Kiếm Lai (Dịch chuẩn)
Chapter 38: Chín cảnh giới.

Vẻ mặt Trần Bình An hoài nghi. Ninh Diêu trợn mắt nhìn, chỉ vào hàng chữ viết kia:
- Thật sự đọc là “cút” (lăn). Quyền này ngộ ra từ ngắm mưa ở Đại Ly, quyền thế lăn đi, gió quyền như mưa lớn vẩy mực, sau khi rơi xuống nhân gian thì lăn trên tường rồng ở hoàng cung Đại Ly, trút thẳng xuống dưới.

Trần Bình An tập trung nhìn mấy hình vẽ thế quyền liền mạch lưu loát kia. Giống như bày binh bố trận chen chúc trong một trang, cho nên mỗi hình vẽ người nhỏ vung quyền đều không lớn, hơn nữa vẽ bằng bút than cũng không được tinh tế cho lắm. May mà Trần Bình An tinh mắt, dưới ánh đèn lờ mờ vẫn nhìn rõ không sót điểm nào.

Sau khi thiếu niên nghe được những lời hơi khó hiểu của Ninh cô nương, bèn nói nhỏ:
- Nghe có vẻ thức quyền pháp này rất uy vũ dũng mãnh.

Ninh Diêu hơi ghé đầu sang nhìn mấy hình vẽ kia, gật đầu nói: 
- Có một chiêu quyền pháp đã truyền mấy ngàn năm trên giang hồ nhưng vẫn không thất truyền, có mấy phần giống với chiêu quyền phổ này.

Trần Bình An quay đầu tò mò hỏi:
- Nghĩa là sao?

Trong ánh đèn lờ mờ, lông mày dài của thiếu nữ hơi cong lại, như gió xuân thổi cong một nhánh đào.

Nàng nín cười nói: 
- Trên giang hồ có một bộ quyền pháp phù hợp với cả già lẫn trẻ, gọi là Vương Bát quyền, vung bừa một hồi, bảo đảm có thể “loạn quyền đánh chết sư phụ già”. (1)

Thiếu niên bất đắc dĩ nói:
- Nào có chuyện như cô nói.

Trong đầu Trần Bình An tưởng tượng một hồi, đây chẳng phải là sở trường quấy phá và tuyệt học thành danh của Cố Xán sao? Trong trí nhớ, rất nhiều năm trước hình như mẹ của Cố Xán cũng trải qua một cuộc tranh chấp không tốt đẹp gì.

Đó là chuyện xảy ra trước cửa một tiệm son phấn ở ngõ Hạnh Hoa, khi đó Cố Xán chỉ vừa mới biết đi. Bởi vì cha của Cố Xán là người xứ khác, lại thêm quanh năm không có ở nhà, từ lâu đã bị hàng xóm láng giềng ở ngõ Nê Bình quên lãng. Khi đó đám phụ nữ bắt đầu lo lắng, khi đàn ông nhà mình đi qua cửa nhà quả phụ họ Cố sẽ bất giác chậm lại, chỉ riêng quần áo bà ta phơi trên sào trúc cũng dễ dàng câu mất hồn phách của đàn ông rồi. Sau đó có một lần Mã bà bà triệu tập năm sáu vị phu nhân, dắt tay nhau đi chặn cửa nhà họ Cố.

Trong cuộc ẩu đả đó Cố thị chịu không ít thiệt thòi, nhưng đám người Mã bà bà cũng không chiếm được bao nhiêu ưu thế, xem như cả hai đều thiệt. Có điều càng về sau thì Cố thị càng thế đơn lực bạc, hai quyền khó địch bốn tay, ngay cả y phục cũng bị xé rách. Quần áo của bà ta vốn đã phong phanh, nhất thời khó tránh khỏi lộ ra cảnh xuân, càng làm cho đám phu nhân tự thẹn thua kém kia nổi điên, cào cấu cắn xé, dùng mọi thủ đoạn, khiến cho đám đàn ông xung quanh con ngõ nhìn đến nuốt nước miếng.

May mà khi đó Trần Bình An trùng hợp từ lò gốm trở lại trấn nhỏ, nhiều năm qua hắn vẫn luôn được Cố thị chiếu cố, cho nên đã chạy đến giúp mẹ Cố Xán ngăn cản rất nhiều chiêu thức âm hiểm. Từ đầu đến cuối thiếu niên giày cỏ đều không dám đánh trả, không phải Trần Bình An sợ rước lấy phiền toái, mà là sợ một quyền của mình sẽ đánh chết người.

Thời đó trong tiếng la lối chửi rủa của lão Diêu, thiếu niên đã đi qua vô số núi sông, mới mười hai mười ba tuổi đã đi một đoạn đường mà rất nhiều cụ già trong trấn nhỏ phải đi cả mấy đời.

Lúc ấy thiếu niên và phu nhân ngồi ở cửa viện, Cố Xán vẫn luôn bị nhốt trong cửa, có lẽ vì bà không muốn đứa trẻ nhìn thấy dáng vẻ chật vật của mẹ nó.

Thiếu niên quay đầu nhìn, chỉ vào vị trí khóe miệng cho phu nhân thấy.

Phu nhân tùy ý bĩu môi, sau đó dùng ngón cái lau vết máu nơi khóe miệng.

Đứa bé ở trong viện khóc đến xé nát ruột gan, liên tục gọi mẹ.

Phu nhân trước tiên cười với thiếu niên giày cỏ, sau đó trong thoáng chốc nước mắt lăn ra khỏi vành mắt.

Ngày hôm sau, bên cạnh thiếu niên giày cỏ đã có thêm một đứa con ghẻ bất đắc dĩ.

Câu hỏi của Ninh Diêu đã cắt ngang suy nghĩ xa xôi của Trần Bình An:
- Ngươi nghĩ gì thế?

Trần Bình An hỏi: 
- Cô nói xem, sau khi Cố Xán và mẹ nó rời khỏi trấn nhỏ, theo Tiệt Giang Chân Quân đến hồ Thư Giản, cuộc sống thật sự sẽ tốt đẹp sao?

Ninh Diêu hỏi lại: 
- Ngươi cảm thấy mẹ con bọn họ sống ở ngõ Nê Bình không tốt?

Trần Bình An ngẫm nghĩ:
- Thằng nhóc Cố Xán kia vốn vô tâm, tuổi tác lại nhỏ, nhất định không cảm thấy cuộc sống khó khăn. Nhưng mẹ của Cố Xán... chắc sẽ không cảm thấy trấn nhỏ là một nơi tốt, nhất là đám phụ nữ ở ngõ Nê Bình và ngõ Hạnh Hoa, bà ta chẳng thích một ai. Hơn nữa tôi thấy mẹ của Cố Xán dường như trời sinh đã không nên ở trong trấn nhỏ, bà luôn cảm thấy rất không cam lòng, theo cách nói của lão Diêu thì đó là lòng không ổn định. Đàn ông lòng không ổn định thì gọi là chí ở phương xa, còn phụ nữ lòng không ổn định thì muốn “hồng hạnh xuất tường” (2), tôi cảm thấy lời này không đúng lắm...

Ninh Diêu đột nhiên ngồi thẳng người, vỗ bàn nói:
- Tán dóc cái gì, còn muốn học quyền phổ không?

Trần Bình An giật mình:
- Ninh cô nương nói tiếp đi.

Ninh Diêu tức giận nói:
- Nói chuyện tu hành với ngươi cũng vô nghĩa, bởi vì ngươi đã định sẵn là không thể tu hành. Cho nên ta chỉ có thể nói với ngươi về võ học và võ đạo.

Trần Bình An đang định nói gì đó, thiếu nữ đã thản nhiên nói tiếp:
- Võ học trong thiên hạ phân làm chín cảnh giới, đương nhiên cũng có người nói trên chín cảnh giới còn có cảnh giới thứ mười, giống như các vương triều lớn đều nuôi dưỡng một đám cờ đợi lệnh (3)...

Nói đến đây tâm tình của thiếu nữ đã tốt hơn nhiều, cười híp mắt hỏi: 
- Trần Bình An, ngươi có biết “cờ đợi lệnh” là cái gì không?

Trần Bình An đương nhiên thành thật lắc đầu.

Trên mặt thiếu nữ tràn đầy vinh quang:
- Cao thủ cờ vây, phẩm cấp cao nhất là bậc chín, tương đương với quan lớn nhất phẩm trong quan trường. Nhưng có một số thiên tài trăm năm mới gặp, sẽ được khen là “danh thủ bậc mười”, sau đó những người này sẽ có đủ loại danh hiệu đặc biệt. Cờ đợi lệnh của vương triều Đại Ly các ngươi rất mất mặt, nghe nói bậc chín của các ngươi chỉ có thực lực ngang với bậc bảy của Tùy triều. Cả Đại Ly cũng chỉ có một kẻ danh hiệu là “Tú Hổ” (hổ thêu), được các kỳ thủ Tùy triều xem là đối thủ thật sự. À đúng rồi, ngươi biết cờ vây là gì không?

Trần Bình An gật đầu nói:
- Biết, cũng hiểu một chút quy tắc, nhưng lại không biết đánh. Trong nhà Tống Tập Tân và Trĩ Khuê có bàn cờ và quân cờ.

Thiếu nữ đầy vẻ mất mát:
- Vậy à.

Thiếu nữ lòng vòng cả buổi, thiếu niên vẫn không biết được “chín cảnh giới” rốt cuộc là gì.

Thiếu nữ dường như cũng nhận ra mình có vẻ không đáng tin cậy lắm, bèn hắng giọng một tiếng, rất nghiêm túc nói: 
- Mẹ ta từng kể, chín cảnh giới võ đạo, mỗi bước là một bậc thang. Nhưng cho dù ngươi lên được cảnh giới thứ chín, cảnh tượng cuối cùng giống như đang đứng trên một ngọn núi, ngẩng đầu nhìn về một ngọn núi khác phía xa lại chỉ thấy được giữa sườn núi.

Trần Bình An như có suy nghĩ:
- Tôi hiểu rồi.

Bởi vì thiếu niên đã tận mắt nhìn thấy cảnh này.

Thiếu nữ cũng không quan tâm thiếu niên có hiểu thật hay không, nói: 
- Chín cảnh giới võ đạo phân làm luyện thể, luyện khí và luyện thần, mỗi cái có ba tầng cảnh giới. Từng bước lên đỉnh, không thể thiếu bước nào, càng không thể sai một bước. Đi càng vững chắc càng tốt, nhanh hay chậm lại không quan trọng lắm, điều này hơi khác với tu hành.

- Ba cảnh giới luyện thể, tầng thứ nhất là cảnh giới Nê Phôi, nghe ý tứ đã biết, xù xì giống như con ngõ Nê Bình chỗ nhà ngươi vậy. Có điều tu tới đỉnh cao viên mãn, bản thân giống như một pho tượng Bồ Tát đất, tuy làm bằng đất nhưng cũng có vài điểm không tầm thường. Khí trầm đan điền, bất động như núi, xem như đã thật sự bước vào con đường võ đạo. Tóm lại tinh túy của tầng này là ở một chữ “Tán”, cùng với một chữ “Trầm”. Sư phụ chỉ dẫn có thể dễ dàng nhìn ra thiên phú của người tập võ cao hay thấp, ngộ tính tốt hay xấu.

- Tầng thứ hai là cảnh giới Mộc Thai, ngụ ý là thân thể của ngươi bắt đầu từ thô ráp dần trở nên mịn màng. Đến lúc đại thành, đường vân trên da tỉ mỉ có thứ tự, giống như toàn thân được khắc bùa chú. Tựa như... đúng, tựa như viên đá mật rắn lấy từ trong khe suối này, thực ra bên trong hoàn toàn khác với đá cuội bình thường. Ý nghĩa sâu xa của tầng cảnh giới này là “mở núi”, mở rộng kinh mạch, biến một kinh mạch chật hẹp như đường núi quanh co thành con đường rộng rãi có thể cho xe ngựa thông hành. Trong cảnh giới này sẽ lập tức phân biệt được căn cốt của người tập võ tốt hay xấu.

Khi nói những lời này, thiếu nữ áo đen giơ viên đá thiếu niên tặng lên cao.

Nàng nhìn chăm chú viên đá xinh đẹp dưới ánh đèn chiếu rọi, nhẹ giọng nói: 
- Cảnh giới cuối cùng của luyện thể gọi là “Thủy Ngân Kính”, máu huyết dày đặc như thủy ngân, trọng lượng lại càng nhẹ nhàng, khí huyết ngưng tụ hợp nhất. Muốn đột phá ngưỡng cửa cần phải vượt qua một kiếp, gọi là “Bồ Tát đất qua sông”. Có thể thành công đi qua ngưỡng cửa cuối cùng, trở thành cá chép vượt long môn hay không, còn phải xem vận may của người tập võ.

Trần Bình An nghe đến mơ mơ hồ hồ, ngây ngốc nhìn ngọn đèn dầu kia, ánh đèn chập chờn, tâm thần cũng lắc lư theo nó.

Thiếu nữ ngáp một cái, nằm gục xuống bàn, uể oải nói: 
- Nói đến đây xem như đủ rồi. Ba cảnh giới luyện thể đã ngăn cản tám phần võ nhân mới vào nghề, khó mà tiến thêm một bước. Nên biết nghèo thì học văn, giàu thì học võ, ngoại trừ quê nhà của ta ra, thiên hạ còn lại đều tuân theo đạo lý này. Dựa vào gia sản và thiên phú của ngươi, ta đoán đời này có thể đạt đến cảnh giới thứ hai đã nên đốt nhang tạ ơn rồi.

Trần Bình An hỏi: 
- Vậy làm sao luyện bản quyền phổ này?

Thiếu nữ khẽ nhướng mày:
- Ngày mai hãy nói đi, ta hơi buồn ngủ rồi.

Trần Bình An ừ một tiếng:
- Vậy tôi lấy sọt đi nhặt đá, ngày mai lại tới tìm Ninh cô nương.

Thiếu nữ nói: 
- Nếu ngươi yên tâm thì hãy để quyền phổ lại, ta muốn xem thử liệu có sai sót, hay có phải cạm bẫy gì đó hay không.

Trần Bình An cười nói: 
- Được, nhưng Ninh cô nương nhớ phải cẩn thận một chút, sau này ta còn phải trả lại nguyên vẹn cho Cố Xán.

Thiếu nữ quay đầu nhíu mày nói: 
- Ngươi phải nói mấy lần mới yên tâm?

Thiếu niên cười đi đến góc nhà vác cái sọt lên, lúc rời khỏi phòng không quên nhắc nhở: 
- Ninh cô nương đừng quên khóa cửa viện lại.

Thiếu nữ nằm sấp trên bàn, không quay đầu lại, xua xua tay, uể oải nói: 
- Biết rồi, biết rồi, sao ngươi còn nói nhiều hơn cả cha ta vậy

Thân hình thiếu niên như chim én, bóng dáng chui vào trong ngõ nhỏ.

Đến khi ước chừng Trần Bình An đã rời khỏi ngõ Nê Bình, thiếu nữ lập tức ngồi dậy, dùng ánh mắt như thấy kẻ thù nhìn chằm chằm vào bộ Hám Sơn phổ kia. Sau đó cả người trong nháy mắt sụp đổ, một lần nữa gục xuống bàn, mặt ủ mày chau, lẩm bẩm: 
- Thứ này làm sao mà dạy đây. Ta sinh ra đã có thân thể kiếm tiên hàng đầu trên thế gian, nào cần đi qua những con đường dưới chân núi này. Ta còn không nhớ hết tên của ba trăm sáu mươi lăm khiếu huyệt, từ trong bụng mẹ đã biết làm thế nào để khí tức lưu chuyển tự nhiên rồi...

Hai tay thiếu nữ vò đầu, bi phẫn tuyệt vọng.

Đột nhiên có một giọng nói rụt rè vang lên ngoài cửa:
- Ninh cô nương?

Thân thể Ninh Diêu cứng đờ, chậm rãi xoay người, nhìn thấy một gương mặt đen nhẻm rất đáng đánh.

Nàng nghiêm mặt không nói gì.

Thiếu niên nuốt một ngụm nước bọt, xin lỗi: 
- Tôi sợ cô quên khóa cửa nên tới nhắc một tiếng. Hơn nữa nếu Ninh cô nương buổi tối đói bụng, tôi có thể đến nhà Lưu Tiện Dương làm chút đồ ăn khuya mang tới cho Ninh cô nương trước, sau đó mới đi khe suối nhỏ.

Thiếu nữ vung tay lên.

Thiếu niên lập tức bỏ chạy.

Trên đường đi, trong đầu Trần Bình An đều là hình ảnh của thức thứ nhất trong quyền phổ.

Quyền đi người động, chân không rời đất, như lội trong bùn, thế như tuyết lớn ngang gối, chậm rãi bước đi.

Chính thiếu niên cũng không phát giác được, khi hắn định dựa theo đồ phổ luyện tập quyền pháp, bất giác đã thay đổi sự nhanh chậm dài ngắn của mỗi lần hô hấp.

Thậm chí thiếu niên còn có suy nghĩ khác người, luyện quyền trong nước suối chẳng phải sẽ càng tốt hơn sao?

---------

Trước người Tề Tĩnh Xuân đặt hai con dấu do đá mật rắn loại tốt nhất điêu khắc thành, cả hai đều không lớn, hơn nữa còn chưa khắc chữ.

Ban ngày người đọc sách trẻ tuổi khí chất ôn hoà như ngọc kia đến viếng thăm trường học, sau đó hai người nói chuyện riêng. Vị quân tử nho gia từ xa đến đã hỏi ông ta một vấn đề:
- Tiên sinh có muốn thừa kế di nguyện của một người, tiếp tục mang lại thái bình cho muôn đời?

Khi đó Tề Tĩnh Xuân trả lời: 
- Để ta suy nghĩ đã.

Đây hiển nhiên không phải là một câu trả lời khiến người ta hài lòng, nhưng vị quân tử trẻ tuổi  danh tiếng vang khắp nửa châu kia cũng không ép người. Chỉ hàn huyên với Tề tiên sinh ngưỡng mộ đã lâu, nói về phong thổ nhân tình trong trấn nhỏ và gió mây biến động ngoài trấn nhỏ, sau đó cáo từ rời đi.

Từ đầu đến cuối quân tử trẻ tuổi vẫn không hỏi thăm miếng ngọc bài kia xử lý thế nào.

Nhưng trong lòng Tề Tĩnh Xuân biết rõ, vị quân tử của thư viện Nho giáo Đông Bảo Bình Châu này có thể nhẫn nhịn, nhưng đôi Kim Đồng Ngọc Nữ của tông môn Đạo giáo, nhà sư giữ kinh của chùa Đại Thiện và Tiểu Thiện Phật giáo, thầy tu khổ hạnh nêu cao tên tuổi ở hải ngoại, cùng với nhân vật đại biểu cho Binh Gia, ba phương thế lực này nhiều khả năng sẽ không nể mặt thư viện Sơn Nhai, nhất là sẽ không nghe theo ý nguyện của ông ta, nhất định sẽ không do dự lấy lại vật trấn áp của từng thế lực.

Nhưng những chuyện này đều nằm trong dự liệu.

Tề Tĩnh Xuân ngồi ngay ngắn, tay cầm dao khắc, lần đầu tiên cảm thấy khó xử, không biết khắc chữ triện lên con dấu thế nào:
- Sát nhân thành nhân, hi sinh vì nghĩa. Dường như quá lớn với đứa bé này, không thỏa đáng, cũng không thuận lợi. Mưu cầu thái bình, đứng về chính nghĩa, có phải quá sáo rỗng hay không? Nhưng nếu là ba con dấu tiện tay khắc vội, hình như không có thành ý lắm?

Tề Tĩnh Xuân quay đầu nhìn bầu trời đêm bên ngoài cửa sổ, trong màn đêm đầy những chấm nhỏ, giống như những viên dạ minh châu treo trên một tấm màn đen.

Ông ta ngơ ngẩn thất thần, một hồi lâu mới khôi phục lại, một tay cầm con dấu lên, bắt đầu hạ dao.

Cuối cùng khắc ra bốn chữ triện “Tĩnh Tâm Đắc Ý” theo phong cách cổ xưa, đặc biệt chữ “Tĩnh” đứng đầu có thần ý dồi dào nhất, bao hàm vạn vật.

Tề Tĩnh Xuân nhẹ nhàng đặt con dấu trong tay xuống, mặt đáy hướng lên trên.

Ông ta giống như trút được gánh nặng.

Vị nho sĩ tóc mai trắng như sương này tâm ý khẽ động, vung tay áo lên. Chỉ thấy trên mặt bàn  nhanh chóng “gió thổi nước lan”, sông núi nhấp nhô lần lượt bày ra.

Cuối cùng Tề Tĩnh Xuân tập trung quan sát, nhìn thấy trong ngôi nhà tổ rách nát ở ngõ hẹp trấn nhỏ, thiếu niên và thiếu nữ ngồi kề vai, trò chuyện về tình huống đại khái của chín cảnh giới võ đạo.

Trên chín cảnh giới võ đạo còn có cảnh giới thứ mười.

Tề Tĩnh Xuân đã đọc rất nhiều sách, càng không xa lạ với triều đình giang hồ, dĩ nhiên hiểu được chuyện về võ đạo.

Gương mặt gần như cứng nhắc của ông ta hiện lên một chút ý cười.

Thế là vị thánh nhân nho gia trấn giữ một phương trời đất này đã bày một trò đùa không hại đến đại thể.

Ông ta khắc ba chữ triện lên con dấu cá nhân thứ hai.

Trần Thập Nhất.

---------

Chú thích: 

(1) Một vị võ sư học nghệ không lâu trở về nhà, xảy ra tranh cãi với vợ mình, bà vợ nổi nóng muốn đánh nhau. Võ sư nghĩ thầm ta học võ đã thành, chẳng lẽ còn sợ bà sao? Không ngờ còn chưa thủ thế xong, bà vợ đã nhe nanh múa vuốt xông lên, đánh cho ông ta mặt mũi bầm dập, không động đậy được. Sau đó người khác hỏi ông ta, “học võ đã thành sao còn thua dưới tay vợ”. Võ sư nói, “bà ta xuất quyền không theo chiêu thức nào, làm sao ta chống đỡ được”. Sau này câu “loạn quyền đánh chết sư phụ già” dùng để ám chỉ nếu không theo đường lối rõ ràng, đối phương sẽ không thể ngăn cản được. 

(2) Hồng hạnh xuất tường: cành hồng hạnh xuyên ra ngoài tường. Câu này trích từ bài thơ “Du Viên Bất Trị” của Diệp Thiệu Ông, nói đến việc người phụ nữ vượt ra khỏi ràng buộc của lễ giáo phong kiến, cũng ám chỉ việc phụ nữ ngoại tình.

(3) Cờ đợi lệnh: Một chức quan do Hàn Lâm viện Đường triều thiết lập, nhằm để chiêu mộ cao thủ cờ vây trong nước (thậm chí bao gồm nước ngoài). Trước thời Đường Huyền Tông thì kỳ thủ chỉ ngồi trong Hàn Lâm viện chờ thiên tử tuyên triệu, cũng không có chức vụ. Đến thời Huyền Tông mới chính thức lập ra chức quan, gọi là “cờ đợi lệnh”. Loại chức quan này không có phẩm cấp, tương tự như sứ giả bị sai phái, địa vị khá thấp trong Hàn Lâm viện.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương