Mộng Đổi Đời
Chương 19

Mỗi sáng sớm, mọi người trong thôn đều có thể nghe thấy tiếng gọi “Trường Xích! Làm nhẹ th..ô…i…!” vang lên từ bức tường đang vây lưng chừng ở nhà chú Hai. Những âm thanh này như tiếng gà gáy cao vút, như tiếng chuông đồng hồ tản phát trong không gian vừa hừng sáng khiến những ai đang còn trong giấc nồng cũng phải tỉnh dậy. 

Ban đầu, Trường Xích còn trả lời rồi phóng vụt qua nhà chú Hai, nhưng sau khi cùng Tiểu Văn lên phố huyện, hình như cậu đã mắc phải chứng bệnh ngủ nướng. Chú Hai đã gọi một lần nhưng chờ mãi vẫn khong thấy nóng dáng cậu đâu, bèn tiếp tục gọi. Ban đầu, chỉ cần một tiếng gọi của chú Hai là Uông Trường Xích đã ngay lập tức có mặt, nhưng dần dần, chú Hai phải gọi nhiều lần, từ một lần thành hai lần, từ hai lần biến thành ba lần, từ ba lần biến thành vô số lần. 

Thời điểm Uông Trường Xích bắt tay vào công việc càng ngày càng trễ, có lúc thì trời vừa sáng bạch nhưng đôi khi, mặt trời lên đến cả con sào nhưng vẫn chưa thấy bóng dáng. Mỗi lần nghe tiếng gọi của chú Hai, Uông Hòe cố ý làm rơi chiếc mâm hoặc cái nồi để Uông Trường Xích nghe thấy tiếng động mà thức giấc. Có điều, mỗi lần như vậy Uông Trường Xích đều nói hai tiếng cộc lốc “biết rồi” rồi tiếp tục ngủ, đầu cậu rời khỏi chiếc gối vài phân rồi nặng nề rơi xuống trông chẳng khác nào một tảng đá.

Lưu Song Cúc cho rằng công việc xây nhà quá nặng nề khiến Uông Trường Xích mệt mỏi, nhưng ý kiến của bà ngay lập tức bị Uông Hòe gạt phăng:

- Ban đêm bà thử lắng nghe âm thanh phát ra từ giường của bọn chúng, cố gắng đếm số lần để biết là nó có mệt hay không.

Lưu Song Cúc đưa đầu ngón tay lên đếm trong bóng tối, thừa nhận số lần quá dầy, so với những ngày tân hôn giữa bà với Uông Hòe nhiều hơn gấp ba lần. Uông Hòe nói:

- Cứ đà này thì một con dao đúc bằng kim cương cũng phải cùn thôi.

- Hay là ông nói chuyện với thằng Xích…

Uông Hòe cho rằng giữa đàn ông với nhau rất khó nói, ngần ngừ giây lát mới đề xuất:

- Hay là bà nói chuyện với Tiểu Văn xem sao?

Mặt Lưu Song Cúc đột nhiên đỏ nhừ: 

- Chuyện này khó mở miệng lắm…

Nhà mới của chú Hai càng lúc càng cao, Uông Trường Xích đã bắt đầu xây những bức tường của tầng lầu. Uông Hòe ngồi dưới đất, mắt nhìn không chớp, thi thoảng lại nói to: “Cẩn thận.” Mỗi lần nghe Uông Hòe nói, Uông Trường Xích lại càng tỏ ra phấn khích, nhún nhảy trên giàn giáo. Uông Hòe nghĩ, cứ nói mãi hai tiếng ấy e rằng sẽ gây nên phản cảm cho Uông Trường Xích, vả lại ông cũng sợ những người chung quanh cười nhạo nên không nói nữa mà chuyển sang hát dân ca. Những bài dân ca được Uông Hòe hát không phải là những bài đàng hoàng mà phần nhiều đều có nội dung thiếu đứng đắn, giọng hát thì rè rè, âm điệu thì loạn xị… Hát mãi cũng mệt, ông nhặt đá vụn ném gà ném chó, chung quanh ông lúc nào cũng vang lên tiếng gà quác chó ẳng. Nếu có ai đó không hiểu mọi chuyện thì có lẽ sẽ nghĩ là Uông Hòe mắc bệnh thần kinh, nhưng Uông Trường Xích lại thầm cảm ơn bố. Chính nhờ những hành vi kỳ quái không hợp với thói thường do Uông Hòe nghĩ ra ấy mà nhiều lần, cậu chợt thoát khỏi trạng thái mơ ngủ khi vãn đứng trên giàn giáo.

Uông Trường Xích gầy, đen đi rất nhiều, hai mắt thâm quầng. Mỗi bữa cơm, Lưu Song Cúc cố ý nén thật chặt cơm trong bát của con, nén chặt đến độ cơm vón thành một cục như cơm nắm. Thi thoảng, Lưu Song Cúc cũng chiên vài quả trứng hoặc xào một ít thịt, đại bộ phân trứng hoặc thịt ấy đều được bà nén hết vào trong bát của Uông Trường Xích. Có điều, Uông Trường Xích vẫn đen, vẫn gầy, vẫn cứ ngáp vặt giữa ban ngày, vẫn ngủ dậy muộn. Lưu Song Cúc rất lo lắng, nói:

- Nó ăn vẫn khỏe, ngủ vẫn tốt, tại sao lại gầy đến như vậy?

- Cơ thể con người giống như một tài khoản ngân hàng, không phải nhìn vào việc ta lưu trữ và nhập vào bao nhiêu mà phải phải trông vào ta tiêu phí hết bao nhiêu.

- Thế thì ông tìm cơ hội khuyên bảo nó. Chúng ta chỉ có một đứa con, vạn nhất gặp chuyện không hay thì làm sao…

Một buổi chiều tối, lợi dụng lúc Tiểu Văn ra giếng giặt giũ quần áo, Uông Hòe đưa cho Uông Trường Xích một cái hộp giấy, to cỡ một hộp diêm. Uông Trường Xích cầm lấy, mân mê trong tay, hỏi:

- Cái gì vậy?

- Mười năm trước cán bộ kế hoạch sinh đẻ phát miễn phí cho bố, bố cho vào trong rương không dùng tới.

Uông Trường Xích xích mở chiếc hộp, nhận ra đó là một hộp bao cao su tránh thai thuộc dạng rẻ tiền. Nhón lấy một chiếc, cậu dùng sức kéo thử. Hình như nó không còn lực đàn hồi nữa. Uông Trường Xích định vất đi thì Uông Hòe ngăn lại, nói:

- Chỉ cần không bị thủng, tuy quá hạn nhưng vẫn có thể dùng.

- Lẽ nào bố không muốn có cháu để bồng sao?

Uông Hòe lắc đầu, nói:

- Muốn trồng cây thì phải tìm đất tốt, hợp phong hợp thủy. Ông nội đã gieo giống ở đất này mà sinh ra bố, bố gieo hạt ở đất này mà sinh ra con, kết quả cuối cùng cả bố lẫn con đều thất bại thì phải chấp nhận thất bại, nhưng bố không muốn cháu mình lại tiếp tục thất bại. Bố hy vọng nó có thể được đi học tại thành phố, làm việc trong thành phố, không bị khổ, không bị coi thường.

- Ngay cả Tiểu Văn lúc này cũng không nhắc gì đến chuyện lên thành phố, sao bố lại nhắc đến?

- Bố thấy hai đứa mày rất hợp với nhau, sống quá đỗi tùy tiện, không có chút lý tưởng nào.

- Một đứa nông dân, tạm làm thợ nề lại còn có lý tưởng cao siêu gì nữa? Vừa nói, Uông Trường Xích vừa ném chiếc hộp qua cửa sổ.

- Có lẽ nào mày tự nguyện sông suốt cuộc đời ở cái nơi quỷ quái này sao?

- Bố mẹ sống được, mọi người sống được, tại sao con lại không sống được?

- Thế thì mày vĩnh viễn không có được lấy một ngày nở mày nở mặt với đời.

- Nếu muốn con nở mày nở mặt, việc quái gì mà bố không sinh con ra ở thành phố?

- Nếu không bị mạo danh thay thế lúc tuyển người thì ít nhất bố cũng đã có thể sinh mày ở phố huyện.

- Không có nếu ở đây, chỉ có sự thật thôi.

Uông Hòe hết lời để nói, ngượng nghịu quay chiếc xe lăn đi một mạch ra khỏi cửa. Lúc này, trời đã bắt đầu tối, bóng núi xa, bóng cây gần thấp thoáng. Phía chân trời đen kịt vẫn còn có một tia sáng yếu ớt hắt lên không trung, đó là sự giãy giụa vật vã cuối cùng của ban ngày. Ánh mắt Uông Hòe thu từ xa về gần, lục lọi dưới khung cửa sổ để tìm chiếc hộp đựng bao cao su tránh thai mà Uông Trường Xích đã vất qua. Mày mò tìm mãi mà vẫn không tìm được, bóng đêm đã dày đặc, đá vụn, lá cây, bùn trên mặt đất đều đã trở nên mơ hồ, hỗn độn. Tiểu Văn đeo chiếc sọt đựng quần áo đã giặt xong về đến cửa, hỏi:

- Bố đang tìm gì thế?

- Tìm… tìm… lý do.

Trước khi ngủ, Uông Trường Xích phát hiện chiếc hộp đựng bao cao su tránh thai nằm trên đầu giường. Tiểu Văn ngạc nhiên hỏi:

- Đây là vật gì?

- Bảo bối gia truyền của bố.

Vừa nói, Uông Trường Xích vừa mở chiếc hộp. Trời ạ, từng chiếc từng chiếc đã dính bết lại với nhau như một tảng cao su, vừa giống như miến bị vón cục khiến Uông Trường Xích có cảm giác là nó có thể ăn được nhưng không thể dùng để làm chuyện ấy. Tiểu Văn bảo vất đi, Uông Trường Xích lại nhìn nó chằm chằm như thể đang nhìn thấy những kỳ vọng mà bố mình đặt vào trong đó. Đêm ấy, giường của hai người không phát ra một tiếng động nào. Nằm bên kia vách, Uông Hòe nhẹ nhàng buông một hơi thở thật dài, nói:

- Xem ra thì những lời tôi nói đã có chút tác dụng với Trường Xích rồi.

- Tôi cầm đèn pin đi tìm chiếc hộp ấy nhưng không thấy, ông tìm thấy nó ở đâu vậy?

Trên chạng cây trước cửa sổ. Đúng là trời không hại họ Uông!

Lưu Song Cúc thò tay véo Uông Hòe, cười nhẹ:

- Đồ quỷ!

Nhà mới chú Hai đã xây xong, Uông Trường Xích ngủ liền ba ngày ba đêm để cho thân thể mỏi nhừ của mình hồi phục lại, sau đó ngồi trước cửa nhà ngắm trời ngắm đất. Trời càng ngày càng lạnh, ngoại trừ chiếc mũi của Uông Trường Xích vẫn đỏ, tất cả còn lại từ trên núi dưới núi đều đượm một màu tiêu điều xơ xác. Cây cối trơ những cành khô như thép, giơ nanh múa vuốt trong không gian lạnh lẽo. Gió bấc thổi ào ào, len qua khung cửa sổ cửa lớn, len qua những kẽ nứt trên tường chui tọt vào trong nhà khiến toàn bộ không gian sau lưng Uông Trường Xích như rung lên, tất cả đồ đạc trong nhà rùng mình ớn lạnh. Hình như trong toàn thôn, nha của Uông Hòe bị gió lùa vào nhiều nhất và cũng kêu rít lên to nhất.

Uông Hòe và hai người phụ nữ ngồi trong nhà đốt lửa sưởi ấm. Tiểu Văn thò đầu ra khỏi cửa sổ, nói:

- Anh đang luyện công à?

Uông Trường Xích vẫn ngồi bất động.

- Vào nhà đi! Tay chân con đã đóng băng rồi kìa. - Lưu Song Cúc nói.

Uông Hòe không muốn làm kinh động đến Uông Trường Xích vì chỉ có ông mới hiểu con trai mình đang nghĩ về những gì. Năm ấy, Uông Hòe ghi danh tuyển công nhân nhưng không được tuyển, ông cũng ngồi hệt như Trường Xích lúc này, cũng vị trí ấy để cho gió bấc thổi cho cứng người lại. Nhưng thực ra thì Uông Trường Xích đang ngồi chiêm ngưỡng căn nhà mới của chú Hai. Nó đẹp nhất trong thôn, nhà Trương Ngũ trước đây to nhất đẹp nhất nhưng bây giờ không là gì nếu so với nhà chú Hai. Đặc biệt là bức tường đối diện với nhà Uông Hòe, đó là bức tường chính tay Uông Trường Xích xây, thẳng đứng, bằng phẳng, cửa sổ vuông vức, hầu như không có bất kỳ một sai sót nhỏ nào. Nói chung, nhìn cả căn nhà được dùng thước tấc của kiến trúc sư vẽ ra trên giấy, đẹp không chê vào đâu được. Uông Trường Xích cũng đâm ra hoài nghi, có phải căn nhà ấy do chính tay mình xây nên, do vậy chính mình mới thấy đẹp? Nhưng cậu lập tức phủ định ý nghĩ ấy, khẳng định mình đã bị thuyết phục bởi tài nghệ của chính mình. Tán thưởng mình xong, cậu chợt nghĩ không biết đến bao giờ mình mới có thể tự xây cho mình một căn nhà đẹp đến như vậy. Đáp án là: NO, bởi trong nhà chẳng có tiền, cứ cho là để gió thổi biến mình thành một tảng băng thì chân lý ấy vẫn không thay đổi: Trong nhà không có tiền.

24. 

Mấy ngày trước tết, gió bấc đột nhiên dừng hẳn, nhiệt độ có sự gia tăng rõ rệt. Bầu trời trong vắt, cây cối được tắm trong nắng, lấp loáng như được dát bạc dát vàng. Ánh nắng đốt nóng cỏ khô và lá rụng trên mặt đất, một mùi chua chua nồng nồng tản vào không gian. Cái gì cũng trong suốt, kể cả lục phủ ngũ tạng của con người, kể cả chăn mùng, quần áo đang phơi dưới nắng kia cũng trở thành trong suốt.

Uông Hòe ngồi trước cổng nhìn về dãy núi xa xa, thi thoảng lại kêu lớn:

- Bảo Khánh về rồi!!!!

- Giang Pha về rồi!!!!!

- Nghĩa Long về rồi!!!!

………..

Tiếng kêu của ông chất chứa những niềm phấn khích, làm như ngững người đang trên đường về kia là người thân của mình không bằng. Xóm giềng bên tả, bà con bên hữu nghe thấy tiếng kêu của Uông Hòe đều chạy ra khỏi nhà trông ngóng, một số người không kềm lòng được chạy ra đến tận đầu thôn, vừa chạy vừa gọi tên người về. Những người được gọi tên bước chân cũng rộn ràng hơn, có người vác rương, người đeo ba lô, người ôm con nhỏ chạy như bay về phía nhà mình. Đến khi cả nhà Hưng Trạch xuất hiện trên triền đê đầu thôn, Uông Hòe mới không kêu nữa, có lẽ ông nhận thấy tiếng kêu của mình đã đủ phá vỡ cái không gian trầm mặc của ngôi làng trước khi Tết đến rồi. Uông Hòe bảo Lưu Song Cúc đẩy xe đến nhà Hưng Trạch, khẩn khoản mời cậu ta đến nhà mình ăn một bữa cơm.

Hưng Trạch là con trai Điền Đại Quân, là bạn thời học cấp hai với Uông Trường Xích, lúc này đang làm công nhân trong một xưởng điện tử trong thành phố, chuyên lắp ráp linh kiện ti vi. Trưa hôm sau, Hưng Trạch đưa vợ và con đến nhà Uông Hòe. Vợ cậu ta là người địa phương khác, cũng là công nhân trong xưởng điện tử cùng chồng. Con trai của Hưng Trạch trắng bóc, mập mạp khiến Tiểu Văn thích thú, nựng mãi không chịu rời. Uông Hòe nói:

- Chỉ có con cái ở thành phố mới sạch sẽ đẹp đẽ như vậy.

Trong lúc ăn cơm, Uông Trường Xích nhắc đến chuyện có nên lên thành phố hay không. Hưng Trạch nói:

- Lên thành phố thì có cơ hội thay đổi số phận, không lên thì không có bất kỳ cơ hội thay đổi nào.

Vì câu nói này của Hưng Trạch, Uông Hòe phấn khởi đến độ uống liền ba ly rượu.

Trương Huệ về đến nhà chậm hơn so với Hưng Trạch hai ngày. Đặt hành lý xuống, cô ta chạy ngay đến nhà Uông Hòe để thăm Tiểu Văn. Sau cái nhìn đầu tiên khi hai người gặp nhau, ít nhất là năm phút, Trương Huệ không nói nổi câu nào, còn Tiểu Văn bị nhìn kỹ quá nên cảm thấy thẹn thùng, mặt đỏ như gấc. Câu nói đầu tiên của Trương Huệ là:

- Lãng phí quá! Đúng là hoa nhài cắm bãi cứt trâu!

Tiểu Văn hoảng sợ đưa tay bụm miệng mình lại, làm như người nói ra câu vừa rồi không phải là Trương Huệ mà là chính mình. Uông Trường Xích vừa kịp nghe thấy, gằn giọng:

- Ai là hoa nhài, ai là cứt trâu?

- Còn phải hỏi ư? Cô ấy là hoa nhài, còn cậu… cậu đương nhiên không phải là cứt trâu, cứt trâu chính là cái nơi chó chết này. Ái dà, tôi nói cái nơi cho chết này không phải ám chỉ nhà cậu, cũng chẳng phải ám chỉ cái thôn ta, mà là tôi nói nông thôn nói chung, biết không? Tất cả nông thôn Trung Quốc.

- Nói thế cũng được, tôi nghĩ là chị đang chửi tôi.

Trương Huệ vỗ mấy cái lên vai Uông Trường Xích, nói:

- Ai dám chửi cậu nào.

Chính mấy cái vỗ lên vai Uông Trường Xích của Trương Huệ đã khiến Tiểu Văn khâm phục cô ta sát đất. Cách thức vung cánh tay của Trương Huệ vừa đẹp vừa điệu đà, vừa nhu mì lại vừa suồng sã, vừa nhẹ nhàng lại vừa tự tin, vừa có vẻ lả lơi nhưng cũng vừa nghiêm túc. Cánh tay đưa lên, cổ tay chuyển động, bàn tay vừa chạm đến vai Uông Trường Xích là cánh tay lập tức thu hồi, cả thân hình cô ta cũng chuyển động theo đà vung của cánh tay, ngay cả âm thanh của bàn tay chạm vào da thịt Uông Trường Xích cũng rất dễ nghe. Tiểu Văn nghĩ, nếu mình cũng có thể làm được động tác như vậy thì không biết Uông Trường Xích sẽ si mê mình điên cuồng đến mức độ nào.

Có lẽ để chứng mình Tiểu Văn là một đóa hoa tươi giữa đồng nội, mỗi lúc rảnh rỗi là Trương Huệ đến để dạy cho Tiểu Văn trang điểm, cắt mái tóc vốn rất dài của Tiểu Văn thành một mái đầu ngắn cũn cỡn, lại còn lấy quần áo của mình đưa cho Tiểu Văn mặc. Tiểu Văn mỗi ngày mỗi thay đổi, ban đầu trông giống như một cô giáo tư thục, dần dần biến thành một cô giáo công lập, đôi khi cũng giống một cán bộ cấp thôn cấp xã, có lúc lại giống một diễn viên nghiệp dư của đội văn nghệ công đoàn huyện, thi thoảng cũng chẳng khác gì một nữ đặc vụ và cuối cùng là hóa trang thành một hotgirl thành phố. Nhìn mình trong gương, Tiểu Văn tắc lưỡi:

- Đáng tiếc, em không biết được mấy chữ.

- Biết chữ chẳng được tích sự gì, đẹp mới hái ra tiền.

Tiểu Văn nhìn mình trong gương đến độ thẫn thờ, nghĩ thầm: Hoa nhài khong cắm bãi cứt trâu thì nên cắm ở đâu nhỉ? Trăn trở mãi với ý nghĩ ấy, Tiểu Văn cảm thấy bắt đầu căm ghét nơi này và đột nhiên có một cảm giác buồn nôn.

Buổi tối, trước khi ngủ, Tiểu Văn nói:

- Có thể em đã có thai mất rồi.

Như sét đánh ngang tai, Uông Trường Xích thảng thốt:

- Em muốn có con sao không hỏi ý kiến anh?

- Khi làm chuyện ấy anh có nghĩ đến cách tránh thai nào đâu, sao lại trách em?

Uông Trường Xích thấy Tiểu Văn nói đúng, từ trước đến nay cậu không hề nghĩ đến chuyện tránh thai, mà giữa hai vợ chồng cũng chẳng có thời gian để thương lượng chuyện này, cho nên chuyện mang thai chỉ là vấn đề thời gian.

- Chính anh lo cho mình không xong, anh vẫn còn là một thằng đàn ông chưa hoàn thiện mà lại sắp sửa làm bố sao?

- Có lẽ nào anh lại không muốn làm bố?

- Muốn. Có điều để cho con mình sinh ra trên mảnh đất chó chết này thì anh cảm thấy có lỗi với nó.

- Thế thì nên sinh nó ở đâu?

Uông Trường Xích vươn tay mân mê phần bụng của Tiểu Văn, cảm thấy bàn tay mình tự bỗng nhiên như to ra, to đến độ có thể nắm trọn bụng của vợ trong lòng bàn tay và hình như bụng của Tiểu Văn cũng không còn mềm mại, mượt mà như mọi ngày nữa.

- Con chúng ta phải được sinh ra ở một nơi mà gió không thể lùa qua khe cửa, nơi mà đèn điện và mái ngói phải cao, cửa sổ tốt nhất là phải được lắp bằng kính, phải có rèm cửa, có nôi, có ngựa gỗ, có mùi thơm của bông mới tỏa ra từ nêm từ chăn, nền nhà phải được lát bằng đá cao cấp và sạch đến độ có thể soi cả bóng mình trong đó…

- Anh đang nằm mơ sao? Anh…

- Còn nữa, phải có rất nhiều đồ chơi, nào là búp bê Tây, ô tô mô hình, bóng đá, súng nhựa, xe đạp, chó bông mèo bông biết nhắm mắt mở mắt, có bảng học chữ cái, có âm nhạc… Tất cả cái gì cần có đều phải có.

- Những gì anh nói đều từ trên trời rơi xuống sao?

Tiểu Văn nhìn lên trần nhà, Uông Trường Xích nhìn theo. Đó chỉ là những mảnh ván nham nhở, sần sùi và loang lổ vết bẩn, các góc phòng không biết cơ nam là mạng nhện. Chuột chạy rầm rập ở bên trên, gió lạnh rít lên từng cơn bên ngoài cửa sổ. Uông Trường Xích trở về với hiện thực, ngồi dậy dán thêm một lớp giấy báo và cửa sổ, tiếng gió lùa qua khe cửa giảm hẳn.

- Em tạm thời có thể giữ bí mật về chuyện mang thai không?

- Tại sao em lại phải giữ bí mật?

- Vì anh muốn đưa em đi.

- Đi uống gió tây bắc, phải không? Anh lúc nào mà chả thế.

- Không phải là còn có anh đây sao?

Tiểu Văn lắc đầu. Cô ấy cho rằng sau khi vào thành phố, đôi tay của Uông Trường Xích khong thể nào nuôi nổi hai cái miệng, chính xác hơn phải là ba. Nhưng không biết trong hệ thống thần kinh của Uông Trường Xích dây nào đã bị chạm mà cậu đưa tay lên trời thề rằng, nhất định cậu sẽ chăm sóc chu toàn cho cuộc sống của vợ mỗi ngày ba bữa cơm, lại còn dắt vợ đi tản bộ, nghe nhạc, ăn trái cây…, nói chung là hưởng thị đầy đủ những gì cần phải có của một phụ nữ đang mang thai ngay trong thành phố. Tiểu Văn nghe và chỉ biết khóc, lâu lắm mới nói nên lời:

- Em không phải là hoàng hậu, làm sao lại có thể có được mệnh vận tốt như vậy!

- Đàn bà có tiền ở thành phố đều vác cái bụng tròn vo đến nước Mỹ, chí ít là đến Hồng Kông để sinh con. Nếu chúng ta không lên thành phố đến sinh con, thế thì tương lai của con cái mình thua thiệt người ta không chỉ là tiền bạc mà ngay cả cái quần cũng không có để mà mặc.

- Thế tiền đâu? Không có tiền thì cũng giống như các nơi người ta viết báo cáo thành tích thôi, bên trong toàn là pháo lép.

Uông Trường Xích không thể trả lời được, bắt đầu đi đi lại lại trong phòng, đi về phía trước bảy bước rồi đi ngược lại bảy bước, dường như đang bắt chước người ta làm “Bài thơ bảy bước”(*) vậy. Tiểu Văn nghĩ là Uông Trường Xích đã nghĩ ra một cách thức nào đó, nhưng một phút trôi qua, rồi mười phút trôi qua, cậu càng lúc càng giống như một người mất hồn, cuối cùng vùi đầu xuống giường và đưa Tiểu Văn chìm vào cõi mộng.

(*).Tức bài “Thất bộ thi”, tương truyền là của Tào Thực (192-232), con thứ của Tào Tháo thời Tam Quốc (ND)

Lưu Song Cúc đã phát hiện ra việc Uông Trường Xích bỗng dưng chăm sóc Tiểu Văn nhiều hơn. Trước đó, Trường Xích hầu như chưa bao giờ giúp Tiểu Văn giặt giũ, gánh nước đến lúc này, không những con mình giúp vợ làm những việc ấy mà còn lén gắp những miếng thịt mà bà đã ép trong bát cơm của con bỏ sang bát của Tiểu Văn. Uông Trường Xích còn không cho Tiểu Văn ra bến nước giặt giũ, không cho gánh nước, lại còn mua của th một chiếc khăn quàng thắt vào đầu và cổ Tiểu Văn, thắt đến độ kín mít. Nếu cả hai có việc gì đó phải ra ngoài cùng một lúc, lúc nào Uông Trường Xích cxung đi bên hướng gió để che gió lạnh khỏi tạt vào người Tiểu Văn. Lưu Song Cúc không thể nào nghĩ ra lý do, thậm chí bà lại thoáng nghĩ đến chuyện gì tồi tệ nên lo lắng hỏi Uông Hòe:

- Thằng Xích không hiểu vì sao lại biến thành mẹ của Tiểu Văn như thế.

Uông Hòe thoáng biến sắc, nói:

- Liệu có phải là Tiểu Văn đã mang thai?

Lưu Song Cúc nhăn mày nhíu trán, nói:

- Cũng có thể lắm.

Uông Hòe thở dài:

- Đó có thể nói là mệnh. Tôi với bà muốn nó sinh con ở thành phố, nhưng chúng nó lại muốn ở nông thôn. Xem ra thì bọn chúng muốn phản đối chúng ta đây mà.

Sau Tết âm lịch, Uông Trường Xích và Tiểu Văn bắt đầu dọn dẹp hành lý chuẩn bị lên thành phố. Uông Hòe lôi Uông Trường Xích ra ngoài, hỏi:

- Tiểu Văn đã có thai, đúng không?

- Không phải là bố từng nói là phong thủy ở đây không tốt, bọn con đâu dám.

Uông Hòe nhìn thẳng vào mặt Uông Trường Xích như muốn tìm sự thật trong đôi mắt con trai mình. Uông Trường Xích vẫn khẳng định là Tiểu Văn không hề mang thai, Uông Hòe thở dài, nói:

- Nếu mày đưa một phụ nữ mang thai lên thành phố thì áp lực lên người mày tăng gấp hai lần, không chỉ mày mệt mà Tiểu Văn còn chịu khổ. Chỉ cần mày nói thật, chúng ta vẫn có thể thương lượng.

- Tất cả đều đã sắp xếp rồi, không còn đường lui nữa đâu.

- Hay là hai đứa chờ đến khi sinh con xong hãy lên thành phố làm thuê.

- Thế nó không phải là một Uông Trường Xích thứ hai sao? Đừng nói là sinh con, ngay cả một cục phân con cũng muốn lên thành phố để mà ị.

Uông Hòe không nói nữa, chỉ đưa ngón tay trỏ lên tỏ ý tán thành.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương