Tâm Lí Học Tổng Hợp
C177: 177. Các Cách Xây Dựng Lòng Tự Tôn Và Sự Tự Tin

Lòng tự tôn thấp có thể có gốc rễ sâu xa, với khởi nguồn từ những trải nghiệm tồi tệ thời thơ ấu, ví dụ như bị tách ra khỏi cha mẹ quá lâu, bị lơ là, hay bị bạo hành tâm lý, thể xác, hoặc tình dục. Sau đó, lòng tự tôn còn có thể bị ảnh hưởng bởi sức khoẻ kém, những sự kiện tiêu cực trong cuộc sống, ví dụ như mất việc, ly dị, những mối quan hệ lừa dối hoặc gây thất vọng, và cảm giác mất quyền điều khiển. Đặc biệt, cảm giác mất quyền điều khiển thể hiện rõ ràng ở những nạn nhân bị bạo hành tâm lý, thể xác, hoặc tình dục, hoặc nạn nhân của sự kỳ thị, phân biệt tôn giáo, văn hoá, giới tính hoặc xu hướng tính dục.

Mối quan hệ giữa lòng tự tôn thấp với rối loạn tâm lý hay đau đớn tâm lý rất phức tạp. Lòng tự tôn thấp đưa đến rối loạn tâm lý, và ngược lại, rối loạn tâm lý gây ảnh hưởng mạnh đến lòng tự tôn. Trong một vài trường hợp, lòng tự tôn thấp là một đặc điểm chủ yếu của rối loạn tâm lý ví dụ như trong trầm cảm, hoặc rối loạn nhân cách ranh giới.

Những người với lòng tự tôn thấp thường có xu hướng nhìn thế giới như một nơi kém thân thiện mà họ là những nạn nhân trong đó. Và như một kết quả, họ ngần ngại thể hiện hay khẳng định bản thân, bỏ lỡ nhiều trải nghiệm và cơ hội, và cảm thấy mình không có năng lực thay đổi bất cứ gì. Và những điều này càng hạ thấp lòng tự tôn của họ, cuốn lấy họ vào vòng xoáy tiêu cực.

Nếu bạn cảm thấy bạn đang có lòng tự tôn thấp, có nhiều thứ đơn giản mà bạn có thể làm khiến bản thân khá hơn, và hy vọng là có thể thoát khỏi vòng xoáy tiêu cực đó. Bạn có thể đã và đang làm vài điều này rồi, và đương nhiên bạn cũng không cần phải làm hết những thứ này. Chỉ cần làm những cái mà bạn thấy thoải mái nhất.

1. Lập ra hai danh sách: Một cho những điểm mạnh của bạn và một cho những thành quả bạn đã đạt được. Cố gắng kéo theo một người bạn hay người thân luôn ủng hộ bạn để hoàn thành danh sách này, vì những người có lòng tự tôn thấp thường không có cái nhìn khách quan nhất về bản thân mình. Giữ danh sách này ở một nơi an toàn và đọc nó mỗi buổi sáng.


2. Nghĩ tích cực về bản thân. Nhắc nhở bản thân rằng, mặc cho những vấn đề của bạn, bạn là độc nhất, đặc biệt, và là một người đáng giá, và bạn xứng đáng cảm thấy tốt về bản thân. Xác định và thách thức những suy nghĩ tiêu cực về bản thân bạn ví dụ như "mình là một kẻ thất bại", "mình chẳng làm gì ra hồn cả" hay "không ai thích mình hết."

3. Chú ý đặc biệt đến chăm sóc bản thân. Tắm rửa, chải tóc, cắt móng tay và những điều như thế.

4. Mặc những bộ đồ sạch khiến bạn cảm thấy tốt hơn về bản thân. Mặc một cái áo được ủi thẳng thớm nhìn sẽ tốt hơn cái áo nhàu nhĩ. Bạn hiểu đấy.

5. Ăn những thức ăn lành mạnh, theo cơ chế khoẻ khoắn, cân bằng. Hãy coi những bữa ăn là thời khắc đặc biệt, dù cho bạn có ăn một mình đi chăng nữa. Tắt TV đi, dọn bàn ăn, thắp nến lên (nếu bạn muốn) và tạo ra một khoảng khắc biết ơn.

6. Tập thể dục thường xuyên. Nhớ đi bộ hằng ngày, dù là ngày lạnh hay nóng. Và hãy những bài tập thể dục cường độ cao khiến bạn chảy mồ hôi 3 lần / tuần

7. Chắc chắn rằng bạn ngủ đủ giấc.

8. Giảm mức độ stress xuống. Nếu có thể hãy thử lập ra một bảng kế hoạch với bạn bè, thay phiên mát-xa cho nhau.

9. Dọn dẹp nơi bạn sống, khiến nó trở nên sạch sẽ, thoải mái và thu hút hơn. Những khi tôi lau cửa sổ hay tưới nước cho cây, tôi cảm thấy thoải mái hơn hẳn. Trang trí những thứ gợi nhớ cho bạn những thành quả mà bạn đạt được, những khoảng khắc đặc biệt và những người có tầm quan trọng trong đời bạn.


10. Làm nhiều thứ bạn thích hơn. Nuông chiều bản thân mình một chút và làm ít nhất một thứ mà bạn thích hằng ngày.

11. Thử các hoạt động nghệ thuật. Những hoạt động như vẽ, làm nhạc, làm thơ hay nhảy khiến bạn có thể thể hiện bản thân, giao tiếp tích cực với người khác, và giảm áp lực cho bạn. Bạn có thể ngạc nhiên với chính mình nữa đấy. Tham gia một lớp học ở những trung tâm văn hoá nơi bạn sống thử xem.

12. Thử thách bản thân bằng những thứ/hoạt động mà bạn có thể hoàn thành. Ví dụ như học yoga, học hát, hay tổ chức một bữa tiệc tại nhà và mời bạn bè tham dự. ]

13. Làm những thứ mà bạn đang để dở. Ví dụ như sơn lại nhà bếp, làm một khu vườn...

14. Đối xử tốt với người khác. ví dụ như bắt chuyện với người đưa thư, mời hàng xóm mình một bữa trà, thăm một người bạn đang bệnh, hoặc tham gia chương trình tình nguyện cộng đồng. Khiến người khác cười, cũng là khiến cho bản thân bạn cười nữa đấy.


15. Chia sẻ với người khác. Kể với người thân hay bạn bè về những chuyện mà bạn đang trải qua, và hỏi sự trợ giúp hay lời khuyên từ họ. Có thể họ từng có những vấn đề tương tự, và bạn có thể kết nối với họ và cùng nhau vượt qua. Đừng ngại ngần hay xấu hổ, có rất nhiều người muốn giúp đỡ bạn!

16. Dành nhiều thời gian với những người bạn quý mến. Đồng thời, mở rộng mối quan hệ xã hội của bạn bằng cách gặp gỡ và làm bạn nhiều người hơn.

17. Tránh những người hay nơi đối xử với bạn tệ, hoặc làm bạn cảm thấy tồi tệ.

Hãy nhớ lấy những điều quan trọng sau: Sức khoẻ là tài sản lớn nhất, hạnh phúc là báu vật quý giá nhất và tự tin là người bạn tốt nhất.
____
Dịch: Hải Đường Tĩnh Nguyệt

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương