Tâm Lí Học Tổng Hợp
-
C33: 33.4 Cách Xoa Dịu Nỗi Sợ Bị Phán Xét
Người ta bất chấp mọi cách nhằm thoát khỏi nguy cơ bị người khác đánh giá tiêu cực.
Họ tránh nói những điều trong lòng muốn nói. Họ không phát biểu trong lớp hay lúc họp bàn công việc. Họ tránh để người yêu biết mong ước thực sự của mình. Họ không đề nghị được nâng lương. Và họ không nói cho người họ đang hẹn hò là mình muốn ăn tối ở đâu.
Nỗi sợ bị phán xét này có liên quan đến khát khao muốn lúc nào cũng được mọi người yêu thích.
Nhưng điều này là bất khả thi, nên khao khát đó sẽ là cuộc chơi cầm chắc phần thua, cản trở mọi người thoải mái trải nghiệm và thể hiện con người thật của mình.
Hãy đối mặt với sự thật: con người luôn phán xét lẫn nhau – tốt/xấu hoặc yêu/ghét, với nhiều mức độ nằm giữa hai thái cực. Và khi tiếp nhận thông tin mới, tâm trí con người thực hiện lại việc phán xét: Đây là một quá trình diễn ra liên tục.
Thay vì né tránh vấn đề bằng cách hoàn toàn không thể hiện ý muốn cá nhân và ngày qua ngày cố gắng thuyết phục những người xung quanh là đừng phán xét bạn, bạn có thể học cách chấp nhận sự phán xét.
Sau đây là 4 cách giúp dẹp bỏ lối sống lo sợ bị người khác phán xét:
1. Không có gì là mãi mãi
Thực tế là bộ óc con người chỉ chứa được lượng thông tin giới hạn. Mặc dù ta có thể đưa ra sự phán xét, nhưng nó không đủ quan trọng để mãi mãi chiếm một chỗ trong "ngân hàng" trí nhớ của ta. Vậy nên khi có người phán xét bạn, khả năng là họ sẽ quên đi lời phán xét ấy trong tích tắc hoặc chỉ sau vài ngày. Ta hình thành nên ý niệm về người khác không phải từ việc quan sát sai lầm hay thất bại nhỏ nhặt của họ, mà dựa trên những điều lớn lao họ đã làm hay nói ra, cũng như những xu hướng của cách họ tương tác với ta và khiến ta cảm nhận theo thời gian.
2. Việc bị phán xét là không tránh được
Đừng cố kiểm soát những lời phán xét từ bên ngoài. Yêu cầu người khác không phán xét ta từ lâu đã trở thành một phần trong hệ tư tưởng của mỗi người. Hãy nghĩ đến những khẩu hiệu phổ biến như, "Đừng phán xét" và "Đây là vùng không phán xét." Nhưng không cái nào trong số này thực sự giúp ích: Bạn không thể kiểm soát người khác nghĩ gì. Họ sẽ không thể hiện sự phán xét ra bên ngoài, nhưng việc này không đồng nghĩa với việc họ có thể ngừng quá trình tư duy sinh lý đó. Thay vì vậy, bạn hãy cố gắng lý giải những cảm giác của mình, để những người được bạn sẻ chia có thể thấu hiểu và đồng cảm với bạn. Sự đồng cảm sâu sắc chính là khắc tinh của lời phán xét. Khi đã đồng cảm với nhau thì sự phán xét chẳng còn quan trọng, vì người ta có thể tưởng tượng ra chính mình cũng sẽ có cảm giác tương tự trong cùng tình huống.
3. Hãy cứ để người ta phán xét
Hai người thân thiết sẽ thấy thoải mái hơn chỉ bằng cách cho phép đôi bên phán xét nhau. Dù sao đi nữa, bạn cũng hãy trải lòng đón nhận hoặc chia sẻ những điều tiêu cực nhưng quan trọng về bản thân, thay vì ngăn mình làm vậy. Nếu nhận ra bản thân đang thu mình lại vì nỗi sợ bị phán xét, trước tiên hãy tự hỏi: "Khi trải lòng với đối phương, mình sợ họ sẽ phán xét mình như thế nào?" và, "Mình sợ điều gì sẽ xảy ra nếu họ phán xét như thế về mình?" Một khi xác định được nỗi sợ, hãy cố gắng trấn an bản thân hoặc tìm cách kiểm soát nỗi sợ nếu nó trở thành sự thật. Nhắc nhở bản thân rằng những mối quan hệ gần gũi thân thiết sẽ càng trở nên sâu sắc khi đôi bên không ngại phán xét. Nếu cách này không giúp tạo được cởi mở thì không hẳn là do bạn; có thể người mà bạn đang tìm cách gắn kết không đáp ứng được một mối quan hệ thân thiết về mặt cảm xúc.
4. Hãy để ý đến những lời phán xét bạn đưa ra
Không có cách nào để phớt lờ những lời phán xét hiệu quả bằng cách chính bạn bớt phán xét bản thân và người khác. Tất nhiên phán xét là việc không thể tránh khỏi, nhưng hãy cẩn thận với ngôn từ bạn dùng trong tâm trí khi nghĩ về những con người và sự kiện trong cuộc sống. Hãy thay đổi trọng tâm của lời phán xét: Thay vì nói "Cô ả tệ thật" hay "Hắn là một tên thất bại," hãy tự hỏi bản thân rằng người đó đã gây ra những tác động nào mà bạn muốn né tránh hay cần phải lưu ý về sau. Lấy ví dụ, "Cô ấy chẳng bao giờ theo đúng những gì đã cam kết với mình." Hay, "Anh ta bảo là đang cố gắng, nhưng rồi lúc nào cũng làm tôi thất vọng." Bạn hãy chuyển hướng tập trung, từ đặc điểm tính cách tốt xấu của mọi người sang những điều bạn muốn né tránh hoặc cần lưu ý sau này.
Xem chi tiết tại: https://tamly.blog/4-cach-xoa-diu-noi-bi-phan-xet/
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook