Kiếm Lai (Dịch chuẩn)
Chapter 32: Lá đào.

Trần Bình An gánh nước về nhà Lưu Tiện Dương, đổ vào lu nước trong nhà bếp, sau đó chạy đến cửa phòng gọi:
- Lưu Tiện Dương, ta dùng một ít củi lửa dầu muối nhà ngươi, nấu canh cá cho Ninh cô nương tẩm bổ thân thể, được chứ?

Lưu Tiện Dương mặt mày vui vẻ đang ngủ nướng thêm một giấc, sau khi bị đánh thức liền tức giận hét lên:
- Họ Trần kia! Ngươi có phiền không. Ông đây vừa nằm mơ thấy Trĩ Khuê cười với ta! Mau đền Trĩ Khuê cho ta!

Trần Bình An lắc đầu, nhớ tới một chuyện bèn xin lỗi: 
- Ban nãy đúng là gặp được Trĩ Khuê ở giếng Thiết Tỏa, nhưng bị Mã bà bà quấy rầy nên đã quên thay ngươi chào hỏi. Đợi lát nữa ta đi đưa canh cá cho Ninh cô nương, cam đoan sẽ chuyển lời giúp ngươi.

Lưu Tiện Dương bật dậy như một con cá chép, nhanh chóng mặc quần áo vào, chạy đến ngồi ở ngưỡng cửa bên ngoài sảnh chính, nhìn bóng dáng gầy gò đang bận rộn trong nhà bếp, cười hề hề nói: 
- Lát nữa ta và ngươi cùng đi đưa canh cá. Đúng rồi, hôm nay có phải Trĩ Khuê mặc bộ váy quả lựu màu đỏ chót kia không? Hay là bộ màu xanh lá nhạt? Ài, chờ ta góp được hai trăm đồng tiền là có thể mua hộp phấn chạm rồng chỉ hơn trăm đồng kia rồi, ta biết cô ấy thích nó lâu rồi nhưng không nỡ mua.

- Đều là do tên Tống Tập Tân xấu xa cổ hủ kia, đúng là keo kiệt, mình thì ăn mặc giống như đám hèn hạ ở đường Phúc Lộc, đáng thương cho Trĩ Khuê quanh năm suốt tháng không được mấy bộ quần áo mới. Nếu đổi thành ta là thiếu gia nhà cô ấy, bảo đảm cô ấy thích thứ gì thì mua nấy, còn giàu sang hơn thiên kim tiểu thư ở đường Phúc Lộc, phải gọi là vạn kim đại tiểu thư!

Trần Bình An không để ý tới mấy câu vớ vẩn của Lưu Tiện Dương, hắn thật sự không hiểu tại sao Lưu Tiện Dương cứ khăng khăng thích Trĩ Khuê như vậy. Đương nhiên không phải xem thường cô là tỳ nữ của Tống Tập Tân, cũng không phải cho rằng Trĩ Khuê không xinh đẹp, chỉ là luôn cảm thấy cô và Lưu Tiện Dương nhìn thế nào cũng không giống như có duyên với nhau.

Trần Bình An tò mò hỏi: 
- Sao ngươi cũng gọi cô ấy là Trĩ Khuê, không gọi là Vương Chu nữa?

Lưu Tiện Dương nhếch miệng cười nói:
- Sau khi biết ngươi hóa ra cũng không hiểu hai chữ “Trĩ Khuê” viết thế nào, ta cũng không quan tâm nữa.

Trần Bình An bất đắc dĩ nói: 
- Ngươi so sánh với ta thì có tác dụng gì, so với Tống Tập Tân ấy, Trĩ Khuê cũng không phải nha hoàn của ta.

Lưu Tiện Dương giễu cợt: 
- Tên kia cũng không phải thứ gì cũng tốt hơn ngươi, chẳng hạn như đời này hắn đã từng gọi ai là “cha mẹ” chưa? Chưa đúng không, vậy chẳng phải là không bằng Trần Bình An ngươi sao? Cũng khó trách mẹ của Cố Xán, còn có đám bác gái Mã bà bà kia độc mồm độc miệng.

- Tên Tống Tập Tân kia cũng không phải loại đàng hoàng gì, nếu không vì sao không quang minh chính đại đến ở dinh thự của quan giám sát, lại muốn đến ngõ Nê Bình các ngươi chịu khổ? Tên này còn thích kiêu căng tự đại xem thường người khác, cho nên đáng bị người ta hắt nước dơ, mắng là đồ con hoang.

Trần Bình An đứng lên đi đến cửa nhà bếp:
- Lưu Tiện Dương, mặc dù ta và Tống Tập Tân cũng không xem là bằng hữu, nhưng ngươi nói người ta như vậy...

Lưu Tiện Dương vội giơ hai tay lên, kiên quyết không để Trần Bình An tiếp tục dông dài, gian xảo nói: 
- Ta không nói nữa, được chưa? Cái tính khí cứng đầu dở hơi của Trần Bình An ngươi học theo ai vậy? Ông nội ta từng nói cha mẹ ngươi đều rất tốt tính, nhất là mẹ ngươi nói chuyện nhỏ nhẹ, còn thích cười, tính tình tốt đến mức không biết chê vào đâu. Ông nội ta còn nói, năm xưa Mã bà bà gần như mắng hết mọi người trong những con ngõ gần đó, nhưng khi gặp mẹ ngươi thì chẳng những không khiêu khích mà còn tươi cười.

Trần Bình An cười đến không khép miệng được.

Lưu Tiện Dương phất tay đuổi người:
- Mau nấu canh cho cô vợ nhỏ nhà ngươi đi.

Trần Bình An trợn trắng mắt:
- Có bản lĩnh thì ngươi nói ngay trước mặt Ninh cô nương xem?

Lưu Tiện Dương cười nói: 
- Ngươi ngốc chứ ta không ngốc.

Không lâu sau Trần Bình An bưng một hũ sứ nhỏ ra, hai người khóa kỹ cửa nhà cửa viện, cùng nhau đi tới ngõ Nê Bình. Sau khi đến cửa viện Trần Bình An, thấy hắn thật thà gõ cửa, Lưu Tiện Dương mới biết hóa ra tên này đã để lại toàn bộ chìa khóa cửa nhà cho thiếu nữ áo đen. Hắn cảm thấy tên này đúng là không có thuốc nào cứu được nữa rồi.

Khi ở nhà thiếu nữ áo đen không mang nón che mặt, lúc mở cửa lộ ra một dung nhan thanh tú. Sâu trong lòng Lưu Tiện Dương hơi sợ hãi thiếu nữ nghiêm túc này, thậm chí thiếu niên cao lớn cũng không biết nguyên nhân.

Nếu nói là do tính tình lãnh đạm, Trĩ Khuê nhà kế bên chỉ có hơn chứ không kém, Lưu Tiện Dương vẫn có gan mặt dày mày dạn theo đuổi. Còn nếu nói là do thiếu nữ áo đen mang theo đao kiếm thì cũng không đúng, Lưu Tiện Dương đối chọi với đám con cháu nhà giàu ở đường Phúc Lộc, cho dù mấy lần bị chặn đường bao vây phải chạy thục mạng như chó nhà có tang, nhưng từ đầu đến cuối trong lòng thiếu niên chưa từng sợ hãi.

Nhưng hắn lại cảm thấy sợ cô nương xứ khác tên là Ninh Diêu kia.

Thiếu nữ áo đen ngồi bên cạnh bàn mở hũ ra, ngửi mùi vị, cặp mắt hẹp dài hơi nhíu lại, gật đầu ôn nhu nói:
- Cám ơn.

Trần Bình An quan sát kỹ càng tỉ mỉ, hắn biết đây là dấu hiệu tâm tình của thiếu nữ lạnh nhạt đang rất tốt.

Trước tiên Trần Bình An giúp nàng nấu một nồi cháo, bảo nàng chú ý độ lửa, sau đó nói với Lưu Tiện Dương:
- Ngươi chờ Trĩ Khuê ra cửa nhé? Ta phải đi đưa thư.

Lưu Tiện Dương đang ngồi trên ngưỡng cửa vểnh tai nghe ngóng động tĩnh bên kia, chỉ lo nghe được mấy tiếng động thần tiên vật lộn. Tâm tình thiếu niên cao lớn đang khó chịu, không nhịn được nói: 
- Ngươi lo chuyện của ngươi đi!

Trần Bình An rời khỏi nhà, khi sắp chạy đến đầu ngõ Nê Bình, đột nhiên phát hiện tầm mắt phía trước trở nên lờ mờ, bèn ngẩng đầu nhìn lên. Hóa ra đó là một người đàn ông cao lớn mặc một bộ áo dài trắng như tuyết, một tay để sau người, một tay đặt lên đai lưng bạch ngọc nơi bụng, nhìn về nơi xa.

Có lẽ nhận ra mình đang chắn đường trong con ngõ chật hẹp, người đàn ông khẽ mỉm cười, chủ động nghiêng người nhường đường cho Trần Bình An.

Trần Bình An nghi hoặc, tăng tốc rời khỏi ngõ Nê Bình, khi nhìn lại thì thấy người đàn ông đã chậm rãi đi vào ngõ.

Vừa rồi dù chỉ thoáng nhìn, Trần Bình An vẫn thấy được trên áo dài trắng như tuyết không nhiễm bụi trần, trước ngực và sau lưng đều thêu tơ vàng nhàn nhạt, loáng thoáng tạo thành hai hình vẽ, giống như có vật sống dạo quanh biển mây trên cao, trông rất kỳ diệu. Hắn cũng không suy nghĩ sâu hơn, chỉ cho là một người xứ khác giống như Phù Nam Hoa, muốn tới ngõ Nê Bình tìm kiếm cơ duyên.

Ngày đó sau khi theo Tề tiên sinh đến chỗ cây hòe già, thiếu niên giày cỏ đã không còn quá lo lắng, luôn cảm thấy chỉ cần Tề tiên sinh ở trong trấn nhỏ, nói khiêm nhường thì cho dù thật sự xảy ra chuyện cũng có thể cầu được một công đạo.

Lúc Trần Bình An chạy chầm chậm qua ngõ Hạnh Hoa, trông thấy thiếu nữ áo xanh gặp được đêm qua vẫn còn ngồi ở một tiệm hoành bên đó, mỗi tay cầm một chiếc đũa dựng thẳng trên mặt bàn gõ nhẹ, gương mặt rạng rỡ tròn trịa phúng phính hơi mang vẻ ngây thơ. Trong mắt nàng chỉ có hoành thánh đang nấu trong chảo nóng, không chú ý tới Trần Bình An cách đó năm sáu bước.

Đối với thiếu nữ áo xanh thì thức ăn ngon trước mặt, trời có sập xuống cũng phải ăn xong rồi mới chạy!

Từ đáy lòng Trần Bình An bội phục vị cô nương xa lạ này, cũng không quấy rầy nàng, mỉm cười tiếp tục chạy về phía đông trấn nhỏ.

Có một số người và chuyện, cho dù chỉ là phong cảnh ven đường, nhưng chỉ cần liếc nhìn vẫn sẽ khiến người ta cảm thấy rất đẹp.

Lúc Trần Bình An đi tới cổng rào phía đông, người đàn ông lếc thếch kia đang đứng trên gốc cây, nhún chân nhìn về phía đông ra xa, giống như đang chờ đợi một nhân vật quan trọng.

Trước kia Trần Bình An nghe đám người lớn tuổi tán gẫu chỗ cây hòe già, nói rằng khi quan giám sát đại nhân đương nhiệm lần đầu tiên đi vào trấn nhỏ, cảnh tượng rất phô trương. Đám người già của bốn họ mười tộc gần như xuất động toàn bộ, “tiếp giá” ở cửa đông thành.

Có điều sau khi đứng chờ dưới ánh mặt trời chói chang mấy canh giờ, cuối cùng một tên quản sự ở dinh quan lo lắng không yên chạy đến cửa đông, nói rằng quan giám sát đại nhân ngủ trưa ở hậu viện dinh quan vừa mới tỉnh, bảo mọi người cứ đến dinh quan gặp mặt là được, khiến cho đám lão gia nhà giàu tức muốn chết. Nhưng nghe nói sau đó khi vào cửa lớn dinh quan, lại không ai dám đánh rắm một cái, người nào cũng tươi cười giống như cháu ngoan nhà người ta vậy.

Trần Bình An vẫn luôn cảm thấy kỳ quái, đám người già kia sao lại nói giống như mình tận mắt nhìn thấy vậy. Mỗi lần nhắc đến mấy tin đồn ở đường Phúc Lộc, ngõ Đào Diệp là nói y như thật. Chẳng hạn như chuyện bà hai của Lư gia lén lút quan hệ với giáo đầu hộ vệ, lúc bị người ta phá vỡ cửa phòng, bà hai trong lúc hoảng loạn vớ lấy quần áo che bộ ngực lớn, kể lại một loại tình tiết không thiếu thứ gì, giống như người kể chuyện chính là giáo đầu hộ vệ kia vậy.

Mỗi lần Lưu Tiện Dương đều vừa nghe vừa nuốt nước miếng. Tống Tập Tân thỉnh thoảng cũng đến, dĩ nhiên là không dẫn theo Trĩ Khuê, hắn cười kín đáo hơn Lưu Tiện Dương một chút, nhưng khi lén lút đùa cợt với mọi người thì rất hăng hái, còn lớn tiếng hơn hai lần sáng chiều đọc sách thánh hiền.

Trần Bình An ngồi xổm bên cạnh gốc cây, kiên nhẫn chờ người canh cổng của trấn nhỏ.

Người đàn ông chửi đổng một câu, nhảy xuống gốc cây, sau khi liếc thấy thiếu niên giày cỏ thì không nói gì, chỉ đi vào nhà lá đất vàng cầm xấp thư ra. Sáu phong thư nhưng chỉ đưa năm đồng tiền.

Trần Bình An lật xem sơ qua địa chỉ thư, cũng không nói gì, bởi vì có hai phong thư là hàng xóm sát nhau ở đường Phúc Lộc. Trần Bình An cũng không muốn đòi món hời này, đương nhiên nếu người đàn ông kia nổi lòng tốt hiếm hoi đưa sáu đồng tiền, hắn chắc chắn sẽ không từ chối.

Trần Bình An nghĩ xong thứ tự đưa thư, thuận miệng hỏi: 
- Chờ ai à?

Người đàn ông liếc nhìn đường lớn rộng rãi phía đông, thở hồng hộc nói: 
- Chờ ông nội!

Trần Bình An không muốn ở lại làm đối tượng trút giận, vội vàng bỏ chạy.

Người đàn ông vừa bực vừa buồn cười nói: 
- Ái chà, còn là một tên biết đoán ý người khác.

Người đàn ông nhìn sắc trời, tiếng sấm cuồn cuộn đã không còn, tầng mây rũ xuống như muốn ép đến mái hiên đã dần dần tản đi.

Người đàn ông đặt mông ngồi lên gốc cây, thở dài nói: 
- Thần tiên đánh nhau, người phàm gặp họa.

---------

Sáu phong thư, bốn họ lớn Lư Lý Triệu Tống ở đường Phúc Lộc mỗi nhà một phong, còn có hai phong ở ngõ Đào Diệp. Trong đó vừa khéo có một phong thư là của ông lão hiền hậu lúc trước, càng trùng hợp là người mở cửa lấy thư vẫn là ông lão. Sau khi nhìn thấy Trần Bình An, ông lão nhận ra thiếu niên giày cỏ bèn nói đùa: 
- Cậu bé, không vào uống miếng nước thật sao?

Trần Bình An xấu hổ cười, lắc lắc đầu.

Ông lão cũng không cảm thấy bất ngờ, chỉ lấy một nắm tiền đồng trong tay áo đưa cho Trần Bình An, cười ha hả giải thích:
- Hôm nay trong nhà có chuyện vui, chút tiền mừng này ai gặp cũng có phần, cầu mong may mắn mà thôi. Không nhiều chỉ có mười mấy đồng tiền, cậu cứ yên tâm cầm đi.

Lúc này Trần Bình An mới cầm lấy tiền đồng, cười nói: 
- Cám ơn Ngụy gia gia!

Ông lão gật đầu, đột nhiên nói:
- Cậu bé, gần đây nếu không có chuyện gì làm thì nên thường xuyên đến dưới cây hòe ngồi một lát. Nhìn thấy dưới đất có lá hòe, nhánh hòe gì đó thì hãy cầm về đặt ở nhà, có thể phòng ngừa sâu kiến rắn rết, rất tốt mà còn không cần tốn tiền.

Trần Bình An đứng dưới bậc thang, cúi người cảm ơn ông lão.

Ông lão vui vẻ mỉm cười:
- Đi thôi đi thôi, kế hoạch cả năm bắt đầu từ xuân, thiếu niên hoạt động gân cốt nhiều cũng là chuyện tốt.

Thiếu niên chạy khỏi mặt đường đá xanh của ngõ Đào Diệp.

Ông lão đứng thật lâu ở cửa nhà, nhìn cây đào hai bên. Một nha hoàn trẻ trung vóc dáng thướt tha đi đến bên cạnh ông lão, nhỏ giọng nói: 
- Lão tổ tông, nhìn gì vậy? Bên ngoài trời lạnh, đừng để bị cóng.

Nha hoàn hầu hạ ông lão đã nhiều năm, biết lão tổ tông có lòng dạ Bồ Tát, cho nên chỉ kính trọng chứ không sợ ông lão, vẻ mặt tươi cười duyên dáng, hỏi dí dỏm: 
- Lão tổ tông, chắc không phải nhớ tới cô nương nào gặp khi còn trẻ đấy chứ? Lúc đó vị cô nương kia đứng dưới cây đào sao?

Ông lão tóc trắng xoá cười nói: 
- Đào Nha, cháu cũng giống như thiếu niên đưa thư kia, đều là “người có lòng”.

Nha hoàn được khen liền cười hồn nhiên.

Ông lão đột nhiên cười nói:
- Hai ngày tới có một người bà con xa đến thăm nhà, đến lúc đó Đào Nha cháu hãy dẫn theo mấy đứa trẻ trong nhà rời khỏi trấn nhỏ.

Nha hoàn ngẩn ra, thoáng chốc mắt đỏ lên, nức nở nói:
- Lão tổ tông, cháu không muốn rời khỏi nơi này.

Ông lão luôn rất dễ tính phất phất tay:
- Ta nhỉn quang cảnh trong ngõ thêm một lát, cháu về trước đi. Đào Nha, phải nghe lời, nếu không ta sẽ giận đấy.

Nha hoàn đành phải rụt rè rời đi, quyến luyến không nỡ.

Lá đào ở Ngõ Đào Diệp xanh tươi, nhưng chưa có hoa đào.

Ông lão khẽ thở ra một hơi khí đục, vượt qua ngưỡng cửa bước xuống bậc thềm, đi đến một cây đào gần nhất, đứng dưới cây thương cảm nói: 
- Đào tơ mơn mởn, hoa nở đầy cành. Thật sự không thấy được nữa rồi.

Ông lão nhìn lại ngôi nhà của mình, rủ rỉ nói: 
- Trấn nhỏ được trời ưu ái vốn đã không hợp đại đạo, ban đầu được đám thánh nhân cố gắng thay trời đổi đất, hưởng thụ khí vận lớn suốt ba ngàn năm. Người rời khỏi trấn nhỏ qua các thời kỳ, phần lớn đã vươn cành tỏa lá ra khắp Đông Bảo Bình Châu.

- Nhưng ông trời khôn khéo biết bao, cho nên đợi đến cuối cùng mới tính toán sổ sách, thu lấy thù lao của chúng ta. Đám nhỏ các ngươi còn không mau rời khỏi nơi này, chẳng lẽ muốn đi theo đám gốm cũ già yếu rách nát chúng ta chờ chết sao? Nên biết chết cũng phân ra lớn nhỏ, mấy ngàn nhân khẩu của trấn nhỏ chúng ta, một khi chết là chết lớn, ngay cả kiếp sau cũng không còn nữa.

- Cho nên hôm nay thừa dịp ông trời còn mắt nhắm mắt mở, đi được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu.

Ông lão vươn bàn tay khô ra vịn nhánh đào:
- Người có lòng, người có lòng, hi vọng ông trời sẽ không phụ.

Chẳng biết từ lúc nào bà nội của thiếu niên trí thức Triệu Dao cũng đã chống gậy đi đến gần bên này:
- Đã già sắp xuống lỗ rồi mà còn ngây thơ như vậy, chẳng khác nào đám mẹ già bôi son trét phấn, mặt mày đúng là khó ưa. Trong trận tai ương ngập đầu này, một chút lòng tốt của ông có thể thay đổi được gì sao?

Ánh mắt ông lão hơi ngơ ngẩn, nhìn bà lão mái đầu cũng trắng như tuyết, nói một câu khó hiểu:
- Cô tới rồi à.

Bà lão đầu tiên là sững sốt, sau đó lập tức thẹn quá hóa giận, cầm gậy đánh tới:
- Lão tặc không biết xấu hổ, già đầu rồi mà còn dám mồm mép ba hoa?

Gậy như hạt mưa rơi xuống người, ông lão đành phải bỏ chạy, nhưng lại cười ha hả.

Bà lão đứng dưới cây đào, vẫn còn tức giận, hối hận mình không nên mềm lòng ma xui quỷ khiến đến ngõ Đào Diệp này.

Cuối cùng bà lão ngẩng đầu lên, nhìn lá đào mới đâm chồi.

Bà lão từng bước từng bước trở về đường Phúc Lộc, gậy gõ vang từng nhịp trên phiến đá xanh.

Một trấn nhỏ an bình phồn hoa ngàn năm, không ngờ cuối cùng đều là kẻ đáng thương không có kiếp sau.

Quả thật không còn đường sống sao?

Nước suối dần cạn, nước giếng dần lạnh, hòe già càng già, xích sắt rỉ sét, mây lớn rũ xuống.

Năm nay lá đào không thấy được hoa đào.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương