Ký Linh
Chương 70

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Cuối cùng cũng hoàn thành được chuyện đã nhận lời với Ký Linh khiến Đàm Vân Sơn cảm thấy chưa bao giờ vững tâm hơn thế. Cảm giác bất an cứ mãi quấy rầy chàng không yên ngay cả trong lúc mê man giờ tan biến hẳn. Giờ đây, chàng có thể đường hoàng đứng trước mặt nàng nói rằng ta đã đập giúp nàng rồi, nàng về nhà với ta đi.

Hít sâu rồi từ từ thở ra xong Đàm Vân Sơn mới ngẩng đầu lắc lắc vật mình cầm cho Thiên Đế đang không hiểu gì xem, giải thích ngắn gọn xen lẫn giễu cợt: “Chuông Tịnh Yêu, pháp khí sư phụ tốt của nàng để lại cho nàng bắt yêu.”

Thiên Đế nhìn chuông Tịnh Yêu rồi lại nhìn Trịnh Bác Lão. Thì ra là vậy.

Đàm Vân Sơn không nói thêm gì nữa, đang tính cất chuông Tịnh Yêu vào lại trong ngực thì bỗng Thiên Đế lại bảo: “Có thể cho ta xem nó không?”

Chàng không hiểu nhưng vẫn đưa pháp khí cho Thiên Đế.

Thiên Đế nhận chuông Tịnh Yêu, tung nhẹ lên không, chiếc chuông nhỏ nhắn được đẩy bằng một lực nhẹ chỉ lên cao chưa quá đỉnh đầu thì đã tự rơi xuống nhưng không xuống tới lòng bàn tay Thiên Đế mà dừng lại vừa khéo ở ngang tầm mắt.

Thiên Đế niệm thầm, chạm nhẹ vào chuông Tịnh Yêu.

Thoáng chốc, chuông Tịnh Yêu bắt đầu sáng lên, không phải thứ ánh sáng bạc khi sắp sửa đánh yêu quái mà là tầng tầng lớp lớp bảy sắc cầu vồng. Mới đầu chúng đan xen vào nhau, sau đó dần dần mỗi màu bắt đầu tách riêng, cuối cùng thành những khối rõ ràng.

“Bạc núi Thời, gỗ thơm đan mộc, lông đuôi huyền điểu, sừng lộc thực,…” Thiên Đế lần lượt đọc lên tên của các tinh khí sau khi được tách riêng, cuối cùng cười bất lực, “Quả nhiên đều là vật của Cửu Thiên.”

*núi Thời: tên một ngọn núi cổ trong truyền thuyết, trên núi không có cỏ cây. Đan mộc: một loài cây trong thần thoại mọc trên núi Vu, lá và thân màu đỏ, hoa màu vàng, quả màu đỏ, vị ngọt. Huyền điểu: cũng là một loài chim trong truyền thuyết Trung Quốc. Lộc Thực: một loài vật trong truyền thuyết, trông giống ngựa, đầu màu trắng, thân có vằn, đuôi màu đỏ, hí lên nghe như tiếng người hát.

Pháp khí được đúc thành từ nhiều nguyên liệu, mỗi loại có một tinh khí riêng nhưng trong quá trình luyện chế chúng sẽ giao hòa với nhau tạo nên tinh phách của pháp khí. Đàm Vân Sơn thật không ngờ còn có thể bóc tách ra tinh khí ban đầu ở pháp khí đã luyện thành.

“Cho nên Lục Trần Kim Lung phải tan biến,” Đàm Vân Sơn nhìn Trịnh Bác Lão, nói bằng giọng chắc chắn, “trong nguyên liệu chế tạo Kim Lung có thứ gì đó chỉ rõ “chỉ có thể là ông”.”

Trịnh Bác Lão vô tội ra mặt, hệt như một vị thần tiên bị oan: “Kim Lung đã tan biến rồi, giờ cậu nói gì chẳng được.”

Đàm Vân Sơn biết có cố cũng chỉ uổng công, chuông Tịnh Yêu còn được để lại là vì nguyên liệu tạo nên nó, bất kỳ tiên hữu nào của Cửu Thiên đều có thể tiếp cận được.

Có điều, chàng vốn cũng chẳng trông chờ Trịnh Bác Lão thừa nhận. Đã lên được một kế hoạch kín đáo như vậy rồi thì tất nhiên có đủ khả năng để giấu tiệt mọi kẽ hở, xóa sạch mọi chứng cớ có thể làm lộ tẩy. Đạo hạnh chàng còn ít ỏi, không đấu lại được đối phương.

Chàng không mong mỏi phải định bằng được tội cho kẻ ác, chàng chỉ muốn một chân tướng để nói với Ký Linh, để nàng biết nguyên nhân vì sao bản thân phải lặn lội đường đời dưới trần gian, bất kể là buồn hay vui.

Bây giờ, đã đến lúc làm rõ lớp sương mù bí ẩn cuối cùng che mờ “chân tướng”.

“Xúc phạm Đế Hậu, đại bất kính, dạy mãi không sửa, phải phạt nặng,” chàng bất ngờ lên tiếng, nói chữ nào chữ nấy hung dữ như một tên ác quan đang ép kẻ vô tội phải nhận tội, “ban hình phạt Vong Uyên, sám hối suốt đời.”

Trịnh Bác Lão im lặng, râu tóc che phần lớn khuôn mặt nhưng không che được cặp mắt chợt ánh lên vẻ hung ác nham hiểm.

Thiên Đế đang đăm chiêu xem chuông Tịnh Yêu nghe vậy bỗng ngẩn ra, quay đầu sang, thoáng ngạc nhiên, rõ ràng là rất bất ngờ trước “kết cục” của Thanh Trản.

Đại bất kính là tội nặng với tiên tì, lại còn là đã dạy mà không sửa, vào Vong Uyên là đúng luật Cửu Thiên; Đế Hậu coi sóc phồn đa các chuyện vặt vãnh của Cửu Thiên, quản lý dạy dỗ tiên tì là chuyện thuộc chức trách, nhưng… Thanh Trản ư?

Thật sự là càng nghĩ càng cảm thấy không giống với hình ảnh tiên tì dịu dàng trong ký ức, Thiên Đế bất giác đọc lại tội trạng: “Xúc phạm Đế Hậu, dạy mãi không sửa ư?”

“Tuyển Văn thượng tiên tra cứu “Tội Uyên Giám” giúp tôi, trong đó có ghi chép rõ ràng rành mạch.” Đàm Vân Sơn vẫn giữ nguyên giọng điệu trừng phạt vậy là đúng người đúng tội, còn cố ý nhấn mạnh bốn chữ cuối.

Người nói vô tâm, người nghe còn nghĩ xiên xẹo đi được nữa là người nói rõ ràng cố ý.

“Rõ ràng rành mạch?” Trịnh Bác Lão cười nhạo, giọng lạnh lùng, “Chẳng qua là dùng một tờ giấy gói đẹp đẽ bao bọc hành vi ác độc của bản thân mà thôi.”

Thiên Đế và Đàm Vân Sơn cùng nhìn ông, Thiên Đế chỉ nhìn, Đàm Vân Sơn vẫn tiếp tục cố gắng: “Đường đường là Đế Hậu chẳng nhẽ lại đi cố ý đổ oan cho một tiên tì hay sao? Canh Thần thượng tiên nói vậy không hợp lý.”

Trịnh Bác Lão lớn tiếng phản pháo: “Sao lại không? Không phải cậu đang yên đang lành cũng bị Lạc Mật đẩy xuống Tư Phàm Kiều đấy thôi? Kẻ có quyền còn lâu mới cao thượng như cậu tưởng.”

“Chuyện gì cũng có nguyên do của nó, Lạc Mật đẩy tôi là để tìm tim, Đế Hậu thì làm vậy để làm gì?”

“Để bản thân được thoải mái, để bớt phiền, để…” Ông ta bỗng khựng lại, cuối cùng cũng nhận ra mình mắc bẫy.

Kỳ thực phép khích tướng này chẳng có gì là cao minh, chỉ có điều Đàm Vân Sơn khích rất đúng chỗ, trúng ngay chỗ đau nhất của ông ta.

Trịnh Bác Lão đau đầu nhận xét: “Cậu đúng là không lúc nào không giăng bẫy người khác.”

Đàm Vân Sơn không nhận: “Xưa nay tôi không bẫy người tốt.”

“Có ngu mới tin,” Trịnh Bác Lão cười nhạt, “Thiếu Hạo chân thành như vậy, không phải cậu cũng bẫy cách đi dưới nước ở Cửu Thiên đấy thôi.”

“…” Đàm Vân Sơn không phản bác được.

Nếu là trước đây, cho dù chỉ là thắng thế đường miệng lưỡi thì cũng đủ để Trịnh Bác Lão đắc ý một hồi lâu. Nam Ngọc thường hay nói ông càng đi càng tụt lùi, càng già tính tình càng trẻ con.

Nhưng lúc này đây, ông bỗng thấy mệt mỏi, mệt đến nỗi không còn sức để đắc ý, không muốn trong lòng đã hiểu rõ rồi mà vẫn còn cố mạnh miệng.

Ông chuyển mắt từ nhìn Đàm Vân Sơn sang nhìn Thiên Đế im lặng nãy giờ, Trịnh Bác Lão nói lại hoàn chỉnh câu mà ông nói dở: “Thanh Trản bị oan. Sở dĩ Đế Hậu muốn ném nàng vào Vong Uyên chẳng qua là vì để bản thân được thoải mái, để bớt phiền lòng, để không còn phải nghe thấy ông khen nàng hay nữa.”

“Chỉ vì thế?” Thiên Đế vốn chẳng hề nhớ mình đã từng khen Thanh Trản nhưng điều làm ông khó lòng chấp nhận là lý do này quá kịch.

“Chỉ?” Trịnh Bác Lão cười nhạo, “Chỉ đó trong mắt Đế Hậu là chuyện to bằng trời.”

Thiên Đế nghiêm giọng: “Ông nói Đế Hậu đổ oan cho Thanh Trản, có chứng cớ gì không?”

Trịnh Bác Lão nhíu mày: “Ông nói tôi bày mưu làm cạn nước Vong Uyên, có chứng cớ gì không?”

Thiên Đế liếc mắt một cái, chuông Tịnh Yêu treo giữa không trung lập tức trở về tay Đàm Vân Sơn, tinh khí ban nãy Thiên Đế làm phép mà ra cũng trở về trong chuông, chỉ có một chấm sáng rất nhỏ màu hồng đào nhạt là vẫn nguyên chỗ cũ, còn nhỏ hơn cả hạt thóc, không để ý kỹ thì khó mà nhận ra.

Sở dĩ Đàm Vân Sơn nhìn thấy là vì Thiên Đế đưa chấm sáng đấy cho Trịnh Bác Lão xem.

Mới đầu Trịnh Bác Lão cũng không hiểu nhưng sau khi nhìn một lúc, nhận ra đó là tinh khí của thứ gì thì ông mới lắc đầu cười rầu rĩ, trông càng thêm mỏi mệt.

“Đường tuyết chín cánh, chỉ có một cây từ thượng cổ còn lại đến giờ, ban trồng trong Canh Thần Cung của ông,” Thiên Đế trả tinh khí lại cho chuông Tịnh Yêu, buồn bã than thở, “luyện pháp khí vào mùa hoa rụng thì cần phải theo dõi sát sao không rời một tấc.”

*đường: cây đường, có hai thứ trắng và đỏ, thứ đỏ dắn mà dẻo, đời xưa dùng đóng can cung, thứ trắng (tức “đường lê” 棠梨) có quả ăn được (loại có quả, quả màu giống mắc cọp nhưng không phải loài mắc cọp). “Đường” cũng có thể dùng để chỉ hải đường Trung Quốc (xem hình). (Theo Từ điển Hán Nôm).

5b6c56862b568

Trịnh Bác Lão không tranh cãi nữa.

Kỳ thực ông đã không rời một tấc rồi nhưng cánh hoa này rơi vào từ lúc nào thì ông hoàn toàn không biết.

Cẩn thận mấy cũng có sai sót ư? Không, là số. Giống như yêu loạn Cửu Thiên, Ký Linh vào Vong Uyên vậy, đều là số kiếp đã định.

Thiên Đế không tiếp tục ép Trịnh Bác Lão nhận tội, chuyện đến nước này, nhận hay không nhận đều không còn mấy ý nghĩa nhưng ông lại để ý chuyện còn chưa làm rõ kia: “Ta hỏi lại lần nữa, ông nói Đế Hậu đổ oan cho Thanh Trản, có chứng cớ gì không?”

“Nếu Thiên Đế bỏ công bỏ sức ra tra tìm như khi điều tra yêu loạn Cửu Thiên thì ắt sẽ có chứng cớ.” Nói thì nói thế nhưng vẻ mặt ngông nghênh kia của Trịnh Bác Lão rõ ràng đang muốn nói ta biết ông sẽ không làm.

Khiêu khích trắng trợn như thế làm Thiên Đế phải cau mày khó chịu: “Ông mất công bày kế này cả trăm năm mà lại chẳng nói với ta câu nào, nếu nói sớm thì chắc chắn ta sẽ tra xét.”

“Tra xét xong thì sao? Ông có dám bắt Đế Hậu đền mạng không? Thôi, dù có đền thì Thanh Trản liệu có thể quay về được không? Tôi không có hứng thú báo thù, tôi chỉ muốn nước Vong Uyên cạn, oan hồn quay lại thế gian. Huống hồ…” Trịnh Bác Lão đổi giọng thắc mắc, “Vì sao cần phải tôi nói? Vì sao cần phải người khác nhắc nhở thì ông mới truy xét, bổ cứu? Ông là Thiên Đế cơ mà, là đấng chí tôn của Cửu Thiên, nếu ông có lòng thì làm gì có chuyện gì giấu nổi ông?”

Thiên Đế im lặng.

Đàm Vân Sơn bỗng hiểu ra, không phải Trịnh Bác Lão thực sự không hiểu, ngược lại, là ông ấy quá hiểu.

“Dù sao cũng phải vào Vong Uyên, vậy tôi giải thích rõ thêm chút nữa,” Trịnh Bác Lão bước tới gần Thiên Đế, “Ông làm Thiên Đế quá lâu, ngồi ngai vàng quá cao. Có lẽ trong lòng ông từng có đại đức, đại thiện nhưng đức ấy, thiện ấy từ lâu đã trở thành lòng thương hại cợt nhã của kẻ ăn trên ngồi trốc…”

“Thanh Trản biến mất một trăm năm, ông không phát hiện, vì nàng chỉ là một tiên tì; Lạc Mật đi lục tìm trong Tiên Chí Các, hại Trường Nhạc bỗng dưng phải chuyển kiếp, ông không phát hiện, vì chuyện này không ảnh hưởng đến Cửu Thiên; tôi không tới phòng chơi cờ của Cửu Thiên nữa, ông phát hiện, nhưng không tìm hiểu cẩn thận nguyên do, vì đấy chẳng qua chỉ là việc tiêu khiển, tôi vẫn tính tinh vận của Cửu Thiên, không ảnh hưởng đến chức trách chính…”

“Chúng tiên hay nói Thiên Đế nghiêm minh công chính, nhân từ, không thiên vị. Nhưng nếu để tôi nói thì khi chuyện đã rồi mới nghiêm minh công chính thì chẳng qua là mất bò mới lo làm chuồng, nếu có lòng thật thì đáng ra nên sâu sát từ trước, cẩn thận đề phòng…”

Ông nói liền một mạch đến đây thì dừng lại một lúc lâu mới chậm rãi nói nốt câu cuối cùng:

“Thiên Đế, quản lý Cửu Thiên, không sợ thiếu sót, sai lệch, chỉ sợ không chịu suy nghĩ, không chịu xem xét, trì trệ lười biếng.”

Bên trong vách tiên cực kỳ tĩnh lặng, tĩnh lặng đến nỗi như thời gian đã ngừng trôi, như tiếng của Trịnh Bác Lão còn vang vọng mãi không thôi.

Thiên Đế sầm mặt, từ đầu chí cuối không nói lời nào.

Trong lòng Đàm Vân Sơn có lời muốn nói nhưng thời khắc này, chàng không nên nói ra.

Cuối cùng, Thiên Đế lên tiếng bằng chất giọng không cảm xúc, lặng như nước Vong Uyên dẫu đang chảy cũng rất tĩnh: “Ta không chịu suy nghĩ, không chịu xem xét, trì trệ lười biếng, ông thà gây loạn cho chúng sinh cũng phải cứu một người.”

Trịnh Bác Lão cúi gằm xuống như thể xấu hổ, bước lùi lại quay về chỗ cũ rồi mới thản nhiên đáp: “Cho nên ông mới ngồi ở chức vị Thiên Đế còn tôi thì không, ông còn có thể tiến bộ, còn cả đời tôi cũng không thể.”

Thiên Đế lại im lặng một lần nữa.

Ông làm bạn với Trịnh Bác Lão đã mấy trăm năm nhưng lại chẳng hiểu về nhau nhiều bằng một ngày một đêm này. Có lẽ đúng như ông ấy nói, ông ngồi trên ngai cao đã quá lâu nên trở nên hờ hững, trở nên lười biếng, quen thói mở một mắt nhắm một mắt, quen thói thêm một chuyện chẳng bằng bớt một chuyện.

“Ngũ hành đền tội, lỗ Lục Trần sáng, núi mây chuyển vần, đất trời tắt sáng, nhật nguyệt u ám, sao rơi đầy trời, Lệ Mãng xuất thế, nước Vong Uyên cạn.” Trịnh Bác Lão đột nhiên nghiêm giọng ngâm thơ.

Mãi tới bốn câu cuối, Đàm Vân Sơn mới đoán ra được, Trịnh Bác Lão cũng nói luôn cho Thiên Đế biết câu trả lời: “Đây mới là bài tinh phê thượng cổ đầy đủ. Tặng cho ông. Coi như là… bồi thường cho màn kể lể vừa rồi.”

Trịnh Bác Lão nói ra nhẹ nhàng đến độ tưởng như không phải nói đến số mệnh của Cửu Thiên mà đang hỏi xem có muốn làm một ván cờ hay chăng, nhưng Thiên Đế chẳng vui nổi: “Ngoài ngũ yêu ra còn có ngũ hành khác? Ngoài Kim Lung ra còn có Lục Trần khác?”

Trịnh Bác Lão cười, giọng nghiêm túc một cách hiếm có: “Muôn yêu trên thế gian đều có thể chọn ra ngũ hành, muôn thuật trên thế gian đều có thể luyện thành Lục Trần. Ông chẳng thể diệt hết muôn yêu, cũng chẳng thể xóa hết các thuật, chỉ có thể tu hành tích phúc thay Cửu Thiên.”

Thiên Đế lĩnh ngộ: “Đây không phải số mệnh mà là luân hồi.”

Trịnh Bác Lão: “Đúng, cho nên vốn không có cách tránh được kiếp nạn. Ông không biết nó sẽ tới khi nào và vì cơ duyên gì, cũng không cách nào tính trước xem làm sao để vượt qua. Điều có thể làm là trước khi nó đến, phải tự mình tu dưỡng.” Ông cúi đầu, sau đó lên tiếng, giọng như tiếng chuông đồng trang nghiêm vọng từ ngàn xưa, “Kẻ đức hậu, trời che chở, dù tai kiếp tới, cũng sẽ vượt qua.”

*đức hậu: hay đức dày.

Rõ ràng không phải chuyện tốt gì nhưng Đàm Vân Sơn không hề thấy hoang mang, thậm chí còn thấy rất vững dạ. Trịnh Bác Lão giống như một lão giả kiến thức uyên bác khai sáng cho biết những huyền cơ bí ẩn và chỉ ra cho thấy hóa ra huyền cơ cũng chỉ vậy mà thôi.

Cuối cùng, Đàm Vân Sơn cũng hiểu vì sao phóng túng trăm năm nhưng Thiên Đế vẫn dung thứ cho ông. Dõi mắt tìm khắp Cửu Thiên Tiên Giới cũng chẳng thể tìm ra ai có thể gánh vác chức Canh Thần thượng tiên này tốt hơn ông.

Đáng tiếc, một con người thấu triệt như vậy nhưng lại không thoát khỏi chữ tình. Trịnh Bác Lão nói ông nói điều này là để bồi thường cho Thiên Đế nhưng Đàm Vân Sơn cảm thấy nó giống như là lời cuối của người sắp chết muốn rũ bỏ những buồn đau và tội lỗi của kiếp người để hướng tới cái thiện hơn…

Ngực nhâm nhẩm đau.

Đàm Vân Sơn giật mình, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu là do chàng cảm động trước thái độ tâm như tro tàn của Trịnh Bác Lão nhưng lập tức chàng liền phát hiện ra, không chỉ mỗi vậy, còn có những cảm xúc khác thường khác đáng nhói lên ở nơi vốn là trái tim chàng, từng tí từng tí, như kim đâm.

Bỗng có thứ gì đó thoáng qua tầm mắt.

Đàm Vân Sơn bất giác nhìn theo. Vách tiên vẫn vậy nhưng bên ngoài vách tiên hình như có thứ gì đó sáng lên rực rỡ như lưu ly.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương