Gửi Cho Tuổi Trẻ - Tùy Bút
-
C14: #13. Lời Ca
Tôi dừng chân bên cửa hàng bán các loại đàn nhìn có vẻ đã cũ. Góc trái ghi thời điểm cửa hàng thành lập, năm 1960. Qua cửa kính đã phủ một lớp bụi mỏng, đi theo đường tia nắng tôi thấy một chiếc đàn dương cầm cổ nằm một góc. Im lặng.
.
.
.
"Khi chơi dương cầm, anh nhìn thấu anh"
Tôi giật mình tỉnh giấc giữa đêm khuya. Nhận thức được chiếc áo đang mặc ướt sũng. Tôi mệt mỏi dời khỏi giường. Dạo gần đây tôi rất hay mơ về những giấc mơ rất kì dị. Những giấc mơ về những bản nhạc, dương cầm và một chàng trai trạc tuổi mười chín.
Đèn đường sáng rực khi về đêm. Hà Nội không nhiều sao, bầu trời đen kịt một mảng không vô tận. Tôi ngồi lên chiếc ghế ngoài hành lang.
Lặng lẽ. Im lặng. Tự tôi chìm vào thế giới của riêng mình.
Tôi nhớ hồi bé, cái thời tôi vẫn đang sống với bà ở trong khu tập thể nhỏ. Hàng ngày nghe tiếng bà chơi dương cầm. Tôi thì bên cạnh bập bẹ tiếng hát sai lời.
Bà tôi là một nghệ sĩ dương cầm có tiếng. Hồi đó, vào lúc rảnh rỗi, bà sẽ dạy tôi chơi những bản nhạc cơ bản, viết những lời bài hát tôi chẳng còn nhớ tên.
À không. Có một câu hát tôi vẫn còn nhớ.
"Anh viết những câu từ bất tử.
Em nhìn vào đôi mắt anh... cất lời ca"
Tôi từng hỏi bà ai là người sáng tác ra bài này. Vào lúc đấy, bà tôi chỉ hát hết bài hát và mỉm cười.
Không phải tôi chưa từng tìm hiểu về bài hát đấy. Chỉ là nó chưa từng xuất hiện trên mạng, có lẽ người sáng tác ra nó không có ý định công khai.
.
.
.
"Khi chìm đắm trong phím đàn, anh không còn quan tâm lời nói người ngoài"
Tôi đã từng nghe một người nào đó. Rất mơ hồ. Nói với tôi, hay một ai đó về điều này. Tôi không nhìn rõ người đó, cũng không nhớ giọng anh như nào. Chỉ mơ hồ nghe được lời anh nói, cảm giác quen thuộc dần khiến tôi nghi hoặc.
Tôi cố lục trí nhớ ít ỏi về dương cầm của mình. Khoảng thời gian ở với bà là những điều duy nhất tôi nhớ đến.
"Em có cho rằng, âm nhạc cho ta bất tử không? Một điều vô lí hết sức, nhưng nó giữ một phần linh hồn anh ở lại, dù khi anh chẳng còn trên thế gian này"
.
.
.
"Con có cho rằng âm nhạc cho ta bất tử không?"
Phải rồi. Bà tôi từng nói như vậy. Nhưng mà vì sao?
"Anh viết những câu từ bất tử.
Em nhìn vào đôi mắt anh... cất lời ca.
Ôi những tháng ngày tuổi trẻ rực rỡ.
Em có cho rằng sự bất tử luôn tồn tại quanh ta?"
Bà tôi thường hỏi thế khi hát xong đoạn nhạc này. Bà thường mở cho tôi nghe chiếc cát - xét cũ ghi lại những gì ông với bà hồi trẻ từng hát cùng nhau.
Hình như bà từng bảo tôi rằng, một phần thanh xuân của ông bà ở đó. Bài hát đó là tuổi trẻ của ông dành tặng bà. Chỉ tiếc rằng khi đó còn quá bé để hiểu được tình cảm sâu nặng của ông bà.
Sống mũi tôi bắt đầu cay cay.
Đến khi tôi hiểu được thì đã quá lâu rồi.
Tôi đã dần quên mất những điều tôi từng trải qua hồi bé chỉ là có một chuyện duy nhất tôi vẫn cố chấp muốn nhớ. Đó là câu hát bà thường thêm vào khi kể chuyện cổ tích...
"Vào một ngày mùa hạ mưa rơi rả rích.
Chàng hoàng tử đó sẽ tới tìm con, tìm con.
Truyện cổ tích. Hãy tin vào. Nó có thật.
Nắm tay rồi, con hãy giữ, đừng buông".
.
.
.
Và khi tia nắng yếu ớt chiếu lên chiếc dương cầm cũ vụt tắt. Tôi nhận ra những hạt mưa bắt đầu làm ướt vai tôi. Vội tìm ô trong chiếc tote bag tôi đeo. Ôi trời, mưa đúng lúc quá.
Mùa hạ ở Hà Nội luôn đến tìm người dân cùng cơn mưa rào mát mẻ. Nhưng thật đen đủi khi bạn chót làm quên chiếc ô ở quán cà phê vừa ngồi rồi xung quanh chẳng có lấy một chỗ trú tạm.
Khi tôi dừng việc tìm ô với ý nghĩ phải dầm mưa về nhà thì cảm thấy bản thân không còn ướt dù những hạt mưa vẫn không ngừng rơi.
Câu thiếu niên nọ trạc tuổi tôi đang che ô cho tôi. Một bên cắm tai nghe, bên còn lại nhường tôi. Thế rồi chúng tôi cứ im lặng cùng lắng nghe một bài hát.
Nhìn vào làn mưa trắng xóa, tôi cảm nhận được sự quen thuộc người bên cạnh mang lại. Tôi nghĩ cậu cũng thế. Chúng tôi đứng trước cửa hiệu cũ bên tai tôi bỗng vang lên giọng hát của bà... Rất êm dịu:
"Vào một ngày mùa hạ mưa rơi rả rích.
Chàng hoàng tử đó sẽ tới tìm con, tìm con.
Truyện cổ tích. Hãy tin vào. Nó có thật.
Nắm tay rồi, con hãy giữ, đừng buông".
Hà Nội, 26/11/2018.
Woony
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook