Lĩnh Nam Chích Quái Full
Chương 22: Truyện Hà Ô Lôi - 何烏雷傳

CHƯƠNG 22: TRUYỆN HÀ Ô LÔI – 何烏雷傳

Năm Thiệu Phong đời Trần Dụ Tông có người làng Ma La là Đặng Sĩ Doanh làm chức An phủ sứ phụng mệnh sang Bắc quốc. Vợ là Vũ thị ở nhà, trong làng có đền thờ thần Ma La, đêm đêm thần biến thành Sĩ Doanh, thân thể hình dạng, dáng điệu đi đứng đều bắt chước hệt như Sĩ Doanh, nhập vào phòng Vũ thị để tư thông, lúc gà gáy lại bỏ đi.

Đêm hôm sau Vũ thị hỏi: “Phu quân phụng mệnh sang sứ Bắc, sao đêm đêm thì về
mà ngày lại không thấy?”

Thần nói dối rằng: “Vua đã sai người khác đi thay, để ta hầu bên tả hữu, thường giữ ta đánh cờ không cho ra ngoài. Song ta nhớ tình vợ chồng nên lén về với nàng để cùng ân ái.

Sáng sớm lại phải vội vã nhập triều, không dám ở lâu, nghe gà gáy lại đi”.

Vũ thị có ý ngờ vực.

Năm sau Sĩ Doanh đi sứ về, Vũ thị có thai đã đầy tháng. Sĩ Doanh tâu lên vua, Vũ thị bị hạ ngục.

Đêm vua nằm mộng thấy một vị thần tới trước mặt tâu rằng: “Kẻ hạ thần là thần Ma La lấy vợ đã có mang, bị Sĩ Doanh tranh mất con”.

Vua tỉnh mộng, hôm sau ra lệnh cho ngục quan đem Vũ thị tới, phán rằng: “Vợ giả cho Sĩ Doanh, con giả cho thần Ma La”.


Ba hôm sau, Vũ thị sinh ra một bọc đen, nở được một con trai, da đen như mực. Năm mười hai tuổi đặt tên là Hà Ô Lôi. Hà tuy đen như sơn, nhưng da thịt bóng mỡ như cao. Năm mười lăm tuổi, vua triệu vào hầu, được rất mực yêu dấu, đãi như tân khách.

Một hôm Ô Lôi đi chơi ở Hồ Tây, gặp Lã
Động Tân, Lã hỏi rằng: “Chú bé con kia có muốn gì chăng?”.

Đáp: “Đương lúc thiên hạ thái bình quốc gia vô sự, coi phú quý như phù vân, chỉ
ham muốn thanh sắc để làm vui tai đẹp mắt mà thôi”.

Động Tân cười nói: “Thanh sắc của ngươi mất một, được một, song tên tuổi có thể lưu lại cho đời”. Rồi bảo Ô Lôi há miệng, nhổ nước bọt, bảo nuốt, sau đó bay lên trời
mà đi.

Từ đó, Ô Lôi tuy không biết chữ nhưng thông minh, lém lỉnh, thường hay trêu ghẹo vương nhân, những câu từ chương thi phú, khúc điệu ca ngâm, giao xướng phúng vịnh, trào phong lộng nguyệt đều khiến mọi
người kinh ngạc, đàn bà con gái ai cũng muốn biết mặt.

Vua thường nói với triều thần rằng: “Sau này thấy Ô Lôi gian phạm tới nhà ai, bắt tới trước điện sẽ được đền nghìn quan, nếu giết chết phải bồi thường nghìn quan”.

Hồi ấy ở làng Nhân Mục có vị quận chúa thuộc dòng tôn thất, tên là A Kim, tuổi vừa 23, chồng chết sớm ở góa, nhan sắc có một không hai. Vua rất yêu, gạ gẫm không được thường lấy làm giận, một lần bảo Ô Lôi rằng: “Ngươi có kế gì cho ta được vui lòng chăng?”.

Ô Lôi tâu: “Thần xin ra hạn một năm, nếu không thấy về là sự không thành, thần đã chết”.

Bèn bái từ mà đi, về nhà cởi bỏ hết quần áo, dằm dưới bùn, dầu dãi nắng mưa cho xấu xí, rồi mặc quần vải giả làm người chăn ngựa gánh một đôi sọt tre đến nhà quận chúa, lấy một gói trầu cau đút lót cho tên giữ cổng để xin vào vườn cắt cỏ. Tên giữ cổng cho vào.

Hồi đó vào khoảng tháng 5, tháng 6, hoa thái lê đang đua nở, ô Lôi đem cắt hết cho vào trong gánh. Tên thị tì của quận chúa thấy hoa trong vườn hết sạch, hô trói Ô Lôi để đợi gia chủ đến chuộc.

Giữ quá ba ngày không thấy có người đến nhận, thị tì bèn hỏi: “Mày là gia nô nhà ai, sao không thấy người đến chuộc và đền hoa trong vườn?”.

Ô Lôi đáp: “Tôi là kẻ phiêu bạt, không có gia chủ, không có cha mẹ, thường gánh đồ theo bọn con hát kiếm ăn, hôm qua thấy một vị quan quất ngựa đi ở phía nam thành, ngựa đói không có cỏ, chủ ngựa cho tôi 5
đồng sai đi cắt một gánh cỏ. Tôi mừng được tiền vội đi cắt cỏ, không biết hoa thái lê là vật gì, nay không có gì đền xin đem thân làm gia nô để bồi thường vậy”. Bèn lưu Ô Lôi ở cổng ngoài.

Qua hơn một tháng, thị tì của quận chúa thấy Ô Lôi đói khát bèn cho ăn uống. Đêm đêm Ô Lôi thường ca hát cho người giữ cổng nghe, bọn thị tì và nội thị cũng đều lắng nghe.


Một hôm trời tối đã lâu mà đèn chưa thấy thắp, quận chúa ngồi mò một chỗ, tả hữu không kẻ hầu hạ. Quận chúa gọi thị tì mà mắng, lại cầm roi toan đánh.

Chúng thị tì cúi đầu tạ tội rằng: “Chúng con nghe tên cắt cỏ hát trong lòng ham say, không ngờ để đến nỗi này, quận chúa đánh đòn cũng xin cam chịu”.

Quận chúa thôi mà không hỏi tội nữa. Lúc đó đang giữa đêm hè, quận chúa cùng thị tì ngồi ở giữa sân, ngóng gió đùa trăng để tiêu khiển.

Bỗng cách tường nghe thấy tiếng hát của Ô Lôi thoảng như điệu ca người câu cá, khác hẳn âm thanh chốn dương gian, tâm thần mê mẩn, tình riêng xúc động, bèn vời Ô Lôi vào nhà trong cho hầu ở tả hữu, thành đứa gia nô thân cận.

Quận chúa thường bảo ô Lôi ca vịnh ngâm xướng để tiêu mối sầu u uất. Ô Lôi nhân đó hết lòng hầu hạ, quận chúa càng yêu mến tin cậy, ngày cho ở dưới trướng, đêm cho khêu đèn ngồi hầu. Khi thì sai ca hát, giọng ca bay khắp trong ngoài, quận chúa quá cảm động mà mang bệnh u uất.

Qua ba bốn tháng, bệnh càng trầm trọng. Thị tì hầu hạ lâu cũng mệt nhọc mà mang bệnh, trong cơn bệnh lại thường ngủ say, quận chúa gọi cũng không dậy. Chỉ có một mình Ô Lôi ở lại hầu hạ, quận chúa không nén nổi tình, mật bảo Ô Lôi rằng: “Ngươi ở cạnh ta, ta vì giọng hát của ngươi mà mang bệnh”. Bèn cùng Ô Lôi tư thông, bệnh tình cũng có bớt hơn.

Tình yêu ngày càng mặn mà, quận chúa chẳng kể gì đến hình dáng xấu xí của Ô
Lôi, không còn tiếc gì nữa, muốn đem hết ruộng đất cho Ô Lôi làm trang trại.

Ô Lôi nói: “Thần vốn không có nhà cửa, nay được gặp quận chúa là bậc thiên tiên, đó thực là điều phúc lớn của thần. Thần không cần điền trạch, châu báu chỉ muốn được đội chiếc mũ vào triều của quận chúa thì
chết cũng được nhắm mắt”. (Chiếc mũ đó là vật tiên đế ban cho, chỉ dùng trong lúc tiến triều. Quận chúa vì quá yêu Ô Lôi không còn tiếc gì hết).

Ô Lôi được mũ bèn lẻn mang vào triều.
Vua trông thấy cả mừng, tức tốc sai vời quận chúa vào chầu, bảo Ô Lôi đội chiếc mũ kia đứng hầu bên cạnh.

Vua hỏi quận chúa: “Có biết Ô Lôi

không? ”

Quận chúa lúc ấy rất xấu hổ. Đời bấy giờ có bài thơ quốc ngữ rằng: Chỉn đà náu đến xin làm tôi, Đành hay thiên tiên phúc để Lôi. Từ đó danh tiếng Ô Lôi vang lừng thiên hạ, vương hầu mỹ nữ thường bị Lôi trêu
ghẹo.

Có câu thơ quốc ngữ rằng: Mang mang mặt mắt cháy ma lem, Kẻ chợ khát, người qua mới thèm. Nhẫn có hoàng kim thanh sắc ấy, Mang mang mặt mũi thế soi xem. Tuy người đời làm thơ ghẹo Ô Lôi, nhưng vẫn
vì bị thanh sắc cám dỗ mà không thể tránh Ô Lôi được. Ô Lôi thường tư thông với con gái các nhà vương hầu mà không ai dám đánh, sợ vua bắt bồi thường.

Sau Ô Lôi tư thông cả với con gái trưởng của Minh Uá Vương. Vương bắt được song chưa đem giết vội.

Sáng hôm sau, Vương vào chầu vua, tâu rằng: “Đêm qua Ô Lôi lẻn vào nhà thần, tối như bưng không rõ trắng đen nên thần đã giết chết mất rồi, nay xin bệ hạ cho biết
phải đền mấy nghìn quan để thần tiến nạp”.

Vua không biết là Ô Lôi còn sống, phán rằng: “Lỡ giết thì ta chẳng chấp nệ làm gì”. Hồi ấy vì hoàng hậu Vi Từ là em ruột Minh Uá Vương, cho nên vua không hỏi cặn kẽ. Uá Vương về lấy trượng đánh Lôi, Lôi không chết, Vương bèn lấy chày giã
chết. Khi sắp chết, Ô Lôi có ngâm câu thơ quốc ngữ rằng: Sinh tử do trời có quản bao, Nam nhi miễn đã được anh hào, Chết vì thanh sắc cam là chết, Chết việc ốm đau cơm gạo nào.

Lại nói: “Xưa Động Tân bảo ta rằng: thanh sắc của ngươi được mất bù nhau, lời ấy nghiệm thật”. Nói rồi bèn chết.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương