Khí Vận Quốc Gia
-
Chương 7
Nói về Việt Nam thời kỳ này thì quả thật quá sức hỗn loạn. Trần Trí Quang xuyên về đây cũng thật là xui xẻo. Đất nước vừa mới trải qua 1117 năm bị các triều đại Trung Hoa đô hộ và cai trị. Sử sách gọi giai đoạn này là đêm trường nô lệ hay ngàn năm Bắc thuộc.
Mãi đến năm 938, khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, sau đó xưng Vương mới bắt đầu được coi là độc lập. Nhưng thời kỳ này cũng chưa được coi là một quốc gia tách biệt và độc lập hoàn chỉnh vì Ngô Quyền tuy xưng Vương nhưng xưng cho có.
Ông chưa lập quốc, nên chưa có tên nước. Sử sách chỉ gọi là nhà Ngô. Tuy trên thực tế có kiểm soát đất nước nhưng chỉ bằng lực lượng quân sự chứ chưa có hệ thống triều đình, quan lại cai trị...Tóm lại là ngoài cái việc tự xưng là Vương thì chẳng có gì cả.
Sau đó là tiếp tục 30 năm loạn lạc (938 - 968), các thế lực địa phương, thực chất là các gia tộc (thế gia, hào cường, địa chủ) không phục nhà Ngô nên đã tự cát cứ.
Các thế lực của người Hán đâm sâu bén rễ cả hơn ngàn năm nắm trong tay nền kinh tế, con đường thương mại, văn hóa tri thức lại thọc tay chọc phá cũng khiến tình hình chính trị trở nên rối ren căng thẳng.
Cũng may mắn là bên Trung Hoa thời kỳ này cũng đang loạn thành một bầy nên không rảnh tay quan tâm đến khu vực Giao Châu. Nếu không đêm trường nô lệ cũng không dễ dàng mà kết thúc.
Nói về vấn đề tàn dư người Hán, một mặt cũng vẫn phải cảm ơn họ đã mang đến cho chúng ta nhiều tài liệu, kỹ thuật, tri thức mặc dù mục đích của họ là khai thác thuộc địa, vơ vét của cải, nô dịch và hán hóa người Việt. Mặt khác, sự ăn sâu bén rễ của các thế lực người Hán cũng luôn là vấn đề gây nhức nhối cho các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần.
Giải quyết vấn đề này quả thực không dễ. Nhớ lại những năm 1975 - 1979, Tổng bí thư Lê Duẩn đã phải dùng độc kế để loại trừ sức ảnh hưởng của người Hoa. Một mặt ông quốc hữu hóa tất cả các công ty, xí nghiệp, cửa hàng, bất động sản trong đó sở hữu của người Hoa chiếm tới 60% toàn Miền Nam.
Sau đó lại đổi tiền, cấm giao dịch vàng ra nước ngoài, tung tin chính phủ Trung Quốc đón nhận Hoa kiều về nước. Những ai muốn ở lại Việt Nam phải thay đổi quốc tịch, nếu không sẽ bị trục xuất.
Kết quả là người Hoa mất hết tư liệu sản xuất (đất đai, cửa hàng, công ty, xí nghiệp, tiền bạc), hàng loạt người Hoa chạy về Trung Quốc hoặc chạy sang các nước Đông Nam Á. Số người Hoa ở lại Việt Nam đa phần nghèo khó hoặc đã bị Việt hóa trở thành một trong những sắc tộc thiểu số.
Đây cũng là nguyên nhân chính quyền Bắc Kinh cay cú, muốn "dạy cho Việt Nam một bài học" nên đã gây ra cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Đương nhiên, nguyên nhân khiến cho hai anh em Cộng Sản trở mặt thành thù cũng không chỉ có vậy nhưng đó cũng là một cái cớ hoàn hảo để Bắc Kinh xuất quân.
Việc đúng sai của chính sách này quả thật khó mà nói rõ nhưng giữa quốc gia với quốc gia thì chỉ có lợi ích trần trụi, nào có chữ tình, chữ nghĩa ở đây.
Quay trở lại bối cảnh thời nhà Đinh. Ngay khi dẹp loạn 12 sứ quân, chú ý là các thế lực lớn, các thế lực nhỏ lẻ thì vẫn còn, đợi thời cơ là phất cờ làm loạn. Suốt mấy trăm năm sau, các triều đại sau đó tốn không ít nhân lực, vật lực để đánh dẹp.
Đinh Bộ Lĩnh lúc này đã có danh xưng là Vạn Thắng Vương lên ngôi Hoàng Đế tự xưng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt niên hiệu là Thái Bình, định đô ở Tràng An thuộc đạo (tỉnh) Hà Nam Ninh, hoàng cung tên Hoa Lư , xây dựng triều đình với hai ban Văn Võ.
Tới đây, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ quân chủ phong kiến và được coi là ngang hàng với chính quyền phương Bắc lúc này là Đại Tống.
Nói ngang hàng là mình tự nói, tự xưng với nhau cho vui chứ ngoài mặt vẫn phải gọi nhà Tống là Thiên triều và vẫn nhận sắc phong của nhà Tống là Giao chỉ vương. Về thực lực kinh tế, chính trị, quân sự cũng là yếu nhất trong khu vực.
Phía Nam yếu hơn cả Champa, phía Tây thua xa Khơ me, phía tây Bắc thì không bằng Đại Lý, còn Bắc và Đông Bắc thì khỏi phải nói, nhà Tống là vô địch, không những vô địch châu Á mà quốc lực cũng vô địch thế giới lúc bấy giờ.
Thời kỳ Phong Kiến nghĩa là thời kỳ chế độ Phân phong và Kiến quốc, có 7 cấp độ phong tước như sau: Đế Hoàng, Vương, công, hầu, bá, tử, nam. Trung Hoa trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất thì mới chỉ có 6 cấp từ Vương trở xuống.
Khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi thì mới có cấp Đế Hoàng. Hoàng - Vua của các Vua, còn Đế là chỉ Thiên Đế - Vua của Thiên giới, Vua của chúng thần. Hoàng Đế là Thiên tử ( con trời) thay mặt Thiên Đế cai quản nhân gian.
Theo quan niệm thời xưa, vũ trụ bao gồm Tam giới, mỗi giới đều có vua đứng đầu. Thiên giới có Thiên Đế, Nhân gian có Hoàng Đế, Địa ngục có Diêm Đế. Thiên giới mạnh nhất nên trở thành người thống trị, Diêm Đế và Hoàng Đế đều là cấp dưới.
Vì thế Tần Thủy Hoàng Đế được coi là vị Hoàng Đế đầu tiên của Trung Hoa, nhà Tần cũng được coi là Hoàng triều, Đế triều hay Thiên triều. Trước đó, các triều đại đều được coi là Vương triều mà thôi.
Khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế thì có nghĩa ngầm nói mình ngang hàng với Hoàng Đế Trung Hoa, triều Đinh ngang cấp với Thiên triều nhà Tống. Nhiều nhà sử gia sau này ca ngợi ông là Tần Thủy Hoàng của Việt Nam. Điều này cũng có lý khi có nhiều chi tiết khá trùng lặp giữa hai vị Vua này.
Trong khi Tần Thủy Hoàng đánh bại sáu nước thống nhất Trung Hoa thì bên này Đinh Tiên Hoàng cũng đánh bại 12 sứ quân thống nhất Đại Cồ Việt. Tuy chất lượng không bằng nhưng hơn về số lượng gấp đôi.
Hai ông đều xưng Hoàng Đế nên đời sau gọi là Tần Thủy Hoàng Đế ( Hoàng Đế đầu tiên họ Tần) chữ Thủy có nghĩa là khởi đầu và Đinh Tiên Hoàng Đế ( Hoàng Đế đầu tiên họ Đinh) chữ Tiên có nghĩa là đầu tiên.
Cả hai ông đều thống nhất tiền tệ và tại vị đúng 12 năm sau đó đều chết bất đắc kỳ tử. Bên kia chết do bệnh, bên này chết do độc.
Cả hai triều đại đều diễn ra cảnh Huynh đệ tương tàn Thái tử bị thịt. Bên kia là em giết anh, hoàng tử Hồ Hợi giết thái tử Phù Tô, bên này thì anh giết em, Đinh Liễn giết Đinh Hạng Lang.
Cả hai triều đại đều chỉ tồn tại được hai đời hoàng đế sau đó thay triều đổi đại.
Chỉ có một chi tiết là khác biệt, thậm chí trái ngược hoàn toàn. Trong khi Tần Thủy Hoàng Đế cả đời không lập Hoàng Hậu (vô Hậu) nhưng lại có tới 3000 cung tần mỹ nữ. Đinh Tiên Hoàng Đế có tới 5 vị Hoàng hậu nhưng không có thêm cung tần mỹ nữ nào cả. Thật lạ lùng...
-----
Bàn về Đinh Tiên Hoàng, theo quan điểm của Trần Trí Quang thì người cha tiện nghi của hắn phạm phải ít nhất năm sai lầm lớn. (*)
Thứ nhất là việc xưng Đế lúc này là không nên. Danh khí quá lớn mà thực lực không đủ thì như người gầy vác mấy trăm cân, chỉ tổ gây họa. Nếu muốn thì hãy chờ quốc lực đủ lớn hãy xưng Đế như vậy danh mới xứng với thực.
Nước chúng ta thì bé tí, lúc này chỉ hơn 100.000 km2, quốc lực thì yếu ớt. Các nước Champa, Khơ Me, Đại lý to gấp 10 lần nước ta còn không dám xưng Đế, chúng ta căn cứ vào đâu? Chỉ để khẳng định chúng ta là quốc gia độc lập với Đại Tống ư?
Vậy sao khi nhà Tống sắc phong là Giao Chỉ vương cũng vẫn nhận mà không dám phản kháng?
Sau đó về nhà lại nói nhỏ với nhau là Ngoài Vương Trong Đế? Điều này có gì hay ho mà ca ngợi? Chẳng lẽ Vương triều thì không có độc lập?
Điều này không những gây khó chịu cho Đế quốc bên cạnh là Đại Tống mà ba nước giáp biên giới cũng thấy ghét bỏ. Vì thế, cứ khi rảnh tay là bốn nước này lại thay phiên nhau cho Đại Cồ Việt ăn hành. Thậm chí, nhiều lần còn bắt tay nhau đánh hội đồng Đại Việt.
Champa yếu nhất cũng có hơn 30 lần xâm phạm Đại Việt, hơn 10 lần đánh phá Hoàng thành Thăng Long đuổi vua tôi nhà Trần chạy như chó nhà có tang. Mãi đến khi các triều sau này mới học khôn chính thức bỏ Đế xưng Vương.
Thật ra, trên thế giới cũng không hiếm trường hợp tương tự, vì cái danh mà gặp họa. Ví như dân tộc do Thái, tự xưng là người Israel có nghĩa là Dân tộc duy nhất được Thượng Đế lựa chọn. Chọn cái tên kéo cừu hận như thế thử hỏi ai mà chẳng ghét.
Trong lịch sử dân Do Thái cũng là dân tộc không có nhà để về sau bao nhiêu ngàn năm. Thậm chí nhiều lần bị đồ sát tập thể. Lần gần nhất là khi Phát xít Đức tàn sát 6 triệu người Do Thái trong chiến tranh thế giới lần thứ 2. Phải xin xỏ, vận động mãi Liên Hợp Quốc mới phân cho một dẻo đất sa mạc của người Palestine tại dải Gara để lập quốc.
Mà nhắc tới chuyện này mới thấy kỳ lạ. Cả người Việt Nam và người Israel đều là 2 dân tộc duy nhất không bị đồng hóa sau mấy ngàn năm bị đô hộ, nô dịch. Người Israel dựa vào tôn giáo, người Việt Nam dựa vào tiếng nói và văn hóa làng xã. Có lẽ đây là số phận tương đồng chăng?
Sai lầm thứ hai của vua Đinh Tiên Hoàng là lấy tên nước là Đại Cồ Việt. Đại là vĩ đại, to lớn, Cồ cũng có nghĩa tương tự. To to lại bớt to, lớn lớn lại bớt lớn. Tưởng khí thế nhưng lại yếu thế. Gây tổn hại khí vận quốc gia.
Con người khi sinh ra thì tài sản đầu tiên mà họ sở hữu chính là cái Tên. Cái Tên sẽ đi theo cả cuộc đời. Tên mà hợp gặp may mắn, tên mà không hợp thì lận đận long đong. Cho nên việc đặt tên rất được mọi người coi trọng. Tên nước cũng không phải như vậy hay sao?
Phải chăng, về khía cạnh tâm linh, vì điều này mà triều đại chỉ kéo dài được mười mấy năm? Triều Đinh thực sự tồn tại được 13 năm với 2 triều vua, Ngay cả triều Tiền Lê cũng chịu chung số phận khi tồn tại được thời gian ngắn ngủi 27 năm với 3 triều vua. Đến thời nhà Lý bỏ tên nước là Đại Cồ Việt thành Đại Việt thì quả nhiên, vương triều hưng thịnh mấy trăm năm, không tin không được.
-------
P/s:
(*) Đây là quan điểm cá nhân của tác giả, không phải quan điểm của chính sử hay dã sử. Tác giả căn cứ vào các sử liệu kết hợp với việc xâu chuỗi các sự kiện diễn ra sau đó mà suy ra. Độc giả chỉ nên coi đây là quan điểm cá nhân. Không nên truyền bá chính thức.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook