Quỷ Tam Quốc [bản dịch]
-
Chương 79
Việc tổ chức khóa học công khai ở một thời đại ban sơ như Đông Hán là một thành tựu đáng nể của nhà họ Tuân. Tại thời kỳ này, tri thức vẫn là bảo bối do một vài sĩ tộc thế gia nắm giữ, bá tánh bình thường thì thôi bỏ, biết vài chữ đã là không tệ chứ đừng nói đến bàn luận việc trị quốc. Nhà họ Tuân chấp nhận đem học thức lót đáy hòm ra truyền thụ cho chúng sinh, ít nhất trên phương diện học vấn, gia tộc này đã có công đức vô lượng. Tất nhiên nhà họ Tuân không so được với những người mở rộng cửa đón chào mọi người bất kể sang hèn, nhưng tốt hơn đám quý tộc ích kỷ chỉ giữ cho riêng mình rất nhiều.
Quận Dĩnh Xuyên có bốn gia tộc cũ và bốn gia tộc mới. Nhà họ Tuân nằm trong bốn gia tộc cũ cùng nhà họ Chung, nhà họ Hàn, nhà họ Trần, từ bốn vị tổ tiên lần lượt là Tuân Thục, Chung Hạo, Hàn Thiều và Trần Thực dùng thanh danh nổi bật để làm nền móng. Bốn gia tộc mới gồm nhà họ Đỗ, nhà họ Quách, nhà họ Triệu và nhà họ Tân. Về phần các dòng họ nhỏ và lẻ khác ở Dĩnh Xuyên chỉ có chút danh xưng nhưng không được người dân đế quốc công nhận. Điều này Phỉ Tiềm có thể nhận ra thông qua cách nhà họ Tuân sắp xếp chỗ ngồi.
Chiếc ghế kế bên đàn hương trên cao kia tất nhiên là nơi để người giảng bài an tọa. Vị trí gần đài cao nhất thuộc về những quan lớn và những gia tộc thâm căn cố đế, bình thường đều sẽ bị bỏ trống. Xuống chút nữa sẽ là chỗ ngồi để bốn gia tộc chia nhau, cơ bản một gia tộc sẽ chiếm giữ một hướng. Hàng ghế sau sẽ dành cho thành viên thuộc bốn gia tộc mới nổi. Những gia tộc khác như kiểu Phỉ Tiềm chỉ có thể ngồi ở sau họ, nhưng ít ra cũng có chiếu để ngồi nghe, còn ai ở phòng thuộc dãy chữ đinh trở xuống đều phải đứng nghe giảng. Về phần các thư sinh nghèo khó phải chấp nhận đứng sau cùng, nhà họ Tuân cũng đã tính trước, họ sắp xếp hết chỗ ngồi rồi mới mở cửa cho học sinh nghèo vào trong.
Quảng trường rất đông người nhưng lại vô cùng yên tĩnh. Khác với các lớp học ngoại khóa ở thời hiện đại, thầy giáo chưa đến đám nhất quỷ nhì ma sẽ quậy phá ồn ào hơn cái chợ, những người ở đây đều bày ra dáng vẻ thanh tao. Phỉ Tiềm cùng Tảo Chi, Ứng Du ngồi chung một bàn. Hôm qua lúc Phỉ Tiềm tâm sự với Tảo Chi, có vẻ như Ứng Du phải đi thăm hỏi ai đó nên đến tận khuya mới quay về phòng, cũng chẳng thèm nói với ai một câu.
Tính ra Phỉ Tiềm và Tảo Chi trạc tuổi nhau nên dễ dàng thân thiết, vì vậy họ cũng chẳng giao lưu gì với Ứng Du cả. Bỗng Phỉ Tiềm nghe ngoài cửa có một tiếng trống vang lên, sau đó qua thời gian khoảng nửa nén nhang lại có tiếng trống thứ hai. Cái này cũng khá giống trống trường thời hiện đại, cứ qua ba tiếng trống nhà trường sẽ cho bảo vệ đóng cửa lại. Quả nhiên tiếng trống thứ ba vừa vang lên, người hầu nhà họ Tuân đã đóng chặt cửa chính, ai tới trễ thì ráng chịu.
Chỉ vài giây sau, một tiếng chuông nhẹ nhàng vang lên để mọi người bình tĩnh lại, xung quanh chỉ còn tiếng thở nhè nhẹ. Một thanh niên mặc áo xanh nhạt khoác thêm lớp áo choàng màu đen bước lên đài cao. Người ngồi ở hàng ghế đầu tiên rất bất ngờ, hình như họ đều có quen biết với hắn, tiếng thì thầm nho nhỏ lại vang lên. Đệ tử nhà họ Tuân đứng trực ở bốn góc đài hô to để mọi người yên lặng, còn Phỉ Tiềm âm thầm thúc nhẹ cù chỏ vào hông Tảo Chi, ý hỏi Tảo Chi có biết chuyện gì đang xảy ra hay không.
Tảo Chi lén lút dùng ngón tay chỉ về phía thanh niên trên đài rồi việc ra chiếu chữ Nhược… Tuân Nhược? Ý, là Văn Nhược, chẳng lẽ người trên đài lại là Tuân Úc? Ôi cha mẹ ơi, không ngờ người đứng giảng bài hôm nay lại là Tuân Úc! Phỉ Tiềm là một người từng đọc qua Tam Quốc, chắc chắn biết được kẻ này, thế nhưng trước mắt Tuân Úc vẫn chưa được xưng là một trong năm đại mưu sĩ của Tào Tháo, cũng chưa có thanh danh vang dội, cho nên người ở bốn góc đài mới bất ngờ khi hắn được lên giảng bài.
Tuân Úc ngồi xuống ghế, quét mắt nhìn một lượt, buổi giảng hôm nay xem như một con dao hai lưỡi, nếu hắn làm tốt sẽ thu được thanh danh trong giới sĩ tộc, còn bằng như hắn có một chút sai lầm, đừng nói tổn hại đến bản thân mà cái ghế gia chủ đời sau chắc chắn phải đổi người. Lần này chủ đề được Tuân Sảng chọn là kinh dịch, do đó lần này Tuân Úc cũng chỉ có thể nói về kinh dịch mà thôi. Cũng tương tự như thời hiện đại, mỗi khóa học trước khi bắt đầu đều sẽ công bố nội dung buổi học.
Hắn hít một hơi thật sâu, sau đó ra hiệu cho người hầu dựng lá cờ vải trên đài lên. Lá cờ có nền trắng, phía trên dùng mực vẽ sáu nét ngang vừa dày vừa có lực. Thanh âm trong trẻo của Tuân Úc vang lên:
“Hôm nay tại hạ sẽ bàn về quẻ càn. Quẻ này giải thích về việc bầu trời có bốn đức tính nguyên thủy, hanh thông, lợi ích hài hòa và tính kiên định.”
Gương mặt Tuân Úc tỏ vẻ bình tĩnh, âm thanh to rõ ổn định, mặc dù Phỉ Tiềm ngồi cách đài cao một khoảng nhưng vẫn nghe rất rõ. Tuân Úc tiếp tục giảng:
“Nguyên thủy là chỉ khởi nguồn của vạn vật. Hanh thông ám chỉ con đường vạn vật phát triển thuận lợi. Lợi ích hài hòa chỉ ra tất cả mọi thứ trên đời đều có sự hài hòa và lợi ích nhất định. Về phần kiên định có thể giúp vạn vật đi đến điểm cuối con đường và đi một cách trọn vẹn.
Kinh Dịch nói trời có bốn đức tín để ngụ ý về bốn mùa. Nguyên Thủy đại diện cho mùa xuân, hanh thông đại diện cho mùa hè, lợi ích đại diện cho mùa thu và kiên định đại diện cho mùa đông. Sau đó vạn vật được ra ngũ hành, trong đó sự sinh sôi của vạn vật có công lao lớn nhất của thổ. Bởi vì thổ là hành nằm ở trung tâm, trải qua đủ bốn mùa, cũng như hoàng đế trị vì vô vi nhưng lại có được thiên hạ. Thủy Hỏa Kim Mộc không thể tồn tại nếu thiếu thổ. Nhân, nghĩa, lễ, trí không thể truyền bá cho chúng sinh nếu thiếu đi hoàng đế, cho nên Càn mới là quẻ đứng đầu, còn Khôn đứng phía sau.
Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí là bốn phẩm chất đạo đức cần có ở một vị vua. Vì vậy vào thời Xuân Thu, quẻ Càn đứng đầu sáu mươi bốn quẻ, là nơi bắt đầu của đạo đức và lý trí; đạo đức và lòng từ bi là gốc rễ muôn loài; nắm rõ quy luật tự nhiên để thuận theo ý trời; dùng tài nguyên hợp lý sẽ có lợi cho dân; Giữ vững văn hóa để phát triển xã hội.
Hỗn loạn nảy sinh suy đồi đạo đức, dễ gây điều ác; Nếu vua nghe gian nịnh, tránh hiền thần sẽ dễ quyết định sai lầm; Một khi quyết định sai lầm sẽ làm hại dân. Vua đánh mất dân tâm cũng như đánh mất quyền lực của mình. Ví như Chu Văn Vương Cơ Xương có đủ tứ đức nên hưng thịnh, vua Trụ đánh mất tứ đức nên nhà Thương phải chịu cảnh suy vong.”
Tuân Úc vừa nói xong, những người ngồi dưới đài lại ồn ào nghị luận….
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook