Kiếm Lai - Phong Hỏa Hí Chư Hầu
C393: Ván cờ ráng màu

Lúc tảng sáng, Trần Bình An vừa luyện thế trời đất xong, Bùi Tiền lim dim ngái ngủ ở bên ngoài gõ cửa. Trần Bình An mở cửa ra, nhìn thấy nha đầu đen nhẻm sắc mặt uể oải, xem ra tối hôm qua Thôi Đông Sơn “có lòng tốt nhắc nhở”, đã dọa Bùi Tiền không nhẹ. Trần Bình An bèn bảo cô bé vào phòng mình ngủ thêm một lát, Bùi Tiền giống như được đại xá, lập tức nằm xuống ngủ.

Trần Bình An sửa chăn giúp Bùi Tiền, sau đó ngồi bên cạnh bàn, lật xem quyển sách luyện đan do địa tiên Lục Ung cung Thanh Hổ tặng cho. Tuy là trình bày con đường luyện đan, nhưng dù sao cũng là bí tịch của tu sĩ cảnh giới Nguyên Anh, có nhiều tâm đắc tuyệt diệu với đại đạo. Mỗi lần Trần Bình An tĩnh tâm nghiên cứu đều có thu hoạch, xứng với bốn chữ “đọc sách có ích”.

Nhà trọ đơn sơ, một ngày ba bữa khách đều phải tự ra ngoài giải quyết. Từ ông chủ đến người phục vụ tính tình đều nóng nảy, khi bọn Trần Bình An vào ở, đã nhìn thấy đám người nhà trọ cãi nhau với một nhóm thương nhân. Có điều bên phía Trần Bình An có ba người Thôi Đông Sơn, Lư Bạch Tượng và Tùy Hữu Biên ra mặt, nhà trọ nhìn người để cư xử, nhiệt tình hơn rất nhiều, còn chủ động đề cử mấy món ăn ngon bản địa.

Sau khi Bùi Tiền ngủ bù xong, Trần Bình An dẫn theo cô bé ra ngoài ăn bữa sáng, còn mang về một phần. Hắn dừng ở cửa nhà trọ, bảo Bùi Tiền mang thức ăn cho bọn Thôi Đông Sơn, đồng thời báo với bọn họ sẽ ở lại huyện thành hai ngày, hắn muốn đi dạo một mình. Bùi Tiền dĩ nhiên là vui vẻ, dừng chân hai ngày không cần lên đường, nghĩa là không cần tiến hành sáu bước đi thế khô khan nhàm chán, như vậy rất tốt.

Khi Trần Bình An một mình đi dạo ở huyện thành, Thôi Đông Sơn và bốn người trong tranh cuộn đang tụ tập với nhau, dùng bữa sáng do Bùi Tiền mang về. Thôi Đông Sơn cảm kích nói:

- Đây là tiên sinh đang bổ sung thiếu sót giúp học trò, dụng tâm khổ cực. Tiên sinh suy nghĩ cho học trò như vậy, đi đâu để tìm đây.

Bùi Tiền không dám tranh luận, chỉ dám oán thầm. Bổ sung thiếu sót cái gì, rõ ràng là không yên tâm để ngươi làm việc.

Ăn sáng xong, tâm tình Thôi Đông Sơn rất tốt, cười nói với Bùi Tiền:

- Có biết đánh cờ liên châu (1) không? Chúng ta đánh cược nhỏ thì vui vẻ, một ván cược một đồng tiền, thế nào?

Bùi Tiền đã từng đánh cờ liên châu, là trò chơi nhỏ do Lư Bạch Tượng dạy cho, quy củ rất đơn giản. Cô thường mượn bàn cờ và quân cờ của Lư Bạch Tượng, kéo Ngụy Tiện cùng chơi, hai người đánh giết trên bàn cờ đến tối tăm trời đất. So với Lư Bạch Tượng và Tùy Hữu Biên đánh cờ yên lặng nhàm chán, Bùi Tiền và Ngụy Tiện lại đánh rất sôi nổi, lúc đặt cờ kêu lên đôm đốp, khí thế đầy đủ, giống như muốn đập thủng một lỗ trên bàn cờ, khiến Lư Bạch Tượng nhìn thấy đau lòng không thôi.

Đánh cờ với người trình độ thấp như Ngụy Tiện, Bùi Tiền thắng nhiều thua ít. Khi chiếm ưu thế thì đắc ý vênh váo, khi rơi vào thế yếu thì muốn đi lại, may mà Ngụy Tiện cũng không quá so đo thắng bại.

Lúc này nghe Thôi Đông Sơn nói muốn đánh cược cờ, Bùi Tiền liền lắc đầu. Cô cũng không ngốc, cho dù nghe Thôi Đông Sơn nói muốn theo Lư Bạch Tượng học đánh cờ, nhưng loại cờ liên châu để giải trí này chẳng có ngưỡng cửa gì đáng nói. Bùi Tiền không tin có thể thắng tiền, dù sao trên đời cũng hiếm có loại người ngờ nghệch bảo thủ như lão Ngụy.

Thôi Đông Sơn cười ha hả nói:

- Ngươi và ta đều là môn sinh đệ tử của tiên sinh, hai ta đánh cờ đương nhiên không thể tổn thương hòa khí. Vậy ai thua thì người đó sẽ thắng tiền.

Ánh mắt Bùi Tiền sáng lên, thua một ván cờ còn có thể thắng một đồng tiền, trên đời lại có chuyện tốt như vậy sao?

Thế là Lư Bạch Tượng mang bàn cờ tới phòng Bùi Tiền. Thôi Đông Sơn và Bùi Tiền, hai đồng môn tạm thời không phân rõ vai vế, đánh cờ liên châu có xu hướng chà đạp bàn cờ.

Bốn người trong tranh cuộn hiểu ngầm, ở một bên xem cờ.

Bùi Tiền tùy ý đặt cờ, hai quân trước sau cách xa vạn dặm. Thôi Đông Sơn đặt cờ cũng không có quy tắc, lúc thì theo đuôi quân cờ của Bùi Tiền, lúc thì đông nam tây bắc mỗi nơi một quân, chơi một chút hình thức nhập môn thô thiển của cờ vây. Nhìn qua thì mặt thua của Bùi Tiền lớn hơn.

Nhưng khi khoảng trống trên bàn cờ càng lúc càng hẹp, Bùi Tiền vừa kinh ngạc vừa đau lòng phát hiện, mình càng ngày càng dễ thắng. Mà sau khi bàn cờ chứa đầy quân đen trắng xen kẽ, dù cô đặt cờ như thế nào, đều là cục diện oanh liệt năm quân liền hàng... Bùi Tiền lại thắng rồi.

Thua tiền một cách uất ức như vậy, Bùi Tiền hối hận xanh ruột, chỉ muốn ăn cả bàn cờ vào bụng. Có điều liếc nhìn Thôi Đông Sơn đối diện đang bắt chéo chân cắn hạt dưa, cô cũng không dám chơi xấu.

Thôi Đông Sơn nhìn ván cờ, tiếc nuối nói:

- Cờ thua một nước, cờ thua một nước, xem ra vận may đánh cược của ta tốt hơn ngươi một chút. Hay là chúng ta đánh thêm? Nếu thấy một bàn cờ không thể chứng tỏ kỳ lực của ngươi, chúng ta có thể thêm vài bàn nữa. Nhưng mỗi lần thêm một bàn cờ, phải đặt cược thêm một đồng tiền. Chỉ cần ta thắng cờ, sẽ lập tức móc tiền túi. Còn Bùi Tiền ngươi có thể tùy ý thêm bàn cờ, cho đến khi thắng tiền mới thôi, xem như công bằng đúng không?

Bùi Tiền do dự nói:

- Nhưng trên bàn không đặt được hai bàn cờ.

Thôi Đông Sơn chỉ chỉ xuống đất, nói:

- Lo cái gì, bàn cờ nhiều lắm, chúng ta đánh cờ dưới đất, đánh tới ngoài hành lang cũng được, đúng không? Dù sao bàn cờ càng nhiều, ngươi sẽ thắng tiền càng nhiều. Ta biết trí nhớ của ngươi tốt, ta cũng tạm được. Chúng ta nhờ Lư Bạch Tượng hoặc Tùy Hữu Biên, đi xin nhà trọ hai miếng than củi. Đến lúc đó ta dùng than vẽ bàn cờ, chúng ta cũng không cần quân cờ nữa, nếu ai nhớ sai thì xem như là thua.

Bùi Tiền quay đầu nhìn mọi người xung quanh. Ngụy Tiện có lẽ cảm thấy cách đánh cầu thua này quá bại não, lập tức rời đi. Chu Liễm cũng trợn trắng mắt rời khỏi phòng. Hai người khác từng là danh thủ đánh cờ ở đất lành Ngẫu Hoa thì lại ủng hộ, Lư Bạch Tượng quả thật đi xin than củi trở về, Tùy Hữu Biên thì hờ hững đứng ở một bên, nhẫn nại xem hai đồng môn một lớn một nhỏ ngồi dưới đất làm trò.

Trí nhớ của Bùi Tiền rất tốt, có thể nói là xuất chúng, Trần Bình An và bốn người trong tranh cuộn đã sớm biết rõ. Loại thiên phú bẩm sinh này của cô bé, dù là Trần Bình An hay Lư Bạch Tượng kỳ lực trác tuyệt, đã quen diễn lại ván cờ, đều phải tự thẹn không bằng.

Sau khi dùng xong hai hộp quân cờ, Bùi Tiền và Thôi Đông Sơn ngoại trừ so xem ai không biết xấu hổ hơn, còn đang so đấu trí nhớ.

Trên đất đã dùng than vẽ hai bàn cờ khác, nếu Bùi Tiền không thêm bàn nữa thì sẽ thắng, cho nên bất đắc dĩ phải để Thôi Đông Sơn vẽ thêm một bàn.

Lư Bạch Tượng yên lặng rời khỏi phòng, Tùy Hữu Biên theo sát phía sau.

Trong hành lang, Tùy Hữu Biên hỏi:

- Nhìn ra được sâu cạn không?


Lư Bạch Tượng lắc đầu nói:

- Cờ liên châu quá đơn giản, có vẽ thêm mười bàn cờ nữa, Bùi Tiền vẫn không thể thử ra kỳ lực của người này mạnh hay yếu.

Tùy Hữu Biên hỏi:

- Nếu như ngươi không nương tay, dốc hết toàn lực, chênh lệch giữa chúng ta lớn đến đâu?

Lư Bạch Tượng cười nói:

- Nói thật, cô không có cách nào khiến ta đánh cờ thủ cân.

Cái gọi là “thủ cân”, chính là nước đi bất ngờ. Phần nhiều khi thế cuộc trên bàn cờ đang cân bằng, chém giết kịch liệt, trị cô, đồ đại long (2), sẽ dễ xuất hiện nước cờ thần tiên này.

Hàm ý của Lư Bạch Tượng là hắn chỉ cần tiến dần từng bước, giống như thợ xây một đường “trải cờ”, sóng yên biển lặng, sẽ có thể vững vàng chiến thắng Tùy Hữu Biên.

Tùy Hữu Biên cũng không tức giận, kỳ lực trên bàn cờ cao hay thấp đều hiện ra rõ ràng. Trên đoạn đường này cô thường đánh cờ với Lư Bạch Tượng, không phải đẩy bàn cờ thì cũng ném quân cờ. Những danh thủ cờ vây trên thế gian gần như đều sẽ không nói ba chữ “ta thua rồi”, mà sẽ dùng hai phương thức nhận thua là đẩy bàn cờ và ném quân cờ. Tùy Hữu Biên mặc dù có lòng hiếu thắng, nhưng chuyện đánh cờ vốn bị cô xem là trò tiêu khiển, thắng thua cũng sẽ không ảnh hưởng đến kiếm đạo, cho nên cô vẫn nhận thua được.

Những cờ đợi lệnh và danh thủ đỉnh cao ở đất lành Ngẫu Hoa, rất tôn sùng kỳ lực của thủy tổ khai sơn Ma giáo Lư Bạch Tượng năm xưa. Nếu phải chọn ra ba người đứng đầu trong lịch sử đất lành Ngẫu Hoa, Lư Bạch Tượng dĩ nhiên chiếm một vị trí, có thể thấy danh tiếng của hắn trên bàn cờ cao như thế nào.

Hai người còn lại, một người là Vương Kế Nguyên, được gọi là thiên cổ kỳ thánh. Một người khác là “Hoàng Hạo”, sau này được chứng thực là trích tiên nhân.

Hoàng Hạo là lão tổ phục hưng của phái Hồ Sơn nước Tùng Lại, sư tổ của Du Chân Ý. Chính người này đã dựa vào danh vọng to lớn của tông môn và kỳ lực vô địch trên đời của bản thân, xóa bỏ hạn chế cờ tọa tử, khiến cho đấu cờ ở đất lành Ngẫu Hoa xuất hiện một đường ranh giới, từ đó chia làm phái cờ cổ và phái cờ mới.

Vương Kế Nguyên nhỏ hơn Hoàng Hạo sáu mươi tuổi, lúc Hoàng Hạo bảy mươi tuổi lại không biết kết cục, cho nên hai người chưa từng có cơ hội đánh cờ. Về chuyện ba người ở thời đại khác nhau ai cao ai thấp, đám tông sư đánh cờ đời sau vẫn tranh cãi không ngừng.

Lư Bạch Tượng chắc chắn là đỉnh cao của phái cờ cổ, Vương Kế Nguyên lại là cực điểm của phái cờ mới, càng tập hợp các loại định thức, phi đao (3) thành một quy cách riêng. Cho nên có người quả quyết, Lư Bạch Tượng không có tư cách ngang hàng với thiên cổ kỳ thánh Vương Kế Nguyên, nếu Vương Kế Nguyên có cơ hội đấu với Lư Bạch Tượng, nhất định có thể nhường hai quân.

Lại có cao thủ chuyên tâm nghiên cứu kỳ phổ (sách dạy đánh cờ) cổ xưa, tuyên bố chỉ cần để Lư Bạch Tượng làm quen với phái cờ mới hai ba tháng, sau đó đánh cờ với Vương Kế Nguyên, chẳng qua là nhiều thêm một kỳ thánh đệ tử cúi đầu bái lễ mà thôi.

Tóm lại là tranh luận rất sôi nổi. Bởi vì sau này không xuất hiện danh thủ nào kỳ lực tương đương với ba người, cho nên không ai đưa ra được đánh giá công bình đủ để phục chúng. Kỳ lực của ba người cao hay thấp, đã trở thành một vấn đề không có hồi kết.

Lúc này Tùy Hữu Biên đột nhiên nói:

- Đừng thua tên kia.

Lư Bạch Tượng khẽ mỉm cười nói:

- Mỏi mắt mong chờ đi.

Mà trong phòng Bùi Tiền, Thôi Đông Sơn đang ngồi xổm dưới đất cắn hạt dưa. Bùi Tiền thì nhăn mặt, lã chã muốn khóc, cô sắp thua mất sáu đồng tiền rồi.

Thôi Đông Sơn an ủi:

- Than còn đủ, thắng bại chưa định, lại vẽ thêm một bàn cờ là được, đánh lớn thắng lớn.

Bùi Tiền giơ tay lau vành mắt, từ trong tay áo lấy ra túi thơm do dì Quế tặng, được cô dùng làm túi tiền, moi ra bảy đồng tiền, đều là tiền mồ hôi nước mắt của cô. Cô nắm chặt tiền đồng, do dự đứng dậy, nhẹ nhàng đặt tiền lên bàn. Sau đó cô ra vẻ đáng thương nhìn cái gã họ Thôi, ước ao hắn có phong độ thần tiên, sẽ nghênh ngang rời đi. Không ngờ Thôi Đông Sơn lại mỉm cười đi tới bên cạnh bàn, đưa tay vơ một cái, tiền đồng liền không còn bóng dáng.

Lúc này Thôi Đông Sơn mới đi về phía cửa phòng, còn không quên xoay người nhắc nhở:

- Nhớ trả bàn cờ cho Lư Bạch Tượng, còn phải lau sạch dấu vết dưới đất. Nếu không Trần Bình An biết chúng ta đánh bạc, sẽ mắng ta xối xả, lại bắt ngươi chép sách đến gãy tay. Còn về tiền, đánh cược thua thì phải chịu, Trần Bình An sẽ không giúp ngươi đòi về.

Nói xong hắn tiêu sái xoay người, nghênh ngang rời đi, còn kêu lên:

- Hôm nay đúng là một ngày tốt lành, kiếm được tiền ra ngoài mua mứt quả rồi.

Bùi Tiền đứng bên cạnh bàn, khóc lóc thảm thiết.

Thôi Đông Sơn đột nhiên đi lùi, trở về cửa phòng, ló đầu ra cười nói:

- Bùi Tiền, không phải ta định theo Lư Bạch Tượng học đánh cờ sao. Ta muốn kiếm một điềm tốt, kế tiếp mỗi lần ngươi gọi ta một tiếng kỳ tiên, ta sẽ tặng ngươi một đồng tiền.

Ánh mắt Bùi Tiền sáng lên, nhanh như chớp chạy ra ngưỡng cửa, tung tăng đi theo phía sau Thôi Đông Sơn, ân cần gọi kỳ tiên.

Chưa tới một canh giờ, hai người trở lại phòng cô bé. Bùi Tiền đã khàn giọng, ê ê a a nói không ra chữ nào. Cô tươi cười rạng rỡ đưa tay đòi tiền Thôi Đông Sơn, thấy Thôi Đông Sơn không phản ứng, cô vội vàng viết một con số lên bàn.


Thôi Đông Sơn mỉm cười nói:

- Lừa ngươi chơi thôi, ngươi tin thật à?

Bùi Tiền đã sụp đổ, lại không nói ra được, chỉ có thể nhe nanh múa vuốt.

Thôi Đông Sơn nheo mắt lại, đưa tay đâm về phía cặp mắt Bùi Tiền, dọa cô bé:

- Lải nhải tiếp nữa, chẳng những ngươi sẽ thành một đứa câm, còn sẽ thành người mù. Trần Bình An có tức giận cũng không thể đánh chết học trò ta đúng không? Nhưng ngươi thì thảm rồi, biến thành một đứa nhỏ mù, đời này còn hi vọng gì?

Hắn đứng lên, giả làm người mù đưa tay quờ quạng lung tung.

Bùi Tiền sầm mặt, mím môi, lại không dám lấy gậy leo núi đánh chết tên khốn khiếp này. Cô càng nghĩ càng tuyệt vọng, vẻ mặt đờ đẫn, ngồi xuống mép giường, tâm như tro tàn, nước mắt như mưa.

Thôi Đông Sơn đột nhiên từ trong tay áo lấy ra một thứ giống như nén bạc, nhẹ nhàng ném cho Bùi Tiền, cười nói:

- Thấy ngươi biết điều, cho ngươi mượn chơi mấy ngày. Có điều lúc ta và Lư Bạch Tượng đánh cờ, nhớ trả cho ta trước. Nếu ta học cờ thuận lợi, tâm tình tốt đẹp, không chừng sẽ tặng cho ngươi.

Hai tay Bùi Tiền cầm nén bạc nặng trĩu, bỗng nhiên nín khóc mỉm cười.

Thôi Đông Sơn lại rời khỏi.

Bùi Tiền đặt nén bạc lớn kia lên bàn, nhìn ngang nhìn dọc, nhìn trái nhìn phải, nhìn trăm lần cũng không chán. Cô đang suy nghĩ làm cách nào giữ nén bạc này lại trong tay, đột nhiên mở to mắt. Chỉ thấy “nén bạc” bắt đầu nhúc nhích chuyển động, sau đó biến thành một con châu chấu toàn thân trắng như tuyết, nhảy về phía cửa sổ, trong thoáng chốc đã không còn tung tích.

Sau khi Bùi Tiền khôi phục tinh thần, lập tức trèo lên cửa sổ nhảy xuống, cố gắng tìm kiếm “nén bạc” ở vườn sau, trong cỏ dại, chân tường, khe đá, tìm đủ nửa canh giờ. Cuối cùng cô còn dùng tay đào đất, kết quả vẫn không tìm thấy nén bạc đã biến thành “côn trùng” kia. Sức cùng lực kiệt, cô bé ngơ ngác ngồi dưới đất, lần này không còn sức để khóc nữa.

Đến khi Trần Bình An từ văn miếu trở về nhà trọ, lại nhìn thấy bóng lưng gầy gò ủ rũ của Bùi Tiền, gọi mấy tiếng cô bé cũng không có phản ứng.

Trần Bình An đành phải nhảy ra khỏi bệ cửa sổ. Bùi Tiền đờ đẫn quay lại, sau khi nhìn thấy Trần Bình An liền cúi đầu, hai tay nắm chặt góc áo.

Trần Bình An thở dài, trở về phòng, trực tiếp đi tìm Thôi Đông Sơn. Chỉ chốc lát sau hắn đã trở về cửa sổ, gọi Bùi Tiền:

- Bảy đồng tiền, ngươi có bản lĩnh thì tự mình thắng lại, không thắng được thì nhận thua. Con “sâu bạc” này của Thôi Đông Sơn, ngươi có thể cầm chơi, nhưng lúc nào hắn đòi thì phải trả lại.

Bùi Tiền mặc dù đang thương tâm thương phổi, nhưng vẫn vội vàng đứng dậy, trèo lên bệ cửa sổ, nhảy xuống đất, sau đó nâng hai tay lên, cẩn thận cầm lấy “sâu bạc” đã khôi phục hình dạng nén bạc.

Trần Bình An kéo lỗ tai Bùi Tiền, xách cô đến bên cạnh bàn, mắng:

- Thật có tiền đồ, còn biết đánh cược với người khác?

Bùi Tiền thấp thỏm bất an ngồi bên cạnh bàn, hai tay ôm sâu bạc.

Trần Bình An hỏi:

- Thích đánh cược như vậy, ta sẽ đưa hộp đựng bảo vật trong hòm trúc cho ngươi. Dù sao bây giờ gia sản của ngươi rất phong phú, có thể đánh cược với Thôi Đông Sơn rất nhiều lần. Là ta đi lấy giúp ngươi, hay là ngươi tự mình đi?

Vẻ mặt Bùi Tiền hoảng hốt, ra sức lắc đầu.

Trần Bình An vỗ bàn một cái, nghiêm nghị nói:

- Đi lấy hộp đựng bảo vật, sau này tự mình mang theo!

Bùi Tiền đột nhiên quay đầu, xụ mặt, không khóc cũng không cầu xin, không nhìn Trần Bình An cũng không nghe hắn nói.

Trần Bình An rất tức giận.

Bùi Tiền cắn răng một cái, đột nhiên vứt nén bạc trong tay ra ngoài cửa sổ.

Trần Bình An đứng lên, đi sang phòng kế bên mở hòm trúc ra, lấy hộp đựng bảo vật, sau đó trở lại phòng của Bùi Tiền, ném lên bàn rồi bỏ đi.

Không ngờ sau chốc lát, Trần Bình An vừa ở trong phòng uống một ngụm rượu thuốc, Bùi Tiền đã cầm hộp đựng bảo vật chạy nhanh vào, dùng thế sét đánh không kịp bưng tai nhét vào hòm trúc, sau đó bỏ chạy.


Trần Bình An lại lấy hộp đựng bảo vật ra, đi sang phòng kế bên, không ngờ Bùi Tiền đã cài chặt cửa phòng.

Trần Bình An nổi giận, chỉ muốn đá văng cửa phòng, sau đó ném cả con nhóc này và hộp đựng bảo vật ra ngoài nhà trọ.

Hắn đứng ở ngoài cửa một lúc. Bên trong thì Bùi Tiền dùng lưng đè mạnh vào cửa phòng, giơ hai cánh tay mảnh khảnh lên, dùng mu bàn tay che kín gương mặt nhỏ nhắn đen như than.

Trên nóc nhà trọ, thiếu niên áo trắng vốn là thủ phạm chính đang nằm ngửa mặt, gác đầu lên cánh tay, như cười mà không cười.

Lư Bạch Tượng ở trong phòng chuyên tâm học đánh cờ, là “Thải Vân Phổ” cực kỳ nổi tiếng ở thế giới Hạo Nhiên, mười ván cờ trong ráng màu, được dùng để diễn sinh ra các loại kỳ phổ. Có người chuyên môn “thủ cát” (4) ván cờ ráng màu, có người chỉ đi sâu nghiên cứu sự sống chết tuyệt diệu của mười ván cờ. Nghe nói sách này đã tạo ra vô số cao thủ đánh cờ trong giang hồ.

Chỉ luận về đánh cờ, Lư Bạch Tượng đã không có đối thủ ở đất lành Ngẫu Hoa, tự cho mình đã đứng rất cao trong kỳ đạo. Nhưng sau khi vô tình lấy được quyển “Thải Vân Phổ” này, hắn mới biết thế nào là trời cao còn có trời cao hơn, người giỏi còn có người giỏi hơn. Càng nghiên cứu, càng lĩnh hội được kỳ lực của hai bên đấu cờ sâu thẳm thế nào.

Không nói đến vị thành chủ thành Bạch Đế “mời kỳ thủ thiên hạ đi trước” kia, chỉ nói đến cao nhân có tư cách đánh cờ với vị cự phách ma đạo này giữa ráng màu. Mặc dù người này thua rất nhiều, nhưng nếu không nhìn mỗi lần “xoay sở” của thành chủ thành Bạch Đế, chỉ xét đến bố cục của vị cao nhân này, từng bước đều đặc sắc, khiến người học cờ đời sau cảm thấy giống như sấm sét bay ra khỏi giấy, đập vào mặt, khiến người ta nghẹt thở.

Lư Bạch Tượng vất vả tìm kiếm, thu thập phần lớn ván cờ của vị cao nhân này, cuối cùng đưa ra một kết luận, kỳ thuật của người này có thể gọi là “đường tắt hoàn hảo”. Những tông sư kỳ đạo của thế giới Hạo Nhiên, phần lớn đều đánh giá người này rất cao, đại khái có ba nhận thức chung.

Một là người này có thể hi sinh một bộ phận để mưu cầu đại cục, phá vỡ định luận cố hữu “góc vàng biên bạc bụng rơm rạ” (5). Hai là người này đánh cờ mặc dù thỉnh thoảng đi theo con đường lộ ra sắc bén, sát phạt máu tanh, nhưng về tổng thể vẫn xứng với lời khen “phong cách đạm bạc, cực kỳ tinh vi, đạt đến cao xa”.

Ba là người này đã khai sáng ra rất nhiều nước cờ kỳ diệu, bao gồm định thức đại tuyết băng nội quải, thiên hạ đệ nhất tiểu tiêm (6). Sau đó trăm năm, phần nhiều đã bị cao nhân kỳ đạo lần lượt phá giải, hoặc là lần đầu hiện thế trong mười ván cờ ráng màu, đã bị thành chủ thành Bạch Đế nhìn thấu. Nhưng những người từng đọc qua “Thải Vân Phổ” đều phải rung động, kinh ngạc vì tư tưởng kỳ diệu trong đó. Nó gây cho người ta cảm giác, người này và tất cả kỳ thủ đương thời không đánh cùng một loại cờ.

Sở dĩ người này thua bởi thành chủ thành Bạch Đế, chỉ có thể nói là sinh không gặp thời, vừa lúc gặp phải một quái vật “đã đắc đại đạo”, xưa nay chưa từng có, sau này cũng không có.

Lư Bạch Tượng nhiều lần nghiên cứu quyển “Thải Vân Phổ” này, nghĩ tới nghĩ lui, đại khái chỉ có thể dùng “không sẩy tay, không sơ suất” để hình dung vị cao nhân Nho gia này.

Hắn đã từng cười nói với Trần Bình An, mơ ước lớn nhất đời này là có thể đi tham quan thành Bạch Đế. Nhưng sâu trong lòng, người mà hắn muốn đánh cờ nhất không phải là thành chủ thành Bạch Đế, mà là đồ đệ đầu tiên của Văn Thánh năm xưa, Thôi Sàm Thôi đại tiên sinh.

Lư Bạch Tượng để kỳ phổ xuống, thở dài một tiếng.

Thành Bạch Đế hẳn là có thể đi, sớm muộn mà thôi, nhưng đánh cờ mười ván với Thôi Sàm, hi vọng lại khá mờ mịt.

Mặc dù hôm nay Thôi Sàm là quốc sư của vương triều Đại Ly, quê nhà của Trần Bình An, nhưng dùng cờ xem người, đại khái nhìn ra được người này chí khí rất cao. Cho dù Lư Bạch Tượng gặp được Thôi Sàm, cũng rất khó được đánh cờ như ý nguyện.

Lư Bạch Tượng tự biết kỳ lực còn chưa đủ.

Mặc dù hậu thế vì người mà phỉ báng cờ, nhất là Đồng Diệp châu và Bảo Bình châu, cố gắng hạ thấp kỳ lực của vị Thôi đại tiên sinh này, nhưng Lư Bạch Tượng vẫn rất ngưỡng mộ ba câu nói hùng hồn mà người này để lại cho hậu nhân.

“Trên nước (thế chủ động) đánh thế nào cũng không quan trọng.”

“Tàn cuộc chính là quét dọn chiến trường, ai nói tàn cuộc vô địch gì đó, chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi.”

“Cờ đen học Mã Lôi kia, cờ trắng học Thôi Sàm ta, cờ nhường quân học thành chủ thành Bạch Đế. Người học Mã Lôi, có thể học bảy tám phần. Người học Thôi Sàm, có thể học năm sáu phần. Người học thành chủ thành Bạch Đế, học cũng vô ích.”

Lư Bạch Tượng hít thở sâu một hơi, liếc nhìn bàn cờ trên bàn, muốn đứng dậy đi tìm Thôi Đông Sơn. Hắn đoán rằng với quy tắc ba ván thắng hai, sẽ có thể thử ra phân lượng của người này.

Khi Lư Bạch Tượng ra khỏi cửa, lại nhìn thấy Ngụy Tiện vẻ mặt kỳ lạ trở về phòng. Lư Bạch Tượng rẽ qua hành lang, đi tới gian phòng xa hơn một chút gõ cửa. Ngụy Tiện đứng ở lối rẽ, hỏi:

- Tìm Thôi Đông Sơn à?

Lư Bạch Tượng gật đầu.

Ngụy Tiện khoát tay nói:

- Không cần tìm nữa. Tên này đã đánh cược với Chu Liễm, hiện giờ đã rời khỏi huyện thành rồi, Tùy Hữu Biên cũng đi theo.

Lư Bạch Tượng nghi hoặc hỏi:

- Đánh cược gì?

Ngụy Tiện đáp:

- Thôi Đông Sơn nói muốn so chiêu với Chu Liễm, chỉ cần Chu Liễm thắng, hắn sẽ lấy ra vật một thước tặng cho Chu Liễm. Còn nếu Chu Liễm thua, sau này mỗi ngày phải làm bữa ăn khuya cho Thôi Đông Sơn hắn.

Lư Bạch Tượng cười nói:

- Chu Liễm lại đồng ý?

Ngụy Tiện do dự một thoáng, gãi đầu nói:

- Ban đầu đương nhiên không đồng ý, dù sao Bùi Tiền đã bị lừa thảm như vậy, Chu Liễm cũng không muốn nối gót theo sau. Thôi Đông Sơn nói hắn có thể đứng yên tại chỗ, Chu Liễm vẫn không gật đầu. Tên kia lại nói hắn sẽ không cử động tay chân. Chu Liễm bèn hỏi hắn có phải kiếm tu địa tiên hay không, Thôi Đông Sơn nói mình tuyệt đối không phải là kiếm tu, thế là Chu Liễm đồng ý. Tùy Hữu Biên cũng đi theo xem náo nhiệt.

Chỉ qua nửa canh giờ, Thôi Đông Sơn đã cười đùa tí tửng trở về nhà trọ, phía sau là Tùy Hữu Biên sắc mặt kỳ quái, đương nhiên còn có Chu Liễm thần thái chán nản.

Chu Liễm đi thẳng về phòng, đóng sầm cửa lại.


Lư Bạch Tượng tĩnh tọa trong phòng mình, cũng không hỏi nhiều. Tùy Hữu Biên đi vào phòng, ngồi xuống đối diện, nói với Lư Bạch Tượng:

- Thôi Đông Sơn nói hắn sẽ nhanh chóng tới đây học cờ với ngươi.

Lư Bạch Tượng cười hỏi:

- Chu Liễm thua như thế nào? Chẳng phải trước đây không lâu, lão đã lén lút bước vào cảnh giới thứ tám rồi sao?

Tùy Hữu Biên bất đắc dĩ nói:

- Tên kia quả thật không hề nhúc nhích, chỉ là tên này... pháp bảo trên người hơi nhiều. Từ đầu đến cuối Chu Liễm không thể tới gần mười trượng, giống như dắt chó đi dạo vậy. Nếu ta đấu với người này, kết cục cũng sẽ không tốt hơn Chu Liễm.

Lư Bạch Tượng rót cho Tùy Hữu Biên một ly trà. Tùy Hữu Biên lại không uống, chỉ lắc đầu nói:

- Các ngươi đánh cờ, ta sẽ không xem.

Lư Bạch Tượng cười hỏi:

- Thế nào, cảm thấy phần thắng của ta không lớn à?

Tùy Hữu Biên đứng lên nói:

- Ta không cảm thấy kỳ thuật của người này cao bao nhiêu, nhưng tin tưởng một chuyện, chỉ cần hắn đánh cược với người khác, dường như sẽ không thua.

Chuyện khiến Chu Liễm chán nản nhất, đó là người này đứng yên tại chỗ, điều khiển pháp bảo “tầng tầng lớp lớp, rực rỡ muôn màu”, đánh cho lão không ngóc đầu lên được. Đối phương còn hò hét cổ vũ cho lão, sau đó vẻ mặt tiếc nuối, nói rằng loại sâu kiến như Chu Liễm ngươi đi theo bên cạnh tiên sinh nhà ta, quả thật chỉ có phần xuống bếp nấu cơm.

Nói xong tên kia lại liếc nhìn Tùy Hữu Biên, bảo rằng ngươi tốt hơn một chút, dù sao dáng dấp xem như xinh đẹp, không chừng tiên sinh nhà ta mỗi đêm ngủ đều quay mặt về bên phải (hữu biên). Chuyện này khiến Tùy Hữu Biên thiếu chút nữa đã xuất kiếm.

Lư Bạch Tượng lâm vào trầm tư. Sau khi Tùy Hữu Biên rời đi, hắn lại theo thói quen lật xem bộ “Thải Vân Phổ” kia.

Không lâu sau, thiếu niên áo trắng dáng vẻ không chỉnh tề tìm tới phòng, vừa đi vừa cắn hạt dưa. Sau khi vào cửa, còn chưa ngồi xuống, hắn bỗng nhìn thấy kỳ phổ mà Lư Bạch Tượng vừa mới đặt bên tay, liền sững sốt nói:

- Ngươi lại xem thứ này, học sống chết, kỳ cân (7), định thức và kỳ lý?

Lư Bạch Tượng hỏi ngược lại:

- Có gì không ổn?

Thôi Đông Sơn than vãn một tiếng, ngồi xuống đối diện với Lư Bạch Tượng, mặt ủ mày chau nói:

- Bỏ đi, ta không theo ngươi học cờ nữa.

Lư Bạch Tượng nhíu chặt lông mày, nhón một quân cờ trên đầu ngón tay, hỏi:

- Vì sao?

Một tay Thôi Đông Sơn cầm hạt dưa vừa lừa được của Bùi Tiền, tay còn lại vươn ngón trỏ ra, tùy ý chỉ vào Lư Bạch Tượng, sau đó nhấc ngón cái lên chỉ vào mình, nói rất khí phách:

- Ngươi vẫn nên theo ta học cờ đi.

- --------

Chú thích:

(1) Cờ liên châu: còn được gọi là cờ ngũ tử liên châu, bàn cờ và quân cờ giống như cờ vây, gồm hai người chơi, ai đặt được năm quân cờ cùng màu thành một hàng sẽ thắng. Tương tự như cờ ca rô, nhưng có những quy tắc riêng.

(2) Trị cô: cố tình để đối phương công kích để phá vỡ sự cân bằng, sau đó khéo léo lợi dụng mắt xích thiếu sót và yếu ớt trong thế cờ đối phương, khiến cục diện trở nên có lợi cho mình.

Đồ đại long: ăn một lần thật nhiều quân cờ.

(3) Định thức phi đao: tên gọi chung của một loại định thức cờ vây, có nhiều hình thái khác nhau, do AI cờ vây phát hiện ra.

https://p26-open-detail-sign.byteimg.com/pgc-image/1b8f30b41b544ec29d71d768dc3c4855~tplv-tt-shrinkv2-q:1080:0:q70.webp?scene=detail&x-expires=1742647946&x-signature=uVSCqWzuxxfA3f6HpFJjWsZCpxk%3D

(4) Thủ cát: còn được gọi là tewari, kỹ thuật phân tích ván đấu bằng cách thay đổi thứ tự nước đi.

(5) Góc vàng biên bạc bụng rơm rạ: thuật ngữ cờ vây, nói đến vị trí đặt cờ khác nhau thì hiệu suất cũng sẽ khác nhau. Ưu tiên đặt cờ ở góc, kế đến là đường biên, cuối cùng mới là phần trung tâm.

(6) Đại tuyết băng nội quải: Tuyết băng là tên gọi chung của một định thức trong cờ vây, chia làm tiểu tuyết băng và đại tuyết băng, bởi vì thế cờ giống như tuyết lở nên được đặt tên như vậy. Trong đó đại tuyết băng biến hóa phức tạp, lại được chia thành ngoại quải và nội quải.

https://k.sinaimg.cn/n/sports/crawl/546/w278h268/20200220/cbfd-ipvnszc8901034.jpg/w700d1q75cms.jpg?by=cms_fixed_width

Tiểu tiêm: thuật ngữ cờ vây, đặt cờ theo đường chéo cách quân cờ ban đầu một ô, không tiếp xúc với bất cứ quân cờ nào.

(7) Kỳ cân: một quân cờ hoặc vài quân cờ cực kỳ quan trọng, liên quan đến sống chết của thế cờ, thắng bại của hai bên. Kỳ cân bị mất, cả bàn đều thua. Kỳ cân chiếm được, cả bàn đều sống.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương