Lắng Nghe Trong Gió
Quyển 1 - Chương 12

Vẫn là phòng họp mấy hôm trước.

Nếu về sau có ai hỏi Bỉnh học được cái nghề hiệu thính này ở đâu, câu trả lời là từ một phòng họp đơn giản.

Để Cục trưởng Ngô và Thủ trưởng Thiết không còn bất cứ nghi ngờ gì, tôi tắt hết máy ghi âm, để Cục trưởng tự tay bật ít nhất tám nhóm tín hiệu điện báo. Sau đấy tôi yêu cầu nhân viên phát tín hiệu gửi Cục trưởng một văn bản với tốc độ mỗi phút một trăm mã.

Tích tích tè, tích tích tích tè tè, tè tích tích, tích tè...”.

Phát xong, chúng tôi nhìn Bỉnh, vẻ mặt cậu ta như đang ngái ngủ, không có biểu hiện gì.

Cục trưởng sốt ruột nhìn tôi rồi lại nhìn Bỉnh, miệng ông mấp máy định nói gì. Tôi vội ra hiệu cho ông đừng nói. Đúng lúc ấy, Bỉnh giật mình vì tay tôi ra hiệu, cậu ta như tỉnh cơn mơ, thở dài, sau đấy đọc rất rõ ràng

“x... x... x...”.

Tám nhóm mã.

Ba mươi hai chữ số. Không sót nhóm nào.

Không sai chữ nào.

Đúng với nguyên văn.

Nói chung, tay viết không nhanh bằng tai nghe, vừa ghi, vừa nhớ những chữ số nghe nhưng chưa kịp ghi, ghi vào bụng, kĩ thuật ấy người trong nghề gọi là “áp mã”. Với hai điện báo viên trình độ tương đương, trong khi thi, nói cho cùng là thi kĩ thuật áp mã, ai áp được nhiều người ấy sẽ thắng. Tôi nhớ, “Lâm thần tướng” đã áp được sáu nhóm mã trong một lần thi toàn quân, bây giờ Bỉnh áp được tám nhóm mã. Tuy tốc độ không giống nhau, hai bên không như nhau, nhưng chúng ta không khó hình dung, Bỉnh đã thành thạo tín hiệu moóc đến mức nào. Thậm chí, có băng ghi âm mẫu phẩm của hơn năm mươi đài địch, cậu ta không cần phải nghe đi nghe lại, chỉ nghe hai băng, cậu ta đã phân biệt rõ ràng đặc tính chung và đặc điểm riêng trong đó. Tóm lại, tuy mới qua một nửa thời gian nhưng Bỉnh đã hoàn thành xuất sắc nội dung huấn luyện, hoàn thành đến độ mĩ mãn. Mĩ mãn tới mức người ta tưởng là giả.

Sau một tiếng đồng hồ, tôi đưa Bỉnh vào khuôn viên cơ quan lãnh đạo đơn vị, đến toà nhà Cục Chính trị, để Bỉnh tiến hành nghi thức tuyên thệ gia nhập đơn vị đặc biệt 701. Nghi thức rất trang trọng, đối với Bỉnh điều này hết sức thần bí, đứng trước những “yêu cầu” và “phải” không tính đến sống chết, Bỉnh tưởng như mình sắp lao vào chiến trận lửa khói mịt mùng, cậu ta một nửa kích động, một nửa hoang mang, hoang mang và kích động đến cao độ. Cuối cùng, ông Trưởng phòng Cán bộ phụ trách tuyên thệ hỏi Bỉnh có yêu cầu gì đối với tổ chức hay không, Bỉnh “bi tráng” yêu cầu hai điểm:

Thứ nhất, nếu từ hôm nay cậu không được về nhà (Lục Gia Yến), mong tổ chức giải quyết tốt chuyện củi đuốc của mẹ.

Thứ hai, nếu cậu ta chết (chết trên chiến trường), không ai được phép cắt tai cậu ta để nghiên cứu.

Đúng là chuyện dở khóc dở cười.

Nhưng yêu cầu của người tình nguyện 701 đề xuất là một phần nội dung trong nghi thức, tổ chức trịnh trọng cam kết và ghi vào hồ sơ.

Nghi thức tuyên thệ kết thúc, có ba văn bản yêu cầu đương sự phải kí tên, xét thấy Bỉnh không biết chữ, tổ chức bảo cậu điểm chỉ, tên do tôi viết thay, lúc này tôi mới hỏi đến tên thật của cậu ta, cậu ta trả lời: Không có.

“Tôi tên là Bỉnh”. Bỉnh nói: “Tôi không có tên gì khác”.

Nhưng tôi biết, Bỉnh không phải là tên cậu ta, gọi Bỉnh là bởi có một anh mù nổi tiếng tên là Bỉnh, anh mù kéo nhị nghe như khóc, anh mù để lại bản nhạc “Ánh trăng Nhị tuyền” nổi tiếng. Vì có cái tên ấy, cho nên Bỉnh là tên chung của những người mù, chứ không thể là tên riêng của người nào.

Khỏi phải nói, đây lại là một chuyện khóc dở cười dở. Cuối cùng, căn cứ họ Lục của mẹ và quê cậu ta là Lục Gia Yến, chúng tôi tạm thời đặt cho cậu cái tên Lục Gia Bỉnh và ghi ngay vào ba văn bản để báo cáo lên cấp trên, đồng thời cho vào hồ sơ mật.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương