Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi
Chương 361: Hồi hai mươi chín (6)

Sáng…

Ánh nắng đầu ngày đậu xuống mặt sông, báo hiệu một ngày làm việc nữa cửa người dân chốn Chợ Hạc này. Trên con đường huyết mạch xuyên qua Chợ Khô, cửa hàng quán xá thi nhau mở cửa, tiếng xào nấu đưa hương thơm đến từng phòng trọ. Bên vệ đường, nào là mãi võ mưu sinh, nào là diễn xiếc tạp kỹ, rồi thì lại có mấy khách giang hồ tranh thủ trải chiếu bày hàng, bán nào là thuốc cao nào là thuốc dán. Miệng cứ hô là bí phương gia truyền vậy, còn như thật giả ra sao thì có mỗi kẻ bán biết.

Những gian hàng này đương nhiên không đăng ký gì với hai ông lớn, cũng không đóng lệ phí gì cả. Thành thử, ngày nào cũng thấy cảnh đệ tử phái Hy Cương và đám thuỷ tặc dưới trướng bốn trại chủ vừa thu phí vừa đánh dẹp những gian hàng này. Thành ra, mấy ngày nay Chợ Hạc vốn đã náo nhiệt lại thêm phần bát nháo.

Thánh nữ của Tuyệt Tình điện một mình tản bộ trong chợ, đấu bồng che mặt không ai thấy nổi dung nhan. Song chỉ riêng dáng người thanh tú, lưng thắt ve vàng, gót ngọc chân sen cũng đủ khiến kẻ sĩ thiên hạ phải đổ dồn hai mắt lại.

Nàng này tính tình lạnh nhạt, trước giờ trong Tuyệt Tình điện chỉ tiếp xúc với các chị em trong Thất Tuyệt Ma, chưa biết thế nào là người khác giới. Nay cảm nhận được ánh mắt hau háu của cánh đàn ông thì cau mày tỏ vẻ chán ghét, đoạn lại dùng khinh công, thoắt ẩn thoắt hiện giữa đám người. Lúc thì xen lẫn trong đám người xem trò, khi thì trà trộn ở cánh mấy người xem hát. Nàng cứ thế xuyên qua xuyên lại giữa dòng người ngược xuôi, vậy mà trước sau tà áo không đụng một ai, người chung quanh chẳng hề cảm nhận được nàng đang tồn tại, thân pháp thực sự nhẹ như khói nhanh như gió…

Quần hào thấy khinh công nàng cao đến thế, chẳng tránh nổi lắc đầu lè lưỡi, biết điều mà bảo nhau sau này thấy ai ăn vận như nàng thì chớ có đắc tội kẻo rước vạ vào thân.

Thánh nữ qua cơn hiếu kì ban đầu, tính cách lạnh nhạt dần thắng thế lại. Nàng lại khởi kình, từ đường chính rẽ sang chỗ cầu tàu, xem thử Chợ Nước ra sao.

Chợ Dưới thực chất là mấy trăm con thuyền lớn có nhỏ có neo đậu lố nhố. Mỗi thuyền dựng một cái sào cao độ hơn trượng, trên thuyền bán thứ gì thì cứ buộc lên đó, người từ trên cầu tàu nhìn xuống là biết ngay. Chỗ mũi thuyền lại kê ván gỗ gác lên cầu tàu, mời mọc người ta theo đó mà bước xuống.

Thánh nữ từ trên bờ điểm chân một cái, chớp mắt đã lướt ra ngoài hơn trượng, nhẹ nhàng hạ xuống mui một con thuyền. Nàng khẽ đảo mắt một cái, thấy không có gì đáng xem, lại điểm chân vào ván thuyền lướt sang con thuyền bên cạnh. Thuyền neo ở cầu tàu, đáy không chạm đất, ấy thế mà lúc nàng hạ xuống thuyền chẳng chòng chành chao nghiêng chút nào, khi nàng vút đi mặt nước bên mạn thuyền vẫn bình lặng như trước. Khinh công như vậy e là thế gian hiếm có.

Cô nàng cứ thế lướt qua lại giữa các thuyền, cho đến khi đặt chân lên một con thuyền nan nọ thì bỗng khựng người dừng gót. Thánh nữ quay ngoắt đầu, nhìn về phía khoang thuyền đang chìm trong bóng tối.

Hai ánh mắt giao phong trong thoáng chốc.

Một ánh mắt, lạnh nhạt như băng đá, thanh lãnh như sương tuyết.

Ánh mắt còn lại thì đục ngầu vì năm tháng, đỏ hằn vì hơi men, song vẻ sắc bén như đao vẫn chưa mất đi.

Nói đoạn, trong thuyền lại có tiếng người cất lên:

“ Cô gái trẻ, kẻ già cả này nể mặt người quen khuyên một câu, sau này chớ có khoe khoang võ học như vừa rồi nữa. ”

Giọng người nọ hơi lè nhè do say, nhưng trung khí hàm hậu, nội lực cơ hồ sâu không thấy đáy.

Thánh nữ nghe lời của người nọ, trong lòng không phục, bèn hỏi ngược:

“ Chứ như tiền bối đây muốn dùng nội lực hù dọa tôi, có tính là khoe khoang hay chăng? ”

Trong thuyền bỗng có tiếng cười dài truyền ra, đoạn người nọ lại lên tiếng lần nữa:

“ Con bé đáo để lắm. ”

Nói đoạn, từ trong thuyền lại có một vật bay vọt ra, xoay tròn giữa bán không nửa vòng, rồi nhẹ nhàng trượt đến, ngừng lại ngay mũi chân thánh nữ. Khả năng khống kình của kẻ này chuẩn xác cực độ, đủ thấy là cao thủ thượng thặng.

Cô nàng cau mày nhìn thanh kiếm, không vội lên tiếng mà lẳng lặng quan sát con thuyền.

Trước cửa vào khoang có mấy vò rượu con nằm lăn lóc, mấy giọt rượu thừa hãy còn thấm đẫm cả ván gỗ. Thuyền này có vẻ là hàng rẻ tiền. Ván thuyền chỗ vênh chỗ sụt, nan tre đan thành khoang chỗ bung chỗ thủng.

Nếu người có ăn mày, thì đây hẳn là ăn mày trong đám thuyền.

Thánh nữ lại liếc thanh kiếm dưới chân một cái, rồi lắc đầu:

“ Cảm ơn tiền bối đã ưu ái, nhưng tôi đã có kiếm rồi. ”

Nói đoạn nàng thúc chân đá vào bao kiếm. Cũng không rõ khống kình ra sao, nhưng chỉ nghe soạt một tiếng, kiếm rời vỏ, phát ra một tiếng kiếm ngân cao vút. Kiếm mang trong nắng sớm lóe ra từng vệt sắc bén, tựa hồ chỉ nhìn thôi cũng khiến người ta thấy đôi mắt đau đớn…

Kiếm vọt vào khoang thuyền, sau đó tựa như cọng lông chìm vào nước, không còn tăm tích, cũng không thấy động tĩnh.

Một lát sau, trong thuyền lại có tiếng người khàn khàn vọng lên:

“ Mũi kiếm hướng về phía mình, lấy chuôi hướng vào ta, bé con té ra cũng biết cái gọi là kính lão đắc thọ… Thôi được, cô bé đã chê Long Tuyền kiếm, thì lão phu cũng không ép buộc. Nói với sư phụ cô, kẻ bất tài có lời vấn an. ”

Thánh nữ bèn đáp:

“ Xin hỏi tên họ hoặc ngoại hiệu của tiền bối, lúc về gia sư thưa chuyện cũng biết ăn nói cho phải phép. ”

“ Kẻ bất tài họ Hoàng! ”

Cô nàng hơi cúi mình một cái, đoạn nhún mình nhảy lên cầu tàu, nghĩ bụng:

[ Xem ra tin tức của song sứ có chút sai sót. Ở Sơn Vi này lại xuất hiện đảo chủ đảo Bạch Long. Ngoài ra không có tên nào khác ngoài dự liệu. ]

Cô nàng đảo mắt một cái, đôi mắt lạnh ngừng lại ở phía hàng cơm phía nam.

Bấy giờ, ở hướng đó đang có một trận xung đột của hai bang phái nhỏ, xem ra là có thù oán gì với nhau. Nay Chợ Hạc là nơi quần anh tụ hội, gặp phải chuyện oan gia ngõ hẹp thì cũng là lẽ thường tình.

Kẻ thù gặp nhau, mặt mũi tên nào tên nấy đỏ gay đỏ gắt, phồng mang trợn má, thổi râu phì phò, giương đao rút kiếm. Xem chừng trước đó hai môn phái này đã giao phong miệng lưỡi một phen. Nhìn vẻ hào hứng của người chung quanh đang xem trận chiến, không khó để thấy hai môn phái nhỏ này tuy là công phu nội gia lẫn ngoại gia chỉ bình thường, nhưng công phu chửi gia ắt là đăng phong tháo cực lắm.

Lẩn trong đám người đứng lố nhố lại thấp thoáng bóng dáng của một đôi nam nữ, chính đang tựa lưng vào tường nhà thở dốc từng hơi từng hơi khó nhọc.

Người nam cõng theo một cái ống to, bên trong không biết chứa cái gì, bên eo lại đeo một thanh phán quan bút dài như trường kiếm bình thường. Vào cái thời điểm phong vân tế hội như thế, lại ở cái nơi hang hổ đầm rồng như Chợ Hạc, chắc chắn chẳng ai tin y chỉ là một nho sinh bình thường. Người ta đoán y là đệ tử Quốc Tử Giám. Mà cho dù không phải, thì kẻ khôn ngoan hiểu bốn chữ cẩn tắc vô ưu, người ta cũng thà tin là là có chứ không tin là không…

Người nữ mặc áo nâu sồng, bên trong đeo yếm đỏ, thấp thoáng dưới gấu quần hơi lộ ra lớp lụa điều tươi tắn. Tuy là mặt mũi lem nhem, nhưng mũi quỳnh mắt sao thì chẳng giấu vào đâu được, xem ra tư sắc cũng thuộc dạng hiếm có trên đời. Chỉ thấy nàng khẽ chuyển thân, cái thắt lưng bỗng lóe lên trong ánh mai một tia sắc lẻm.

Hai người này thực ra chính là Bạch Thanh Lâu và Trần Liên Hoa.

Kể từ sau trận chiến trên sơn trang Bách Điểu, mưu hiểm của Chế Bồng Nga bị Hổ Vương Đề Lãm ngáng chân, hai người cũng vội vàng xuống núi trở về môn phái của mình. Trần Liên hoa thậm chí còn chẳng kịp điều dưỡng thương thế.

Bạch Thanh Lâu về Quốc Tử Giám, thưa rõ chuyện Chế Bồng Nga sát hại tông thất nhà Trần để trả hận năm xưa bại ở Bình Than. Có như vậy, hai phái Hán – Nôm trong Quốc Tử Giám mới thấy tình thế nguy ngập mà chịu liên thủ, chọn ra sứ giả Hộ Long để bảo vệ thiên tử còn náu mình trong dân gian.

Trần Liên Hoa thì một mình một ngựa ruổi chân đuổi về phái Long Đỗ, quyết chí nhổ bật gốc gian tế của Cầm Ma và Chế Bồng Nga.

Đến nơi mới biết, Tuyệt Tình điện và sơn trang Bách Điểu đã thẩm thấu vào phái Long Đỗ sâu tới mức nào. Lúc Trần Liên Hoa trở về, một mụ trưởng lão chính đang hò hét để sư muội của nàng ta ngồi lên cái ghế trưởng môn, lấy cớ rằng Trần Liên Hoa đã gả ra ngoài, thì sau này không còn là người của phái Long Đỗ nữa.

Nàng ta trở về, dùng thế như sấm sét tiêu diệt luôn mụ trưởng lão và thế lực của mụ ta. Đến người sư muội, thấy nàng ta tuổi mới mười lăm, nên mềm lòng mà tha cho. Nào ngờ gian không đợi tuổi, cái người sư muội này nhân lúc nàng sơ hở phóng ngay một mũi Long Đỗ Truy vào bụng, mém chút thì lấy được mạng của Trần Liên Hoa.

May sao, Khiếu Hóa tăng xuất hiện, cứu cô nàng một mạng.

Số là lúc Hổ Vương nhờ cậy, Khiếu Hóa đang trên đường lang bạt với cô đệ tử nhỏ, thành ra không đến kịp trận chiến trên núi Đuổm. Song, lúc lão nghe được truyền văn trên giang hồ, thì đoán ngay rằng phái Long Đỗ bây giờ đối với Trần Liên Hoa mà nói không khác gì đất chết, nên vội vàng chạy về kinh kì, đến đền Bạch Mã. Nhờ có Bách Độc Châu trước đây từng được Quận tặng, ông thành công cứu được mạng Trần Liên Hoa, cũng như trước đây cứu Huỳnh Bách Việt vậy. Song, Khiếu Hóa cứu được người, lại chẳng có tài thánh mà ngăn được nội chiến trong phái Long Đỗ. Hai phe phái đánh giết tơi bời hòng thanh trừng lẫn nhau, rốt cuộc khiến môn phái mất gần hết cao thủ, nguyên khí tan tác. Các thế lực khác trong thành Đông Đô, xưa gọi là Thăng Long, thừa cơ này hất cẳng phái Long Đỗ.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương