Mặc dù phần lớn nội dung bình luận Đào Thanh Phong đọc không hiểu, nhưng số lượng fan không nhiều, fan nồng cốt chỉ mười mấy người, nhìn riết Đào Thanh Phong cũng quen. Tên của mấy cô bé này có gắn hậu tố rất kỳ quái, ví dụ như ‘Đào Tiểu Thanh - phu nhân meo meo’, ‘Đào Tiểu Thanh - bạn gái’, ‘Một lòng gả cho Đào Tiểu Thanh’. Đào Thanh Phong khó hiểu, nghĩ thầm: dù chưa trực tiếp gặp mặt, họ cũng một lòng muốn gả cho Đào Thanh?

Xem ra làm nghệ sĩ ở xã hội hiện đại rất dễ tìm nương tử.

Nhưng đối với mình có ý nghĩa gì đâu? Chỉ muốn kiếm đủ tiền bồi thường vi phạm hợp đồng, rời khỏi giới giải trí, mai danh ẩn tích, thu thập những văn chương còn sót lại của Đại Sở. Tàn hồn ngàn năm trước, sống lại trên thân xác này xem như ông trời quá mức ưu ái. Chẳng lẽ còn tính tới chuyện lấy vợ nỗi dõi tông đường…

Kiếp trước, Đào Thanh Phong cũng chưa từng nghĩ đến chuyện thành thân. Trước mười sáu tuổi, nhà nghèo rớt mồng tơi, vừa chăm sóc mẫu thân, vừa ra sức học hành Tứ thư Ngũ kinh, dựa vào bán chữ mà sống. Chẳng có cô nương nào chấp nhận chịu khổ cùng.

Mười bảy tuổi, thi Hương đậu giải Nguyên, Huyện thừa vốn muốn gả nữ nhi cho, lại bị mấy tên kiêu ngạo ngang ngược trong trường cản trở, buộc phải dẫn mẫu thân đi tránh nạn, ngay cả mặt cô nương kia cũng chưa kịp thấy.

Tiếp đó lặn lội tới kinh thành tham dự kỳ thi mùa xuân, đứng đầu thi Hội. Đợi một tháng sau, thi Đình, đậu Thám Hoa. Ba người đứng đầu xếp hàng trên thềm đỏ, Trạng Nguyên đứng giữa trên phiến đá có khắc mai rùa, Đào Thanh Phong Thám Hoa và Bảng Nhãn đứng hai bên trái phải. Năm ấy, mười tám tuổi.

Sau đấy, người đến làm mai đông như trẩy hội, cơ hồ đạp nát bậc cửa. Nhưng lúc ấy tình cảnh của Đào Thanh Phong lại khá lúng túng: chi phí ở kinh thành không rẻ, trong lúc chờ thi đã tiêu gần hết tiền để dành, lại chưa nhận được bổng lộc chính thức từ Lại Bộ, chỉ có thể ngồi chờ phân chức. May mắn thì chờ mấy tháng, xui xui phải chờ ba năm năm mới được bổ nhiệm. Mỗi tháng Lại Bộ sẽ phát một chút bổng lộc gọi là cho có - một đấu gạo.

Trừ bản thân Đào Thanh Phong còn phải chăm sóc mẫu thân. Vì vậy ban ngày Đào Thanh Phong vẫn tới Lại Bộ chờ nghe lệnh điều động, buổi tối tiếp tục bán chữ kiếm sống. Khi đó mấy trọng thần trong triều muốn chiêu dụ tự nhiên biết tình cảnh khốn đốn của Đào Thanh Phong. diên.xnd'àlQem.Qidldôn Cũng có vài người ngỏ ý, nhưng sau khi tìm hiểu biết những trọng thần đó nếu không phải là kéo bè kết phái thì cũng là nhân phẩm không được tốt, Đào Thanh Phong không muốn dính vào.

Khi ấy, cứ mỗi đầu tháng trong chậu hoa quế trước cửa nhà Đào Thanh Phong luôn xuất hiện một túi bạc thần bí. Bạc không nhiều, vừa đủ để Đào Thanh Phong giải quyết khốn cảnh. Mỗi tháng, Đào Thanh Phong đều ghi rõ ràng con số, nghĩ đợi đến ngày tìm ra người đưa sẽ trả đủ, tránh bị bắt báo ân vô lý. Nhưng ba năm trôi qua, vẫn không biết rốt cuộc người ấy là ai. Nếu là muốn lôi kéo, tại sao chậm chạp không lộ mặt? Xem ra người nọ thật lòng muốn giúp đỡ, không mong báo đáp. Đào Thanh Phong vô cùng xấu hổ với suy nghĩ lấy dạ tiểu nhân đo lòng người quân tử của mình.

Mãi cho tới khi bỏ mạng, vẫn chưa tìm ra người bí ẩn kia.

Nghiêm Đạm chạy xe vào một khu chung cư cách đại học Thanh Hoa chỉ một cây số. Hoàn cảnh vô cùng tốt, khoảng cách giữa các tòa nhà rất rộng, cây cối sum xuê, hồ nước đầy đủ. Cách đó không xa là siêu thị, đối diện bên đường là một trường trung học trọng điểm. Lúc Nghiêm Đạm rẽ xe vào tầng hầm vừa lúc các bạn nhỏ trong nhà trẻ kế bên tan học, cảnh tượng vô cùng náo nhiệt lại ấm áp.

Đào Thanh Phong nghĩ thầm, hoàn cảnh như vậy, đối với người thường mà nói, đúng là một nơi định cư lý tưởng.

Nghiêm Đạm dẫn Đào Thanh Phong đi thang máy từ tầng hầm để xe lên tận lầu cuối, rồi dắt cậu vào nhà.

Nhà Nghiêm Đạm là căn hộ hai phòng ngủ một phòng khách bình thường, sạch sẽ sáng sủa, ngăn nắp. Trong phòng khách đặt một bình nước lớn bên trong có nhiều loại cá đầy màu sắc.

Nghiêm Đạm nói với Đào Thanh Phong bình thường anh ở đây, gần trường, thuận tiện cho công việc. Sân thượng có vườn nhỏ, trồng chút hoa cỏ.

Chế độ chiêu mộ nhân tài của trường đại học dành cho các tiến sĩ du học về không tệ, chẳng những cung cấp chỗ ở, còn có một khoản phí ‘an cư’ không thấp. Tiền lương mỗi tháng không ít, cộng thêm khoản phụ cấp cho các hạng mục nghiên cứu khác trong trường đủ cho Nghiêm Đạm sống dư dả.

Câu ‘dạy học được mấy đồng tiền’ của Tạ Quốc Mân hoàn toàn chỉ là võ đoán. Ví dụ sống sờ sờ chính là Nghiêm Đạm, từ sau khi về nước chưa từng dùng một đồng tiền nào của nhà, cũng đã an gia lạc nghiệp được. Mặc dù không tính vô cùng giàu có nhưng cuộc sống xem như bậc trung.

Cha mẹ Nghiêm Đạm trông ngóng con trai học hành thành tài về nước, nhà xe đã chuẩn bị từ lâu. Nhà thì mua căn hộ tốt nhất ở khu Giang Cảnh, xe thì chọn Porsche. Nhưng Nghiêm Đạm không dùng, ngại Giang Cảnh quá xa trường, đi dạy lái Porsche lại quá rêu rao. Cha mẹ Nghiêm Đạm định nói vậy con muốn một căn hộ gần trường? Chuyện nhỏ, để cha mẹ mua một căn khác cho là được… Không ngờ Nghiêm Đạm đã lẳng lặng lấy tiền trường phát mua phòng mua xe SUV (tất nhiên là mua trả góp), tự lên kế hoạch cho cuộc sống của mình.

Cha mẹ Nghiêm Đạm vừa vui mừng vừa thầm chua xót: mấy đứa con trai, đứa nào cũng lớn rồi, tự lập hết không thèm dùng tiền của cha mẹ, không cần hai ông bà già quan tâm nữa…

Rõ ràng hai người anh của Nghiêm Đạm vẫn chưa kết hôn. Nhưng cha mẹ vẫn cứ chăm chăm vào anh. Nghiêm Đạm biết nghề nghiệp của hai anh hơi đặc biệt, việc hôn nhân hơi phức tạp, chỉ có anh là có thể tự do kết hôn với người mình yêu, không cần suy tính này nọ. Trong suy nghĩ của cha mẹ Nghiêm Đạm, anh là người dễ dẫn bạn gái về nhà nhất. Vì vậy Nghiêm Đạm chỉ dám mỗi chủ nhật về nhà một lần, cố gắng tránh những cuộc sắp xếp xem mắt của người nhà.

Muốn có bạn gái, trước hết phải trị cho xong cái bệnh ‘không cách nào sinh ra cảm giác yêu đương với người khác’ đã. Thậm chí Nghiêm Đạm từng đi khám bác sĩ tâm lý, kết quả tình trạng sinh lý và tinh thần hoàn toàn bình thường, không có chướng ngại tâm lý gì hết. Chỉ là không biết vì sao từ nhỏ đến lớn chẳng cách nào có ‘cảm giác yêu’ với người khác được, dù là cùng giới hay khác giới.

Nghiêm Đạm cảm thấy, một chỗ nào đó trong tim mình đang bị trống, không giống mất đi là chỉ mà bị giấu kín ở một nơi bí mật, phải cố gắng tìm ra thì tình cảm mới trọn vẹn được.

Dĩ nhiên Đào Thanh Phong hoàn toàn không biết phiền não của thầy Nghiêm. Trong lúc Nghiêm Đạm đi dọn dẹp căn phòng bình thường không dùng cho Đào Thanh Phong thì cậu thảnh thơi đứng phòng khách thưởng thức mấy bức tranh chữ treo trên tường.

Một bài ‘Tiều khách’ của Trương Tiểu Lê, một đoạn ‘Tàng nho tam cú’ của Ngô Thư, một bức ‘Côn Ngô đồ’ của La Giá Húc.

Kiểu dáng thanh nhã, khiến phòng khách tràn đầy hơi thở của người trí thức.

Phòng khách được bố trí như một phòng sách nửa mở, tủ gỗ thủy tinh cao gần tới trần nhà, mười mấy tầng đều để đầy sách. Đào Thanh Phong thấy có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng quen thuộc.

Lúc Nghiêm Đạm ôm chăn nệm vào phòng cho Đào Thanh Phong, chỉ chỉ tủ sách dưới sàn nói, “Tầng dưới cũng là sách.”

Đào Thanh Phong không hề giống những người bạn khác của Nghiêm Đạm luôn lộ ra vẻ mặt khiếp sợ khi nhìn thấy giá sách đồ sộ trước mặt, chỉ gật đầu với vẻ đương nhiên. Một là vì ở cổ đại kích thước sách rất lớn, rất chiếm chỗ. Hai là ở hiện đại khổ sách đã thu nhỏ lại, nhưng sưu tầm toàn bộ sách sử, mỗi bộ mười mấy cuốn cho nên để đầy cả phòng cũng chẳng có gì là lạ. Ngày đó nghe Mạnh Tiểu Đan nói ‘Lịch đại thông giám ngữ lục thể’ có năm trăm cuốn. Đào Thanh Phong cũng chẳng thấy gì. Năm đó biên soạn sử Đại Hưng ‘Thất các toàn thư’ hơn cả một ngàn bốn trăm cuốn nữa kìa. Đoán chừng Nghiêm Đạm cũng không có đủ, nếu không nguyên căn nhà này cũng chẳng đủ chỗ để xếp.

Đào Thanh Phong nhìn thoáng qua giá sách, thấy có cuốn ‘Những sự kiện trọng đại trong ba mươi sáu năm Sùng An’ là cuốn lần trước ở thư viện nghe Nghiêm Đạm nói, ghi lại cặn kẽ nhưng việc lớn xảy ra trong thời Sùng An. Đào Thanh Phong đã tìm khắp thư viện và trên mạng cũng không tìm được bản hoàn chỉnh. Màu sắc cuốn sách hơi cũ chắc đã trải qua nhiều năm. diên/đan/lêq.q./yđôlnn Đào Thanh Phong thầm nghĩ chờ tay mình lành lại, nhất định phải mượn xem mới được.

Nghiêm Đạm đã chuẩn bị xong hết, đi ra kéo Đào Thanh Phong rời khỏi tủ sách, dắt vào phòng.

Phòng cho Đào Thanh Phong nhỏ hơn phòng chính một chút, trừ giường bàn và một tủ treo quần áo chẳng có gia cụ gì khác. Trên bệ cửa sổ có hai cây văn trúc, trên bàn có hai tượng gỗ khắc nho nhỏ. Nghiêm Đạm giải thích, bình thường không dùng, đã quét sạch bụi nhưng giường lâu không có người ngủ sợ có mùi mốc, cậu chịu khó dùng tạm…

Đào Thanh Phong cảm thấy mỗi lần Nghiêm Đạm nói ‘dùng tạm’ đều không phải chỉ ở mức ‘tạm’. Lúc trước cậu cảm thấy người thời nay nói chuyện rất thẳng thừng. Sau khi gặp thầy Nghiêm mới biết, cũng tùy người thôi.

Đào Thanh Phong chưa về căn hộ cũ dọn đồ, tự nhiên chẳng có đồ dùng gì. Nghiêm Đạm bèn kêu cậu ngồi chờ một lát, để anh xuống siêu thị mua cho cậu một tí đồ dùng cá nhân. Bình thường chỉ một mình Nghiêm Đạm ở, không có dư sẵn.

Nghiêm Đạm mua đồ về, Đào Thanh Phong thấy trong túi có một bộ áo ngủ, băn khoăn nói, “Không cần lãng phí vậy đâu”, cho mượn đại một bộ đồ ngủ cũ là được rồi.

Nghiêm Đạm nhìn thấu suy nghĩ của Đào Thanh Phong, nói, “Áo ngủ không thể tùy tiện cho người khác mặc, cậu muốn mặc áo ngủ của tôi sao?”

Đào Thanh Phong nghe vậy nghĩ thầm, mình lại không hiểu quy tắc thời nay rồi. Không giống ở Đại Sở, hình như người hiện đại chú trọng riêng tư cá nhân hơn. Đồ giống như áo ngủ thuộc loại vô cùng riêng tư không thể tùy tiện đưa cho người.

Nghiêm Đạm thì giật mình nghĩ thầm câu nói vừa rồi của mình chẳng khác nào đang ‘đùa giỡn’ Đào Thanh Phong. Từ trước tới nay Nghiêm Đạm luôn rất cẩn thận đúng mực ở phương diện này. Mặc dù Đào Thanh Phong không hiểu thâm ý trong đó. Nhưng nếu ở một nước thoáng như nước anh từng du học, nói vậy, nhẹ thì bị kêu là tán tỉnh, nặng sẽ bị nói là quấy rối.

Nghiêm Đạm vừa tự phê bình câu nói của mình thật có lỗi với bốn chữ với bốn chữ ‘làm gương cho trò’, vừa khiếp sợ nghĩ không ngờ mình cũng nói ra được những câu như vậy. Rõ ràng từ trước tới nay nổi tiếng lạnh nhạt mọi người đều biết. Huống chi với chứng ‘thiếu hụt tình cảm’ kia, Nghiêm Đạm luôn nghi ngờ mình không có cảm giác yêu.

Nói tới cũng kỳ, Tiểu Đào ở trong giới giải trí, sao lại ngây thơ đến vậy. Nghiêm Đạm nhớ tới cảnh tượng lúc phá cửa xông vào, Đào Thanh Phong nằm trên giường lớn, hẳn là một giây trước đang bị Tạ Quốc Mân làm ‘chuyện xấu’. Nhưng ánh mắt cậu lúc đó, chỉ có tức giận và chán ghét, hoàn toàn không có chút xấu hổ nào.

Rốt cuộc Tiểu Đào và Tạ Quốc Mân… Thôi, là chuyện riêng của Tiểu Đào. Mình thưởng thức tài năng của cậu ấy, muốn làm bạn, có chuyện ra tay giúp đỡ trong khả năng là được rồi. Đây chính là giới hạn Nghiêm Đạm vạch ra cho hai người, cũng là giới hạn tự vạch cho mình.

Đào Thanh Phong chớt nhớ ra chuyện phải đăng bài lên weibo thông báo đã đổi nghệ danh, và chia sẻ đoạn trailer tuyên truyền cho phim ‘Hoàng hậu Quy Ninh’. Không liên lạc được với Tô Tầm, đành phải tự mình làm thôi.

Đào Thanh Phong nhờ Nghiêm Đạm đăng nhập vào weibo giùm.

Đầu tiên là đăng kí đổi tên, chờ chừng nửa giờ weibo mới chứng thực thông qua.

Trong lúc đó Đào Thanh Phong cũng thấy bình luận của mọi người về đoạn trailer của phim.

Phần lớn người xem đều cho nhận xét tốt. Hùng Tử An là đạo diễn lâu năm, Chung Ngọc Kiểu và Trương Phong Hào là diễn viên phái thực lực, còn dán nhãn ‘điện ảnh văn hóa lịch sử’ với phim trường hoàn toàn mới. Cộng thêm cặp đôi đế hậu nổi tiếng mở đầu triều Đại Hưng, dù là trong sách giáo khoa của học sinh hay trong các ‘Diễn nghĩa’ cũng đủ khiến người ta có hứng thú với bộ phim.

Đoạn trailer không có quá nhiều lời thoại và tình tiết chỉ bộc lộ hình tượng của diễn viên. Trang phục dùng trong phim được thiết kế dựa trên kiểu dáng thời Đại Hưng, nhưng đã thay đổi chút xíu cho phù hợp thẩm mỹ thời hiện đại. Ví dụ như thay bao váy dài bên ngoài thành đai lưng, hoặc áo choàng dài thành khoác vai cao cao. Những thay đổi này không chỉ không ảnh hưởng gì tới phong cách trang phục thời Đại Hưng, mà nam hay nữ gì mặc lên cũng thấy người thon dài, vai rộng eo nhỏ.

Có người chịu khó chụp từng màn ảnh phân tích xem cảnh này ứng với đoạn sử nào, thấy đều có sách có chứng hẳn hoi, cho nên khó được một lần phái ‘học viện’ không có bình luận châm chọc gì.

Thậm chí nick weibo nổi tiếng về lịch sử trước kia từng phê bình Đào Thanh Phong cũng dè dặt khen một câu, “Tạm thời không tìm ra chỗ nào khác sách sử, quả thật không tệ.”

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương