Quỷ Tam Quốc [bản dịch]
-
Chương 174
Khổng Trụ cảm thấy lo sợ cũng không phải không có lý do.
Tuy hắn đã chiêu mộ một số binh sĩ ở Dĩnh Xuyên, nhưng số lượng cũng ít tới đáng thương. Mà bây giờ có tin đồn thứ sử Duyện Châu Lưu Đại và thái thú quận Đông Kiều Mạo, Tế Bắc tướng Bảo Tín cùng Viên Di ở quận Sơn Dương đang hè nhau kéo đến nơi này.
Nói thật lòng hắn cũng cảm thấy rối bời. Thứ sử Duyện Châu một tay mình tài bồi không nói, có đến ba thế lực quận Đông, quận Tế Bắc, quận Sơn Dương, lại còn mọc thêm quận Trần Lưu nữa. Ngược lại hắn chỉ có một hư danh thứ sử Dự Châu, dưới trưởng cũng chỉ có một nhánh quân Dĩnh Xuyên, chẳng khác nào ngọn nến cô đơn trước gió.
Chính vì vậy Khổng Trụ mới vội vã chạy từ Dĩnh Xuyên tới Toan Tảo, gặp mặt anh em Trương Mạc Trương Siêu rồi mới tính các bước tiếp theo.
Nói đi cũng phải nói lại, Khổng Trụ vốn là dân Trần Lưu, từng đảm nhiệm chức Kế Tào ở quê nhà, khi đó Trần Lưu Thái Thú vẫn là Phùng Đại.
Vì vậy theo một định nghĩa nào đó, Khổng Trụ cũng miễn cưỡng được xem là thế hệ trước ở Trần Lưu, cũng có thể nói hắn tương đối thân quen với Trương Mạc hơn những quân phiệt khác.
Thế là Khổng Trụ của chúng ta tính toán mãi, tính đến bạc cả đầu, rốt cuộc vẫn quyết định nâng cao quan hệ với đồng chí Trương Mạc.
Lỡ mai này hội họp, bên chỗ thứ sử Duyện Châu Lưu Đại có cố tình khó dễ, ít ra mình cũng còn thái thú quận Trần Lưu bên cạnh chống đỡ. Khổng Trụ giả lả cười:
“Lần này ta đến, không phải vì những thứ hư vô, chỉ muốn góp chút sức mọn cho đế quốc. Ngoài nhánh quân đội đóng ngoài kia, còn có hai mươi xe rượu, dê bò các loại mười con, mấy đàn gà vịt.”
Những vật này vốn chính là lương thực, nhưng Khổng Trụ cũng cố ý nói thật dài để xác nhận thái độ của Trương Mạc.
Quả nhiên Trương Mạc vui vẻ hẳn lên, so với tên Lưu Đại suốt ngày vênh mặt dòng họ hoàng gia, sau khi được triều đình phong thứ sử Duyện Châu còn ngày càng phách lối, thằng cha Khổng Trụ ngồi trước mặt mình dễ nói chuyện hơn nhiều.
Có lẽ âm thầm kết minh với hắn ta cũng là một lựa chọn không tồi. Lưu Đại hả? Trước đó Trương Mạc chẳng có chút thiện cảm nào, cũng không nói chuyện được vài câu, mang tiếng lãnh đạo mình thì sao? Kể cả Lưu Đại có xuất hiện, Trương Mạc cũng có thể mượn tay Khổng Trụ để áp chế.
Do hai người đang có lòng liên kết với nhau, bản thân cũng thuộc dạng đồng hương, tất nhiên càng trò chuyện càng vui vẻ, bầu không khí hòa hợp vô cùng.
Lúc Khổng Trụ đang văng nước bọt kể một chuyện thú vị gì đó cho hai anh em Trương Mạc nghe, bỗng một binh sĩ bước vào bẩm báo, một đội quân khoảng hơn ngàn người đang giơ cao lá cờ thêu chữ Lưu từ hướng nam chạy tới, có lẽ đang cách doanh trại khoảng 10km.
Ba người đều có chút giật mình, Lưu Đại tới rồi? Hắn đến nhanh như vậy à?
Nhưng ngẫm nghĩ hồi lâu, họ lại cảm thấy không đúng, nếu Lưu Đại đến, hắn phải xuất hiện ở phía đông của Toan Tảo mới phải, làm sao lại chạy từ phía nam sang đây?
Như vậy người họ Lưu ở phía nam là ai? Hậu tướng quân Viên Thuật? Cũng không phải, nghe nói Viên Thuật đã hạ lệnh cho Tôn Kiên hành quân về phía đông rồi, hơn nữa lá cờ phải thêu chữ Tôn chứ không phải chữ Lưu…
Cảm thấy tò mò, cả ba vội vàng gọi lính trinh sát đi tìm hiểu thực hư.
Không lâu sau, trinh sát quay về báo, đội quân phía trước do thứ sử Kinh Châu Lưu Biểu phái đến, người dẫn đầu là sứ giả tên Phỉ Tiềm.
Chuyện gì đang xảy ra vậy? Chẳng lẽ Lưu Kinh Châu cũng muốn diệt Đổng Trác? Nếu đúng là thế, tại sao chỉ phái sứ giả mà không phái một tướng quân nào đó đến hội minh?
Trong lúc nhất thời ba người nghĩ mãi không ra, nhưng thôi kệ, chỉ cần không phải quân Đổng Trác là được. Họ quyết định thả lỏng tinh thần, ngồi yên ổn trong doanh đợi gặp người mới đến...
Anh bạn Phỉ Tiềm của chúng ta lúc này đang cố gắng đuổi theo, cuối cùng khi sắc trời vừa ngả màu, hắn cũng tới khu vực liên minh đóng quân ở Toan Tảo.
Nhắc đến Toan Tảo, đất nơi này trông khá thông thoáng, bốn phương tám hướng rộng lớn, thêm vào đó dãy Tần Lĩnh và mạch núi Thái Hành quấn quanh tạo thành một lối đi giống như chiếc kèn saxophone, hướng bắc có sông Hoàng Hà chảy ngang, vừa hay có thể chặn đứng đường tiến quân của Đổng Trác.
Ở chiều hướng ngược lại, trong trường hợp thiết kỵ Tây Lương công phá được Toan Tảo, phe Đổng Trác sẽ dùng xứ này làm bàn đạp, hướng bắc có thể băng thẳng sang bến Bạch Mã để đánh lên Ký Châu, hướng đông là đất đồng bằng không có chỗ hiểm để thủ, lấy Từ Châu như đồ trong túi, hoặc xuôi Nam đánh xuống Dĩnh Xuyên, uy hiếp Kinh Châu và Dương Châu...
Do đó nơi đây chính là vùng đất chiến lược vô cùng quan trọng của liên minh Quan Đông. Cơ mà nói đi cũng phải nói lại, khoảng cách giữa Toan Tảo và Lạc Dương làm Phỉ Tiềm phải nhíu mày.
Dựa theo ký ức thời hiện đại, Phỉ Tiềm nhớ sách viết liên minh Quan Đông đóng quân ở sát bên Hổ Lao Quan, sau đó diễn ra một phen long tranh hổ đấu, các loại tướng quân xông ra và bị Hoa Hùng xiên chết, rồi bản thân hắn cũng bị Quan Vũ cho cút đi lãnh cơm hộp.
Tiếp theo màn đấu tướng đổi thành Lữ Bố, thời điểm này cũng chính là lúc Lữ Bố bị Trương Phi truyền thông bẩn cho cái tên gia nô ba họ, người đời cũng thay nhau xưng tụng câu “Nhân trung Lữ Bố, mã trung Xích Thố”.
Trước mắt xem ra Phỉ Tiềm đang đứng ở Toan Tảo, chỗ này tất nhiên có đường dẫn đến Lạc Dương, cứ đi thẳng hướng tây băng qua Huỳnh Dương là tới Hổ Lao Quan.
Nhưng đó là lý thuyết, trên bản đồ trông khoảng cách cũng chỉ có tí, nhưng “một tí” ở đây là hơn 100km!
Cha mẹ ơi, hơn 100km nha, khoảng cách này ngồi xe hơi cũng thấy nhức người, đừng nói chi thời cổ đại!
Phỉ Tiềm hiểu rõ tốc độ hành quân thời Hán, từ Toan Tảo đi một mạch tới Hổ Lao Quan cũng phải mất ít nhất bốn ngày, nếu quân đội càng đông, đợi tụ tập với nhau khẳng định còn tốn thời gian hơn nữa.
Với khoảng cách như vậy thì Tam Anh Chiến Lữ Bố kiểu gì?
Sách viết Lữ Bố ra khỏi Hổ Lao Quan, cưỡi Xích Thố xông thẳng hướng liên minh, phía bên kia ba anh em Lưu Quan Trương hò hét kéo đến Hổ Lao Quan, giả sử họ chạy liên tục không nghỉ, gặp nhau trên đường cũng phải mất 2 ngày, vậy thì đánh đấm cái gì nữa?
Trong trí nhớ của Phỉ Tiềm, liên Minh Quan Đông cắm trại gần Hổ Lao Quan, tuy nhiên họ chậm chạp không tiến quân, chỉ có Tôn Kiên đánh từ một hướng khác lên sau đó bị đánh bại phải lui về, tiếp theo sự kiện Quan Vũ hâm rượu nóng chém Hoa Hùng diễn ra...
Dựa theo tình hình thực tế, có vẻ như liên minh Quan Đông không hề có động thái di chuyển đến gần Lạc Dương.
Huống hồ mấy trăm ngàn quân của mười tám chư hầu lúc nhúc chen vào giữa núi Thái Hành và núi Tần Lĩnh, lại gặp thêm hạn chế về mặt địa lý từ phía sông Hoàng Hà, giả sử Đổng Trác cho kỵ binh tập kích, liên minh Quan Đông chắc chắn sụp đổ.
Vì vậy cho dù quân đội của liên minh Quan Đông có nhiều hơn chăng nữa, thiếu đi sự kết nối giữa chỉ huy và binh lính cũng chẳng làm nên trò trống gì.
Tóm lại con đường duy nhất mà liên minh Quan Đông có thể đi, cũng chỉ là cho người thủ chặt Toan Tảo, lập doanh trại trải dọc nam bắc để khóa lối đi giữa Tần Lĩnh và Thái Hành mới có ý nghĩa chiến lược...
Tốt thôi, biết ngay đống sách ba xu thời hiện đại không thể tin cậy được mà...
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook