Lỡ Hẹn Với Xuân Thì
-
Chương 4
Con Hạnh nhếch môi cười nửa miệng.
Nó tự tin cầm chiếc điện thoại đời mới, bấm số gọi cho phụ huynh.
Chỉ mấy phút sau một người đàn ông trung niên bệ vệ đi vào nói gì đó với thầy giám thị.
Con Hạnh và mấy đứa cùng hội ngang nhiên xách cặp ra về.
Nó còn ném cho Mi và Trà một cái bĩu môi khinh bỉ.
Chỉ còn lại hai đứa trong phòng và thầy giám thị.
Thầy Lực cũng đuổi hai đứa ra ngoài.
– Cầm tờ giấy này về cho phụ huynh ký vào.
Sáng mai mời phụ huynh của hai em lên đây làm việc!
Mi sờ lên mấy chỗ bị cào trên má mình, rát và xót nhưng không vấn đề gì.
Giống như hồi bé đánh nhau với lũ trẻ con hàng xóm thôi.
Nhưng áo đồng phục đã bị xé rách một mảng ở vai.
Chiếc áo này là chị Mai lấy tháng lương đầu tiên mua cho mẹ và em giờ bị nó phá nát thế này.
– Tiền đâu mua lại bây giờ, chị Mai mà biết chị ấy xót lắm.
– Tạm thời mặc đồ của tao rồi tính sau.
Về ký túc mình cắt vải cũ tự khâu logo cũng được.
Thôi nín đi, đi về thay đồ rồi đi làm chứ đừng bỏ làm lại mất lương.
Mi quệt nước mắt đi xuống cầu thang, đã thấy Lâm đứng chờ sẵn.
Cậu nhìn má Mi đầy những vết đỏ tím lo lắng.
– Sao hai cậu không gọi tôi, lại để nó đánh thế này?
Mi bực tức đẩy Lâm sang bên cạnh đi phăm phăm về ký túc.
Ui da cái chân bị chúng nó đạp đau quá, đã toát cả mồ hôi mà vẫn phải cố bước đi vững vàng.
– Con Hạnh nó tưởng Mi thích cậu, cố tình tiếp cận cậu nên nó đón đường đánh Mi đấy.
Giờ nhà trường yêu cầu chữ ký phụ huynh, mẹ Mi mà biết thì nó không được bước đến trường nữa đâu.
Lâm nghe Trà nói sững người.
Cậu vội đuổi theo.
– Mi, nghe tôi nói đã.
– Tôi không có gì phải nghe cả, cậu đi mà giải thích với con Hạnh đi, đừng làm ảnh hưởng đến người khác.
Lâm thẫn thờ nhìn Mi khuất sau hành lang.
Tình cảm của cậu vừa mới biểu lộ một chút đã gây khó khăn cho cậu ấy rồi.
Cậu quan tâm Mi đến mức người khác có thể nhận ra sao.
***
Buổi sáng khách khứa dường như đã đi chơi, khu homestay khá vắng vẻ.
Mi thay đồng phục rồi bắt đầu quét dọn khu hành lang.
Quản lý Huệ ngồi trong phòng làm việc nhìn ra thấy con bé kia hí hoáy quét dọn, nhớ lại những lần nó chạy vào phòng sếp Tùng dọn phòng ánh mắt đen đặc.
Đó là mối quan hệ gì? Họ hàng không, người tình không thì là cái gì? Huệ đứng dậy đi ra ngoài.
– Homestay này không phải cái chợ, thích đi là đi thích nghỉ là nghỉ.
Quy định nghỉ phải báo trước 1 ngày cô làm bao lâu rồi còn chưa biết? Muộn tận 3 tiếng trừ vào lương 400 ngàn.
Nghe đến bị trừ nhiều tiền như vậy, mặt Mi biến sắc.
Trừ quá công một ngày vậy thà xin nghỉ ở nhà còn hơn.
– Chị Huệ, cái này là bất khả kháng, làm sao có thể trừ nhiều như vậy.
Em thấy trong quy định đi muộn bị trừ có 50 ngàn thôi.
– Cô học lớp mấy rồi không biết tính hả? 50 ngàn nhân 3 tiếng đồng hồ.
Trong thời gian đó ai trực cho các cô, ai bán hàng, ai dọn dẹp? Tôi hay là ban lãnh đạo?
– Em đến đây vẫn chưa thấy ai dọn dẹp hành lang, cầu thang vườn tược vẫn như hôm qua, làm sao có thể ai dọn hộ em mà vẫn thế được?
– Tôi không có loại nhân viên chủ nói một câu cãi hai câu.
Cô muốn thoải mái như ở nhà thì vào phòng hành chính kết thúc hợp đồng.
– Chị Huệ, không phải.
Ý em không phải vậy.
Em xin lỗi chị, sẽ không có lần sau.
Huệ đi rồi Mi vẫn còn ấm ức.
Cô tiếc tiền xót của quá, trừ đi 400 cộng với những lần đi muộn và vi phạm vụn vặt thì tháng này chỉ còn hơn 1 triệu thôi sao.
Cô dằn mạnh cây kéo cọ vào chậu hoa kêu ken két.
Tùng đứng trước hồ non bộ nhỏ vươn vai vươn cổ thì thấy Mi phía đối diện hành lang.
Con bé làm gì mà như đánh vật với cây cối thế nhỉ.
Tóc tai thì rũ rượi, tay chân vung loạn xạ, định phá nát gạch nhà anh chắc.
– Vỡ một viên gạch đền 1 triệu đồng.
Mi đang bực bội với đống tiền lương trong đầu, lại thêm chữ tiền nữa như đổ thêm dầu vào lửa.
Cô bé ngẩng đầu lên thấy khuôn mặt khó đăm đăm kia.
Cô vất cây kéo cắt cỏ sang một bên giọng run lên.
– Các người còn cái gì muốn trừ nữa không thì trừ nốt đi.
Tôi làm việc ở đây như trâu như ngựa, công việc của bốn năm người cộng lại còn đòi hỏi cái gì hả?
Đôi mắt đỏ hoe và mấy vết xước trên má Mi khiến Tùng khựng lại.
Ai làm con bé thế kia.
– Dớn, bị làm sao vậy?
Mi nhìn trân trân vào mặt Tùng, chợt cô bé thấy đầu mình sáng rực lên vội thả cây chổi sể hồ hởi.
– Chú Tùng, chú có thể giúp tôi một chuyện không? Chỉ mất 30 phút, không 15 phút thôi.
– Làm gì?
– Tôi… tôi mượn chú… Chú làm bố tôi một hôm!
Tùng trợn mắt, nó kêu chú đã là một sự sỉ nhục rồi lại còn đòi anh làm bố sao.
Con bé này tất cả những cái gì mọc trên người nó đều không bình thường, từ não bộ cho đến cái hình thể như cái que tăm.
– Dớn, không có ông bố nào đẹp trai như tôi đẻ ra đứa con vô duyên như cô đâu!
Mi xụ mặt xuống.
– Không làm thì thôi mắc gì động tí chê bai vậy… tôi bị làm bản kiểm điểm, nếu không mời phụ huynh lên sẽ bị hạ hạnh kiểm.
– Này nhóc, học không lo học chơi bời bị hạ hạnh kiểm bây giờ thấy hậu quả chưa? Tôi là một người mẫu mực, không bao giờ có chuyện tiếp tay cho cái ác.
Cuộc đời này không bao giờ chấp nhận những người lừa lọc dối trá hiểu chưa? Học hành cũng như công việc, phải toàn tâm toàn ý mà làm, thời nay học hành xin việc không phải dễ đâu.
Rồi sau này đất nước có những người như cô phải làm sao hả? Các cấp lãnh đạo trên kia phải làm sao với công dân như cô hả?
Tùng nghe những câu nói của mình phát ra mà buồn nôn.
Nhưng con bé là cấp dưới, lại bé như vậy nếu không dạy dỗ thì sau này hỏng hết tương lai của đất nước.
Mi vừa tủi thân lại bị giáo huấn một thôi một hồi, mắt cô bé đỏ quạch lên, không thể kiềm chế được nữa, ngồi bệt xuống gốc cây bên cạnh khóc oà lên.
– Chú nói cái gì? Chú tưởng tôi cần công việc này lắm sao? Đáng lẽ ra chú phải đền bù xứng đáng cho tôi chứ không phải xếp tôi vào cái công việc lao động vất vả thế này.
Tôi làm nốt hôm nay tôi nghỉ.
Tôi đi bán đào bán mận, đi chạy bàn cà phê còn sướng hơn chỗ này.
Trả lương được mấy đồng mà ép người ta quá đáng!
Tùng ngạc nhiên, hoá ra con bé giận lẫy cái homestay này sao.
Cho vào làm việc rồi lại còn đỏng đảnh khó chiều.
Mấy cái công việc cắt hoa cắt cỏ này dễ ợt làm gì đâu mà nhọc nhằn bức xúc đến vậy.
– Dớn rừng, tôi nói cho nhóc biết này, cuộc sống đi làm không giống như học sinh thích thì đi không thích thì nghỉ.
Nếu bé muốn thoải mái thì lên được cái vị trí của tôi thích làm gì thì làm.
Còn nếu không sẽ mãi phải chịu sự sai khiến của người khác, hiểu chưa?
Mi ngừng khóc, rồi cười nhạt một tiếng, ném cái nhìn giận giữ vào đôi mắt mông lung của người đối diện.
– Đúng rồi, tôi hiền quá nên luôn bị sai vặt phải không? Cả đống nhân viên thảnh thơi ăn cơm bắt tôi dọn dẹp một mình.
Tôi làm từ dọn cỏ đến giặt áo cho chú, khăn piêu rách cũng ném cho tôi khâu, chú nuốt không được cũng đổ vấy tôi làm chú mắc nghẹn phải không?
Nói xong Mi cầm dụng cụ vệ sinh đi thẳng về kho.
Tùng nhìn dáng vẻ nhỏ nhắn lầm lũi của con bé khuất phía hành lang lắc đầu không hiểu gì, anh đổ cho nó làm anh mắc nghẹn lúc nào, giặt có mấy cái áo làm gì căng.
Đúng là tuổi trẻ không chịu được áp lực.
Yến từ trong phòng anh đi ra khoác tay thân mật.
– Anh, con bé đó là ai vậy? Cháu anh à, trẻ nhỉ.
– Không.
Bé nhân viên ở đây.
– Nhân viên à? Sao em không biết?
Tùng phát cáu, anh ghét nhất người khác hỏi han quá sâu về đời tư của mình.
– Em là chủ hay sao mà đòi biết?
Yến ngỡ ngàng, cười nhỏ nhẹ.
– Em đâu có ý đó, tiện miệng hỏi thôi.
Anh quên lịch hôm nay của chúng ta à.
Đi sớm chứ, nắng lên chụp hình mới đẹp.
– Ừ, thì đi!
Tùng bực bội quay ngoắt đi vào phòng.
Đôi mắt ngân ngấn nước và những lời nói của con nhóc kia cứ quay đi quẩn lại trong đầu anh.
Cỡ con bé đó ai mà bắt nạt được nó, hay là có con mèo nào cào nó, mèo ở homestay đã hoạn hết rồi cơ mà.
Những ngày sau Mi lại cố gắng nhẫn nhịn quản lý Huệ để làm tiếp.
Nhưng cứ nghĩ đến việc mình gào mồm lên với ông chú kia là không biết giấu mặt vào đâu.
Cô cố gắng đi đúng giờ, dọn vệ sinh thật sớm để không gặp phải ông chú kia.
Thật may mắn, độ gần đây chú ấy không xuất hiện nhiều nữa.
Thấm thoắt đã đến ngày tổng kết năm học.
Mi sờ chiếc váy thổ cẩm thêu tỉ mỉ trên người, chỉ còn 1 năm nữa đến kỳ thi đại học, cô vẫn còn hoang mang chưa biết định hướng mình sẽ đi đâu.
Trà thoa thêm má hồng cho Mi làu bàu.
– Sắp đến tiết mục của mày rồi.
Hồi hộp hả?
– Đâu có, hồi hộp gì đâu.
Hôm qua mới gọi cho mẹ, lũ cuốn hết đàn gà xuống suối.
Kỳ này không có học bổng thì không biết tiền đâu đi học nữa.
– Chắc chắn mày sẽ được, tin tao đi.
Không có học bổng thì lại đi làm thêm, đừng lo.
Cái mắt tươi hơn chút nào.
Ở vùng cao này, chưa quá phát triển vì thế những học sinh vùng núi không được tiếp xúc nhiều với văn hoá hiện đại.
Khi những tiếng nhạc của bài hát “Để Mị nói cho mà nghe” vang lên, cả trường bùng nổ.
Vốn bài hát hiện đại này chỉ được xem trình diễn trên đài báo bây giờ tái hiện ngay trên sân khấu.
Mi bước ra, đội khăn piêu hình tam giác che gần nửa khuôn mặt, nhảy vũ điệu hiện đại.
Thầy cô giáo và bạn bè đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Trường này ai cũng biết con bé Mi hát hay như chim sơn ca của núi rừng nhưng chưa bao giờ thấy con bé nhảy nhót.
Lâm ngẩn người đứng nhìn, vẫn là hai bím tóc lúc lắc đó, khuôn mặt trái xoan xinh xắn đó nhưng cô bạn cùng lớp hôm nay lột xác quá.
Bộ trang phục dân tộc thiểu số này không hề làm cô bé lỗi thời mà trông rất lạ mắt, đáng yêu và hiện đại.
Ở phía dãy bàn của ban khách mời, Tùng ngáp ngắn ngáp dài buồn chán.
Anh phụ trách mảng truyền thông của homestay – Gọi là công việc nhàn hạ nhất công ty, suốt ngày chỉ phải ra ngoài quan hệ khách hàng.
Vì thế năm nào anh cũng phải đi đến các trường dự lễ tổng kết năm học, trao học bổng rồi tài trợ một ít tiền để phối hợp với nhà trường lấy nhân lực cho homestay.
Trăm cái lễ tổng kết và khai giảng đều như một, nhìn ngắm học trò chán rồi quay sang nói chuyện với thầy cô giáo, hoạ hoằn có em giáo viên nào đó bắt mắt lại thêm vài mối quan hệ.
Tóm lại là những buổi lễ mang tính nghi thức như thế này quá chán.
Chợt nghe giới thiệu cái tên “Chử Hoạ Mi” Tùng giật mình nhìn lên.
Trên sân khấu đúng là con nhóc Dớn rừng.
Trông khác quá trời khác, son phấn có thể biến một con cú thành con công như vậy sao.
Anh vội cầm điện thoại lên, zoom gần zoom xa chụp mấy bức ảnh.
Hoá ra ngoài đấu võ mồm còn biết nhảy nhót múa ca.
Cái giọng hát này thật chẳng giống giọng nói chút nào, giá mà lúc nào nói cũng du dương thánh thót thế này.
– Lực, học sinh này… trông kháu nhỉ?
– Đừng có động vào học sinh của tôi.
Chúng nó còn bé lắm, đánh bắt xa bờ đi.
– Ô hay, tôi có làm gì đâu.
Tôi chỉ hỏi xem có tiềm năng gì để bứng vào làm nhân sự của homestay thôi.
Tùng nhìn nụ cười và đôi mắt lúng liếng long lanh trên sân khấu rồi lại nhớ đến những vết cào và ấm ức tối hôm trước.
Anh cầm cây bút trên bàn quay tròn thưởng thức tiết mục văn nghệ của Mi, miệng kéo dài thật sâu.
Mi kết thúc phần tiết mục văn nghệ của mình trong bùng nổ tiếng hò reo của cả trường.
Cô bé cúi người chào cười thật tươi, ánh nắng mùa hè xuyên qua nụ cười của rạng ngời lấp lánh.
Có mấy nam sinh dường như vì nụ cười đó mà xao xuyến, ôm hoa chạy lên sân khấu tặng tới tấp.
Mi xuống lớp ngồi chờ đến phần trao học bổng cuối kỳ.
Từ hồi đi học, 8 kỳ thì phải đến 6 kỳ cô được nhận học bổng nên cô bé tràn ngập hy vọng.
Trà được đọc tên đầu tiên, rồi đến Lâm rồi đến hai bạn học sinh lớp bên cạnh, cuối cùng là Phí Hoa Hạnh.
Mi mặt tái mét, tại sao có thể như vậy được, rõ ràng bài thi học kỳ cô đã làm đúng không sai một câu nào.
Trà và Lâm cũng hoảng hốt không kém, quên cả việc mình vừa được gọi tên.
– Mi, Mi có khi nhầm lẫn gì đó.
Không thể nào như thế được.
Có ai nói gì với mày không?
– Không… không thấy ai nói gì.
Mi nhìn lên sân khấu thì bắt gặp Hạnh nhìn xuống dưới này, ánh mắt nó khinh khỉnh, vênh váo thách thức.
Cô cảm thấy thái độ kia của nó có gì đó sai sai, nếu như thầy cô giáo nhầm điểm thì nó không thể kênh kiệu đến mức đó.
Trà nhìn gương mặt thất sắc của Mi.
Cô bé lo lắng bạn mình không kiềm chế được cảm xúc.
– Mi, bình tĩnh nhé.
Lát tổng kết xong tao với mày lên gặp cô giáo.
Những học sinh dự lễ tổng kết rộn ràng chia tay nhau, rộn ràng chụp ảnh lưu niệm.
Trà đứng ngóng vào phòng hội đồng, Mi đang ở trong đó gặp cô giáo chủ nhiệm.
Một lúc sau Mi mở cửa đi ra, gương mặt thất thần, mắt còn ươn ướt.
– Tao bị rớt thật, trường không nhầm.
– Cái gì?
– Điểm cao nhất nhưng bị hạnh kiểm kém nên cắt suất.
Trà bàng hoàng, vậy là vụ đánh nhau với Hạnh, nhưng tại sao con Hạnh không bị gì lại được học bổng.
Mi bám chặt tay vào lan can nhìn xuống dưới sân trường ảo não.
– Nó khai là bọn mình đánh trước.
Cô giáo nói nó điểm kém hơn nhưng tiếng Anh lại giỏi.
– Nó dốt như bò làm sao có thể chen chân vào top mà bảo kém được hơn mày, nói thế mà nghe được!
– Ừ, họ tin nó, không tin tao.
Tao về quê đây, tao đã xin chỗ homestay nghỉ mấy hôm rồi.
Trà vội kéo Mi lại.
– Này, mày đừng có bỏ học đấy.
Có học bổng của tao, còn tiền đi làm thêm, đừng bỏ phí tương lai, hiểu chưa!
– Bỏ làm sao được, chỉ còn 1 năm nữa sao tao bỏ phí vậy được.
Tự dưng tao thấy mệt về quê vài hôm thôi.
Mày đi làm đi, muộn bị trừ lương đó.
Trà lục túi lấy mấy tờ tiền lẻ.
– Về mua cái gì mà ăn nhé, chè màu sắc hay kem gì đó.
Nhớ lên sớm không tao buồn chết.
Mi nhìn đứa bạn thân suýt khóc, cô cầm lấy tiền rồi đi về ký túc.
Mi đi qua con đường nhỏ sau trường, nắng chói chang trên đầu khiến cô bé tủi thân không muốn bước nữa.
Hè đã đến rồi, bầu trời buổi trưa hè lấp ló những tia nắng chiếu vào đoá hoa phượng đỏ rực.
Mi thấy bức bí trong lòng mình, khối uất ức nổ tung thành những tiếng thút thít.
Tùng đứng trên tầng 2 nhìn xuống sân trường, cơ sở vật chất của trường dân tộc nội trú này năm nay khá khang trang.
Những chiếc ghế gỗ ọp ẹp dưới hàng cây bàng thay bằng một loạt ghế đá mới tinh.
Một loạt cây cảnh cũng được thay mới cắt tỉa gọn gàng tươi sáng.
Lại nhớ đến danh sách học sinh đạt học bổng, thật tiếc không Hoạ Mi trong đó.
Nếu như con bé thực sự học giỏi thì có thể đào tạo bài bản để thành nhân sự cứng của homestay.
– Lực, học sinh Chử Hoạ Mi học hành tệ lắm à?
Thầy Lực đẩy gọng kính trên sống mũi, nheo mắt nhìn người bạn có chút ngạc nhiên.
– Hỏi mấy lần rồi đấy.
Hoạ Mi học rất giỏi nhưng bị đánh trượt lần này.
– Đánh trượt?
– Để thay suất con của nhà tài trợ mới, thấy khuôn viên khang trang mới mẻ chưa.
Nhờ bố cháu nó cả đấy.
Tùng bỗng thấy tức giận sôi người.
Nơi đây là cả môi trường giáo dục lại có thể có chuyện tiêu cực như vậy sao?
– Bên homestay cũng là nhà tài trợ lâu năm, tại sao không bàn bạc gì lại gạch tên con bé đi hả?
– Ơ, mấy năm trước đưa danh sách học bổng bên ông có thèm ngó gì đâu, chả bảo đứa nào ngoan ngoan con nhà nghèo là được à?
– Tại sao không gạch tên đứa khác?
– Con gái đại gia không vừa mắt, hai đứa từng đánh nhau nên trò Mi bị hạ hạnh kiểm phải gạch khỏi danh sách học bổng.
Tùng buông một câu chửi thề rồi đi nhanh xuống cầu thang, vừa đi vừa gọi điện thoại cho nhóc kia.
Điện thoại cứ tút dài không nghe, trời buổi trưa ánh nắng như mật ong đổ xuống khoảng sân hoa phượng đỏ rực khiến anh bồn chồn, nóng nảy vô cùng.
Bên tai cứ lảng vảng lời của Lực “trò Mi bị hạ hạnh kiểm phải gạch khỏi danh sách học bổng”, hóa ra hôm đó con bé nhờ anh làm bố là vì vậy.
Tội thật, biết vậy thì làm bố nó một hôm cho rồi!.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook