Khí Vận Quốc Gia
-
Chương 8
P/s: Theo quan điểm của tác giả thì đã là con người thì bất cứ ai cũng có ưu và khuyết kể cả một vị vua. Nhân vô thập toàn chính là như vậy. Các chương khác nếu là khen và ca ngợi công lao của Đinh Bộ Lĩnh thì chương này luận về khuyết điểm của nhân vật này. Đây hoàn toàn là ý kiến cá nhân nên độc giả nào cảm thấy khó chịu xin vui lòng đọc tiếp chương khác.
-------+--------
Sai lầm thứ ba của vua Đinh Tiên Hoàng là lập tới năm vị Hoàng Hậu. Tất nhiên đứng sau năm Hoàng Hậu là năm thế lực ủng hộ cho nhà Đinh nên việc Đinh Bộ Lĩnh chơi trò cân bằng quyền lực cũng là điều dễ hiểu. Nhưng cân bằng quyền lực cũng có nhiều phương pháp, đâu nhất thiết phải phong tới năm hoàng hậu? Quá là trò đùa.
Theo thuật phong thủy, âm dương ngũ hành thì Nhất Vương Ngũ Hậu phạm hạn âm thịnh dương suy là có hại cho khí vận Hoàng Đế. Tần Thủy Hoàng phạm sai lầm Vô Hậu nên rơi vào hạn Cô Dương Vô Âm. Âm Dương không điều hòa nên chết sớm. Mà Đinh Tiên Hoàng thì phạm sai lầm Âm Thịnh Dương Suy nên thọ mệnh không dài.
Hơn nữa việc này cũng gây ra họa lớn từ hậu cung, rất dễ cháy và sự thật là đã cháy. Một con Phượng Hoàng có thể lãnh đạo cả bầy chim. Nhưng năm con khổng tước cùng xòe đuôi thì con nào chịu thua con nào?
Người xưa có câu: thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn. Đằng này làm vua mà suốt ngày lo dập lửa hậu cung thì còn tâm trí đâu, sinh lực đâu mà quản lý giang san, đất nước. Không phải tự nhiên mà từ xưa đến nay từ Đông sang Tây, từ Nam đến Bắc đều là nhất Đế, nhất Hậu. Họa này do tự mình gây ra, làm sao có thể sống lâu dài?
Sai lầm thứ tư của Đinh Tiên Hoàng là phế trưởng lập thứ. Con trai trưởng có đủ danh vọng, uy tín, năng lực, công lao thì không lập thừa kế. Đằng này vì sự yêu thích cá nhân lại lập đứa con thứ mới sáu tuổi lên làm thái tử. Cái này không những gây ra họa người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh mà khiến các con huynh đệ tương tàn, trở mặt thành thù. Có đạo lý rằng: chẳng sợ ít, chỉ sợ không công bằng. Cha không làm gương tốt sao các con hiếu thuận?
Sai lầm thứ năm của Đinh Tiên Hoàng là giao toàn bộ quân quyền cho Lê Hoàn nắm. Khi đất nước mới lập, chính quyền lại nghiêng về chính quyền quân sự, đất nước chỉ mới chuyển từ chế độ cát cứ sang trung ương tập quyền chưa được bao lâu và chưa có một chế độ chế tài phù hợp lại giao binh quyền của mình cho một thủ lĩnh cát cứ thì quả thật ngu xuẩn không ai bằng. Đậy chính là cái họa phản loạn. Mà sự thật lịch sử cũng diễn ra y như thế.
Lê Hoàn không những cho Đinh Tiên Hoàng đội nón xanh, cắm một cặp sừng to trên đầu. Đinh Toàn sợ rằng cũng không phải là con ruột của Đinh Bộ Lĩnh. Sau đó Lê Hoàn còn lập mưu giết chủ, cướp ngôi, bi thảm không ai bằng. Đúng là mô tip vợ người ta ngủ, con người ta giết, tài sản người ta xài. Cả đời vất vả, cuối đời hồ đồ đi may áo cưới cho kẻ khác.
Phạm nhiều sai lầm chí mạng như thế, Đinh Tiên Hoàng không chết thì ai chết bây giờ. Nghĩ đến đây Trần Trí Quang thở dài, khóc không ra nước mắt. Mình phạm vào cái tội nghiệt gì mà chuyển sinh vào cái gia đình đầy bi kịch và rối não như thế này. Trời ơi là trời...
Nội gian cầm quyền to như thế, trong nước nội loạn bủa vậy, ngoại bang thì hằm hè xâm phạm, chính quyền còn non yếu, quốc lực thì mỏng manh. Nhưng khó khăn vẫn chưa phải thế là hết. Tất cả mô hình kinh tế, chính trị, xã hội đều không có, mới chỉ dập khuôn chút ít từ Trung Hoa.
Giặc đói, giặc dốt hoành hành. Phật giáo tuy đứng sau lưng nhưng đây không phải là mô hình tư tưởng tốt để cai trị đất nước. Hơn nữa, Đạo giáo, nho giáo và đạo Mẫu cũng nhảy vào tranh vũng nước đục. Đứng sau các biến cố, sự kiện đều có cái bóng của tôn giáo hiện thân.
Yêu, ma, quỷ, quái, dã thú, rừng sâu, nước độc cũng vì thế mà hoành hành, tác oai tác quái. Ngày trước khi làm đề tài nghiên cứu thấy nhiều ghi chép về việc những danh nhân khi sinh ra đều có điềm lạ như thiên tượng hoặc điềm lành làm bạn. Rồi để chính danh cho các triều đại sinh ra đều có thơ sấm lưu truyền, thần phật báo mộng.
Thời đại này cũng là thời đại xây dựng rất nhiều chùa, miếu, đình, đền thờ, bên trong không những thờ Phật, Tiên, Thánh, Thần còn phong Vương, phong Hoàng cho những người có công. Chưa hết, nhiều nơi còn thờ yêu, ma, quỷ, quái hầm bà lằng. Lúc ấy, khi đọc được các chi tiết này hắn đều cười mỉa, cho rằng do dân trí ngu muội nên bị dắt mũi chứ làm chi có ma quỷ này nọ. Tất cả đều là do con người biên soạn mà ra.
Thế nhưng, giờ phút này hắn lại cảm thấy vô cùng hoang mang và sợ hãi. Những gì hắn đang trải qua quá huyền huyễn, quá hư ảo, quá kì lạ và tràn đầy những thứ không biết. Mặc dù nguyên chủ hắn đã 40 tuổi, hai kiếp nhân sinh cũng gần 80, sự thành thục trong tâm trí là không thể bàn cãi nhưng đối mặt với thực tại nghiệt ngã, hắn không thể nào che giấu sự sợ hãi nảy sinh trong nội tâm.
Thời đại này đất nước mới hình thành, luật pháp còn chưa có, xử phạt thì cảm tính thích thế nào xử như thế. Khắp nơi thổ phỉ tung hoành, anh hùng lớp lớp, kẻ mạnh làm vua, kẻ thua bỏ mạng, mệnh người không bằng cỏ rác.
Thời đại này con người cũng không phải thiện nam tín nữ. Không nói đâu xa, nhà Đinh có đại sư Khuông Việt đỡ đầu, nhà Tiền Lê có đại sư Đỗ Pháp Thuận sau lưng, nhà Lý có cái bóng của đại Sư Vạn Hạnh. Triều Tiền Lê thì Nho giáo xâm nhập để rồi triều Lý lập trường, lập miếu.
Giờ này, hắn nhìn đâu cũng thấy khó khăn, nhìn đâu cũng thấy trắc trở, nhìn đâu cũng thấy không sống nổi. Mà nếu chỉ lực lượng phàm nhân còn chưa tính, thế giới này còn có thêm các lực lượng siêu nhiên, vô hình. Hắn không biết mình sẽ tồn tại được bao nhiêu ngày. Cảm giác luôn có điêu dân muốn hại trẫm.
Tự an ủi mình phải bình tĩnh, Trần Trí Quang phải xem lại bản thân có những lợi thế gì. Chỉ có biết người biết ta thì mới có khả năng lách qua kẻ hở mà sinh tồn.
Đầu tiên, ta chuyển sinh vào vai Đinh Liễn một trong giao châu thất hùng (*), hiện tại là Nam Việt Vương cầm quyền triều chính đã lâu, lực ảnh hưởng là vô cùng lớn, đây là Lực.
Bản thân cũng là người thừa kế hợp pháp của triều Đinh đây là Thế. Sau khi tỉnh lại nhất định phải tìm cách mau chóng đoạt quyền, đăng cơ xưng Đế đây là Quyền. Có Thế, có Quyền, có Lực thì không gian thi triển quyền cước mới thoải mái.
Thứ hai, phải nắm chắc các thế lực ủng hộ đã có sẵn và thế lực của người cha tiện nghi để lại. Mặc dù Đinh Bộ Lĩnh là người cha không ra gì, trị vì thì phạm toàn những sai lầm chí mạng nhưng ít ra cũng là tay kiêu hùng, uy dũng vẫn còn, người ủng hộ không thiếu, ta phải tận dụng triệt để.(**)
Thứ ba, phải nhanh chóng làm sạch hoàng cung Hoa Lư, cung nữ, thái giám, ngự lâm phải tra xét, thanh tẩy, cần giết phải giết, cần thay phải thay, cần hạ chức phải hạ chức. Không thể để cái ổ chó của mình có sự ẩn nấp của lũ rắn độc. Nếu không chết lúc nào cũng không hay biết. Sự kiện đầu độc là hồi chuông cảnh báo. Không có sự giúp sức của nội ứng đánh chết ta cũng không tin.
Thứ tư, phải nhanh chóng tước quyền Lê Hoàn và tay chân. Thật ra, Lê Hoàn trên danh nghĩa nắm toàn bộ quân đội, tương đương với chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thời hiện đại nhưng thân tín cũng không phải toàn bộ. Đinh Tiên Hoàng không cho phép điều đó.
Nếu có, thì Lê Hoàn đã thẳng tay đem quân vào cung làm chính biến chứ không phải dùng cách hạ độc, tôn Đinh Toàn làm Vua, sau đó phế Đinh Toàn mới lên ngôi. Quá dài dòng. Chỉ có một lý do đó là Lực chưa đủ.
Tuy rằng, đại đa phần quân đội vẫn nằm trong tay các thế lực trung thành với lão cha tiện nghi nhưng không phải muốn tước quyền thì tước, muốn hạ bệ thì hạ. Làm không khéo lại phản thì nguy. Ngay tại thời hiện đại, đảo chính quân sự cũng không hiếm thấy. Buồn cười nhất là bên Châu Phi, nho nhỏ trung úy cũng dám đảo chính lật đổ tổng thống, thế mà lại thành công mới hay.
Thứ năm, phải tìm cách diệt trừ Dương Vân Nga, tốt nhất là đày vào lãnh cung, phế thằng em tiện nghi thành dân thường. Nếu có thể thì giết luôn cho an toàn. Dù sao đây cũng không phải là em ruột mình, mà cho dù là em ruột thì Đinh Liễn giết em đâu phải lần đầu? Hơn nữa, người không chết thì ta vong. Chuyện liên quan đến tính mạng, không điên lên thì không sống được.
Thứ sáu, ta còn có một người vợ và mấy đứa con tiện nghi mà Đinh Liễn để lại. Mặc dù ta chẳng có chút tình cảm nào nhưng trên danh nghĩa vẫn là vợ con ta. Phải tìm cách sắp xếp cho yên ổn. Nhất là phải diệt trừ nguy cơ tiềm ẩn con giết cha, anh em giết nhau đoạt gia tài. Cái này cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng.
Thứ bảy, thế giới này ngoài lực lượng phàm nhân còn có lực lượng siêu nhiên vô hình. Phải phòng bị từ xa. Xưa nay, vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Phải liên hợp Phật - Nho - Đạo - Mẫu làm một khối tạo thành nhánh quân đặc biệt chuyên diệt trừ yêu, ma, quỷ, quái. Nên gọi là gì đây nhỉ, Trấn yêu quân, Trấn ma vệ, Trấn quỷ điện ?
Cuối cùng, ta phải thực hiện triệt để chiến lược giấu mình, phát dục, chờ thời. Quyết tâm không ra khỏi hoàng cung khi chưa yên, không ra khỏi kinh thành khi chưa ổn, không cầm quân ra trận, không mạo hiểm trêu chọc thị phi.
Cái thời đại này vua chúa thi nhau cầm quân đánh trận để tỏ ra mình vũ dũng, kết quả ...thảm, quá thảm. Quân tử không đứng dưới bức tường đổ. Hoàng Đế không để mình lâm nguy. Thuật nghiệp có chuyên công. Việc chuyên môn nên để cho người chuyên nghiệp đi làm. Tuyệt đối không xen vào chuyện của người khác. Tuyệt đối cẩu đạo, tuyệt đối nằm ngửa.
---
P/s:
(*) Bộ "Việt sử tân biên" liệt danh sách "Giao Châu thất hùng", tức 7 anh hùng Giao Châu thời Đinh bao gồm: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng.
(**) Đinh Tiên Hoàng tuy có cha là Đinh Công Trứ một nha tướng của Dương Đình Nghệ nhưng gốc nông dân, không phải là một thế gia lâu đời. Vì thế trong hành vi và giao tiếp vẫn còn thói quen tiểu nông. Thời hiện đại, khoa học đã chứng minh để một người ở nông thôn đến thành phố sinh sống phải mất ít nhất 40 năm mới có thể lột xác hoàn toàn thành các thói quen thành thị.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook