Lặng Thầm FULL
-
7: Quyết Định Kết Hôn
Đón Hà tan ca, Trọng Tín đưa cô đến quán cà phê Gió ở khu Thanh Đa, Bình Quớ.
Trời lúc này chập chọang tối.
Các đôi tình nhân hầu như đã lấp đầy hết mọi ghế.
Họ tự nhiên biểu lộ những cử chỉ thân mật, âu yếm dành cho nhau.
Vãn Hà ngại ngùng cắm mắt xuống đất, líu ríu theo chân Tín tìm ngồi.
Tín hỏi trống không:
- Thích ngồi đâu?
Vẫn không dám nhìn lên, Vãn Hà trả lời:
- Sát bờ sông nha anh.
Hà nghĩ vị trí đó là tốt nhất.
Cô ngồi đối mặt với sóng nước mênh mông, miễn không liếc qua, liếc lại là sẽ không thấy gì hết.
Người phục vụ đưa menu cho hai người chọn và hỏi thăm Tín:
- Mấy tháng nay không thấy anh Tín ghé, tưởng anh đã bỏ quán này rồi chứ.
Rồi anh ta đưa mắt nhìn Vãn hà một cái.
Biết Vãn Hà không phải là cô gái hay đi cùng Tín đến quán nhưng anh ta còn biết tế nhị dừng lại, không hỏi tới.
Vãn Hà cười bâng quơ.
Đợi người phục vụ đặt thức uống xuống, rút lui.
Trọng Tín lấy gói thuốc trong túi áo ra.
Không cần lịch sự hỏi trước Hà một tiếng, Tín tự nhiên mồi thuốc.
Thái độ của Hà, Tín để ý thấy hết.
Thả vài vòng khói, Tín ngang ngang hỏi:
- Tôi cũng là khách quen ở nơi đây đó.
Có cần tặng tôi ánh mắt ghê tởm, khiếp sợ cho đúng điệu con nhà không?
Vãn Hà bậm môi im lặng.
Trọng Tín tiếp tục khiêu khích:
- Không dám bày tỏ quan điểm? Không hiểu tôi đến đây làm gì? Hay trong mắt của những người được giáo dục đúng bài bản như cô tôi đáng khinh đến không thèm nói?
Vãn Hà khẽ khàng:
- Là anh tự suy diễn thôi.
Trọng Tín cười khan:
- Đây gọi là cách ứng xử dịu dàng mà người ta đã dạy cô, đúng không?
Vãn Hà đưa mắt nhìn những tia nắng yếu ớt cuối ngày.
Có lẽ vì mang tên là Vãn Hà (buổi chiều tà rơi trên sông) nên cô đặc biệt thích ngắm hòang hôn?
- Này, có gì thì nói một tiếng.
Cô có thể nói tôi câm họng lại.
Nhưng cũng phải nói ra.
Đừng có cái dạng im ỉm đó nghe chưa? Tôi chúa ghét.
Vãn Hà chậm trãi nói:
- Người ta yêu nhau thì có quyền bày tỏ tình cảm, cảm xúc giành cho nhau.
Và nơi đây dành riêng cho họ.
Họ có quyền làm những cử chỉ đó.
Nếu không thích, hãy chọn nơi khác.
Chứ đừng đến đây rồi nhìn người ta bằng cặp mắt xoi mói, chỉ trích.
Vô duyên và đạo đức giả lắm.
Còn nữa, đừng đem những suy nghĩ của cá nhân anh gán ghép lung tung cho người khác.
Trọng Tín nhếch môi:
- Mọi người đều khen cô hiền.
Vãn Hà cười nhẹ:
- Hiền chứ đâu phải là không có chính kiến.
Trọng Tín không nghĩ Hà có tư tưởng quá thoáng.
Trong vài giây, anh bị động không nói được lời nào.
Anh bèn đưa câu chuyện trở về đúng bản chất của nó:
- Tại sao cô đồng ý lấy tôi?
Mặt Vãn Hà đỏ nhừ.
Còn câu hỏi nào thẳng thắng hơn không?
Giọng Trọng Tín thúc ép:
- Cô trả lời đi chứ.
Vãn Hà nghiêng mặt đi.
Trong ánh sáng nhá nhem của buổi chiều tàn, làn da trắng muốt xanh xanh của cô nổi bật lên những đường nét:
- Anh đã biết trước kết quả còn gì.
Vẫn giữ cái nhìn như xoáy vào mặt Hà, Tín nói:
- Tôi muốn nghe suy nghĩ của cô.
Và rồi...!ánh tà dương yếu ớt còn rớt lại cho Tín bắt gặp vài giọt nước mắt lóng lánh trên hàng mi Hà, Tín vờ như không thấy, luống cuống giục:
- Cô nói đi.
Vãn Hà cười nhẹ tênh.
Nước mắt chỉ đủ ướt mi, chưa tròn đầy đọng thành giọt rơi xuống:
- Một, em không dám chống lại ba má.
Hai, anh là con trai của bác Lãm.
Ba, em không thể thuyết phục anh thay đổi quyết định.
Bốn, em có cảm tình với anh.
Vãn Hà đưa bàn tay run rẩy lên mặt, lau những giọt nước mắt.
Đôi mắt cô nhìn thẳng phía trước.
Cô muốn xuyên thủng màn đêm, mong tìm được cho mình một lối thoát chăng?
- Em...!vì em chưa từng yêu ai, nên em không biết đó có phải là tình yêu không nữa.
Chỉ biết là, anh có một ý nghĩa rất đặc biệt với em.
Nói dối.
Vãn Hà biết cô nói dối.
« Làm sao sống được mà không yêu.
Không nhớ không thương một kẻ nào » (Xuân Diệu).
Cô xấu hổ với tình cảm của mình? Chuyện một người luyến ái một người là chuyện rất thường tình ở thế gian này.
Tại sao cô xấu hổ? Sao cô không dám thừa nhận? Cô sợ nhận từ anh nụ cười giễu cợt? Từ sâu trong tâm khảm, cô thấy mình không xứng với anh? Không! Vì cô biết anh không yêu cô.
Tình yêu đó không làm anh hạnh phúc.
Có chăng chỉ là một thoáng hả hê, còn sau đó là một gánh nặng.
Anh đâu phải dạng người vô cảm trước nổi đau người khác.
Vãn Hà hít hít mũi, cố giữ bình thản:
- Em hy vọng câu trả lời đó đã làm anh vừa ý.
Vãn Hà cảm thấy máu dồn lên mặt.
Toàn thân cô như bị gai chích.
Không khí quá ngột ngạt, khó thở.
Chiếc ghế bố quá hẹp, cứng ngắc.
Cô liền đứng bật dậy, hấp tấp bỏ đi:
- Em xin lỗi.
Ngần ngừ hết một lúc, Tín mới giật mình, vôi xô bàn ra, đuổi theo Hà.
Do bị xúc động, trong chỗ đó lại hạn chế ánh đèn, dường như Hà đã vấp phải cái ghế của ai đó.
Không biết nữa.
Cô ngã lăn quay.
Có tiếng càu nhàu xen lẫn tiếng xì xầm, tiếng xin lỗi rối rít của Hà.
Tín phóng tới xin lỗi thêm vài tiếng rồi kéo tay Hà ra đến một góc trống, sáng sủa hơn.
Mặt mày, quần áo Hà lem luốc đất cát, tay chân bị trầy xước mấy đường.
Trọng Tín nén tiếng thở dài, rút khăn tay định lau cho Hà.
Không ngờ, Hà giữ tay anh lại, bình thản nói:
- Cám ơn anh.
Để em vào trong kia tự rửa.
Nhìn theo dáng đi hơi cà nhắc của Hà, Tín thấy đau đau.
Không một tiếng than hay xúyt xoa vì những vết thương.
Tội nghiệp con bé.
Bao sự run rủi trong cuộc đời đã cùng nhau tụ hội ngẫu nhiên để cướp mất sự vô tư, vui vẻ của cô bé.
Trọng Tín xòe rộng đôi tay mình, ngó chằm chằm vào nó.
Anh cũng góp phần không nhỏ mà.
Trọng Tín dùng chính đôi tay đó vuốt mặt!
Một lát sau, Vãn Hà trở ra, có phần chỉnh chu hơn.
Trọng Tín bước đi trước dẫn đường:
- Để anh đưa em về.
Vãn Hà ngần ngừ đôi chút rồi lầm lũi bước theo.
Sự thay đổi cách xưng hô của anh không làm tâm trạng Hà khá lên.
Với anh, cô không là gì hết.
Nhưng cô đáng ghét tới mức anh phải làm cô ê chề, tủi nhục, và anh, có thỏai mái hơn chăng?
Vãn Hà hiểu khi anh cố tình nghiền nát lòng tự trọng của cô thì anh cũng đang nghiền nát lòng tự trọng của chính mình, thậm chí hơn thế.
Hà khao khát được lại gần anh, vỗ về, chia xẻ anh.
Nhưng cô biết anh là người kiêu hãnh, không thích nhận sự thương cảm từ bất kỳ ai, nên Hà đành xuôi tay, âm thầm độc thọai.
*****
Chào từ giã Tín, Hà băng qua khu vườn dẫn về nhà.
Hà định âm thầm vào phòng, tránh bị mọi người nhìn thấy y phục bị dơ, người bị trầy xước.
Không ngờ mọi người trong nhà đang tụ họp ở phòng khách nói chuyện.
Lỡ bộ, Hà nói như giải thích với ba má:
- Thưa ba má, con mới về.
Trời tối quá, con không thấy đường, vấp nhầm cái rể cây – Hà cười thiếu tự nhiên – Con hậu đậu quá.
Không ai buồn quan tâm coi Hà có bị làm sao không.
Bà Hậu mân mê mấy cọc giấy bạc trong tay:
- Ông Lãm vừa mới đưa nhà mình năm mươi triệu, nói cần thứ gì thì mua và trang hoàng lại nhà cửa.
Vãn Hà lại chiếc ghế ngòai rìa ngồi:
- Dạ.
Bà Hậu lật lật đếm đếm tiền:
- Đám cưới bên nhà trai lo từ A đến Z, nhà hàng, nữ trang, quần áo mày họ cũng lo hết luôn.
Vậy số tiền này mày để tao sắm sửa cho gia đình nha.
Ông Khiêm phản đối chiếu lệ, không có chút kiên quyết nào:
- Dầu gì người ta cho tiền chủ yếu là để lo cho bé Hà mà.
Bà Hậu bĩu môi:
- Nó có thiếu thốn gì đâu.
Ông khéo lo.
- Biết vậy.
Nhưng bà cũng phải cho nó một ít chứ.
Bà Hậu bĩu môi:
- Năm mươi triệu làm như lớn lắm.
Công tôi nuôi nó hai mươi năm trời.
Nó chưa làm gì báo hiếu hết đã đi lấy chồng.
Tôi mất trắng.
Chút đỉnh này thấm vô đâu.
Giọng ông Khiêm trầm trầm:
- Nuôi con cái ai lại kể công?
Bà Hậu dằn cọc tiền xuống bàn, dè bĩu:
- Tôi là dân ít học, nghĩ sao nói vậy, không được khéo léo như người ta, biết bọc đường trong lời nói.
Ông Khiêm nhíu mày:
- Bà muốn nói gì?
Bà Hậu ấm ức lắm.
Hai mươi mấy năm làm vợ ông, chưa bao giờ bà cảm nhận được tình yêu từ chồng.
Ở ông có cái gì đó xa vắng lắm, bà không chạm tới được.
Nhưng cái gì đó là cái gì? Bà không biết.
Không bằng, không chứng, bà chỉ ấm ức vậy thôi.
Ngọc Hòa, chị gái Vãn Hà, nãy giờ ngồi chăm chú coi mấy kiểu áo mới trên tạp chí, không lưu tâm ba má đang lời qua tiếng lại.
Chọn được kiểu ưng ý, Ngọc Hòa vô tư kéo tay áo bà Hậu chỉ vô hình:
- Má, con mua bộ này đi ăn đám cưới con Hà.
Bà Hậu liếc mắt vào bộ trang phục mang tên « làm duyên », tính:
- Áo kết hoa: 835.000đ.
Váy kết cườm 724.000đ.
Giày 950.000đ, Hoa tai:245.000đ – Bà lấy giấy bút cộng lại lẩm bẩm - gần 3 triệu bạc nha mậy.
Ngọc Hiệp, em trai của Vãn Hà, đang nửa nằm nửa ngồi trên sofa coi ti vi, nghe thế vội xen ngang:
- Kỳ này mua cho con bộ đồ tây của Pierre Cardin đó nha má.
Bà Hậu chắc lưỡi:
- Tao định may thêm cái áo dài và cái đầm dài, ba mày một bộ vest.
Nội tiền quần áo, giày dép bốn người không đã ngốn hơn chục triệu.
Thấy ông Lãm cho năm mươi triệu tưởng nhiều lắm, không dè chẳng thấm vào đâu.
Ông Khiêm nhắc vợ:
- Bà coi con Hà còn thiếu gì? Sắm cho nó thêm một ít đồ về nhà chồng.
Bà Hậu ngúyt chồng:
- Ông không vừa nghe tôi tính đó sao? Năm mươi triệu nhiều nhặn quá? Còn bao nhiêu thứ phải chi nữa kìa.
Ông Khiêm nói phải trái:
- Số tiền đó không nhỏ đâu bà.
Đừng nói vậy.
Chi tiêu dè xẻn lại đi.
Bà Hậu dằn dằn:
- Sắm sửa cho mọi người đi dự đám cưới nó chứ có đi dâu? Thử hỏi mấy ngày đó đàn gái ăn mặc lôi thôi, lếch thếch thì mất mặt ai?
Ông Khiêm thở hắt:
- Nếu không đủ, lấy tiền gia đình chi thêm vô.
- Ông làm như ông nhiều tiền lắm.
Ông Khiêm lớn tiếng:
- Nhưng tôi có để vợ con đói rách gì chưa?
Ngọc Hòa bênh má:
- Ba ơi, nó có gia đình Bác Lãm lo rồi, có thiếu thốn gì đâu ba lo – Ngọc Hòa không giấu sự ganh tỵ – Nếu con được chọn làm dâu gia đình bác Lãm, con còn lo được cho gia đình tới cái gì nữa kìa.
Phải đâu có mấy chục triệu nói tới nói lui nhức cả đầu.
Nghe nói thế, bà Hậu sực nhớ, quay qua nhắc nhở Hà:
- Mày lấy được chồng giàu, mỗi tháng nhớ phụ gia đình vài triệu đó biết không?
Vãn Hà cắn nhẹ môi:
- Con không dám hứa trước chuyện đó.
Nhưng chắc chắn mỗi tháng con sẽ gửi gia đình nửa tháng lương của con.
Bà Hậu đổ sùng:
- Lương của mày có được bao nhiêu?
Vãn Hà nhỏ nhẹ:
- Con chỉ dám hứa chắc chuyện đó hà.
Chuyện tiền nong của anh Tín, con chưa biết ý anh ấy thế nào, làm sao dám hứa với mẹ
Bà Hậu xỉ mặt Hà:
- Hôm nay mày dám cãi tao nữa hả?
Bà gật gù như khám phá ra điều gì đó
- À…ạ… Tưởng được cái thằng con hoang đó chấm là mày hay lắm, ngon lắm hả?
Ông Khiêm bực mình, nạt:
- Bà có thôi đi không?
Bà Hậu sừng sộ:
- Thôi là thôi làm sao? Nó ngu quá, tôi phải nói chó nó biết chứ? Thằng quỷ đó làm gì yêu thương nó? Nhân lúc mới cưới, đục khóet được bao nhiêu thì đục.
Trước sao gì nó cũng bỏ mày.
Mày phải lo cho gia dình, lo phòng thân.
Bày đặt sỉ diện hả con?
Bà Hậu đẩy đầu Hà một cái:
– Mày có đối xử với nó tốt cỡ nào nó vẫn không yêu mày đâu.
Nó rất yêu con Mỹ Liên.
Vì con bé đó, ba của nó, nó từ; ba của mày, nó quýnh.
Quay đi quay lại mới có mấy tháng mà nó đòi cưới mày.
Có điên mới nghĩ nó yêu mày.
Vãn Hà bắt đầu rân rấn nước mắt:
- Anh Tín không như má nghĩ đâu.
Anh ấy...
Vãn Hà mệt quá, ngừng ngang.
Phần vì không biết nên giải thích từ đâu.
Và phần vì cô hiểu tính má cô.
Giọng Vãn Hà nhỏ hơn:
– Gia đình đã thấy bất ổn như thế...!hay là...!đừng gả con cho anh Tín nữa.
Bà Hậu chốm người ngắt nhéo liên tục vào vai Vãn Hà:
- Con quỷ! Định làm eo với tao hả? Dám thách thức tao hả? Hôm nay mày ăn gan trời hả con.
Mỗi lời nói là mỗi cái nghiến răng, mỗi cái ngắt nhéo:
- Ngu gì ngu dữ vậy? Tao nói hòai mày vẫn không hiểu vậy?
Ngọc Hòa cản tay bà Hậu:
- Sắp đến ngày cưới rồi, má làm nó có vết thương, người ta hỏi làm sao?
Bà Hậu thở hồng hộc:
- Kệ nó chứ.
Nó ngu quá trời, ai chịu nổi.
Ngọc Hòa ôm cánh tay bà Hậu:
- Thôi mà má.
Ông Khiêm bất nhẫn nhìn Vãn Hà cúi gầm mặt xoa xoa vai.
Ừ, ông chỉ có thể làm cho nó bấy nhiêu: Nhìn nó bất nhẫn!
Ông lầm lũi bỏ ra ngoài.
Hai mươi mấy năm làm khách trọ trong chính gia đình mình.
Bây giờ ông đành tiếp tục làm khách.
Quá muộn để bắt đầu lại.
Vãn Hà cũng đứng lên, sẽ đi một hướng khác ông Khiêm.
Cô về phòng.
Bà Hậu tru tréo, chửi theo sau:
- Ừ, đi đi.
Đi hết đi.
Biết biến khỏi mắt tao vậy là tốt.
Đời nay cha mẹ thương con, dạy con cho nó tốt.
Nó không biết ơn thì thôi, đằng này ong óng cãi lãi.
Nói đụng tới là khóc, là ngoe nguẩy bỏ đi.
Bà Hậu dừng lại, lấy hơi chửi tiếp:
- Ráng đi con.
Cuộc đời còn dài lắm.
Lấy nó về để coi nó đối xử với mày thế nào.
Đừng ôm đầu máu về đây là được.
Để dành nước mắt cho sau này không sợ không có dịp xài đâu con.
Cuộc sống như thế, Hà đã sống hai mươi năm.
Nghĩ đáng lẽ phải quen, phải chai lì cảm xúc.
Không ngờ vẫn nhoi nhói trong lòng.
Cô đã ráng ngoan ngoan, siêng năng, giỏi việc...
Hà vùi người xuống nệm.
Làm đứa con ngoan chưa chắc đã hay.
Rốt cuộc, cô cũng không có chỗ đứng trong lòng ba má, chị em...!Vãn Hà vò nát tấm mền...!Cô phải làm gì để được ba má, chị em yêu mến? Câu hỏi này cứ canh cánh trong lòng Hà.
Bao giờ cô tìm được câu trả lời?
Hà bật khóc tức tưởi.
Dưới phòng khách, Ngọc Hiệp rút lấy một triệu từ cọc tiền:
- Cho con một triệu cuối tuần này đi Vũng Tàu nha má.
Bà Hậu chộp nhanh cọc tiền cất đi:
- Đi chơi có hai ngày một đêm, xài tới một triệu lận hả thằng quỷ.
Hiệp nhét tiền vô túi:
- Một triệu là chỉ hùn đi chơi với tụi nó, chưa được làm chủ xỉ đâu mamy.
Thấm tháp vô đâu với một triệu.
Ngọc Hòa bĩu môi:
- Giỏi thì kiếm tiền về nhà coi chơi.
Chỉ biết ăn xài mà lớn lối.
Hiệp gác chân lên bàn:
- Chị y như tôi thôi, nói gì?
Ngọc Hòa tức tối, lắp bắp:
- Mày...
Hiệp vòng hai tay sau gáy đủng đỉnh hỏi:
- Mày, mày cái gì?
Hòa tức quá nói bừa:
- Tao đi chơi có người bao, không như mày phải bỏ tiền bao gái.
- Có ma nào thém ngó tới bà đâu mà bà nói, bà ơi.
Tui là con trai, đi chơi với con gái phải trả tiền, vậy mới đúng luật.
Tôi là con trai, bà là con gái.
Tự dưng đem ra so sánh.
Buồn cười.
Hòa chồm qua đập Hiệp:
- Mày hỗn với tao hả thằng quỷ.
Hiệp chụp tay Hòa đẩy mạnh một cái, Hòa chổng gọng xuống ghế.
Cô hét ầm lên:
- Má coi thằng Hiệp ăn hiếp con kìa má.
Bà Hậu vỗ bàn:
- Hai đứa bây có chịu im không? Để tao tính toán chút coi.
Hiệp xụ mặt tính cãi nhưng thấy bà Hậu đang chăm chú tính tiền nên không dám.
Những lúc bà Hậu đang tính tóan tiền bạc không hồn thì dạt ra, léng phéng bà bực mình, có sẵng thứ gì trong tay là bà phan hết.
Đã có tiền trong túi, tâm trạng Hiệp thư thái hơn Hòa là cái chắc.
Trước khi đi chuẫn bị hành lý, Hiệp còn buông thêm một câu miễn bàn luận:
- Thời buổi này, hồng nhan bạc tỷ..
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook