Trần Chân
Chương 1: Gặp gỡ

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

“Có ánh trăng rọi qua cửa sổ

Thiếp nhìn trăng – nâng chén rượu nồng

Sao quân tử làm ngơ không biết

Khiến lệ vương trên đôi má hồng


Quân tử ơi, quân tử hỡi

Vai anh còn nặng gánh chi đây?

Ngại chi đôi lời bày tỏ

Thiếp nguyện trao cả trái tim này.


Chẳng trách mây trôi trăng ẩn nấp

Chỉ hờn ai đó – đến bao giờ mới thấu cho đây?”


----------​

Ngày mồng ba tháng giêng năm Thông Thụy thứ nhất, tôi chào đời.

Năm Thiên Cảm Thánh Vũ thứ tư(**), cha tôi tổ chức lễ trưởng thành cho con gái.

Nhà họ Lý cậy bà mối đến hỏi cưới đầu tiên, nhưng cha tôi từ chối. Những nhà sau đó, gần có, xa có, cũng cậy bà mối đến, kết quả cũng chẳng khả quan hơn.

Tôi bắt đầu biết mơ mộng về người chồng tương lai của mình. Anh ta cao hay thấp, mập hay ốm, chữ nghĩa đầy mình hay mạnh mẽ chính trực. Mà nếu anh ấy vừa hay văn lại vừa giỏi võ nữa thì càng tốt.

Nghĩ đến đây, tôi bỗng liên tưởng đến một người: anh kết nghĩa của tôi – Mai Xuân Phong.

Tôi biết anh ấy trong một lần giả nam để cùng Tú Bình ra ngoài chơi. Lúc Tú Bình còn mải mê ngã giá với người bán trang sức trên đường thì tôi đi lạc. Nếu không có Mai Xuân Phong có lẽ tôi đã bị hai tên cướp đánh cho một trận tời bời vì cái tội “mặc đồ thì đẹp đẽ lắm mà lại không có lấy một xu dính túi”. Anh ấy khiến hai tên cướp chạy thục mạng, nhưng tay cũng bị thương một mảng rõ to.

Tú Bình tìm được tôi, ban đầu còn cho rằng tôi bị Xuân Phong ức hiếp, định ra tay trừng trị. Cũng may anh đỡ được và kịp giải thích nên mọi chuyện cũng xem như êm đẹp. Tú Bình lập tức đưa tôi về nhà để tránh cha mẹ tôi biết chuyện lại mắng hết hai đứa. Bước theo chị vài bước, tôi quay lại, định chào Phong, liền thấy anh cứ mải mê nhìn theo bóng lưng của Tú Bình…

Ngày mười bốn hằng tháng cha mẹ tôi hay có thói quen đến quán ăn chay do bạn của cha làm chủ. Cả hai người đều sùng đạo Phật nên nói chuyện với nhau cảm thấy rất hợp tính. Mấy lần cha muốn tôi cùng đi, nhưng tôi chỉ thích ăn thịt, không thích ăn chay, bởi thế nên trốn theo anh trai là Trần Tự Khải đến thư quán, vừa được ăn thịt nướng, vừa nghe anh cùng bạn bè ngân nga thơ ca. May sao chị Tú Bình luôn đồng ý đi cùng cha mẹ nên lâu dần cha cũng không buồn bắt ép tôi.

Tú Bình là chị họ tôi, hơn tôi hai tuổi, nhà ở Diễn Hoa, cách nhà tôi một ngày đi bằng xe ngựa. Lúc sinh Tú Bình, mẹ chị băng huyết nên qua đời. Chú tôi mở võ quán, trong nhà toàn những thanh niên vai u thịt bắp, thô lỗ cứng rắn không tiện chăm sóc bé gái mới chào đời nên chú gửi Tú Bình cho cha mẹ tôi chăm sóc. Đến năm Tú Bình mười hai tuổi, sau bao năm chú năn nỉ, chị ấy mới quay về ở nhà mình. Nhưng dù quay trở về nhà thì thời gian chị ở nhà tôi vẫn nhiều hơn ở nhà chị. Chị rất quý cha mẹ tôi, gọi là cha mẹ, đi đâu cũng đi cùng. Trong khi tôi thì lại thích giả trai, đi theo Tự Khải học chữ, nghe các anh ấy bàn luận thơ ca. Những ai không biết rõ, còn nghĩ chị ấy mới chính là con gái của cha mẹ tôi.

Hôm nay là mười bốn tháng giêng, theo thông lệ nhà tôi sẽ đến quán chay. Tự Khải cùng bạn bè đi xa, không tiện đưa tôi theo cùng nên tôi quyết định đi theo cha mẹ. Mười năm tôi mới đi một lần, nhưng không hiểu sao lại đúng ngay cái ngày Xuân Phong cũng ngồi trong quán. Trông thấy anh ta từ xa, tim tôi giật thót. Hôm trước gặp anh ta tôi là con trai, hôm nay lại mặc đồ nữ, không biết phải giải thích với anh như thế nào. Tôi vội vã nói với mẹ rằng mình đau bụng, phải đi tìm nhà xí. Mẹ tôi không hiểu nỗi khổ của con gái, còn mắng yêu: “Con này, đúng là không hợp với ăn chay niệm Phật!”

Tôi cùng hầu gái của mình là Nhược Lan ghé vào một quán trà gần đó theo dõi tình hình. Lúc Tú Bình cùng cha mẹ bước vào quán, có lẽ gặp Phong nhưng không tiện nói chuyện, chỉ gật đầu chào. Cho đến khi chị ấy bước lên cầu thang, anh ấy vẫn cứ nhìn theo.

Nhược Lan tinh ý nhận ra tôi đang nhìn người đàn ông lạ nên quay sang hỏi: “Cô hai, đó là ai mà cô cứ chăm chú theo dõi nãy giờ?”

Tôi thật thà kể lại mọi chuyện cho Nhược Lan nghe. Nghe xong chị cả kinh, chỉ quan tâm mỗi việc hôm trước tôi suýt bị đánh: “Sao cô không nói gì với em hết, rồi cô có sao không?”

Nhược Lan hỏi một câu mà theo tôi là thừa thãi hết sức. Nếu hôm đó tôi có bị sao thì với con mắt tinh tường chẳng lẽ chị ấy không nhận ra. Tôi không buồn trả lời Nhược Lan, tiếp tục nhìn về hướng anh Phong đang ngồi.

“Cô hai để ý cậu ấy hả?” Nhược Lan lại hỏi. Tôi không biết “để ý” mà chị nhắc đến mang ý nghĩa gì, chỉ là đối với người đàn ông đó tôi có chút tò mò.

“Nhưng theo em thấy dường như cậu ấy có cảm tình với cô Bình!” Có lẽ sợ tôi buồn nên Nhược Lan còn cố gắng nói thêm một câu nữa. Nhưng câu đó lại thức tỉnh tôi. Hèn gì hôm trước và cả hôm nay tôi thấy anh Phong nhìn chị Bình với một ánh mắt rất lạ mà tôi không thể giải thích đó là gì. Lần này may nhờ có Nhược Lan, rốt cuộc tôi cũng đã nắm bắt được vấn đề.

Tôi quay qua hỏi Nhược Lan: “Chị Lan nè, anh ấy nói rằng cha mẹ mất sớm, để lại cho anh ấy một thuyền buôn nho nhỏ để làm ăn. Hoàn cảnh anh ấy như vậy, liệu chú hai có chịu gả chị Bình cho ảnh không?”

Nhược Lan hớp ngụm trà, lơ đãng trả lời tôi: “Ông hai có chịu gả cô Bình không là một chuyện; nhưng trước hết, cô Bình có chấp nhận lấy cậu ấy không lại là một chuyện khác cô hai à!”

Tôi một lần nữa lại bị Nhược Lan thức tỉnh. Tú Bình là một cô nương có chính kiến, nếu chị không thích thì ai có ép buộc chị cũng không bằng lòng; chị mà thích rồi dù trời có sập xuống cũng không ngăn được chị. Vậy… liệu chị có thích Xuân Phong hay không?

Hôm nay là mười bốn, ngày mai trăng trên trời sẽ thật tròn. Rằm tháng giêng quê tôi có lễ hội thả hoa đăng và chèo thuyền trên sông Bùng ngắm trăng rất rộn rã. Những cặp tình nhân nhờ lễ hội này mà khắng khít hơn, những ai còn độc thân cũng sẽ tìm được cho mình một ý trung nhân hoàn hảo. Tôi bèn nghĩ ra một cách, vừa thăm dò được Tú Bình có thích anh Phong không, vừa dễ tác hợp cho hai người.

Chiều hôm đó, tôi kêu Nhược Lan đến nhắn với anh Phong rằng tôi muốn biếu ảnh một số đặc sản của miền Diễn Đông trước lúc ảnh nhổ neo rời khỏi. Mặt khác tôi nói với Tú Bình ngày mai tôi muốn đi chơi Nguyên tiêu, nằng nặc ép chị phải dẫn tôi đi. Chị Bình dĩ nhiên cũng ham vui, không lí do gì để từ chối.

Đến gần giờ hẹn, tôi cùng Tú Bình ra đường. Khi gần đến nơi tôi lấy cớ muốn mua ít bánh ngọt nên kêu chị Bình ra bến sông trước. Tôi và Nhược Lan âm thầm theo sau. Chúng tôi nhẹ nhàng hết mức, sợ chị Bình phát hiện bởi chị ấy dù gì cũng là con nhà võ. May sao cả chặng đường chúng tôi bình an vô sự. Tú Bình đến bến sông liền bắt gặp Xuân Phong. Cả hai ngạc nhiên nhìn nhau.

Tôi và Nhược Lan khoái chí nhìn hai người. Lần đầu tiên tôi thấy Tú Bình e ấp cúi mặt khi nói chuyện với nam nhân khác. Bình thường chị ấy vốn xinh đẹp, khi ngượng ngùng còn xinh đẹp hơn gấp vạn lần, đến tôi còn say mê trước nhan sắc ấy thì thử hỏi có người đàn ông nào không khỏi động lòng.

Tôi kêu Nhược Lan ra nhắn với hai người họ rằng tôi thấy trong người không khỏe nên về trước. Đặc biệt căn dặn Tú Bình thay tôi mà tiếp đãi Xuân Phong để đền đáp ơn cứu mạng hôm trước. Tôi có cảm giác Tú Bình đang nhìn về phía này, chắc chị ấy cũng biết mọi việc đều do tôi sắp xếp.

Hai người cùng bước lên chiếc thuyền chờ sẵn. Tôi sợ mất dấu nên vội vàng chạy theo, vừa định bước xuống thuyền thì chợt có một bàn tay túm lấy vai tôi.

“Nhóc con. Nãy giờ ta để ý thấy em cứ lúp lúp ló ló, định âm mưu gì đó?” Giọng đàn ông vang lên. Theo phản xạ tôi quay đầu lại, hét lên: “Buông tôi ra!”

Nhược Lan đi trước tôi, nghe tiếng tôi kêu liền quay lại. Thấy tôi bị người lạ mặt giữ vai lại, chị ấy bất chấp chạy tới, đưa tay thủ thế định đánh hắn ta. Chiêu chưa xuất ra đã bị hắn dùng tay điểm trên ngực, đứng im re.

“Buông ra, rồi em làm gì. Ta thấy em cứ rình rập hai người xinh đẹp kia, định ăn trộm đúng không?”

Thấy tình thế nguy hiểm không thôi, tôi phân trần: “Tôi không có ăn trộm gì hết. Đó là chị họ tôi, hôm nay chị ấy hẹn hò nên tôi tò mò đi theo xem thử. Anh buông tôi ra, nếu làm tôi mất dấu chị ấy, tôi sẽ không bỏ qua cho anh đâu!”

Anh ta nghe thấy, có lẽ tin tôi nói nên thả vai tôi lỏng hơn, rồi cười lớn: “Ha ha ha… nghe có vẻ hấp dẫn. Ta cũng không biết hai người hẹn hò sẽ làm những gì… nên sẽ đi cùng nhóc vậy.”

Nói rồi anh bế xốc tôi lên phi nhanh xuống thuyền, không cần cả người chèo thuyền. Tay anh chèo một cách điêu luyện, chẳng mấy chốc chúng tôi đã đuổi theo kịp chiếc thuyền của Tú Bình.

“Nè… anh muốn bị phát hiện hay sao? Chèo chậm lại. Trời ơi chỗ này sáng quá, anh kiếm chỗ nào tối tối rồi chèo vô đi. Tôi mệt anh quá... làm gì cũng không vừa ý.”

Anh ta loay hoay với mái chèo còn tôi thì mải mê chỉ đạo. Chợt tôi có cảm giác anh dừng lại, tôi vừa quay đầu lại định nhìn anh thì đã thấy anh ở ngay trước mặt tôi, rất gần: “Nhóc con, có giỏi thì tự chèo đi. Ta mệt rồi!”

Tôi gần như nín thở. Từ nãy giờ tôi chỉ mải quan sát Tú Bình, sợ lạc mất hai người nên chẳng có thời gian nhĩn kỹ người lạ mặt ấy. Giờ đây anh lại ở ngay trước mắt tôi, gần như thế. Gương mặt thanh tú nhưng cũng tỏa ra khí chất cao ngạo, mắt sáng mũi cao hàm răng trắng đều. Trước giờ tôi chưa thấy ai điển trai như vậy. Ngay cả anh tôi vẫn hay được mấy cô gái trong vùng khen lấy khen để nhưng tôi vẫn cảm giác thua người đàn ông này đến ba phần. Không hiểu sao tim tôi bất giác đập mạnh hơn mấy nhịp, đến mức anh ấy ngạc nhiên hỏi tôi: “Sao, sợ rồi à… làm gì nhìn ta dữ vậy?”

Tôi sợ anh biết tôi đang thầm ngưỡng mộ vẻ điển trai của anh nên quay mặt sang chỗ khác, đánh trống lảng: “Anh không phải người vùng này.”

Anh ta bật cười: “Khổ... ta tưởng em phải biết từ lúc đầu chứ. Đúng là nhóc con ngốc nghếch.”

Tôi không ngốc, chỉ là nãy giờ tôi bận để ý hai người kia thì làm sao còn tâm trí đâu quan tâm đến anh. Tôi định chống chế nhưng phát hiện chiếc thuyền của Tú Bình đâu mất rồi!

“Anh…”

“Có ánh trăng rọi qua cửa sổ

Thiếp nhìn trăng – nâng chén rượu nồng

Sao quân tử làm ngơ không biết

Khiến lệ vương trên đôi má hồng


Quân tử ơi, quân tử hỡi

Vai anh còn nặng gánh chi đây?

Ngại chi đôi lời bày tỏ

Thiếp nguyện trao cả trái tim này.


Chẳng trách mây trôi trăng ẩn nấp

Chỉ hờn ai đó – đến bao giờ mới thấu cho đây?”


Giọng hát du dương của cô đào trên thuyền hoa vang lên khiến mọi người chú ý. Lời ca bay bổng như hờn trách người quân tử vốn đã yêu nhưng vẫn không chịu ngỏ lời cùng nàng. Tôi mải mê nhìn cô đào ấy, chẳng rõ mặt, chỉ thấy bộ yếm màu đỏ mong manh trong gió. Gió xuân êm ái – lòng người cũng thoải mái hơn chăng?

“Nhóc con à…” Giọng người lạ mặt cất lên kéo tôi về với hiện tại “Em… có muốn đi lính không?”

Không quan tâm đến vẻ mặt trân trối của tôi, anh ta tiếp tục: “Nói thật với em ta đi lính cho triều đình, nhưng ở đó buồn chán lắm. Không ngờ đến đây thấy nhóc cũng thú vị, hay em đi lính cùng ta, ta sẽ trực tiếp chỉ dạy em. Bảo đảm sau này tiền tài bổng lộc ăn không hết.”

Anh ta rõ ràng làm tôi tuột hết cảm xúc. Tôi định trả lời anh thì phát hiện Xuân Phong đang nhìn về nơi này. Theo quán tính tôi xoay người ra sau né tránh, quên mất việc mình đang ở trên thuyền…

Chỉ kịp cảm nhận được một bàn tay nắm lấy tay tôi, cùng tôi rơi xuống nước.

“Sông Bùng sóng vỗ đầy vơi

Một lần gặp gỡ trọn đời nhớ nhau…”


Câu hát đánh thức tôi dậy. Tôi hoảng hốt nhìn xung quanh xem mình đang ở đâu thì thấy Nhược Lan đang chống cằm nhìn tôi. Có vẻ tôi đang ở ngôi miếu hoang gần bến sông, bên ngoài mọi người vẫn còn tấp nập qua lại. Nhưng người lạ mặt thì đi đâu mất, tôi nhìn dáo dác tìm kiếm anh ta.

“Người đó đi rồi!” Nhược Lan thông báo cho tôi một cách rõ ràng nhất. Không hiểu sao tôi thấy trong lòng trống trải vô cùng.

“Chúng ta về nhà thôi” Tôi nói với Nhược Lan rồi ngồi dậy để chuẩn bị ra về thì chiếc áo khoác trên người tôi rớt xuống. Là áo của anh ấy.

Tôi miên man nghĩ đến những chuyện xảy ra trên suốt dọc đường về. Người ấy là ai, từ đâu đến, anh đã đi đâu và có quay trở lại đây nữa hay không? Hàng ngàn câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu tôi về người đàn ông ấy. Nhược Lan đi sau lưng tôi, dường như cũng có điều khó nói. Cứ thế chúng tôi trầm mặc trên suốt quãng đường về.

Tú Bình về nhà sau tôi. Tôi còn tưởng chị ấy sẽ mắng tôi một trận vì dám lừa chị ấy, nhưng thấy chị có vẻ cũng thơ thẩn chẳng khác gì tôi.

Ngày hôm sau chú hai cho người đến đón chị Bình về nhà gấp. Bà ngoại của chị dường như bệnh trở nặng hơn, muốn gặp cháu gái lần cuối.

Trước khi đi chị có viết vài dòng, nhờ gửi đến Xuân Phong. Lúc tôi và Nhược Lan ra bến thuyền tìm anh thì người ta thông báo thuyền anh đã nhổ neo từ sáng hôm nay. Tôi để thư lại cho ông chủ bến thuyền, căn dặn kỹ càng khi nào anh ấy quay trở lại thì giao thư này cho anh rồi mới quay về.

Diễn Châu đất cảng, người đến người đi. Xuân Phong đến rồi đi không lời từ biệt. Còn người ấy, không biết đang ở nơi nào. Chiều nào tôi cũng cùng Nhược Lan ra bến thuyền chờ đợi, hy vọng có thể trả lại chiếc áo cho anh ta!

Ngày hai mươi hai tháng ba, lại có một người đàn ông đến nhà tôi cầu hôn. Lần này không thông qua bà mối. Tôi nép bên trong nhìn ra, thấy cha và người ấy trò chuyện cùng nhau có vẻ rất vui… Nhìn đống rương sính lễ mang đến nhỏ to đủ loại, chất kín cả gian nhà, tôi cũng đoán được bên kia gia thế không hề kém cạnh nhà mình.

Người đàn ông kia rời đi, cha tôi liền kêu tôi ra, thông báo đã chọn được ngày tốt để gả tôi. Những đêm đó tôi khóc như muốn ngập Diễn Châu.

Khi soạn quần áo, Nhược Lan đã hỏi tôi có muốn đem theo chiếc áo của người đàn ông lạ mặt kia không, tôi trầm ngâm rồi quyết định để lại đây. Tôi đã từng mong gặp lại anh ta để trả áo, nhưng bây giờ, dù có gặp lại, có lẽ tôi cũng chỉ có thể xem anh ấy như người không quen.

Ngày mồng bốn tháng sáu năm Thiên Cảm Thánh Vũ thứ tư, chỉ sau năm tháng từ lúc làm lễ trưởng thành, tôi lên thuyền đi đến Hải Đông xuất giá.

Hôm tôi đi trời đổ mưa rào. Mẹ tôi ở sau lưng khóc cạn cả nước mắt. Tôi không dám quay đầu nhìn lại, sợ mình sẽ không đủ can đảm bước đi.

“Sông Bùng sóng vỗ đầy vơi

Một lần gặp gỡ trọn đời nhớ nhau…”


____________________

Chú thích:

 Năm 1034 Niên hiệu vua Lý Thái Tông (1028 – 1054);

(**) Năm 1047 Niên hiệu vua Lý Thái Tông (1028 – 1054).

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương