Giống Rồng
Chương 11-1: Cọp cõng rắn vượt dòng thác dữ

Giống Rồng

Tác giả: Nguyễn Khai Quốc

Hồi thứ mười một:

Phá đồi cọ, Gã Quỷ chém rắn hổ.

Vượt ải tử, Thứ sử khóc tôi hiền.

Chương 11.1 Cọp cõng rắn vượt dòng thác dữ

Mùa đông, tháng chín, dòng nước sông Cái nước trong vắt, vỗ về đôi bờ cỏ xanh mượt, dòng chảy dịu dàng, êm ái như người con gái đã quá tuổi thanh xuân.

Lý Nguyên Hỷ đã may mắn thoát nạn tử sang tới bờ đông, thành Long Biên khi đó quân triều đình mới giành lại được. Bờ bắc dòng Thiên Đức là đội quân hùng mạnh của châu Phong đang hừng hực khí thế sau khi chiếm được La Thành, trị sở Tống Bình.

Bốn tướng uy dũng nhất dưới trướng của Nguyên Hỷ đều đã bị bắt giết. Chỉ còn vài viên tướng quèn chưa kinh qua trận mạc khiến Nguyên Hỷ càng thêm nặng trĩu.

Tóc đã rụng nửa mái đầu hoa râm, môi dưới dính môi trên chỉ ngậm được chút nước gạo mà đám người hầu chạy vạy từng bữa trong quân. Người như đã dưới tám tầng âm ti, Nguyên Hỷ gọi bọn hầu lại vào bàn kế sách cuối cùng để mong thoát nạn diệt vong.

Trong lúc bàn chuyện, quân lại báo về hai viên tướng Trương Hàm, Lương Khúc trấn thủ Loa Thành bị quân đội của Vương Thăng Triều đánh lui, thành trì bị đốt cháy, dân chúng bỏ thành chạy theo quân của họ Vương lên đến bảy tám nghìn người.

Lý Nguyên Hỷ nhắm mắt nằm trên giường mà không thể bàn thêm lời nào. Từng hơi thở thoi thóp càng khiến cho đám hầu lại, tướng tá cảm thấy lực bất tòng tâm.

Trong lúc toàn quân chuẩn bị loạn, một số tên nho hủ bàn kế muốn đầu hàng, các quan võ tướng cũng ngậm ngùi đành theo. Cùng lúc ấy, có một người xưng là sứ của Vương Thăng Triều tới gặp quan đô hộ cùng thuộc hạ để dụ ý chiêu hàng.

Như chó đói giành được mồi, bọn nho hủ vội vàng cho mời viên sứ của họ Vương vào trong phủ điện để bàn chuyện muốn hàng họ Vương. Các tướng Giả Thanh, Giả Không không muốn bàn chuyện mà tự ý rút hết quân từ Long Biên cùng Nam Định đi về phía đông bắc tới châu Lục.

Nguyên Hỷ nằm trên giường mà như chết không hay chuyện gì đang xảy ra. Bọn nho hủ bàn với nhau, cắt lấy đầu Nguyên Hỷ để dâng lên Vương thứ sử làm quà ra mắt. Nhưng không may cho bọn chúng chưa kịp làm điều đó thì bị tướng Bục Đồ phát hiện liền sai đám lính còn sót lại trong thành giết sạch đám hủ nho.

Viên sứ của Thăng Triều đi tới bờ sông thì bị người của Bục Đồ đuổi theo bắn tên trúng vai. Vừa thất thanh kêu la thì một đoàn thuyền từ phía hữu ngạn sông Cái đổ bộ sang chém giết đám quân của Bục Đồ. Bục Đồ vội vàng chạy vào trong thành, lấy chăn chiếu quấn lấy tấm xác vẫn còn đang thở của Lý Nguyên Hỷ phá cửa thành chạy tới bờ sông Thiên Đức phía nam Luy Lâu.

Ngựa chạy được đến đoạn sông cong cong, bờ hoắm một bên bỗng có cơn gió thổi ngang khiến chiếc chiếu quấn xác của Nguyên Hỷ rơi xuống dưới bờ đất. Quân của Thăng Triều chạy tới thấy có trận gió mạnh liền quay đầu không đuổi theo nữa Bục Đồ mới thở phào nhẹ nhõm.

Đồ xuống ngựa quấn lại chiếu chăn, xếp gọn xác vẫn còn hơi ấm của Nguyên Hỷ, tiếp tục chạy theo sông Thiên Đức tới châu Lục. Đội quân của Thăng Triều do viên tướng tiên phong là Đào Mục thấy cơn cuồng phong tan ngay liền chạy đuổi tiếp.

Chạy qua núi Thiên Thai, tới chỗ ngã ba Trì (Mỹ Lộc), ngựa mệt Bục Đồ đành phải dừng lại cho ngựa ăn cỏ uống nước. Một lát sau đã thấy quân của Thăng Triều đuổi gần tới, Bục Đồ đành phải bỏ ngựa ở lại, cởi giáp trụ, ném mũ sắt xuống dòng nước, lướt chiếc thuyền độc mộc đang neo ở bên phía bờ qua sông về phía đông.

Cõng trên lưng là thần gầy ốm o của Nguyên Hỷ, Bục Đồ chạy được chừng bảy dặm đường nhọc nhằn thở không ra hơi, đành dựa Nguyên Hỷ vào một gốc cây đa ven đường, phía trước là bãi sậy mọc cao hơn đầu người lớn, Bục Đồ chọn chỗ ấy nơi ẩn nấp quân truy sát của Châu Phong.

Bục Đồ lần ra đến bờ sông ghi hai chữ Kinh Thầy khắc trên bia đỏ, thầm cảm ơn trong bụng đã tới đất châu Lục do viên tướng Mã Thực mới chiếm lại được từ tay của Man Hoàng. Có tiếng xục xạo quanh bờ sông, Bục Đồ sợ hãi trốn vào gốc cây đa lớn, lấy cây sậy đắp phủ lên người mình cùng với Nguyên Hỷ.

Nghe giọng nói không phải người châu Phong, Bục Đồ thấy an lòng, nhưng không dám ló nhìn ra ngoài. Có tiếng vó ngựa tiến sát lại gần gốc đa lớn, tiếng cười nói càng khiến Nguyên Hỷ run lên bần bật, tiện ra lúc nào không hay.

Nước tiểu len qua mấy cây sậy chảy tới chỗ bóng cây đám lính đang ngồi. Bọn lính hỏi nhau đứa nào vừa đi bậy rồi cười nói với nhau í ới. Bục Đồ thấy Nguyên Hỷ cựa người do bị kiến đốt, Đồ thò tay xoa xoa người cho viên cựu đô hộ.

Nguyên Hỷ bị kiến bò vào trong lỗ mũi, Nguyên Hỷ đau chảy nước mắt mà không thể kêu la. Một tên lính kể với những tên còn lại rằng:

- Triều đình lại sai một viên sứ nữa tới Giao Châu. Hiện đang đi tới Lục Châu, ghé qua chỗ của Mã Thực tướng quân.

- Nghe đâu Tống Bình đã bị người của châu Phong chiếm được rồi. Đám tướng tá chạy hết loạt tới cậy nhờ Mã Thực tướng quân đó. Ta vừa đi từ thành Chi Phong đi qua núi Châu Cốc thấy đám Giả hòa thượng cầm theo một đội quân đi qua. Chắc hẳn là bọn chúng rồi. Chẳng biết rằng viên đô hộ mới sẽ đánh nổi đám người châu Phong đó hay không. Hay cũng giống viên đô hộ Nguyên Hỷ đáng thương kia.

Bục Đồ nằm im nghe đám lính nói chuyện với nhau dưới tán cây chùm rộng như chiếc lõng, nói về viên thứ sử mới họ Hàn, bàn về câu chuyện những ngày qua đất châu Phong nổi loạn lấy Tống Bình. Bọn chúng nói thao thao bất tuyệt cho đến khi mặt trời nghiêng bóng mới chịu đi.

Tên lính giọng nói tếu táo nhất bỗng hẹm giọng nói với cả đám:

- Cù tướng quân sai chúng ta đi mời thầy tướng số ở núi Thiên Thai về để xem cho tướng quân một quẻ. Nay trời đã ngả chiều, mà sang bên kia sông chỉ e rằng gặp phải bọn lính Giao Châu bỏ trốn trông thấy mình bọn nó lại nghĩ là địch mà giết. Mà không thì lại gặp bọn lính phản loạn đuổi lính Tống Bình chạy tới đây, nào khác gì nộp mạng cho bọn nó. Thôi ta hãy cứ về trại báo với Cù tướng quân một lời rằng thầy tướng ấy nay đi vắng. Ngày mai chúng ta lại quay lại vậy thôi.

Một tên khác giọng chân chất góp lời:

"Nhưng mà Cù tướng quân có tin tưởng bọn mình thì mới giao việc cho. Đã cả tuần nay rồi, cứ đến chỗ này các anh đều dừng ở chỗ này ngồi dưới bóng cây nằm ngửa nhìn tổ ong, bàn chuyện thiên hạ, đến khi ngả chiều lại cưỡi ngựa tức tốc về giả như việc gấp gáp nên Cù tướng quân chẳng nghi ngờ gì.

Tôi là tôi thấy nói dối Cù tướng quân mãi như vậy thành ra sẽ có kẻ nghi ngờ. Chi bằng ta hãy cứ qua bên sông đó một phen. Dẫu sao thì Cù tướng quân và đám hào trưởng đất bên đó cũng là chỗ thân tình, chắc sẽ chẳng sao đâu. Mà nhỡ may Cù tướng quân có hỏi đất bên ấy thế nào, sông núi đi ra sao thì còn biết đường mà trả lời.

Các anh nghe tôi, trời vẫn còn sáng, nay mới độ lập đông, ngày còn dài, ta vượt con nước mà sang bên ấy xem sao. Ta nghe nói vị thầy tướng đó nổi tiếng về nhìn người đoán mệnh, chạm tay mà đọc tâm can người khác, có thể nhìn thấu tương lai chỉ bằng ánh mắt nhìn. Nghe giọng nói biết kẻ sống chết dài ngắn ra sao.

Ta lại nghe được trước đây vị thầy tướng ấy đi theo Cù tướng quân giúp Cù tướng sắp xếp các hòn đá trong nhà, lại cho cây vườn thẳng tắp hai lối đi ấy nên Cù tướng quân mới vào châu Lục đuổi Man Hoàng, lập công giúp triều đình, công lao chẳng kém gì Mã Thực tướng quân. Chỉ tiếc rằng vị thầy tướng đó sợ bị liên lụy, phúc phần bị tiêu hao mà xin cáo lui đã hai năm nay.

Cù tướng quân có nghe trong dân gian thầy đó ở chỗ núi nhìn ra phía bắc có bờ sông Thiên Đức mà muốn tìm gặp nên mới sai chúng ta vượt sông đi tìm vị ấy. Nếu có cơ duyên gặp được vị ấy chẳng phải là phúc hay sao. Biết đâu, khi chúng ta biết trước được số mệnh của ta thì mọi việc sẽ khác.

Anh Huề sẽ không làm lính dọn củi, xúc phân ngựa. Anh Diệc sẽ không phải ngày ngày mang cơm cho bọn tù nhân suốt ngày chỉ kè kè mang cùm đánh người khác nữa. Các anh thấy có phải không? "

Tên lớn tuổi nhất trong đám, miệng ngậm lá sậy, tay von vón ria mép, nhếch miệng cười:

- Đúng là lừa người. Xưa trong hương ta cũng có một tên nhận mình biết số này mệnh kia. Coi cho đám này đám khác đều ra được vinh nhục, hỷ họa. Đấy, xem cho năm người, ai cũng răm rắp nghe theo, ba thằng mù mắt, một thằng què chân. Lại đổ thừa cho mấy người đó ý thức không tôn nghiêm nên mới thành ra như vậy. Mấy trò lừa bịp đó ta không có tin. Chỉ tin vào cái bụng này thôi, đói thì nó réo như nước đun sôi, còn no thì ì ạch như cả tạ chì trong bụng.

Nghe đám lính nói chuyện một lúc lâu, bọn chúng quyết định quay về mà không qua sông đi tìm vì thầy tướng kia nữa. Bục Đồ định bụng rằng đợi lúc đám lính đó đi thì quay lại chỗ bờ sông tìm đến thầy tướng số đó để mong được giải đáp những ẩn khuất trong lòng. Nguyên Hỷ khẽ nói vào tai Bục Đồ:

- Nếu Bục tướng quân có ý tìm tới vị cao nhân ấy thì hãy cứ để Nguyên Hỷ ở lại chỗ này. Ta chỉ tiếc không thể trở về bắc phụng dưỡng cha mẹ già, đền ơn với Phùng Cát tướng quân đã nâng đỡ ta từ tấm bùn nhão thành miếng sành miếng sỏi.

Bục Đồ đáp lời viên cựu đô hộ:

- Mạt tướng song thân già yếu, lại lêu lổng theo đám thanh niên trong thành Đại La suốt ngày quán xá, chơi bời, nhờ ơn đô hộ tướng quân chỉ đường dắt lối mà song thân an nhàn tuổi xế chiều, bản thân lại được tin tưởng làm tướng cận hầu cho đại nhân. Bao nhiêu ơn đức của đại nhân với kẻ làm tôi tớ này dẫu có đi vào lửa bỏng, dầu sôi cũng cam lòng miễn sao đại nhân bình an vô sự.

Nguyên Hỷ nhíu mày, nước mắt ứa ra. Bục Đồ cúi thấp ngươi mang vị đô hộ trên lưng cõng đi tới bờ sông khi nãy băng qua con nước lạnh lẽo bằng con thuyền độc mộc mục nát.

Ánh mắt mừng rỡ khi thấy con ngựa vẫn đứng nhởn nhơ uống nước, gặm cỏ bên bờ, Bục Đồ liền đặt Nguyên Hỷ lên lưng ngựa, đôi chân mỏi mệt bước đi quay trở lại phía tây hướng tới núi Thiên Thai mong tìm được duyên hạnh ngộ với cao nhân.

Trời sẩm tối, hai người bọn họ đói lả ngồi cạnh một gốc cây dâu dại. Bục Đồ kiếm một chút quả dại ngọt nếm thử rồi mang cho Nguyên Hỷ ăn tạm. Lấy áo thấm nước ở dòng kênh vắt vào miệng cho vị thứ sử nằm thoi thói trên đám lá cây mà Bục Đồ trải ra không êm ái nhưng mà ấm áp biết bao.

Nguyên Hỷ nhìn ánh trăng vằng vặc hỏi Bục Đồ:

- Đã bao nhiêu tuần trăng mà tướng quân chưa được ngồi yên thưởng ngoạn chị Hằng trên bầu trời xa ấy.

Bục Đồ cười méo xệch miệng, bụng réo, tay thô ráp vắt chiếc khăn nước vào miệng. Khà một hơi, Bục Đồ đáp lời viên cựu đô hộ:

- Từ lúc theo hầu đại nhân đến nay cũng đã được ngót nghét ba năm. Cũng chừng ấy chưa được ngồi thưởng trăng. Dẫu có cũng chỉ dám liếc nhìn, mượn ánh sáng mờ của nó mà dẫn binh đi tập kết, hạ trại, dàn quân đánh địch trong đêm.

Bục Đồ nghe tiếng có con thú nhỏ vừa chạy qua liền lấy dao nhỏ bắt lấy, xẻ thịt rồi hì hụi châm lửa nướng thơm. Xé từng miếng nhỏ cho Nguyên Hỷ lẩn nhẩn trong miệng để qua cơn bĩ cực.

Bục Đồ ăn hết phần thịt nướng, tìm thêm hai vạt lá cọ, lá chuối đắp lên người mong cho cơ thể ấm áp hơn dưới mờ sương mùa thu lạnh lẽo. Nguyên Hỷ mặt bớt xanh xao dưới ánh trăng, miệng như người mới ốm dậy đắng ngắt mà nói với Bục Đồ:

- Ngày mai, tướng quân hãy để ta tự đi, ngựa đó đem đổi lấy chút bạc, mua một chút lễ lạc tới miếu nhỏ ở dưới chân núi. Ta nghe đám hào lại địa phương nói rằng ở đó có thần núi thiêng lắm, thắp nén nhang thơm, bày chút lễ mọn để tỏ tấm lòng thành chắc nhà ngươi không phản đối ta chứ.

Bục Đồ tỏ vẻ không đồng tình, khuyên can lời của Nguyên Hỷ. Nguyên Hỷ lắc đầu nhắm mắt cố chìm sâu vào giấc ngủ. Bục Đồ thổi cho lửa cháy lớn hơn để phả hơi ấm, xua tan sương lạnh.

Hai người nằm giữa đất trời, tiếng ngáy của vị tướng quân ầm ầm như vách đổ khiến bọn hổ báo, sói lang, mãng xà phải thật nhanh lướt qua không dám quay đầu nhìn lại.

Sáng ngày sau, Nguyên Hỷ tỉnh táo mang mảnh sành vỡ ra chỗ bờ kênh múc lên mấy miếng mát lành. Nguyên Hỷ thấy Bục Đồ nằm co ro hướng lưng ra ngoài trời lạnh, chân tay rúm ró như trẻ con nằm trong nôi. Nguyên Hỷ gọi Bục Đồ dậy, Nguyên Hỷ dặn với Bục Đồ rằng:

- Khi sáng ta dắt ngựa vào trong làng đổi lấy mấy lượng bạc. Ta thấy có hoa cúc thơm nên mua chút men nếp, hoa quả để tỏ lòng với bậc thần nhân. Mong Bục tướng quân thuận theo ý ta mà tới chỗ thầy tướng đó.

Nói rồi, lễ vật dâng lên, nhang đèn đủ đầy, Nguyên Hỷ bái ba lạy dưới chân núi thì có một người dáng dấp thư sinh, râu con kiến, mặt trái xoan, mái tóc đen nhánh đi tới hỏi chuyện:

- Có phải hai người là khách quý tới từ Tống phủ hay chăng?

Nguyên Hỷ thấy người này không quen, nghi ngờ kẻ xấu liền hỏi:

- Anh là kẻ nào? Sao hỏi hai bọn ta như vậy.

Anh chàng thắt chặt mảnh khố, cúi thấp người chào Nguyên Hỷ:

- Nghe giọng ngài chắc hẳn là một vị tôn trưởng. Không phải giọng người Giao Châu. Tại hạ là Doãn Xanh, người ở làng phía dưới núi. Theo thầy tướng Đàm Tiên Thố đi đó đây giúp người sống tìm anh em thất lạc, giúp những linh hồn phiêu bạt về với gia đình. Thầy có nói với tiểu sinh rằng khi chiều qua có khách quý đi qua. Nhân duyên sẽ đưa người đó quay trở lại. Dáng vẻ thầy tả chắc hẳn không ai khác ngoài hai vị.

Bục Đồ dạm hỏi:

- Nhà anh chớ có nói xàm ngôn. Bọn tôi chỉ là thứ dân thường, đi qua đất này không tìm được chỗ nương nhờ nên mới ngủ chỗ này. Chắc anh nhận nhầm người rồi.

Doãn Xanh quan sát đôi mắt của viên cựu thứ sử, nghe giọng nói của Bục Đồ mà nói tiếp:

- Đàm sư phụ có dặn học trò, nếu hai người đó chối từ thì nói lại với hai vị rằng "Sức ngài chỉ có thể dựng được một chiếc thành nho nhỏ, sau đây nửa trăm năm ắt có kẻ dựng thành to rộng. Nước sông chảy ngược chỗ thành phủ nhiều năm mà đâu hề ai để ý đến, ngài nằm mộng ngao du mà trông thấy nước sông chảy ngược đấy mà biết có kẻ phản nghịch. Dẫu ngài có trông thấy, nhìn rõ ràng cũng chỉ biết đứng trong dòng nước ấy chảy ngược. Sức ngài cũng không thể đổi được dòng nước ngược ấy."

Nguyên Hỷ như bị tên bắn trúng vào óc, giật mình thảng thốt:

- Xin hỏi vị cao nhân đó đang ở chỗ nào?

Doãn Xanh suy suy xét xét, lẩm nhẩm trong miệng:

- Giờ này đã quá nửa canh thìn, nếu như lời sư phụ nói thì đã tới Tống Bình phủ.

Bục Đồ quắc mắt nhìn Doãn Xanh, gầm gừ hỏi:

- Tới Tống Bình? Phải chăng tên đó là người của họ Vương.

Doãn Xanh tặc lưỡi, suýt soa nói với hai người:

- Trước khi đi, ngoài lời dặn dò đó sư phụ tiểu sinh còn gửi lại một lá thư cho vị hiền quân. Trong hai người, tại hạ nhìn thấy thì chắc là vị này, chân tay nhỏ nhắn, khuôn mặt nhỏ nhắn, gò má hõm xương. Vãn bối xin được dẫn hai người vào trong núi, ba gian nhà trống của sư phụ để đưa cho hai vị.

Lý Nguyên Hỷ cùng Bục Đồ bước vào phía trong núi.

Cảnh vật hoang vu, chim thú không nhiều, chỉ có tiếng chó sủa, gà kêu bên trong mảnh vườn giữa núi. Doãn Xanh đưa hai người vào trong ba gian nhà tranh, vách nứa, những hình vẽ tướng tá con người, hình nhân, điểm nốt. Không có sách cũng không có thẻ tre, những bức tranh mộc mạc mô tả dáng người với những chân tay, gò má, chóp đầu, khoảng trán rộng hẹp,… mỗi bức một vẻ, không giống nhau tất cả đều được vẽ trên vải thô ráp treo trên vách nứa.

Bục Đồ hỏi Doãn Xanh:

- Chẳng hay những thứ này Đàm Tiên Thố đó có được từ đâu?

Doãn Xanh cười:

- Những thứ ấy là do tôi vẽ ra, tôi chép lại những lời mà thầy tôi nói thể hiện thành tranh vẽ. Có vậy mới dễ học dễ nhớ.

Nguyên Hỷ tấm tắc khen:

- Quả là bậc kỳ tài. Chỉ tiếc rằng không có duyên hạnh ngộ.

Doãn Xanh tìm được bức thư liền đưa cho Nguyên Hỷ. Những nét bút họa trên vải lụa như rồng bay phượng múa, Nguyên Hỷ chăm chú đọc không dứt được. Bục Đồ tò mò nhìn vào bức thư, đọc lớn:

"Sứ quân ủy cho thần nhân Long Đỗ làm chủ thành, có lòng giáo hóa dân chúng ở Tống Bình mà cái gương không sáng, phàm đều không tuân theo lẽ phải mà hành xử. Đó là cái tội với chúng dân, với sự tin tưởng của thần Long Đỗ đã báo mộng cho ngài.

Phía tây bắc chim hạc no đủ, sung túc, bầy đàn đông đúc, không đủ chỗ dung chứa. Chúng liền bay tới, phủ trắng bầu trời Giao Châu, cái đó là lẽ rất tự nhiên của thiên nhiên vậy.

Trong cơn hiểm ác, Sứ quân dẫu không phải bậc hiền nhân với tài đức nổi trội nhưng cũng không phải là kẻ tầm thường, nhưng số mệnh không như hoa nở, nụ héo trên cành phải đành bứt cả cuống nụ. Thật may cho sứ quân có bậc trung nghĩa dốc lòng mà vượt qua cơm hiểm ác.

Lương duyên với đất Nam chắc có lẽ chỉ tới đoạn như vậy, có kẻ khác sẽ dẹp được yên. Ta xem thiên mệnh thấy có sao đổi ngôi liên tục, ngôi sao sáng đi về phía đông, bụng nghĩ sứ quân sẽ đi qua chỗ của ta. Bấm được thêm thì thấy được sau sứ quân chừng chín năm nữa người Nam sẽ thuần theo Bắc chủ.

Chỉ là cơ duyên của sứ quân chưa đủ mà đất nam không theo lễ pháp của sứ quân. Sứ quân hãy sớm ổn định tinh thần, trở về đất bắc, an nhàn nông gia, chớ quay lại đất này thêm một lần nào nữa."

Nguyên Hỷ đọc từng chữ mà lòng như dao cắt, nước mắt ào ra không sao mà ngăn được. Lời nói vang vang của Bục Đồ bên tai không làm cho viên cựu thứ sử lung lạc.

Nguyên Hỷ xin để lại dấu chữ, dâng lễ vật, nhang đèn thắp lên bàn thờ ghi hai chữ Trời, Đất. Doãn Xanh xin nhận lấy lễ vật, hương hoa, lại dắt một con ngựa từ phía sau gian nhà cho hai vị quân tướng.

Bục Đồ trông thấy ngựa, mắt long lanh mừng rỡ cảm tạ Doãn Xanh:

- Là Tiểu Hoàng Mã của tôi đây mà. Sao lại có ở chỗ này? Chẳng phải khi sáng ngài nói là đã bán cho người trong làng rồi sao.

Doãn Xanh khẽ cười đáp lại rằng:

- Trong tâm có duyên, duyên hồi đáp lại. Đường xa hai vị hãy bảo trọng.

Doãn Xanh đi vào trong nhà, mang theo hai bát nước trong, sánh sánh hạt sen mời hai người. Nguyên Hỷ cùng Bục Đồ nhận lấy tấm lòng, Hỷ lấy trong người một chiếc trâm cài màu xỉn đặt xuống dưới đất rồi cúi chào Doãn Xanh dắt ngựa đi.

Đoạn tới chân núi có một con ngựa màu trắng, Nguyên Hỷ lên lưng ngựa, chẳng một lời quát tháo, tay không nhích dây cương mà ngựa tự chạy về hướng bắc. Từ bấy giờ, chẳng ai trong xứ Giao Châu nhìn thấy Lý Nguyên Hỷ cùng hầu tướng Bục Đồ.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương