Quỷ Tam Quốc [bản dịch]
-
Chương 44
Quả nhiên đúng với Phỉ Tiềm suy đoán, Thái Ung tức giận là do sự kiện phế đế, một phần vì kết quả, phần còn lại là vì quá trình. Hôm nay đi chầu triều, Đổng Trác tập hợp tất cả mọi người rồi mạnh miệng tuyên bố:
“Thiên tử quá vô dụng, không đủ sức thống lĩnh thiên hạ. Hiện giờ Văn Ưu sẽ thay mặt ta đọc văn hịch phế đế!”
Sau đó hắn ra lệnh Lý Nho đọc bài hịch, từng âm thanh của Lý Nho vang lên hù cho Hán Thiếu Đế sợ đến mồ hôi chảy ướt cả áo. Đổng Trác sau khi ngầm thỏa thuận với Vương Doãn, Viên Ngỗi, cả triều chẳng ai lên tiếng bênh vực cho Lưu Biện, chỉ có mình thượng thư kiêm bắc trung lang tướng Lô Thực đứng ra gầm lên:
“Ngày xưa Y Doãn thấy Thái Giáp chơi bời phóng túng chỉ đem tạm giam tại Đổng Cung. Xương Ấp Vương làm hơn ngàn điều xấu trong hai mươi bảy ngày mới bị Hoắc Quang thống lĩnh quần thần phế bỏ. Nay Thiếu Đế còn nhỏ chưa được tiếp xúc với triều chính, cũng chưa từng làm chuyện thương thiên hại lý, không thể học theo tiền nhân!”
Hừ, trước kia Y Doãn và Hoắc Quang hành động vượt cấp đều có lý do chính đáng, Đổng Trác ngươi chẳng có lý do gì, chỉ nói mồm mà bắt mọi người nghe theo hả? Sau khi phát biểu xong, đồng chí Lô Thực cảm thấy sự việc không thể cứu vãn, nên trực tiếp xin từ quan đi thẳng về núi Thượng Cốc ẩn cư.
Đáng thương cho Hán Thiếu Đế ngồi trên ngai vàng, vừa thấy Lô Thực đứng ra còn đầy hi vọng mong mỏi những đại thần khác cũng trỗi dậy ngăn cản Đổng Trác, nói giúp cho hắn vài câu. Thế nhưng nhìn tới nhìn lui cả đám đều làm chim cút, cúi rạp đầu né tránh, gương mặt hắn cũng trở nên tái nhợt. Chuyện gì đến cũng đến, vương miện và ngọc tỉ của Hán Thiếu Đế bị tịch thu, Trần Lưu Vương được mời lên hoàng vị, một đám người giống như được tập luyện qua vài lần vội vàng quỳ xuống ca ngợi tân đế. Đổng Trác cũng tự phong mình là tướng quốc, tuyên bố nhà họ Đổng chính thức trở thành lá cờ đầu của phe ngoại thích.
Thái Ung thật ra không tức giận vì Đổng Trác phế đế, cũng biết cả triều đã ngầm đồng ý chuyện này, trong những người đó cũng có cả lão. Mặc dù trong nháy mắt lão cũng có cảm xúc muốn đứng lên phản đối như Lô Thực, nhưng rồi nghĩ đến người nhà, nghĩ đến Thái Diễm, lão lại do dự rồi ngẩn ngơ đứng trong hàng ngũ các quan quỳ bái, làm xong lễ đăng cơ của Lưu Hiệp.
Khi về đến trước nhà, Thái Ung cảm thấy hành vi của mình xung đột với giáo lý của đạo Nho, nhưng lão không biết phải làm sao để giải quyết, đành phải đem hết lửa giận giấu ở trong lòng. Nhìn thấy Phỉ Tiềm trang nghiệm đứng khoanh tay một bên, Thái Ung cố gắng đè nén cảm xúc, chợt nhớ ra hôm nay là lễ tạ ơn sư phụ của hắn, đành miễn cưỡng động viên Phỉ Tiềm vài câu. Đến sau cùng, Thái Ung nhịn không được quay sang hỏi hắn:
“Tử Uyên, người xưa bảo nếu có thể bù đắp lỗi lầm, tài năng sẽ không bị lãng phí, con thấy câu này nghĩa là gì?”
Phỉ Tiềm theo bản năng định nói chuyện này có gì kì quặc, nhưng dù sao Thái Ung đang mượn việc kiểm tra trình độ văn học để tham khảo về mặt đạo đức, nên Phỉ Tiềm tất nhiên phải trả lời thật nghiêm túc. Câu nói trên được trích từ chuyện đời Tấn Linh Công trong Tả truyện.
Quý anh Tấn Linh công là một kẻ vô cùng thú vị, xây đài cao ở hành cung rồi dùng ná cao su bắn vào người đi đường, thích chí nhìn mọi người khổ sở né tránh. Trên lịch sử chưa từng có vị vua nào làm thế với dân chúng, cho nên các đại thần nhà Tấn vô cùng lo lắng khi đất nước đứng đầu ngũ bá lại sinh ra một tay chơi như vậy. Thế là đại thần Triệu Thuẫn đứng ra khuyên nhủ, ngoài miệng Tấn Linh Công bảo hiểu rồi khổ lắm, nhưng còn khuya mới thay đổi. Về sau Tấn Linh Công thấy Triệu Thuẫn khuyên quá nhiều, vì muốn lỗ tai thoải mái nên nghĩ ra một ý tưởng, đó là làm thịt luôn Triệu Thuẫn!
Đồng chí Triệu Thuẫn hình như được hào quang nhân vật chính hộ giá, Tấn Linh Công sai sát thủ đi giết thì sát thủ thấy Triệu Thuẫn là người tốt nên quyết định tự sát chết luôn, đỡ phải báo cáo thất bại. Linh Công lập kế cho giáp sĩ mai phục thì Triệu Thuẫn được đầu bếp ngày xưa mang ơn đến cứu đánh bại, Linh Công thả chó cũng bị đầu bếp làm thịt luôn! Kết quả giết mấy lần không được nên cuối cùng Linh Công bị giết ngược lại. Triệu Thuẫn lập con thứ của Tấn Văn Công là Hắc Đồn lên làm vua.
Mỗi lần đọc đến đây Phỉ Tiềm đều muốn cười lớn, thời Xuân Thu sao lắm người thật thà thế, con mình tên gì không đặt lại đặt mông đen(Đồn nghĩa là mông). Thế mà anh chàng “Mông Đen” lại lên làm vua được…. Thôi quay lại vấn đề chính, Thái Ung không quan tâm mông của Tấn Thành Công màu đen hay màu trắng, hắn trích dẫn câu chuyện Tấn Linh Công là để ám chỉ việc xảy ra trên triều, nếu Hán Thiếu Đế chưa từng làm sai, có phải họ không nên phế đế không? Mà kể cả Thiếu Đế từng sai đi nữa, các đại thần phải khuyên nhủ hoàng đế, khi nào cực chẳng đã mới đi đến bước này.
Đạo Nho từ khi sinh ra đã quan niệm rằng cho dù thiên tử có ngu dốt cỡ nào, hoặc tàn bạo thất đức ra sau, ngài ấy vẫn là thần thánh không thể khinh nhờn, nếu không sẽ phạm tội khi quân phạm thượng. Bởi vậy Thái Ung cảm thấy hoàng đế chắc là đã làm sai gì đó, nhưng lão không hề ở bên cạnh khuyên nhủ, đến mức dẫn tới việc phế đế, lão cũng không thể nói giúp một lời, trong lòng khó có thể bình an. Phỉ Tiềm chậc lưỡi, thầy mình cái gì cũng tốt, chỉ có cái sống quá lý tưởng hóa, chẳng lẽ thầy không thấy cả triều đều câm nín trước sức mạnh của Tây Lương sao? Ai cũng tay bắt mặt mừng chúc tụng tân đế, làm gì có người nào lo cho Lưu Biện?
Có điều thân làm đệ tử, không thể nói thẳng làm thầy tự ái, có khi Thái Ung nổi điên mắng hắn chết mất. Thái Ung là không dám mắng Đổng Trác trên triều thôi, còn mắng đệ tử thì chưa bao giờ lão phải ngại cả. Phỉ Tiềm cân nhắc một chút rồi bảo:
“Hai nước Tống Sở soạn hiệp ước cầu hòa, trong hiệp ước có viết rằng ta không gạt ngươi, ngươi không dối ta.”
Đây là hiệp ước nổi tiếng thời Xuân Thu, lúc đó nước Sở và Tống chiến tranh kéo dài, quân dân cả hai nước khốn khổ vì lương thực. Phía bên Tống dùng xương người làm củi đốt, thậm chí còn cắn răng đổi con cho nhau để làm thức ăn, quyết tâm bảo vệ quê hương. Quân Sở cũng kiệt sức, rất nhiều người đào ngũ, lương thực cạn sạch. Cuối cùng hai nước quyết định kí hòa ước lui binh ba mươi dặm (15km).
Điều đáng nói ở đây là đã kí xong hòa ước giấy trắng mực đen, Sở vẫn đem quân sang nuốt luôn Bành Thành của Tống. Thế nên ta biết Thái Ung thầy là chính nhân quân tử, nhưng không phải kẻ nào trong triều cũng thế. Thực tế những chính trị gia ngay thẳng trong triều đều chẳng bao giờ có được lợi ích cả. Thời Xuân Thu được các học giả ca tụng cũng suốt ngày lừa gạt hãm hại lẫn nhau. Đổng Trác dẫn theo quân đội xộc thẳng vào kinh thành, dưới lưỡi đao thúc ép thì làm gì có lựa chọn nào khác? Thậm chí phái Thanh Lưu còn đang bận tranh giành lợi ích cho mình, nhà họ Viên và nhà họ Vương cũng nhận được rất nhiều nên mới chọn im lặng đó thôi. Thái Ung thở dài:
“Ài, ta biết vậy, nhưng mà….”
Lão hiểu ý Phỉ Tiềm, trong cuộc sống có rất nhiều chuyện nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng khi gặp thực tế lại không chắc có thể dễ dàng làm được. Thái Ung lắc đầu, mặc dù gương mặt đã giãn ra phần nào, nhưng tâm tình lão vẫn khá tệ, vỗ bả vai Phỉ Tiềm dặn dò hắn ráng quay về chăm chỉ học tập. Phỉ Tiềm bước ra khỏi Thái phủ, trong lòng rất kì quặc, tính cách Thái Ung như vậy, làm sao trong lịch sử lão lại khóc cho Đổng Trác? Nhưng xem tình hình có vẻ Đổng Trác cũng không định cho Thái Ung chức quan gì to tát, chắc Thái Ung cũng sẽ không cần cảm tạ Đổng Trác chứ? Phỉ Tiềm nghĩ tới nghĩ lui, vì muốn đảm bảo mình suy đoán đúng, hắn quyết định đi đến một nơi để dò xét, mặc dù chỗ đó có độ khó rất cao…
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook