Lĩnh Nam Ký
-
Chương 134: Tầm và thế
Gió đêm cuốn qua đám lá cây xào xạc, lượn mấy vòng qua những lỗ châu mai đầy vết loang lổ, sẵn tiện cuốn tung vạt áo gai của một bóng người đang đứng khiến bờ vai hắn không khỏi run lên khe khẽ.
"Lạc quân, đêm nay có chút lạnh, ngài khoác thêm áo vào đi ạ."
"Cảm ơn anh."
Khải Minh gật đầu để Lạc An khoác lớp vải choàng qua cổ, mặc cho hắn ta tranh thủ buộc một cái nút nhỏ trước ngực; ánh mắt thì vẫn chăm chú quan sát mấy tốp quân binh đang hì hục đào những đường rãnh dài chạy dọc chéo trước quan ải. Đợi áo choàng buộc xong, hắn mới rùng mình một phát, cứ như quả thực lúc nãy không phải vì bản thân quá chú tâm đến công việc gia cố công sự của đám người bên dưới mà là vì quá lạnh nên mới đứng im như tượng vậy.
Xong đã, tên quân sư trẻ mới quay lại nhìn đám người Lạc An, Lạc Hào đang thỏa mãn với hành động vừa rồi của mình hỏi:
"Quân ta đã rút về hết chưa? Tình hình quân Hán thế nào rồi?"
Lạc Hào nghe thấy Khải Minh hỏi thì nghiêm túc lại, cung tay trả lời:
"Hồi Lạc quân, tốp quân cuối cùng đã về đến quan ải từ chiều rồi ạ."
"Là Giao Phong kỵ?" Khải Minh hỏi.
"Là bọn họ, thêm vào binh sĩ của tộc họ Vu." Lạc Hào đáp.
Khải Minh xoa hai bàn tay vào nhau, tình hình của Phùng Chí cùng Giao Phong kỵ hắn đã sớm nắm rõ từ lâu. Đối với cách lựa chọn của Phùng Chí hắn cũng có chút cảm khái, nhưng lại không thể có bất kỳ ý kiến gì, dù sao nhờ vào đó mà quân Hán mới bị chững lại, tạo điều kiện cho quân Việt chuẩn bị đầy đủ thêm.
Lạc An nhìn Khải Minh trầm ngâm cũng bước lên tiếp:
"Lạc quân, theo như trinh thám báo lại: Sau khi quân Hán vấp phải một số chướng ngại cùng vài lần mai phục nhỏ do Tạ Thuần dựng nên thì đã co vòi về trong đại doanh, vẫn chưa có tín hiệu gì cho thấy chúng sẽ tiếp tục xuất quân."
"Vậy sao? Mã Viện từ bỏ sách lược đánh nhanh thắng nhanh sao?" Khải Minh lắc đầu thở dài, Mã Viện không vội vã ép lên đối với quân Nam chưa hẳn là chuyện tốt.
Thật ra, Khải Minh hiểu rõ lý tưởng nhất vẫn là Mã Viện không quản khó khăn, ùn ùn vượt qua thật nhiều chướng ngại do hắn dựng nên, sau đó lôi đám binh sĩ đã sớm bị vắt kiệt sức vì hai ngày liền chiến đấu căng thẳng đến trước quan ải thách chiến. Nếu như vậy, mặc dù hệ thống công sự ở đây vẫn chưa hoàn thiện, Khải Minh tin chắc dàn tướng lĩnh kỳ cựu của quân Lĩnh Nam như Đào Kỳ, Phương Dung cùng với đa số Lạng Sơn quân, Lĩnh Nam quân, những người đã có không ít thời gian nghỉ ngơi chỉnh đốn, sẽ rất vui vẻ đón tiếp chúng.
Thế nhưng rõ ràng, Mã Viện không phải là hạng hời hợt, hư danh, càng không phải loại tướng lĩnh trẻ tuổi bốc đồng, dễ dàng bị chiến công rực rỡ che mờ lý trí.
Hoặc dĩ, tên Mã Phục Ba đã sớm quen với tiết tấu của những trận chiến dịch lớn rồi. Có lẽ đó hắn mới có thể hiểu được lúc nào nên đánh, lúc nào nên dừng, lúc nào nên nghỉ ngơi chỉnh quân. Tạm thời không ép kẻ địch quá chặt, âu cũng vì muốn bảo toàn phần thắng cho mình.
Mã Viện quả nhiên đáng sợ.
Trái lại so sánh, Khải Minh lại thấy mình còn quá xanh và non. Không cần nói chi xa xôi, chỉ mỗi việc nắm bắt tốc độ diễn biến của chiến tranh hắn đã chẳng thể nào chạy theo nổi. Mới trải qua mấy trận liên tiếp, Khải Minh đã bắt đầu có cảm giác suy nghĩ không kịp, phản ứng cùng tính toán cũng có phần trì trệ đi nhiều. Tựa như đêm hôm trước vậy, dù cho lúc đó Khải Minh chả hề có chút chủ quan nào sau khi thắng một trận giòn giã, vẫn cố hết sức mưu tính, vậy mà vẫn không tài nào đoán được đường đi nước bước của giặc, sự quyết tâm, mưu mô của Mã Phục Ba.
Quân Việt thắng lớn, xong thất bại cũng kéo đến thật nhanh, thật thảm khốc.
Tuy kết quả Khải Minh đã thành công loại khỏi vòng chiến mấy ngàn quân giặc, xong kết quả của quân Việt thì sao? Mấy ngàn người bị giết, bị bắt, thật nhiều quân nhu, quân lương bị buộc phải phá hủy, doanh trại chính cũng bị giặc chiếm, thậm chí ngay cả vua cũng đã bị thương nặng… Tính ra, tổn thất mà quân Lĩnh Nam phải nhận chỉ có hơn chứ không kém so với giặc. Đó là vì đâu?
Khải Minh kéo lại áo choàng cho thêm chặt, ánh mắt liếc qua ngọn lửa đang cháy bập bùng từ một bó đuốc cách chỗ đứng không xa. Được một chốc hắn mới xoay người, tiếp tục bước đột đột trên bờ tường quan ải, vừa đi vừa suy ngẫm.
Nếu như không phải bên phía tộc Việt còn có không ít nhân tài như anh Kỳ, nàng Thục, nàng Dung, nàng Chủ…; nếu như không có ông Khanh, ông Cống nhắc nhở, phân tích; nếu như không có Tạ Thuần, Phùng Chí quay đầu báo lại tin tức…, liệu có phải lúc này quân Việt đến tòa quan ải này cũng không thể nắm nổi trong tay hay không? Liệu có phải bây giờ người phải trầm mình vào dòng nước hung tàn vẫn chỉ có mỗi Phùng Chí? Có lẽ, nếu không có bọn họ, hiện giờ hai chị em Vua Bà đã không thể thoát khỏi số phận tự tử gieo mình, phải chăng là lần này sẽ có thêm một tên nhóc cùng chết theo mà thôi…
Rốt cuộc ông trời cho hắn đến với thế giới này làm gì? Là để có thể góp sức cứu lấy một dân tộc? Hay là để có thể tận mắt chứng kiến thời khắc đau thương này một cách chua xót nhất, trực tiếp nhất?
Hay phải chăng tất cả chỉ là trò đùa của số phận, phải chăng ông trời chỉ muốn để hắn đau khổ nhận ra dù cho bản thân có nỗ lực đến thế nào đi nữa thì cũng chỉ là dã tràng xe cát, không thể nào xoay chuyển được bánh xe vận mệnh?
Phải vậy không?
Khải Minh tự nhận từ giây phút nhìn thấy ông Đa ngã xuống, bản thân hắn chưa từng bao giờ lười nhác, chưa từng có chút một chút lơ là thả lỏng, vậy vì sao vẫn chưa thể như bao nhân vật xuyên không khác, đạt được những thắng lợi rực rỡ, giòn giã?
Trong đây nhất định phải có nguyên nhân, phải có lý do.
Đây có lẽ chính là điểm mấu chốt cực kỳ quan trọng đối với hắn.
Khải Minh cảm thấy nếu mình chưa thể tìm ra được nút thắt này thì về sau, hắn nhất định sẽ còn phải nếm trải thật nhiều đau thương, mất mát nữa.
Về sau, chắc chắn sẽ không chỉ có Nga Sơn công chúa cùng các con, không chỉ có hai anh em Tạ hầu, không chỉ có nàng Quế, ông Trinh, ông Cai… hay Phùng Chí…
Về sau liệu sẽ tới những ai? Là những người bên cạnh hắn? Anh Kỳ? Chị Dung? Chị Thục? Hay là… Nội, là…
Khải Minh không muốn nghĩ tới kết quả đó, càng không thể chấp nhận những điều này.
Vì thế, hắn phải tìm ra cho bằng được chỗ thiếu sót của mình.
"Hừ, tức chết ta mà."
Giọng nói đầy ý giận tựa như làn gió đêm bất chợt lách qua khỏi lớp áo choàng, thô bạo ngấm vào tận da thịt khiến Khải Minh rời khỏi mạch suy nghĩ. Nhờ ánh lửa vàng đỏ trên tường, hắn nheo mắt nhìn thấy có mấy ông lão đang hậm hực rảo bước, dáng vẻ thoạt nhìn tựa như vừa gặp phải vấn đề gì đó rất khó chịu, rất không thoải mái. Bọn họ bước đi huỳnh huỵch, vừa đi vừa thoáng trò chuyện với nhau mà chả thèm để ý đến ngay trên con đường cách đó không xa có một đoàn người đang hiện hữu.
Theo lễ phép Khải Minh vốn định lên tiếng chào hỏi, bởi lẽ tuy những người này có thể không biết hắn, hắn lại biết họ khá rõ: những ông lão này đa phần đều có bối phận không hề thấp. Họ hoặc là bồ chính lâu đời ở các vùng, hoặc là các cừ súy đã từng chiến đấu từ thời hai Vua còn chưa đứng lên khởi nghĩa, thậm chí một số trong đó còn là những bậc trưởng giả trong dòng họ quan trọng. Có thể nói, bọn họ chính là một trong những lực lượng trung trinh nhất, luôn một lòng ủng hộ cuộc chiến này.
"Thật sự ta chẳng hiểu con bé ấy nghĩ cái gì nữa? Đây có phải là chuyện cỏn con đâu?" Một ông lão dường như không nhịn nổi nữa bất chợt lên tiếng. Lời của ông tựa như có ai ném thanh củi khô vào chậu than đỏ, ngay lập tức khiến nó bùng lên. Theo sau, một ông lão khác tiếp lời:
"Đúng vậy. Theo lẽ mà nói, nó nên trực tiếp giết chúng đi mới phải."
"Bọn chúng là gian tế, đã hàng giặc, sao lại còn chấp nhận chúng? Đây chẳng phải là đang nuôi ong tay áo sao?"
"Quá đáng nhất là ả còn giao cả số ngựa chiến hiếm hoi ấy cho chúng. Vô lý, điên rồ cực kỳ, số ngựa đó phải chi chia cho bọn ta thì tốt biết bao…"
"Quả thực đáng giận. Không ngờ chị tài năng bao nhiêu, đứa em lại hèn kém bấy nhiêu…"
Khải Minh khựng lại, không ngờ mình lang thang suy ngẫm thế nào lại lạc đến tận khu phòng nghỉ của Vua rồi? Đồng thời lại thành ra nghe lén người khác trò chuyện. Đây năm năm rõ mười là đang nói về Trưng Trinh, cũng đang nói đến số Giao Phong kỵ còn lại do Phùng Hạ dẫn về.
Thực ra Khải Minh cũng biết Giao Phong kỵ không sớm thì muộn nhất định sẽ gây nên sóng gió trong lòng quân Việt.
Một mặt, họ chính là đại diện cho những kẻ đã ruồng bỏ dân tộc, nối giáo cho giặc đàn áp các cuộc khởi nghĩa của dân Nam ngay từ trước khi Trưng Châu khởi sự.
Mặt khác, họ chính là lực lượng kỵ binh có sức mạnh tuyệt vời nhất, kinh nghiệm phong phú nhất mà quân Việt có thể nắm giữ cho đến lúc này, cũng chính là ân nhân cứu mạng của không ít người.
Giữ họ lại, tha mạng, hay trừng phạt để răn đe như bao tấm gương khác, đây chính là một sự quyết định không chút dễ dàng, cũng là một quyết định có sức tác động cực kỳ lớn. Dù cho có là người đứng thứ hai của quân Nam như Trưng Trinh cũng không thể xem nhẹ việc này.
Đây cũng là vấn đề mà tuy Khải Minh rất muốn góp tiếng nói lại không dám hấp tấp. Bởi vì hắn biết có không ít kẻ vẫn đang soi mói hắn, vẫn đang âm thầm rỉ tai nhau cho rằng một tên nhóc con như hắn thì không thể được coi trọng quá mức. Quan trọng hơn, Khải Minh đã phong phanh nghe thấy nhiều tiếng nói cho rằng sau trận ải Săn Giao, hắn đã đi vượt quá xa giới hạn của một tên quân sư khi tự tung tự tác thu nhận tư quân, thu hàng người Hán, tự tiện tha cho phản tặc… tất tần tật đều cho thấy hắn là kẻ có lòng dạ khó lường, là kẻ có rắp tâm cướp quyền của Vua.
Khải Minh không muốn mình bị coi như vậy, càng không muốn bị người đời sau ghi lại những lời nhận xét đó. Thế nên thay vì ngay lập tức góp ý khuyên Trưng Trinh tha cho Phùng Hạ, hắn lại chọn lựa tạm thời giả câm giả điếc, định bụng để mai rồi nói sau.
Ai ngờ đâu, Trưng Trinh lại có suy tính như vậy…
Áng theo những người này nói, rất có thể cô Vua em không những không trừng trị Phùng Hạ, mà còn tin tưởng giao chiến mã cho anh ta. Nàng làm vậy rất có thể sẽ bị người trách mắng, dèm pha, xong lại cực kỳ sáng suốt.
"Cô ả dù sao cũng còn trẻ, không thể anh minh như chị mình a…" Một tên bồ chính mặc giáp thở dài, lão ta rảo bước đi trước nói:
"Trưng Châu bị thương nặng không thể chủ trì mọi việc, không ngờ lại là sát thương chí mạng đối với quân ta, tộc ta. Vua em tuy không phải người u mê, xong lại thiếu hẳn khí chất của một người đứng đầu nên có, lại đi tin lầm một thằng nhóc còn bú sữa mẹ mới ra sự thế này…"
"Đúng, chính hắn là kẻ đầu têu đã tự tiện tha chết cho thằng Chí." Mấy ông lão cũng nối gót theo sau, tiếng bàn tán hậm hực kéo dài mãi.
"Tương lai của tộc ta, thật khó khăn a…"
Khải Minh xạm mặt lại, cánh tay đưa ngang chặn lấy Lạc An khẽ thu trở về. Đầu của hắn lắc nhẹ ra hiệu mọi người không cần chấp nhất với mấy ông lão đó làm gì.
"Lạc quân, bọn họ thật quá đáng. Không ngờ dám mắng ngài như vậy, còn dám vô lễ với Vua nữa." Lạc An không hiểu sao chủ nhân lại cản mình nên bước lên nói.
Khải Minh nhìn theo bóng lưng mấy ông lão đang khuất dần, hắn thở dài, từng bước đi đến bên một gốc cây to, chống tay nhìn ngọn cây suy nghĩ. Không ngờ dù hắn cố gắng tránh né ra sao cũng không thể thoát khỏi miệng người đời bôi bác...Khải Minh, có chút khó chịu.
Đồng thời đối với quyết định của Trưng Trinh, Khải Minh cũng khá ngạc nhiên.
Hắn ngẩng đầu nhìn về phía khu phòng nhỏ nằm giữa mấy lớp quân lính bảo vệ. Khu phòng có ba căn, một căn trong đó lúc này vẫn còn đang thắp nến sáng trưng. Hiển nhiên là chỗ Trưng Trinh đang làm việc.
Quân Việt đang ở trong thời điểm khốn khó, về điều này, Khải Minh công nhận mấy ông lão nói chẳng sai tẹo nào.
Nước không thể một ngày không có Vua. Trưng Châu hôn mê không tỉnh, quân Việt chỉ xém chút nữa là loạn thành một đoàn. Bao nhiêu vấn đề to nhỏ khác nhau, thiếu chút là bị ứ đọng không giải quyết được. Việc sắp xếp các đội quân rút về, tu sửa quan ải, củng cố phòng ngự, ngay cả việc điều động các toán dân chúng bắt đầu tiến về Ty Ảnh cũng như phân phối lượng quân nhu ít ỏi còn lại… tất cả đều phải nhanh chóng được thực thi.
Đó là lý do mà từ tối qua đến giờ, cô Vua em đã làm việc quần quật không biết mệt mỏi, bù đầu từ sáng cho đến tối để đảm bảo mọi việc được thông suốt. Ấy thế nàng vẫn không dễ gì lo cho mọi việc được vẹn toàn.
Trưng Trinh tuy cũng là Vua, thế nhưng nàng không có được uy danh cùng chiến tích lẫy lừng như chị, càng không có được khí thế uy nghiêm của người đứng đầu một quốc gia. Đối với nàng, người ta nể tiếng lành, yêu sự thông thái, cảm phục tính tình nàng hiền dịu, xong lại khó có thể chấp nhận việc Trưng Trinh thay thế chị mình. Ở nàng, cái cảm giác bề nghễ uy thế, cái cảm giác đè nén không cho phép người khác thắc mắc, nghi ngờ quyết định của mình đều thiếu đi rất nhiều. Vì thế lúc này đã xuất hiện không ít kẻ bằng mặt không bằng lòng, rì rầm to nhỏ sau lưng. Về căn bản họ không phải phường bán nước, chẳng phải hạng kẻ gian, mà chẳng qua…
"Trinh vẫn chưa có đủ uy tín như Vua Bà, việc đó không thể vội vàng được…" Ông Âu Khanh không biết từ lúc nào bỗng dưng thủng thẳng đứng kế bên Khải Minh, giọng từ tốn nói:
"Đối với những tên tướng già thành kiêu như bọn họ, con không bận tâm trong lòng là đúng. Chỉ cần cho Trưng Trinh thời gian, chắc chắn ngài ấy sẽ khiến họ tâm phục, khẩu phục."
Khải Minh giật mình chắp tay lễ phép chào ông, trong lòng thoáng có chút khó hiểu không biết ông Âu Khanh đã xuất hiện từ bao giờ? Vì sao lại ở đây?
Ông lão như đi guốc trong bụng hắn, ông mỉm cười thoáng đưa tay chỉ về phía một trong ba căn phòng nhỏ. Lập tức, Khải Minh nhớ ra ông cùng Diệu Tiên phu nhân luôn túc trực gần đây để chữa chạy cho Trưng Châu. Hắn lễ phép nói:
"Thưa ông, cháu không vì những lời nói của họ mà phiền lòng đâu ạ. Dù sao họ nói cũng không sai, dạo gần đâu cháu có chút tự tiện quá độ."
Ông Âu Khanh như cười như không nhìn hắn. Ông chắp hai tay sau lưng, bước từng bước khoan thai mà vững chắc tiến về phía dãy phòng, vừa đi ông vừa nói:
"Lạc Quân cùng Vua Em quả nhiên đều giống nhau, đều là những viên ngọc thô quý báu…"
Ông nói dưng dửng, Khải Minh cũng chợt chú ý. Ngọc thô? Đó chẳng phải nói ông Khanh có ý muốn nhắc nhở hắn việc gì sao? Vì thế hắn vội bước theo sau hỏi:
"Thưa ông, cháu có chỗ thắc mắc ạ."
Âu Khanh tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi:
"Ồ? Lạc quân nói lão nghe xem?"
Khải Minh thoáng sắp xếp lại ý tứ, đi được vài bước, hắn nói:
"Thưa ông, cháu tự thấy mình cũng cố gắng rất nhiều, vì sao vẫn không thể làm việc thuận lợi như ý định được?"
"Thuận lợi? Như ý định?" Ông Âu Khanh chợt dừng bước, có chút cười cợt nhìn hắn nói:
"Những gì Lạc quân làm ra vẫn chưa đủ gọi là giỏi giang, thuận lợi sao?"
Thấy Khải Minh vô ý thức lắc nhẹ đầu, ông nhếch môi bảo:
"Cháu cũng như Trinh, lúc nào cũng nỗ lực không ngừng nghỉ. Hai cháu đều có tài, xong lại thiếu đi một phần…" ông dừng lại, nhìn về phía Khải Minh, chậm chạp thốt ra hai chữ:
"Tầm - Thế."
Tầm thế???
Khải Minh nghe thấy chẳng hiểu gì cả. Là ông Khanh nói hắn không có tầm, không đủ sức chấn nhiếp người khác? Hay là nói hắn không biết tạo thế, không biết hướng người khác đi theo tình thế mình dẫn dắt sẵn?
Ông Âu Khanh nói xong chợt thấy dưới chân có một gốc cỏ quý liền vui vẻ cúi người nhổ lên. Sau khi phủi hết đất bụi quanh cỏ, ông hài lòng nhìn tên quân sư trẻ đang thẫn thờ suy nghĩ nói tiếp:
"Các cháu như hai con cá chép, thoáng vượt vũ môn sẽ hóa rồng. Xong cá chép nếu lúc nào cũng an phận làm cá thì làm sao có đủ can đảm đi vượt vũ môn, làm sao biết được mình là rồng?"
Nói đến đây ông bỏ cây cỏ vào túi thuốc bên cạnh, rồi từ tốn đi về phòng:
"Chỉ có những con cá vươn lên, biết coi mình như rồng, có mơ ước dùng mắt rồng nhìn khắp đất trời, có mong muốn dùng sức rồng thay đổi vạn vật. Chúng mới có đủ can đảm đi thách thức số phận, tìm mọi biện pháp đi vượt vũ môn."
Cá muốn làm rồng? Mới có thể thành rồng? Khải Minh giật mình.
"Ý ông là mình phải dám vượt lên khỏi tầm nhìn của người khác? Phải biết mong muốn nắm giữ sức mạnh? Tầm, thế?" Khải Minh lẩm bẩm.
Tầm, thế mà ông Âu Khanh muốn đề cập chẳng phải là nói Khải Minh, cũng như Trưng Trinh, phải dám giành lấy vị thế không ai dám thách thức, vươn lên mong muốn có được quyền lực hơn xa người khác hay sao? Như vậy chẳng phải nói hắn phải trở thành loại người tham luyến quyền lực, độc đoán mà người đời sau vẫn thường hay phỉ báng? Làm vậy, Khải Minh làm sao chịu nổi?
Là ý ông Khanh như thế? Hay là do Khải Minh hiểu sai rồi? Hay là…
"Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng…"
Bất chợt, một lời bài hát cuốn theo làn gió đêm bay tới bên người Khải Minh, khiến hắn không khỏi ngẩn người nhìn theo phía phát ra tiếng hát.
"Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương…"
Ở phía không xa vốn là chỗ quân lính canh gác khu phòng đang nghỉ ngơi. Bấy giờ ở nơi ấy, Đào Đô Thống đang cùng một tốp quân lính cất cao giọng hát. Đấy là bài "Tự Nguyện", bài hát mà Khải Minh bất chợt kéo đến thế giới này.
Đây vốn là bài hát hết sức gần gũi với quân lính, lời lẽ lại không quá khó nhớ. Tuy trong lời bài hát có mấy từ khó hiểu xong binh lính vốn không phải hạng người biết văn biết chữ, họ đâu hề quan tâm mấy từ đó có nghĩa thế nào? Họ chỉ thấy ý nghĩa trong bài mười phần hợp với ý mình, vì thế bài "Tự Nguyện" nhanh chóng được phổ biến trong quân lính Việt với tốc độ chóng mặt.
"Là mây, tôi sẽ là một vầng mây áng,
Là người tôi sẽ chết cho quê hương."
Khải Minh im lặng nhắm chặt hai mắt, từ từ cảm thụ bài nhạc đang được mấy chục tên đàn ông rống lên bằng đủ loại chất giọng. Có nhiều lúc những thứ mình hát lên, nói ra, cảm xúc trong lòng sẽ khác rất nhiều với lúc nghe người khác nhắc lại. Đây không phải là vì Khải Minh không biết cảm thụ âm nhạc, mà chả qua là tùy mỗi trường hợp, tùy mỗi bối cảnh, lời bài hát lại mang theo một tầng ý nghĩa hoàn toàn cách biệt.
Lúc này đây, trong lòng Khải Minh chính là đang cảm nhận một lớp ý nghĩa như vậy.
"Là chim, tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm
Từ Nam ra ngoài Bắc báo tin nối liền
Là hoa, tôi nở tình yêu ban sớm
Cùng muôn trái tim ngất ngây hoà bình"
Sống trên đời, ai lại chẳng muốn sống an nhàn, tự tại, quang minh lỗi lạc? Tựa như loài chim bồ câu, lại tựa như loài hoa hướng dương…
Thế nhưng, mỗi người có thể tự do sống theo ý của mình sao?
"Là mây, theo làn gió tung bay khắp trời
Nghìn xưa oai hùng đó tôi xin tiếp lời
Là người, xin một lần khi nằm xuống
Nhìn anh em đứng lên phất cao ngọn cờ."
Có những lúc, mỗi người phải chấp nhận đối mặt với sự thật tàn khốc. Con người không phải chim, không phải hoa, càng không phải là mây. Con người, là người, là người thì phải có hy sinh, phải biết những lúc mình không tài nào trốn khỏi số phận, khỏi dòng đời xô đẩy.
Đó là những lúc mỗi người đều phải tự nguyện.
Tự nguyện, không chỉ là tự nguyện chết để cho quê hương sống, càng là tự nguyện nhận lấy trách nhiệm, lấy gánh nặng, để xây dựng quê hương, dân tộc vững mạnh.
Tự nguyện, là thứ nỗ lực phi thường không phải bất kỳ người nào cũng có thể đồng cảm, có thể chấp nhận, có thể tha thứ.
Tựa như loài cá chép, dám tự nguyện đón nhận hiểm nguy, dám tự nguyện nhận lấy trọng trách to lớn vượt khỏi sức lực một con cá bé xíu có thể gồng gánh nổi. Nó có thể sẽ khác xa đồng loại, bị những con cá khác chê bai xa lánh, cũng có thể đón lấy biết bao tai họa trên chặng đường đầy gian nan, thậm chí là thân bại danh liệt. Nhưng, chỉ con cá ấy mới dám có đủ can đảm, đủ trí tuệ, đủ tầm, đủ thế, để vượt qua hết thảy, để hóa thành Rồng.
Tầm, thế không phải là ham luyến quyền lực, mà là dám đặt mình vào hoàn cảnh vượt trên người khác để có thể có được cái nhìn toàn vẹn nhất, bao quát nhất, mới có được sức mạnh lớn nhất.
Dù người đời có chê trách thì đã làm sao?
Dù sau này có kẻ dèm pha thì thế nào?
Miễn sao tấm lòng ta son sắt. Sức mạnh trong tay ta không hóa màu đen, còn lại chút danh tiếng? Có là gì?
Cũng như loài rồng uy nghiêm vậy, sức mạnh của nó đâu phải thứ dùng để gây tai họa cho muôn loài?
Khải Minh nhắm mắt, cả người chìm trong bài hát. Làm người, nếu ngay cả dám nghĩ dám làm cũng không làm được, ngay cả trách nhiệm cũng không dám nhận, thì sao có thể thành công?
Bên trong căn phòng vốn đầy ánh nến, cũng có một bóng người đang ngồi thả lỏng, tâm tư miên man theo lời nhạc.
"Báo!!!!! Phía Nam có tin tức cấp báo!!!!!!!"
BỪNG!!!!!
Lập tức, có hai cặp mắt bừng mở. Chúng sáng rực, chứa đầy khí thế ương ngạnh không chút sợ hãi, tựa như những chòm sao trên trời.
Cùng lúc đó, ông Âu Khanh đẩy cánh cửa gỗ bước vào phòng, nhẹ nhàng gỡ cái túi đeo chứa đầy cỏ thuốc xuống bàn, hài lòng hừ nhẹ:
"Ài… bao nhiêu năm trời...Dòng máu rồng tiên, cuối cùng cũng đến lúc nở rộ rồi."
P/s: sắp tới tháng 9, sắp qua một chặng đường mới với nhiều người. Hai tác hy vọng các bạn có thể lấy được tầm, thế của mình để hóa rồng trong chặng đường này nhé=))
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook