Mùa Trôi Trên Quang Gánh
-
Chương 20: Vườn xưa
Rất nhiều đêm tôi mơ thấy mình trở lại khu vườn xưa, đi trong rập rờn những cánh bướm để rồi tỉnh dậy ngậm ngùi, tiếc nuối.
Khu vườn xưa ấy vẫn còn, chỉ mất một giờ đồng hồ chạy xe máy là có thể thoải mái dạo bước thong dong, hưởng gió sông, gió đồng và ngắm mây bay phía chân trời. Nhưng đàn bướm thì đã ra đi, chẳng bao giờ trở lại.
Nhà tôi, một bên là đường, một bên là sông. Trước mặt là đồi, sau lưng là núi. Có lẽ, khi mở đường, người ta đã san vạt bớt chân đồi, hoặc giả, ngay bản thân mảnh đất nhà tôi đã là chân đồi nên trong vườn vẫn còn dấu tích của đồi núi. Đó là những loại cây chỉ thấy trên đồi như hà thủ ô, sim mua, dương xỉ, dây leo không tên chằng chịt. Có những dây leo trông như rắn rết vằn vện, đáng sợ vô cùng, nhưng cũng có những dây leo mềm mại, xanh mướt, tua dài yêu kiều đến lạ. Cứ bước chân ra khỏi nhà là nhìn thấy cây. Cây ăn quả tán to um tùm phía trên, nào mít nào dừa, doi, nhãn, vải, xoài, ổi, hồng xiêm, hồng ngâm, trứng gà... Còn tán dưới là vô vàn những loài cây dại, có tên, không tên, tự đặt tên, nhiều vô kể. Cứ đi một vòng quanh khu vườn gần nghìn mét vuông mà tẩn mẩn đếm, ngắm cũng đã hết cả một ngày.
Này nhé, đọt non của những cây dương xỉ cuộn lại như con cuốn chiếu cỡ đại, càng lớn càng vươn dài ra. Còn cây hà thủ ô thì cứ dứt lá, dứt cành là tứa đầy nhựa trắng, vài hôm sau lại mọc chồi mới lên ngay. Có lần, bắt được mấy con ve sầu non, nghe nói ve ăn nhựa cây, chúng tôi ra sức ấn vòi của ve vào đám nhựa đặc sịt ấy. Hà thủ ô còn dùng làm thuốc cơ mà, ve ăn thứ này tha hồ bổ. Ai ngờ, bổ đâu chả thấy, chỉ thấy mấy con ve cứ khật khừ rồi chết cứng, chắc tại do nhựa bít hết cả vòi chúng lại. Rồi thì cây hoa bướm trắng đổ dây khắp hàng rào. Kì lạ, đầu mỗi cành cây ấy có một chiếc lá mỏng, mịn và trắng tinh như cánh hoa, tưởng đó là hoa rồi, nhưng phía trên còn rất nhiều những bông hoa nhỏ khác hình ống chọc lên trời như mũi tên màu vàng, thành ra chẳng biết đâu mới là hoa, hay đâu là hoa, đâu là nhụy của chúng nữa. Loài hoa này ra hoa quanh năm, kể cả mùa đông lạnh giá, nhưng rộ nhất vào hè. Nhìn từ xa, mỗi khi có gió khu vườn như có cả một đàn bướm trắng đang đậu và vẫy cánh, đẹp mê hồn.
Vườn lại có những cây cành lá cứng cỏi như cổ thụ nhưng thấp lè tè. Cứ cuối xuân đầu hạ chúng nở những chiếc hoa chỉ bé bằng cúc áo nhưng vàng tươi, chi chít khắp vườn. Hoa này chúng tôi gọi là mai vàng, cũng giống như một loài hoa khác, cánh to hơn, màu hồng mỏng manh, có chiếc nhụy dài như vòi voi thì được đặt là hoa đào tiên. Ngay cả những dây thài lài bò dọc ngang chỉ dùng vào mỗi việc nấu cám cho lợn cũng trổ những bông hoa màu xanh biếc như da trời. Những cây bụi nhỏ tí tẹo mùa nào cũng ra hoa, loài đỏ loài xanh, loài vàng loài trắng, loài thì rộ lên vào mùa xuân, loài lại thích hứng sương đông. Đặc biệt, những cây tam thất được chúng tôi gọi là “hoa báo hè” vì lẽ, cứ mùa đông, những chiếc lá màu huyết dụ rạc hết đi, khô xác rồi biến mất trên mặt đất. Cuối xuân thời tiết dịu ngọt, trên mặt đất xốp mềm vẫn chưa có dấu tích gì, nhưng khi cái nắng hè vừa loe lên phía đằng đông, thì từ những củ tròn và đắng chôn sâu bỗng bật lên những chiếc hoa hơi giống hoa loa kèn nhưng không đơn điệu như thế mà cánh tím, cánh trắng, lại có thêm vài cái tua nhỏ, giản dị mà như một phép lạ. Khắp vườn thứ hoa ấy mọc lên từ đất, như ai nghịch dại bẻ hoa ở đâu đó mà cắm xuống đất vậy. Hoa cứ thế trồi lên từng đám, được khoảng tuần lễ thì héo gục đi, đấy mới là lúc lứa lá mới bắt đầu trồi lên, một vòng đời mới của cây bắt đầu. Còn một loài cây dại khác, cao to hơn nhưng rất mảnh mai, cuối thu thì ra hoa, hoa nhỏ li ti như hạt tấm, tỏa hương ngòn ngọt, hăng hắc rồi lặng lẽ kết quả trong bờ rào. Cứ cơn gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về, cộng thêm đợt mưa đêm rả rích, sáng ra nhìn thấy loài cây ấy như lột xác. Những quả nhỏ xanh xao chẳng ai để ý hàng ngày bỗng trở nên trắng tinh, trong suốt như những viên ngọc giăng mắc chi chít trên cành nhỏ diễm lệ, đọng thêm vài giọt nước mưa vào nữa, đẹp mê hồn. Chúng tôi gọi đó là “cây báo đông” là vì thế. Suốt mùa đông giá rét, những hạt ngọc vẫn ngời ngời, đẹp đến nỗi chẳng ai nỡ bẻ một cành chơi, thậm chí, nhìn những quả rụng dưới đất mà còn thấy xót xa, thương cảm.
Nhưng trong vườn, thú vị nhất là những loài cây vừa cho ngắm hoa vừa ăn được quả. Cây chua me đất trổ hoa vàng trên chiếc cuống dài lêu nghêu, sau đó đậu quả nhọn hoắt như chiếc kiếm chĩa lên trời. Cả hoa, cả lá, cả quả của nó đều có thể làm món ăn ngon cho lũ trẻ rồi mồm. Cây thòm bỏm, quả tròn như hòn bi ve, xanh mướt được bọc trong một chiếc túi rõ điệu. Xé hoặc cầm chiếc túi bé con ấy đập toách lên trán, thế là quả rơi ra, ăn ngọt nhưng lờ lợ như mì chính. Cây canh châu hơi giống cây duối, vắt vẻo gần bờ sông, quả của nó nhỏ chỉ bằng hạt gạo nếp, chua chua chan chát, ăn cả ngày không chán.
Riêng cây nho dại (mà không biết ai đó bảo là cây bột sạt) thì chẳng khác nào thứ quả trời cho với bọn trẻ háu ăn. Cành nhỏ và khỏe với những tay tua bò tỏa khắp hàng rào ven sông, lá như lá nho nhưng nhỏ hơn, đương nhiên, những chùm quả cũng chẳng khác gì chùm nho mà có phần còn đẹp mắt hơn nữa vì chẳng có loài sâu bọ nào ăn. “Quả nho” chỉ nhỏ bằng hạt đỗ đen, mọng nước và cũng có hạt ở trong. Khi xanh, ăn vào thấy chua, chan chát và nhằn nhặn ở đầu lưỡi. Nhưng khi chín thì từng chùm từng chùm tím lịm đung đưa trong gió, ngọt và hấp dẫn vô cùng. Oái oăm là, cứ những chùm to, đẹp, chi chít quả thì lại treo cao lủng lẳng, có khi nối từ hàng rào lên tận ngọn xoan, ngọn tre. May sao, dây nho dai khỏe, chỉ cần kéo một dây là bao nhiêu chùm nho về tay cả, lại không bị rơi rụng, dập nát. Là thứ quả dại nên ăn nhiều bột sạt chín, dù ngọt nhưng vẫn có cảm giác say say. Song, vừa ăn vừa làm đồ chơi, lại tự thưởng cho mình cảm giác đang có trong tay thứ quả cao cấp, chẳng gì thú vị bằng.
Cứ thế, ngoài những cây ăn quả chính trong vườn, những cây dại cũng là nguồn cung cấp thực phẩm tự túc đáng kể cho những đứa trẻ nhà nghèo. Phải đến khi trời đông tháng giá, đa phần những cây hoa đều lụi cả thì đã có những dây củ chè xanh um khắp vườn. Củ dưới đất thì chưa già nhưng ở mỗi nách lá thế nào cũng có vài “củ” lủng lẳng như những quả trứng gà, vặt về cho vào bếp than nướng, mùi cháy tỏa ra thơm lừng, cắn sẽ vài miếng nóng hổi hoải, thấy vừa bùi vừa béo, ăn mãi không chán. Nhưng củ chè không phải là kho vô đáy, vì thế lúc hết thì chúng tôi lại mò ra mấy gốc mây ở góc vườn. Những bụi mây từ lá đến thân chi chít gai, ngay cả buồng quả cũng cũng đầy gai sắc nhọn. Phải kiên trì lắm, vì buồng quả mây cũng dai như dây mây vậy. Những quả bé bằng hạt đỗ xanh, vỏ dày xịt và chắc vảy, nhưng nhai kĩ thì vị chua, chát quện vào nhau, cũng đỡ buồn mồm. Cũng chỉ được vài tuần thôi, sau đó quả mây già, hột cứng như đá, thịt quả khô teo đi, ăn chả còn vị gì nữa.
Cũng như chúng tôi, lũ chim cũng muốn tìm về đây trú ngụ, vừa được nghỉ ngơi yên tĩnh, vừa có quả ăn. Suốt đêm mùa hè và cả những đêm đông, tiếc cuốc cuốc kêu, tiếng cu gáy gù gù bên bờ sông vẳng sang, khi buồn khi vui. Sáng sớm và mỗi chiều muộn, thể nào cũng có tiếng loài chim gì đó, đậu vắt vẻo trên cành tre hót “tu tu huýt” lảnh lót vui tai, nhẹ nhõm. Rồi cả ngày, đàn chích chòe, chim sẻ đùa nhau ríu rít trong khi những chú chim sâu chỉ chăm chăm nhảy nhót, kiếm ăn. Bờ tre là chỗ đậu của đàn cò trắng, thi thoảng có cả những con cú mèo to như con gà, lông vằn trông sờ sợ gật gù ở đấy. Không biết cơ man nào là chim, cả những loài chim chẳng bao giờ biết tên, lông trắng, lông đen hoặc sặc sỡ đủ màu, con đậu trên cây, con lặng lẽ dưới đất như bầy gà con dạo chơi trong vườn. Ồn ào nhất phải kể đến lũ chào mào đỏ đít, cứ hễ cây hồng ngâm quả đỏ điểm da trời là chúng kéo nhau về, vừa ăn vừa cãi nhau ỏm tỏi, rõ là giống ăn trộm mà còn không biết kín tiếng. Có khi, chỉ cần nằm trong nhà, nhắm mắt lại, nghe tiếng chim ngoài kia thôi cũng đã thấy một buổi sáng, buổi chiều thú vị lắm rồi.
Ra vườn, tôi không chỉ được ngắm cây, ăn quả mà còn được ngắm hầu hết các họ hàng nhà bướm. Nhỏ nhất là những cô cánh tiên, bay chậm hoặc toàn đậu trên hoa, trên lá vì cánh nhỏ hoa văn sặc sỡ không đỡ nổi chiếc bụng to nặng nề. Nhỉnh hơn là bướm gì không rõ, hai ba cô chỉ bằng chiếc vảy hến màu tím nhạt, mơ phai, thoắt đang vờn nhau trước mắt lại theo gió bay biến đâu mất. Lớn hơn chút nữa là từng đàn bướm vàng, bướm trắng nhanh nhảu vừa sà xuống luống rau cải, giàn mướp rồi cũng đập cánh bay vút đi như thể không đủ thời gian để mà rong chơi. Có những sớm mùa đông, sương mờ còn lằng lặng trên mặt đất nhưng nắng vàng đã sưởi ấm bầu trời, nhìn xuống vườn, thấy mấy chục con bướm tụ thành mảng vàng nhạt, trắng phấn, dụi mắt cái đã không còn nữa, chẳng biết mình đang mơ hay đang tỉnh nữa. Đủng đỉnh nhất là những con bướm hoa, la cà hết bông hoa này đến bông hoa khác, cánh tuyền một màu nâu sáng, điểm vô vàn chấm màu bắt mắt.
Nhưng đẹp nhất phải kể đến loại bướm có đôi cánh màu đen ánh biếc xanh, thêm đôi cánh nhỏ hình dáng điệu đàng phía đuôi, nơi ấy tập trung đủ màu sắc trên đời, từ đỏ rực đến vàng cam, xanh lam, tím biếc đến những màu không thể gọi tên, tạo nên sự sặc sỡ, rực rỡ lạ kì. Chị tôi rất thích những con bướm này, hễ chúng xuất hiện là đuổi bắt bằng được để ép vào cuốn sổ tay, đi khoe với bạn bè. Mỗi ngày chị tôi bắt được chục con. Có khi hai, ba con đi theo đôi, theo đoàn bị bắt hết cả. Nhìn những con bướm sinh động, rập rờn trước gió bỗng chốc nằm im lìm, bẹp bụng, khô xác, phấn dây đầy những trang sổ, tôi xót xa vô cùng. Thay vì thấy bướm là gọi như chị dặn, tôi cứ muốn xua đuổi những con bướm, nhất là bướm đẹp ra khỏi vườn mình. Mặc dù vậy, bướm đến vẫn rất nhiều. Từ sáng đến chiều, vài chục lượt, có khi cả trăm lượt bướm bay, đậu đầy vườn, dù nắng nóng đến mấy tôi cũng cứ muốn nằm dài trên thành giếng, ngửa mắt ngắm trời và nhìn bầy bướm bay lượn. Chỉ ghét nhất là những con ngài, động vào là ngứa. Sợ nhất là những con bướm khế, màu sắc dị hợm lại to như hai mảnh trai úp. Hôm nào có con bướm ma có hoa văn kì bí bay vào nhà, thể nào cả nhà cũng lo thom thỏm, chẳng biết có điềm gì.
Sau này tôi mới biết, vườn nhiều cây thế, tất nhiên nhiều sâu, mà nhiều sâu thì đương nhiên có nhiều bướm. Bây giờ, cây cối được “quy hoạch” lại gọn gàng, chỉ còn những cây ăn quả và ít loài rau. Nhiều khi trở về, muốn tìm lại một tí xúc cảm trẻ con, bâng khuâng khi nhìn bông thài lài xanh ngắt điệp với màu trời, thêm một đám mây trắng bông bay qua, thèm được như bầy bướm rong chơi khắp nơi, bay vượt qua sông, bay đến tận làng xa, núi thẳm cũng chẳng còn nữa. Những loài cây trong kí ức hầu như đã biến mất. Những cánh bướm cũng đã ra đi cùng tuổi thơ mất rồi.
Chợt nghĩ, ngay đến trong khu vườn nhà mình, chỉ hơn chục năm qua mà đã có nhiều loài cây và cả tiếng chim, cánh bướm cũng tuyệt nhiên không xuất hiện trở lại thì trách sao được trên đất nước mình, trên thế giới suốt bao nhiêu năm qua có bao nhiêu loài cây, con vật bị bắn giết, bị tuyệt chủng? Mỗi khi nhớ quá đành để trí tưởng tượng của mình vượt thời gian, không gian bay về ngày xưa, hoặc giả may mắn hơn được một giấc mơ bất chợt kéo về, thế là hạnh phúc lắm rồi.
_
Khu vườn xưa ấy vẫn còn, chỉ mất một giờ đồng hồ chạy xe máy là có thể thoải mái dạo bước thong dong, hưởng gió sông, gió đồng và ngắm mây bay phía chân trời. Nhưng đàn bướm thì đã ra đi, chẳng bao giờ trở lại.
Nhà tôi, một bên là đường, một bên là sông. Trước mặt là đồi, sau lưng là núi. Có lẽ, khi mở đường, người ta đã san vạt bớt chân đồi, hoặc giả, ngay bản thân mảnh đất nhà tôi đã là chân đồi nên trong vườn vẫn còn dấu tích của đồi núi. Đó là những loại cây chỉ thấy trên đồi như hà thủ ô, sim mua, dương xỉ, dây leo không tên chằng chịt. Có những dây leo trông như rắn rết vằn vện, đáng sợ vô cùng, nhưng cũng có những dây leo mềm mại, xanh mướt, tua dài yêu kiều đến lạ. Cứ bước chân ra khỏi nhà là nhìn thấy cây. Cây ăn quả tán to um tùm phía trên, nào mít nào dừa, doi, nhãn, vải, xoài, ổi, hồng xiêm, hồng ngâm, trứng gà... Còn tán dưới là vô vàn những loài cây dại, có tên, không tên, tự đặt tên, nhiều vô kể. Cứ đi một vòng quanh khu vườn gần nghìn mét vuông mà tẩn mẩn đếm, ngắm cũng đã hết cả một ngày.
Này nhé, đọt non của những cây dương xỉ cuộn lại như con cuốn chiếu cỡ đại, càng lớn càng vươn dài ra. Còn cây hà thủ ô thì cứ dứt lá, dứt cành là tứa đầy nhựa trắng, vài hôm sau lại mọc chồi mới lên ngay. Có lần, bắt được mấy con ve sầu non, nghe nói ve ăn nhựa cây, chúng tôi ra sức ấn vòi của ve vào đám nhựa đặc sịt ấy. Hà thủ ô còn dùng làm thuốc cơ mà, ve ăn thứ này tha hồ bổ. Ai ngờ, bổ đâu chả thấy, chỉ thấy mấy con ve cứ khật khừ rồi chết cứng, chắc tại do nhựa bít hết cả vòi chúng lại. Rồi thì cây hoa bướm trắng đổ dây khắp hàng rào. Kì lạ, đầu mỗi cành cây ấy có một chiếc lá mỏng, mịn và trắng tinh như cánh hoa, tưởng đó là hoa rồi, nhưng phía trên còn rất nhiều những bông hoa nhỏ khác hình ống chọc lên trời như mũi tên màu vàng, thành ra chẳng biết đâu mới là hoa, hay đâu là hoa, đâu là nhụy của chúng nữa. Loài hoa này ra hoa quanh năm, kể cả mùa đông lạnh giá, nhưng rộ nhất vào hè. Nhìn từ xa, mỗi khi có gió khu vườn như có cả một đàn bướm trắng đang đậu và vẫy cánh, đẹp mê hồn.
Vườn lại có những cây cành lá cứng cỏi như cổ thụ nhưng thấp lè tè. Cứ cuối xuân đầu hạ chúng nở những chiếc hoa chỉ bé bằng cúc áo nhưng vàng tươi, chi chít khắp vườn. Hoa này chúng tôi gọi là mai vàng, cũng giống như một loài hoa khác, cánh to hơn, màu hồng mỏng manh, có chiếc nhụy dài như vòi voi thì được đặt là hoa đào tiên. Ngay cả những dây thài lài bò dọc ngang chỉ dùng vào mỗi việc nấu cám cho lợn cũng trổ những bông hoa màu xanh biếc như da trời. Những cây bụi nhỏ tí tẹo mùa nào cũng ra hoa, loài đỏ loài xanh, loài vàng loài trắng, loài thì rộ lên vào mùa xuân, loài lại thích hứng sương đông. Đặc biệt, những cây tam thất được chúng tôi gọi là “hoa báo hè” vì lẽ, cứ mùa đông, những chiếc lá màu huyết dụ rạc hết đi, khô xác rồi biến mất trên mặt đất. Cuối xuân thời tiết dịu ngọt, trên mặt đất xốp mềm vẫn chưa có dấu tích gì, nhưng khi cái nắng hè vừa loe lên phía đằng đông, thì từ những củ tròn và đắng chôn sâu bỗng bật lên những chiếc hoa hơi giống hoa loa kèn nhưng không đơn điệu như thế mà cánh tím, cánh trắng, lại có thêm vài cái tua nhỏ, giản dị mà như một phép lạ. Khắp vườn thứ hoa ấy mọc lên từ đất, như ai nghịch dại bẻ hoa ở đâu đó mà cắm xuống đất vậy. Hoa cứ thế trồi lên từng đám, được khoảng tuần lễ thì héo gục đi, đấy mới là lúc lứa lá mới bắt đầu trồi lên, một vòng đời mới của cây bắt đầu. Còn một loài cây dại khác, cao to hơn nhưng rất mảnh mai, cuối thu thì ra hoa, hoa nhỏ li ti như hạt tấm, tỏa hương ngòn ngọt, hăng hắc rồi lặng lẽ kết quả trong bờ rào. Cứ cơn gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về, cộng thêm đợt mưa đêm rả rích, sáng ra nhìn thấy loài cây ấy như lột xác. Những quả nhỏ xanh xao chẳng ai để ý hàng ngày bỗng trở nên trắng tinh, trong suốt như những viên ngọc giăng mắc chi chít trên cành nhỏ diễm lệ, đọng thêm vài giọt nước mưa vào nữa, đẹp mê hồn. Chúng tôi gọi đó là “cây báo đông” là vì thế. Suốt mùa đông giá rét, những hạt ngọc vẫn ngời ngời, đẹp đến nỗi chẳng ai nỡ bẻ một cành chơi, thậm chí, nhìn những quả rụng dưới đất mà còn thấy xót xa, thương cảm.
Nhưng trong vườn, thú vị nhất là những loài cây vừa cho ngắm hoa vừa ăn được quả. Cây chua me đất trổ hoa vàng trên chiếc cuống dài lêu nghêu, sau đó đậu quả nhọn hoắt như chiếc kiếm chĩa lên trời. Cả hoa, cả lá, cả quả của nó đều có thể làm món ăn ngon cho lũ trẻ rồi mồm. Cây thòm bỏm, quả tròn như hòn bi ve, xanh mướt được bọc trong một chiếc túi rõ điệu. Xé hoặc cầm chiếc túi bé con ấy đập toách lên trán, thế là quả rơi ra, ăn ngọt nhưng lờ lợ như mì chính. Cây canh châu hơi giống cây duối, vắt vẻo gần bờ sông, quả của nó nhỏ chỉ bằng hạt gạo nếp, chua chua chan chát, ăn cả ngày không chán.
Riêng cây nho dại (mà không biết ai đó bảo là cây bột sạt) thì chẳng khác nào thứ quả trời cho với bọn trẻ háu ăn. Cành nhỏ và khỏe với những tay tua bò tỏa khắp hàng rào ven sông, lá như lá nho nhưng nhỏ hơn, đương nhiên, những chùm quả cũng chẳng khác gì chùm nho mà có phần còn đẹp mắt hơn nữa vì chẳng có loài sâu bọ nào ăn. “Quả nho” chỉ nhỏ bằng hạt đỗ đen, mọng nước và cũng có hạt ở trong. Khi xanh, ăn vào thấy chua, chan chát và nhằn nhặn ở đầu lưỡi. Nhưng khi chín thì từng chùm từng chùm tím lịm đung đưa trong gió, ngọt và hấp dẫn vô cùng. Oái oăm là, cứ những chùm to, đẹp, chi chít quả thì lại treo cao lủng lẳng, có khi nối từ hàng rào lên tận ngọn xoan, ngọn tre. May sao, dây nho dai khỏe, chỉ cần kéo một dây là bao nhiêu chùm nho về tay cả, lại không bị rơi rụng, dập nát. Là thứ quả dại nên ăn nhiều bột sạt chín, dù ngọt nhưng vẫn có cảm giác say say. Song, vừa ăn vừa làm đồ chơi, lại tự thưởng cho mình cảm giác đang có trong tay thứ quả cao cấp, chẳng gì thú vị bằng.
Cứ thế, ngoài những cây ăn quả chính trong vườn, những cây dại cũng là nguồn cung cấp thực phẩm tự túc đáng kể cho những đứa trẻ nhà nghèo. Phải đến khi trời đông tháng giá, đa phần những cây hoa đều lụi cả thì đã có những dây củ chè xanh um khắp vườn. Củ dưới đất thì chưa già nhưng ở mỗi nách lá thế nào cũng có vài “củ” lủng lẳng như những quả trứng gà, vặt về cho vào bếp than nướng, mùi cháy tỏa ra thơm lừng, cắn sẽ vài miếng nóng hổi hoải, thấy vừa bùi vừa béo, ăn mãi không chán. Nhưng củ chè không phải là kho vô đáy, vì thế lúc hết thì chúng tôi lại mò ra mấy gốc mây ở góc vườn. Những bụi mây từ lá đến thân chi chít gai, ngay cả buồng quả cũng cũng đầy gai sắc nhọn. Phải kiên trì lắm, vì buồng quả mây cũng dai như dây mây vậy. Những quả bé bằng hạt đỗ xanh, vỏ dày xịt và chắc vảy, nhưng nhai kĩ thì vị chua, chát quện vào nhau, cũng đỡ buồn mồm. Cũng chỉ được vài tuần thôi, sau đó quả mây già, hột cứng như đá, thịt quả khô teo đi, ăn chả còn vị gì nữa.
Cũng như chúng tôi, lũ chim cũng muốn tìm về đây trú ngụ, vừa được nghỉ ngơi yên tĩnh, vừa có quả ăn. Suốt đêm mùa hè và cả những đêm đông, tiếc cuốc cuốc kêu, tiếng cu gáy gù gù bên bờ sông vẳng sang, khi buồn khi vui. Sáng sớm và mỗi chiều muộn, thể nào cũng có tiếng loài chim gì đó, đậu vắt vẻo trên cành tre hót “tu tu huýt” lảnh lót vui tai, nhẹ nhõm. Rồi cả ngày, đàn chích chòe, chim sẻ đùa nhau ríu rít trong khi những chú chim sâu chỉ chăm chăm nhảy nhót, kiếm ăn. Bờ tre là chỗ đậu của đàn cò trắng, thi thoảng có cả những con cú mèo to như con gà, lông vằn trông sờ sợ gật gù ở đấy. Không biết cơ man nào là chim, cả những loài chim chẳng bao giờ biết tên, lông trắng, lông đen hoặc sặc sỡ đủ màu, con đậu trên cây, con lặng lẽ dưới đất như bầy gà con dạo chơi trong vườn. Ồn ào nhất phải kể đến lũ chào mào đỏ đít, cứ hễ cây hồng ngâm quả đỏ điểm da trời là chúng kéo nhau về, vừa ăn vừa cãi nhau ỏm tỏi, rõ là giống ăn trộm mà còn không biết kín tiếng. Có khi, chỉ cần nằm trong nhà, nhắm mắt lại, nghe tiếng chim ngoài kia thôi cũng đã thấy một buổi sáng, buổi chiều thú vị lắm rồi.
Ra vườn, tôi không chỉ được ngắm cây, ăn quả mà còn được ngắm hầu hết các họ hàng nhà bướm. Nhỏ nhất là những cô cánh tiên, bay chậm hoặc toàn đậu trên hoa, trên lá vì cánh nhỏ hoa văn sặc sỡ không đỡ nổi chiếc bụng to nặng nề. Nhỉnh hơn là bướm gì không rõ, hai ba cô chỉ bằng chiếc vảy hến màu tím nhạt, mơ phai, thoắt đang vờn nhau trước mắt lại theo gió bay biến đâu mất. Lớn hơn chút nữa là từng đàn bướm vàng, bướm trắng nhanh nhảu vừa sà xuống luống rau cải, giàn mướp rồi cũng đập cánh bay vút đi như thể không đủ thời gian để mà rong chơi. Có những sớm mùa đông, sương mờ còn lằng lặng trên mặt đất nhưng nắng vàng đã sưởi ấm bầu trời, nhìn xuống vườn, thấy mấy chục con bướm tụ thành mảng vàng nhạt, trắng phấn, dụi mắt cái đã không còn nữa, chẳng biết mình đang mơ hay đang tỉnh nữa. Đủng đỉnh nhất là những con bướm hoa, la cà hết bông hoa này đến bông hoa khác, cánh tuyền một màu nâu sáng, điểm vô vàn chấm màu bắt mắt.
Nhưng đẹp nhất phải kể đến loại bướm có đôi cánh màu đen ánh biếc xanh, thêm đôi cánh nhỏ hình dáng điệu đàng phía đuôi, nơi ấy tập trung đủ màu sắc trên đời, từ đỏ rực đến vàng cam, xanh lam, tím biếc đến những màu không thể gọi tên, tạo nên sự sặc sỡ, rực rỡ lạ kì. Chị tôi rất thích những con bướm này, hễ chúng xuất hiện là đuổi bắt bằng được để ép vào cuốn sổ tay, đi khoe với bạn bè. Mỗi ngày chị tôi bắt được chục con. Có khi hai, ba con đi theo đôi, theo đoàn bị bắt hết cả. Nhìn những con bướm sinh động, rập rờn trước gió bỗng chốc nằm im lìm, bẹp bụng, khô xác, phấn dây đầy những trang sổ, tôi xót xa vô cùng. Thay vì thấy bướm là gọi như chị dặn, tôi cứ muốn xua đuổi những con bướm, nhất là bướm đẹp ra khỏi vườn mình. Mặc dù vậy, bướm đến vẫn rất nhiều. Từ sáng đến chiều, vài chục lượt, có khi cả trăm lượt bướm bay, đậu đầy vườn, dù nắng nóng đến mấy tôi cũng cứ muốn nằm dài trên thành giếng, ngửa mắt ngắm trời và nhìn bầy bướm bay lượn. Chỉ ghét nhất là những con ngài, động vào là ngứa. Sợ nhất là những con bướm khế, màu sắc dị hợm lại to như hai mảnh trai úp. Hôm nào có con bướm ma có hoa văn kì bí bay vào nhà, thể nào cả nhà cũng lo thom thỏm, chẳng biết có điềm gì.
Sau này tôi mới biết, vườn nhiều cây thế, tất nhiên nhiều sâu, mà nhiều sâu thì đương nhiên có nhiều bướm. Bây giờ, cây cối được “quy hoạch” lại gọn gàng, chỉ còn những cây ăn quả và ít loài rau. Nhiều khi trở về, muốn tìm lại một tí xúc cảm trẻ con, bâng khuâng khi nhìn bông thài lài xanh ngắt điệp với màu trời, thêm một đám mây trắng bông bay qua, thèm được như bầy bướm rong chơi khắp nơi, bay vượt qua sông, bay đến tận làng xa, núi thẳm cũng chẳng còn nữa. Những loài cây trong kí ức hầu như đã biến mất. Những cánh bướm cũng đã ra đi cùng tuổi thơ mất rồi.
Chợt nghĩ, ngay đến trong khu vườn nhà mình, chỉ hơn chục năm qua mà đã có nhiều loài cây và cả tiếng chim, cánh bướm cũng tuyệt nhiên không xuất hiện trở lại thì trách sao được trên đất nước mình, trên thế giới suốt bao nhiêu năm qua có bao nhiêu loài cây, con vật bị bắn giết, bị tuyệt chủng? Mỗi khi nhớ quá đành để trí tưởng tượng của mình vượt thời gian, không gian bay về ngày xưa, hoặc giả may mắn hơn được một giấc mơ bất chợt kéo về, thế là hạnh phúc lắm rồi.
_
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook