Tâm Lí Học Tổng Hợp
-
C34: 34. Làm Thế Nào Để Trở Thành Người "mặt Dày"?
"Mặt dày" có nghĩa là gì?
Ở đây ta xét theo nghĩa bóng tích cực, tức là một người có thể chịu được những lời phê bình, xúc phạm và những thông tin gây khó chịu mà không quá xúc động và tức giận. Một người có da mặt "mỏng" có thể rất nhạy cảm và phản ứng thái quá. Bạn sẽ thường thấy họ la hét, khóc lóc hay tránh né sự phê bình bất cứ khi nào họ cảm thấy bị đe dọa bởi điều gì đó.
Người mặt dày khi cảm thấy bị đe dọa thì biết cách duy trì sự bình tĩnh, và không suy sụp về mặt cảm xúc khi có chuyện gì đó diễn ra không đúng ý họ. Tôi tin rằng mặt dày là một phần quan trọng của trí thông minh cảm xúc. Nó liên quan đến việc kiểm soát lời nói và hành động của bạn, ngay cả khi bạn cảm thấy tiêu cực hay đau đớn về mặt cảm xúc nhất. Bài viết này sẽ hướng dẫn cách làm da mặt của bạn trở nên "dày" hơn.
Người vô cùng nhạy cảm
Tôi xem bản thân là người vô cùng nhạy cảm (Highly sensitive person – HSP). Một vài người trong số các bạn cũng thế. Những nhà tâm lý học cho biết cứ mỗi 5 người là có một người vô cùng nhạy cảm, và những đặc điểm phổ biến nhất bao gồm:
-Mức độ xử lý thông tin: HSP thường cần nhiều thời gian hơn để xử lý thông tin từ môi trường.
-Kích thích chung: HSP thường phản ứng mạnh hơn và bị kích thích nhiều hơn về mặt cảm xúc và thể chất.
-Đồng cảm cao: HSP thường có tính đồng cảm rất cao và có cảm giác như chính bản thân đang trải qua cảm xúc của người khác.
-Nhạy cảm với những kích thích ngầm: HSP thường nhận ra những thông tin nhất định mà những người khác thường không chú ý.
Những nhà tâm lý tin rằng phần nhiều những khác biệt ở người vô cùng nhạy cảm có thể là do sự khác biệt về cách hệ thống thần kinh xử lý thông tin. Bạn có bao giờ thấy ai đó có hành động làm bản thân họ xấu hổ và bạn cũng thấy xấu hổ thay không? Bạn thậm chí có thể bắt đầu đỏ mặt dù bản thân không làm gì cả. "Sự xấu hổ gián tiếp" này thường là dấu hiệu cho thấy bạn là người vô cùng nhạy cảm. Rõ ràng ta thu được nhiều ích lợi khi là một HSP. HSP có thể gắn kết với người khác dễ dàng, cư xử tử tế và thấu hiểu người khác hơn, cũng như chu đáo và sáng tạo hơn. Tuy nhiên, thỉnh thoảng việc quá nhạy cảm cũng có thể gây mệt mỏi, không lành mạnh và phản tác dụng.
Giảm bớt tính nhạy cảm
Khi bạn quá nhạy cảm, điều này thường có nghĩa là bạn tập trung quá nhiều vào thông tin vốn không quan trọng đối với bạn. Thỉnh thoảng tốt hơn hết là bạn nên giảm nhạy cảm một chút. Ai đó có thể nói với bạn, "Nhóm nhạc cậu thích chơi tệ thật" và bạn không thể ngừng suy nghĩ về điều này vì nó làm bạn rất khó chịu. Có thể bạn muốn hét lên với họ, hoặc động tay chân, hoặc nói với họ rằng nhóm nhạc họ thích chơi tệ thế nào. Nhưng làm vậy thì thật vô ích, và bạn chẳng thể làm việc gì tích cực với lời họ nói trừ chuyện mặc kệ nó. Ai thèm quan tâm một người như thế nghĩ gì chứ? Quá nhạy cảm có thể cản trở bạn theo đuổi mục tiêu và đam mê trong cuộc sống – vì bạn quá quan tâm đến suy nghĩ của người khác và không thoải mái khi là chính mình bất chấp những đánh giá tiêu cực. Nếu nhìn vào những người thành công nhất trong cuộc sống, họ thường là những người mặt dày, điều này giúp họ mặc kệ những kiểu phê bình và ganh ghét vô ích này. Trên thực tế, càng thành công thì bạn càng thường xuyên gặp phải nhiều sự phê bình – nghĩa là da mặt bạn càng phải dày hơn. Thỉnh thoảng, sống cuộc sống của mình có nghĩa là lờ đi suy nghĩ của người khác. Có những lúc bạn cần đồng cảm và nhạy cảm, nhưng cũng có những lúc bạn đừng nên quan tâm quá nhiều.
Rèn luyện để "mặt dày" hơn
Sau đây là những chiến lược quan trọng bạn có thể sử dụng để cố gắng làm dày da mặt. Hãy kiên nhẫn thử chúng, và bạn sẽ thấy dần dần mình dễ kiểm soát cảm xúc hơn trước những thứ khiến bạn cảm thấy bị đe dọa và khó chịu.
1. Tập im lặng
Bạn không cần phải đáp lại tất cả những gì mọi người nói hay làm. Im lặng là một trong những hành động chủ yếu của những người mặt dày. Họ chỉ để cho những hành động và lời nói của người khác "đi từ tai này qua tai kia" và không suy nghĩ về nó.
2. Mời phê bình
Tích cực mời người khác phê bình. Hãy hỏi mọi người, "Anh/chị nghĩ thế nào?" Hãy học cách đừng xem những lời nói của mọi người là nhắm vào bạn. Càng có nhiều sự phê bình, bạn càng nhận được nhiều phản hồi, nhưng lại càng quen với chúng. Lời phê bình sẽ trở thành một phần bình thường trong quá trình phát triển của bạn.
3. Bước ra khỏi vòng tròn an toàn của bạn
Hãy thử tiếp xúc với những gì khiến bạn không thấy thoải mái hoặc nghĩ là mình không thích. Dù nó chỉ là xem một thể loại phim mà bạn nghĩ mình ghét xem, nghe một loại nhạc bạn không nghĩ mình có thể chịu được hoặc nghe người diễn giả mà bạn thường bất đồng ý kiến diễn thuyết – bạn sẽ học được cách trở nên bao dung hơn với những thứ trái ngược với sở thích của mình (và thậm chí là học cách tìm những điểm bạn yêu thích ở chúng).
4. Chú ý đến những gì khiến bạn khó chịu
Khi bạn thấy bản thân khó chịu hay bị de dọa bởi điều gì đó, hãy tự hỏi, "Điều gì của việc này thực sự làm mình khó chịu?" Câu trả lời có thể cho bạn các thông tin hữu ích, hoặc cũng có thể cho thấy bạn đang phản ứng thái quá.
5.Tránh phóng đại
Thông thường, người ta nhạy cảm quá mức là vì họ hay phóng đại, "chuyện bé xé to".
6. Tin tưởng bản thân
Đừng lúc nào cũng tìm kiếm sự tán thành của mọi người. Hãy nhớ rằng điều duy nhất quan trọng là sự tán thành của chính bạn. Hãy tin tưởng bản thân hơn để làm nhiều điều đúng đắn và đưa ra những quyết định đúng trong đời. Những gợi ý này sẽ giúp làm da mặt bạn dày hơn, từ đó bạn có thể hành động một cách bản lĩnh hơn trong cuộc sống hàng ngày.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook