Khí Vận Quốc Gia
Chương 205

Có lẽ dưới con mắt của những người hiện đại khi mà ai ai cũng biết đọc, biết viết, biết tính toán thậm chí có trình độ học vấn cấp hai, cấp ba thậm chí đại học đều là phổ biến; tiến sĩ, giáo sư cũng chẳng có gì hiếm lạ sẽ không thể hiểu nổi cảm xúc của dân chúng cổ đại đối với giáo dục và chữ viết.

Giống như người ta đi trên biển trong bóng tối nhìn thấy ánh sáng của ngọn hải đăng. Giống như người ta đi trên sa mạc nhìn thấy ốc đảo. Giống như người ta mấy ngày không ăn uống nhìn thấy chén cháo loãng.

Người có chữ thời cổ đại được tôn sùng như những người thầy khai sáng trí tuệ. Cho nên những bậc Thánh nhân đều có gắn chữ Tử phía sau Họ của mình như là Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Mặc Tử, Tuân Tử. Sĩ, nông, công, thương cũng chính vì lẽ đó mà được định hình cấp bậc trong xã hội Phong Kiến.

Mọi người sau khi bái lạy thì cùng nhau sáp vô Nguyễn Siêu để coi cho rõ chữ trên tờ giấy. Anh chàng hoảng sợ quá liền lui lại nói to: “Mọi người đừng vội vàng chen lấn. Hãy đứng giãn ra thành hàng, cháu sẽ đi qua giơ lên cho mọi người xem. Công văn này rất quan trọng không thể bị ướt hay hư hỏng…”

Dân làng nghe vậy cũng tạm dằn sự hiếu kỳ của mình xuống mà giãn ra thành từng hàng. Trẻ em phụ nữ đứng trước, đàn ông đứng sau. Thậm chí còn có những người còn kê hòn đá phía dưới để đứng lên nhòm. Thiếu úy Nguyễn Siêu cầm theo tờ giấy banh ra đi chậm từ trái qua phải trước mặt mọi người.

Dân chúng nhìn vào nội dung xuýt xoa trầm trồ. Tuy rằng bây giờ người không ra chữ, chữ cũng không nhận ra người nhưng chẳng thể nào cản được nội tâm vui sướng của những người nông dân đang chiêm ngưỡng quốc bảo. Nhất là tương lai ấy mỗi người đều được phép sở hữu. Không những bản thân mà còn con cháu đời sau nữa.

Mặc dù nhiều người vẫn chưa được xem một cách thỏa mãn nhưng cũng đã bớt đi sự hiếu kỳ. Nguyễn Siêu liền đưa tờ văn thư cho Nho sinh Tĩnh rồi nói: “Anh Tĩnh đọc cho mọi người nghe nội dung văn thư này đi. Tôi cũng chưa được học nên cũng không đọc được á”

Nguyễn Siêu đây là đang nói thật. Hắn được cấp trên giao cho cất giữ văn thư chứ chưa hề đọc được nội dung bởi hắn thật không biết chữ, cũng chưa được học. Người đi cùng hắn là Nho sinh Tĩnh từ Kinh Đô chạy tới sẽ làm nhiệm vụ ghi chép cũng như đọc nội dung văn thư này. Nho sinh Tĩnh trịnh trọng dùng hai tay tiếp lấy văn thư sau đó quay về kinh đô bái một vái rồi mới đi đến phía trước dân chúng cả làng.

“Tôi là Trần Văn Tĩnh, được lệnh của Chính phủ đi theo hỗ trợ chiêu quân. Nay tôi thay mặt quan quân đọc văn thư này, mọi người chú ý lắng nghe:

“Đại Việt Minh Hoàng Đế muôn năm,

Nước Việt Minh muôn năm,

Bộ Quốc Phòng Việt Minh cấp báo:

Nhận được tin báo từ biên giới phía Nam. Giặc Champa chuẩn bị xâm phạm nước ta. Chúng âm mưu cướp phá của cải của chúng ta, thiêu đốt nhà cửa làng mạc của chúng ta, giết người nhà của chúng ta, hãm hiếp phụ nữ, bắt bớ trẻ con của chúng ta.

Thay mặt Việt Hoàng Bệ Hạ Vĩ Đại, Thay mặt Đảng, Chính Phủ, Bộ Quốc Phòng nước Việt Minh ra tuyên bố: Khởi động chiến tranh toàn dân

Điều 1: Quân đội Việt Minh từ nay có tên gọi Vệ Quốc Quân

Điều 2: Vệ Quốc Quân được phép đến các thôn làng trong cả nước tuyển mộ tráng sĩ nhập quân

Điều 3: Các cơ quan địa phương phải phối hợp tạo điều kiện cho Vệ quốc quân hoàn thành nhiệm vụ

Điều 4: Những người trái lệnh hoặc cản trở nhiệm vụ sẽ chịu tội phản quốc và bị tử hình. Những cá nhận hoặc thôn làng phối hợp nhanh chóng sẽ được ghi nhận công lao cống hiến.

Điều 5: Chế độ cho thân nhân và thôn làng có người nhập ngũ thành công như sau:

a.Với Thân nhân người nhập ngũ

-Thưởng một lần 1200 đồng tiền đá

-Mẹ, cha, vợ và con cái binh lính sẽ được nhà nước bảo hộ và ưu tiên giúp đỡ hoặc giải quyết khó khăn

-Nếu binh sĩ hy sinh trên chiến trường thì bồi thường một lần 6000 đồng tiền đá, mỗi tháng chu cấp cho gia đình thân nhân 100 đồng tiền đá trong 10 năm, khi bị bệnh sẽ được nhà nước chữa bệnh miễn phí.

b.Với thôn làng của người nhập ngũ

-Thôn làng sẽ được thưởng 200 đồng tiền đá cho mỗi một binh lính được chọn làm quỹ công

-Những binh sĩ hy sinh trong chiến tranh sẽ được khắc lên bia đá và thờ cúng trong đình

-Xây dựng một nghĩa trang anh hùng liệt sĩ trong làng để hàng năm tế bái thờ cúng, anh linh binh sĩ cũng vì thế mà bất tử với non sông, sống bảo vệ đất nước, chết bảo hộ quê hương.

c.Với thân phận của Nô lệ người hầu

-Nếu người hầu được tuyển chọn đi lính thì thân nhân cũng được nhận quyền lợi như người bình thường

-Xóa bỏ thân phận nô lệ để trở thành người tự do bình dân

-Được nhà nước cấp ruộng vườn và tạo điều kiện học nghề

-Chủ nhân của nô lệ được bồi thường 2000 đồng tiền đá, được ghi vào công trạng tích lũy sau này

Tất cả mọi người dân, mọi cơ quan đều phải thi hành thông cáo này.

Tràng An ngày 25/11/12 (979)

Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng

Đinh Quốc Công Đinh Điền

“Trời ơi, đã đi lính lại còn có tiền bà con ơi. Gia đình có tiền, thôn làng cũng có tiền. Xưa nay chưa từng có”

“Người hầu kẻ hạ đi lính được trả tự do thân, hưởng quyền lợi y như bình dân, Sửu ơi Sửu cố gắng lên nhé.”

“Ta có nằm mơ hay không? Ngươi tát ta một cái”

“Bốp”

“Ái ui. Đau quá. Ngươi sao tát mạnh thế”

“Tại tao cũng sợ như đang nằm mơ”.

Dân chúng sôi trào kích động hoan hô. Thông báo này có giá trị vô cùng. Không thể tưởng tượng binh lính và thân nhân binh lính, thậm chí làng xóm cũng được Việt Hoàng đối xử có hậu như thế.

Không những có quyền lợi khi còn sống mà khi hy sinh cũng được thờ cúng đàng hoàng trong đình làng và thậm chí được lập nghĩa trang riêng để hàng năm cả làng bái tế. Vào đình làng nghĩa là được thờ cúng chung với Thành hoàng tức thần linh. Như vậy tên tuổi sẽ muôn đời được ghi nhớ.

Người Việt xưa nay trọng thanh danh, trọng âm phần nên rất chú ý giữ gìn mồ mả tổ tiên. Họ quan niệm dương thế nào thì âm cũng như thế. Sống trên dương gian ngắn ngủi, chết xuống âm phủ mới là vĩnh hằng. Họ thường khuyên bảo nhau rằng: “Sống như thế nào cho đạo đức để khi chết đi gặp lại các cụ không phải hổ thẹn. Sống mà thất đức là làm nhục tổ tiên dòng họ quê hương”. Cho nên quyền lợi được công nhận và thờ cúng kia tưởng chừng vô nghĩa với người hiện đại lại được người cổ đại vô cùng coi trọng.

Thông cáo này cao minh là ở chỗ không có cố thúc ép bắt buộc người khác tuân theo mà ngược lại khuyến khích người khác tự nguyện bằng cách cho người sống quyền lợi lại an bài thỏa đáng cho người tử trận. Cá nhân có chỗ tốt, gia đình có chỗ tốt, quê hương cũng có chỗ tốt. Có thể nói đã đánh trúng tâm lí của dân chúng khiến ai nấy đều bị kích động tinh thần, đốt cháy nhiệt huyết, hiến dâng sinh mạng.

Đinh Liễn quả thật rất giỏi lợi dụng triệt để tất cả mọi thứ trong tay, hắn nắm rõ nhu cầu mong muốn của từng đối tượng để đưa ra phương án phù hợp nhằm đạt được mục đích của mình. Nếu các nội dung Triều Hội là đòn đánh của hắn nhắm vào các thế lực quản lý thượng tầng của đất nước thì các chính sách an dân này lại là đòn đánh nhằm vào dân chúng phía dưới.

Tất cả các quyền lợi hay chính sách mà hắn đưa ra thực tế đều là bánh vẽ tức hiện tại chúng không có thật. Chúng chỉ có thật nếu như mọi người đạt được yêu cầu của hắn đã đưa ra. Nếu không đạt được chỉ tiêu thì cũng không nhận được phần thưởng. Cho nên hiện tại chúng chỉ là những lời hứa mà thôi.

Nhưng cái hay của nó lại ở chỗ hắn không sợ không có phần thưởng để ban cho mọi người. Và mọi người cũng không sợ hắn thất hứa. Đất nước này trên danh nghĩa là của hắn tức hắn là chủ nhân nên nhà cửa, đất đai, tài nguyên hắn mặc sức phân phối.

Tiền thì hắn có thể tạo ra nên hắn cũng chẳng lo không có tiền để cho. Chữ có sẵn trong đầu nên chỉ cần in ra và sao chép. Hắn thực tế chẳng mất mát gì mà chỉ được lợi hơn. Cái hắn cần là bày ra lý do để phân phối mà bất cứ ai cũng cảm thấy hắn phân phối công bằng, công chính.

Muốn người khác theo mình, muốn người khác làm việc tận lực, tận tâm, muốn có được lòng trung thành của người dưới thì ngươi với tư cách chủ nhân hay người lãnh đạo phải biết cho đi một cách hợp lý. Cho đi hợp lý là phải cho đúng cái mà người ta cần hoặc cái mà người ta khao khát có được. Nếu tiền bạc hay tài nguyên có hạn thì chí ít ngươi phải có những lời hứa, những chiếc bánh vẽ có thể thực thi trong tương lai.

Nếu ngươi làm chủ công ty mà chỉ chăm chăm vào việc bóc lột người dưới, thậm chí dồn họ vào tình cảnh khó khăn khốn cùng vậy thì cái ngày mà ngươi bị lật đổ hay công ty phá sản cũng không còn xa. Muốn nắm nhiều hơn đầu tiên phải học cách mở bàn tay ra, muốn nhận lấy thật nhiều trước hết phải biết cách cho đi thật nhiều. Đây là một chân lí muôn đời không thay đổi.

Ngoài ra thông báo này còn có ý khác thâm sâu hơn nữa. Đầu tiên, hắn muốn tạo ra thói quen sử dụng tiền tệ trong giao dịch và khuyến khích việc mua bán thay cho việc trao đổi hàng hóa trực tiếp như trước kia. Muốn thế hắn phải tìm cách đẩy tiền ra ngoài thị trường. Nhưng lại không thể bằng cách cho người dân một cách thoải mái kiểu hàng khuyến mãi. Thế cho nên dùng tiền mới làm phần thưởng hậu hĩnh cho thân nhân hoặc dân chúng có đóng góp và cống hiến là một phương án tuyệt vời.

Một đồng tiền đá quý có thể mua một cân thóc, 1200 đồng đá có thể mua được 1,2 tấn thóc đủ cho một gia đình ăn trong một năm. Khoản này coi như trợ cấp gia đình binh lính vì thiếu đi người lao động chính. 1200 đồng tiền đá cũng có thể làm được rất nhiều thứ như mua quần áo, đồ dùng, vật dụng như chén, đũa, bát, bình, lọ, thịt, cá, muối, mắm... Điều này sẽ kích thích người dân mua sắm và hình thành nên các chợ trao đổi hàng hóa.

Thâm ý thứ hai của thông báo này là nhằm vào việc giải phóng nô lệ. Lấy cớ chiêu quân để biến nô lệ thành bình dân và có bồi thường cho những người chủ là một cách khéo léo mà không làm mất lòng tầng lớp giàu có hay địa chủ, lại kích thích những người nô lệ cố gắng cống hiến. Đây là chiêu thức một mũi tên bắn hai con chim của Đinh Liễn.

Quay trở lại hiện trường, Thiếu Úy Nguyễn Siêu chờ mọi người bình ổn cảm xúc xong liền không khách khí ra lệnh sắp xếp công việc: “Vậy cháu phiền làng mình cử cho cháu 5 cụ già đức cao vọng trọng lại hiểu biết hết mọi người trong làng lên đây giúp chúng cháu. Các cụ ngồi bên phía tay phải cháu đây. Lại kê cho cháu một cái bàn nữa cho thầy Nho này ngồi ghi danh sách.

Thượng sĩ Hoàng phụ trách đo chiều cao, thượng sĩ Tuấn phụ trách đo cân nặng, thượng sĩ Minh phụ trách kiểm tra thân thể còn thầy Nho Tĩnh thì phụ trách ghi chép. Mọi người làm việc ngay lập tức.

Xin mời các tráng sĩ dự xét duyệt xếp hàng ngang đứng bên kia. Mọi người trong làng đứng xem thì qua bên đó đứng ạ.”

-----

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương