Tâm Lí Học Tổng Hợp
-
C38: 38. Làm Thế Nào Để Chiến Thắng Nỗi Cô Đơn?
Chúng ta đều từng đôi lần cảm thấy cô đơn. Nhưng cũng có lúc sự cô đơn vượt ra khỏi tầm kiểm soát của ta. Sau đây, nhà tâm lý học Guy Winch trình bày một số mẹo giúp ta đối mặt với nỗi đau đến từ sự cô đơn tột cùng.
Cô đơn là một cảm xúc chủ quan. Xung quanh bạn có thể có rất nhiều người, như bạn bè, gia đình, đồng nghiệp – nhưng bạn vẫn cảm thấy không kết nối với họ về mặt cảm xúc hay xã hội. Không gì đảm bảo rằng mọi người quanh ta có thể bảo vệ ta trước nỗi đau cảm xúc mà sự cô đơn mang lại.
Nhưng nỗi đau cảm xúc chỉ là khởi đầu của những tổn thương mà sự cô đơn có thể gây ra. Nỗi cô đơn cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe về thể chất của chúng ta nữa. Nó kích hoạt những phản ứng căng thẳng về thể chất và tâm lý, đồng thời kìm hãm chức năng của hệ thống miễn dịch. Điều đó khiến ta gặp nhiều nguy cơ mắc phải các loại bệnh, bao gồm cả bệnh tim mạch. Về lâu dài, nguy cơ của tình trạng cô đơn liên tục đối với sức khỏe và tuổi thọ nghiêm trọng tới nỗi nó làm tăng khả năng tử vong sớm đến 26%.
Có nhiều con đường dẫn đến sự cô đơn. Một số người dần dần trở nên cô đơn. Một người bạn chuyển đi xa, một người thì có con, một người khác nữa thì đi làm 70 tiếng/tuần, và trước khi ta kịp nhận ra thì các mối quan hệ mà nhiều năm qua ta nương tựa đã không còn nữa. Một số người khác trở nên cô đơn một cách đột ngột hơn, đó là khi họ rời nhà học đại học hay nhập ngũ, khi người bạn đời của họ qua đời hay ly dị, khi họ bắt đầu một công việc mới, hoặc khi họ chuyển tới một thành phố hay đất nước mới. Và đối với một vài người, thì những căn bệnh mãn tính, tật nguyền hay những giới hạn khác đã khiến họ cả đời gắn bó với nỗi cô đơn.
Thật không may, vượt thoát cô đơn là thách thức khó khăn hơn ta nghĩ, bởi vì vết thương tâm lý nó gây ra tạo nên một cái bẫy mà ta rất khó thoát khỏi. Nỗi cô đơn bóp méo nhận thức của ta, khiến ta tin rằng mọi người xung quanh quan tâm ta ít hơn rất nhiều so với thực tế, và do đó ta có cái nhìn tiêu cực hơn đối với những mối quan hệ hiện tại. Trong suy nghĩ của ta, những mối quan hệ đó có ít ý nghĩa và kém quan trọng hơn so với khi ta không cô đơn.
Những nhận thức méo mó ấy gây ra "hiệu ứng gợn sóng" khổng lồ, dẫn đến những lời tiên tri tự ứng nghiệm khiến nhiều người sập bẫy. Khi cảm thấy trơ trọi và tin rằng mình không còn được người khác mong đợi hay quan tâm, ta không dám mở lòng và gần như sẽ phản ứng trước những đề nghị của người khác bằng thái độ do dự, sân hận, hoài nghi hay tuyệt vọng, và kịch liệt xua đuổi những người có thể xoa dịu tình trạng của ta.
Kết quả, nhiều người cô đơn thu mình lại và tự tách biệt bản thân để tránh bị khước từ hay thất vọng thêm lần nào nữa. Và khi họ bước ra thế giới, thái độ do dự và hoài nghi của họ gần như sẽ gây ra những phản ứng mà họ sợ đối mặt. Họ sẽ ép buộc bản thân tham dự một bữa tiệc nhưng lại tin rằng người khác sẽ không trò chuyện với họ; suốt buổi tối, họ đứng cạnh món sốt đậu và rau cải với vẻ mặt cau có, và tất nhiên, không ai dám tiếp cận họ – điều này chỉ càng khiến họ tin rằng không ai muốn đến gần mình.
Vượt thoát nỗi cô đơn và chữa lành vết thương tâm lý vốn khả thi, nhưng nó liên quan đến một quyết định – quyết định chiến thắng bản năng đang mách bảo bạn né tránh rủi ro và hành động an toàn bằng cách tự tách biệt bản thân. Thay vào đó, bạn cần phải làm 3 điều vốn cần đến cả lòng can đảm và niềm tin:
1. Hành Động
Chấp nhận rằng nỗi cô đơn đang ảnh hưởng đến nhận thức của bạn, đồng thời hiểu rằng người khác sẽ phản ứng tích cực hơn bạn nghĩ. Nếu bạn cảm thấy tách biệt với cộng đồng, hãy rà soát danh bạ điện thoại, hộp thư điện tử cũng như mạng xã hội, sau đó liệt kê những người mà bạn đã lâu không gặp hoặc không nói chuyện trong một thời gian. Nếu bạn cảm thấy không kết nối cảm xúc với những người xung quanh, hãy lập một danh sách gồm 5 người từng thân thiết với bạn trước đây. Hãy liên lạc với họ, đề nghị gặp gỡ và ôn lại những kỷ niệm xưa. Đúng vậy, việc đó có thể khiến bạn sợ hãi, e ngại, và lo lắng rằng mình cảm thấy gượng gạo hay không thoải mái trong buổi gặp mặt. Đó là lí do tại sao điều tiếp theo cũng rất quan trọng:
2. Tin Tưởng
Cho rằng ai đó từng thích ở cạnh bạn trong quá khứ cũng sẽ thích như vậy trong hiện tại là điều dễ hiểu. Tất nhiên, có thể họ đã mất liên lạc với bạn hoặc không hề gọi sau khi đã hứa sẽ sớm gặp lại, nhưng bạn cần phải chấp nhận rằng lí do khiến cả hai bên không còn thân thiết như cũ trong thời gian gần đây có thể chẳng liên quan gì đến bạn. Gần như chính cuộc sống bận rộn, những ưu tiên quan trọng, sự căng thẳng hoặc những cơ hội trong đời họ đã khiến cả hai "mất kết nối". Trong nhiều trường hợp, thậm chí là bạn chẳng mất kết nối với họ – nói cách khác, sự thiếu vắng liên lạc giữa hai người không hề tồn tại như bạn tưởng tượng. Vì vậy hãy liên lạc với những người nằm trong danh sách của bạn, đồng thời nhớ rằng:
3. Tiếp Cận Một Cách Tích Cực
Đúng, bạn sợ bị khước từ. Đúng, hiện tại tinh thần của bạn không ở tình trạng tốt nhất. Nhưng đây chính là lúc bạn cần phải "giả vờ" (như mình chẳng có chuyện gì). Khi liên lạc với những người trong danh sách, hãy thử đặt mình vào một tâm thế tích cực. Một cách thực hiện an toàn là sử dụng tin nhắn hay thư điện tử để có thể dùng các biểu tượng cảm xúc và tạo ra "gương mặt cười" mà bạn khó thể hiện trên thực tế. Hãy xem lại thông điệp của bạn trước khi gửi nhằm đảm bảo rằng nó thật cuốn hút. Nhớ đừng đổ lỗi cho đối phương ("Mấy tháng nay cậu đã không gọi điện thoại cho tớ!") hoặc những lời gợi ý về sự thiếu kết nối ("Chắc cậu thấy lạ khi tớ liên lạc..."). Hãy thể hiện cảm xúc tích cực ("Tớ đang nghĩ tới cậu!" hoặc "Tớ nhớ cậu!"), đưa ra một lời mời ("Hãy cùng đi uống cà phê nhé," hoặc "Tớ sẵn sàng đi ăn tối và tâm sự với cậu,") và đề xuất thời gian cụ thể ("Tuần tới được không?" hoặc "Trong tháng này thì ngày nào phù hợp?").
Nỗi cô đơn là một cảm giác cực kỳ đau đớn, nhưng một khi nhận diện được những cái nhìn méo mó cũng như cái bẫy tâm lý mà nó tạo ra, bạn có thể thu hết sự can đảm, niềm tin và lập kế hoạch để vượt thoát. Một khi bạn làm được điều này, cảm giác tự do sẽ rất tuyệt vời.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook