ nhì là thiết tiểu triều vào các ngày mồng năm, mồng mười, mười rằm, hai mươi và hai mươi lăm. Thứ ba là cuộc thiết tinh-triều (tinh là ngôi sao), thì bất cứ khi nào nhà vua cần bàn với quần thần để quyết định một việc quan trọng.
Khi thiết đại triều thì cao nhất là thân-vương, tể-tướng, thượng thư, các an-vũ sứ, tiết-độ-sứ, đô đốc thủy quân, đại-tướng thống lĩnh kỵ-binh, chư tướng chỉ huy các đạo Thiên-tử-binh, tổng-quản Khu-mật-viện, tổng-lĩnh thị vệ, quan tổng-trấn Thăng-long. Khi thiết tiểu triều thì thành phần vẫn như trên, nhưng không có các thân vương, an-vũ-sứ, tiết-độ-sứ, đô đốc thủy quân, đại tướng thống lĩnh kỵ-binh. Còn thiết tinh-triều thì chỉ có tể-tướng, lục bộ thượng thư, quản Khu-mật-viện và những thành phần chuyên môn liên quan đến các vấn đề cần nghị sự.
Hôm nay nhà vua thiết tinh-triều về vấn đề cần cải cách sao cho dân giầu. Thành phần chính yếu vẫn không thay đổi, nhưng thêm một số các quan thuộc bộ Hộ, bộ Lại, bộ Hình như tham-tri (tương đương với thứ trưởng ngày nay), thị-lang (tương đương với tổng giám đốc ngày nay). Đặc biệt, có cả Ỷ-Lan phu nhân cũng tham dự. Buổi thiết tinh-triều tại điện Cao-minh. Vì buổi thiết triều này không có vấn đề quốc phòng, nên quốc-phụ Khai-Quốc vương với Quốc-mẫu Thanh-Mai vắng mặt. Đứng hầu cạnh nhà vua, có công chúa Thiên-Ninh.
Trước đây, trong những buổi thiết tinh-triều như thế, thì nhà vua ngồi trên ngai sơn son thiếp vàng. Phía trước ngai vàng có chiếc án thư chạm rồng. Còn các quan thì đứng. Nhưng từ sau ngày Ỷ-Lan phu nhân nhập cung, nàng tâu với nhà vua rằng, khi triều hội, các quan phải vận động hết tinh anh thần thức hầu bàn quốc sự. Thế mà các quan phải đứng hằng mấy giờ thì cơ thể mệt, ắt thần tổn. Phu-nhân xin nhà vua ban cho các đại thần được ngồi. Từ đấy, mỗi khi thiết tinh-triều, các đại thần được xếp chỗ ngồi trên ghế, sau cái án thư. Trên án thư để một khay bánh trái, nhiều ít tùy theo thứ bậc.
Ba hồi chiêng trống, đội nhạc cử bài ca Giáng-long. Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế cùng Ỷ-Lan phu nhân ra. Các quan hành lễ. Sau khi hoàng-đế với Ỷ-Lan phu nhân ngồi, lễ quan hô:
– Chư đại thần an tọa.
Tể-tướng Lý Đạo-Thành đứng lên tâu:
– Thần Kiểm-hiệu thái-phó, Long-thành tiết độ sứ, đồng-bình chương sự, Khu-mật-viện sứ, lĩnh Chiêu-văn-quan đại học sĩ, giám-tu quốc-sử, Sơn-Nam quốc-công Lý Đạo-Thành kính tâu: buổi thiết-tinh triều hôm nay do kim ý của bệ hạ, mục đích triều nghị sao cho dân giầu. Thứ nhì là Lễ-bộ thượng-thư, Lại-bộ thượng-thư, Hình-bộ tham tri thuộc phe đảng Dương gia bị cách chức; các vị Lễ-bộ tham-tri, Lại-bộ tham-tri được bệ hạ ban chỉ lên làm thượng-thư, thành ra khuyết ba chức tham-tri, chưa có người thay thế. Thần xin đình nghị để cử ba người vào chức vụ đó.
Nhà vua vẫy tay:
– Xin mời thầy ngồi nói được rồi.
– Đa tạ bệ hạ. Bây giờ để Hộ-bộ thượng-thư tâu lên bệ hạ tình trạng canh tác năm qua.
– Thần Mai Đình, Hộ-bộ thượng thư, lĩnh Thần-nông điện đại học sĩ xin kính tâu. Năm vừa nhờ ân đức Quốc-tổ, Quốc-mẫu, nhờ Tiên-hoàng phù hộ, hai mùa đều trúng. Giá lúa hạ xuống, dân chúng no đủ. Vì lúa gạo dư, nên ta bán sang Chiêm, sang Trung-nguyên rất nhiều. Lục súc tăng lên gấp ba. Tăng hơn cả là lợn, gà, ngan, ngỗng, vịt, tôm, cá. Nhưng trâu, bò thì không tăng. Diện tích canh tác cũng không tăng.
Nhà vua hỏi:
– Trẫm thấy các lộ tấu về rằng dân chúng khai hoang nhiều lắm, thế sao diện tích canh tác lại không tăng? Trâu, bò, dê, ngựa trước đây cứ mười con cái thì tám con sinh đẻ. Thế tại sao lại không tăng?
– Tâu bệ hạ. Về diện tích khai hoang thêm nhiều, nhưng vì những nhà giầu bắt nộp tô quá cao, nên tá điền không thể canh tác, mà chủ điền thì hà khắc. Họ cứ nhất định bắt tá điền trả tô cao, bằng không thì thà để cho cỏ mọc, chứ chẳng chịu hạ tô. Vì vậy số ruộng đất để hoang rất nhiều.
Ỷ-Lan hỏi:
– Thưa thượng-thư, chủ điền đòi tô là bao nhiêu một mẫu?
– Tâu phu-nhân,những loại ruộng xấu họ đòi một nửa số thu. Những ruộng tốt họ không cần biết số thu là bao nhiêu, họ đòi mỗi mẫu một trăm thùng một mùa.
Nhà vua hỏi Ỷ-Lan:
– Khanh đã sống suốt thời thơ ấu ở đồng ruộng, khanh có ý kiến gì về việc thu tô này? Như vậy là cao hay thấp?
– Tâu bệ hạ, thu tô cao như vậy quả là lột da đầu, móc ruột tá điền.
Ỷ-Lan kể tiếp: đối với ruộng xấu, thì số hoạch một mẫu không thể quá trăm thùng. Còn ruộng tốt thì số hoạch mỗi mẫu không quá một trăm năm mươi thùng. Tính đổ đồng, cầy một mẫu mất ba công trâu, bừa ba công trâu, cấy năm công, rồi bón phân, tát nước, làm cỏ, đánh kỳ, gặt... mà chủ điền lấy một nửa. Như vậy tá điền chỉ đủ ăn mà thôi. Họ không thể dư giả để sửa nhà, thuốc thang khi đau ốm, may mặc.
Nhà vua nghe Ỷ-Lan tâu, long tâm cảm thấy như bị con dao đâm vào ngực một cái. Ngài thở dài:
– Nếu như tá-điền không đủ thóc nộp tô thì chủ điền làm gì họ?
– Bệ hạ không thể tưởng tượng được cảnh đau lòng của tá điền nghèo.
Nàng xuống giọng: tâu bệ hạ chiếu theo luật, thì họ sai nặc-nô đi đòi. Nặc-nô đòi không được thì họ kiện lên lý dịch. Lý dịch sẽ phái trương-tuần đem nặc nô tới nhà tá-điền siết lúa, siết gạo, siết gia-súc hoặc siết bàn ghế, dường chiếu. Nếu nghèo quá không còn gì siết thì bắt phải bán vợ, bán con đi lấy tiền trả chủ-điền, hoặc cầm vợ con cho chủ điền làm tôi tớ. Nhiều chủ điền cực ác, họ nhất định hoặc đòi tô thực cao, hoặc là để ruộng hoang chứ không chịu cho thuê với tô thấp.
Nhà vua thở dài hỏi tiếp:
– Như vậy thì tuy năm vừa qua lúa gạo dư thừa là dư thừa do trúng mùa. Người giầu thì thêm giầu, còn kẻ khó thì vẫn hoàn kẻ khó. Giả như, triều đình có phương thức nào cho ruộng đất không để hoang, người cùng dân cũng có ruộng cầy thì đó mới là đạo của vua Hùng, vua Trưng. Trẫm thực xấu hổ, khi ngồi trên ngai, mà để đến nỗi có tệ đoan: người giầu thì bỏ ruộng hoang, kẻ nghèo thì ngồi không nhìn ruộng hoang mà chẳng được cầy.
Nhà vua cau mặt lại tỏ vẻ đăm chiêu: bàn chung, hiện có bốn vấn đề phải giải quyết. Một là sao cho tá điền khỏi bị chủ điền lột da. Hai là không còn nạn để ruộng hoang. Ba là sao để khuyến khích dân khai hoang hơn nữa. Bốn là làm tăng số trâu bò cầy ruộng.
Các quan cùng nhìn nhau, bàn ra tính vào một lát, vẫn không sao tìm được cách nào giải quyết. Ỷ-Lan cung tay:
– Nếu bệ hạ cho phép, thì thần thiếp xin hiến những phương thức quê mùa.
Nhà vua đưa mắt hỏi Tể tướng:
– Ỷ-Lan không phải là đại thần, không biết thầy có cho phép Ỷ-Lan góp ý không?
– Tâu bệ hạ, phu nhân sống với nông dân, thì ắt phu-nhân hiểu những khó khăn của họ. Xưa, thời nhà Chu, thiên tử sai quan đi thái-phong đem về (1) để căn cứ vào đó mà truất trắc. Nay phu nhân tâu trình bệ hạ, thì cũng giống như sứ giả của bệ hạ sai đi. Vì vậy, theo lễ nghi bản triều, trước khi phu nhân tâu trình, triều đình phải dùng lễ đối với phu nhân như khâm sai.
Ghi chú,
(1) Đời nhà Chu bên Trung-quốc, sau khi phong hơn tám trăm chư hầu rồi, nhà vua đặt ra chức quan Thái-phong (thái là thu lượm, phong là bài hát bình dân) để đi tuần tra các nước. Các quan Thái-phong có nhiệm vụ sưu tầm những bài hát bình dân đem về nghiên cứu, căn cứ vào nội dung bài phong mà biết dân tình tâu lên vua để thưởng phạt chư hầu. Đến đời Khổng-tử, thì còn hơn ba nghìn bài. Khổng-tử san định lại còn 105 bài, chép thành sách, sau gọi là Kinh-thi.
– Được.
Lễ nghi triều Lý định rằng, mỗi khi vua sai một vị quan đi sứ, hoặc ra ngoài làm việc gì, thì vị quan đó được gọi là khâm-sai, được hưởng lễ nghi cực kỳ kính trọng. Khi khâm-sai trở về tâu trình, thì đội nhạc phải tấu khúc Viễn-hành quy triều. Sau đó khâm sai mới tâu.
Lý Đạo-Thành đưa tay vẫy, quan Lễ-bộ thượng thư chạy ra ngoài, lát sau đội nhạc vào điện. Họ đánh nhạc, tấu bài Viễn hành quy triều (đi xa về chầu vua):
Tự thiên tử sở,
Thiên-tử mệnh chi;
Chấp sự hữu khác,
Đức âm mạc vi.
Chưng tai mao sĩ,
Bạc ngôn hữu chi,
Duy kì hữu chi,
Bi nhiên lai ti.
Bảo hữu quyết thổ,
Bang gia chi ki.(2)
(2) Dịch:
Tự nơi đức vua,
Đức vua sai đi,
Nhiệm vụ kính cẩn,
Quyết chẳng sai di.
Tốt thay tuấn sĩ,
Duy có người thôi,
Vui vẻ trở về.
Bảo vệ Xã-tắc,
Gốc của nước nhà.
Nhạc dứt, Ỷ-Lan tâu:
– Các vị đại thần đây đều thuộc loại văn mô vũ lược, nhưng sở dĩ không nghĩ ra biện pháp giải quyết, vì bị ràng buộc bới luật ban hành từ đời đức Thái-tổ. Than ôi! Đời đức Thái-tổ, tiếp ngôi từ Ngoạ-triều, dân chúng đói khổ, nên không một tấc đất để hoang. Vì vậy cái tệ thà để đất hoang, chứ không cho thuê giá thấp không xẩy ra. Lại nữa hồi đó dân nghèo, nên không dám bầy ra ăn uống linh đình phí phạm. Chính vì vậy nhà làm luật không có điều khoản dự trù đối phó với tệ này. Bây giờ là niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh thứ sáu rồi, hoàn cảnh không giống niên hiệu Thuận-thiên thứ ba, thứ tư nữa. Để giải quyết tệ đoan thứ nhất, thiếp cả gan xin bệ hạ ban chỉ cho tu bổ bộ luật về ruộng đất.
Từ hoàng đế cho đến đại thần đều bật lên tiếng hoan hô. Ỷ-Lan tiếp:
– Tu bổ luật có hai phần. Một là ấn định số tô mà tá-điền phải nộp cho chủ-điền. Hai là định rõ vấn đề ruộng để hoang. Bởi từ cổ xưa đến giờ, giữa chủ-điền với tá-điền thường thỏa thuận miệng với nhau, hoặc ký với nhau một điền-ước, chứ quốc luật không định rõ. Vì luật không định rõ, thì xẩy ra tương tranh. Dĩ nhiên trong vấn đề tương tranh kẻ mạnh sẽ thắng, người yếu sẽ thua. Kẻ mạnh luôn luôn là điền-chủ, người yếu luôn luôn là tá điền. Bây giờ tu bổ quốc luật định rõ số tô thì giải quyết được nạn chủ điền rút ruột tá điền. Còn vấn đề ruộng hoang cũng phải quy định.
Nói đến đây, Ỷ-Lan thấy trên mặt các quan hiện rõ ra nét bất mãn. Nàng biết những ông ngồi đây đều có thực ấp, không thì cũng có hàng trăm, hàng nghìn mẫu ruộng. Nếu nay cải cách ruộng đất, tất các ông bị thiệt hại nhiều nhất. Nhưng mờ mờ trước mắt nàng lại hiện lên những tá điền không đủ lúa nộp cho chủ điền, bị chủ điền siết nhà, siết vườn, đôi khi bắt con cái phải bán mình cho họ. Khi không có gì cho họ siết, thì họ kiện lên quan, bị bỏ tù, bị đánh đập tàn nhẫn. Những cảnh chia ly đầy nước mắt xẩy ra hàng ngày ở Thổ-lội, nàng nghĩ thầm:
– Khi xưa, vua Trưng còn dám cầm ba thước gươm đánh đuổi Tô Định, nay ta là con cháu người, mà ta không dám đối diện với các vị đại thần này ư?
Nghĩ vậy nàng tiếp:
– Trước hết phải chia ruộng làm năm loại. Loại tốt nhất gọi là nhất đẳng kim-điền, đất mầu mỡ, ở nơi gió thuận mưa hòa, gần sông, gần nước, mỗi năm trồng được hai mùa. Loại thứ nhì là nhị đẳng ngân-điền, có đủ điều kiện như nhất đẳng kim-điền, nhưng đất tương đối mầu mỡ. Loại thứ ba là tam-đẳng đồng-điền ruộng ở nơi xa nước, hay bị lụt bị bão, mỗi năm trồng được hai mùa. Loại thứ tư là tứ-đẳng thạch-điền, ở nơi gần nước, đất tốt, nhưng chỉ trồng được một mùa. Loại thứ năm là ngũ-đẳng thổ-điền, chỉ trồng được một mùa, lại ở nơi khô cằn. Việc định này sẽ do khâm sai của bộ Hộ, bộ Lại, hợp với quan huyện, lý dịch trong làng để định. Sau khi chia loại ruộng rồi, lập tại mỗi huyện một hội đồng gồm những người làm ruộng. Người làm ruộng có thể là người cầy ruộng của họ, có thể là tá điền. Hội đồng đó sẽ ấn định số hoạch mỗi mẫu của mỗi loại ruộng, gọi là số hoạch-chính. Hiện nay thì chủ lấy tô một nửa số hoạch, mà số hoạch đó do họ định. Họ định quá cao, khiến cho người giầu thì giầu thêm, kẻ khó càng khó thêm, tệ nạn này gây ra không biết bao nhiêu điều khốn khổ cho gia đình tá điền. Vật cùng tất phản, uốn quá hóa cong, chính vì vậy mà có nhiều nơi tá điền nổi lên giết chủ điền cho nư giận. Muốn giải quyết nạn này, triều đình phải định rõ, kể từ nay chủ điền chỉ được thu tô ba phần mười số hoạch-chính thôi.
Các quan đều bật lên tiếng « ồ », tỏ vẻ bất mãn.
Công chúa Thiên-Ninh nghe Ỷ-Lan tâu, mỗi lời đều hợp với ý mình. Nàng thấy cần phải khuyến khích bà ái phi của vua cha, nên tâu:
– Thưa phu nhân, thế nếu như những nông dân cần cù, họ tạo được số hoạch cao hơn số hoạch-chính, thì số sai biệt đó chia như thế nào?
– Thưa công chúa, chúng ta hiện theo pháp trị, nhưng lại lấy giáo huấn làm căn bản. Mục đích của việc định số hoạch-chính là để khuyến khích người cầy tăng số hoạch ln cao. Vậy nếu thửa ruộng nào có số hoạch cao hơn số hoạch-chính thì tá-điền được hưởng số sai biệt ấy. Nếu nông dân cầy chính ruộng của mình, mà tạo được số hoạch cao hơn số hoạch-chính, thì thửa ruộng đó được tha thuế.
Thiên-Ninh biết các quan đều không mấy vui lòng, nàng thêm nước đường cho Ỷ-Lan:
– Thưa phu nhân, ý kiến phu nhân thực siêu việt. Nếu như triều đình thuận theo đề nghị của phu nhân thì từ chủ điền tới tá điền sẽ thi nhau bón phân, tát nước cho ruộng có số hoạch cao để được thu thuế. Chà, quốc sản sẽ dư thừa, dân giầu mau lắm. Hễ dân giầu thì nước mạnh. Còn đối với việc để ruộng hoang?
– Ruộng là của trời ban cho. Ý dân là ý trời. Người nào may mắn được làm chủ ruộng thì có nghĩa là được hưởng của trời, mà họ lại để hoang, tức họ từ chối quyền làm chủ. Khi họ từ chối, thì phải lấy lại. Triều đình ban luật: nếu như chủ điền bỏ ruộng hoang, thì ruộng đó bị xung làm công điền, người tá điền năm trước được quyền cầy, mà tô thì nộp cho triều đình. Triều đình dùng lúa đó nuôi người già không nơi nương tựa, nuôi trẻ mồ côi, cứu trợ thiên tai.
Quan thái-úy Quách Kim-Nhật cung tay:
– Thực là Quốc-tổ linh thiêng đem phu-nhân về triều. Vấn đề thứ nhất là tô ruộng, vấn đề thứ nhì là ngăn ngừa tệ để ruộng hoang đã xong. Bây giờ đến vấn đề sao cho dân chịu khó khai hoang hơn nữa.
Ỷ-Lan biết Quách Kim-Nhật trước đây thuộc phe họ Mai, bị phe họ Dương chèn ép, nay nhờ nàng mà được phục hồi chức vụ, nên ông nói câu đó để coi như tạ ơn nàng. Nàng mỉm cười:
– Vấn đề này thì các quan cũng như trăm họ không ai bị thiệt hại gì cả, chỉ hoàng-thượng là bị thiệt hại nhất mà thôi!
Nhà vua bật cười:
– Thiệt hại gì trẫm cũng vui lòng, miễn sao cho dân sung sướng là được rồi. Thà trẫm mặc quần áo nâu, ăn cơm với muối, mà dân no ấm thì trẫm còn vui sướng hơn ăn cao lương mỹ vị, mặc quần áo gấm nữa. Khanh nói ra cho trẫm nghe đi.
Ỷ-Lan hướng đôi mắt long lanh đầy tình tứ nhìn hà vua:
– Trước đây, vấn đề khẩn hoang đa số là nhà giầu mới có phương tiện làm, vì rất tốn kém. Bây giờ xin bệ hạ ban chỉ: ai khai được ruộng hoang thì thửa ruộng đó năm năm không phải nộp thuế. Những người không có mảnh đất cắm dùi mà khai hoang, thì triều đình trợ cấp tiền bạc để cả nhà họ có ăn mà khai hoang. Tất nhiên công nho sẽ mất đi một khoản tiền lớn. Nhưng quốc sản lại gia tăng rất nhiều.
Hộ-bộ thượng thư Mai Đình cúi đầu:
– Tâu phu-nhân, so với Trung-nguyên, Chiêm-thành thì thuế của Đại-Việt quá thấp, đến độ bằng một nửa Chiêm-thành và bằng một phần ba Tống. Hiện thần đã cho tiết giảm chi tiêu đủ mọi khoản, mà cũng không đủ tiền nuôi quân, trả lương cho các quan, cùng chỉnh đốn thành trì, cung điện, hậu cung. Nếu nay lại trợ cấp khai hoang thì thực... thì thực thần không tìm đâu ra tiền.
Nhà vua khẽ vỗ tay lên án thư:
– Muốn trị quốc bình thiên hạ thì phải tu thân tề gia. Nhà của trẫm là gì? Là hậu cung. Bây giờ trẫm quyết định chi phí về ăn, mặc của trẫm giảm một nửa. Trẫm thấy trong cung dùng quá nhiều thái-giám, cung-nga. Như công chúa, hoàng-tử, các bà phi... mỗi người chỉ cần một cung nữ giặt quần áo, lau chùi; một cung nữ nấu ăn; một thái giám đánh xe ngựa, chăn ngựa; một thái giám để sai. Như vậy là nhiều quá rồi. Hiện nay mỗi người dùng tới mười cung nữ, mười thái giám. Có bà dùng tới năm mươi cung nữ, bẩy mươi thái giám. Mỗi khi đi đâu, là cung-nga, thái-giám xếp một hàng dài theo hầu. Mà nhà nông của ta nói: một người cầy nuôi năm người. Ví như một trăm hai mươi người vừa cung nữ, vừa thái giám đó cho về làm ruộng, thì sẽ giảm đi được hai mươi lăm người phải cầy để nuôi báo cô. Rồi chính những người đó làm ruộng, thế là ta thêm được một trăm bốn mươi lăm người cầy, nuôi thêm được bẩy trăm hai mươi lăm người nữa.
Ngài ban chỉ cho Ỷ-Lan:
– Hiện kể cả Tể-tướng là thầy trẫm trở xuống, không vị đại thần nào dám đụng vào cái tổ ong hậu cung. Đụng vào cái tổ ong đó thì khốn khổ ngay. Vậy thì chính trẫm phải phá cái tổ ong đó. Khanh hãy nghiên cứu thực chi tiết những cung nào, ty nào cần bảo nhiêu cung-nga, bao nhiêu thái giám. Những lễ lộc nào cần giữ, những lễ nào cần bỏ, rồi tâu lên để trẫm đình-nghị.
Ỷ-Lan rút trong bọc ra một quyển sách, nàng dâng cho nhà vua:
– Những điều bệ hạ ban chỉ dụ, thần thiếp đã nghĩ đến từ lâu. Đây là tập ghi danh sách cung-nga, thái giám hiện ở trong các cung các phủ. Phần sau là bản đề nghị tỉnh giảm. Xin bệ hạ ngự lãm.
Nhà vua cầm lên đọc cho quần thần nghe:
– Vừa cung, vừa phủ có tất cả ba mươi sáu. Thứ nhất Thái-hậu, Thái-phi mười lăm bà. Thứ nhì hoàng-hậu, các bà phi tần ba mươi mốt bà. Công-chúa, hoàng tử năm mươi lăm vị. Thân vương, quốc-công, hầu-tước thuộc hoàng thân ba mươi tám vị. Cộng chung dùng tới sáu trăm ba mươi sáu cung-nga, bẩy trăm năm mươi thái giám. Tổng cộng một nghìn ba trăm tám mươi sáu người. Nếu tính mỗi vị dùng hai thái giám, hai cung nữ thì chỉ còn sáu trăm chín mươi lăm người (695). Có thể cho về sáu trăm chín mươi mốt người (691)
Nhà vua gật đầu tỏ vẻ thích thú. Ngài đọc tiếp:
– Đổ đồng; nuôi, trả lương cho một cung nga, một thái giám mỗi tháng ba lượng vàng. Như vậy một năm tiết kiệm hai vạn bốn nghìn, tám trăm, bẩy mươi sáu lượng vàng (24.876). Tính trung bình mượn nhân công phá hoang làm thành ruộng trồng cấy được, mỗi mẫu mất ba lượng vàng, như vậy số vàng tiết kiệm nuôi cung-nga, thái-giám có thể phá được tám nghìn hai trăm chín mươi hai mẫu ruộng (8292) mỗi năm. Nếu trồng cấy, thu hoạch trung bình, mỗi mẫu nuôi được hai mươi người, thì hằng năm số tiết kiệm nuôi thêm mười tám vạn, hai nghìn, bốn trăm hai mươi bốn người ăn no (182.424). Nghĩa là đủ nuôi toàn thể quân sĩ trong nước.
Nhà vua đọc xuống dưới về chỗ tiết giảm xa hoa phung phí ăn tiêu trong cung, mỗi năm giảm ba vạn lượng vàng (30.000), cũng tính như trên, sẽ nuôi được hai mươi vạn miệng ăn (200.000). Long tâm rất đẹp:
– Được! Tỉnh giảm như thế này mới phải đạo lý.
Nhà vua quay lại ban chỉ cho Bùi Hựu:
– Văn-minh điện đại học sĩ. Khanh khẩn soạn chiếu chỉ để trẫm ban hành ngay. Nào, chư khanh bây giờ bàn đến vấn đề thứ tư. Vấn đề gai góc nhất đây, đó là làm sao giải quyết nạn trâu-bò sinh sản nhiều, mà không đủ trâu cầy, đến nỗi ba bốn nhà mới có một trâu.
Các quan ngao ngán nhìn nhau, rồi lắc đầu tỏ vẻ chịu thua. Ỷ-Lan biết các đại thần đều xuất thân là người đọc sách, có bao giờ biết đến ruộng đồng ra sao đâu mà bàn. Nàng tâu:
– Thần thiếp biết rõ trâu bò sinh sản nhiều mà thiếu trâu cầy nguyên do có ba. Một là nạn trộm trâu. Ở nông thôn, người dân nào may mắn lắm mới có con trâu. Thế nhưng tối đi ngủ thì trâu vẫn ở trong chuồng. Sáng dậy, thì trâu biến mất. Họ chỉ biết kêu khóc mà thôi. Trình lý-dịch cũng vô ích.
Lại-bộ thượng thư hỏi:
– Tâu phu nhân, thần thấy mỗi làng đều có lũy tre bao bọc. Cổng làng có hoàng nam gác. Vậy kẻ trộm trâu dắt trâu đi đâu mà làng không tìm ra?
– Thưa thượng-thư, lý thì như vậy. Nhưng thực tế lại không giống như vậy. Trộm ở đâu? Ai là trộm? Trộm chính là bọn cường hào, ác bá, bọn lý dịch chứ ai đâu xa. Bề ngoài chúng là tay chân của triều đình, nhưng bề trong chúng là những tên đầu trộm đuôi cướp, bọn cướp cạn đấy. Đêm chúng sai hoàng nam rình chủ nhà ngủ, bỏ bả cho chó chết, rồi dắt trâu ra khỏi làng, đem sang làng bên cạnh mà bán. Hoặc giữa các lý dịch làng này sai trộm trâu rồi đổi lấy trâu trộm của lý-dịch làng khac. Nghĩa là chúng rộm trâu, để đổi với nhau.
Ỷ-Lan thấy mặt nhà vua cau lại, tỏ vẻ đăm chiêu, xót xa. Nàng tiếp:
– Tệ nạn thứ nhì khiến thiếu trâu bò là việc tiệc tùng, đình đám, hơi một tý là giết trâu, giết bò ăn uống. Việc cúng tế, thuộc loại quốc-tế như giỗ vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng, thì các lộ, các phủ giết trâu bò là đáng. Còn như trong làng, tết Nguyên-đán, tết Hàn-thực, tết Trùng-cửu, giỗ thần thành-hoàng, họ bầy ra ăn uống linh đình đến mấy ngày. Ngày nào cũng giết trâu, hạ bò. Dĩ chí đến sinh nhật các quan về hưu, phú gia, cũng giết trâu! Đến việc nhà có người chết, sinh con cũng giết trâu; đám cưới, đám hỏi, đám giỗ cũng giết trâu. Riết rồi quanh năm đình đám, thử hỏi trâu bò nào sinh sản kịp?
Nàng đưa mắt nhìn các quan, rồi kể lại chuyện Trịnh Quang-Thạch ăn mừng thượng thọ giết trâu, trâu chạy vào chùa Từ-quang như thế nào, nàng mua lại con trâu mộng đó, rồi biếu cho chùa ra sao. Sau khi nàng về Thăng-long, lý-trưởng đem con trâu đó về kinh trả nàng. Hiện chính tay nàng chăm sóc nó hàng ngày và cho những người ở ngoài thành Thăng-long không có trâu cầy thay nhau mượn để chuyên chở, để cầy bừa. Nàng tiếp:
– Tệ nạn thứ ba là các biên thần Tống bỏ tiền ra mua trâu cái với giá thực cao để phá hoại canh nông Đại-Việt. Nông dân tham tiền, đem trâu ra các bạc dịch trường ở biên giới bán cho Tống. Chính vì ba tệ nạn trên, mà trâu bò sinh sản tuy nhiều, nhưng vẫn thiếu trâu cầy.
Nhà vua hỏi Lý Đạo-Thành:
– Xin thầy dạy cho phải làm thế nào?
Ỷ-Lan lắc đầu:
– Thưa thầy, thì từ trước đến theo luật Đại-Việt, vẫn cấm trộm trâu, chứ có bao giờ cho phép trộm trâu đâu? Bộ Hình-thư đã dự trù phạt tội trộm gia súc rất nặng. Nhưng trộm vẫn hoành hành. Nay triều đình có ban chỉ, thì tệ nạn vẫn không đổi. Thế là mèo lại hoàn mèo.
Ỷ-Lan đang nói năng nghiêm trang, bỗng chốc nàng dùng câu tục ngữ dân gian, làm cả triều đình bật cười. Nhà vua hỏi:
– Khanh nói mèo lại hoàn mèo, ý nghĩa câu này ra sao?
– Tâu bệ hạ gốc câu này ở câu chuyện cổ tích.
– Khanh kể cho trẫm nghe câu chuyện này đi.
... Có một ông lý trưởng tên là Miêu, tức con mèo. Ông làm lý-trưởng rồi, mà còn mang tên mèo thì xấu quá. Ông mới làm tiệc rượu mời mấy cụ chức sắc trong làng tới ăn, để xin các cụ đặt cho một tên thực hay. Cụ thứ nhất, sau khi uống hết một chén tống rượu, cụ khà một tiếng, rồi nói:
– Tôi nghĩ ông lý nên đặt tên là Vân cho hay. Vân là mây đẹp lắm chứ?
Thế là các cụ thi nhau đánh chén. Lát sau cụ khác tiếp:
– Cái tên Vân nghe thì hay thực, nhưng sách có câu: Phong bạt vân, nghĩa là gió thổi bay mây đi. Vậy nên đổi tên là phong cho đẹp.
Các cụ đều khen tên phong, rồi đánh chén. Nhưng lát sau, cụ thứ ba chợt lắc đầu:
– Hỏng! Hỏng mất rồi. Sách có câu: Tường trấn phong, nghĩa là tường cản gió. Vậy thì nên đổi tên là tường thì hay hơn. Thôi, đổi tên là lý Tường mới đẹp.
Cả tiệc xúm vào khen cái tên mới. Nhưng tiệc rượu gần tàn, thì cụ thứ tư chợt lắc đầu:
– Tên tường thì hay thực. Nhưng tường bị chuột leo qua hàng ngày. Vậy thì đổi là lý Thử. Thử là chuột. Hay đáo để.
Cụ thứ năm lại bật lên tiếng kêu lớn:
– Không được. Mèo bắt chuột. Vậy thì thà cứ để tên là Miêu hay hơn.
Đến đây tiệc tàn, ông lý tiễn các cụ ra về rồi, thì bị bà vợ mắng:
– Rõ lắm chuyện. Ông muốn đổi tên, mà mất tiền mua rượu, mua thịt làm tiệc đãi khách. Rút cuộc mèo lại hoàn mèo...
Nhà vua cùng đại thần được nghe câu chuyện dí dỏm của dân quê do Ỷ-Lan thuật lại, đều bật cười. Nhưng vẫn đề chính vẫn chưa giải quyết xong. Nhà vua hỏi:
– Thế Ỷ-Lan có cách nào giải quyết không?
– Tâu bệ hạ không khó. Triều đình phải giải quyết vấn đề làm ba bước. Bước thứ nhất, bệ hạ ban chỉ kiểm soát trâu bò, cấm giết trâu-bò. Lỡ trâu-bò bị bệnh chết thì phải chôn. Có như vậy người ta mới không kiếm cớ rằng trâu bò bệnh, rồi đem hạ thịt.
Đến đây, Ỷ-Lan thấy trên mặt các quan có vẻ buồn, dường như họ muốn phản đối, mà không dám. Nàng mỉm cười:
– Không biết chư vị nghĩ sao?
Hình-bộ thượng-thư Nguyễn Quý-Thuyết cung tay:
– Tâu phu-nhân cấm giết trâu-bò như vậy thì hơi ngặt. Không lẽ những trâu-bò già mà không thịt, cứ ngồi chờ chúng chết để chôn hay sao?
– Thượng-thư luận đúng. Nhưng tôi chưa nói hết ý. Bước thứ nhì là kiểm soát trâu bò. Mỗi làng phải làm một bản kê khai có bao nhiêu trâu-bò. Bao nhiêu con đực, bao nhiêu con cái, tuổi của chúng, chủ của chúng là ai. Mỗi làng phải đánh số, dùng chàm xâm lên cổ chúng. Xâm cả tên của chủ lên. Tỷ như con trâu của tôi, nó tuổi Quý-mão, theo số thứ tự trong làng là 320, thì đánh số « Thổ-lội, 320, Đực, Quý-mão, Lê-thị Yến-Loan ». Kể từ nay, trâu bò nào không có số, có tên chủ, thì bắt đánh số, rồi xung công bán. Sau khi đánh số làng phải trình về huyện. Huyện sẽ cấp cho chủ trâu thẻ bài. Huyện phải phúc thẳng về lộ, và về bộ Hộ để hai nơi này theo dõi. Sau khi kiểm kê, mà làng nào có trâu-bò lậu không số, thì tất cả lý dịch đều phải cách hết. Trâu bò lậu không số sẽ xung công. Nếu trâu-bò bị đánh cắp, thì truy số đánh trên lưng, sẽ biết ngay chủ nó là ai. Khi trâu-bò đẻ con, thì cũng phải kê khai, đánh số. Triều đình lại định rõ, trâu-bò đến tuổi nào thì không thể cầy bừa được, có thể hạ thịt.
Nàng ngừng lại, rồi tiếp:
– Đây chỉ là biện pháp khẩn cấp để tăng số trâu bò canh tác lên. Sau bốn, năm năm; khi trâu-bò tăng lên nhiều, triều đình sẽ ban chỉ cho hạ thịt giới hạn vào các dịp lễ lớn.
Nàng nghiêm nét mặt:
– Ban nãy bệ-hạ tự trách mình rằng: làm vua mà để cho dân khổ, thì có tội với trời, với liệt tổ Đại-Việt với tiên hoàng. Vậy bây giờ bệ hạ ban chỉ tăng bổng cho lý dịch. Nhưng cứ cột chết lý-trưởng, phó-lý, trương tuần vào việc trộm trâu. Nếu trong làng bị mất trâu, thì lý dịch bị cách hết. Kẻ trộm trâu bị phạt thực nặng. Ai biết kẻ giết trâu, trộm trâu mà tố cáo sẽ được thưởng. Ai biết mà không tố cáo sẽ bị phạt như kẻ trộm.
Nhà vua đứng lên hướng Ỷ-Lan:
– Khanh thực xứng đáng là con cháu vua Thần-nông. Bây giờ tới vụ gì?
Tể-tướng Lý Đạo-Thành tâu:
– Tâu bệ hạ, còn việc bổ nhiệm ba vị tham-tri bộ Lễ, bộ Lại, bộ Hình nữa.
– Các khanh đã tiến cử nhiều người. Những người được tiến cử, đa số đều có tài, có đức. Nhưng rút kinh nghiệm từ Ỷ-Lan, trẫm quyết định phong hai người chưa từng làm quan, đã sống với hương đảng, như vậy hai vị đó mới giúp trẫm đi sát với dân tình. Sau nữa trẫm thăng một người từ chức Đề điểm hình ngục lên làm tham-tri bộ Hình.
Nhà vua đưa mắt nhìn các quan, rối tiếp:
– Người thứ nhất là Trần Trọng-San, phong làm tham-tri bộ Lễ. Người thứ nhì là Quách Sĩ-An phong làm tham-tri bộ Lại. Người thứ ba là Hoàng Khắc-Dụng đang làm đề điểm hình ngục lộ Kinh-Bắc làm tham-tri bộ Hình. Để trẫm gọi ba người vào ra mắt các khanh.
Lễ quan bước ra ngoài hô:
– Hoàng-thượng truyền tham-tri bộ Lại là Quách Sĩ-An, tham-tri bộ Lễ là Trần Trọng-San và tham-tri bộ Hình là Hòang-khắc-Dụng vào yết kiến.
Viên đề điểm hình ngục Dụng, hai thầy đồ San và Thái vào điện phủ phục tung hô vạn tuế. Trong khi Ỷ-Lan đứng dậy cung tay vái hai ông:
– Đứa học trò quê mùa Lê Thị Yến-Loan kính chào hai thấy. Chúc hai thầy được tâm an, thần tĩnh, thanh-vân đắc lộ.
Nàng lại hướng Hoàng Khắc-Dụng:
– Hoàng tiên sinh! Khổng-tử nói:
« Xử kiện ta cũng xử được như ai! Nhưng phải sao cho dân không kiện nhau mới là người cai trị giỏi ».
Tiên sinh thực là người mà Khổng-tử ước vọng vậy.
Nhà vua truyền cho ba vị bình thân, rồi ngồi vào ghế cạnh ba thượng thư bộ Lại, bộ Lễ, bộ Hình. Thái-giám rót nước, đem hoa quả định bưng đến cho ba tân quan, thì Ỷ-Lan đã đỡ lấy, bưng lại để trước mặt ba ông:
– Kính mời hai thầy, với Hoàng tiên sinh xơi nước, dùng hoa quả ạ.
Ba tân quan cùng nói:
– Đa tạ phu nhân ban thưởng.
Ỷ-Lan hành lễ đúng với Nho-gia, khiến các đại thần hiện diện đều kính phục cung cách của nàng. Ỷ-Lan nhìn thấy gương mặt nhà vua dường như còn chứa đựng điều gì chưa thỏa ý. Nàng hỏi:
– Không biết bệ-hạ có điều chi mà long nhan kém tươi?
Nhà vua thở dài:
– Hôm nay trẫm với chư khanh bàn phương cách làm cho dân giầu nước mạnh. Dĩ nhiên những gì ta sắp làm, dân sẽ giầu, nước sẽ mạnh. Nhưng trong lòng trẫm xót xa vô cùng khi Thiên-tử binh vẫn chỉ có số lương bổng khiêm tốn suốt năm năm qua không hơn. Bây giờ trăm họ sắp hưởng những cải cách mới, nhưng...
Nhà vua rơm rớm nước mắt:
– Chư quân ăn bờ ngủ bụi, có những người phải xa cha-mẹ, vợ-con, quê hương, nay sống mai chết, mà không được hưởng sung sướng hơn người thường.
Lý Đạo-Thành tâu:
– Đó chẳng qua Bệ-hạ quá thương yêu binh sĩ mà tuyên dụ như thế, chứ lương bổng chư quân bên Đại-Việt ta cao gấp đôi quân Chiêm, gấp ba quân Tống. Lỡ ra tử trận, tiền phủ tuất cho cha mẹ, vợ con còn gấp năm lần quân Tống.
Nhà vua lắc đầu:
– Thầy chẳng nên so sánh ta với Chiêm với Tống. Mà hãy so sánh ta với ta. Này nhé, một công của người thợ gặt bên ta là năm đấu gạo, tính chung một tháng là 150 đấu gạo. Trong khi lương bổng của một Thiên-tử-binh chỉ được có 100 đấu gạo một tháng, với ít mắm cá, tôm khô, cá khô. Nay ta cải cách, thì chỉ vài ba năm, công một ngày gặt có thể lên 10 đấu, trong khi chư quân vẫn thế. Trẫm muốn cải tổ sao cho lương bổng chư quân phải thực cao, để tỏ lòng ưu ái. Có như vậy khi họ phải lăn mình vào chỗ chết, họ mới yên tâm rằng vợ con, cha mẹ họ sung sướng hơn dân thường.
Tể-tướng đưa mắt nhìn Hộ-bộ thượng-thư Mai Thứ. Mai Thứ lắc đầu:
– Tâu bệ hạ. Từ khi lên ngôi, Bệ-hạ cương quyết không chịu tăng thuế, cho nên mọi chi phí phải tiết giảm. Chính Bệ-hạ tiết giảm chi tiêu của nội cung, tỉnh giảm thái-giám, cung-nga để có tiền giúp dân khai hoang. Bây giờ không còn chỗ nào để kiếm ra tiền nữa. Nếu như nay tăng lương bổng chư quân lên 150 đấu gạo một tháng cho bằng thợ cầy, thợ gặt thì thực quốc-sản không thể nào cung ứng nổi. Hiện Thiên-tử-binh là mười vạn, binh các trấn là mười vạn. Cộng chung hai mươi vạn. Muốn tăng mỗi tháng một đầu người 50 đấu gạo, thì cần mười triệu đấu một tháng (10.000.000), một năm cần tới một trăm hai mươi triệu đấu (120.000.000).
Từ vua, tới quan đều nhìn nhau, rồi lắc đầu. Công chúa Thiên-Ninh tâu:
– Thần nhi xin góp chút ít ý kiến quê mùa, rất mong phụ hoàng và chư đại thần cho trình bầy.
– Ninh nhi hãy ngồi xuống, khoan thai trình bầy.
– Tâu phụ hoàng, thần nhi xin tâu trình Ngũ-pháp để tăng lương bổng cho chư quân. Pháp thứ nhất gọi là Hương-bổng. Hiện nay, tất cả hoàng-nam đều được cấp một mẫu công điền. Cứ năm hoàng nam hợp thành một ngũ, luyện tập có nhau, cùng làm ruộng, tát nước, trải phân, đánh kỳ, làm cỏ, gặt hái có nhau, rồi chia hoa lợi đồng đều. Khi họ bị gọi xung vào binh-trấn hay Thiên-tử-binh, thì ruộng đó trao cho tá điền làm. Nay triều đình cải đi, cứ năm hoàng-nam thì một người phải xung quân. Bốn người kia vẫn tiếp tục làm cả năm mẫu ruộng. Đến mùa gặt cũng vẫn chia đều hoa lợi. Hoa lợi đó trao cho vợ con, cha mẹ, anh em của người xung quân ở quê. Tính đổ đồng ruộng tốt, ruộng xấu, mỗi mẫu ruộng một năm thu hoạch một vạn hai nghìn đấu gạo, như vậy cao gấp mười lần lương bổng hiện tại. Pháp này chỉ khiến các hoàng nam phải tăng gia sức lực mà thôi. Như thay vì tát nước bốn ngày, họ phải tát nước năm ngày. Vì đã có Hương-bổng ở quê nhà dành cho cha mẹ, vợ con rồi, thì có thể giảm bớt số lương phát hàng tháng xuống ba mươi đấu thôi, còn lại thì phát tiền. Nghiã là chỉ phát tiền, gạo đủ ăn, đủ tiêu vặt thôi.
Quan Thái-úy Quách Kim-Nhật tâu:
– Xin Bệ-hạ chuẩn pháp này của công chúa. Pháp này do Đại-tư-mã thời Lĩnh-Nam là Bắc-bình vương Đào Kỳ định ra. Hiện nay, lương bổng phát cho chư quân hàng tháng gồm một nửa là gạo, cá khô, mắm, một nửa là tiền. Những người nào đóng quân gần gia đình, thì có thể chuyển cho gia đình dễ dàng. Còn những người đóng quân ở xa nhà, thì đi đâu họ cứ phải mang tiền bạc theo, chờ dịp gửi về, thực phiền phức. Pháp này có ba cái lợi: một là lương bổng trực tiếp phát cho gia đình. Hai là chư quân khỏi lo mang tiền, gạo theo, khi di chuyển sẽ mau chóng, nhẹ nhàng. Ba là nhờ có Hương-bổng rồi, thì số lương bổng phát cho họ sẽ giảm, công nho tiết kiệm được rất nhiều.
Nhà vua gật đầu vẻ hài lòng:
– Còn pháp thứ nhì?
– Pháp-này gọi là Thiên-hoạch, nghĩa là thay trời thu hoa lợi. Hiện nay, cứ năm mẫu ruộng, thì có một mẫu hoang. Trong khi triều đình chỉ thu thuế trên số thóc thu hoạch. Thành ra ruộng hoang không phải đóng thuế. Nay biện pháp của Ỷ-Lan phu nhân đình nghị ban nãy, khiến ruộng hoang không còn nữa, thì quốc-sản thuế ruộng tăng lên một phần năm. Tiền đó, dùng để tăng phủ-tuất cho gia đình tử-sĩ.
Từ nhà vua, cho tới các quan đều gật đầu tán thành.
– Pháp thứ ba gọi là Phú-lãn. Phú đánh thuế, lãn là lười biếng. Pháp này lấy tiền của những kẻ giầu có, mà trăm họ đều hân hoan đã đành, mà chính những người giầu cũng hân hoan. Trong khi công nho có nhiều tiền. Hiện nay những nhà giầu thường bỏ tiền ra mượn người thay thế cho mình trong những công việc công-dịch như làm dường, vét sông, khơi ngòi. Thường họ mượn với giá quá rẻ. Bây giờ triều đình ban luật tuyệt đối không cho mượn người như vậy nữa. Ai muốn nhàn, không muốn vất vả thì có quyền đóng tiền cho công nho với giá thực cao. Quan sở tại sẽ mượn người với giá cao để thay thế. Số sai biệt giữa giá thực cao với giá cao đó gấp mười lần mượn một công cầy, hay gặt. Như thế công nho sẽ thu được nhiều tiền. Ngay việc xung quân cũng vậy, ai không muốn xung quân thì phải đóng một số tiền hàng tháng cao gấp một trăm lần lương bổng một Thiên-tử-binh.
Nhà vua buột miệng khen:
– Đại trí! Đại trí. Ninh nhi quả là người hiểu rõ dân tình. Trẫm thuận đệ tam pháp. Vậy đệ tứ pháp là gì?
– Tâu phụ hoàng, đệ tứ pháp gọi là Phú-phú, tức đánh thuế người giầu. Kể từ đời đức Thái-tổ, lối đánh thuế cứ mỗi mẫu tùy loại như ao, đầm, ruộng, đất mà định. Đánh như vậy thì người nghèo, người giầu phải nộp thuế như nhau, khiến cho người giầu thì ăn tiêu phung phí cũng không hết, mà kẻ nghèo thì vẫn cứ đói rách hoài. Bây giờ xin phụ hoàng chỉ đổi lại. Cứ mỗi đầu người một mẫu ruộng, thì chỉ phải nộp thuế bách phân theo số thu mà thôi. Còn cứ một đầu người hai mẫu, thì mẫu thứ hai nộp nhiều hơn. Mẫu thứ ba nộp nhiều hơn nữa. Như vậy thì quốc-sản gia tăng, mà không ai oán hận được cả.
Nhà vua đưa mắt nhìn các quan. Ngài thấy dường như trên mặt người nào cũng hiện ra nét bất mãn. Ngài phán:
– Pháp này hơi khó đấy. Được rồi, để lao tưởng những bầy tôi có huân công, trẫm đặc ân miễn thuế cho những người được triều đình ban ruộng đất. Bây giờ là pháp thứ năm, Ninh nhi tâu cho trẫm nghe nào.
– Ngũ-pháp đã được định trong bộ Hình-thư rồi, nay chỉ việc đổi đi chút ít thôi, đó là ấn định cho người có tội được dùng tiền chuộc. Còn những người nghèo, thì được cầy ruộng công điền để thế tội. Tỷ như tên Mỗ, can tội trộm, phải đánh hai mươi bổng, tù sáu tháng. Nay đổi lại: mỗi bổng là ba công, mỗi ngày tù là một công. Tính giá một công là 10 đấu gạo. Vậy nếu y có tiền chuộc thì thôi. Còn như y không có tiền chuộc, thì bản thân y, vợ con y có thể làm công điền để chuộc tội.
Nhà vua mừng vô kể:
– Văn-minh điện đại học sĩ hãy soạn chiếu chỉ, nội trong ba ngày phải tấu cho trẫm thự. Tất cả những luật, lệ, lệnh bàn từ sáng đến giờ, Tể-tướng hãy cứu xét xem phần nào cần ban trước, phần nào cần ban sau, chứ đừng ban một lúc, e hương đảng không kịp dạy dân. Trẫm muốn cử một đại thần đứng ra theo dõi, kiểm soát việc tuân hành những cải cách này. Vậy chư khanh nghị xem ai có thể đương nổi?
Nhà vua nhìn các đại thần, người nào cũng cúi đầu tỏ vẻ ngại ngùng. Ngài phán:
– Tại sao chư khanh lại sợ cái công việc này?
Tể-tướng Lý Đạo Thành tâu:
– Trong các đại thần đây, thì văn mô vũ lược thực không thiếu. Nếu bệ hạ tuyên chỉ cho họ nhảy vào nước, vào lửa họ cũng dám. Còn những cải cách này bao gồm nhiều lãnh vực quá, nào phải đi kinh lý khắp nơi, nào phải có uy quyền trên các tuyên-vũ, an-vũ, nào phải có uy là bao trùm các biên cương trọng thần. Mà biên cương trọng thần hiện có tới Ngũ-long công chúa, năm phò mã; vua bà Bình-Dương, phò mã Thân Thiệu-Thái. Nào phải động chạm đến các phú gia địa chủ trong đó hầu hết là các quan, các võ phái. Đã hết đâu, còn bao gồm việc trong nội cung nữa. Người phụ trách sẽ bị một trong hai điều bất hạnh.
Nhà vua tỏ vẻ cương quyết:
– Thầy nói bất hạnh gì?
– Một là khi làm hết phận sự quân phụ trao cho, nếu không bị miệng thế dèm pha rồi bị giáng chức thì cũng bị cường hào trong võ lâm giết chết. Hai là sợ đụng chạm, nhắm mắt cho qua, thì nói như Ỷ-Lan phu nhân « mèo vẫn hoàn mèo » thực có tội với xã tắc, với bệ hạ, rồi cũng bị cách. Nên không ai dám nhận. Người mà bệ hạ muốn cử vào việc này phải có quyền với nội cung, có võ công cao để tự vệ, không thể bị dèm pha. Nói cho đúng, người đó phải là thái-tử thì mới đương nổi.
Ỷ-Lan tâu:
– Hoàng-thượng chưa có thái tử, thì dùng công chúa. Kể từ khi đức Thái-tổ lập chính thống, thời Thuận-thiên có tổ-cô-mẫu Hồng-Châu, cô mẫu An-Quốc, Lĩnh-Nam Bảo-quốc Hòa-dân. Đời đức Thái-tông có vua bà Bình-Dương, công-chúa Kim-Thành, Trường-Ninh. Hoàng-thượng có công chúa Thiên-Thành, Động-Thiên, Thiên-Ninh, cả ba đều văn võ kiêm toàn, đủ sức lĩnh việc đó.
Nhà vua suy nghĩ một lúc rồi nói:
– Thiên-Thành võ công cực cao, thao lược gồm tài, trẫm đã cho hạ giá, tương lai trấn Bắc-biên. Động-Thiên giỏi thủy-chiến, tính khí cương quyết quá, e phụ trách việc này không nổi. Chỉ duy có Thiên-Ninh là người biết uyển chuyển, giỏi cai trị, hòa giải, vỗ an. Vậy trẫm trao cho Thiên-Ninh.
Công chúa Thiên-Ninh bước ra quỳ gối. Nhà vua trao thanh Thượng-phương bảo kiếm cho công chúa:
– Đại-Việt giầu mạnh là nhờ cuộc cải cách này. Cuộc cải cách này thành công hay không là do Ninh nhi. Trẫm trao thanh Thượng-phương bảo kiếm cho Ninh nhi. Khi Ninh nhi đeo bảo kiếm này, thì Ninh nhi là trẫm. Ai không tuân, Ninh nhi có quyền tiền trảm hậu tấu. Tương lai dân giầu nước mạnh là do Ninh nhi. Vậy Ninh nhi ước tính xem bao nhiêu lâu thì những cải cách này hoàn thành?
Công chúa Thiên-Ninh đỡ thanh kiếm rồi tâu:
– Tâu phụ hoàng, trong ba năm mà những cải cách này không hoàn thành, thì thần nhi không đem đầu cường hào ác bá về nộp, mà tự nộp đầu để tạ tội với Tiên-vương.
Vừa lúc đó, có viên Lễ-bộ thị-lang bước vào dâng lên hoàng đế một tấu văn của Khu-mật-viện Bắc-biên. Nhà vua trao cho Ỷ-Lan đọc. Ỷ-Lan xé bao thư ra đọc lớn:
«... Đại-tư-mã Bắc-biên, hữu kim-ngô thượng tướng quân, Lạng-châu quốc-công, quản Khu-mật-viện Bắc-biên Thân Thiệu-Cực xin khẩn tấu: Gia-hựu hoàng đế nhà Đại-tống lâm bệnh. Các quan đồng cử thái-tử Triệu Thự tạm nhiếp chính. Hoàng-hậu muốn truất phế Triệu Thự, đặt em y lên thay, vì em y lấy cháu gọi bà bằng cô. Nhưng Thự được một số võ-lâm cao thủ phò tá, lại rất được lòng đám Nho-gia, nên tể-tướng Hàn Kỳ đồng tâu nhà vua cho y nhiếp chính ».
Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế hỏi các quan:
– Chư khanh có ý kiến gì không?
Lý Thường-Kiệt tâu:
– Kể từ khi phò-mã Thân Thiệu-Thái cùng vua bà Bắc-biên tiến quân đánh sang Tống để thị uy đến giờ, bọn hủ nho hiếu chiến chủ trương mở rộng Nam-thùy Tống đã kinh sợ. Tuy nhiên chúng vẫn chưa chịu thôi hẳn. Lợi dụng Tống đế cao niên, sức khỏe suy kiệt, chúng thuyết phục thái-tử kinh lý Nam-thùy. Quốc-phụ biết rất rõ. Người thiết kế cho vua bà Bắc-biên, phò-mã Thân Thiệu-Thái, U-bon vương Lê Văn, rồi võ-lâm Đại-Việt làm cho thái-tử kinh hồn táng đởm trốn về nước. Một mặt Quốc-phụ báo cho Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai biết. Vương sai thủ hạ đón đường, gây cho y thân bại danh liệt. Cho nên nay Thái-tử mất hết ý chí. Tuy vậy bọn chủ Nam xâm gồm: Dư Tĩnh, Tiêu Cố, Tiêu Chú, Lý Hiến, Quách Qùy, Triệu Tiết đã mật hội với nhau, tìm dịp gây hấn ở Nam-phương, tạo ra một vài biến cố để triều đình phải dốc quân nghiêng nước chiếm Đại-Việt. Chúng soạn kế hoạch Ngũ-lôi, để đánh chiếm Nam phương. Nay giữa Hoàng-hậu với tể-tướng Hàn Kỳ có sự tương tranh về việc lập tân quân. Mà phe Hàn Kỳ thắng thế. Như vậy Đại-Việt ta có lợi lớn.
Nhà vua hỏi:
– Khanh hãy kiến giải cái lợi đó như thế nào?
Tâu, nếu như Tống đế băng-hà, thì thái-tử Triệu Thự sẽ lên ngôi vua. Dĩ nhiên trong trường hợp này Hoàng-hậu được phong làm Thái-hậu. Các đại thần theo phe bà ắt đòi cho bà thính chính. Bấy giờ trong triều có hai phe. Hai phe mải tương tranh với nhau, thì không còn nghĩ đến Nam xâm nữa. Cái kế hoạch Ngũ-lôi không người chủ trương trở thành năm cái pháo tịt ngòi.
Lần đầu tiên Ỷ-Lan được nghe đến đại sự. Nàng hỏi:
– Xin sư huynh cho muội biết Hoàng-hậu của Gia-hựu hoàng đế (Nhân-tông) là người như thế nào? Bà có bản lĩnh bằng Lưu hậu của vua Chân-tông trước đây không?
Điều Ỷ-Lan hỏi là điều cả triều đình đều muốn biết. Thường-Kiệt lấy ra một tập giấy, rồi đọc:
– Tâu phu nhân, Tống triều tuy là triều đình trọng Nho học, nhưng hậu cung lại thường xen vào việc triều chính hơi nhiều. Một là khởi đầu khi khi lập lên triều Tống, sinh mẫu của Thái-tổ là Chiêu-huệ Đỗ thái hậu khuyên nhà vua nên nhường ngôi cho em, mà không nhường ngôi cho con. Kết quả đưa đến vua Thái-tông được lên làm vua. Vụ này tạo ra một tiền lệ cho các bà thái-hậu xen vào việc triều chính. Hai là Tống triều phát triển học phong cho nữ giới, nên các bà hoàng, bà phi được tuyển đều có thêm điều kiện phải có học. Thời vua Chân-tông về sau, hầu hết các bà phi đều có cái học uyên thâm về Nho. Bà nào càng có học, càng được triều thần xưng tụng, nể vì, dễ leo lên bậc phi, bậc hoàng hậu. Cho nên khi một bà được tuyển cung, dù đã có học, nhưng vẫn cố gắng dùi mài kinh sử. Vốn có học, thì các bà luôn luôn là thầy dạy khai tâm cho con cái. Cho nên con các bà dù thành thân vương, dù thành Thái tử; sau này lên làm đại thần, làm vua đều ảnh hưởng của mẹ hơn là ảnh hưởng của sư-phó. Đó là đều các bà luôn luôn nắm quyền khi con mới lên ngôi vua.
Văn-minh điện đại học sĩ Bùi Hựu phụ họa:
– Vì vậy, khi một bà hoàng hậu không có con trai, mới bắt con người khác trong hoàng tộc về nuôi. Như Lưu hoàng-hậu của vua Chân-tông, bắt con của Lý thần phi đem về nuôi, dối rằng con mình (3). Nên khi vua Chân-tông băng hà, người con đó lên ngôi vua, tức Gia-hựu hoàng đế hiện thời. Bà được phong làm Chương-hiến minh-túc hoàng thái hậu. Bà nắm quyền trong mười mấy năm trời, đến nỗi Yên-vương Triệu-nguyên-Nghiễm là chú vua, nắm quyền nghiêng nước, mà phải chờ đến khi Quốc-phụ sang sứ trợ giúp mới loại được bà (4). Về Gia-hựu hoàng đế, dường như trước đây có một hoàng hậu bị giết, đến nỗi Ưng-sơn song hiệp nổi giận tru diệt đến mấy trăm người giữa Biện-kinh thì phải?
Ghi chú,
(3) Tất cả đoạn trên đây nói về hậu cung nhà Tống, tôi thuật đúng nguyên văn Tống-sử, quyển 242, Hậu-phi truyện thượng, trang 8605 đến 8628.
(4) Xin xem Anh-linh thần võ tộc Việt của Yên-tử cư-sĩ.
Thường-Kiệt gật đầu:
– Vâng quả thế. Về các bà phi, bà hậu của Gia-hựu hoàng đế thì đầu tiên là Quách hoàng-hậu. Hậu là người châu Ứng, đất Kim-thành, cháu của đại thần Bình-lỗ quân Tiết-độ sứ. Niên hiệu Thiên-thánh thứ nhì (Giáp-tý, 1024) được phong hoàng-hậu. Lúc đầu, nhà vua sủng ái Trương mỹ-nhân, muốn lập làm hoàng-hậu. Nhưng Chương-hiến minh túc hoàng thái hậu (Lưu hậu) bác bỏ. Sau Thượng mỹ nhân, Dương mỹ nhân lại được nhà vua sủng ái. Hai bà này ỷ được sủng ái, lại cậy biết võ, thường bất tuân chỉ của hậu. Một hôm, Thượng mỹ nhân hỗn láo dám đánh hậu. Vốn là sư tỷ của công chúa Huệ-Nhu tức vương phi Kinh-Nam vương Trần-tự-Mai, võ công hậu rất cao. Hậu nổi giận phóng chưởng đánh Thượng mỹ nhân. Hai người diễn ra cuộc chiến. Qua vài chục chiêu, Thượng mỹ nhân lạc bại bị đánh ngã. Hậu dáng xuống một chưởng trầm trọng, nhà vua thấy vậy nhảy lên đỡ chưởng của hậu. Nhưng công lực nhà vua thấp quá, hậu lại không thu được chưởng về, thành ra nhà vua trúng chưởng bị bay tung đi đến hơn trượng. Sau đó hậu cực lực tạ tội. Nhưng nhà vua vẫn nổi giận, mưu với viên thái giám Văn-Ứng, lĩnh chức Nhập-nội đô-tri để phế hậu. Văn-Ứng khuyên nhà vua để thương tích tím bầm trên mặt ra thiết triều, rồi cáo với đình thần biết. Tể tướng Lã Di-Giản trước đây theo phe Lưu hậu, dối vua; bị hậu tâu vua cách chức. Nay Giản được dịp trả thù, khuyên vua phế hậu. Nhà vua nghe theo, phế hậu, giáng làm Tịnh-phi, Ngọc-kinh sung diệu tiên sư, cải tên là Thanh-ngộ, đầy vào cung Trường-lạc. Các đại thần như Khổng Đạo-Phụ, Phạm Trọng-Yêm, Đoàn Thiếu-Vận đều dâng biểu nói hậu vô tội. Nhà vua nổi giận, cách chức cả ba người. Niên hiệu Cảnh-hựu nguyên niên (Giáp-tuất, 1034), Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai và công chúa Huệ-Nhu thắng Tây-hạ, hồi triều. Vương hỏi thăm hậu tại sao mà bị đầy? Nhà vua sợ rằng nếu không xử vụ án đúng luật, thì vương sẽ giết Thượng, Dương mỹ nhân ngay. Vì vậy hậu được tha khỏi cung Trường-lạc, cho về ở cung Dao-hoa, phong làm Kim-đình giáo chủ, Sung-tĩnh nguyên sư. Nhà vua rất hối hận việc này, nhân đó làm bài nhạc-phủ, tặng hậu. Hậu hòa lại, lời lẽ cực kỳ thống thiết bi ai. Thượng mỹ nhân bị giáng xuống làm Động-chân cung nhân, Dương mỹ nhân bị giam ở một khu vườn trong cung. Một hôm nhà vua nhớ lại tình ái nồng nàn với hậu, mật sai sứ mời hậu. Hậu tâu: « Nếu bệ hạ muốn vời một hoàng hậu, thì phải họp trăm quan, ban sách phong, phục hồi ngôi vị hoàng hậu đã ». Giữa lúc đó Kinh-Nam vương phải trấn nhậm ở phương Bắc. Bọn Nho thần Lã Di-Giản lại dèm pha, nên sách phục hồi hoàng hậu bị bỏ. Nhân một lần hậu bệnh, Văn Ứng dâng thuốc, hai ngày sau hậu băng. Sau Kinh-Nam vương hồi triều điều tra ra vụ Văn Ứng thuốc hậu chết. Ưng-sơn song hiệp giết cả nhà Văn Ứng hơn trăm người, kể cả trâu bò, lừa ngựa, chó mèo, gà vịt.
Tể-tướng Lý Đạo-Thành hỏi:
– Còn đương kim Tào hoàng hậu. Bà xuất thân ra sao?
– Trình Tể-tướng đương kim Hoàng-hậu của Gia-hựu hoàng đế, bà là người có học, võ công cao, lại can đảm, đạo đức, nên rất nhiều uy tín. Tuy bà không có con trai, nhưng bà nuôi dạy thái-tử Triệu Thự từ hồi thơ ấu. Sau này lớn lên, Triệu Thự uất ức vì cái chết của cha đẻ mình do Kinh-Nam vương giết, nên không theo chủ trương hoà hoãn Nam-phương của bà, mà chủ trương Nam xâm. Bà họ Tào, gốc người Chân-định, cháu của Khu-mật viện sứ Chu-vũ Huệ-vương Tào Lâm, khai quốc công thần thời Tống Thái-tổ. Hồi còn là khuê nữ, bà có học võ, học văn với Phiêu-kị đại tướng quân, lĩnh Tư-mã Kinh-châu Trần Trung-Đạo. Vì vậy võ công của bà rất cao thâm, lại đàn ngọt, hát hay, có tài hội họa. Bà chế ra loại sơn vẽ trên lụa, trên gấm để may quần áo.
Triều đình cùng bật lên tiếng «Ồ».
Thường-Kiệt đưa mắt nhìn Ỷ-Lan rồi nói tiếp:
– Niên hiệu Minh-Đạo thứ nhì (Quý-Hợi, 1023) Quách hậu bị phế, bà được chiếu vời nhập cung. Tháng chín, niên hiệu Cảnh-hựu nguyên-niên (Giáp-Tuất, 1034) sách phong làm hoàng hậu. Tuy làm Hoàng-hậu, là chị dâu của Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai với công chúa Huệ-Nhu, nhưng khi gặp hai vị này, bà vẫn gọi vương là sư thúc, xưng là đệ tử.
Tham-tri Quách Sĩ-An mới về triều làm quan, ông không biết nhiều về chuyện võ lâm, nên hỏi:
– Xin Thiếu-bảo cho biết rõ hơn, tại sao bà lại gọi Kinh-Nam vương là sư thúc?
– Nguyên Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai, xuất thân từ phái Đông-a, là em kết nghĩa của Tống đế. Nhưng vương là sư đệ của Tư-mã Kinh-châu Trần Trung-Đạo. Nếu xét về phía nhà vua, thì hậu là chị dâu của vương. Còn xét về võ học, thì vương là sư thúc của hậu.
Nhà vua gật đầu tỏ ý hài lòng, ngài phán với Lý Thường-Kiệt:
– Cũng như Ỷ-Lan, tuy làm phu nhân của trẫm, ở ngôi nghĩa mẫu của khanh, nhưng vẫn trọng vai sư huynh của khanh vậy.
– Tính hậu ôn nhu văn nhã, từ ái, kiệm ước. Tất cả hoa cảnh trong Thượng-uyển đều chính tay hậu với cung nga trồng. Gấm vóc, lụa là trong cung cũng chính hậu dạy cung nữ dệt. Niên hiệu Khánh-lịch thứ tám, tháng giêng (Mậu-Tý, 1048), nhân hội hoa đăng, nhà vua muốn dạo chơi kinh thành. Hậu cực lực can gián vì cảm thấy như sắp có biến cố gì. Quả nhiên sau đó ba ngày, một số thị-vệ gác Hoàng-thành, đang đêm làm loạn. Chúng tìm nhà vua ở tẩm điện. Bấy giờ hậu đang hầu nhà vua, thấy nhà vua định chạy trốn. Hậu sai đóng cửa cung, truyền cho Nhập-nội đô-tri Vương Thủ-Trung đem thị-vệ tới cứu giá. Cuộc chiến đang diễn ra, nhiều cung nga, thái giám bị giết. Một số các bà phi ngồi run sợ khóc lóc. Hậu rút kiếm ra quát lớn: hãy đứng lên chống giặc, còn hơn ngồi khóc chờ giặc giết. Hậu đoán giặc tấn công không xong, tất phóng hỏa, nên truyền cung nga, thái giám múc nước dội lên cửa cung. Quả nhiên giặc phóng hỏa, cung không cháy. Sau cùng hậu rút kiếm xung ra phá vòng vậy. Thủ lĩnh giặc đấu với hậu hơn hai trăm chiêu, bị hậu giết. Giữa lúc đó cứu binh tới, giặc tan. Hậu gọi tất cả cung nga, thái giám, thị-vệ chiến đấu tại tẩm cung đến trước mặt, vung kiếm cắt hết búi tóc. Người người tái mặt, không ai hiểu tại sao cả.
Ỷ-Lan than:
– Bà thông minh thực.
Nhà vua hỏi:
– Khanh khen bà là ý gì vậy?
– Tâu, trong khi giặc nổi lên, có người theo giặc, có người chiến đấu chống giặc. Như vậy sau khi giặc tan, thiếu gì kẻ theo giặc vỗ ngực tự xưng là chiến đấu chống giặc cứu giá? Này Thái-bảo sư huynh. Muội nghĩ, sau khi dẹp giặc, Hoàng-hậu sẽ cho tập trung cung nga, thái giám, thị vệ lại, chia làm hai loại. Loại y phục sạch là loại hèn nhát trốn tránh. Còn loại y phục dơ bẩn, tro bụi đầy người, sẽ chia làm hai. Ai còn nguyên tóc là theo giặc. Ai bị cắt tóc là có công cứu giá.
– Tâu phu nhân đúng thế. Sau khi dẹp xong giặc, ai cũng vỗ ngực xưng là đã liều chết cứu giá. Nhà vua định phong thưởng cho tất cả. Hậu đã phân loại như trên. Những ai hèn nhát thì tha tội. Kẻ theo phản loạn thì đem xử tử hết. Còn những người có công thì được phong thưởng. Từ ngày ấy đến giờ uy tín của hậu rất cao.
Đến đó thì lễ quan vào tâu:
– Quốc-công Thân Thiệu-Cực vừa về triều, xin yết kiến khẩn cấp.
Nhà vua thân đứng dậy ra đón Thiệu-Cực. Ngài nắm tay ông:
– Biểu huynh thực vì xã tắc mà lao khổ quá độ.
Ngài dẫn ông vào, kéo ghế để ngồi cạnh, lại thân rót chén sâm thang ban cho ông. Thiệu-Cực tâu:
– Sau khi gửi tấu chương cho chim ưng mang đi, thần vẫn không yên tâm, phải trở về để diện tấu.
Tể-tướng Lý Đạo-Thành tóm lược những điều đã nghị sự cho Thiệu-Cực nghe.
Tuy được nhà vua sủng-ái, tuy tài ba, tuy phụ tá nhà vua, nhưng Ỷ-Lan nghĩ rằng: lấy chồng vua hay lấy chồng dân, hạnh phúc hay không thì do mình tạo ra. Điều đó không khó. Nhưng đối với nàng, mình lấy chồng vua thì sao phải được lòng chồng, được lòng người xung quanh, rồi có thể nhân địa vị mình, mà mưu hạnh phúc cho dân. Cho nên nàng hết sức nhũn nhặn, yêu thương mọi người, luôn nhắc nhở nhà vua lấy lòng từ-bi của nhà Phật mà xử sự với cung nga, thái giám.
Hơn năm trước, trên đường từ Thổ-lội về Thăng-long, Ỷ-Lan nhớ đến năm đứa trẻ cùng sống ở chùa Từ-quang với nàng và bẩy đứa trẻ nghèo khó ăn xin ở Thăng-long. Nhớ nhung chồng chất, nàng định khi tới nơi, sẽ triệu hồi hai hoàng tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn đem chúng vào hoàng thành tương kiến. Nhưng khi nhập cung, nàng bị ràng buộc bởi luật lệ, lễ nghi; phải chờ cho tới khi được phong làm Ỷ-Lan phu nhân, mới có quyền triệu hồi, tương kiến với hoàng-tử. Lại nữa, từ triều đình, đến nội cung, nơi nào cũng có những lời xì xầm chống đối nàng về cái xuất thân dân dã, nếu nay nàng lại đem mười hai đứa em xuất thân ăn xin vào cung, thì những cái lưỡi dài như mãng xã lại được dịp nhả độc. Nàng đành nín nhịn.
Bây giờ, một năm qua, uy tín, tư cách của nàng lên cao, không còn ai dám xì xầm chống đối nữa, nàng mới nghĩ đến tương hội với bọn trẻ. Nàng hỏi cung nữ phụ trách lễ nghi:
– Này chị, ví thử tôi muốn mời hai hoàng-đệ Hoằng-Chân với Chiêu-Văn vào cung, thì thủ tục ra sao?
– Thưa phu-nhân, có hai cách. Một là phu nhân có thể thỉnh quốc-mẫu Thanh-Mai cùng hai hoàng-tử vào cung dự yến, rồi nhân đó, triệu hồi cả mười hai trẻ cùng theo. Hai là phu-nhân có thể ban chỉ tuyên triệu hai hoàng-tử đem đám trẻ vào, để phu-nhân xét xem việc dạy dỗ chúng đến đâu rồi.
– Có thể nào chỉ mời hai hoàng-tử vào dự yến, mà không có Quốc-mẫu chăng? Tôi thấy chỉ vì mấy đứa trẻ, mà phải thỉnh đại giá Quốc-mẫu thì thực không nên.
– Như vậy thì chỉ hoàng thượng mới có quyền. Vì dù sao phu-nhân cũng chỉ là chị dâu hai hoàng-tử, chứ chưa phải là bề trên, mà có thể ban yến.
Ỷ-Lan đem ý ấy tâu với nhà vua. Nhà vua vui vẻ:
– Được, trẫm chuẩn tấu.
Ngài gọi một thái giám:
– Người sang phủ Quốc-phụ tuyên triệu hai hoàng tử Hoằng-Chân với năm trẻ ở Thổ-lội, hoàng-tử Chiêu-Văn với bẩy trẻ mồ côi ở Thăng– long... ngay chiều nay vào dự yến.
Buổi chiều đến, hai hoàng-tử cùng đám trẻ nhập Hoàng-thành bằng hai xe, mỗi xe có bốn ngựa kéo. Thị-vệ đã chờ đợi sẵn, họ tiếp cương ngựa, rồi cúi rạp người xuống:
– Hoàng-thượng với phu-nhân đang chờ hai hoàng tử.
Viên thái-giám lễ nghi cung tay hành lễ, rồi dẫn đường đi trước. Đây là lần đầu tiên trong đời, đám trẻ được vào hoàng thành. Thằng Dật chỉ cung Ỷ-Lan nói:
– Này, anh em coi kìa, cung Ỷ-Lan sao lại giống căn nhà của ông bà Thiết trong làng mình quá nhỉ?
Thằng Đoan cũng nhận ra cái quen thuộc:
– Còn chín cây ngâu này thì cắt tỉa giống những cây ngâu ở chùa Từ-quang.
Bỗng thằng Ninh reo lên:
– Kìa, con trâu mộng của chị Minh-Đệ kìa.
Năm trẻ ở Thổ-lội quên mất đây là hoàng cung, chốn cực kỳ tôn nghiêm. Chúng reo lên chạy lại phía con trâu. Nguyên con trâu này, hồi mấy năm trước học trò trường Trung-nghĩa định giết để mừng thượng thọ Trịnh Quang-Thạch, nó chạy vào chùa Từ-quang lánh nạn. Ỷ-Lan đã mua lại. Sau khi nàng nhập cung, lý-trưởng sai người đem nó lên Thăng-long cho nàng. Ỷ-Lan đích thân chăm nuôi nó trong cung, để cho nông dân nghèo không có trâu cầy... mượn.
Dù thời gian đã mấy năm qua, đám trẻ lớn lên, nhưng con trâu cũng đã nhận ra chúng. Năm trẻ vuốt ve, vỗ lưng, xoa đầu, đứng xung quanh trâu.
Đến đó viên thái giám kính sự hô:
– Hoàng-thượng tuyên chỉ mời hai hoàng tử cùng các thiếu niên.
Đám trẻ vội bỏ trâu, theo hoàng tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn vào cung Ỷ-Lan. Hai người vừa bước vào, thì nhà vua cùng Ỷ-Lan đã đứng đón ngay ở cửa:
– Miễn lễ cho hai ngự-đệ cùng đám trẻ. Mời nhị vị ngự đệ ngồi.
Đám trẻ khoanh tay đứng sau lưng hai hoàng tử. Theo đúng lễ nghi, chúng phải cúi đầu không được nhìn nhà vua với Ỷ-Lan.
Lễ tất.
Nhà vua mỉm cười:
– Chắc ngự đệ không hiểu nguyên do nào trẫm lại mời hai vị vào đây cùng ăn yến phải không? Việc như thế này: Ỷ-Lan trước đây từng biết hai ngự đệ, hằng nghe danh hai ngự đệ, lại từng được hai ngự đệ giúp đỡ mấy năm qua. Nhưng hai ngự đệ lại chưa biết Ỷ-Lan, nên ý Ỷ-Lan muốn thỉnh hai ngự đệ vào để chị em gặp nhau.
Hai hoàng tử liếc mắt nhìn Ỷ-Lan. Hai ông tuyệt chưa từng thấy nàng bao giờ. Trước mặt hai ông, nàng chỉ là một thiếu nữ, trang phục như gái quê, nhưng đẹp huyền ảo. Mặc dù là hoàng tử, có nhiều dịp gặp gỡ người đẹp, nhưng hai ông chưa từng thấy ai đẹp mộc mạc như vậy.
Ỷ-Lan lên tiếng:
– Chị dâu em chồng tương kiến. Thiếp xin bệ hạ cho được nói với nhau bằng ngôn từ bình dân.
Nhà vua cười:
– Được chứ, em cứ tự nhiên.
Ỷ-Lan hướng năm đứa trẻ ở Thổ-lội:
– Dật, ngửng mặt lên nhìn xem Ỷ-Lan phu nhân là ai nào?
Phạm Dật ngửa mặt lên, nó thấy Ỷ-Lan thì reo:
– Chị Minh-Đệ! Sao chị lại ở đây? Bọn em nhớ chị muốn chết.
Đám trẻ nghe Phạm Dật reo, chúng quên mất rằng chưa có phép, chúng không được ngước mắt nhìn lên, chúng cùng mở to mắt nhìn nàng:
– Chị Minh-Đệ. Ối sao chị đẹp thế này?
– Ối chị Yến-Loan. Sao chị lại ở đây?
Nguyên, sau khi được hoàng tử Hoằng-Chân cứu nạn ở Thăng-long, năm trẻ làng Thổ-lội, được ông mang chúng về dinh nuôi nấng, dạy văn, luyện võ. Chúng có kể chuyện Minh-Đệ cho ông nghe. Ông cùng năm đứa đi khắp Thăng-long tìm nàng, nhưng không thấy. Ít lâu sau hoàng-tử Chiêu-Văn nhận lời Khất hoà thượng nuôi bẩy trẻ ở Yên-phụ. Nhân dịp hai đám trẻ gặp nhau, chúng đem « đời tư » của nhau ra kể, thế là chúng biết chúng có chung một bà chị. Thời gian hơn năm qua, chuyện bà chị dần dần đi vào lãng quên, thì hôm nay chúng gặp lại nàng trong khung cảnh uy nghiêm này.
Ỷ-Lan truyền cho chúng ngồi. Trong mười hai đứa, thì Lý Đoan có học nhất. Nó nói:
– Bọn em mất tin chị. Gần đây em có nghe đồn đức vua về làng mình tìm Hằng-Nga, đem Hằng-Nga làm vợ. Bọn em đâu ngờ lại là chị.
Nhà vua nói với hai hoàng tử:
– Anh em mình sang bên này. Anh có nhiều chuyện muốn nói với hai em. Để cho chị em Ỷ-Lan ôn chuyện cũ.
Nhà vua với hai hoàng tử đi rồi, Ỷ-Lan tóm lược mọi biến chuyển kể cho đám trẻ nghe. Chúng cũng đem những gì chúng học được nói với nàng.
Lý Đoan đề nghị:
– Từ hồi ấy đến giờ chúng em cũng không có tin nhà. Vậy bây giờ chị dẫn chúng em về quê, chị cứ nhận bọn em là con nuôi chị, để bọn học trò Trung-nghĩa phải lạy sứt trán ra cho bõ ghét.
– Không, chị không lớn hơn các em nhiều tuổi, thì nhận các em làm con sao được? Chị nhận các em làm em nuôi đủ rồi. Còn trường Trung-nghĩa ư? Trường đó không còn nữa.
Nàng kể biến cố Ưng-sơn giết cả nhà Trịnh Quang-Thạch cho chúng nghe, rồi nói:
– Bây giờ chị cho phép, cứ mỗi tháng các em được vào cung thăm chị một lần.
Bọn trẻ reo hò vui mừng. Kể từ ngày nhập cung, đây là lần đầu tiên Ỷ-Lan gặp người thân cũ, nàng mừng chi siết kể. Từ đấy, mười hai trẻ được tự do ra vào cung Ỷ-Lan. Nàng có thêm một số chân tay thông minh, lanh lẹ, và trung thành.
Theo luật triều Lý, thì mỗi tháng hai lần, nhà vua cùng Hoàng-hậu, phi tần phải đến cung Thiên-Cảm chầu Thái-hậu. Tuy nhà vua đã tuyên chỉ rằng đẳng trật phu-nhân của Ỷ-Lan dưới đẳng trật phi. Nhưng khi chầu hầu thái-hậu, Ỷ-Lan cứ đứng sau hết các bà phi đã đành, mà còn sau các mỹ-nhân.
Nhà vua chưa có hoàng-tử, nhưng đã có ba công chúa. Một là công chúa Thiên-Thành, nhũ danh An-Dân do Trần giai phi sinh ra. Công chúa là đệ tử của vua bà Bình-Dương đã hạ giá với thế-tử Thân Cảnh-Long con trai của vua bà Bình-Dương với phò-mã Thân Thiệu-Thái. Hiện công chúa ở Bắc-cương. Công chúa thứ nhì là Động-Thiên, nhũ danh An-Hải do Lý tuyên phi sinh ra. Công chúa là đệ tử của quốc-mẫu Thanh-Mai, đã hạ giá với đô đốc Hoàng Kiện đệ tử của Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản, hiện ở với chồng tại bến Tiềm-long bên bờ sông Hồng. Công chúa thứ ba là Thiên-Ninh nhũ danh An-Quốc, do Mai quý phi sinh ra, học trò của tiên nương Bảo-Hòa. Công chúa tuy đến tuổi trưởng thành, nhà vua định cho hạ giá nhiều lần, nhưng ỷ được sư phụ Bảo-Hòa cưng chiều, công chúa xin đi tu. Dĩ nhiên nhà vua không chuẩn tấu. Công chúa ở trong Hoàng-thành. Ngay từ khi Ỷ-Lan tiến cung gặp công chúa là thân với nhau ngay như bóng với hình.
Lệ triều Lý định từ thời vua Thái-tổ rằng có ba loại thiết triều. Một là đại triều vào mồng một, nếu cuộc đình nghị chưa xong thì có thể kéo dài đến vô hạn định. Thứ nhì là thiết tiểu triều vào các ngày mồng năm, mồng mười, mười rằm, hai mươi và hai mươi lăm. Thứ ba là cuộc thiết tinh-triều (tinh là ngôi sao), thì bất cứ khi nào nhà vua cần bàn với quần thần để quyết định một việc quan trọng.
Khi thiết đại triều thì cao nhất là thân-vương, tể-tướng, thượng thư, các an-vũ sứ, tiết-độ-sứ, đô đốc thủy quân, đại-tướng thống lĩnh kỵ-binh, chư tướng chỉ huy các đạo Thiên-tử-binh, tổng-quản Khu-mật-viện, tổng-lĩnh thị vệ, quan tổng-trấn Thăng-long. Khi thiết tiểu triều thì thành phần vẫn như trên, nhưng không có các thân vương, an-vũ-sứ, tiết-độ-sứ, đô đốc thủy quân, đại tướng thống lĩnh kỵ-binh. Còn thiết tinh-triều thì chỉ có tể-tướng, lục bộ thượng thư, quản Khu-mật-viện và những thành phần chuyên môn liên quan đến các vấn đề cần nghị sự.
Hôm nay nhà vua thiết tinh-triều về vấn đề cần cải cách sao cho dân giầu. Thành phần chính yếu vẫn không thay đổi, nhưng thêm một số các quan thuộc bộ Hộ, bộ Lại, bộ Hình như tham-tri (tương đương với thứ trưởng ngày nay), thị-lang (tương đương với tổng giám đốc ngày nay). Đặc biệt, có cả Ỷ-Lan phu nhân cũng tham dự. Buổi thiết tinh-triều tại điện Cao-minh. Vì buổi thiết triều này không có vấn đề quốc phòng, nên quốc-phụ Khai-Quốc vương với Quốc-mẫu Thanh-Mai vắng mặt. Đứng hầu cạnh nhà vua, có công chúa Thiên-Ninh.
Trước đây, trong những buổi thiết tinh-triều như thế, thì nhà vua ngồi trên ngai sơn son thiếp vàng. Phía trước ngai vàng có chiếc án thư chạm rồng. Còn các quan thì đứng. Nhưng từ sau ngày Ỷ-Lan phu nhân nhập cung, nàng tâu với nhà vua rằng, khi triều hội, các quan phải vận động hết tinh anh thần thức hầu bàn quốc sự. Thế mà các quan phải đứng hằng mấy giờ thì cơ thể mệt, ắt thần tổn. Phu-nhân xin nhà vua ban cho các đại thần được ngồi. Từ đấy, mỗi khi thiết tinh-triều, các đại thần được xếp chỗ ngồi trên ghế, sau cái án thư. Trên án thư để một khay bánh trái, nhiều ít tùy theo thứ bậc.
Ba hồi chiêng trống, đội nhạc cử bài ca Giáng-long. Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế cùng Ỷ-Lan phu nhân ra. Các quan hành lễ. Sau khi hoàng-đế với Ỷ-Lan phu nhân ngồi, lễ quan hô:
– Chư đại thần an tọa.
Tể-tướng Lý Đạo-Thành đứng lên tâu:
– Thần Kiểm-hiệu thái-phó, Long-thành tiết độ sứ, đồng-bình chương sự, Khu-mật-viện sứ, lĩnh Chiêu-văn-quan đại học sĩ, giám-tu quốc-sử, Sơn-Nam quốc-công Lý Đạo-Thành kính tâu: buổi thiết-tinh triều hôm nay do kim ý của bệ hạ, mục đích triều nghị sao cho dân giầu. Thứ nhì là Lễ-bộ thượng-thư, Lại-bộ thượng-thư, Hình-bộ tham tri thuộc phe đảng Dương gia bị cách chức; các vị Lễ-bộ tham-tri, Lại-bộ tham-tri được bệ hạ ban chỉ lên làm thượng-thư, thành ra khuyết ba chức tham-tri, chưa có người thay thế. Thần xin đình nghị để cử ba người vào chức vụ đó.
Nhà vua vẫy tay:
– Xin mời thầy ngồi nói được rồi.
– Đa tạ bệ hạ. Bây giờ để Hộ-bộ thượng-thư tâu lên bệ hạ tình trạng canh tác năm qua.
– Thần Mai Đình, Hộ-bộ thượng thư, lĩnh Thần-nông điện đại học sĩ xin kính tâu. Năm vừa nhờ ân đức Quốc-tổ, Quốc-mẫu, nhờ Tiên-hoàng phù hộ, hai mùa đều trúng. Giá lúa hạ xuống, dân chúng no đủ. Vì lúa gạo dư, nên ta bán sang Chiêm, sang Trung-nguyên rất nhiều. Lục súc tăng lên gấp ba. Tăng hơn cả là lợn, gà, ngan, ngỗng, vịt, tôm, cá. Nhưng trâu, bò thì không tăng. Diện tích canh tác cũng không tăng.
Nhà vua hỏi:
– Trẫm thấy các lộ tấu về rằng dân chúng khai hoang nhiều lắm, thế sao diện tích canh tác lại không tăng? Trâu, bò, dê, ngựa trước đây cứ mười con cái thì tám con sinh đẻ. Thế tại sao lại không tăng?
– Tâu bệ hạ. Về diện tích khai hoang thêm nhiều, nhưng vì những nhà giầu bắt nộp tô quá cao, nên tá điền không thể canh tác, mà chủ điền thì hà khắc. Họ cứ nhất định bắt tá điền trả tô cao, bằng không thì thà để cho cỏ mọc, chứ chẳng chịu hạ tô. Vì vậy số ruộng đất để hoang rất nhiều.
Ỷ-Lan hỏi:
– Thưa thượng-thư, chủ điền đòi tô là bao nhiêu một mẫu?
– Tâu phu-nhân,những loại ruộng xấu họ đòi một nửa số thu. Những ruộng tốt họ không cần biết số thu là bao nhiêu, họ đòi mỗi mẫu một trăm thùng một mùa.
Nhà vua hỏi Ỷ-Lan:
– Khanh đã sống suốt thời thơ ấu ở đồng ruộng, khanh có ý kiến gì về việc thu tô này? Như vậy là cao hay thấp?
– Tâu bệ hạ, thu tô cao như vậy quả là lột da đầu, móc ruột tá điền.
Ỷ-Lan kể tiếp: đối với ruộng xấu, thì số hoạch một mẫu không thể quá trăm thùng. Còn ruộng tốt thì số hoạch mỗi mẫu không quá một trăm năm mươi thùng. Tính đổ đồng, cầy một mẫu mất ba công trâu, bừa ba công trâu, cấy năm công, rồi bón phân, tát nước, làm cỏ, đánh kỳ, gặt... mà chủ điền lấy một nửa. Như vậy tá điền chỉ đủ ăn mà thôi. Họ không thể dư giả để sửa nhà, thuốc thang khi đau ốm, may mặc.
Nhà vua nghe Ỷ-Lan tâu, long tâm cảm thấy như bị con dao đâm vào ngực một cái. Ngài thở dài:
– Nếu như tá-điền không đủ thóc nộp tô thì chủ điền làm gì họ?
– Bệ hạ không thể tưởng tượng được cảnh đau lòng của tá điền nghèo.
Nàng xuống giọng: tâu bệ hạ chiếu theo luật, thì họ sai nặc-nô đi đòi. Nặc-nô đòi không được thì họ kiện lên lý dịch. Lý dịch sẽ phái trương-tuần đem nặc nô tới nhà tá-điền siết lúa, siết gạo, siết gia-súc hoặc siết bàn ghế, dường chiếu. Nếu nghèo quá không còn gì siết thì bắt phải bán vợ, bán con đi lấy tiền trả chủ-điền, hoặc cầm vợ con cho chủ điền làm tôi tớ. Nhiều chủ điền cực ác, họ nhất định hoặc đòi tô thực cao, hoặc là để ruộng hoang chứ không chịu cho thuê với tô thấp.
Nhà vua thở dài hỏi tiếp:
– Như vậy thì tuy năm vừa qua lúa gạo dư thừa là dư thừa do trúng mùa. Người giầu thì thêm giầu, còn kẻ khó thì vẫn hoàn kẻ khó. Giả như, triều đình có phương thức nào cho ruộng đất không để hoang, người cùng dân cũng có ruộng cầy thì đó mới là đạo của vua Hùng, vua Trưng. Trẫm thực xấu hổ, khi ngồi trên ngai, mà để đến nỗi có tệ đoan: người giầu thì bỏ ruộng hoang, kẻ nghèo thì ngồi không nhìn ruộng hoang mà chẳng được cầy.
Nhà vua cau mặt lại tỏ vẻ đăm chiêu: bàn chung, hiện có bốn vấn đề phải giải quyết. Một là sao cho tá điền khỏi bị chủ điền lột da. Hai là không còn nạn để ruộng hoang. Ba là sao để khuyến khích dân khai hoang hơn nữa. Bốn là làm tăng số trâu bò cầy ruộng.
Các quan cùng nhìn nhau, bàn ra tính vào một lát, vẫn không sao tìm được cách nào giải quyết. Ỷ-Lan cung tay:
– Nếu bệ hạ cho phép, thì thần thiếp xin hiến những phương thức quê mùa.
Nhà vua đưa mắt hỏi Tể tướng:
– Ỷ-Lan không phải là đại thần, không biết thầy có cho phép Ỷ-Lan góp ý không?
– Tâu bệ hạ, phu nhân sống với nông dân, thì ắt phu-nhân hiểu những khó khăn của họ. Xưa, thời nhà Chu, thiên tử sai quan đi thái-phong đem về (1) để căn cứ vào đó mà truất trắc. Nay phu nhân tâu trình bệ hạ, thì cũng giống như sứ giả của bệ hạ sai đi. Vì vậy, theo lễ nghi bản triều, trước khi phu nhân tâu trình, triều đình phải dùng lễ đối với phu nhân như khâm sai.
Ghi chú,
(1) Đời nhà Chu bên Trung-quốc, sau khi phong hơn tám trăm chư hầu rồi, nhà vua đặt ra chức quan Thái-phong (thái là thu lượm, phong là bài hát bình dân) để đi tuần tra các nước. Các quan Thái-phong có nhiệm vụ sưu tầm những bài hát bình dân đem về nghiên cứu, căn cứ vào nội dung bài phong mà biết dân tình tâu lên vua để thưởng phạt chư hầu. Đến đời Khổng-tử, thì còn hơn ba nghìn bài. Khổng-tử san định lại còn 105 bài, chép thành sách, sau gọi là Kinh-thi.
– Được.
Lễ nghi triều Lý định rằng, mỗi khi vua sai một vị quan đi sứ, hoặc ra ngoài làm việc gì, thì vị quan đó được gọi là khâm-sai, được hưởng lễ nghi cực kỳ kính trọng. Khi khâm-sai trở về tâu trình, thì đội nhạc phải tấu khúc Viễn-hành quy triều. Sau đó khâm sai mới tâu.
Lý Đạo-Thành đưa tay vẫy, quan Lễ-bộ thượng thư chạy ra ngoài, lát sau đội nhạc vào điện. Họ đánh nhạc, tấu bài Viễn hành quy triều (đi xa về chầu vua):
Tự thiên tử sở,
Thiên-tử mệnh chi;
Chấp sự hữu khác,
Đức âm mạc vi.
Chưng tai mao sĩ,
Bạc ngôn hữu chi,
Duy kì hữu chi,
Bi nhiên lai ti.
Bảo hữu quyết thổ,
Bang gia chi ki.(2)
(2) Dịch:
Tự nơi đức vua,
Đức vua sai đi,
Nhiệm vụ kính cẩn,
Quyết chẳng sai di.
Tốt thay tuấn sĩ,
Duy có người thôi,
Vui vẻ trở về.
Bảo vệ Xã-tắc,
Gốc của nước nhà.
Nhạc dứt, Ỷ-Lan tâu:
– Các vị đại thần đây đều thuộc loại văn mô vũ lược, nhưng sở dĩ không nghĩ ra biện pháp giải quyết, vì bị ràng buộc bới luật ban hành từ đời đức Thái-tổ. Than ôi! Đời đức Thái-tổ, tiếp ngôi từ Ngoạ-triều, dân chúng đói khổ, nên không một tấc đất để hoang. Vì vậy cái tệ thà để đất hoang, chứ không cho thuê giá thấp không xẩy ra. Lại nữa hồi đó dân nghèo, nên không dám bầy ra ăn uống linh đình phí phạm. Chính vì vậy nhà làm luật không có điều khoản dự trù đối phó với tệ này. Bây giờ là niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh thứ sáu rồi, hoàn cảnh không giống niên hiệu Thuận-thiên thứ ba, thứ tư nữa. Để giải quyết tệ đoan thứ nhất, thiếp cả gan xin bệ hạ ban chỉ cho tu bổ bộ luật về ruộng đất.
Từ hoàng đế cho đến đại thần đều bật lên tiếng hoan hô. Ỷ-Lan tiếp:
– Tu bổ luật có hai phần. Một là ấn định số tô mà tá-điền phải nộp cho chủ-điền. Hai là định rõ vấn đề ruộng để hoang. Bởi từ cổ xưa đến giờ, giữa chủ-điền với tá-điền thường thỏa thuận miệng với nhau, hoặc ký với nhau một điền-ước, chứ quốc luật không định rõ. Vì luật không định rõ, thì xẩy ra tương tranh. Dĩ nhiên trong vấn đề tương tranh kẻ mạnh sẽ thắng, người yếu sẽ thua. Kẻ mạnh luôn luôn là điền-chủ, người yếu luôn luôn là tá điền. Bây giờ tu bổ quốc luật định rõ số tô thì giải quyết được nạn chủ điền rút ruột tá điền. Còn vấn đề ruộng hoang cũng phải quy định.
Nói đến đây, Ỷ-Lan thấy trên mặt các quan hiện rõ ra nét bất mãn. Nàng biết những ông ngồi đây đều có thực ấp, không thì cũng có hàng trăm, hàng nghìn mẫu ruộng. Nếu nay cải cách ruộng đất, tất các ông bị thiệt hại nhiều nhất. Nhưng mờ mờ trước mắt nàng lại hiện lên những tá điền không đủ lúa nộp cho chủ điền, bị chủ điền siết nhà, siết vườn, đôi khi bắt con cái phải bán mình cho họ. Khi không có gì cho họ siết, thì họ kiện lên quan, bị bỏ tù, bị đánh đập tàn nhẫn. Những cảnh chia ly đầy nước mắt xẩy ra hàng ngày ở Thổ-lội, nàng nghĩ thầm:
– Khi xưa, vua Trưng còn dám cầm ba thước gươm đánh đuổi Tô Định, nay ta là con cháu người, mà ta không dám đối diện với các vị đại thần này ư?
Nghĩ vậy nàng tiếp:
– Trước hết phải chia ruộng làm năm loại. Loại tốt nhất gọi là nhất đẳng kim-điền, đất mầu mỡ, ở nơi gió thuận mưa hòa, gần sông, gần nước, mỗi năm trồng được hai mùa. Loại thứ nhì là nhị đẳng ngân-điền, có đủ điều kiện như nhất đẳng kim-điền, nhưng đất tương đối mầu mỡ. Loại thứ ba là tam-đẳng đồng-điền ruộng ở nơi xa nước, hay bị lụt bị bão, mỗi năm trồng được hai mùa. Loại thứ tư là tứ-đẳng thạch-điền, ở nơi gần nước, đất tốt, nhưng chỉ trồng được một mùa. Loại thứ năm là ngũ-đẳng thổ-điền, chỉ trồng được một mùa, lại ở nơi khô cằn. Việc định này sẽ do khâm sai của bộ Hộ, bộ Lại, hợp với quan huyện, lý dịch trong làng để định. Sau khi chia loại ruộng rồi, lập tại mỗi huyện một hội đồng gồm những người làm ruộng. Người làm ruộng có thể là người cầy ruộng của họ, có thể là tá điền. Hội đồng đó sẽ ấn định số hoạch mỗi mẫu của mỗi loại ruộng, gọi là số hoạch-chính. Hiện nay thì chủ lấy tô một nửa số hoạch, mà số hoạch đó do họ định. Họ định quá cao, khiến cho người giầu thì giầu thêm, kẻ khó càng khó thêm, tệ nạn này gây ra không biết bao nhiêu điều khốn khổ cho gia đình tá điền. Vật cùng tất phản, uốn quá hóa cong, chính vì vậy mà có nhiều nơi tá điền nổi lên giết chủ điền cho nư giận. Muốn giải quyết nạn này, triều đình phải định rõ, kể từ nay chủ điền chỉ được thu tô ba phần mười số hoạch-chính thôi.
Các quan đều bật lên tiếng « ồ », tỏ vẻ bất mãn.
Công chúa Thiên-Ninh nghe Ỷ-Lan tâu, mỗi lời đều hợp với ý mình. Nàng thấy cần phải khuyến khích bà ái phi của vua cha, nên tâu:
– Thưa phu nhân, thế nếu như những nông dân cần cù, họ tạo được số hoạch cao hơn số hoạch-chính, thì số sai biệt đó chia như thế nào?
– Thưa công chúa, chúng ta hiện theo pháp trị, nhưng lại lấy giáo huấn làm căn bản. Mục đích của việc định số hoạch-chính là để khuyến khích người cầy tăng số hoạch ln cao. Vậy nếu thửa ruộng nào có số hoạch cao hơn số hoạch-chính thì tá-điền được hưởng số sai biệt ấy. Nếu nông dân cầy chính ruộng của mình, mà tạo được số hoạch cao hơn số hoạch-chính, thì thửa ruộng đó được tha thuế.
Thiên-Ninh biết các quan đều không mấy vui lòng, nàng thêm nước đường cho Ỷ-Lan:
– Thưa phu nhân, ý kiến phu nhân thực siêu việt. Nếu như triều đình thuận theo đề nghị của phu nhân thì từ chủ điền tới tá điền sẽ thi nhau bón phân, tát nước cho ruộng có số hoạch cao để được thu thuế. Chà, quốc sản sẽ dư thừa, dân giầu mau lắm. Hễ dân giầu thì nước mạnh. Còn đối với việc để ruộng hoang?
– Ruộng là của trời ban cho. Ý dân là ý trời. Người nào may mắn được làm chủ ruộng thì có nghĩa là được hưởng của trời, mà họ lại để hoang, tức họ từ chối quyền làm chủ. Khi họ từ chối, thì phải lấy lại. Triều đình ban luật: nếu như chủ điền bỏ ruộng hoang, thì ruộng đó bị xung làm công điền, người tá điền năm trước được quyền cầy, mà tô thì nộp cho triều đình. Triều đình dùng lúa đó nuôi người già không nơi nương tựa, nuôi trẻ mồ côi, cứu trợ thiên tai.
Quan thái-úy Quách Kim-Nhật cung tay:
– Thực là Quốc-tổ linh thiêng đem phu-nhân về triều. Vấn đề thứ nhất là tô ruộng, vấn đề thứ nhì là ngăn ngừa tệ để ruộng hoang đã xong. Bây giờ đến vấn đề sao cho dân chịu khó khai hoang hơn nữa.
Ỷ-Lan biết Quách Kim-Nhật trước đây thuộc phe họ Mai, bị phe họ Dương chèn ép, nay nhờ nàng mà được phục hồi chức vụ, nên ông nói câu đó để coi như tạ ơn nàng. Nàng mỉm cười:
– Vấn đề này thì các quan cũng như trăm họ không ai bị thiệt hại gì cả, chỉ hoàng-thượng là bị thiệt hại nhất mà thôi!
Nhà vua bật cười:
– Thiệt hại gì trẫm cũng vui lòng, miễn sao cho dân sung sướng là được rồi. Thà trẫm mặc quần áo nâu, ăn cơm với muối, mà dân no ấm thì trẫm còn vui sướng hơn ăn cao lương mỹ vị, mặc quần áo gấm nữa. Khanh nói ra cho trẫm nghe đi.
Ỷ-Lan hướng đôi mắt long lanh đầy tình tứ nhìn hà vua:
– Trước đây, vấn đề khẩn hoang đa số là nhà giầu mới có phương tiện làm, vì rất tốn kém. Bây giờ xin bệ hạ ban chỉ: ai khai được ruộng hoang thì thửa ruộng đó năm năm không phải nộp thuế. Những người không có mảnh đất cắm dùi mà khai hoang, thì triều đình trợ cấp tiền bạc để cả nhà họ có ăn mà khai hoang. Tất nhiên công nho sẽ mất đi một khoản tiền lớn. Nhưng quốc sản lại gia tăng rất nhiều.
Hộ-bộ thượng thư Mai Đình cúi đầu:
– Tâu phu-nhân, so với Trung-nguyên, Chiêm-thành thì thuế của Đại-Việt quá thấp, đến độ bằng một nửa Chiêm-thành và bằng một phần ba Tống. Hiện thần đã cho tiết giảm chi tiêu đủ mọi khoản, mà cũng không đủ tiền nuôi quân, trả lương cho các quan, cùng chỉnh đốn thành trì, cung điện, hậu cung. Nếu nay lại trợ cấp khai hoang thì thực... thì thực thần không tìm đâu ra tiền.
Nhà vua khẽ vỗ tay lên án thư:
– Muốn trị quốc bình thiên hạ thì phải tu thân tề gia. Nhà của trẫm là gì? Là hậu cung. Bây giờ trẫm quyết định chi phí về ăn, mặc của trẫm giảm một nửa. Trẫm thấy trong cung dùng quá nhiều thái-giám, cung-nga. Như công chúa, hoàng-tử, các bà phi... mỗi người chỉ cần một cung nữ giặt quần áo, lau chùi; một cung nữ nấu ăn; một thái giám đánh xe ngựa, chăn ngựa; một thái giám để sai. Như vậy là nhiều quá rồi. Hiện nay mỗi người dùng tới mười cung nữ, mười thái giám. Có bà dùng tới năm mươi cung nữ, bẩy mươi thái giám. Mỗi khi đi đâu, là cung-nga, thái-giám xếp một hàng dài theo hầu. Mà nhà nông của ta nói: một người cầy nuôi năm người. Ví như một trăm hai mươi người vừa cung nữ, vừa thái giám đó cho về làm ruộng, thì sẽ giảm đi được hai mươi lăm người phải cầy để nuôi báo cô. Rồi chính những người đó làm ruộng, thế là ta thêm được một trăm bốn mươi lăm người cầy, nuôi thêm được bẩy trăm hai mươi lăm người nữa.
Ngài ban chỉ cho Ỷ-Lan:
– Hiện kể cả Tể-tướng là thầy trẫm trở xuống, không vị đại thần nào dám đụng vào cái tổ ong hậu cung. Đụng vào cái tổ ong đó thì khốn khổ ngay. Vậy thì chính trẫm phải phá cái tổ ong đó. Khanh hãy nghiên cứu thực chi tiết những cung nào, ty nào cần bảo nhiêu cung-nga, bao nhiêu thái giám. Những lễ lộc nào cần giữ, những lễ nào cần bỏ, rồi tâu lên để trẫm đình-nghị.
Ỷ-Lan rút trong bọc ra một quyển sách, nàng dâng cho nhà vua:
– Những điều bệ hạ ban chỉ dụ, thần thiếp đã nghĩ đến từ lâu. Đây là tập ghi danh sách cung-nga, thái giám hiện ở trong các cung các phủ. Phần sau là bản đề nghị tỉnh giảm. Xin bệ hạ ngự lãm.
Nhà vua cầm lên đọc cho quần thần nghe:
– Vừa cung, vừa phủ có tất cả ba mươi sáu. Thứ nhất Thái-hậu, Thái-phi mười lăm bà. Thứ nhì hoàng-hậu, các bà phi tần ba mươi mốt bà. Công-chúa, hoàng tử năm mươi lăm vị. Thân vương, quốc-công, hầu-tước thuộc hoàng thân ba mươi tám vị. Cộng chung dùng tới sáu trăm ba mươi sáu cung-nga, bẩy trăm năm mươi thái giám. Tổng cộng một nghìn ba trăm tám mươi sáu người. Nếu tính mỗi vị dùng hai thái giám, hai cung nữ thì chỉ còn sáu trăm chín mươi lăm người (695). Có thể cho về sáu trăm chín mươi mốt người (691)
Nhà vua gật đầu tỏ vẻ thích thú. Ngài đọc tiếp:
– Đổ đồng; nuôi, trả lương cho một cung nga, một thái giám mỗi tháng ba lượng vàng. Như vậy một năm tiết kiệm hai vạn bốn nghìn, tám trăm, bẩy mươi sáu lượng vàng (24.876). Tính trung bình mượn nhân công phá hoang làm thành ruộng trồng cấy được, mỗi mẫu mất ba lượng vàng, như vậy số vàng tiết kiệm nuôi cung-nga, thái-giám có thể phá được tám nghìn hai trăm chín mươi hai mẫu ruộng (8292) mỗi năm. Nếu trồng cấy, thu hoạch trung bình, mỗi mẫu nuôi được hai mươi người, thì hằng năm số tiết kiệm nuôi thêm mười tám vạn, hai nghìn, bốn trăm hai mươi bốn người ăn no (182.424). Nghĩa là đủ nuôi toàn thể quân sĩ trong nước.
Nhà vua đọc xuống dưới về chỗ tiết giảm xa hoa phung phí ăn tiêu trong cung, mỗi năm giảm ba vạn lượng vàng (30.000), cũng tính như trên, sẽ nuôi được hai mươi vạn miệng ăn (200.000). Long tâm rất đẹp:
– Được! Tỉnh giảm như thế này mới phải đạo lý.
Nhà vua quay lại ban chỉ cho Bùi Hựu:
– Văn-minh điện đại học sĩ. Khanh khẩn soạn chiếu chỉ để trẫm ban hành ngay. Nào, chư khanh bây giờ bàn đến vấn đề thứ tư. Vấn đề gai góc nhất đây, đó là làm sao giải quyết nạn trâu-bò sinh sản nhiều, mà không đủ trâu cầy, đến nỗi ba bốn nhà mới có một trâu.
Các quan ngao ngán nhìn nhau, rồi lắc đầu tỏ vẻ chịu thua. Ỷ-Lan biết các đại thần đều xuất thân là người đọc sách, có bao giờ biết đến ruộng đồng ra sao đâu mà bàn. Nàng tâu:
– Thần thiếp biết rõ trâu bò sinh sản nhiều mà thiếu trâu cầy nguyên do có ba. Một là nạn trộm trâu. Ở nông thôn, người dân nào may mắn lắm mới có con trâu. Thế nhưng tối đi ngủ thì trâu vẫn ở trong chuồng. Sáng dậy, thì trâu biến mất. Họ chỉ biết kêu khóc mà thôi. Trình lý-dịch cũng vô ích.
Lại-bộ thượng thư hỏi:
– Tâu phu nhân, thần thấy mỗi làng đều có lũy tre bao bọc. Cổng làng có hoàng nam gác. Vậy kẻ trộm trâu dắt trâu đi đâu mà làng không tìm ra?
– Thưa thượng-thư, lý thì như vậy. Nhưng thực tế lại không giống như vậy. Trộm ở đâu? Ai là trộm? Trộm chính là bọn cường hào, ác bá, bọn lý dịch chứ ai đâu xa. Bề ngoài chúng là tay chân của triều đình, nhưng bề trong chúng là những tên đầu trộm đuôi cướp, bọn cướp cạn đấy. Đêm chúng sai hoàng nam rình chủ nhà ngủ, bỏ bả cho chó chết, rồi dắt trâu ra khỏi làng, đem sang làng bên cạnh mà bán. Hoặc giữa các lý dịch làng này sai trộm trâu rồi đổi lấy trâu trộm của lý-dịch làng khac. Nghĩa là chúng rộm trâu, để đổi với nhau.
Ỷ-Lan thấy mặt nhà vua cau lại, tỏ vẻ đăm chiêu, xót xa. Nàng tiếp:
– Tệ nạn thứ nhì khiến thiếu trâu bò là việc tiệc tùng, đình đám, hơi một tý là giết trâu, giết bò ăn uống. Việc cúng tế, thuộc loại quốc-tế như giỗ vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng, thì các lộ, các phủ giết trâu bò là đáng. Còn như trong làng, tết Nguyên-đán, tết Hàn-thực, tết Trùng-cửu, giỗ thần thành-hoàng, họ bầy ra ăn uống linh đình đến mấy ngày. Ngày nào cũng giết trâu, hạ bò. Dĩ chí đến sinh nhật các quan về hưu, phú gia, cũng giết trâu! Đến việc nhà có người chết, sinh con cũng giết trâu; đám cưới, đám hỏi, đám giỗ cũng giết trâu. Riết rồi quanh năm đình đám, thử hỏi trâu bò nào sinh sản kịp?
Nàng đưa mắt nhìn các quan, rồi kể lại chuyện Trịnh Quang-Thạch ăn mừng thượng thọ giết trâu, trâu chạy vào chùa Từ-quang như thế nào, nàng mua lại con trâu mộng đó, rồi biếu cho chùa ra sao. Sau khi nàng về Thăng-long, lý-trưởng đem con trâu đó về kinh trả nàng. Hiện chính tay nàng chăm sóc nó hàng ngày và cho những người ở ngoài thành Thăng-long không có trâu cầy thay nhau mượn để chuyên chở, để cầy bừa. Nàng tiếp:
– Tệ nạn thứ ba là các biên thần Tống bỏ tiền ra mua trâu cái với giá thực cao để phá hoại canh nông Đại-Việt. Nông dân tham tiền, đem trâu ra các bạc dịch trường ở biên giới bán cho Tống. Chính vì ba tệ nạn trên, mà trâu bò sinh sản tuy nhiều, nhưng vẫn thiếu trâu cầy.
Nhà vua hỏi Lý Đạo-Thành:
– Xin thầy dạy cho phải làm thế nào?
Ỷ-Lan lắc đầu:
– Thưa thầy, thì từ trước đến theo luật Đại-Việt, vẫn cấm trộm trâu, chứ có bao giờ cho phép trộm trâu đâu? Bộ Hình-thư đã dự trù phạt tội trộm gia súc rất nặng. Nhưng trộm vẫn hoành hành. Nay triều đình có ban chỉ, thì tệ nạn vẫn không đổi. Thế là mèo lại hoàn mèo.
Ỷ-Lan đang nói năng nghiêm trang, bỗng chốc nàng dùng câu tục ngữ dân gian, làm cả triều đình bật cười. Nhà vua hỏi:
– Khanh nói mèo lại hoàn mèo, ý nghĩa câu này ra sao?
– Tâu bệ hạ gốc câu này ở câu chuyện cổ tích.
– Khanh kể cho trẫm nghe câu chuyện này đi.
... Có một ông lý trưởng tên là Miêu, tức con mèo. Ông làm lý-trưởng rồi, mà còn mang tên mèo thì xấu quá. Ông mới làm tiệc rượu mời mấy cụ chức sắc trong làng tới ăn, để xin các cụ đặt cho một tên thực hay. Cụ thứ nhất, sau khi uống hết một chén tống rượu, cụ khà một tiếng, rồi nói:
– Tôi nghĩ ông lý nên đặt tên là Vân cho hay. Vân là mây đẹp lắm chứ?
Thế là các cụ thi nhau đánh chén. Lát sau cụ khác tiếp:
– Cái tên Vân nghe thì hay thực, nhưng sách có câu: Phong bạt vân, nghĩa là gió thổi bay mây đi. Vậy nên đổi tên là phong cho đẹp.
Các cụ đều khen tên phong, rồi đánh chén. Nhưng lát sau, cụ thứ ba chợt lắc đầu:
– Hỏng! Hỏng mất rồi. Sách có câu: Tường trấn phong, nghĩa là tường cản gió. Vậy thì nên đổi tên là tường thì hay hơn. Thôi, đổi tên là lý Tường mới đẹp.
Cả tiệc xúm vào khen cái tên mới. Nhưng tiệc rượu gần tàn, thì cụ thứ tư chợt lắc đầu:
– Tên tường thì hay thực. Nhưng tường bị chuột leo qua hàng ngày. Vậy thì đổi là lý Thử. Thử là chuột. Hay đáo để.
Cụ thứ năm lại bật lên tiếng kêu lớn:
– Không được. Mèo bắt chuột. Vậy thì thà cứ để tên là Miêu hay hơn.
Đến đây tiệc tàn, ông lý tiễn các cụ ra về rồi, thì bị bà vợ mắng:
– Rõ lắm chuyện. Ông muốn đổi tên, mà mất tiền mua rượu, mua thịt làm tiệc đãi khách. Rút cuộc mèo lại hoàn mèo...
Nhà vua cùng đại thần được nghe câu chuyện dí dỏm của dân quê do Ỷ-Lan thuật lại, đều bật cười. Nhưng vẫn đề chính vẫn chưa giải quyết xong. Nhà vua hỏi:
– Thế Ỷ-Lan có cách nào giải quyết không?
– Tâu bệ hạ không khó. Triều đình phải giải quyết vấn đề làm ba bước. Bước thứ nhất, bệ hạ ban chỉ kiểm soát trâu bò, cấm giết trâu-bò. Lỡ trâu-bò bị bệnh chết thì phải chôn. Có như vậy người ta mới không kiếm cớ rằng trâu bò bệnh, rồi đem hạ thịt.
Đến đây, Ỷ-Lan thấy trên mặt các quan có vẻ buồn, dường như họ muốn phản đối, mà không dám. Nàng mỉm cười:
– Không biết chư vị nghĩ sao?
Hình-bộ thượng-thư Nguyễn Quý-Thuyết cung tay:
– Tâu phu-nhân cấm giết trâu-bò như vậy thì hơi ngặt. Không lẽ những trâu-bò già mà không thịt, cứ ngồi chờ chúng chết để chôn hay sao?
– Thượng-thư luận đúng. Nhưng tôi chưa nói hết ý. Bước thứ nhì là kiểm soát trâu bò. Mỗi làng phải làm một bản kê khai có bao nhiêu trâu-bò. Bao nhiêu con đực, bao nhiêu con cái, tuổi của chúng, chủ của chúng là ai. Mỗi làng phải đánh số, dùng chàm xâm lên cổ chúng. Xâm cả tên của chủ lên. Tỷ như con trâu của tôi, nó tuổi Quý-mão, theo số thứ tự trong làng là 320, thì đánh số « Thổ-lội, 320, Đực, Quý-mão, Lê-thị Yến-Loan ». Kể từ nay, trâu bò nào không có số, có tên chủ, thì bắt đánh số, rồi xung công bán. Sau khi đánh số làng phải trình về huyện. Huyện sẽ cấp cho chủ trâu thẻ bài. Huyện phải phúc thẳng về lộ, và về bộ Hộ để hai nơi này theo dõi. Sau khi kiểm kê, mà làng nào có trâu-bò lậu không số, thì tất cả lý dịch đều phải cách hết. Trâu bò lậu không số sẽ xung công. Nếu trâu-bò bị đánh cắp, thì truy số đánh trên lưng, sẽ biết ngay chủ nó là ai. Khi trâu-bò đẻ con, thì cũng phải kê khai, đánh số. Triều đình lại định rõ, trâu-bò đến tuổi nào thì không thể cầy bừa được, có thể hạ thịt.
Nàng ngừng lại, rồi tiếp:
– Đây chỉ là biện pháp khẩn cấp để tăng số trâu bò canh tác lên. Sau bốn, năm năm; khi trâu-bò tăng lên nhiều, triều đình sẽ ban chỉ cho hạ thịt giới hạn vào các dịp lễ lớn.
Nàng nghiêm nét mặt:
– Ban nãy bệ-hạ tự trách mình rằng: làm vua mà để cho dân khổ, thì có tội với trời, với liệt tổ Đại-Việt với tiên hoàng. Vậy bây giờ bệ hạ ban chỉ tăng bổng cho lý dịch. Nhưng cứ cột chết lý-trưởng, phó-lý, trương tuần vào việc trộm trâu. Nếu trong làng bị mất trâu, thì lý dịch bị cách hết. Kẻ trộm trâu bị phạt thực nặng. Ai biết kẻ giết trâu, trộm trâu mà tố cáo sẽ được thưởng. Ai biết mà không tố cáo sẽ bị phạt như kẻ trộm.
Nhà vua đứng lên hướng Ỷ-Lan:
– Khanh thực xứng đáng là con cháu vua Thần-nông. Bây giờ tới vụ gì?
Tể-tướng Lý Đạo-Thành tâu:
– Tâu bệ hạ, còn việc bổ nhiệm ba vị tham-tri bộ Lễ, bộ Lại, bộ Hình nữa.
– Các khanh đã tiến cử nhiều người. Những người được tiến cử, đa số đều có tài, có đức. Nhưng rút kinh nghiệm từ Ỷ-Lan, trẫm quyết định phong hai người chưa từng làm quan, đã sống với hương đảng, như vậy hai vị đó mới giúp trẫm đi sát với dân tình. Sau nữa trẫm thăng một người từ chức Đề điểm hình ngục lên làm tham-tri bộ Hình.
Nhà vua đưa mắt nhìn các quan, rối tiếp:
– Người thứ nhất là Trần Trọng-San, phong làm tham-tri bộ Lễ. Người thứ nhì là Quách Sĩ-An phong làm tham-tri bộ Lại. Người thứ ba là Hoàng Khắc-Dụng đang làm đề điểm hình ngục lộ Kinh-Bắc làm tham-tri bộ Hình. Để trẫm gọi ba người vào ra mắt các khanh.
Lễ quan bước ra ngoài hô:
– Hoàng-thượng truyền tham-tri bộ Lại là Quách Sĩ-An, tham-tri bộ Lễ là Trần Trọng-San và tham-tri bộ Hình là Hòang-khắc-Dụng vào yết kiến.
Viên đề điểm hình ngục Dụng, hai thầy đồ San và Thái vào điện phủ phục tung hô vạn tuế. Trong khi Ỷ-Lan đứng dậy cung tay vái hai ông:
– Đứa học trò quê mùa Lê Thị Yến-Loan kính chào hai thấy. Chúc hai thầy được tâm an, thần tĩnh, thanh-vân đắc lộ.
Nàng lại hướng Hoàng Khắc-Dụng:
– Hoàng tiên sinh! Khổng-tử nói:
« Xử kiện ta cũng xử được như ai! Nhưng phải sao cho dân không kiện nhau mới là người cai trị giỏi ».
Tiên sinh thực là người mà Khổng-tử ước vọng vậy.
Nhà vua truyền cho ba vị bình thân, rồi ngồi vào ghế cạnh ba thượng thư bộ Lại, bộ Lễ, bộ Hình. Thái-giám rót nước, đem hoa quả định bưng đến cho ba tân quan, thì Ỷ-Lan đã đỡ lấy, bưng lại để trước mặt ba ông:
– Kính mời hai thầy, với Hoàng tiên sinh xơi nước, dùng hoa quả ạ.
Ba tân quan cùng nói:
– Đa tạ phu nhân ban thưởng.
Ỷ-Lan hành lễ đúng với Nho-gia, khiến các đại thần hiện diện đều kính phục cung cách của nàng. Ỷ-Lan nhìn thấy gương mặt nhà vua dường như còn chứa đựng điều gì chưa thỏa ý. Nàng hỏi:
– Không biết bệ-hạ có điều chi mà long nhan kém tươi?
Nhà vua thở dài:
– Hôm nay trẫm với chư khanh bàn phương cách làm cho dân giầu nước mạnh. Dĩ nhiên những gì ta sắp làm, dân sẽ giầu, nước sẽ mạnh. Nhưng trong lòng trẫm xót xa vô cùng khi Thiên-tử binh vẫn chỉ có số lương bổng khiêm tốn suốt năm năm qua không hơn. Bây giờ trăm họ sắp hưởng những cải cách mới, nhưng...
Nhà vua rơm rớm nước mắt:
– Chư quân ăn bờ ngủ bụi, có những người phải xa cha-mẹ, vợ-con, quê hương, nay sống mai chết, mà không được hưởng sung sướng hơn người thường.
Lý Đạo-Thành tâu:
– Đó chẳng qua Bệ-hạ quá thương yêu binh sĩ mà tuyên dụ như thế, chứ lương bổng chư quân bên Đại-Việt ta cao gấp đôi quân Chiêm, gấp ba quân Tống. Lỡ ra tử trận, tiền phủ tuất cho cha mẹ, vợ con còn gấp năm lần quân Tống.
Nhà vua lắc đầu:
– Thầy chẳng nên so sánh ta với Chiêm với Tống. Mà hãy so sánh ta với ta. Này nhé, một công của người thợ gặt bên ta là năm đấu gạo, tính chung một tháng là 150 đấu gạo. Trong khi lương bổng của một Thiên-tử-binh chỉ được có 100 đấu gạo một tháng, với ít mắm cá, tôm khô, cá khô. Nay ta cải cách, thì chỉ vài ba năm, công một ngày gặt có thể lên 10 đấu, trong khi chư quân vẫn thế. Trẫm muốn cải tổ sao cho lương bổng chư quân phải thực cao, để tỏ lòng ưu ái. Có như vậy khi họ phải lăn mình vào chỗ chết, họ mới yên tâm rằng vợ con, cha mẹ họ sung sướng hơn dân thường.
Tể-tướng đưa mắt nhìn Hộ-bộ thượng-thư Mai Thứ. Mai Thứ lắc đầu:
– Tâu bệ hạ. Từ khi lên ngôi, Bệ-hạ cương quyết không chịu tăng thuế, cho nên mọi chi phí phải tiết giảm. Chính Bệ-hạ tiết giảm chi tiêu của nội cung, tỉnh giảm thái-giám, cung-nga để có tiền giúp dân khai hoang. Bây giờ không còn chỗ nào để kiếm ra tiền nữa. Nếu như nay tăng lương bổng chư quân lên 150 đấu gạo một tháng cho bằng thợ cầy, thợ gặt thì thực quốc-sản không thể nào cung ứng nổi. Hiện Thiên-tử-binh là mười vạn, binh các trấn là mười vạn. Cộng chung hai mươi vạn. Muốn tăng mỗi tháng một đầu người 50 đấu gạo, thì cần mười triệu đấu một tháng (10.000.000), một năm cần tới một trăm hai mươi triệu đấu (120.000.000).
Từ vua, tới quan đều nhìn nhau, rồi lắc đầu. Công chúa Thiên-Ninh tâu:
– Thần nhi xin góp chút ít ý kiến quê mùa, rất mong phụ hoàng và chư đại thần cho trình bầy.
– Ninh nhi hãy ngồi xuống, khoan thai trình bầy.
– Tâu phụ hoàng, thần nhi xin tâu trình Ngũ-pháp để tăng lương bổng cho chư quân. Pháp thứ nhất gọi là Hương-bổng. Hiện nay, tất cả hoàng-nam đều được cấp một mẫu công điền. Cứ năm hoàng nam hợp thành một ngũ, luyện tập có nhau, cùng làm ruộng, tát nước, trải phân, đánh kỳ, làm cỏ, gặt hái có nhau, rồi chia hoa lợi đồng đều. Khi họ bị gọi xung vào binh-trấn hay Thiên-tử-binh, thì ruộng đó trao cho tá điền làm. Nay triều đình cải đi, cứ năm hoàng-nam thì một người phải xung quân. Bốn người kia vẫn tiếp tục làm cả năm mẫu ruộng. Đến mùa gặt cũng vẫn chia đều hoa lợi. Hoa lợi đó trao cho vợ con, cha mẹ, anh em của người xung quân ở quê. Tính đổ đồng ruộng tốt, ruộng xấu, mỗi mẫu ruộng một năm thu hoạch một vạn hai nghìn đấu gạo, như vậy cao gấp mười lần lương bổng hiện tại. Pháp này chỉ khiến các hoàng nam phải tăng gia sức lực mà thôi. Như thay vì tát nước bốn ngày, họ phải tát nước năm ngày. Vì đã có Hương-bổng ở quê nhà dành cho cha mẹ, vợ con rồi, thì có thể giảm bớt số lương phát hàng tháng xuống ba mươi đấu thôi, còn lại thì phát tiền. Nghiã là chỉ phát tiền, gạo đủ ăn, đủ tiêu vặt thôi.
Quan Thái-úy Quách Kim-Nhật tâu:
– Xin Bệ-hạ chuẩn pháp này của công chúa. Pháp này do Đại-tư-mã thời Lĩnh-Nam là Bắc-bình vương Đào Kỳ định ra. Hiện nay, lương bổng phát cho chư quân hàng tháng gồm một nửa là gạo, cá khô, mắm, một nửa là tiền. Những người nào đóng quân gần gia đình, thì có thể chuyển cho gia đình dễ dàng. Còn những người đóng quân ở xa nhà, thì đi đâu họ cứ phải mang tiền bạc theo, chờ dịp gửi về, thực phiền phức. Pháp này có ba cái lợi: một là lương bổng trực tiếp phát cho gia đình. Hai là chư quân khỏi lo mang tiền, gạo theo, khi di chuyển sẽ mau chóng, nhẹ nhàng. Ba là nhờ có Hương-bổng rồi, thì số lương bổng phát cho họ sẽ giảm, công nho tiết kiệm được rất nhiều.
Nhà vua gật đầu vẻ hài lòng:
– Còn pháp thứ nhì?
– Pháp-này gọi là Thiên-hoạch, nghĩa là thay trời thu hoa lợi. Hiện nay, cứ năm mẫu ruộng, thì có một mẫu hoang. Trong khi triều đình chỉ thu thuế trên số thóc thu hoạch. Thành ra ruộng hoang không phải đóng thuế. Nay biện pháp của Ỷ-Lan phu nhân đình nghị ban nãy, khiến ruộng hoang không còn nữa, thì quốc-sản thuế ruộng tăng lên một phần năm. Tiền đó, dùng để tăng phủ-tuất cho gia đình tử-sĩ.
Từ nhà vua, cho tới các quan đều gật đầu tán thành.
– Pháp thứ ba gọi là Phú-lãn. Phú đánh thuế, lãn là lười biếng. Pháp này lấy tiền của những kẻ giầu có, mà trăm họ đều hân hoan đã đành, mà chính những người giầu cũng hân hoan. Trong khi công nho có nhiều tiền. Hiện nay những nhà giầu thường bỏ tiền ra mượn người thay thế cho mình trong những công việc công-dịch như làm dường, vét sông, khơi ngòi. Thường họ mượn với giá quá rẻ. Bây giờ triều đình ban luật tuyệt đối không cho mượn người như vậy nữa. Ai muốn nhàn, không muốn vất vả thì có quyền đóng tiền cho công nho với giá thực cao. Quan sở tại sẽ mượn người với giá cao để thay thế. Số sai biệt giữa giá thực cao với giá cao đó gấp mười lần mượn một công cầy, hay gặt. Như thế công nho sẽ thu được nhiều tiền. Ngay việc xung quân cũng vậy, ai không muốn xung quân thì phải đóng một số tiền hàng tháng cao gấp một trăm lần lương bổng một Thiên-tử-binh.
Nhà vua buột miệng khen:
– Đại trí! Đại trí. Ninh nhi quả là người hiểu rõ dân tình. Trẫm thuận đệ tam pháp. Vậy đệ tứ pháp là gì?
– Tâu phụ hoàng, đệ tứ pháp gọi là Phú-phú, tức đánh thuế người giầu. Kể từ đời đức Thái-tổ, lối đánh thuế cứ mỗi mẫu tùy loại như ao, đầm, ruộng, đất mà định. Đánh như vậy thì người nghèo, người giầu phải nộp thuế như nhau, khiến cho người giầu thì ăn tiêu phung phí cũng không hết, mà kẻ nghèo thì vẫn cứ đói rách hoài. Bây giờ xin phụ hoàng chỉ đổi lại. Cứ mỗi đầu người một mẫu ruộng, thì chỉ phải nộp thuế bách phân theo số thu mà thôi. Còn cứ một đầu người hai mẫu, thì mẫu thứ hai nộp nhiều hơn. Mẫu thứ ba nộp nhiều hơn nữa. Như vậy thì quốc-sản gia tăng, mà không ai oán hận được cả.
Nhà vua đưa mắt nhìn các quan. Ngài thấy dường như trên mặt người nào cũng hiện ra nét bất mãn. Ngài phán:
– Pháp này hơi khó đấy. Được rồi, để lao tưởng những bầy tôi có huân công, trẫm đặc ân miễn thuế cho những người được triều đình ban ruộng đất. Bây giờ là pháp thứ năm, Ninh nhi tâu cho trẫm nghe nào.
– Ngũ-pháp đã được định trong bộ Hình-thư rồi, nay chỉ việc đổi đi chút ít thôi, đó là ấn định cho người có tội được dùng tiền chuộc. Còn những người nghèo, thì được cầy ruộng công điền để thế tội. Tỷ như tên Mỗ, can tội trộm, phải đánh hai mươi bổng, tù sáu tháng. Nay đổi lại: mỗi bổng là ba công, mỗi ngày tù là một công. Tính giá một công là 10 đấu gạo. Vậy nếu y có tiền chuộc thì thôi. Còn như y không có tiền chuộc, thì bản thân y, vợ con y có thể làm công điền để chuộc tội.
Nhà vua mừng vô kể:
– Văn-minh điện đại học sĩ hãy soạn chiếu chỉ, nội trong ba ngày phải tấu cho trẫm thự. Tất cả những luật, lệ, lệnh bàn từ sáng đến giờ, Tể-tướng hãy cứu xét xem phần nào cần ban trước, phần nào cần ban sau, chứ đừng ban một lúc, e hương đảng không kịp dạy dân. Trẫm muốn cử một đại thần đứng ra theo dõi, kiểm soát việc tuân hành những cải cách này. Vậy chư khanh nghị xem ai có thể đương nổi?
Nhà vua nhìn các đại thần, người nào cũng cúi đầu tỏ vẻ ngại ngùng. Ngài phán:
– Tại sao chư khanh lại sợ cái công việc này?
Tể-tướng Lý Đạo Thành tâu:
– Trong các đại thần đây, thì văn mô vũ lược thực không thiếu. Nếu bệ hạ tuyên chỉ cho họ nhảy vào nước, vào lửa họ cũng dám. Còn những cải cách này bao gồm nhiều lãnh vực quá, nào phải đi kinh lý khắp nơi, nào phải có uy quyền trên các tuyên-vũ, an-vũ, nào phải có uy là bao trùm các biên cương trọng thần. Mà biên cương trọng thần hiện có tới Ngũ-long công chúa, năm phò mã; vua bà Bình-Dương, phò mã Thân Thiệu-Thái. Nào phải động chạm đến các phú gia địa chủ trong đó hầu hết là các quan, các võ phái. Đã hết đâu, còn bao gồm việc trong nội cung nữa. Người phụ trách sẽ bị một trong hai điều bất hạnh.
Nhà vua tỏ vẻ cương quyết:
– Thầy nói bất hạnh gì?
– Một là khi làm hết phận sự quân phụ trao cho, nếu không bị miệng thế dèm pha rồi bị giáng chức thì cũng bị cường hào trong võ lâm giết chết. Hai là sợ đụng chạm, nhắm mắt cho qua, thì nói như Ỷ-Lan phu nhân « mèo vẫn hoàn mèo » thực có tội với xã tắc, với bệ hạ, rồi cũng bị cách. Nên không ai dám nhận. Người mà bệ hạ muốn cử vào việc này phải có quyền với nội cung, có võ công cao để tự vệ, không thể bị dèm pha. Nói cho đúng, người đó phải là thái-tử thì mới đương nổi.
Ỷ-Lan tâu:
– Hoàng-thượng chưa có thái tử, thì dùng công chúa. Kể từ khi đức Thái-tổ lập chính thống, thời Thuận-thiên có tổ-cô-mẫu Hồng-Châu, cô mẫu An-Quốc, Lĩnh-Nam Bảo-quốc Hòa-dân. Đời đức Thái-tông có vua bà Bình-Dương, công-chúa Kim-Thành, Trường-Ninh. Hoàng-thượng có công chúa Thiên-Thành, Động-Thiên, Thiên-Ninh, cả ba đều văn võ kiêm toàn, đủ sức lĩnh việc đó.
Nhà vua suy nghĩ một lúc rồi nói:
– Thiên-Thành võ công cực cao, thao lược gồm tài, trẫm đã cho hạ giá, tương lai trấn Bắc-biên. Động-Thiên giỏi thủy-chiến, tính khí cương quyết quá, e phụ trách việc này không nổi. Chỉ duy có Thiên-Ninh là người biết uyển chuyển, giỏi cai trị, hòa giải, vỗ an. Vậy trẫm trao cho Thiên-Ninh.
Công chúa Thiên-Ninh bước ra quỳ gối. Nhà vua trao thanh Thượng-phương bảo kiếm cho công chúa:
– Đại-Việt giầu mạnh là nhờ cuộc cải cách này. Cuộc cải cách này thành công hay không là do Ninh nhi. Trẫm trao thanh Thượng-phương bảo kiếm cho Ninh nhi. Khi Ninh nhi đeo bảo kiếm này, thì Ninh nhi là trẫm. Ai không tuân, Ninh nhi có quyền tiền trảm hậu tấu. Tương lai dân giầu nước mạnh là do Ninh nhi. Vậy Ninh nhi ước tính xem bao nhiêu lâu thì những cải cách này hoàn thành?
Công chúa Thiên-Ninh đỡ thanh kiếm rồi tâu:
– Tâu phụ hoàng, trong ba năm mà những cải cách này không hoàn thành, thì thần nhi không đem đầu cường hào ác bá về nộp, mà tự nộp đầu để tạ tội với Tiên-vương.
Vừa lúc đó, có viên Lễ-bộ thị-lang bước vào dâng lên hoàng đế một tấu văn của Khu-mật-viện Bắc-biên. Nhà vua trao cho Ỷ-Lan đọc. Ỷ-Lan xé bao thư ra đọc lớn:
«... Đại-tư-mã Bắc-biên, hữu kim-ngô thượng tướng quân, Lạng-châu quốc-công, quản Khu-mật-viện Bắc-biên Thân Thiệu-Cực xin khẩn tấu: Gia-hựu hoàng đế nhà Đại-tống lâm bệnh. Các quan đồng cử thái-tử Triệu Thự tạm nhiếp chính. Hoàng-hậu muốn truất phế Triệu Thự, đặt em y lên thay, vì em y lấy cháu gọi bà bằng cô. Nhưng Thự được một số võ-lâm cao thủ phò tá, lại rất được lòng đám Nho-gia, nên tể-tướng Hàn Kỳ đồng tâu nhà vua cho y nhiếp chính ».
Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế hỏi các quan:
– Chư khanh có ý kiến gì không?
Lý Thường-Kiệt tâu:
– Kể từ khi phò-mã Thân Thiệu-Thái cùng vua bà Bắc-biên tiến quân đánh sang Tống để thị uy đến giờ, bọn hủ nho hiếu chiến chủ trương mở rộng Nam-thùy Tống đã kinh sợ. Tuy nhiên chúng vẫn chưa chịu thôi hẳn. Lợi dụng Tống đế cao niên, sức khỏe suy kiệt, chúng thuyết phục thái-tử kinh lý Nam-thùy. Quốc-phụ biết rất rõ. Người thiết kế cho vua bà Bắc-biên, phò-mã Thân Thiệu-Thái, U-bon vương Lê Văn, rồi võ-lâm Đại-Việt làm cho thái-tử kinh hồn táng đởm trốn về nước. Một mặt Quốc-phụ báo cho Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai biết. Vương sai thủ hạ đón đường, gây cho y thân bại danh liệt. Cho nên nay Thái-tử mất hết ý chí. Tuy vậy bọn chủ Nam xâm gồm: Dư Tĩnh, Tiêu Cố, Tiêu Chú, Lý Hiến, Quách Qùy, Triệu Tiết đã mật hội với nhau, tìm dịp gây hấn ở Nam-phương, tạo ra một vài biến cố để triều đình phải dốc quân nghiêng nước chiếm Đại-Việt. Chúng soạn kế hoạch Ngũ-lôi, để đánh chiếm Nam phương. Nay giữa Hoàng-hậu với tể-tướng Hàn Kỳ có sự tương tranh về việc lập tân quân. Mà phe Hàn Kỳ thắng thế. Như vậy Đại-Việt ta có lợi lớn.
Nhà vua hỏi:
– Khanh hãy kiến giải cái lợi đó như thế nào?
Tâu, nếu như Tống đế băng-hà, thì thái-tử Triệu Thự sẽ lên ngôi vua. Dĩ nhiên trong trường hợp này Hoàng-hậu được phong làm Thái-hậu. Các đại thần theo phe bà ắt đòi cho bà thính chính. Bấy giờ trong triều có hai phe. Hai phe mải tương tranh với nhau, thì không còn nghĩ đến Nam xâm nữa. Cái kế hoạch Ngũ-lôi không người chủ trương trở thành năm cái pháo tịt ngòi.
Lần đầu tiên Ỷ-Lan được nghe đến đại sự. Nàng hỏi:
– Xin sư huynh cho muội biết Hoàng-hậu của Gia-hựu hoàng đế (Nhân-tông) là người như thế nào? Bà có bản lĩnh bằng Lưu hậu của vua Chân-tông trước đây không?
Điều Ỷ-Lan hỏi là điều cả triều đình đều muốn biết. Thường-Kiệt lấy ra một tập giấy, rồi đọc:
– Tâu phu nhân, Tống triều tuy là triều đình trọng Nho học, nhưng hậu cung lại thường xen vào việc triều chính hơi nhiều. Một là khởi đầu khi khi lập lên triều Tống, sinh mẫu của Thái-tổ là Chiêu-huệ Đỗ thái hậu khuyên nhà vua nên nhường ngôi cho em, mà không nhường ngôi cho con. Kết quả đưa đến vua Thái-tông được lên làm vua. Vụ này tạo ra một tiền lệ cho các bà thái-hậu xen vào việc triều chính. Hai là Tống triều phát triển học phong cho nữ giới, nên các bà hoàng, bà phi được tuyển đều có thêm điều kiện phải có học. Thời vua Chân-tông về sau, hầu hết các bà phi đều có cái học uyên thâm về Nho. Bà nào càng có học, càng được triều thần xưng tụng, nể vì, dễ leo lên bậc phi, bậc hoàng hậu. Cho nên khi một bà được tuyển cung, dù đã có học, nhưng vẫn cố gắng dùi mài kinh sử. Vốn có học, thì các bà luôn luôn là thầy dạy khai tâm cho con cái. Cho nên con các bà dù thành thân vương, dù thành Thái tử; sau này lên làm đại thần, làm vua đều ảnh hưởng của mẹ hơn là ảnh hưởng của sư-phó. Đó là đều các bà luôn luôn nắm quyền khi con mới lên ngôi vua.
Văn-minh điện đại học sĩ Bùi Hựu phụ họa:
– Vì vậy, khi một bà hoàng hậu không có con trai, mới bắt con người khác trong hoàng tộc về nuôi. Như Lưu hoàng-hậu của vua Chân-tông, bắt con của Lý thần phi đem về nuôi, dối rằng con mình (3). Nên khi vua Chân-tông băng hà, người con đó lên ngôi vua, tức Gia-hựu hoàng đế hiện thời. Bà được phong làm Chương-hiến minh-túc hoàng thái hậu. Bà nắm quyền trong mười mấy năm trời, đến nỗi Yên-vương Triệu-nguyên-Nghiễm là chú vua, nắm quyền nghiêng nước, mà phải chờ đến khi Quốc-phụ sang sứ trợ giúp mới loại được bà (4). Về Gia-hựu hoàng đế, dường như trước đây có một hoàng hậu bị giết, đến nỗi Ưng-sơn song hiệp nổi giận tru diệt đến mấy trăm người giữa Biện-kinh thì phải?
Ghi chú,
(3) Tất cả đoạn trên đây nói về hậu cung nhà Tống, tôi thuật đúng nguyên văn Tống-sử, quyển 242, Hậu-phi truyện thượng, trang 8605 đến 8628.
(4) Xin xem Anh-linh thần võ tộc Việt của Yên-tử cư-sĩ.
Thường-Kiệt gật đầu:
– Vâng quả thế. Về các bà phi, bà hậu của Gia-hựu hoàng đế thì đầu tiên là Quách hoàng-hậu. Hậu là người châu Ứng, đất Kim-thành, cháu của đại thần Bình-lỗ quân Tiết-độ sứ. Niên hiệu Thiên-thánh thứ nhì (Giáp-tý, 1024) được phong hoàng-hậu. Lúc đầu, nhà vua sủng ái Trương mỹ-nhân, muốn lập làm hoàng-hậu. Nhưng Chương-hiến minh túc hoàng thái hậu (Lưu hậu) bác bỏ. Sau Thượng mỹ nhân, Dương mỹ nhân lại được nhà vua sủng ái. Hai bà này ỷ được sủng ái, lại cậy biết võ, thường bất tuân chỉ của hậu. Một hôm, Thượng mỹ nhân hỗn láo dám đánh hậu. Vốn là sư tỷ của công chúa Huệ-Nhu tức vương phi Kinh-Nam vương Trần-tự-Mai, võ công hậu rất cao. Hậu nổi giận phóng chưởng đánh Thượng mỹ nhân. Hai người diễn ra cuộc chiến. Qua vài chục chiêu, Thượng mỹ nhân lạc bại bị đánh ngã. Hậu dáng xuống một chưởng trầm trọng, nhà vua thấy vậy nhảy lên đỡ chưởng của hậu. Nhưng công lực nhà vua thấp quá, hậu lại không thu được chưởng về, thành ra nhà vua trúng chưởng bị bay tung đi đến hơn trượng. Sau đó hậu cực lực tạ tội. Nhưng nhà vua vẫn nổi giận, mưu với viên thái giám Văn-Ứng, lĩnh chức Nhập-nội đô-tri để phế hậu. Văn-Ứng khuyên nhà vua để thương tích tím bầm trên mặt ra thiết triều, rồi cáo với đình thần biết. Tể tướng Lã Di-Giản trước đây theo phe Lưu hậu, dối vua; bị hậu tâu vua cách chức. Nay Giản được dịp trả thù, khuyên vua phế hậu. Nhà vua nghe theo, phế hậu, giáng làm Tịnh-phi, Ngọc-kinh sung diệu tiên sư, cải tên là Thanh-ngộ, đầy vào cung Trường-lạc. Các đại thần như Khổng Đạo-Phụ, Phạm Trọng-Yêm, Đoàn Thiếu-Vận đều dâng biểu nói hậu vô tội. Nhà vua nổi giận, cách chức cả ba người. Niên hiệu Cảnh-hựu nguyên niên (Giáp-tuất, 1034), Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai và công chúa Huệ-Nhu thắng Tây-hạ, hồi triều. Vương hỏi thăm hậu tại sao mà bị đầy? Nhà vua sợ rằng nếu không xử vụ án đúng luật, thì vương sẽ giết Thượng, Dương mỹ nhân ngay. Vì vậy hậu được tha khỏi cung Trường-lạc, cho về ở cung Dao-hoa, phong làm Kim-đình giáo chủ, Sung-tĩnh nguyên sư. Nhà vua rất hối hận việc này, nhân đó làm bài nhạc-phủ, tặng hậu. Hậu hòa lại, lời lẽ cực kỳ thống thiết bi ai. Thượng mỹ nhân bị giáng xuống làm Động-chân cung nhân, Dương mỹ nhân bị giam ở một khu vườn trong cung. Một hôm nhà vua nhớ lại tình ái nồng nàn với hậu, mật sai sứ mời hậu. Hậu tâu: « Nếu bệ hạ muốn vời một hoàng hậu, thì phải họp trăm quan, ban sách phong, phục hồi ngôi vị hoàng hậu đã ». Giữa lúc đó Kinh-Nam vương phải trấn nhậm ở phương Bắc. Bọn Nho thần Lã Di-Giản lại dèm pha, nên sách phục hồi hoàng hậu bị bỏ. Nhân một lần hậu bệnh, Văn Ứng dâng thuốc, hai ngày sau hậu băng. Sau Kinh-Nam vương hồi triều điều tra ra vụ Văn Ứng thuốc hậu chết. Ưng-sơn song hiệp giết cả nhà Văn Ứng hơn trăm người, kể cả trâu bò, lừa ngựa, chó mèo, gà vịt.
Tể-tướng Lý Đạo-Thành hỏi:
– Còn đương kim Tào hoàng hậu. Bà xuất thân ra sao?
– Trình Tể-tướng đương kim Hoàng-hậu của Gia-hựu hoàng đế, bà là người có học, võ công cao, lại can đảm, đạo đức, nên rất nhiều uy tín. Tuy bà không có con trai, nhưng bà nuôi dạy thái-tử Triệu Thự từ hồi thơ ấu. Sau này lớn lên, Triệu Thự uất ức vì cái chết của cha đẻ mình do Kinh-Nam vương giết, nên không theo chủ trương hoà hoãn Nam-phương của bà, mà chủ trương Nam xâm. Bà họ Tào, gốc người Chân-định, cháu của Khu-mật viện sứ Chu-vũ Huệ-vương Tào Lâm, khai quốc công thần thời Tống Thái-tổ. Hồi còn là khuê nữ, bà có học võ, học văn với Phiêu-kị đại tướng quân, lĩnh Tư-mã Kinh-châu Trần Trung-Đạo. Vì vậy võ công của bà rất cao thâm, lại đàn ngọt, hát hay, có tài hội họa. Bà chế ra loại sơn vẽ trên lụa, trên gấm để may quần áo.
Triều đình cùng bật lên tiếng «Ồ».
Thường-Kiệt đưa mắt nhìn Ỷ-Lan rồi nói tiếp:
– Niên hiệu Minh-Đạo thứ nhì (Quý-Hợi, 1023) Quách hậu bị phế, bà được chiếu vời nhập cung. Tháng chín, niên hiệu Cảnh-hựu nguyên-niên (Giáp-Tuất, 1034) sách phong làm hoàng hậu. Tuy làm Hoàng-hậu, là chị dâu của Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai với công chúa Huệ-Nhu, nhưng khi gặp hai vị này, bà vẫn gọi vương là sư thúc, xưng là đệ tử.
Tham-tri Quách Sĩ-An mới về triều làm quan, ông không biết nhiều về chuyện võ lâm, nên hỏi:
– Xin Thiếu-bảo cho biết rõ hơn, tại sao bà lại gọi Kinh-Nam vương là sư thúc?
– Nguyên Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai, xuất thân từ phái Đông-a, là em kết nghĩa của Tống đế. Nhưng vương là sư đệ của Tư-mã Kinh-châu Trần Trung-Đạo. Nếu xét về phía nhà vua, thì hậu là chị dâu của vương. Còn xét về võ học, thì vương là sư thúc của hậu.
Nhà vua gật đầu tỏ ý hài lòng, ngài phán với Lý Thường-Kiệt:
– Cũng như Ỷ-Lan, tuy làm phu nhân của trẫm, ở ngôi nghĩa mẫu của khanh, nhưng vẫn trọng vai sư huynh của khanh vậy.
– Tính hậu ôn nhu văn nhã, từ ái, kiệm ước. Tất cả hoa cảnh trong Thượng-uyển đều chính tay hậu với cung nga trồng. Gấm vóc, lụa là trong cung cũng chính hậu dạy cung nữ dệt. Niên hiệu Khánh-lịch thứ tám, tháng giêng (Mậu-Tý, 1048), nhân hội hoa đăng, nhà vua muốn dạo chơi kinh thành. Hậu cực lực can gián vì cảm thấy như sắp có biến cố gì. Quả nhiên sau đó ba ngày, một số thị-vệ gác Hoàng-thành, đang đêm làm loạn. Chúng tìm nhà vua ở tẩm điện. Bấy giờ hậu đang hầu nhà vua, thấy nhà vua định chạy trốn. Hậu sai đóng cửa cung, truyền cho Nhập-nội đô-tri Vương Thủ-Trung đem thị-vệ tới cứu giá. Cuộc chiến đang diễn ra, nhiều cung nga, thái giám bị giết. Một số các bà phi ngồi run sợ khóc lóc. Hậu rút kiếm ra quát lớn: hãy đứng lên chống giặc, còn hơn ngồi khóc chờ giặc giết. Hậu đoán giặc tấn công không xong, tất phóng hỏa, nên truyền cung nga, thái giám múc nước dội lên cửa cung. Quả nhiên giặc phóng hỏa, cung không cháy. Sau cùng hậu rút kiếm xung ra phá vòng vậy. Thủ lĩnh giặc đấu với hậu hơn hai trăm chiêu, bị hậu giết. Giữa lúc đó cứu binh tới, giặc tan. Hậu gọi tất cả cung nga, thái giám, thị-vệ chiến đấu tại tẩm cung đến trước mặt, vung kiếm cắt hết búi tóc. Người người tái mặt, không ai hiểu tại sao cả.
Ỷ-Lan than:
– Bà thông minh thực.
Nhà vua hỏi:
– Khanh khen bà là ý gì vậy?
– Tâu, trong khi giặc nổi lên, có người theo giặc, có người chiến đấu chống giặc. Như vậy sau khi giặc tan, thiếu gì kẻ theo giặc vỗ ngực tự xưng là chiến đấu chống giặc cứu giá? Này Thái-bảo sư huynh. Muội nghĩ, sau khi dẹp giặc, Hoàng-hậu sẽ cho tập trung cung nga, thái giám, thị vệ lại, chia làm hai loại. Loại y phục sạch là loại hèn nhát trốn tránh. Còn loại y phục dơ bẩn, tro bụi đầy người, sẽ chia làm hai. Ai còn nguyên tóc là theo giặc. Ai bị cắt tóc là có công cứu giá.
– Tâu phu nhân đúng thế. Sau khi dẹp xong giặc, ai cũng vỗ ngực xưng là đã liều chết cứu giá. Nhà vua định phong thưởng cho tất cả. Hậu đã phân loại như trên. Những ai hèn nhát thì tha tội. Kẻ theo phản loạn thì đem xử tử hết. Còn những người có công thì được phong thưởng. Từ ngày ấy đến giờ uy tín của hậu rất cao.
Đến đó thì lễ quan vào tâu:
– Quốc-công Thân Thiệu-Cực vừa về triều, xin yết kiến khẩn cấp.
Nhà vua thân đứng dậy ra đón Thiệu-Cực. Ngài nắm tay ông:
– Biểu huynh thực vì xã tắc mà lao khổ quá độ.
Ngài dẫn ông vào, kéo ghế để ngồi cạnh, lại thân rót chén sâm thang ban cho ông. Thiệu-Cực tâu:
– Sau khi gửi tấu chương cho chim ưng mang đi, thần vẫn không yên tâm, phải trở về để diện tấu.
Tể-tướng Lý Đạo-Thành tóm lược những điều đã nghị sự cho Thiệu-Cực nghe.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook