Tuổi Thanh Xuân Bên Nhau
C43: Sự Cố Ngoài Ý Muốn

Dấu hiệu Tết đến chủ yếu là bố tôi lần lượt chuyển gạo, dầu đậu nành, thẻ ưu đãi, quýt, táo, cá băng thông rộng... từ công ty phát về nhà.

Từ trước đến nay tôi vẫn không hề có cảm giác gì với Tết. Sự mong ngóng Tết của người Trung Quốc xưa kia xuất phát từ sự thiếu thốn về vật chất. Đặc biệt là đối với một số khu vực nông thôn miền Bắc mà nói, cơ hội mặc quần áo mới, ăn cá, ăn thịt, dọn dẹp nhà cửa đều rất hiếm, sao có thể không háo hức đây?

Hồi nhỏ vẫn cảm thấy đến nhà ông bà nội rất vui nhưng bây giờ chỉ thấy chán. Tối 30 chẳng có gì đặc sắc, vẫn phải đối mặt với sự gặng hỏi tình hình học tập của cô dì chú bác, chỉ nghĩ đến đã thấy ghét rồi.

Lâm Phàm sung sướng, tung tăng chạy đến hỏi tôi: "Chị ơi, sắp sang năm mới rồi, sao chị lại không vui thế?"

Tôi vò vò đầu thằng bé, cười nói: "Em cố trân trọng giây phút này đi, bây giờ đối với em Tết vẫn còn là chuyện vui."

Lâm Phàm gật đầu: "Có tiền mừng tuổi là vui rồi ạ."

Ngừng một lát, lại bổ sung: "Nếu mà Tết Thanh minh cũng có tiền mừng tuổi thì em cũng thích Tết Thanh minh."

Ừm ừm, em chết rồi thì Tết Thanh minh sẽ nhận được tiền thôi. Tôi cười rồi giục Lâm Phàm đi thay quần áo mới, chúng tôi xuống nhà đốt pháo mừng.

Thằng bé Lâm Phàm nghịch ngợm tất nhiên rất thích đốt pháo, may mà người chị này tuy không thích thú lắm nhưng cũng không sợ. Cho nên, bố tôi đã mua rất nhiều pháo mà bố tôi cho rằng chỉ số an toàn cao, để tôi cùng em ấy đi xuống dưới nhà chơi.

Trong số những quả pháo chỉ số an toàn cao, tất nhiên không có loại "Hai đạp chân" mà Lam Phàm thích.

Bố tôi nói, năm nào tin tức cũng đưa tin có người vì đốt pháo "Hai đạp chân" mà bị nổ nửa đầu.

"Nửa khuôn mặt cũng mất, mắt còn thụt vào trong nữa!"

... Bố ơi, bố có thể đừng nói những lời kinh khủng như thế với trẻ con đang ngây thơ chơi đùa được không?

Chúng tôi mặc xong quần áo rồi đi ra ngoài, bỏ lại sau lưng những lời dặn dò của bố và cô Tề.

No. 239

"Em muốn đốt cái nào trước nào? Con bướm nhỏ được không?" Tôi lật đi lật lại trong túi ni lông rồi lấy một quả pháo còn bé hơn bao diêm ra, bên trên còn vẽ đôi cánh nhỏ màu vàng.

"Đây là con ong mà chị." Lâm Phàm nhìn tôi châm chọc.

Rất nhanh tôi đã hiểu được tại sao nó gọi là con ong, châm lửa rồi đặt xuống đất, nó sẽ nhanh chóng hướng lên trời nổ tung tóe, phát ra âm thanh như con ong nhỏ bị cháy mông.


Ban đầu tôi còn hơi nhát, nhưng sau khi đốt thành công mấy quả pháo đơn giản, không tóe ra tia lửa thì gan chúng tôi càng ngày càng lớn.

Có lúc mùi thuốc pháo cũng rất thơm.

Kể cả khi gan to rồi, tôi vẫn rất cẩn thận. Rất nhiều lần châm pháo xong, chúng tôi đều lập tức tránh đi, nhưng qua hơn nửa phút vẫn không có động tĩnh gì. Lâm Phàm nghĩ là đang cháy dở thì bị tắt, sốt ruột định chạy qua đó xem sao thì liền bị tôi ngăn lại.

"Dù sao trong túi còn nhiều mà, cũng không thiếu một hai cái, mình không cần cái đó nữa, nhỡ may xảy ra chuyện gì thì sao?" Tôi nhanh chóng lấy những quả pháo khác để thu hút sự chú ý của thằng bé.

Lúc này trời đã sẩm tối. Lâm Phàm vốn định buổi tối ra ngoài chơi, vì ban ngày đốt pháo không đẹp. Tôi kéo thằng bé lên tầng. Thằng bé không chịu, nhất quyết muốn đốt mấy quả pháo đẹp làm kết thúc.

Tôi đành lấy ra một quả pháo như gậy Như Ý. Tôi cũng không biết loại này gọi là gì nhưng hồi nhỏ tôi từng chơi cái này, chỉ cần châm một đầu và hướng lên trên trời, quả pháo này sẽ giống như khạc đờm, mỗi giây lại phun ra vô số màu sắc.

Tất nhiên không phải là loại tuôn ra hoa, chỉ là những ánh sáng màu khác nhau mà thôi, vẽ ra một đường cong sau đó lại rủ xuống, rồi tan biến giữa không trung.

Hồi nhỏ tôi đều gọi nó là pháo khạc đờm đủ sắc màu.

Tuy Lâm Phàm không vui nhưng cũng không còn cách nào khác, thằng bé vẫn là một đứa trẻ ngoan ngoãn, hiểu chuyện.

Tôi bảo thằng bé cầm pháo lệch hướng góc 45 độ, sau đó châm diêm, cẩn thận đốt đầu pháo hướng ra phía ngoài.

Tất cả ba quả pháo đều bình thường, trong bóng đêm xanh đen, vẽ ra muôn vàn tia sáng rực rỡ và mỏng manh.

Lâm Phàm ngửa mặt lên nhìn tôi cười.

Nhưng đúng trong khoảng khắc đó, quả pháo như bị điên, từ đầu tay Lâm Phàm cầm cũng phun ra tia lửa.

Sau ánh sáng chói mắt đó, tôi chỉ có thể trơ mắt nhìn mặt Lâm Phàm bị thuốc pháo hun đen, phần trước ngực áo lông nhung cũng bị rách một lỗ lớn, tất cả đều đen thui.

Thằng bé nghiêng ngả về đằng sau rồi ngã lăn xuống đất.

Cả quá trình diễn ra quá đột ngột, nhưng trong mắt tôi cứ như động tác quay chậm, đầu óc tôi trống rỗng.

Gậy pháo rơi xuống đất vẫn tiếp tục phun ra tia lửa, tôi nhảy sang lấy chân đá nó ra xa, sau đó quay đầu lại xem tình hình của Lâm Phàm.

Vẫn may, nhìn mặt thì không có vết thương ngoài da nào, không ảnh hưởng đến bề ngoài, chỉ là không biết có phải trước ngực đã bị thương hay không, tôi nóng vội đến mức nước mắt rơi lã chã.


Lúc đi ra ngoài không mang điện thoại, không có cách nào để gọi 120 hoặc báo cho bố mẹ tôi. Gần đến Tết, các cửa hàng quanh đó đều đã đóng cửa hết, tôi dáo dác nhìn xung quanh, đến một người đi bộ cũng không có. Tôi tuyệt vọng chờ mấy giây nữa sau đó cắn răng bế Lâm Phàm lên và cõng thằng bé lên.

Lúc đầu không đứng dậy nổi nên trực tiếp quỳ luôn xuống đất, giữa mùa đông, đầu gối bị đập xuống đường nhựa đau điếng. Tôi không còn phân biệt được nước mắt của tôi là do quá sợ hay quá đau, dẫu sao cũng không nhìn rõ được đường.

Cả con đường tôi vừa đi vừa trèo, cố gắng đến cổng khu chung cư thì tôi không còn sức để cõng Lâm Phàm lên tầng nữa, chỉ còn cách để Lâm Phàm xuống mép đường rồi chạy thật nhanh lên nhà.

Cũng may nhà tôi ở tầng ba, tôi đập cửa như không muốn sống nữa, người mở cửa là cô Tề.

"Cảnh Cảnh, con sao thế?" Cô ấy nhìn thấy bộ dạng đứng trước cửa của tôi, theo bản năng cảm thấy có chuyện bất thường, hỏi: "Phàm Phàm đâu?"

"Cháu không có cách nào cõng em ấy lên đây. Em ấy vẫn ở tầng một, nhanh lên, mau gọi cấp cứu, em bị pháo nổ làm bị thương rồi, bây giờ đang hôn mê..."

Tôi bị nước bọt làm sặc, ho liên hồi, cô Tề sững người, khuôn mặt đang bình thản tự dưng tức điên lên, ngay giây sau dùng lực đẩy tôi ra, chạy như điên xuống tầng một.

Vốn dĩ tôi đã không còn sức, cũng không đứng vững được nữa, bị cô ấy đẩy mạnh như thế nên gáy tôi bị đập mạnh vào tường, trước mắt tôi chỉ toàn là màu trắng.

Cũng may chưa ngất đi. Tôi dựa vào tường quỳ xuống, đầu quay cuồng, những ngôi sao quay quay xung quanh đầu cũng dẫn dần biến mất, cuối cùng có thể nhìn rõ mọi thứ.

Thứ đầu tiên tôi nhìn thấy là đôi dép lê của bố tôi.

Bố tôi ngồi xuống, sờ gáy tôi hỏi, Cảnh Cảnh, con không sao chứ? Cảnh Cảnh? Cảnh Cảnh?

Tôi kìm lại sự chua xót trong lòng, lắc lắc đầu.

"Bố ơi, mau gọi cấp cứu. Lâm Phàm..."

"Bố nghe thấy rồi. Gọi cấp cứu không nhanh bằng bố tự lái xe. Cảnh Cảnh, con đợi ở nhà đi, mau nằm xuống một lát, có chuyện gì gọi điện cho bố. Bây giờ bố đưa nó đi viện."

Giọng của bố tôi vẫn bình bình, không gấp không vội, có sức mạnh làm người ta an tâm. Trước đây tôi không hề phát hiện ra.

"Bố ơi!" Tôi kéo vạt áo của bố tôi lại theo bản năng, định giải thích là lỗi của tôi nhưng lại nén lại.


Không cần nhiều lời cũng không nên trì hoãn thời gian, bố tôi sẽ tin tôi.

Bố tôi dìu tôi đứng dậy, sau đó về phòng lấy chìa khóa và ví tiền, điện thoại, rồi gấp rút chạy xuống lầu.

Tôi nhìn không rõ biểu cảm của bố tôi lúc rời đi. Cái gì tôi cũng không nhìn rõ nữa, không biết là vì chóng mặt hay do nước mắt.

No. 240

Tôi vào nhà rửa mặt, cuộn mình trên sô pha rồi nhắm mắt lại nghỉ ngơi một lúc. Gáy tôi vẫn còn rất đau nhưng cũng không phải chuyện gì to tát, chỉ là tôi không phòng bị gì nên bị đập vào tường hơi mạnh.

Tuy ấm ức nhưng tôi vẫn lo cho tình trạng của Lâm Phàm hơn.

Tôi nghĩ một lát rồi gọi điện thoại cho mẹ tôi.

Bình thường mẹ tôi sẽ ngắt lời tôi, trực tiếp đưa ra kết luận – chính là dạy dỗ tôi, nhưng lần này, trong điện thoại, mẹ rất bình tĩnh nghe tôi kể hết mọi chuyện.

Có lẽ là vì tôi không kể với mẹ chuyện cô Tề đẩy tôi.

Mẹ tôi lạnh lùng: "Chuyện này không phải trách nhiệm của con, nhưng bây giờ quan trọng nhất là thằng bé thế nào rồi."

Mẹ nói sẽ gọi điện cho bố tôi, sau đó đến bệnh viện xem sao.

"Mẹ nắm được tình hình rồi sẽ gọi điện cho con. Đừng lo lắng."

Tôi ngồi đờ ra bên mép giường một tiếng đồng hồ, sau đó nhận được tin mẹ cũng đã đến bệnh viện thành phố.

"Không nguy hiểm đến tính mạng, cũng không bị thương nghiêm trọng, nhưng thằng bé vẫn chưa tỉnh lại. Đừng lo, tối nay bố con và dì đó có lẽ đều phải trực bên cạnh, con qua chỗ mẹ ở hai ngày đi."

No. 241

Mẹ tôi làm việc luôn dứt khoát nhanh nhẹn. Tôi ở nhà lại chờ một tiếng đồng hồ nữa, sắp xếp ít quần áo và sách vở, mẹ đã đỗ xe ở dưới tầng rồi.

"Không có vết thương bên ngoài nào rõ rệt, nhưng chỗ ngực hơi bị bỏng, lại có thêm chút kích động, đường hô hấp bị pháo thuốc làm sặc nên mới ngất đi. Nghỉ ngơi hai ngày là sẽ không sao nữa, cũng sẽ không để lại di chứng gì, yên tâm đi."

Từ rất lâu rồi mẹ tôi không còn nói những lời dịu dáng như thế với tôi.

Tôi gật gật đầu, đặt túi du lịch vào hàng ghế sau rồi ngồi vào ghế lái phụ, thắt chặt dây an toàn.

Mẹ tôi thở dài, khởi động xe.

Suốt quãng đường, chúng tôi đều không nói với nhau câu nào.


Trước giờ tôi đều phóng đại nỗi buồn tẻ của cuộc sống đơn thân, để bản thân mỗi ngày đều vui vẻ một cách ngu ngốc. Vậy mà những mối quan hệ gia đình yếu ớt này ẩn chứa bao nhiêu lỗ hổng, chỉ một chút thử thách đã làm lộ ra chân tướng.

Không phải tôi là người không hiểu chuyện, không hiểu lí lẽ. Tôi rất hiểu cô Tề. Trước đây, về mặt mẹ kế thì cô Tề đạt điểm tối đa, hoàn mĩ đến mức không giống người thường, cứ như cảm xúc không hề lên xuống; cho đến trước khi cô ấy đẩy tôi, tôi nhìn thấy trong đôi mắt nóng vội và căm phẫn của cô ấy là một người mẹ muốn bảo vệ con mình.

Có đối tốt nữa với con người khác cũng chỉ có mức độ mà thôi, quan tâm con mình mới là không giữ lại chút gì, không còn cả lí trí.
WebTru yenOn line . com
Chuyện này khiến người ta bất lực ở chỗ cô ấy không sai, tôi cũng không sai, nhưng cô ấy đã làm tổn thương trái tim tôi, còn tôi đã làm con cô ấy bị thương.

Cả hai chúng tôi đều hiểu rõ, sớm muộn cũng sẽ có chuyện như thế này, sớm muộn cũng có ngày này.

Cả hai chúng tôi đều cẩn thận trốn tránh, nhưng kết cục vẫn xảy ra rồi.

No. 242

Trước khi đi ngủ, tôi nhận được cuộc gọi từ bố, nói lại tình hình mẹ tôi đã nói với tôi một lần nữa.

"Bố biết không phải lỗi của con. Bây giờ chỗ này hơi loạn, con hãy ở bên mẹ con mấy ngày đi, bố có lỗi với con."

Tôi cười, biết bố khó xử nên cũng không nói gì, cứ thế tắt máy.

Mẹ tôi đánh răng trong nhà tắm, nghe được điện thoại thì nói với tôi gì đó, lúc đi đến viện mẹ cũng giải thích cho tôi rồi.

"Xem ra mẹ thằng bé cũng rất hiểu chuyện. Thằng bé cũng không bị gì lớn, cô ấy cũng không nhất thiết phải chuyện bé xé ra to, còn khách sáo nói với mẹ nào là trách con cô ấy nghịch ngợm, không trách con."

"Bọn họ sẽ cảm thấy con gọi điện cho mẹ để cáo trạng." Tôi cười khổ: "Nhất là nghĩ đường thoái thác gì đó."

Mẹ tối chau mày, sự dịu dàng trước đó cũng bay sạch: "Tất nhiên mẹ đi đến đó để gỡ rối cho con, con cũng có nói dối đâu. Mặc kệ trong lòng cô ta nghĩ thế nào, dù sao mẹ cũng nói xong rồi, cô ta cũng không bới móc gì. Đợi con cô ta tỉnh lại, hỏi là biết có chuyện gì thôi! Được rồi, được rồi. Con đừng nghĩ nhiều nữa, chuyện này đáng lẽ không nên để con phải nghĩ."

Mẹ tôi ngừng lại, bỗng dưng thở dài, sau lại nói: "Cũng không biết bố con làm sao nữa. Thôi, đều do người lớn bọn mẹ không tốt."

Mẹ ôm lấy tôi, vỗ vỗ lưng tôi nói: "Cảnh Cảnh, bố mẹ khiến con phải chịu ấm ức rồi."

Vốn dĩ tôi vẫn rất ổn.

Bỗng nhiên mẹ nói ra câu đó làm tôi khóc như con ngốc.

Hết chương 43


Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương