Giống Rồng
Chương 19-5: Loạn ở La Thành 5

Đại phá Vũ -Tống Bình Nam thắng lớn

Bình định Giao Châu họ Đỗ vang danh

Trận thua tại Đỗ Động khiến ý chí chiến đấu của đám quân Tống Bình ô hợp vốn đã rệu rã càng thêm lung lay. Hàn Ước vốn luôn cho mình là kẻ nhân kẻ nghĩa nghĩ rằng bọn cận hầu sẽ luôn hết mực trung thành phò tá mà nay chẳng còn quá vài người bên cạnh. Tình thế ngày càng bất lợi, họ Hàn đành phải đóng chặt La Thành ốm o suốt hơn một tuần lễ.

Hàn Lâm, cháu của Hàn Ước kẻ này ở quận Trác, là cháu của Ước theo Ước từ thuở còn ở Trường An. Ước bấy giờ theo hầu một viên quan võ trong triều đình nhà Đường, người này được ví như cọp dữ. Ước đầu chẳng bao giờ ngẩng lên vì sợ cọp dữ, thế nên sau này thành quen, lúc nào Ước cũng cúi đầu, khom lưng. Tuổi chưa đầy bốn mươi trông đã giống cụ già lưng còng. Cái chân phải của Ước có lần bị viên quan võ kia nổi giận dùng roi quất mạnh mà đứt gân bàn chân. Từ bấy trở đi lúc nào cũng tập tễnh thế nên ở đất Trường An ai cũng gọi Ước là tên còng thọt với cái ý đầy mỉa mai.

Hàn Lâm theo hầu người chú họ trông thấy chú khom lưng, cúi đầu quanh năm suốt tháng với bọn quan trên mà thấy nhục nhã thay chú. Hắn chán chường thường lui qua chỗ mấy nơi ăn chơi phấn hoa gặp gỡ được nhiều kẻ sĩ, đám quan lại triều đình Trường An nên cũng gây dựng được chút ít quan hệ. Lâm lại giỏi cái món nghề cờ bạc, ngày nào cũng ghé qua các tiệm cá tôm, sóc đĩa đặt cửa lớn bé. Biết có nhiều bọn ăn lộc triều đình hay chơi ở mấy quán ấy nên Lâm càng lân la. Có nhiều lần Lâm thắng hốt bạc ú ụ không biết bao nhiêu là tiền, nhưng Lâm cũng phải ngậm ngùi nhường cửa bạc cho bọn quan ấy thế nên bọn quan ham chơi ấy khoái chí rủ Lâm chơi bời dâm lạc ngày này qua tháng khác.

Rồi thời cơ đến, Lâm nghe bọn quan chức Trường An đấu đá nhau, tạo vây cánh cho mình ở trong triều. Vi Xử Hậu là bậc quan nhất phẩm trong triều bấy giờ bị đám quan võ tướng thù ghét. Lâm nói với Ước, Trần Khôn bấy giờ là một tên hầu lại ở quán bạc Lâm hay ghé tới cũng đến khuyên Ước, bày mưu cho Ước để lập công dâng lên Vi Xử Hậu.

Hàn Ước nghe theo cháu và Trần Khôn, nhân một hôm viên quan đầu triều Vi Xử Hậu đến phủ võ quan mà dựng lên màn kịch. Khôn giả nét chữ của viên võ quan ấy viết thơ phản lên bức tường ở hậu viên. Vi Xử Hậu được Hàn Ước lúi húi dẫn đi qua chỗ ấy lẻo mép nói với họ Vi khiến Vi Xử Hậu cả giận lập tức tấu lên Đường Văn Tông – Lý Ngang. Viên quan võ bị xử tội chết, Ước được họ Vi hứa phong chức quan.

Hơn tháng trôi qua, phủ võ tướng bị tịch biên, ba người bị đẩy ra đường mà vẫn chưa thấy tăm hơi của viên quan đầu triều. Trần Khôn đề xuất mang vàng bạc, dị thảo, quái thú tới phủ Tể tướng. Đến hai tuần, họ Trần mới gặp được tên quản gia phủ Tể Tướng. Lo lót ngót nghét đến cả trăm lượng vàng, Ước mới được nhận chức về An Nam.

Thoạt đầu Ước tỏ ý không toại nguyện, Trần Khôn và Hàn Lâm động viên:

"An Nam xứ biên loạn lạc xa với Trường An nhưng nghe nói chỗ ấy nhiều sản vật quý hiếm có thể sai khiến bọn dân lành xứ ấy cống nộp cho ta. Đất Hoàn Vương, Ai Lao cũng nhiều thứ kỳ lạ, lại phải qua chỗ ấy đi cống nạp Trường An, thời nào bọn ấy cũng để lại cho quan xứ ấy một khoản kha khá thế nên nhiều đời tiết độ sứ ở đấy nhanh chóng thăng quan."

Ước vẫn lo những gương Cao Chính Bình, Lý Tượng Cổ, Lý Nguyên Gia bị người Nam chống phá. Khôn mới cười khuyên:

"Đấy là những kẻ tham không biết lựa cách mà vỗ về bọn dân xứ ấy. Đại nhân cứ yên tâm, có Khôn này, xứ ấy ắt sẽ răm rắp nghe theo quan đô hộ".

Ước nghe theo được triều đình cấp binh, cấp lương dẹp loạn ở Giao Châu, chiếm lại trị sở Tống Bình ở La Thành cũng được quá nửa năm. Bạc vàng chẳng thấy, chỉ thấy xung quanh đất ấy toàn là những oán hận, tranh giành.

Nghĩa quân người Nam chiếm đến hai phần chỉ còn lại mảnh đất từ tả ngạn sông Cái về phía Đông Bắc thuộc sự quản lý của họ Hàn. Trần Khôn cũng đã u uất mà chết, Hàn Ước thất thần nói với người cháu:

- Xem ra vận số ta hẩm hiu. Bọn giặc man gian xảo giết hết ái tướng của ta, nay Trần Khôn đã chết, liệu còn có ai có thể giúp chú cháu ta giữ Tống Bình và đất An Nam này? Nếu ta trốn chạy liệu nơi nào sẽ có thể dung kẻ tội nhân triều đình này?

Hàn Lâm mím môi, nghiến răng đập bàn ghế nói:

- Bọn quân man thắng ắt sẽ kiêu binh. Cháu có kế này, cháu dồn binh từ Lục Châu quyết đánh với bọn nó một trận sống chết ở phía tây nam. Chú viết thư cho bọn thứ sử châu Ung, Quảng xin thêm viện binh. Chú cho gọi Định Hòa từ châu Quỳnh mang theo thủy binh đánh vào bọn giặc man ở dọc bờ biển châu Tống. Còn Giản Tâm hắn là một viên tướng văn võ toàn tài lúc này sẽ dùng được bọn châu Phong sẽ được dẹp yên.

Ước rối bời mà nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, Ước đâu còn sự lựa chọn nào khác nữa. Họ Hàn viết quân lệnh gửi các tướng. Ước mặt dày viết thư xin thêm viện binh và khéo vỗ Định Hòa mang thủy binh đến tiếp ứng.

Hàn Lâm kéo toàn lực binh lính phía đông bắc từ khắp các huyện ở châu Lục, huyện Chu Diên, các châu cơ mi phía bắc từ thành Nà Lữ, Phục Hòa đến tiếp giáp châu Bình Nguyên. Các tướng bỏ hết thành trì phía sau mang binh mã quyết đánh với nghĩa quân người Nam một trận cuối cùng.

Nói về Bình Nam thiện tướng Dương Chí Liệt, sau khi thắng lớn ở Vũ Bình, nghĩa quân liên tiếp được tăng viện từ Trường Châu, Man Hoàng. Các châu phía nam như châu Ái, Hoan, Diễn đều án binh bất động nghe ngóng quân tình của nghĩa quân họ Dương chiếm phần ưu nên không dám lấn ra phía bắc sợ rước họa vào thân.

Thời cơ đến kịp lúc các tướng dưới trướng họ Dương khí dũng đang lên, thắng lợi ngày càng tới gần. Dương Thanh ở Trường Châu nghe tin báo về vuốt râu cười lớn với Đặng Hoài, người mới được lệnh rút khỏi chiến trường vẫn còn chưa hay họ Dương đang có ý định gì, Thanh cười rằng:

- Hóa ra bọn giặc họ Hàn cũng chỉ có vậy. Chỉ là một lũ tép diu. Trận này phần thắng thuộc về quân ta phải đến tám phần, phải không anh Hoài! Xem ra ta phải có kế hoạch mừng công cho các tướng rồi. Ta gọi anh quay về Trường Châu là có ý muốn lập quân trạng cáo công của các tướng, phong đất chia thưởng cho tương xứng với công lao của các tướng. Anh thấy thế nào hả Hoài?

Hoài suy nghĩ hồi lâu, họ Đặng lo lắng e dè đáp:

- Bẩm tướng chủ. Mừng công là chuyện đáng nên làm, phong đất chia thưởng là việc cần phải thực hiện cho xứng với công lao của các tướng. Là một trong những người trực tiếp chiến đấu, tôi thiết nghĩ chuyện này hãy cứ để sau khi thắng trận cũng chưa muộn. Với lại Hoài tôi đâu có công trạng gì mà chia thưởng cho mọi người. Việc này, ngài hãy cứ hỏi Sĩ Giao. Anh ấy sẽ tốt hơn tôi ở việc này.

Dương Thanh đang say sưa men rượu nghe lời Đặng Hoài mà cụt hứng, phì rượu xuống mặt bàn nói lời nặng nhẹ với Hoài. Hoài phân trần nhưng họ Dương để ngoài tai cho rằng họ Đặng kém cỏi, có ý muốn cất nhắc họ Đặng nhưng lại chối từ. Hoài lại được họ Dương sai mang quân lệnh tới Vũ Bình phò giúp cho Chí Liệt.

Đăng Hoài tới chỗ của Bình Nam thiện tướng giao quân lệnh. Mặt mày ủ rũ của Hoài không che giấu được thiếu chủ họ Dương. Chí Liệt gạn hỏi:

- Anh Hoài có chuyện gì không vui mà thấy mặt mày ủ rũ như vậy? Phải chăng có tin xấu gì chăng?

Hoài lắc đầu thở dài, uống cạn bầu nước rồi đưa thư cho Chí Liệt. Chí Liệt sảng khoải cười lớn:

- Chắc thắng quá rồi đi ấy chứ! Đặng Hoài, ta hiểu cho nỗi lòng của anh. Thay vì ủ rũ, anh hãy cho ta một lời khuyên để đánh trận này chỉ có thắng.

Đặng Hoài nhìn khuôn mặt rạng rỡ của Chí Liệt thấy toát lên khí chất lạ thường mà thấy mừng ở trong lòng. Như trúng tâm can họ Đặng, Hoài hồ hởi nói với họ Dương:

- Tôi đến Trường Châu chỉ mong tướng chủ nói với tôi về trận quyết chiến sắp tới. Anh đã nói vậy, tôi thấy mừng lắm, mừng lắm! Chỉ có điều…

- Lại còn điều gì nữa à? Làm tướng phải quyết liệt, quyết đoán lên chứ. Anh nói ngay ra đây xem!

Hoài mặt hướng đông năm, mắt xa xăm nhếch mép chẹp môi:

- Nếu có…

Ngắt ngang lời họ Đặng, một tên mật thám chạy tới báo tin:

- Bẩm tướng quân! Bá Nam quân sư đã có mặt ở suối Yến. Thuyền đang theo sông Đáy ngược tới thành Đỗ Động. Hẹn canh Tuất sẽ có mặt ở Đỗ Động.

Đặng Hoài mắt sáng lên như thấy ánh nắng buổi bình minh, những nếp chân chim bỗng giãn ra căng mọng như tuổi còn đôi mươi. Tay chân bấn rấn, miệng lắp bắp nói:

- Tới rồi tới rồi. Vậy là tốt rồi!

Bình Nam thiện tướng nghe Sĩ Giao tới mà mừng khôn tả xiết quên bẵng đi những gì Chí Liệt và Đặng Hoài khi này còn đang bàn. Hai người nóng ruột nhấp nhổm, đứng lên ngồi xuống, cả buổi chỉ nói về họ Đỗ, ngợi ca những công lao mà Sĩ Giao đã đóng góp cho nghĩa quân và tình hình nơi phía đông nam Giao Châu, chẳng biết quân Triều đình yếu mạnh thế nào.

Không phải mất công chờ đợi đến canh Tuất, canh Dậu ba khắc, tiếng vó ngựa trong quân nghe khác lạ với mọi khi. Hoài đang lẩm nhẩm mấy lời liền mừng rỡ chạy ra ngoài phủ, mặt hớn hở, tay dang rộng chào đón Sĩ Giao:

- Thật là mừng quá! Cuối cùng thì anh Sĩ Giao cũng đã tới. Tôi và Bình Nam đang ngóng chờ anh từng khắc.

Chí Liệt vội vã bỏ chiếc thương trên tay, người nặng nề giáp áo cũng chạy ra phía ngoài, ánh mắt rưng rưng, hai tay ôm lấy đôi bờ vài của người anh em. Bình Nam vội kéo Bá Nam vào trong phủ, vừa đi vừa nói:

- Người anh em của ta! Nay Bá Nam đã tới đây, như đất hạn gặp mưa rào. Quả thật hết đỗi vui mừng! Hết đỗi vui mừng! Ở Tạc Khẩu đánh lên châu Tống, không quen thủy chiến, chắc hẳn Bá Nam chịu nhiều thiệt thòi rồi.

Sĩ Giao chân bước rảo, mặt mày mừng rỡ báo:

- Bẩm anh! Sĩ Giao tôi tới đây báo cho anh tin mừng. Châu Tống, Sĩ Giao đã bình định. Quân triều đình muốn ăn tươi nuốt sống nhưng gặp quân ta ngoan cường, ngày đêm quấy phá chúng theo từng nhóm nhỏ khiến bọn chúng kinh hãi mà lui về Xích Đằng. Châu Võ An, phía đông huyện Chu Diên, quân triều đình cũng bị đám nghĩa binh họ Nguyễn, người anh em với tôi chống phá, đốt phủ trại, đập bỏ huyện nha khiến chúng phải rút hết về Chu Diên. Xem ra những kế hoạch mà tướng chủ tính toán đều sắp tới hồi kết thúc thắng lợi cho quân ta. Nay được tin Vũ Bình đã được bình định, chỉ còn Tống Bình và các thành trì lân cận để quân Hàn tránh trú.

Đặng Hoài nghe những lời của Sĩ Giao mà nở nang mặt mày, sống mũi phồng lên, lòng đầy hào hứng hỏi Sĩ Giao:

- Vậy phần thắng sẽ chắc thuộc về quân ta rồi chứ?

Chí Liệt cười vỗ vai họ Đặng, tay phải nắm lấy tay Sĩ Giao kéo lại gần nói:

- Anh Hoài theo quân ta suốt chừng ấy thời gian chắc đã rõ mưu lược của Sĩ Giao. Nay Giao Châu hai phần đã thuộc về quân ta, chỉ còn mấy cái thành nhỏ kia đâu đáng gì phải không Bá Nam?

Sĩ Giao nở nụ cười, phe phẩy chiếc quạt lá cọ may viền vải ngồi xuống ngậm tách trà vừa được quân nhu hãm. Sĩ Giao khẽ nói:

- Các anh làm tướng người nào cũng đều nhìn thấy là sẽ thắng, hà cớ gì sẽ thua? Sĩ Giao tôi chẳng thể bàn được việc thua trận. Có chăng sẽ là khó khăn chút ít ở huyện Bình Đạo và Mê Linh. Thêm nữa sẽ có viện binh từ các châu phía Bắc.

Hai người đang chăm chú nghe lời bàn của họ Đỗ thì có kẻ xồng xộc lao thẳng vào trong điện, chẳng chút lễ phép, đám lính gác chẳng cản được gã. Ba người quay ra trông thấy một tên dị hợm, mặt chằng chịt lỗ rỗ, lộ rõ ra vết bớp và con mắt bị khuyết. Đỗ Tồn Thăng giọng ào ào, ôm vai bá cổ Sĩ Giao nói:

- Anh Sĩ Giao! Từ lúc em quay lại châu Phong đến nay đã được gần năm rồi. Anh xem Gã Quỷ này bị họ Triệu bỏ đói rũ xác ở trong tù mà tay chân giờ tong teo. Đáng ghét, các anh dùng kế này khiến em và Liêu Đức Thinh kia dở sống dở chết, cũng may mà qua mắt được họ Thi gian xảo kia. Không thì cũng toi mạng mất rồi.

Chí Liệt cười hả hê:

- Không phải Triệu Cường thì Vương Thăng Hùng đã cho các anh về với tiên tổ rồi, chứ đừng có nói đến chuyện lập công. Bộ dạng anh vẫn vậy, có chăng chỉ là xọp xẹp đi đôi chút. Phải không các anh?

Đặng Hoài và Sĩ Giao cười. Đột nhiên tắt nụ cười, vị quân sư họ Đỗ nắm lấy bàn tay chai sạm của Gã Quỷ, mừng rỡ chạm vào khuôn mặt đáng sợ của Gã mà rưng rưng nói:

- Người ta nói Tồn Thăng đáng sợ, đáng ghét mà đâu có ai biết được cái vẻ đáng yêu ấy của em ta đâu. Thiệt thòi cho em ta quá, chú gầy đi nhiều quá. Cố gắng mà ăn uống cho thật nhiều, lập nhiều chiến công làm rạng danh họ Đỗ ta. Chiếc mặt nạ da dê của chú đâu?

Không gian lắng xuống, Gã Quỷ cười hề hề:

- Vứt đi rồi! Em thấy nó nhớp nháp, cáu bẩn hôi rình nên bỏ nó đi rồi.

Chí Liệt vỗ vai Gã Quỷ:

- Ta có chiếc mặt nạ bằng sắt tráng bạc. Ta sẽ tặng anh, chỉ có điều…

- Điều gì? Muốn ta đánh địch phải không?

Chí Liệt cười khẽ nói vào tai Gã Quỷ. Gã Quỷ kéo tay Chí Liệt ra ngoài sân phủ điện, vừa đi vừa nói:

- Được. Ta với anh sẽ thử tài, xem kẻ nào cao thấp. Ta sẽ lấy chiếc mặt nạ đó của anh.

Hai người luyện võ giãn gân giãn cốt được chừng ba mươi hiệp thì có quân báo về La Thành đại loạn, Hàn Ước lúng túng không biết phải làm sao sai Hàn Lâm mang lính đi đàn áp đám dân chúng nổi loạn trong thành. Đám dân La Thành biết tin nghĩa quân sắp tới nên người nào kẻ nấy gậy gộc chống cự lại quân triều đình ngày càng gay gắt.

Đặng Hoài nghe tin thảng thốt hỏi:

- Các anh có nghe thấy không? La Thành bỗng dưng sinh loạn. Chuyện này tôi không phải nghe nhầm đấy chứ?

Chí Liệt dừng trận đấu võ với Gã Quỷ nhìn Sĩ Giao với vẻ mặt đầy ngạc nhiên:

- Trước giờ đám dân ở La Thành tuân lời họ Hàn răm rắp. Chẳng hay chuyện gì đã xảy ra?

Tin quân tiếp tục báo về:

- Bẩm các tướng quân. Ở La Thành, có một người tự xưng là con trai cả của Dương tướng chủ, dẫn đầu người dân trong thành cùng với hai người nữa tên là Trương Tính và Tô Trực Hiến bao vây phủ điện quan đô hộ. Hàn Ước ở trong phủ điện lo lắng, đám lính không sao đàn áp được dân La Thành. Hàn Lâm ra sức chém giết nhưng không cự nổi dân trong thành hô hào. Bọn lính tráng nhiều đứa cũng trở mặt giúp dân trong thành chống lại binh lính triều đình.

Gã Quỷ, Đặng Hoài tròn dẹt con mắt chưa hiểu chuyện gì xảy ra, Sĩ Giao cầm chiếc quạt lá cọ cười lớn:

- Hay quá! Ta đoán rằng người cầm đầu cuộc nổi loạn đó là anh cả Chí Trinh. Ta nghe hai cái tên Trương Tính và Trực Hiến thật quen. Đâu đó ta đã từng nghe qua.

Chí Liệt sảng khoải cười:

- Nào! Còn chờ gì nữa các anh em! Tống Bình thẳng tiến, chiến thắng sắp thuộc về quân ta. Chẳng phải kế sách của Sĩ Giao không đánh cũng tự thắng rồi đó sao. Sĩ Giao quả nhiên có con mắt nhìn xa trông rộng.

Đặng Hoài xưa nay nhanh trí nhưng chuyện này quá bất ngờ còn chưa mường tượng được chuyện gì đang xảy ra. Gã Quỷ hỏi như thay lời họ Đặng:

- Có chuyện gì vậy? Sao chưa đánh trận đã thắng? Các anh không đùa tôi đấy chứ?

Sĩ Giao vẫy quạt gọi Gã Quỷ:

- Chú có nhớ năm trước chuyện hai viên công tử Vương Thăng Đức và Kiều Chung Tiềm ở La Thành thời đô hộ Lý Nguyên Gia chứ?

- Có nhớ.

- Vậy đấy…

Đặng Hoài cố nhớ những gì đã từng biết, Chí Liệt và Sĩ Giao mừng rỡ cười nói hả hê. Dương Chí Liệt cùng các tướng Đỗ Tồn Thăng, Phạm Đan, Hà Bình Xuyên, Cao Văn Trác lũ lượt kéo quân về phía đông vượt sông Đáy chiếm được La Thành một cách dễ dàng. Hai chú cháu họ Hàn nghe đâu chạy vừa ra khỏi cổng thành phía bắc thì bị dân chài ở hồ Dâm Đàm chặn vây tới tấp. Sau đó có người kể lại hai người đó dùng đội cái đánh dậm chạy ra bờ sông rồi vượt sông Cái về phía bắc.

Lúc quân chiến thắng trở về Đỗ Động, Sĩ Giao đứng trên thành ngóng tin đúng lúc vừa hay có tiếng đàn bầu cất lên những lời thánh thót. Sĩ Giao ngâm nga mấy lời theo làn điệu mà người Luy Lâu vẫn thường hát:

"Giao Châu có La Thành be bé

Dòng Nhị Hà thuyền rẽ làm hai

Anh hùng võ tướng dương oai

Sĩ điều mưu trí hiền tài an dân

Năm xưa ấy núi gầm oán thán

Để giờ đây bình thản nước trôi

Hỡi cô thiếu nữ xuân thời

Thương anh lính trẻ kết lời thành duyên

Giặc giã đến bình yên đâu nữa

Anh đi rồi chất chứa buồn vui

Mắt quầng ngóng chốn xa xôi

Mũi cay khóe mắt lệ rơi đôi hàng

Ôi ta giận trái ngang dân chịu

Gột sạch đi bẩn thỉu giặc tham

Cánh chim phương bắc về nam

Tìm nơi gió ấm đại ngàn hoan ca…"

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương