Hỏa thần: Cửu Hà long xà (BẢN DỊCH)
-
Chapter 52 Quyển 9: Lửa đốt cửa sông Tam Xá (Thượng)
Chương 9: Lửa đốt cửa sông Tam Xá (thượng)
Tiết 1:
Kim phong tồi chiết tú lâm thụ,
Cuồng lãng bài đảo cao ngạn đê;
Yêu ma tác loạn long xà địa,
Định hữu chân quân bảo Thái Cực.
Tạm dịch:
Kim phong bẻ gãy cả rừng cây,
Sóng cuồng ập tới cao hơn bờ;
Đất long xà yêu ma làm loạn,
Định sẽ có chân quân giữ gìn.
Trước ấy có nói đến vào Phân Long Hội hai mươi lăm tháng năm, Trương Mù âm thầm đưa lệnh bắt âm ti cho Lưu Hoành Thuận, Phi mao thối trên đường Âm Dương đại nạn không chết, đồng thời diệt hết tứ đại hộ pháp của Ma Cổ Đạo. Sáng hôm sau, Lý Lão Đạo mang Tôn Tiểu Thúi đến Sở Cảnh sát Miếu Hỏa Thần báo án. Mọi người tìm được một thi thể không đầu ở lò gạch đầu Nam gần Bạch Cốt Tháp, từ dấu vết trên bụng, thì hình như là ông từ Hải Lão Ngũ của miếu Long Vương Cửu Hà. Lúc Lưu Hoành Thuận sai người đăng báo chính phủ, đột nhiên nghĩ tới ngày hôm nay cửa sông Tam Xá xảy ra chuyện lớn, đa số người của đội tuần cảnh, đội Truy nã, đội cảnh sát đều đi cửa sông Tam Xá, không bị điều cũng chạy đi xem náo nhiệt. Bởi vì ngày này là hai mươi sáu tháng năm âm lịch, trước đấy trời mưa to như trút nước, mực nước của đường sông khắp nơi dâng lên, gần như tràn qua bờ đê, vượt qua thuyền đồng!
Cửa sông Tam Xá cột buồm mái chèo như cây, tàu thuyền lớn nhỏ đi qua đi lại, trên sông không có thứ khác nhưng lại có đầy thuyền, qua thuyền đồng thì có gì đáng ngạc nhiên, mà phải hưng sư động chúng như vậy chứ? Đó là bạn có điều không biết, qua thuyền đồng không phải chuyện tầm thường, đối với dân chúng địa phương mà nói, tuyệt đối là chuyện náo nhiệt hàng đầu, không có chuyện gì có thể so sánh được. Hay có câu “Dựa núi ăn núi, dựa sông ăn sông”, Cửu Hà hạ sao Thiên Tân Vệ, ba cây cầu nổi cửa khẩu hai*, có bao nhiêu người dựa sông ăn sông chứ? Phường hội các phái bạn đều đã đếm không hết, Tào bang** trên kênh đào, phu khuân vác lắp thuyền dỡ thuyền, đánh cá mua bán cá, ổ côn đồ khoanh tay cầm thuê, đều là mỗi bên quản một khối, mỗi bên trông một phương. Duy chỉ có chiếc thuyền đồng kia, người nào cũng không quản được. Chẳng những không quản được, vẫn còn có quy củ hoàng thượng lập vào những năm đầu, chỉ cần thuyền đồng đi tới, tất cả đội thuyền đang đi trên sông đều phải né tránh, cho dù là thuyền quan, thuyền quân cũng không phải ngoại lệ. Tôi nói như thế, nghĩa là ngay cả thuyền ngự hoàng thượng ngồi, cũng phải nhường đường sông cho nó, chậm một chút thôi cũng không được. Cũng không phải là thuyền đồng có thế lực, có thế lực đến đâu thì còn lớn hơn cả hoàng thượng được chắc? Chỉ vì trên thuyền đồng chất đầy đá đồng, qua đây từ trên biển, trải qua cửa Đại Cô tiến vào kênh đào. Bởi đội thuyền cực lớn, tải trọng nặng nhất, nước ăn sâu nhất, kéo đến cả một đội tàu, trên đường đi rất khó để thay đổi tuyến đường, một khi làm kênh đào tắc nghẽn, vậy thì ai cũng đừng hòng đi qua. Nếu có con thuyền nào không nhường đường, hoặc là né tránh chậm chạp va chạm với thuyền đồng, thì đều bị đụng như nhau cả, hơn nữa có đụng cũng không đụng lại thuyền đồng.
Thời gian thuyền đồng đi qua cũng không cố định, chỉ là thời điểm trước hoặc sau Phân Long Hội, khi mực nước kênh đào lên cao nhất, năm nay ngày ấy được chọn vào ngày hai mươi sáu tháng năm âm lịch. Hôm ấy trên cửa sông Tam Xá rất náo nhiệt, toàn bộ dân chúng thành Thiên Tân đều chen đến quan sát, thuyền đồng lớn còn to hơn cả quân hạm, xếp thành một đội, khá là đồ sộ, một năm chỉ có thể chứng kiến cảnh này một lần, năm nào khô hạn còn không có. Miếu Long Vương Cửu Hà phái một con thuyền rồng mở đường đằng trước cho thuyền đồng, trên thuyền rồng cờ quạt bay phấp phới, pháp cổ cùng kêu vang. Ông từ Hải Lão Ngũ giả trang thành Long Vương Gia, cầm cờ lệnh trong tay, đứng trên đầu thuyền làm phép, ném các loại tế phẩm vào trong sông, “heo dê bò tam sinh, lúa thóc kê mạch đậu ngũ cốc, điểm tâm đào thọ, bánh bao màn thầu” vân vân, và còn nhiều nữa. Dựa theo cách nói mê tín, bởi vì thuyền đồng quá lớn, nên khi nó đi qua sông, thủy phủ của Long Vương Gia cũng phải bị rung lắc, cho nên mới cần nhiều tế phẩm như vậy để cầu Long Vương Gia bớt giận.
Lưu Hoành Thuận chợt nghĩ: “Long Vương Gia” trên thuyền rồng vẫn luôn là Hải Lão Ngũ, đã gần mười năm không thay đổi. Nếu như tử thi không đầu trong mộ đích thực là Hải Lão Ngũ miếu Long Vương Cửu Hà, vậy hôm nay ai sẽ làm phép trên thuyền rồng? Có phải là có người giết hln, rồi ném vào mộ lò gạch đầu Nam, chỉ để giả trang thành Hải Lão Ngũ trên thuyền rồng không? Nghe ý trong lời của Lý Lão Đạo, thì án này có liên quan tới Ma Cổ Đạo, ta phải mau chân tới cửa sông Tam Xá xem, thứ nhất đây là công việc của chính phủ, thứ hai là nhìn xem người trên thuyền rồng rốt cuộc là ai. Thế là phân phó hai người Trương Sí, Lý Xán mang Tôn Tiểu Thúi đi Sở Cảnh sát hồ chứa nước để lấy khẩu cung, xử trí tử thi, anh ta và Đỗ Đại Bưu thì đi cửa sông Tam Xá tìm kết quả.
Lý Lão Đạo gọi Lưu Hoành Thuận lại, nói Lưu gia anh đừng đi vội, vẫn còn cần mang theo một vật nữa, vừa nói ông ta vừa móc ra một xâu tiền âm cho anh. Đây cũng là lần thứ hai Tôn Tiểu Thúi hiến bảo, y xuống Sơn Đông lấy được chín đồng tiền yếm thắng, chúng bị Lý Lão Đạo dùng dây đỏ xuyên thành hình cửu cung bát quái. Trấn vật này có tên là “Quỷ Đầu Vương”, chỉ cần là cô hồn dã quỷ thì đều sợ nó, mang theo bên người như hổ mọc thêm cái, trừ Lưu Hoành Thuận ngươi ra, không ai có thể áp nó được. Ma Cổ Đạo nhiều lần gây án ở thành Thiên Tân, đều quay xung quanh cửa sông Tam Xá, cách nói mượn rồng đoạt bảo tuy chỉ là lời vô căn cứ, nhưng e rằng sẽ còn có mưu đồ khác, nói không chừng sẽ thừa dịp thuyền đồng qua cửa sông Tam Xá mà gây ra mộ hồi nhiễu loạn lớn.
Tính tình Lưu Hoành Thuận như lửa, sợ để lỡ chuyện quan trọng, không kịp nghe Lý Lão Đạo nhiều lời, bèn nhận lấy tiền yếm thắng nhét vào lòng rồi bước nhanh như bay đến cửa sông Tam Xá. Qua trưa thuyền đồng mới đến, bây giờ thời gian còn sớm nhưng bên bờ sông người dân đã đứng đầy, người kề bên người người đẩy người, đông nghìn nghịt, kề vai sát cánh, vây cửa sông Tam Xá chật như nêm cối, còn đưa tới rất nhiều tiểu buôn, có người bày rạp ở bờ sông, có người gánh đòn gánh len lỏi qua đám người, ăn uống chơi đùa, đủ loại cái gì cũng bán, đều tới đây vào hôm ấy để kiếm tiền. Nói khoa trương chút, nếu bán được nhiều một ngày có thể bằng cả một năm, liền nói về việc bán trà lạnh, vào ngày thường một ấm lớn tùy tiện uống, uống đến ói ra cũng chẳng được bao nhiêu đồng, đổi mấy bình trà lạnh phát là hết ngay. Nhưng vào ngày ấy lại khác, người hóng hớt tấp nập, kề vai sát cánh, vừa nóng vừa khát, năm đồng một chén, không uống trà lạnh không được, bạn thích hay không vẫn phải uống. Bán hoa quả thì càng ghê hơn, bình thường bán theo giỏ, hôm ấy hoa quả đều được cắt ra thành miếng nhỏ, một khối nhỏ hai ba đồng, kiếm được tiền gấp cả mấy lần, thật ra đều là quả bị hư một nửa rồi, cắt phần hư đi, chê đắt thì bạn đừng mua. Chẳng qua có một điều thế này, tiểu buôn bán với giá cao, nhưng không phải kiếm cho mình thôi, còn phải chừa lại một phần tiền thu cho đội bảo an tuần cảnh địa phương nữa, với cả đừng thấy dân chứng phải tốn nhiều tiền, mấy người mặc đồ ăn vẫn ăn chùa lấy không như thường. Dân gian Thiên Tân Vệ gọi ngày này là “Hội thuyền đồng”, còn náo nhiệt hơn cả mấy ngày hội chùa lớn nữa.
Trong số những tiểu buôn có một người hấp dẫn ánh mắt của người khác nhất, trên huyệt thái dương dán nửa miếng thuốc cao, mặt đầy rỗ lớn rỗ nhỏ, mặc bộ áo dài cũ nát, ngồi xổm ven đường hét với giọng Thiên Tân đặc sệt, chính là Kim Mặt Rỗ tôi đã đề cập trước đấy, ngày hôm nay cửa sông Tam Xá náo nhiệt như thế, là cơ hội làm ăn tốt khó có được. Nhưng y tới không phải để bán “bàn chải sắt”, thuốc bán thai làm gì có nguồn tiêu thụ ở chỗ đó. Mùa này đương lúc khí trời oi bức, là lúc dễ bỏ ăn phát cáu nhất, nên y cố tình phối mấy bình thuốc nhân đan qua đây bán. Nhân đan sớm nhất được lưu truyền từ Nhật Bản, nhân trong nhân nghĩa, viết ra là nhân đan, dùng để giải nóng nâng cao tinh thần, sau đó người châu Á chống Nhất hóa, tự mình nghiên cứu chế tạo ra “nhân đan”, không những giải được nóng mà còn có khả năng giảm bớt nhiều bệnh tật, cũng có tác dụng với tỳ vị nữa. Nhân đan Kim Mặt Rỗ bán là do chính y làm, tìm mấy đường bán thuốc mua mấy viên kẹo thuốc có vị nhân đan, về nhà dùng cây cán bột mài thành phấn, trộn với bột bắp rồi thêm nước vào, vo lại cho thành viên, lại vẽ màu, vừa có vị ngọt vừa có vị thuốc, chỉ có điều không có công dụng thôi, đơn thuần là gạt người, thế nhưng hôm ấy có quá nhiều người, mọi người chen nhau mồ hôi đầy đâu, trước ngực sau lưng đều ướt đẫm, vì phòng bị cảm nắng mà tranh nhau mua, chỉ chốc lát sau Kim Mặt Rỗ đã bán hết nhân đan. Kim Mặt Rỗ lại móc đại lực hoàn ra bày trên đất, y tính thế này, ngày hôm nay toàn bộ côn đồ trên Thiên Tân Vệ đều tụ tập ở đây, không một ai là hiền lành, vì đánh nhau mà tới, đại lực hoàn của ta vừa lúc bán cho bọn họ. Thật ra thuốc này là bột thuốc còn dư lại trong các hiệu thuốc khi sắc thuốc thay khách, mấy bột phấn lúc trước đều bị đổ ra đường, Kim Mặt Rỗ chọn mấy thứ này, không dính vào nhau được thì sao đây? Nấu một nồi cháo gạo nếp, đổ bột thuốc vào trộn đều, lại lần nữa vo thành viên thuốc. Làm như vậy còn có một chỗ tốt, tuần cảnh qua đây quản y bán thuốc lậu thì nói: “Phó gia, đây là thiết cao hoàn, chỉ để no chứ không chưa bệnh, nếu không ông cũng nếm thử xem?” Tuần cảnh cũng phải bó tay với y, biết đây không phải thứ tốt gì, có cho không cũng không cần.
Bụng dạ của Kim Mặt Rỗ đều dùng trên việc này, y giống với mấy người bán thuốc lậu bình thường, cũng có một bộ buôn bán: “Các vị già trẻ lớn bé nhìn đây này, đúng lúc hôm nay đấu thuyền đồng, tôi lấy bảo bối gia truyền ra, qua hôm nay là không còn nữa đâu, bảo bối gia truyền gì thế? Một là hổ cốt tráng cân đan, hai là hóa thực đan, nếu nói ông không biết hai cái tên này cũng không sao, còn có một cái nổi danh tên là đại lực hoàn bát bảo thập toàn bách bổ anh hùng! Ông hỏi bát bảo nào? Trân châu, tê giác, hùng hoàng, hổ phách, long cốt, chu sa, long não, xạ hương! Thập toàn nào? Đảng sâm, bạch thuật, phục linh, cam thảo bắc, đương quy, xuyên khung, bạch thược, thục địa, chích hoàng kỳ, nhục quế, những thứ tốt này do mật điều hòa, làm thành đại lực hoàn bát bổ thập toàn, bách bổ thì khỏi phải nói, ông thiếu cái gì thì bổ cái đó, không có gì không bổ được. Ngoại trừ bổ ra, thứ này của tôi phỏng theo phương thuốc của Tôn Tử Mạc, được Hoa Đà truyền thụ, có thể trị bách bệnh, ví dụ như sốt nóng sốt lạnh thương hàn, tiêu chảy ỉa chảy lớn đầu, sốt rét trướng bụng, không bệnh nào không chữa được. Đây vẫn còn là bệnh bên trong, ngoại thương thì càng ghê gớm hơn, không quan tâm ông bị đao chém, rìu chặt, ưng trảo, chó cắn, gà mổ mặt, chuột gặm chân, tràng nhạc hạch cổ ngay cả loét chân, yêu bị trật lưng nổi mụn, bách thí bách linh, tức khức thấy hiệu quả luôn. Ông kia nói với tôi không có bệnh, cũng không cần bổ, vậy ăn đại lực hoàn của anh không có tác dụng gì à? Cũng không thể nói như vậy được, thuốc viên của tôi còn có thể cường kiện thân thể, củng cố bản nguyên, đàn ông ăn súng không ngã, đàn bà ăn thể không hàn, trẻ con ăn thì lớn nhanh, người già ăn không còn cong lưng, người chết ăn có thể xoay người, người sống ăn có thể trở thành thần tiên, ngày hôm nay không mua thuốc của tôi, vào quan tài không nhắm được mắt!”
Kim Mặt Rỗ cứ dựa vào miệng ăn miệng nói như thế, đại lực hoàn được làm ra từ bột thuốc trộn với gạo nếp bán được không ít. Mắt thấy Hội thuyền đồng sắp bắt đồng, y cất tiền vào, mới định dọn sạp thì Đại đội trưởng Phí của đội Truy nã Phí Thông mang theo hai tuần cảnh bước qua, vừa lúc thấy Kim Mặt Rỗ, bèn giẫm phát lên sạp: “Lại ra ngoài bán thuốc lậu, tịch thu tiền phi pháp!” Tuần cảnh bên cạnh kia đi tới tát hai phát, rồi đoạt hết tiền của Kim Mặt Rỗ đi, ngày này xem như là bán không. Trước đó Kim Mặt Rỗ nghĩ rất hay, nhưng toàn bộ lí do lí trấu ấy đều không có tác dụng gì, sao y lại quên mất, nói đạo lí với người mặc đồ quan được tích sự gì? Trong lòng Kim Mặt Rỗ khó chịu, muốn nhảy xuống sông chết đi cho rồi, nhưng mà chưa xem thuyền đồng đã chết thì cũng thiệt thòi quá. Thế là lập tức cuộn hết vải rách trải trên đất đeo lên sau lưng, cũng chen vào đoàn người tranh nhau hóng hớt.
Có người nói xem thuyền đồng bên bờ sông, mặc dù một năm có một lần, nhưng vì cớ gì mà phải náo nhiệt như thế? Đó là bạn có điều không biết, thuyền đồng không phải cứ đi qua là xong, còn xây một cái đài gỗ khúc nhánh sông, mấy trăm hán tử đứng đối diện nhau, cao, lùn, mập, gầy, xấu, đẹp, già, trẻ, treo tay què chân, miệng méo mắt lác, đầu thần mặt quỷ, dạng gì đều có, không có ai là hiền lành, véo áo xắn quần, nhíu mày trợn mắt, cắn răng nghiến lợi, giương cung bạt kiếm, giống như là có thù hận sâu lắm vậy, dưới đài có rất nhiều tuần cảnh canh phòng nghiêm ngặt. Cái đài này mới là nơi náo nhiệt nhất, hai bên đều là Tào bang, muốn phân chia cao thấp, liều chết sống mái với nhau ở trên đài.
Lại nói đây cũng là một truyền thống của Hội thuyền đồng, thành Thiên Tân ở cuối Cửu Hà, thủy vận phát triển nhất, Tào bang là bang phái lớn nhất trên địa bàn, từ triều Đại Minh đã bắt đầu vận chuyển lương thực từ Nam vào Bắc, duy trì thủy vận sáu trăm năm, thuyền lương trên kênh đào đều nằm trong sự quản lý của bọn họ, trong đó có thuyền của bản thân Tào bang, cũng có tư nhân qua đầu nhập, bởi vì đi thuyền trên kênh đào phải giao tuyền cho quan phủ, nếu như nói bạn tự giao, một con thuyền một trăm đồng tiền, giao cho Tào bang thì chỉ cần tám mươi, bọn họ để lại cho mình hai mươi, sáu mươi đồng còn lại giao cho chính phủ, nếu nói từ theo mốt bây giờ thì là “mua theo nhóm”, đương nhiên cũng không chỉ bởi vì một lần giao nhiều mới rẻ hơn, trong này quan tư cấu kết, tranh đấu gay gắt, cần phải là thế lực lớn như Tào bang, chứ nhà đồ bình thường chắc chắn không làm nổi việc này. Nếu bạn nói là chịu thiệt cho nhiều tiền, thì nghĩa là không muốn vào Tào bang, vậy cũng không phải không được, thế nhưng có người trong sáng ngoài tối làm phiền bạn, nói không chừng từng một nơi nào đó sẽ ngoặt lại, khiến bạn không ăn được chén cơm nay. Bởi vì có rất nhiều người theo nghề này, thế nên không thể nào có chuyện tất cả đều một lòng, đừng nói tới mấy bang mấy phái gì đó, đều là vì độc bá một phương kiến tiền, khó tranh khỏi chia của không đều, đạo nghĩa huynh đệ thầy trò gì đó cũng không đoái hoài tới nữa, cho nên nội bộ Tào bang cũng chia môn phái. Không nói đâu xa, ở cửa sông Tam Xá đã có hai bang phái lớn, Thượng Hà bang lũng đoạn kênh đào Bắc, Hạ Hà bang lũng đoạn kênh đào Nam. Trong quá khứ kênh đào Nam, Bắc được gọi là hai sông Lộ, Vệ, tên của hai bang hội lớn đó là Lộ Tào, Vệ Tào, dân chúng quen gọi là Thượng Hà bang, Hạ Hà bang, mỗi bên quản lý một cái kênh đào, hai bên xưa nay không hòa thuận. Hai kênh đào Nam Bắc tách biệt ở cửa sông Tam Xá, các nhà đò đi qua từ địa bàn của ai thì giao tiền cho người đó, bởi thế hai bang phái ấy tranh đấu nhau không ngừng.
Hai bang hội lưỡng hà Thượng Hạ đều không muốn cho thuyền đồng đi qua từ đường sông của mình, bởi vì thuyền đồng vừa lớn vừa chậm, còn không chỉ có một chiếc thuyền, kéo dài đến tận hơn mười chiếc lận, chỉ cần thuyền đồng lớn vừa tiến vào, đội thuyền còn lại đều phải nhường đường. Không chỉ có bang hội lưỡng hà Thượng Hạ, phu khuân vác và ổ côn đồ cũng thế, kênh đào Nam Bắc là bát ăn cơm của tất cả mọi người, những người này mở mắt ra là thiếu tiền cơm một ngày, thuyền đồng đi qua không làm được gì thì phải chịu đói. Thế lực lưỡng hà Thượng Hạ hay phát sinh xung đột vì việc này, cũng không phải là đánh đấm nhỏ lẻ gì, mà thường sẽ là đánh nhau bằng vũ khí với quy mô lớn, ít thì mấy trăm người nhiều thì hơn ngàn người, tử thương vô số, quan phủ lại không quản được, đây là tranh đấu bên trong Tào bang, nên giao tiền thì vẫn cứ giao tiền cho ông, dù chết dù chạy đào vong thế nào ông cũng đừng dính vào, mấy trăm năm qua vẫn luôn giữ quy củ ấy, quyền lực của quan phủ có lớn tới đâu cũng không quản được bang hội trên giang hồ, mà còn chẳng thèm quản làm gì, chỉ cần không giết quan tạo phản, vạ lây tới dân chúng vô tội, đánh đầu người thành đầu chó cũng không sao.
Nhưng nếu xung đột diễn ra càng mãnh liệt, gây nguy hiểm nghiêm trọng tới địa phương, thì quan phủ sẽ ngồi không yên, sợ nháo đến mức không thể vãn hồi được, thật sự ra nhiễu loạn lớn thì cũng không ai thoát khỏi liên quan, nên đành phải hòa giải từ giữa, cuối cùng bang hội lưỡng hà Thượng Hạ đạt thành hiệp nghị -- trước khi thuyền đồng đi qua, song phương đọ sức một phen trên nhánh sông cửa sông Tam Xá, việc này cần có một quy củ, phải lập công văn chứng từ, không cho phép đánh hội đồng dùng vũ khí, có thể một đấu một, sinh tử bất luận, bên nào rơi xuống bên đấy bại, bên thắng phất cờ lệnh trên đài, thuyền rồng ở xa trông thấy cờ lệnh, bèn mang theo thuyền đồng đi về bên đó. Lúc đầu chỉ là vì cạnh tranh kênh đào, một năm lại một năm đấu cho tới bây giờ, thắng bại đã không chỉ vì cạnh tranh thuyền đồng, mà còn vì triển lộ vẻ uy phong trước mặt già trẻ lớn bé ở Thiên Tân Vệ, năm này phe thắng sẽ hãnh diện, đè đầu được đối phương.
Vào ngày hai mươi sáu tháng năm âm lịch, cửa sông Tam Xá trời đầy mây mù, vô cùng oi bức, giống như là đang ấp ủ một cơn mưa lớn, dân chúng đứng hóng đều mồ hôi đầm đìa. Lưu Hoành Thuận và Đỗ Đại Bưu xuyên qua đám đông chen đến gần, dưới đài cảnh sát vây quanh tầng tầng lớp lớp, nơi này rất dễ xảy ra chuyện, chính phủ không dám xem thường. Mọi người thấy Lưu Hoành Thuận tới, bèn tránh ra một con đường cho anh. Làm cảnh sát cũng không sợ ra chuyện, tới lúc đó cứ làm việc theo chức trách, ai nên bắt thì cứ bắt, nếu xảy ra nhiễu loạn thật, tự có quan trên gánh lấy, hèo hiếc gì cũng không đánh được lên người cảnh sát, bọn họ chẳng qua chỉ là cớm chân thối trên địa bàn, đổi thành quan nào thì cũng phải phát lương tháng, bởi thế ai cũng hóng hớt không chê chuyện lớn, có người nói cho Lưu Hoành Thuận: “Lưu đầu nhi tới đúng lúc ghê, đúng là ra dáng thật!”
*Ý của câu: Thiên Tân Vệ nằm ở cuối Cửu Hà hạ sao, nơi đó có ba cây cầu nổi và hai cửa khẩu, ba cây cầu lần lượt là: cầu nổi Tây Cô, cầu nổi Tây Quan, cầu nổi Diêm Quan, hai cửa khẩu lần lượt là cửa Sao và cửa Diêm.
**Tào bang: cách dân gian gọi Thanh bang. Thanh bang là một bang hội có lịch sử lâu đời của Trung Quốc, Ung Chính năm thứ tư, Ông Nham, Tiền Kiên và Phan Thanh sáng lập Tào bang.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook