Ngày hôm nay Thái Ung ngồi ngay ngắn trong sảnh, bày bút và nghiên mực lên bàn nhưng lão không viết mà chống cằm suy nghĩ. Người ta thường nói người già hay hoài niệm về quá khứ, Thái Ung cũng không ngoại lệ, lão đang về tuổi trẻ oanh liệt cùng những điều tiếc nuối trong đời mình. Tính ra cả đời Thái Ung tài hoa nhưng lại gặp nhiều sóng gió giữa dòng đời bụi bặm.

Lần đầu tiên lão làm quan là khi nào nhỉ? À phải rồi, là vào thời Hán Hoàn đế, khi đó Thái Ung cảm thấy hoạn quan nắm giữ triều chính quá tệ nên trên đường nhận chức đột nhiên giả bệnh rồi quay về thôn trang.

Lần thứ hai lão làm quan là nhờ người bạn Kiều Huyền dốc lòng tiến cử, thế là Thái Ung làm việc dưới trướng bạn mình, được trọng dụng nên triều đình phong lão làm bình trưởng Hà Nam, Triệu bái lang trung, Hiệu Thư Đông Quán rồi thăng lên làm Nghị Lang. Bằng vào tài hoa ngút trời của mình, Thái Ung biên soạn lại lục kinh rồi mời thợ giỏi về khắc chữ, dựng bia đá trước cửa Thái Học. Nhưng lúc đó lão vẫn còn trẻ tuổi, kinh nghiệm chính trị thiếu sót, sai lầm lớn nhất đời lão chính là biểu hiện tấm lòng trung hưng nhà Hán với dân chơi Hán Linh Đế.

Số là Hán Linh đế cảm thấy thiên tai khắp nơi, , trong lòng bất an mới tìm tới Thái Ung để nói chuyện triều chính, thật ra vị hoàng đế chỉ muốn tâm tư tình cảm cho thoải mái đầu óc, kết quả Thái Ung tưởng thật, hăm hở soạn một bản kiến nghị dâng lên thiên tử. Lão kiến nghị 7 điều:

Cẩn trọng giữ mình trong sạch;

Bổ nhiệm rộng rãi người có tài đức;

Mở rộng ngôn luận cho bề tôi trung kiên được can gián, khen thưởng người dám nói thẳng;

Tăng cường sát hạch quan lại;

Xóa bỏ những kẻ tiểu nhân trong hàng ngũ bộ máy thống trị;

Bổ nhiệm, bãi miễn quan lại phải dựa trên công trạng mà có thưởng phạt rõ ràng;

Xem xét nhân sự những người trong cung thái tử, không dùng những người mạo nhận là "Tuyên lăng hiếu tử" không có thực tài, cho về quê làm ruộng;

Đồng chí Hán Linh đế thấy kiến nghị hay quá, quyết định đuổi việc hết những kẻ ăn không ngồi rồi ở phủ thái tử, việc này động chạm đến quyền lợi của rất nhiều người, trong đó có Trung Thường Thị Tào Tiết. Cuối cùng nhờ lão tài hoa hơn người nên cũng được nhiều người yêu mến, một hoạn quan khác là Trung Thường Thị Lã Cường bảo Thái Ung vô tội và xin tha cho lão, năn nỉ ỉ ôi Linh Đế mới không giết, tuy nhiên lại bị đày thẳng ra Sóc Phương, một vùng đất nghèo đến mức không có mồng tơi để rớt ở Tịnh Châu, tiếp giáp với đất của dân Tiên Ti. Trên đường đi còn mấy lần chết hụt nhưng có nhiều người trượng nghĩa trợ giúp mới tai qua nạn khỏi.

May mà về sau Hán Linh Đế đại xá thiên hạ, Thái Ung nhân đó xin được về quê để viết nốt Hậu Hán Ký thay cho Lô Thực mới được hoàng đế đồng ý tha bổng. Sau đó Thái Ung lang thang giang hồ, rày đây mai đó, sống ở vùng Ngô Việt thuộc Giang Nam gần mười hai năm mới được triều đình gọi về Lạc Dương lần nữa.

Lão ngẫm lại đời mình, hồi xưa còn thanh niên đã ăn nhiều quả đắng vì tính cách chính trực của mình, tuy nhiên trái tim chân thành của lão trải qua quá nhiều mưa gió nhân gian lại chưa từng thay đổi, chẳng lẽ đến cuối đời lại muốn đổi rồi sao? Thái Ung cười nhẹ một tiếng, cầm lấy viên mực mài lên nghiên rồi cầm bút viết một hàng chữ.

Tình cờ hôm nay Phỉ Tiềm cũng có hẹn đến chơi, vừa vào đã nhìn thấy Thái Ung múa bút như mây bay. Thấy hắn đến, Thái Ung đặt bút và ra hiệu Phỉ Tiềm ngồi xuống. Lão im lặng ngắm nhìn tên học trò mới nhận, tuy thời gian ở cùng không lâu, nhưng kẻ này sống rất có tình nghĩa, lại có mối quan hệ tốt với xung quanh, phong độ đĩnh đạc, cách làm người lại rất hợp ý lão. Đúng là một nhân tài hiếm có, đương nhiên nếu Phỉ Tiềm có thể bức phá ở mảng văn học thì không còn gì tuyệt hơn.

“Tử Uyên, con đọc thuộc Tả Truyện chưa?”

Phỉ Tiềm định đứng dậy cho phải phép, Thái Ung giơ tay cản lại nên hắn ngồi xuống rồi bẩm:

“Thưa thầy, con thuộc lòng rồi ạ.”

Hiểu rõ và có thể đọc diễn cảm một quyển sách là yêu cầu cơ bản của nho sinh, bởi vậy Thái Ung đưa ra yêu cầu này cũng không tính là cao lắm. Lão gật gù hài lòng:

“Người học Tả Truyện có thể dựa vào lịch sử để rút ra bài học cho mình, hiểu biết toàn diện, giỏi đối nhân xử thế hơn, sau này con nên dành thời gian nghiền ngẫm thêm. Mấy ngày trước con nương theo điển cố của Tấn Văn Công để khuyên ta, thật lòng mà nói thì con không sai, nhưng tuổi vi sư đã cao, không muốn tiếp tục lang bạt thiên hạ, mà sức khỏe cũng không cho phép ta lang bạt nữa.”

Phỉ Tiềm nghe vậy không khỏi biến sắc, ông thầy mình nói giỡn hả, ý là không muốn đi phải không? Trong điển cố Tấn Văn Công có một câu “Dã nhân chi thổ, ốc quán chi thủy” (người hoang dã sống trên đất, ốc sên sống dưới nước) là do trong quá trình Tấn Văn Công chạy trốn có xảy ra hai chuyện, một là khi Văn Công đến được Bộc Dương, nước Vệ cho rằng hắn là một ngôi sao chổi nên từ chối tiếp đón. Tấn Văn Công đói lã trên đường đi, nhìn thấy mấy người nông dân đang quây quần ăn cơm, Văn Công xin cơm nhưng người ta từ chối còn ném cho cục bùn bảo ăn đi. Chú của Văn Công khuyên rằng bùn chính là đất, bách tính dâng đất cho ngài tức là điềm lành, Văn Công mới nguôi giận.

Chuyện thứ hai, khi Tấn Văn Công chạy trốn tới đất Tần, Tần Mục Công đối đãi vô cùng tốt, lại gả năm cô gái cho hắn, trong đó có một người là Hoài Doanh, con gái ruột của Tần Mục Công. Có một lần Hoài Doanh bưng thau nước cho Văn Công rửa tay, hắn rửa xong tùy tiện phất tay để Hoài Doanh lui ra. Kết quả Hoài Doanh nổi giận bảo Tấn và Tần đều là chư hầu lớn, chàng làm vậy khác gì coi thiếp ngang hàng người hầu? Ý là xem thường thiếp đúng không? Con gái đất Tần hung dữ có tiếng, thế là Văn Công sợ hãi tự trói mình đến thỉnh tội với Tần Mục Công.

Lúc còn trẻ Thái Ung vì tính ăn ngay nói thẳng đã đắc tội hoạn quan Tào Tiết, bị hãm hại phải đi đày mười hai năm. Mặc dù lão vẫn sống sót nhưng cũng nếm trải đủ cực khổ và tình người nóng lạnh, lão thật sự không muốn phải tiếp tục sống kiếp lang thang lần nữa. Tuy bây giờ lão là đại học giả nổi tiếng nhất đế quốc, có đi cũng sẽ được người ta trải thảm đón, nhưng người già thường lo trước lo sau….

Phỉ Tiềm còn muốn mở miệng khuyên lại bị Thái Ung ngăn cản. Lão đem dòng chữ vừa viết xong đưa cho Phỉ Tiềm, chỉ thấy trên giấy có một hàng chữ tuyệt đẹp :

Vượt qua gian khổ nơi sa mạc;

Vì vua, cầm giáo đánh Hung Nô;

Đường cùng mạt lộ, quân dụng hỏng;

Toàn quân gục gã, tiếng tăm suy;

Đây là có ý gì? Trong lúc nhất thời Phỉ Tiềm không theo kịp. Thái Ung thấy thế cười bảo:

“Tử Uyên, con có đọc thêm Hán Thư không?”

Hán Thư là một phần trong lớp học ngoại khóa Thái Diễm giao cho Phỉ Tiềm.

“Con cũng có nghiên cứu một ít.”

Phỉ Tiềm trả lời, thầm nghĩ vì sao Thái Ung lão đầu đột nhiên hỏi về Hán Thư nhỉ? À đúng rồi, bài thơ này là Tô Vũ Lý Lăng biệt ca, xuất phát từ một nhân vật vô cùng nổi tiếng Trung Quốc là Tô Vũ.

Thời Hán Vũ Đế trị vì, nhà Hán muốn mở rộng con đường tơ lụa nên liên tục đánh nhau với Hung Nô, đến năm Thiên Hán nguyên niên, thiền vu Thả Đê Hầu vừa kế vị, sợ tiếp tục chiến tranh với nhà Hán nên mới xưng thần, trả lại những tù binh từng bị bắt. Vũ Đế rất hài lòng, Trung Lang Tướng phái Tô Vũ làm sứ giả để hộ tống họ về nước, đồng thời tặng một ít lễ vật cho thiền vu.

Ai dè đâu đồng chí Tô Vũ đến nơi thấy Hung Nô đang âm mưu đánh lén, vì vậy nhân lúc nội bộ lục đục tiến hành ám sát thiền vu. Sự việc bại lộ, Tô Vũ và người đi cùng đều bị bắt, hắn từ chối đầu hàng nên bị lưu đày ở Bắc Hải. Thời điểm Tô Vũ làm trung lang tướng có quen một người bạn là Lý Lăng. Đồng chí này rất ngầu, năm đó Hán Vũ Đế phái ba mươi ngàn kỵ binh để cả nhà cùng nhau làm thịt Hung Nô, Lý Lăng đột nhiên máu dồn lên não, chạy ra khỏi hàng tâu rằng cho mình năm ngàn quân, mình sẽ đạp nát thiền vu đình.

Lý Lăng đánh một trận với Hung Nô, con hàng này cũng chứng minh mình rất có tài quân sự, ban đầu đám tướng Hung Nô và cả thiền vu cũng bàn lùi, nhưng ngờ đâu có một kẻ trong quân Hán trốn sang mật báo Lý Lăng không có tiếp viện, trong doanh chỉ có nhỏn năm ngàn người mà thôi. Kết quả quân Hung Nô cho kỵ binh ép quá rát, Lý Lăng không thủ nỗi nên đầu hàng. Hán Vũ Đế giận muốn điên người, Tư Mã Thiên cầu xin cho Lý Lăng cũng bị ông ta đem đi thiến.

Về sau Hán Chiêu Đế lên ngôi, Hoắc Quang và Thượng Quan Kiệt đều là bạn cũ nên nhân dịp hoàng đế muốn chuộc Tô Vũ đã ngầm dặn dò sứ tiết xin chuộc cả Lý Lăng về. Tiếc rằng Lý Lăng cảm thấy việc mình đầu hàng Hung Nô là điều nhục nhã, chỉ đứng hát tiễn Tô Vũ mà thôi. Bài biệt ca mang hàm ý Lý Lăng hắn vì nhà Hán mà băng qua sa mạc giao chiến với Hung Nô, kết quả thua trận, quân sĩ chết ráo, vũ khí mất sạch nên rơi vào đường cùng phải đầu hàng. Đây là cách Lý Lăng biện hộ cho mình, cũng như thể hiện sự bội phục với Tô Vũ.

Thái Ung viết bốn câu thơ trong bài biệt ca không phải để ca ngợi Lý Lăng, mà để tỏ rõ lòng mình muốn bảo toàn khí tiết giống Tô Vũ. Phỉ Tiềm gấp đến sốt cả ruột, Thái Ung à, lão có biết kết cục của lão và con gái mình thê thảm cỡ nào không? Giờ hắn phải làm sao để cứu vớt hai cha con này đây?

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương