Kẻ Cắp Lịch Sử
-
6: Động Đất
Hai ngày sau, đại lễ bái sư diễn ra rình rang khiến giang hồ náo loạn một trận.
Từ xưa đến nay, Phóc Quan nổi danh là người không thích xã giao với người khác, do đó mỗi khi có lễ lạc hay dịp long trọng gì đó, mọi người chỉ tới dự mà không phải mang theo lễ vật, vì dù có mang theo thì Phóc Quan cũng sẽ từ chối thẳng thừng.
Nhưng nay, Phóc Quan gửi thiệp, mời mọi người đến đại lễ bái sư nom rất hoành tráng, hơn nữa trong thiệp còn viết rõ đây là người học trò cuối cùng của ông ta, vì vậy mọi người bèn đánh bạo mang lễ vật tới.
Trước sự kinh ngạc của mọi người, học trò của phái Tịnh Bồng vừa thu lễ vật, vừa ghi ghi chép chép lại để sau này trả lễ, vốn dĩ đây là quang cảnh thường thấy ở mấy buổi lễ lạc của các dòng tộc lớn, nhưng khi chuyện này xảy ra ở phái Tịnh Bồng lại khiến mọi người thảng thốt không thôi.
Vì lẽ đó, mọi người đều hiểu rằng người học trò cuối cùng này được Phóc Quan ưu ái vô cùng, sở dĩ Phóc Quan làm như vậy cũng là muốn tăng thêm thể diện cho nàng, vì nàng mà phá vỡ quy tắc của bản thân.
Đại lễ diễn ra vô cùng long trọng và không kém phần nghiêm trang, ngoài những Trưởng lão và học trò của phái Tịnh Bồng thì các môn phái lớn đều có mặt.
Sau khi lễ quỳ bái kết thúc, Phóc Quan cười ha hả nắm chặt tay Vi Hy, trang trọng tuyên bố với toàn thể mọi người đây chính là người học trò nữ duy nhất và cũng là cuối cùng của ông.
Bên dưới đài cao, mọi người vỗ tay ồ ạt, ai nấy đều cảm nhận thấy sự mừng rỡ của Phóc Quan.
Sau đó, Phóc Quan phất tay, ra dấu cho người mang vô số kỳ trân dị bảo trong kho riêng của ông ta ra, dõng dạc tuyên bố đây là lễ vật mà ông ta tặng cho học trò.
Bên dưới đài cao, có không ít người đỏ mắt ngứa răng.
Thuở trước, có biết bao nhiêu người đã đưa con cháu của mình qua đây đây, mong rằng con cháu mình sẽ lọt vào mắt xanh của Phóc Quan, được ông ta nhận làm học trò.
Không kể tới kỳ trân dị bảo gì cả, mà chuyện ở trước mắt là hai học trò của Phóc Quan đều trở thành cường giả vang danh giang hồ, thành thử ra trong lòng bọn họ ngứa ngáy không thôi, tìm đủ mọi cách để Phóc Quan nhận con cháu mình làm đồ đệ, thế nhưng cuối cùng đều công cốc.
Nay nhìn thấy Phóc Quan đối xử tốt với học trò như vậy, bọn họ đều cảm thấy không cam lòng.
Đáng tiếc hơn là Phóc Quan đã tuyên bố đây là người học trò cuối cùng của ông ta, bọn họ còn có thể làm gì được?
Xuyên suốt buổi lễ, Phóc Quan không hề nhắc tới chuyện muốn ấn định Vi Hy làm Trưởng môn phái Tịnh Bồng.
Mà nàng cũng không hề tỏ thái độ gì khác, vì nàng không cảm thấy nên hô hào rình rang đặng công bố chuyện đó.
Trong một môn phái, ngoài Trưởng môn ra thì còn có các vị Trưởng lão, Luận pháp, Chấp sự và các học trò, nói tới học trò thì cũng phân chia ra nhiều loại học trò khác nhau, như học trò tinh anh, học trò nội môn, học trò chân truyền…
Mà một môn phái muốn vững mạnh thì mọi người đều phải một lòng đoàn kết.
Nay, nếu Phóc Quan tuyên bố thẳng thừng rằng muốn ấn định nàng làm Trưởng môn đời kế tiếp, khi ấy ắt nảy sinh lục đục.
Phóc Quan là người kề cận bên nàng, đồng thời cũng là người tu luyện Huyền công, thành thử ra ông ta hiểu rõ khả năng của nàng tới đâu, vì vậy mới quyết định như thế.
Còn những người khác trong phái Tịnh Bồng thì lại khác.
Nếu nói ra, e rằng ngày vui sẽ trở thành ngày buồn, nội bộ tranh chấp khiến khách khứa cười cợt, chế giễu.
Mà nhân vật chính trong câu chuyện là nàng cũng sẽ bị đẩy lên đầu sóng ngọn gió.
Có câu "nếu không thể giải quyết vấn đề thì hãy giải quyết kẻ đưa ra vấn đề", có khi cả phái Tịnh Bồng sẽ coi nàng là kẻ thù cũng nên.
Thầy trò hai người chẳng nói với nhau câu nào, thế nhưng cả hai đều ngầm hiểu, nhìn nhau cười cười vẻ mãn nguyện.
Thầy mừng rỡ vì sự hiểu chuyện và tài trí của học trò, còn học trò thì cũng vui vẻ bởi sự chân thành và nhiệt tình của thầy.
Bấy giờ, Vi Hy gặp được hai người học trò nam của Phóc Quan.
Một người tên là Bách Tiễn, dịu dàng ôn hòa, một người tên là Tiên Mị, vẻ bề ngoài rất là lãnh đạm, tuy nhiên ấy chỉ là bề ngoài mà thôi, cả hai người anh lớn này đều có thiện cảm với nàng.
Đối với sự xuất hiện đột ngột của người em út là Vi Hy, bọn họ cũng vô cùng hoan nghênh, tặng cho nàng những thứ bảo vật vô cùng quý hiếm.
Hơn nữa, bọn họ còn dặn dò nàng, nếu nàng bị ai bắt nạt thì cứ nói với bọn họ, bọn họ nhất định sẽ cho kẻ đó biết tại sao nước biển lại mặn, ba anh em vừa nói vừa cười trông rất đỗi vui vẻ và hòa hợp, hoàn toàn không có cảnh tượng ngượng nghịu hay khó xử như nàng đã nghĩ.
—
Đại lễ bái sư vừa kết thúc, đương lúc khách khứa định từ biệt ra về thì thiên tai ập tới đột ngột.
Đầu tiên là mưa đá trút xuống không ngớt khiến mọi người vô cùng sửng sốt.
Sau khi mưa lớn ròng rã trút xuống suốt một ngày trời thì động đất lại ập đến.
Gần hai ngày sau thì trận thiên tai kinh thiên động địa này mới kết thúc, bốn phía trở nên hoang tàn, tan tát.
Tất thảy cây cỏ hoa lá đều bị đứt gãy, tróc góc, ngay cả cổ thụ lâu năm cũng không tránh khỏi; lúa lát rau quả thì không cần phải nói tới, một mảnh xác xơ tiêu điều, hư hại không còn sót lại chút gì; vô số căn nhà lá nhỏ ọp ẹp, không có nền cột chắc chắn đều bị bay sạch sành sanh, ngay cả những ngôi nhà to lợp ngói nguy nga cũng bị đổ nát… thiệt hại to lớn khó lòng mà đong đếm được.
Bấy giờ, Phóc Quan lại đang mừng thầm trong lòng.
Nếu không phải nơi này đang đông đúc, ngập tràn khách khứa hòa lẫn với bầu không khí lo lắng trùng trùng của mọi người, có lẽ Phóc Quan đã ôm Vi Hy mà xoay mấy vòng.
Sau khi nhận ông ta làm thầy, Vi Hy đã vô cùng kiên quyết, muốn ông ta lắp gỗ lên mái nhà, đồng thời gia cố lại toàn bộ nhà cửa…
Lúc đó, Vi Hy cũng có nói rõ dự cảm của bản thân với ông ta.
Tuy ông ta thấy rõ cô không hề nói đùa, hơn nữa lại rất nghiêm túc với việc này, chứng tỏ trong lòng cô có sự khẳng định vô cùng chắc chắn.
Thế nhưng từ xưa đến nay, con người ông ta luôn dựa vào bằng cớ xác thực để hành động, chưa bao giờ tin vào thứ gọi là "trực giác".
Do đó, dẫu ông ta đánh giá cao Vi Hy là sự thật, đồng thời cũng tôn trọng phán đoán của cô, chỉ là để ông ta hoàn toàn tin tưởng vào thứ gọi là "trực giác" thì hoàn toàn không thể.
Thành thử ra, Phóc Quan cũng nảy sinh một loại tâm lý tương tự với ông Đình.
Nàng đã kiên quyết như vậy thì cứ chiều theo ý nàng một chút, chuyện đó cũng không có hại gì cả.
Mấy ai ngờ đâu, thiên tai lại xảy ra thật.
Thành thử ra, nhờ có Vi Hy nên so với nơi khác thì phái Tịnh Bồng không có quá nhiều thiệt hại.
Nhìn những gương mặt hệt như vừa ăn mướp đắng của các vị khách đang tạm thời trú ngụ ở phái Tịnh Bồng để tránh thiên tai, Phóc Quan cảm thấy vô cùng may mắn, nếu không có sự giúp đỡ của Vi Hy, e rằng ông ta cũng sẽ có gương mặt méo mó như vầy, thiệt hại quá lớn khiến tâm tình của bọn họ vừa bất an vừa phẫn nộ, dẫu người đang ở chốn này nhưng tâm nóng nảy như lửa đốt.
Bởi trận thiên tai lần này quá lớn, mái ngói bình thường không thể nào chống đỡ nổi, dĩ nhiên là loại gỗ bình thường cũng vậy.
Loại gỗ mà Vi Hy muốn ông Đình và Phóc Quan lắp lên mái nhà chính là một loại gỗ trăm năm được nhân gian gọi là gỗ Cự Thạch vô cùng quý hiếm.
Bởi lẽ, dù có tiền cũng chưa chắc sẽ mua được nó, bởi lẽ gỗ Cự Thạch chỉ tồn tại trong chốn rừng thiên nước độc, muốn đốn hạ rồi mang trở về cũng là chuyện muôn vàn khó khăn.
Vì lẽ quý hiếm như vậy, nên nó có rất nhiều tác dụng, thứ mà Vi Hy nhắm tới là sự cứng cáp của gỗ Cự Thạch, so với đá thì chỉ có cứng hơn chứ không hề thua kém, chỉ có một loại gỗ như vậy mới có thể chống lại thiên tai.
Tuy vậy, sau khi thiên tai qua đi thì loại gỗ này đã bị oanh tạc đến sứt mẻ, từ đó có thể thấy được sự dữ dội của trận thiên tai lần này.
Nhưng nói thì nói vậy, chứ uẩn khúc ở bên trong đâu thể truyền ra bên ngoài.
Nếu nói ra, có chăng sẽ đẩy Vi Hy lên đầu sóng ngọn gió, hoặc giả còn chuốc phải họa sát thân.
Phần lớn khách khứa đến dự lễ bái sư đều bị kẹt lại phái Tịnh Bồng, trừ một số khách có việc bận, cáo biệt về trước.
Những người bị kẹt lại đều thấy rõ sự trù bị của phái Tịnh Bồng, dẫu gỗ Cự Thạch có bị oanh tạc đến tan tác đi chăng nữa thì phái Tịnh Bồng không hề bị tổn thất nhiều như những nơi khác.
Không cần nói đâu xa để chỉ ra sự khác biệt bởi nó nằm ngay trước mặt mọi người.
Từ lúc thiên tai ập đến cho tới khi thiên tai qua đi, các khách khứa vẫn yên ổn trú ngụ dưới một mái nhà, không cần phải chạy đông chạy tây trong lo sợ.
Do đó, không thể nào mà mọi người lại không cảm thấy thắc mắc với sự trù bị của phái Tịnh Bồng.
Thế nhưng câu trả lời của quá đỗi qua loa của Phóc Quan khiến mọi người chỉ biết nghẹn họng: "Ha ha, tôi có trù bị gì đâu, các vị nghĩ nhiều rồi.
Bỗng dưng tôi muốn lắp gỗ lên cho đẹp vậy thôi, nào ngờ may mắn quá đa."
Với câu trả lời như thế, dĩ nhiên là mọi người chẳng thể nói gì hơn.
Phóc Quan là Trưởng môn của phái Tịnh Bồng, dẫu ông ta ăn nói quàng xiên tới đâu đi chăng nữa thì bọn họ cũng chẳng thể tra hỏi hay hạch sách ông ta.
Thành thử ra, mọi người chỉ đành ôm lấy thắc mắc trong lòng mà rời đi.
Tuy vậy, trong lòng một số kẻ cũng không định bỏ qua chuyện này như thế, vì sự trù bị này không phải đơn giản, nếu họ cũng có khả năng như vậy thì…
Thiên tai vừa qua đi, khách khứa đều lục tục vội vã cáo từ mà trở về xem xét lại tư gia của mình, Ông Đình cũng không ngoại lệ.
Dù nhờ có Vi Hy mà thiệt hại về tài vật của ông Đình đã giảm đi đáng kể, thế nhưng vì trận thiên tai này quá lớn nên vẫn có rất nhiều chuyện cần ông Đình giải quyết, do đó hai vợ chồng ông không thể nán lại lâu hơn.
Hai thầy trò Vi Hy bịn rịn không thôi mới có thể nói ra lời từ biệt với vợ chồng ông Đình.
Đồng thời cũng không quên hứa hẹn ngày tái ngộ, còn bà Cả thì cứ thút thít cứ rơi nước mắt không ngừng, bà thật sự không nỡ rời xa con gái.
"Bé Hy ơi… con… con nhớ giữ sức khỏe nhen hôn.
Rồi học cho mau đặng còn về với má… má nhớ con mà thắt hết ruột gan con à…".
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook