Quỷ Tam Quốc [bản dịch]
-
Chương 12
Đổng Trác tự Trọng Dĩnh, xuất thân từ một gia đình sĩ tộc ở huyện Lâm Thao Quận Lũng Tây thuộc Lương Châu, là đồng hương với tướng quân Hoàng Phủ Tung. Nghiêm túc mà nói, hắn chính là đại diện cho giai cấp quý tộc ở vùng Sơn Tây. Khác với thế gia Sơn Đông, từ nhỏ Đổng Trác tiếp xúc không phải sách vở, lễ nghi, mà là người Khương và vũ lực. Người Khương chỉ tôn trọng võ học, ai nắm đấm cứng người đó có quyền lên tiếng. Mỗi khi gặp chuyện không giải quyết được, bọn họ sẽ xắn tay áo lên và lao vào đánh nhau. Vì vậy Đổng Trác lớn lên với cơ thể cường tráng, sức mạnh hơn người, cầm đao cưỡi ngựa rất giỏi, hắn còn có khả năng bắn cung bằng hai tay, danh tiếng trong các bộ lạc người Khương rất lớn. Tất nhiên người Hán đến áp chế người Khương là điều triều đình rất hài lòng. Đổng Trác cũng kết giao khắp nơi, thường xuyên mời những thủ lĩnh người Khương xuất chúng đến nhà làm khách, mỗi lần gặp gỡ đều tiệc tùng linh đình, không thiếu thịt bò dê, nhờ đó hình thành quan hệ lợi ích. Hồi đó chả có người Khương nào đấm đá giỏi như Đổng Trác, hắn xuất thân thế gia, giỏi võ, mỗi lần ra ngoài lại dắt theo một bầy hộ vệ hổ báo. Võ tướng người Khương cũng chẳng ai dây vào, trên thảo nguyên ngoài dê bò ra chỉ có cỏ xanh, Đổng Trác mà có chuyện gì, sau này cả bộ lạc kiếm ai để làm ăn? Thời kì Hán Linh Đế, triều đình một bên ra sức áp chế sĩ tộc địa phương, một bên lại không thể không lợi dụng họ để trấn áp khởi nghĩa nông dân và dân tộc thiểu số. Đổng Trác cũng trở thành một trong những kẻ được triều đình coi trọng. Lúc đó hắn nhận chức Lương Châu binh mã duyện (Phó chỉ huy), phụ trách mang binh tuần tra biên giới, giữ gìn trật tự. Sau khi có chức có quyền, Đổng Trác bắt đầu bước trên con đường trở thành quân phiệt. Không lâu sau, để giải quyết vấn đề người Khương, triều đình bắt đầu đề bạt một vài sĩ tộc ở Tây Lương, đến lúc này Đổng Trác nổi lên như một ngôi sao sáng. Hắn tăng cường ảnh hưởng của mình, dùng tiền tài lôi kéo người Khương lẫn người Hán, thôn tính những thế lực khác. Kết quả hắn được thứ sử Tinh Châu là Đoàn Quýnh đề cử làm Vũ Lâm Lang thuộc cấm vệ quân, quản lý Hán Dương, Lũng Tây, An Định, bắc địa, Thượng Quận, Tây Hà. Năm đó Đổng Trác vừa tròn ba mươi tuổi.
Chỉ năm năm sau, hắn được thăng lên chức Quân Tư Mã, đi theo Trung Trung Lang Tướng Trương Hoán chinh phạt nghĩa quân người Khương ở Tịnh Châu. Cũng chính vào lúc này, Đổng Trác gặp được kẻ thay đổi số phận của mình, Lý Nho. Lần đầu tiên trong đời, Đổng Trác nhận ra một trăm quân sĩ đầy đủ trang bị, huấn luyện kĩ càng có thể nhẹ nhàng đập tan hai trăm lính chưa từng ra trận. Lần đầu tiên trong đời, Đổng Trác không cần đau đầu vì đám giấy tờ xử lý hậu cần, và cũng lần đầu biết được rằng, muốn xử lý kẻ địch có nhiều cách đáng sợ hơn nắm đấm. Đổng Trác cảm thấy Lý Nho đã thay đổi góc nhìn của hắn về những anh thư sinh chỉ biết phe phẩy mấy cuốn sách nát, nên hắn quyết định gả con gái cho Lý Nho để cột Lý Nho vào chiến xa của mình.
Kết thúc cuộc chiến, nhờ có sự trợ giúp của Lý Nho, Đổng Trác cực lực thể hiện bản thân, phát huy đầy đủ sự dũng mãnh của mình. Bởi vì chiến tích vang dội, Đổng Trác lại được thăng làm Lang Trung, chuyển làm Quảng Vũ lệnh, rồi trải qua các chức Đô úy Bắc bộ Thục quận, Hiệu úy Mậu kỷ Tây Vực. Đóng quân ở Tây Vực một thời gian, Đổng Trác bị bãi chức. Nhưng sau đó lại được phong làm Thứ sử Tinh châu, rồi Thái thú Hà Đông.
Khi Biện Chương, Hàn Toại và Bắc Cung Bá Ngọc khởi binh chống lại triều đình, đánh giết Hiệu úy hộ Khương là Linh Chủy và Thái thú Kim Thành là Trần Ý, mang quân Tây châu uy hiếp khu vực Tam Phụ gần Trường An. Tình thế nguy cấp như ngàn cân treo sợi tóc, Hán Linh Đế vội vàng gọi tất cả tướng quân đang đóng ở gần đó chặn đứng thế công của Biện Chương và Hàn Toại. Thế là Đổng Trác quay trở về làm Trung Lang Tướng, phong làm Phá Lỗ tướng quân, cùng Xa kỵ tướng quân Trương Ôn, Chấp Kim Ngô Viên Bàng, Đãng Khấu tướng quân Chu Thận lĩnh một trăm ngàn quân đóng ở Mỹ Dương. Lúc này Đổng Trác chính thức từ một hiệu úy biên phòng bước lên hàng đại tướng. Sau đó nhờ công đánh dẹp Biện Chương, Hàn Toại, không lâu sau Đổng Trác liền được phong làm Ngao hương hầu. Hắn không ngừng tác chiến với Hàn Toại, Mã Đằng, nhận được nhiều quân công nên được triều đình thăng chức làm tiền tướng quân.
Bẵng đi một thời gian, triều đình cảm thấy thế lực Đổng Trác quá mạnh, muốn điều Đổng Trác làm Thiếu Phủ trong cửu khanh, sau khi được Lý Nho chỉ điểm, Đổng Trác lập tức dâng biểu nói: “Tướng sĩ biên cương quyến luyến, thêm vào đó thần ở trong quân đã quen xuề xòa, đành từ chối ân huệ của bệ hạ, xin được trấn thủ Lương Châu đến giây phút cuối cùng.” Rồi khéo léo từ chối.
Cho đến tận lúc này, quân phiệt Đổng Trác dần hình thành, lấy lính Tây Lương làm chủ đạo, người Hồ, Khương và Hán lẫn lộn, đặc biệt là hắn thu nạp lượng lớn dân du mục giỏi tác chiến kỵ binh, cộng thêm quân tinh nhuệ đầy kinh nghiệm của Hán triều đóng ở biên giới, trở thành một thế lực mạnh mẽ. Cuối cùng Hán Linh Đế đã cảm nhận được mối nguy của Đổng Trác, trong lúc bệnh nặng triệu kiến Đổng Trác, phong hắn làm Tịnh Châu Mục, hi vọng đem toàn bộ quân đội của Đổng Trác gia nhập dưới trướng Hoàng Phủ Tung. Nhưng còn khuya Đổng Trác mới chịu, cự tuyệt giao ra binh quyền, lập tức suất lĩnh quân đội chiếm lấy Hà Đông, không thèm nghe lệnh triều đình nữa. Nhà Hán còn chưa kịp ra chiêu tiếp theo, Hán Linh Đế đã nhắm mắt xuôi tay, sau đó hậu cung tranh quyền, hoàng đế mới kế vị, quá nhiều chuyện xảy ra nên việc Đổng Trác tạm thời được gác lại. Bỗng một ngày Đổng Trác nhận được chiếu thư do đại tướng quân viết, ra lệnh hắn dẫn quân vào kinh thành! Anh mổ lợn Hà Tiến nhìn cuộc đời rất màu hồng, Lạc Dương vốn bị hoạn quan khống chế nhiều năm, dù Kiển Thạc đã chết nhưng phe phái vẫn còn rất mạnh, để đảm bảo Hà Thị có tiếng nói trong triều, Hà Tiến cảm thấy hắn cần phải khống chế một đội quân không dính dáng gì đến hoạn quan. Hắn phát tin cho tất cả tướng quân bên ngoài, hi vọng những người này có thể trợ giúp một chút vào sự nghiệp hạ gục hoạn quan, ai dè những hoàng tộc hoặc những tướng quân còn lại không hề hứng thú, ngược lại Đổng Trác ở gần kinh thành nên hưởng ứng đầu tiên, tự tay viết thư hồi đáp, làm đại tướng quân cảm thấy ấm áp như người một nhà. Lúc đó thật ra cũng có một hai người đồng ý quay về Lạc Dương, đáng tiếc chậm chân hơn Đổng Trác. Cho nên tóm lại Đổng Trác rất may mắn. Phía bên này Hà Tiến trắng trợn tuyên dương Đổng Trác, thái độ đối với hoạn quan ngày càng ác liệt, hù cho chúng sợ hãi đến mức lấy danh nghĩa hoàng đế lệnh cho Đổng Trác đóng quân ở gần kinh thành chứ không được vào kinh. Thế là Đổng Trác chọn ngay Thằng Trì để tập kết, ngày đêm phái người theo dõi động tĩnh triều đình, cứ cách 24 tiếng lập tức có thám mã báo tin. Do đó thời điểm Lạc Dương nổi lửa, rất nhiều người còn tỉnh tỉnh mê mê không biết vì sao, Đổng Trác đã lập tức nhổ trại, trong đêm dẫn quân đội xông thẳng vào trong thành.
Phỉ Tiềm không ngờ rằng mình đang đi dọc theo bờ sông tìm kiếm vậy mà lại đụng phải đại quân. Bất quá nhìn hai kẻ đang đứng run lập cập trước mặt, ai có thể nghĩ rằng đây chính là hai người cao cấp nhất nhà Hán. Hai đứa trẻ một lớn một nhỏ, toàn thân đều là bùn đất, mũ trên đầu không biết đã rơi mất khi nào, tóc tai rối bời, thần sắc sợ hãi, nếu như không phải dựa vào quần áo trên người, có khi Phỉ Tiềm còn tưởng là nạn dân. Thời đại này quần áo không thể ăn mặc tùy theo sở thích, người mặc đồ lẫn lộn tôn ti chính là thất lễ, chuyện vỡ lỡ có khi bị chém đầu. Năm xưa thời Hán Vũ Đế, đứa trẻ nhà Vũ An Hầu cũng vì mặc áo không đúng với thân phận nên bị cách chức. Tất nhiên một Hầu gia bị bãi chức không đơn giản như thế, nhưng ít ra lý do vẫn là vì quần áo. Phỉ Tiềm nương theo ánh sáng trên bó đuốc cẩn thận phân biệt, quần áo này chỉ có người quyền quý hàng đầu nhà Hán mới được phép mặc. Dù trong lòng hắn đã khẳng định, nhưng lúc này làm sao có thể nhận người? Bây giờ hắn quỳ xuống đất sẽ gây ra rất nhiều phiền phức. Tốt nhất cứ giả vờ không biết, hoàng gia cũng cần mặt mũi mà. Phỉ Tiềm bước đến tỏ vẻ quan tâm, nhẹ nhàng hỏi:
“Hai người các ngươi lạc đường phải không? Ta là quan lang của triều đình, gần đây có trang viên của nhà họ Thôi, cũng là cựu Tư Đồ. Giờ này trời đêm lạnh lẽo, chi bằng các người cùng ta vào trong trang nghỉ ngơi, đợi trời sáng rồi tính tiếp nhé?”
Mặc kệ ra sao, trước hết cứ tìm cho họ một cái cớ, sau khi họ bình tĩnh lại rồi tính. Người anh tuổi vẫn còn hoảng sợ không trả lời, ngược lại người em vẫn bình tĩnh đáp:
“Được, phiền ngài dẫn đường!”
Phỉ Tiềm kêu hai hộ vệ chạy về trang nhờ họ chuẩn bị nước ấm và canh gừng, một bên cởi áo ngoài rồi choàng lên người hai đứa trẻ:
“Quần áo hai đệ đang ướt, tối kỵ gió lạnh, áo của ta thô dày, mong hai đệ chớ trách.”
Hai Đứa trẻ cảm kích nhìn Phỉ Tiềm rồi lấy áo quấn quanh người, quả nhiên cơn lạnh giảm hẳn. Phỉ Tiềm ngồi xuống bên cạnh đứa nhỏ, dịu dàng bảo:
“Đường đêm khó đi lại hơi xa, nếu đệ không ngại thì ta cõng đệ nhé?”
Đứa em hơi do dự một chút cũng lên tiếng cảm ơn, sau đó nhẹ nhàng quàng đôi tay lạnh buốt lên cổ Phỉ Tiềm. Giữa bầu trời đêm mờ ảo, hắn cõng một đứa bé, tay dắt đứa còn lại đi giữa những vì sao, hộ vệ bên cạnh tay giơ cao đuốc, hắt bóng cả ba kéo dài trên mặt sông trông vô cùng thê lương.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook