Lời Mị Hoặc
-
C39: Tôi cũng không sao nữa rồi
Edit: OhHarry
Beta: Táo
"... Anh... Anh ơi?"
Tôi hồi thần, ngẩng đầu nhìn Tôn Mạn Mạn đang đi phía trước, nhếch môi trong vô thức: "Sao?"
Cô nhóc hơi cau mày, nhìn tôi với vẻ lo lắng: "Anh say độ cao à? Sao em thấy hôm nay anh nhiều tâm sự thế?"
Sinh viên ngành tâm lý đều nhạy bén thế này à?
Tôi thầm thở dài, đáp: "Không sao, chắc hôm qua uống nhiều quá nên hôm nay hơi đau đầu."
Nghe xong, con bé càng cau chặt mày hơn: "Anh thấy chưa, em đã bảo anh uống ít rồi."
Hôm qua, sau khi hoảng loạn chạy ra khỏi đền, tôi trở về viện nghiên cứu rồi thức trắng cả đêm nên tâm trạng sáng nay không được tốt lắm. Chỉ trong một đêm ngắn ngủi, niềm vui khi trở lại Thố Nham Tung đã biến mất sạch không còn gì, trong lòng chỉ còn lại sự hối hận và hổ thẹn tột cùng với chuyến đi này.
Tôi ích kỉ cho rằng chỉ nhìn một cái thôi thì cũng không gây ảnh hưởng gì, nhưng thật ra điều đó chỉ làm tăng thêm nỗi giày vò, thống khổ cho cả tôi và Ma Xuyên mà thôi.
Đáng ra tôi không nên đến, không nên tiếp tục xuất hiện trước mặt cậu ấy nữa.
"Anh ơi, sáng anh không lên đền Lộc Vương, anh Sơ Văn đưa chúng em đi, ảnh kể hồi trước Tần Già học cùng trường với các anh, anh cũng quen ạ?" Lương Mộ tò mò sáp tới.
Tim tôi nhói lên, suýt nữa không giữ được vẻ mặt tươi cười: "Ừ, bọn anh quen nhau."
"Thật ra ngôi đền kia cũng không rộng lắm, nhưng một người ở thì đúng là có hơi im ắng cô quạnh. Em nghĩ, nếu bảo em ngày nào cũng phải ăn chay niệm Phật trước một vật không có sự sống rồi sống thanh tâm quả dục, em sẽ không chịu đâu." Lương Mộ nói, "Vị Tần Già kia trẻ đẹp như thế mà phải chôn chân cả đời ở một nơi như vậy, em thấy... đáng thương quá chừng."
Nếu là trước kia, có lẽ tôi sẽ cười nhạo, nói với Lương Mộ rằng đây là lựa chọn của chính Ma Xuyên, tự cậu ta phải gánh chịu thôi, nhưng giờ... mỗi một câu cô bé nói là một lần nỗi đau trong lòng tôi lan rộng ra thêm. Đến khi cô bé nói xong, chân tay và toàn thân từ trên xuống dưới của tôi không có chỗ nào là không đau đớn. Nếu đặt vào trong bất kì một tiểu thuyết võ hiệp hay tu tiên nào đó, có lẽ tôi đã ói ra một bụng máu rồi.
"Ừ, quá đáng thương." Tôi đè giọng, phụ họa theo.
"Nhỉ." Thấy có người đồng ý với suy nghĩ của mình, Lương Mộ hào hứng nói, "Xong anh Sơ Văn còn kể, trước khi trở thành ngôn quan, ngôn quan chính là con nuôi của lão ngôn quan, theo quan điểm của người Tằng Lộc, Sơn thần vừa là chồng và cũng vừa là vợ của ngôn quan, nếu vậy thì tính lô- gích bên trong câu chuyện rất thú vị. Là cha cũng là mẹ, là chồng cũng là vợ, giới tính của Sơn thần có thể thay đổi tùy ý, nếu xét từ góc độ khác thì ngay từ thuở sơ khai, tôn giáo cổ xưa này đã rất tiến bộ rồi."
Tôi bất ngờ, lần đầu được nghe cách phân tích có độ sắc sảo như vậy, nhưng chưa kịp bày tỏ ý kiến gì thì chúng tôi đã tới điểm đích — Tôn Mạn Mạn và Lương Mộ nói muốn đến thăm một nơi nào đó khác biệt, thay vì ngắm cảnh đẹp, chúng muốn tiếp xúc với nền nhân văn khác hơn nên Quách Xu đã đưa chúng tôi tới một trường trung học Hy Vọng ở Bằng Cát.
Người tiếp đón chúng tôi là một giáo viên họ Chu tầm bốn, năm mươi tuổi, cô có chiều cao trung bình, tài nói năng xuất chúng, khí chất thanh cao. Lương Mộ không kìm được nên đã hỏi cô là người vùng nào, cô Chu đáp mình là người Hải thành nhưng đã dạy ở Thố Nham Tung được mười tám năm.
"Mười tám năm ạ?" Lương Mộ líu lưỡi, "Em mới hai mươi tuổi mà cô đã đi dạy được mười tám năm rồi?"
Quách Xu cười: "Ngày trước có nhiều người cùng tới với cô Chu, cuối cùng chỉ có một mình cô là ở lại. Điều kiện ở Thố Nham Tung khó khăn, không phải ai cũng kiên trì được nhiều năm như thế."
Họ Chu, người Hải thành? Tôi nhớ lại lần Ma Xuyên đến Hải thành tìm Vân Đóa, đối phương nhắc tới chuyện một cô giáo trung học đã giúp cô mua vé xe để chạy khỏi Thố Nham Tung, chắc là cô giáo này nhỉ?
Rất nhanh tôi đã có câu trả lời. Mấy hôm nay là ngày Tết của người Tằng Lộc, những học sinh có thể về nhà đều đã nghỉ học, ngày mai mới quay lại trường, nhưng có những em không thể quay về, hoặc ở nhà không có ai thì sẽ tiếp tục ở lại trường và được cô Chu chăm sóc.
Khi tham quan đến một phòng tự học có mười mấy học sinh đang ngồi – nữ nhiều hơn nam, chỉ nhìn lướt qua một cái, tôi đã nhận ra Xuân Na trong số chúng.
Cô bé đang thảo luận gì đó với bạn nữ ngồi bên cạnh, vừa viết bài, vừa ngó sang xem sách giáo khoa của đối phương. Trên khuôn mặt là biểu cảm hồn nhiên vui vẻ của một bé gái, khác hẳn so với lần đầu tiên tôi gặp cách đây mấy tháng.
Cô bé tình cờ ngẩng đầu lên, đúng lúc cũng trông thấy tôi, nét mặt lập tức trở nên e dè, thẹn thùng cười với tôi, sau đó cúi đầu xuống thấp hơn.
"Anh quen cô bé đó à?" Tôn Mạn Mạn huých huých củi chỏ vào tôi.
Chờ cô Chu đóng cửa, chúng tôi đi xa thêm một đoạn nữa, tôi mới kể chuyện Xuân Na ra cho mọi người, riêng phần Ma Xuyên bị thương đã được tôi giấu tiệt.
"Lại còn có người cha vô lý như thế ư." Từ nhỏ Tôn Mạn Mạn đã được cưng chiều, Bách Tề Phong tác oai tác quái bên ngoài nhưng về nhà lại sợ vợ khiến con bé khó mà tưởng tượng nổi trên đời này vẫn còn tồn tại kiểu bố ép con gái lấy chồng.
"Nhiều là khác." Cô Chu nói bằng giọng vừa bất đắc dĩ vừa chán nản, "Mục đích chính của việc giáo dục ở vùng xâu vùng xa không còn là để các em có thể ra ngoài thi đại học. Có thể ra ngoài ngắm đây ngắm đó là tốt, nhưng điều quan trọng hơn là dạy các em đạo lý làm người."
"Việc không đẻ ra con trai không liên quan gì đến phụ nữ; họ hàng gần không được kết hôn; tình cảm không tốt có thể li hôn; mọi người đều có quyền lựa chọn trong hôn nhân; vợ không phải tài sản riêng của đàn ông, không được động tí là chửi bới đánh đập; tương lai của con gái không chỉ có mỗi lấy chồng sinh con; chồng chết có thể tái giá, không cần thủ tiết suốt đời..."
"Các em có thể ở lại hoặc cũng có thể ra ngoài, nhưng bắt buộc phải hiểu những đạo lý này."
Với chúng tôi, đây là những quy tắc đơn giản dễ hiểu nhất, nhưng cô Chu đã dạy đi dạy lại những điều này suốt mười mấy năm.
Hồi đến Thố Nham Tung, chắc cô cũng bằng tầm tuổi tôi, mười tám năm trôi qua, trên khuôn mặt cô đã in hằn dấu vết của nỗi gian truân vất vả, quãng thời gian thanh xuân tươi đẹp không còn quay lại nữa. Đồng bạn ngày xưa lần lượt rời đi, hiện tại chỉ còn mình cô kiên trì, không biết niềm tin nào đã chèo chống cô cho đến bây giờ.
Thầy dạy chữ nghĩa dễ kiếm, thầy dạy làm người khó tìm. Thầy dạy chữ là người truyền đạt kiến thức, tri thức nên dễ tìm, còn thầy dạy làm người là thầy lấy đức dục người, thực sự hiếm thấy.
Trong điển tích Phật giáo, độ nhân giả được gọi là "thiên nhân sư", một cách gọi khác của giáo viên, đủ thấy họ hiếm có cỡ nào.
Tôi luôn cho rằng rất khó để gặp được những người như thế trên đời, nhưng thật ra họ vẫn tồn tại.
"Bậc quân tử muốn dạy cho dân thay đổi phong tục xấu thành tốt bắt buộc chỉ có con đường là tìm học mà thôi." Sau khi ra khỏi trường học, Tôn Mạn Mạn trầm tư, "Muốn thay đổi phong tục nếp sống của một nơi thì phải bắt đầu từ giáo dục. Cơ mà... Cô Chu như vậy vất vả quá."
Quách Xu mỉm cười, bước tới xoa đầu con bé: "Một người hi sinh cho gia đình, trăm người hi sinh cho thành phố, vạn người hi sinh làm nên một đất nước. Thế giới này luôn phải có những nhân tài giống cô Chu."
Chúng tôi nán lại Bằng Cát hai ngày, trước mùng 1 tháng 5 một ngày thì đến Ngõa Hiếu, tối đó tôi và nhóm Tôn Mạn Mạn gặp nhóm phượt thủ đã liên hệ trên mạng.
Tôi cứ tưởng nếu thêm cả chúng tôi thì nhóm này chỉ có sáu, bảy người thôi, ai ngờ lại là nhóm lớn hơn hai mươi người.
Trưởng đoàn có nickname là Hắc Phong, hơn ba mươi tuổi, là một người đam mê hiking giàu kinh nghiệm, từng nhiều lần tổ chức đi bộ ở sườn núi phía Nam núi tuyết Thương Lan.
"Lần này chúng ta đi tương đối đông nên nhất định phải cẩn thận, nghe theo sắp xếp của tổ chức, không được chạy lung tung, được chứ?" Buổi tối trước khi xuất phát, Hắc Phong tổ chức một cuộc họp toàn thể, nhấn mạnh những việc cần chú ý.
"Do một số vấn đề liên quan đến tín ngưỡng nổi tiếng trên núi tuyết Thương Lan nên chúng ta sẽ không leo lên, và cũng không được phép leo lên trên đỉnh Lộc Vương cao nhất, nhưng bốn ngọn núi phụ ở phía Nam thì có thể lên được. Cả đi cả về sẽ mất hai ngày, trên núi không đốt lửa được nên hãy tự mang đủ lương khô và nước. Độ cao cao nhất là hơn 4800 mét, mọi người có thể cầm theo vài bình dưỡng khí, nếu không trụ được thì nhớ báo kịp thời cho tôi. Chúng ta sẽ thuê hai hướng dẫn viên địa phương người Tằng Lộc, họ sẽ hộ tống những thành viên không thể đi tiếp quay lại điểm xuất phát. Được rồi, nếu mọi người còn điều gì muốn hỏi thì bây giờ có thể hỏi tôi..."
Hôm sau, khi trời còn chưa sáng thì mọi người đã lục tục đeo ba lô, mặc áo khoác gió, khởi hành từ homestay đến chỏm núi đầu tiên ở sườn Nam.
Điều đáng nói là chú chó con có bộ lông màu đen trắng của homestay cũng lên đường cùng chúng tôi. Ông chủ bảo nó rất thích đi bộ với lữ khách, là một chú chó biết dẫn đường.
Độ cao cao nhất của chỏm đầu tiên chỉ có hơn 4000 mét, độ khó không quá khó nhai, phần mất nhiều thể lực nhất chính là đoạn leo dốc dài 1000 mét. Lúc mới bắt đầu, thể lực của mọi người đều đủ, không ai bị tụt lại phía sau, ngay đến lính mới như Tôn Mạn Mạn và Lương Mộ cũng bám sát theo đoàn. Nhưng khi đến chỏm núi thứ hai, mọi người đã đi bộ được bốn tiếng, trên núi cực kì lạnh, lại còn có cả dốc cát, tuyết trộn lẫn với cát khiến việc đi lại đặc biệt khó khăn, hàng ngũ dần kéo dài.
Đến chỏm thứ ba, độ cao so với mặt nước biển tăng lên, đá dăm trên núi khó đi, ngay cả Tôn Mạn Mạn hoạt bát cũng ngừng nói, cả đoàn im lặng tiến về phía trước.
Chúng tôi bắt đầu đi từ buổi sáng, năm giờ chiều mới tới điểm dựng trại trên chỏm núi thứ ba, leo cũng được mười mấy tiếng rồi. Dựng lều cho nhóm Tôn Mạn Mạn xong, tôi ăn tạm ít bánh quy nén, buổi tối không hoạt động gì mà nghỉ ngơi sớm.
Hôm sau dậy, chúng tôi vẫn lên đường từ lúc sáng sớm. Chỏm thứ tư là ngọn núi cao nhất, khó leo nhất ở sườn phía Nam.
Ba chúng tôi vẫn luôn đi ở cuối đoàn, leo được đến nửa đường thì đằng trước bất ngờ xảy ra náo động, một chốc sau, tôi trông thấy một hướng dẫn viên người Tằng Lộc cõng một người đàn ông trên lưng, theo sau là cô gái với vẻ mặt hết sức lo lắng, đi về điểm dựng trại ở chỏm thứ ba.
"Hình như khó chịu, hơi thiếu oxy nên đành quay về điểm xuất phát." Tin tức mới nhất truyền đến từ đồng đội phía trước.
Vốn dĩ có một hướng dẫn viên đi chốt phía sau, nhưng do chuyện này, đối phương chỉ có thể lên trước dẫn đường, thế là tôi, Tôn Mạn Mạn với Lương Mộ thành chốt cuối.
Chỏm núi thứ tư cực kì dốc, nhiều đá đen, thi thoảng có mấy viên đá li ti lăn xuống. Tôi chống gậy leo núi, đi sau cùng cùng với chú chó con, nhưng vừa cúi xuống một cái, Lương Mộ đi trước đã bị trượt chân, ngã huỵch xuống, đập mạnh người xuống đất.
Tôi hoảng hồn, vội vàng tiến lên trước: "Sao rồi? Có đau không?"
Lương Mộ khó nhọc đứng dậy, chỗ khuỷu tay áo bị rách một mảng to, tệ hơn nữa là phần mắt cá chân của cô bé nhanh chóng sưng lên, nhìn là biết bị thương khá nặng.
Tôn Mạn Mạn lo lắng: "Mày cử động ngón chân xem có bị gãy xương không?"
Lương Mộ cởi giày ra, cử động ngón chân, vẫn ổn, cử động được, xem ra chỉ bị bong gân.
Lúc này, trưởng đoàn Hắc Phong nhận được tin đi đến, anh ngồi xổm xuống, kiểm tra mắt cá chân của Lương Mộ rồi đưa ra chẩn đoán giống với tôi, sau đó nói: "Chúng ta có mỗi một người dẫn đường nên không thể đưa em về điểm xuất phát được, em xem có cầm cự được chút nữa không, mấy tiếng nữa là xuống núi rồi."
Tôn Mạn Mạn cau mày: "Như này thì sao cầm cự được, chân nó đã ra nông nỗi này..."
"Để anh cõng." Tôi nói, "Anh cõng con bé nốt chặng còn lại."
"Mấy tiếng đồng hồ lận, sao anh cõng một mình được?" Lương Mộ xỏ giày, bám vào gậy leo núi, toan đứng dậy tự đi, "Kệ đi, em chịu được, đi chậm thôi."
Hắc Phong vội ngăn cô bé: "Như này nhé, các bạn cõng nhau trước một đoạn, đoạn sau tôi bảo các bạn nam trong nhóm thay phiên cõng, thế nào?"
Chân Lương Mộ thế này đi đường phẳng còn chẳng được chứ đừng nói là đường núi khó leo, vì kế hoạch ngày hôm nay, chúng tôi cũng chỉ mỗi có biện pháp này.
Sau khi lấy hết đồ trong ba lô mình ra rồi cho chung vào trong túi của Lương Mộ, tôi dùng cách đeo ba lô, cõng chắc cô bé trên lưng, cô bé xấu hổ, nhỏ giọng nói cảm ơn tôi: "Em cảm ơn anh ạ, nếu mệt thì anh cứ thả em xuống, em có thể tự đi được mấy bước."
"Không sao." Tôi bình thản nói, "Em nhẹ thế này thì anh cõng thẳng được em xuống dưới chân núi đấy, em tin không?"
Vốn dĩ chúng tôi đã ở cuối hàng, Lương Mộ bị thương ở chân, tôi cõng cô bé đi nên càng bị chậm hơn nữa. Chẳng biết từ lúc nào, chúng tôi đã không còn nhìn thấy đội ngũ phía trước.
Mọi thứ xảy ra khá bất ngờ, không có dấu hiệu báo trước. Bầu trời chuyển từ nắng trong sang u ám trong nháy mắt, sau đó bắt đầu có sương mù dày đặc, thêm một lúc nữa thì có tuyết rơi.
Trên núi vốn đã lạnh, nhưng nếu mặc áo khoác gió thì vẫn có thể chịu được, khi tuyết rơi, không gian xung quanh như lập tức hạ xuống mười mấy độ khiến người ta lạnh ớn cả xương.
"Anh ơi sao thời tiết này thay đổi thất thường thế? Em nhớ dự bảo thời tiết bảo hôm nay nắng mà." Tôn Mạn Mạn đứng sáp vào tôi, sợ hãi nói, "Chẳng thấy mọi người phía trước đâu nữa, có phải... có phải chúng ta bị tụt lại phía sau rồi không?"
Nói chung trong đoàn đi bộ đông người, vì mỗi người có một nhịp điệu riêng nên việc đội ngũ bị kéo dài trong quá trình di chuyển là chuyện thường hay xảy ra, nhưng trong tình huống có thành viên bị thương, trưởng đoàn cũng cần phải đặc biệt quan tâm.
Trời rét đến nỗi khiến miệng lưỡi tôi hơi cứng lại. Tôi tinh mắt nhận ra bên cạnh đá núi vừa hay có chỗ trũng có thể chắn gió ngăn tuyết nên vội vàng cõng Lương Mộ chạy qua.
Trốn vào trong hõm rồi, tôi đặt Lương Mộ xuống đất, thấy môi cô bé đã tím đi vì lạnh thì lòng chùng xuống: "Mạn Mạn, lấy chăn giữ nhiệt của em ra."
Trước khi xuất phát, tôi luôn dặn hai đứa là phải mang theo hết những thứ cần thiết để sinh tồn ngoài tự nhiên như dây thừng, còi, chăn giữ nhiệt... Phòng còn hơn chống, không ngờ lại dùng thật.
Tôn Mạn Mạn lấy chăn giữ nhiệt trong ba lô mình ra đắp cho Lương Mộ, sau đó lấy điện thoại ra.
"Anh ơi không có sóng." Con bé giơ điện thoại lên tìm khắp nơi nhưng luôn ở trạng thái không có dịch vụ.
"Không biết mọi người có quay lại tìm chúng ta không?" Lương Mộ co ro trong chăn giữ nhiệt, người run bần bật.
Chú chó con lông màu đen trắng đi theo chúng tôi xuyên suốt chặng đường giờ đây đang ngả lưng bên chân của ba chúng tôi, như thể nó muốn sưởi ấm cho chúng tôi bằng chính thân nhiệt của mình.
Tôi vuốt ve bộ lông dài của nó, bảo: "Đợi đi, có thể lát nữa thời tiết sẽ tốt lên, tự chúng ta cũng tìm được đường."
Tuy nhiên mấy tiếng sau, chẳng những không ai tới tìm chúng tôi mà thời tiết cũng chẳng khả quan lên. Gió cuốn theo tuyết quật mạnh vào mặt, Tôn Mạn Mạn lấy hết quần áo ra để chống rét nhưng vẫn run rẩy vì lạnh.
Ba lô của Lương Mộ đã được Hắc Phong cầm đi từ lúc sáng, giao cho người khác trong đoàn đeo nên hiện tại chúng tôi chỉ mỗi ba lô vật tư của Tôn Mạn Mạn.
Tệ hơn nữa là Lương Mộ bắt đầu có triệu chứng khó thở, không rõ là do say độ cao hay do căng thẳng gây ra.
"Cứ đợi thế này thì không được..." Thấy tuyết bên ngoài rơi vãn hơn, tôi mượn áo mưa của Tôn Mạn Mạn mặc vào, buộc dây thừng quanh eo để tránh tản nhiệt, sau đó lấy thêm nửa cục bánh quy nén, dặn hai đứa nhỏ phải ở yên tại chỗ, không được chạy lung tung, cứ hai phút lại thổi còi một lần, đoạn chuẩn bị rời khỏi hõm, ra ngoài tìm cứu viện.
"Đừng đi mà anh!" Tôn Mạn Mạn kéo tay áo tôi, không cho tôi đi, giọng như đang nức nở, "Em sợ lắm."
Tôi nhìn Lương Mộ đã bất tỉnh, giằng mạnh ra khỏi tay con bé, với say độ cao, cứ mỗi phút chậm trễ là nguy hiểm tăng nhanh thêm một phút.
"Không sao đâu, tìm được người anh sẽ quay lại ngay."
Như hiểu lời tôi nói, chú chó cụp tai bất ngờ đứng dậy, sủa một tiếng với tôi rồi chạy ra ngoài.
Tôi nhớ chủ homestay bảo nó biết đường...
"Tuyệt đối không được chạy loạn, chăm sóc Lương Mộ cho tốt!" Dặn nốt Tôn Mạn Mạn điều cuối cùng, tôi quay người đuổi theo con chó.
Trong làn sương mù trắng xóa dày đặc, chú chó con cứ đi rồi lại dừng, luôn giữ khoảng cách cách ba, bốn mét với tôi như đang dẫn đường cho tôi thật.
Mới đầu tôi hơi do dự, nhưng về sau thì cứ thế chạy theo nó.
Gió rít bên tai, chiếc áo mưa cản được phần nào cái lạnh giá buốt, nhưng việc chạy nhanh trên cao tiêu hao rất nhiều thể lực, chẳng bao lâu sau, tôi đã thở hổn thển, mùi gỉ sắt trào lên trong họng.
"Từ... từ từ!" Tôi dừng lại, chống gối thở dốc.
Chú chó nhìn tôi từ xa, tai bỗng giật giật, sủa inh lên rồi lao vọt về phía tôi.
Tôi thất bất thường, vừa ngẩng đầu lên nhìn thì thấy có một tảng đá đen đang lăn xuống. Dưới ý trí sinh tồn theo bản năng, tôi nhào mạnh sang một bên, tránh được tảng đá rơi trong gang tấc nhưng lại ngã lăn xuống dốc núi. Trời đất đảo lộn quay cuồng, tôi đè qua vô số vụn đá nhọn, cuối cùng nèm bẹp dưới thung lũng.
Bóng dáng chú chó đen trắng trên dốc núi đã mờ nhạt và khó phân biệt, nó sủa xuống chỗ tôi hai tiếng, phát ra tiếng rên ư ử nôn nóng, chẳng bao lâu sau thì rời đi.
Toàn thân tôi đau nhức, tôi thử cử động mấy lần nhưng đều không thành công, cuối cùng đành nằm xuống.
Nhìn bầu trời mù sương tuyết bay, chắc do dạo này có quá nhiều chuyện xảy ra nên tôi không thấy quá suy sụp mà tâm trạng còn khá ổn định.
Năm nay không phải năm tuổi của tôi mà sao lại xui thế không biết? Chắc tôi không... phải chết ở đây đâu nhỉ?
Tôi thở dài một hơi, bắt đầu suy nghĩ miên man.
Sớm biết thế... Sớm biết thế...
Tôi nhắm mắt lại, trong đầu hiện lên cảnh hôn Ma Xuyên.
Sớm biết mình sẽ chết nhanh như vậy, dù thế nào tôi cũng bắt cậu phải phá bằng được "không phi phạm hạnh".
Cậu ấy sẽ hận tôi đến phát điên cho xem, sắp chết rồi mà không chết xa xa ra, đằng này lại chết ngay trước cổng nhà cậu ấy.
Tôi không biết mình đã nằm đây bao lâu, trời mỗi lúc một tối, nhiệt độ hạ xuống thấp hơn. Tình trạng hạ thân nhiệt nghiêm trọng khiến tôi ngày càng khó tập trung suy nghĩ. Mà vào đúng lúc này, không ngờ chú chó con màu đốm bò sữa kia lại quay lại, trở về cạnh tôi.
Nó nằm sấp trên người tôi, dùng thân nhiệt của mình sưởi ấm cho tôi.
Xương ức tôi bị nó đè cho phát đau, nhưng tôi lại hơi buồn cười: "Cuối đời có mày ở bên tao... cũng tốt nhỉ."
Khắp nơi xung quanh vắng lặng, mù mịt tối tăm. Rõ ràng tôi đang mở to mắt nhưng lại không thấy gì. Nếu không phải do vẫn đang cảm nhận được cái rét và nghe thấy được tiếng hít thở của chú chó con nằm trên lồng ngực, thậm chí tôi còn có ảo giác như thể mình đã chết rồi.
Đất trời quán trọ lê thê, trần gian cát bụi não nề xót thương. Dẫu biết kết cục của mọi người đều là hóa thành cát bụi của thế gian, sinh ra để chết, nhưng chỉ đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, tôi mới hiểu ra rằng... Mình không muốn chết, mình không muốn chết một chút nào.
(*) "Đất trời quán trọ lê thê, trần gian cát bụi não nề xót thương": Trích "Nghĩ cổ kỳ 9" của Lý Bạch.
Đầy người trên đời làm đủ mọi việc ác còn chưa chết, dựa vào cái thá gì mà tôi phải chết? Tôi vẫn muốn uống thêm một cốc Americano ở quán cà phê dưới tầng studio; vẫn muốn ăn thêm một lần món thịt kho Đông Pha do dì Uyển nấu; vẫn muốn cho thêm nhiều người biết đến tác phẩm thiết kế của mình, vẫn muốn ôm lấy Ma Xuyên một lần rồi nói cho cậu biết tôi thực sự không nỡ xa cậu.
Có một dòng chất lỏng chảy ra từ khóe mắt, nhưng rất nhanh đã bị gió thổi khô. Mặt tôi tê cứng đi vì lạnh, nhờ vào ba phần vướng bận, bảy phần không cam tâm trong lòng, biến thành mười phần mười mong muốn sống sót, tôi mới không làm cho mình nhắm mắt lại.
Cứ thế mà qua một đêm, nhờ có chú chó nhỏ, tuy tôi đã thoát khỏi số phận bị chết cóng, thế nhưng sức khỏe vẫn ngày càng yếu đi.
Tôi vẫn chưa sống đủ, tôi chưa muốn chết...
Tôi vẫn chưa sống đủ, tôi chưa muốn chết...
Trong đầu tôi chỉ còn sót lại duy nhất một câu này. Không phải là tôi đang kêu nài với Ông trời mà là tôi đang dùng đi dùng lại câu nói này để trói buộc y chí sắp sụp đổ của mình, tự nhủ rằng bản thân nhất định phải bám trụ, nhất định phải sống sót.
Không biết từ lúc nào mà tuyết đã ngừng rơi, sương mù cũng tan đi. Khi ánh bình minh chiếu rọi vào khe núi, chú chó vốn đang nằm im trên ngực tôi bất ngờ ngẩng đầu tru lên một tiếng.
Tôi cố mở to mắt ra, trông thấy dưới ánh mặt trời, một bóng người đang nhanh chóng trượt xuống từ trên sườn núi, thất thểu chạy về phía tôi gần như bằng cả tay chân.
"Bách Dận..." Rõ ràng cậu ấy đang rất sốt ruột, nhưng sau khi đến bên tôi, mọi động tác của cậu đều trở nên vô cùng thận trọng, thậm chí còn chẳng dám chạm mạnh ngón tay vào má tôi như thể sợ làm tôi vỡ nát.
Đây là lần đầu tiên tôi trông thấy biểu cảm này trên gương mặt cậu — Hệt như nếu tôi vỡ ra rồi, cậu cũng sẽ vỡ ra theo.
"Tôi lên Tây Thiên rồi ư, nếu không thì... sao lại trông thấy thần tiên thế này?" Tôi mỉm cười giơ tay lên, giữa chừng mất sức buông thõng xuống nhưng đã được đối phương nhanh nhẹn nắm lấy.
"Không sao rồi, không sao rồi..." Cậu chà tay tôi, cởi áo choàng của mình ra bọc lấy người tôi, sau đó cúi xuống, áp trán cậu vào trán tôi, "Cậu không sao cả, tôi tìm thấy cậu rồi."
"Đám Mạn Mạn..." Cơ thể tôi ấm lên rất nhiều, tôi hỏi vấn đề mình quan tâm nhất.
"Họ không sao." Cậu cọ liên tục mũi mình vào má tôi.
Ý thức mà tôi đã gồng mình chống cự cuối cùng cũng có thể yên tâm tan biến. Tôi nhắm mắt lại, để bản thân ngủ lịm đi, trước khi ý thức biến mất, tôi nghe thấy tiếng Ma Xuyên lẩm bẩm bên tai.
"... Tôi cũng không sao nữa rồi."
16/12/2023
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook