Giống Rồng
Chương 20: Chuyện cũ ở La Thành

La Thành, tòa thành nho nhỏ mà viên quan đô hộ họ Lý đã dày công xây dựng ở cái nơi gọi là Rốn Rồng ấy. Mới chừng ba bốn năm nay mà sao đã tàn tạ đến chẳng thể nhận ra được. Hai đời quan đô hộ, hai lần quân nam nổi dậy chống phá quan đô hộ chưa kể lớn bé đến cả chục lần quân Nam Chiếu cho đám du mục nằm vùng ở đấy quấy phá trị sở xứ An Nam.

Cái thời đô hộ cũ Lý Nguyên Gia, bước từ chân thành cũ tới thành mới chỉ chừng có dăm chục thước mà có đến cả mấy chục sạp buôn buôn bán bán vàng hương, mũ mã. Theo cái tục lệ của người phương bắc, khởi nguồn từ một người họ Vương tên là Dũ nhà Hán, sau đó lại được một người tên là Đạo Tăng thời Đường Đại Tông Lý Dự tôn lên. Ấy thế mà cái tục đốt vàng mã càng thêm thịnh. Lúc mới dựng miếu thờ thần Long Đỗ, ai nấy cũng nườm nượp dâng mâm cao cỗ đầy, vàng mã la liệt nào là tiền, nào là bạc, nào là áo quần, giày hài rồi cả ngựa, rồng, thuyền… dâng thần mong thần chở che, độ trì.

Ôi, chẳng biết cách nào khiến dân Tống Bình u muội đến thế. Cả trăm kẻ bán vàng mã ở chỗ ấy là đến cả chín mươi kẻ là người của quan đô hộ, còn chín kẻ đút lót họ Lý ấy, chúng bán được mười chia năm chia bảy cho bọn quan huyện, hương xã, còn một kẻ là con gái của thủ từ trong miếu. Dân có biết dân dâng thần dâng thánh, đốt đi cả nửa gia tài mong điều lành. Những thứ đốt đi là chút lòng thành mà thiêu rụi cả mấy năm ngược xuôi đôn đáo, chạy vạy tất tả kiếm miếng ăn.

Thế đấy, La Thành suốt nửa năm trời khói hương nghi ngút, càng gần miếu thờ, lửa hóa vàng mã cháy ngùn ngụt, khói cuộn cao cứ ngỡ trận Thái Bình vừa xong. Gạch ngói nung rạn nứt vô số kể, đất bùn đắp lũy cũng cứng lên thành gạch rồi phồng đen, đá hóa vôi gặp mưa sôi sùng sục. Hỏi sao mà chẳng mấy lúc, La Thành đã tả tơi đến vậy.

Gần năm nay, chiến tranh loạn lạc, vàng mã bay đầm đìa dính máu tanh. Chúng dân quanh vùng cũng chạy trốn phần nửa, miếu thờ thần nay cũng vãn khách thăm. Chỉ còn dăm ba kẻ bợm rượu, hay lén qua bốc lễ, uống rượu thờ. Cũng nghe rằng tám tên chết mất ba, hai tên mờ mắt, một tên què. Gia đình những người này tan rã, vợ tha hương, con chết trận hoặc bị điên, không thì cũng bị tật nguyền dị dạng. 

Lá trúc đào đẹp khác nào kẻ giai nhân, mang trong mình độc dược giết chết người, ngày càng xanh tốt hơn trong tanh máu chiến tranh. Cái cảnh đời trái ngang quanh năm suốt tháng cứ đập thẳng vào mắt dân nghèo. Dân dần bớt đi những thói quen ủ dột, cũng một phần bởi vì lẽ ấy, phần nhiều hơn là đói nghèo, cướp bóc, từ quan trên cho đến những kẻ liều. Vậy nên sau mới có lời "tán tụng" tiếp nối những lời châm chọc mà cũng đầy những tâm tình của người Nam mà hai viên công tử Vương, Kiều đã từng ngâm:

"La Thành đá lát hóa vôi tôi

Gạch ngói già non nứt cả rồi

Bùn đất lửa nung phồng xém trũi

Trúc đào tắm máu đỏ màu tươi

Án năm xưa phận con còn nhớ?

Thù thuở nào cha hận chẳng nguôi.

Rồng trẫm mình nơi dòng chảy xiết

Đất Long Đỗ ánh rạng chốn xa xôi."

Nhớ năm trước, quan huyện Từ Hãn Xương khuyên họ Lý cư xử phải phép với hai vị công tử Vương, Kiều. Chẳng biết kẻ nào ra tay giết chết Kiều Chung Tiềm, gây oán hận lão Kiều Công ở châu Phong. Nghe đâu có một kẻ lưu manh, đã gian xảo khiến cha con lão Tô Hiền sập bẫy, trộn trúc đào vào với canh măng trúc, nghĩ rằng là rau răm nên lỡ tay giết chết họ Kiều.

Hàn Ước mới từng nghe án cũ, chưa hình dung ra những câu chuyện ở bên trong. Họ Hàn lại yêu mến những kẻ bị oan ức nên lúc gặp Trương Tính ở quán rượu Đồ Tre, Ước không một chút mảy may đắn đo hay lắng lo về người này. 

Hàn Ước cho Tính vào trong phủ đô hộ nấu nướng hầu bữa tối ngày, tấm tắc khen tài nghệ nấu nướng của họ Trương. Mới có mấy ngày nghe Trương tính hầu cơm, kể chuyện thế sự xưa nay mà họ Hàn lấy làm yêu mến. Thế mới có chuyện Trương Tính xúi Ước mặc cho Trần Khôn trong lao ngục, kẻ đã từng vào sinh ra tử cùng với Ước, chết trong cay đắng.

Kể lại chuyện năm trước, Lý Nguyên Gia tủi hổ chạy trốn biệt tăm khỏi xứ An Nam, huyện lệnh Tống Bình mới lên thay là bộ hạ của Vương Thăng Triều tha tội cho đám phạm nhân người Nam bị bắt bớ trước đó. Trương Tính thoát khỏi ngục tù cùng lão Tô Trực Hiến đi lang thang khắp xó chợ để tìm lại manh mối làm ăn cũ. 

Mới làm được chưa đầy tháng, Hàn Ước mang quân xâm lấn, chiếm lại trị sở, đám dân buôn bán đa phần là kẻ quen đường mòn lối cũ, quen các quan lại cũ. Bấy giờ vừa mới thay đổi các lớp quan trên, đút lót, biếu xén đến cả nửa số lãi làm ăn mấy năm qua. Xong lại có lớp quan mới nữa, chắc đám dân buôn ấy sạt nghiệp mất, công lao mấy năm rồi coi như nộp hết cho đám quan lại ấy. Các mối làm ăn cũ của gia đình họ Tô ở chính đất tổ tiên của mình dần bị thui chột, chẳng còn mấy kẻ.

Tính quay sang tính chuyện làm quán xá, bán hũ rượu, đĩa nhắm mà kiếm tiền từ bọn quan lại ở trị sở cũng như khách buôn theo những mối làm ăn mới đi theo quan đô hộ họ Hàn nhưng chẳng khá khẩm là bao. Có lần Lão Trực Hiến chán cái cảnh "hạ ngắm mưa rơi, đông chờ gió bấc" nên định đóng cửa cái sạp nhỏ đọc truyện cổ tích cho đám trẻ con. Đúng hôm trời mưa lớn, La Thành nước ngập vùng quanh, Đồ Tre đi đá gà ở trên phố, gặp trời mưa nên ghé nhờ túp lều nhỏ của Lão ở La Thành. 

Trình Thảo Cứu bấy giờ trông thấy lão họ Tô nước da tí di, môi đỏ hồng hào, mắt long lanh trong bộ râu trắng muốt, dáng mảnh khảnh Đồ Tre cứ ngỡ gặp tiên ông nên mới hỏi chuyện cũ, chuyện mới trong nhà. Khi ấy, Trương Tính mấy ngày không có cơm ăn ngủ li bì trong nhà, đói dã họng mà cũng chẳng dám kêu ai. Đồ Tre lúc đó bụng cũng réo ầm lên mới hỏi lão Tô Trực Hiến xin bát cháo cho lại dạ.

Lão cũng gật đầu vào trong gian phía trong ngoáy ngoáy cái chum nằm chỏng trơ một lúc, hì hà hì hụi mới bốc được nắm gạo xám xịt, lại có mùi chua chua. Lão quay ra nói với Thảo Cứu:

"Nhà lão có chút này, quan gia hãy cứ ăn tạm lót dạ. Mấy ngày nay, cháu ta không có việc để làm nên nằm nhà, chẳng dám ăn gì mà cũng chẳng có gì để ăn."

Thảo Cứu nghĩ lại mấy ngày ra khỏi phủ của Hàn Lâm lang thang đi đá gà, cũng chẳng có miếng ăn do tiền đá gà anh nộp hết cho bọn quan bắt cửa cho chú gà chọi của anh, nịnh nọt bọn chúng chán rồi tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Anh nhìn lão lúi húi nấu âu cháo trên bếp lúc búc mà người nôn nao:

- Này lão Tiên Ông, chẳng hay mấy hôm vừa rồi đói chẳng có gì ăn, sao lại sẵn lòng cho tôi bát cháo cuối cùng của lão và người cháu kia.

Lão Tô Trực Hiến gật đầu cười khe khẽ:

- Đừng gọi lão là Lão Tiên, lão người trần mắt thịt, bụng dạ cũng thấy đói nhưng nghĩ đi thì cũng phải nghĩ lại. Anh chắc là người xứ khác đến, thấy lấm lét thế kia chắc cũng chẳng phải kẻ có. Hai bọn ta vốn người ở La Thành này, quen nếp, quen chỗ ở đây, mai ra ngoài kia, gặp người quen kiếm bát cháo, bát cơm cũng dễ hơn, tạnh trời lại đi tìm người có việc gì cậy nhờ thì làm giúp cho người ta, kiếm cũng được miếng no. Nhịn mấy bữa rồi, thêm bữa nữa cũng đâu có sao. Anh cứ ăn đi, gạo mốc, cháo hẩm, anh hãy cứ ăn tạm.

Nửa canh giờ trôi qua, lão Tô lúi húi nấu cháo cho vị khách chẳng quen biết kia với ánh mắt hân hoan, hớn hở. Lão ân cần chêm nước, chêm củi mong có âu cháo ngon lành tặng vị khách lạ mặt ấy. Trình Thảo Cứu bấy giờ nằm ngáy khì khò dựa lưng vào chiếc cột nhà bằng thân cây gỗ xoan, anh mệt chắc do quá lả lại dính nước mưa.

Tiếng gà lục tục mổ con dế trũi, con kiến khoang dưới nền nhà ẩm ướt khiến Trương Tính tỉnh giấc. Hoa mắt, bụng đói, họ Trương ôm lấy con gà mang quán rượu mà anh hùn vốn với một người quen cũ để giết thịt. Qua tới quán rượu, nhìn cái cám cảnh hẩm hiu của quán, Tính lại nằm ườn ra trên chiếc chõng tre thở dài than ngắn.

Anh bạn cùng góp vốn trông thấy Tính cũng chẳng muốn mở lời nói chuyện. Thấy có con gà chọi anh Tính mang tới, anh chàng mang ra ngoài chuồng gà để tạm nhốt chờ thịt. Nói là chuồng gà thật đấy, chứ có mấy cọng lông gà từ cái hôm khai trương quán chứ có khách nào đâu mà nuôi với nhốt. 

Tiền các anh vay mượn đổ hết vào sửa sang, mua mỹ vị sản vật để làm bữa khai trương quán. Mà làm được hơn tuần thì bọn "chúa chổm" là đám sai nha, lính lệ khất nợ chẳng biết đến chừng nào mới trả. Thế thành ra mất hết, chẳng còn vốn liếng mà làm ăn nữa. Gạo cũng chẳng có mà đun nồi cơm cho ra hồn, nói gì đến thịt lợn, thịt gà.

Tính ngậm chiếc đũa chấm nước cáy ngâm muối mà mặt chát cổ họng, anh lại nhắm tịt mắt ngủ mơ màng trong cơn mưa. Bỗng có tiếng quác quác, hai anh chàng vội vã chạy ra phía chuồng gà, thấy có rắn hổ mang chúa to cỡ cổ tay người lớn đang phì phò nằm dưới chân chú gà da đỏ, đôi mắt có mí mỏng, ánh nhìn đầy lanh lợi. Rồi chú gà mổ nhanh cái mỏ ngắn của nó trúng đầu con rắn hổ chưa kịp tung đòn phun nọc về phía nó. Cựa chú rạch một vết hằn sâu sát đầu con rắn, con rắn máu chảy ròng lăn ra chết.

Tính lấy làm lạ nhìn anh chàng kia mặt đờ đẫn hỏi:

- Nó là giống gà thần kê hay sao mà cả con rắn hổ như vậy chẳng làm gì được nó?

Bỗng từ phía sau, có anh chàng tóc cứng như rễ tre xõa ngang vai, giọng nói xứ bắc khó nghe khiến họ Trương không khỏi giật mình:

- Thật tiếc cho các anh lại không biết thú chơi gà. Đây là giống gà đòn, năm trước ta mang từ huyện Nhu Viễn tới một cặp gà, sau đó ấp nở được một chục con ở lứa thứ ba, chọn được một sư kê như nó quả thật trăm năm khó kiếm. Thế vậy mà hai anh định mang nó dâng cho miệng rắn hổ? Thật may là chưa có hề hấn gì với nó. Quả nhiên không hổ danh thần kê, không thì có cả trăm quán này bán đi cũng chẳng thể đền được con gà ấy.

Trương Tính và anh chàng kia nhận ra đó là Trình Thảo Cứu, bộ hạ thân tín của Hàn Lâm, cháu ruột của Hàn Ước. Tính cúi đầu chịu tội, lại làm món thịt rắn hổ, canh rắn để tạ tội với họ Trình. Đồ Tre nghe những câu nói của Tính vừa khéo, vừa thấm tai, lòng dạ lại thẳng tuột nên chẳng thể chối từ lời đề nghị của Tính. 

Uống ly rượu nhạt, họ Trình biết được Tính là cháu rể của lão Tô, người chẳng biết anh là ai nhưng cái tính thương người khiến cho anh cảm thấy ấm áp mà đã từ rất lâu rồi anh chưa từng được thấy ở chốn xô bồ này. Vậy nên, Đồ Tre thuận lời bàn với họ Trương rằng Đồ Tre sẽ kéo đám quan gia, khách làng chơi hay qua chỗ quán của họ Trương. Tài nghệ của Tính ngày càng đồn xa, quán mỗi ngày một đông hơn.

Chiến tranh tiếp diễn, La Thành chao đảo một phen. Bọn quan lại ở Tống Bình từ trên xuống dưới ỉ lại họ Hàn đứng mũi chịu sào trước nghĩa quân của người Nam. Tay chân họ Hàn khi đầu thì khí thế là vậy, sau những lần thua sấp mặt trước quân lính người Nam ở châu Phong, Vũ Bình, Tống Bình đã bắt đầu bị lung lạc.

Đồ Tre không biết sống chết thế nào sau trận hỏa thiêu Thái Bình, những viên tướng dưới trướng họ Hàn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay đang trấn yểm các thành trì hiểm yếu. Đang lúc rối ren, họ Hàn bị Trương Tính mê hoặc bằng những lời ngon, dỗ ngọt mà không vực nổi ý chí của quân mình. Hàn Lâm thấy người chú bị bấn loạn trước những những diễn biến chẳng hay ho gì trên các mặt trận mà cũng thấy nản lòng.

Trần Khôn ức hộc máu mà tự vẫn trong ngục, Hàn Lâm biết chuyện chẳng lành nên sớm cho sai lính phòng bị từ xa suốt dọc hai bờ sống Đáy, tiến vào phía trong là sông Nhuệ, sông Tô, mỗi con sông là một tuyến quân phòng. Ấy nhưng họ Hàn đâu có biết được thế sự từ bên trong cái La Thành be bé kia.

Trương Tính, người này kỳ thực khó đoán. Sau khi phất lên do thân quen với Trình Thảo Cứu, Lâm có e dè người này nhưng chẳng bao giờ bàn tới hắn trên bàn chính sự. Cho đến khi, Trương Tính vào trong phủ điện hầu hạ người chú của Lâm, Lâm mới sinh lòng ngờ vực. Nhưng họ Trương khéo léo đến độ đám quản gia, gia nhân trong phủ, kẻ nào kẻ nấy đều hết sức mến thương Tính, chẳng thấy Tính có điều gì chê trách.

Rồi một ngày kia, Hàn Ước trên chính điện say mèm, ăn miếng ngon của họ Trương nấu mà tấm tắc khen trước toàn quan quân:

- Các người xem lại chính các người đấy! Kẻ nào cũng dũng mãnh tài ba, kẻ nào cũng cho mình là nhất, không thì cũng là hai chẳng ai là thứ nhất. Thế mà thua, thua cái tù tù động động trưởng gì đó, chẳng tài cán gì chỉ có mỗi cái máu liều. Thua một thằng dân chài không hơn, rồi xem lại nuôi ong tay áo họ Thi kia để mất cả vạn binh nơi tuyến đầu châu Phong. Các người thử nghĩ lại xem. Có thấy tủi hổ không, nhục nhã không mà hôm nay ta mới chỉ ngỏ ý ra thôi là các người kẻ nào kẻ nấy khúm núm nghe theo. Thằng thì mang theo hảo vị tuyệt hương, kẻ lại còn khênh cả chục chum rượu nữa. Thế ra các người chỉ có vậy thôi à. Các ngươi có xứng với những món ngon mà Trương Tính đã dày công sửa soạn buổi hôm nay? Xem đi, ta thật chẳng biết phải làm sao để thay đổi những kẻ tục phu các người.

Vừa nói xong, từ phía gian bếp phủ điện, Trương Tính cầm con dao bầu chọc tiết lợn giữ lấy thằng con trai cưng của họ Hàn mà uy hiếp:

- Tất cả lũ quan tham chúng bay còn ở đấy mà trách cứ điều gì? Còn không mau mau đầu hàng nghĩa quân người nam của chúng ta.

Hàn Ước ú ớ chẳng nói được câu gì, bọn lính nhốn nháo bảo vệ Ước trốn khỏi La Thành mặc cho Trương Tính đe dọa tính mạng của con trai Ước. Chắc Ước nghĩ rằng có cầu xin thì họ Trương kia cũng sẽ chẳng thể nương từ. Rồi ào ào, dân binh từ trong La Thành kéo thành từng đoàn, từng đoàn một đập phá các miếu mạo của đám quan dựng lên. Phủ điện bị giày xéo tan nát chẳng còn lấy hơi ấm của con người.

Từ ngoài thành, Hàn Lâm nghe tin cũng bỏ quân mà tháo chạy, chẳng biết sống chết của người chú ra sao, hắn cũng đâu có ngoái lại nhìn lấy một tên lính nào. Kẻ làm tướng mà đến lúc lâm nguy nào có khác gì những kẻ tiểu nhân tham sống sợ chết.

Thế quân vỡ từ phía trong, Dương Chí Liệt và Đỗ Sĩ Giao chẳng mất giọt mồ hôi mà lấy được La Thành. Các thành trì phía bên kia sông Cái cũng tự đầu hàng hết loạt, duy chỉ còn viên tướng bủng beo ở phía bắc Tống Bình vẫn giữ chặt quân kỷ, kiên cường chống lại nghĩa quân của người Nam.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương